NGUYỄN THÚY HẰNG

GIÓ

NGUYEN THUY HANGNgôi làng nằm chênh vênh giữa một khoảng đất lớn, nó không hẳn là cao nguyên, không hẳn là đồng bằng. Nhìn từ xa, ngôi làng trông giống cây nấm độc sần sùi, màu mè và to ụ nằm nghiêng nghiêng trên mảnh đất cong veo. Vì địa thế kỳ quặc mà ngôi làng cũng trải qua nhiều phen thay đổi lớn. 

Mới đầu, họ chỉ là một túm năm người đến đây, nhưng chỉ sau hai năm, tám đứa trẻ ra đời, nâng dân số lên thành mười ba người. Con số tăng nhanh cũng không lấy làm ngạc nhiên, vì khi ấy, Bố trong một đêm mưa gió quyết định giao phối với bốn người phụ nữ còn lại. Năm đầu họ đẻ ra bốn đứa nhóc. Năm thứ hai thêm bốn đứa nữa, chưa kể một trong số bốn người phụ nữ phải mang bầu đôi hai đứa, nhưng khi chị rặn ra thì chúng chỉ là hai nắm đất nâu, bé tẹo nằm trong bàn tay. Mọi người hãi quá bèn vùi hai nắm cát vào bếp lửa, chúng cháy xèo nhanh chóng và tỏa ra mùi giun đất nồng nặc. Nhưng hai tuần sau, tại chiếc giường đơn sơ làm bằng củi ghép lại, người phụ nữ ấy ngủ một giấc say chưa từng có, rồi chị mơ thấy ngôi làng trống không, chị vừa đi vừa khóc vì bụng đói cồn cào, thế rồi chị bốc cát mà ăn, ăn cho đến bụng no kềnh ra thì chị bắt đầu thấy đau bụng đi tiêu, nhịn thế nào cũng không được nên chị đành ngồi thụp sau gốc cây và rặn. Lúc ấy trời gần sáng và mọi người kinh hãi khi nghe tiếng trẻ con khóc từ chỗ chị nằm. Mọi người chạy đến thì thấy một đứa bé nằm ngo ngoe giữa lòng người mẹ. 
Nhưng rồi vụ sinh nở bất thường này cũng nhanh chóng trôi qua vì mọi người phải quyết định nên sống ở phần cao hay phần thấp của miếng đất. Phần thấp thì có vẻ rộng rãi nhưng ngược lại đất đai không được màu mỡ lắm, vả lại họ cũng sợ lụt lội đến chẳng biết nấp vào đâu. Họ muốn dời lên phần cao nhưng trên ấy lại có một đặc điểm là không hiểu tại sao gió khắp nơi tụ về, bay phần phật, chạy theo từng luồng, từng ống hoặc đôi khi giãn ra như cái lưới đánh cá, quăng ập từ trên mái đầu xuống. Nghĩa là, gió có mặt khắp nơi và không một vật gì nằm yên được với nó. Nhưng không vì thế mà vạn vật lại chịu thua cơn gió này, cây cối và các loại rau ăn được lại thi nhau mọc liên tiếp và phát triển hơn cả các loại cây phía vùng đất thấp. Thế là Bố quyết định chọn phần đất cao nhưng với điều kiện là phải xây một bức tường dài, kiên cố để chặn cơn gió. Ông và bốn người phụ nữ bỏ công sức để xây lên bức tường này. Họ xây theo kiểu đoán hướng gió, nó chạy đến đâu thì họ dựng tường chụp nó đến đấy. Nhưng gió ở đây thật chướng, thổi bốn bề và di chuyển theo muôn hình vạn trạng. Cuối cùng, bức tường dựng lên với lối kiến trúc thật kì lạ: hình dạng một con nhái khuỳnh chân ngồi ôm ngôi làng.
Mỗi tối, tôi thường ngồi một mình tại cái cây có chạc ba duy nhất trong làng. Mọi cây cối ở đây đều thẳng đuột mọc từ rễ hướng lên trời, xum xuê lá hoặc quả, nhưng tuyệt nhiên chúng tôi không biết được tên chúng là gì, từ đâu tới. Bố nói đó là dấu tích do những cơn gió khi xưa để lại, nó xoáy lung tung mọi nơi và khiến những cái cây không thể mọc cành được nữa, nhưng trông chúng vẫn xanh tốt và ra lá đều. Tôi luôn thắc mắc tại sao khi có bức tường rồi mà cây vẫn không chịu thay đổi hình dáng. Trong làng chỉ duy nhất có cái cây này, đột ngột tẻ thêm một nhánh, không ai dám trèo lên ngoài tôi. Ngồi ở đây thật thú, có thể nhìn qua bức tường để thấy cảnh vật xung quanh. Nhưng bên ngoài là một thế giới dễ sợ thuộc về gió, nơi đó bọn chúng lồng lộn và dữ tợn, quắc mắt ngó vào những cái bọc chúng tôi máng trên thành tường. 
Trong làng, tôi là người lì đòn nhất, có lẽ tôi đã đi theo Bố và làm tất cả những gì ông sai bảo. Mấy năm đầu xây bức tường, tôi thường bị cảm nặng vì gió táp vào mặt, vào bụng, làm người tôi luôn tái mét, khuôn mặt như không có máu, bụng lép và chân tay trơn nhẵn, trụi lủi không mọc được lông lá. Tôi còn hay chui vào những hóc kiến lửa, đào lỗ để chôn tập thể chúng. Tôi đập bể vỏ chai và dùng cạnh sắc bén của thủy tinh để cứa đứt đầu bọn kiến cỏ. Tôi thường chơi trong im lặng và hoàn toàn cô lập với thế giới bên ngoài. Có thời gian, vào mùa hè tôi ham theo đuổi và bắt những luồng gió nóng mà người cứ nổi rộ vết đỏ, khiến tôi luôn khó chịu trong người, đi tiểu nước bốc khói như nước sôi, chân tay vàng úa. Trong một đêm tôi nhai nát tất cả vườn củ cải trong làng và đọt cải xanh, người mới dễ chịu đi và dân làng tận tình đem những hòn đá lạnh từ con suối gần đấy đắp lên người để chữa cơn nóng cho tôi. Mùa hè khó chịu là vậy, nhưng rồi cũng qua với sự ảnh huởng thông qua thái độ điềm đạm, im lặng của Bố. Ông muốn tôi chuẩn bị sẵn sàng sinh một em bé cho năm tới, tôi phải ăn thật nhiều và không thể tham gia những trận bắt gió nữa. 
Một năm đó, lần đầu tiên ngồi thảnh thơi, kìm nén và quan trọng nhất là tập trung cho sự nhìn.
Buổi sáng, trời thâm lại như màu thép sắc trên lưỡi dao bén. Tôi mơ hồ cảm giác hàng ngày là những buổi sáng kéo dài và dính liền nhau bằng bầu trời không có vảy. Ngôi làng chợt nhỏ tí và hầu như vắng người, có lẽ họ không muốn thò mặt ra ngoài nữa cũng nên. Đôi lúc tôi thấy mọi vật thật lớn, phổng phao, trong suốt và ngọt như hạt nước nở to. Nhưng có lúc chính những sự vật tôi vừa thấy vĩ đại thì bỗng nhiên nhỏ xuống, thu dần và lặn tăm trong lòng đất. Người trong làng lác đác, thưa dần. Bố ngồi trên cục gạch, cầm que cời lửa giết từng con mối. Vài thằng bé ngoài sân cũng ngồi im như tượng gỗ, chúng nhìn nhau nhưng không nói chuyện, môi chúng nẻ ra vì khát nước nhưng không buồn uống. Mà tôi cũng không nhớ chúng có khả năng nói hay không nữa. Đứa nào từng là con tôi, cũng không biết. Trong làng không một tiếng động nào ngoài những bọc vải trắng đang xụi lơ, vải cọ vào nhau kêu loạt xoạt và sắp sửa được tháo xuống. Con bò, con bê, ngỗng và chuột nhắt, cũng đơ ra như tảng đất sét. Tôi quyết định mời Bố đến để thụ thai cho tôi.
Phải nhắc lại mấy tiếng, ông mới ừ hử. Tôi cần một đứa con mới cho mùa sau. Ông chầm chậm đi theo con đường mòn dẫn đến chỗ tôi ở. Căn nhà nhỏ nhìn ra cái cây chạc ba duy nhất trong làng, chắc cũng vì vậy mà ông cũng quyết định chấm dứt bức tường ở đây. Chỗ của tôi vừa là nơi gió quẫy mạnh nhất, mà cũng là nơi nó kết thúc với cái bao lép kẹp, xì hơi thối.
Tôi biết trước sẽ đợi ông từ khi thấy trời có màu như thế này. Nhưng khi thấy dáng ông đi tới, tôi lại ngỡ ông là một đợt gió khác vừa thổi về, tôi vội lấy tấm chăn và úp lên đầu, chỉ chừa ra một lỗ nhỏ để đánh hơi. Không biết có phải vì trời hôm nay đổi khác hay vì tôi mệt trong người mà nhìn ông với hình dáng là ngọn gió. Ông di chuyển từ từ và dừng trước cổng nhà. Bỗng nhiên tôi nhận thấy đằng sau lưng ông từng đợt gió nổi lên và oằn xuống, như chực chờ ông cúi đầu là nó có thể phóng tới táp vào mặt tôi. Nó cố đẩy ông ngã để chồm tới nhìn rõ khuôn mặt vàng như mướp bủng của tôi. Bố cúi xuống nhìn, huơ huơ tay và muốn kéo tôi lên giường. Khi ngón tay ông chạm tới tấm chăn cũng chính là lúc tôi thấy ông hiện nguyên hình là ngọn gió lớn, nồng nặc mùi cải chua và đất ẩm. Ông phồng mang trợn má và cố nuốt tôi vào bụng. Bằng bản năng duy nhất tôi xô ông ngã, vùng tháo chạy, không quên vơ theo một bao tải dày và trong lúc đợi ông chạy ra khỏi nhà thì tôi đã nhanh chóng bắt được ông, cho vào bao tải và cột dây thật kĩ. 
Chưa bao giờ tôi thấy gió lại có tiếng thét ghê rợn và dữ tợn đến thế, nó vùng vẫy và hắt hơi thật lớn, những ngón tay của nó như muốn cào rách bọc vải. Tôi thấy lờ mờ gương mặt của nó lồi lõm sau lớp vải, miệng nó ngoác ra và chực đớp vào tay tôi, đầu gối nó thúc mạnh hòng bứt tung miệng bọc. Tôi nhanh chóng cầm cái cối giã gạo và giáng thẳng vào cái mũi đang lồi lên của nó. Gió ho lên từng tràng và hộc ra máu tươi. À thì ra mày cũng có máu, thảo nào tôi luôn ngửi được mùi tanh mỗi khi mở bọc vải, khi ấy tôi luôn tưởng tượng hẳn nó đã ăn thịt nhiều người sống lân cận đây và biến xương thịt của họ thành khối không khí, nó ăn thịt người càng nhiều, hơi lạnh càng tỏa và càng thổi dữ tợn hơn bao giờ hết. Giờ thì ngọn gió trong bọc cũng chịu nằm yên và xụ ra một đống trong bao tải. Tôi vác nó trên lưng, tìm cây cột chắc nhất để máng nó lên. 
Mùa hè năm ấy dân làng thấy tôi treo một bọc gió to và nặng nề, đầy máu tanh tưởi, hầu như không đung đưa nổi trên cọc. Khoảng một thời gian dài sau đó, trong một lần nằm mơ tôi mới biết mình đã ra tay giết Bố, con đực già nhất làng, người có công duy trì nòi giống và tạo ra lương thực cho chúng tôi. Ngủ dậy sau giấc mơ đó, tôi ra cây cọc treo xác Bố, tháo xuống và mở ra, bên trong cái xác đã dẹp lại, khô như tờ giấy và tôi hoàn toàn không nhận ra hình dáng của ông. 
Giờ thì tôi thấy ông chỉ là cái bóng lẩn khuất, khi thì ngồi trầm ngâm bên đống lửa, khi thì đi qua lại nhẹ nhàng. Tôi thấy ông dường như vui hơn lúc trước mặc dù ông chỉ là cái bóng không gương mặt và dẹt lét như cọng cỏ cháy. Ông vẫn cầm que cời lửa, thỉnh thoảng ngước lên xem tôi đang làm gì. Cái nhìn của ông vừa xa lạ, vừa thân thiện khiến tôi nhớ lại lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau.

*

Năm ấy, khi tôi vừa đặt lưng xuống ngủ thì bỗng nhiên nghe nhiều tiếng la lớn, tiếp theo là tiếng nước chảy rào rạo. Bước ra ngoài nhà thì thấy một vùng trắng xoá toàn nước. Chỉ trong khoảnh khắc, lũ tràn qua đây, ào lên như voi hung hãn, quật hết cây cối và cuốn những mái nhà lợp lá trôi mấp mô như những nấm mồ. Tôi chưa kịp chạy thì một dòng nước đen, khoan thủng mái nhà, làm gãy bàn tre và phá tung cửa chính. Trong nháy mắt tôi cũng bị cuốn trôi. Ngoài đường mọi thứ xoáy vào nhau, tiếng la hét cũng chìm vào nước. Có lẽ đấy là cú trượt dài và nhớ đời nhất, người sặc sụa nước và tôi không kịp bám víu vào bất cứ vật gì.

Tỉnh dậy, thấy mình vẫn trôi lờ đờ với nhiều vật lạ lẫm. Trên bờ đã có sẵn ba phụ nữ và một người đàn ông đứng nhìn tôi. Họ chờ tôi tấp vào bờ và từ từ kéo tôi lên. Tôi không nhận ra mình ở đâu nữa. Mãi sau này, khi cả năm người quyết định lội qua một con sông lớn để qua vùng đất trống bên kia thì tôi mới biết cuộc sống thực sự thay đổi. Năm ấy tôi mười bảy tuổi, mất hết người thân chỉ trong vòng nháy mắt và phiêu lưu ở xứ nào cũng không rõ. 
Trong cuộc phiêu lưu này, có ba người phụ nữ tôi còn nhớ mặt.
Tất cả đều kể một câu chuyện giống nhau. 
Chị Một đang đãi đậu trong nhà thì lũ ập tới, giằng chị ra khỏi cái rổ nhựa và chậu nước. Chẳng mấy chốc chị thấy nước dâng cao, nâng chị lên khỏi mái nhà. Lúc này bốn bề là nước và tiếng trẻ con gào hoảng loạn. Chị biết đại họa đã đến và gieo tai ương cho mảnh đất này. Trước khi đầu chị nhận chìm trong bể lũ thì chị đã thấy những cái xác người thân máng lại trên những cành cây và lắc lư dữ dội. Nhưng nói cho cùng thì những gì chị Một thấy vẫn khá hơn nhiều so với chị Hai. Chị Hai lúc ấy đang trên đường đi bộ về nhà thì nước từ sau ập tới, làm chị Hai lao đi như tên bắn, nước cuốn trôi chị ngang qua ngôi nhà và chính lúc ấy chị thấy thằng con trai duy nhất vừa bị một gốc gây to với cành khô nhọn hoắt trôi cực nhanh theo dòng nước lớn và đâm toạc bụng thằng bé. Nó cứ thế lao đi và chị không thể nào nhìn thấy rõ gốc cây với thằng bé mắt còn mở trừng đi về đâu nữa. Chị Hai vừa khóc vừa dạt vào bãi lầy toàn xác người và xác động vật cho đến khi nước rút hẳn. 
Khắc hẳn với những gì chị Một và chị Hai gặp trong trận lụt ấy, tôi và chị Ba lại thấy những cảnh hoàn toàn trái ngược. Tôi thấy một người đàn ông trần truồng nhảy múa trên chiếc thuyền chao đảo, người quấn đầy rác và rễ cây, ông ta còn đủ sức thắp ngọn đuốc lớn, lửa thổi bùng và toả khói lan khắp mặt nước. Khi tôi cố chạm tay vào mạn thuyền thì ông lập tức lấy sào nhận tôi xuống. Tôi thấy nhiều người đang nhìn tôi dưới đáy nước, cánh tay họ chập chờn, vươn dài vẫy gọi tôi. Một gia đình cột vào nhau bằng sợi dây thừng, trên tay ông bố còn nắm chặt bát cơm, đứa bé mồm ngậm con cá còn sống, bà mẹ đầu quấn đầy lươn và cỏ dại. Còn một thiếu nữ đứng xa xa đấy nữa, mặt cô ta trắng như đá vôi, dưới cùm chân một cọng dây xích dài buộc thít chân giường, cánh tay đầy lằn roi và lở loét. Cô ta đang nói điều gì đó, hoặc có thể cô đang hát, hoặc cô đang muốn trồi lên bờ. Nhưng không, chỉ sau thời gian ngắn, đầu cô quay đi và lúc ấy tôi không còn nghe tiếng cô thở, đôi vai cô rụt lại và từ từ đổ ập trên chiếc giường bồng bềnh nước và cặn bã. Đến đây thì một bàn tay níu lấy tôi, kéo đi. Tôi đi theo một người trạc tuổi tôi, hắn nắm tay và dắt tôi vào căn nhà hoàn toàn xa lạ. Dừng chân trước một tủ gỗ, hắn nhẹ nhàng mở ra, tôi thấy chị Ba đang đứng im trong tủ, mặt chị nhăn nhíu và dường như không biết chuyện gì đang xảy ra. Chị Ba đã chết, nhưng người vừa dắt tôi đến lại nói, “ kêu chị ấy đi đi”. Tôi chưa kịp giơ tay thì chị Ba bỗng bước ra, tóc chị dài quấn cả tôi và một số đồ vật xung quanh. Chị nổi lên chậm chạp, mặt nước có mùi tanh và hầu như đen ngòm. Trong trạng thái lềnh bềnh, tôi không biết mình đã bơi tận đâu. Chỉ biết rằng khi thức dậy, chị Ba ngồi trên mỏm đá, đằng xa, Bố cùng hai người đàn bà khác cũng đang đi tới. 
Chúng tôi qua đêm trên vùng đất lầy lội, đầy muỗi và ngày hôm sau tất cả quyết định phải bỏ xứ đi một cách nhanh chóng. Tôi không biết làm gì hơn là đi theo họ. Cho đến hôm nay, tôi vẫn không hình dung được toàn cảnh trận lụt năm ấy. Đầu tôi vẫn ngập đầy nước, nghễnh ngãng và tai thì chỉ nghe được tiếng gió.
Vâng, thoạt tiên tai tôi nghe tiếng gió. Tiếp theo là khối gió lớn bỗng vây lấy tôi. Nó há cái mồm tanh ngòm, bật cười giòn giã. Nó vờn theo từng cử động của tôi. Tôi càng sợ, nó càng thích. Tôi trốn vào hốc cây, nằm giương mắt chờ tai họa đến. Nhưng nó lại không thèm tấn công tôi mà đi vòng quanh như đang xem xét. Thế rồi tôi bỗng thấy mình rơi vào trạng thái chập chờn khiến tôi hình dung nước cũng như gió, tất cả đều mang hơi lạnh và có thể cuốn tôi đi thêm một lần nữa. Nhưng cái tôi đón nhận là sự lạnh toát giữa hai chân. Gió cố thúc những gì cản trở, mở rộng đường để nó chui tọt vào người tôi. Lần đầu tiên, tôi thấy cái bụng mình căng lên như mặt trống. Cái lạnh lẽo này tựa như gió đang chui vào cái hang sâu, rì rào, lồng lộng và làm ngã rạp hết những cọng cỏ non mọc ngoài thành hang, nó muốn luồn lỏi khắp hang và tìm đường thoát. Nhưng cơ thể tôi như cái lọ kín, có đường vào nhưng không đường ra. Sau một hồi chán chường, gió lại quay trở ngược, chui ra và để mặc tôi nằm cuộn chặt trong hốc cây lớn. Khi tỉnh dậy, một người đàn ông nằm cạnh tôi, người đầy máu, nhưng tôi trông thấy ông dường như rất bình tĩnh, như chờ tôi thức dậy để nói một điều, “xin cô tháo tôi xuống”.
Tôi bước ra khỏi nhà, nhìn lên đúng cái cây treo thi hài Bố, nó bắt đầu đung đưa và gió lại làm vải xát vào nhau kêu loạt xoạt. Tôi tháo bọc xuống. Bên trong, chân và tay của ông như hai cọng củ cải được phơi ngoài nắng gắt, héo, rũ xoắn vào nhau. Tôi xếp cái xác chỉ còn vỏ này vào tờ giấy lớn, gấp đôi nó lại và mang đến nhà ông, đặt trên tấm phản bắt đầu mục.
Lại nói đến giấc ngủ say đó, sau khi tôi tỉnh dậy và thấy Bố, tôi cũng nhận ra giấc mơ không đúng với sự thật. Ngọn gió tìm được nguồn ra, nhưng dường như tinh của nó cứ quanh quẩn trong bụng, trong ruột. Bụng tôi ngày càng nở to, đi đứng nặng nề, đầy đau đớn. Tôi cũng muốn tìm cách giải thoát cho nó nên thời bấy giờ, cái tôi mặc duy nhất là mảnh vải cắt ra từ bọc nhốt gió. Tôi quấn nó quanh người, đi đứng thông thoáng để nó tiện thoát khỏi khung người chật chội của tôi. Lúc ấy mọi người cũng không thắc mắc về cái bụng của tôi lắm. Vì cả chị Một, chị Hai, chị Ba, mỗi người đều mang một bụng bầu lớn, thụ thai từ Bố. Lúc này chúng tôi cần xây dựng ngôi làng nên cần nhân lực. Họ nghĩ tôi thụ thai tốt. Tôi cũng hầu như có cảm giác rằng, tôi đang mang trong người không chỉ một, mà hai, ba, thậm chí cả chín đứa trẻ trong bụng. Vì tôi ăn gấp chín người khác và ngủ chín lần trong một ngày. Bố nói, “chửa đôi”. Nhưng cuối cùng tôi lại đẻ ra hai nắm đất cỏn con, không mùi thịt, không mùi máu. Cứ y như nắm đất ở đầu làng. Bụng tôi vẫn to lớn nhưng lại không đau nữa. Tôi thấy người thanh thoát, tôi rất vui khi kết quả chỉ là hai nắm đất và không hành tôi nữa. 
Nhưng thực ra, cũng xin nói nốt về một bí mật mà cả Bố lẫn các chị đều không biết: chỉ sau đêm đó, tôi lại bắt đầu bực mình vì cái bụng vẫn to, không xẹp đi mặc dù tôi đã rặn ra hai cục đất. Thế là tôi quyết định ngay trong đêm nay phải sinh một em bé. Tôi biết nó đang có mặt trong cơ thể tôi. Là nguyên nhân khiến tôi ăn như điên như dại, như con bò cái không biết no là gì. Tôi cảm nhận nó vùng vẫy qua cái đuôi của gió, bàn tay nó mát lạnh sờ vào từng bộ phận của tôi, chính nó là đứa hoà hoãn được với gió, giúp tôi không sợ nữa mà quyết tâm mang nó đến cùng. Tôi bắt đầu rặn em bé ở gốc cây, nơi khởi đầu cuộc gặp gỡ giữa tôi và gió. Nhưng không hiểu sao, tôi ráng giữ bình tĩnh và nén cơn khó thở, đi về nhà, nằm trên giường. Thế là em bé phải ra đời kèm theo tiếng ộc lớn, một cột gió đỏ, to và nặng mùi phả ra. Mới đầu ngọn gió còn vương vất và lờ đờ, nhưng chớp mắt sau nó trở lại là ngọn gió hung hãn của một năm trước, mắt đục ngầu, thở ra từng tảng khói đỏ, hôi tanh. Nó ngoắt đuôi và vụt qua khỏi cửa, trở về với bầu trời. Còn em bé thì nằm khóc to dưới hai chân của tôi. Mọi người kéo nhau chạy tới. Khi nhìn thấy Bố, tôi lại thấy ông có vẻ quen thuộc. Và trong lúc mọi người giơ tay đỡ lấy em bé, tôi bắt đầu trở lưng, tiếp tục cơn buồn ngủ kéo dài từ mấy hôm trước.
Lại nói về chuyện chị Ba ở dưới nước. Tôi đã quá già cỗi để phân tích lại sự việc. Chỉ nhớ về những chi tiết chính, có liên quan đến tôi và hoàn toàn bí mật. Một nửa công việc này là dành cho Bố, nửa còn lại dành cho việc ngồi không của tôi.
Trước khi kể câu chuyện về chị Ba, thiết tưởng tôi cũng nên nói sơ qua ngôi làng trong hiện tại, vì sao nhìn từ xa, làng chúng tôi màu mè như quả nấm độc. Chúng tôi được học cách chiết màu từ hoa và lá cây. Giã nát rễ, vắt nước và trộn với bùn. Tất cả dung dịch đó đổ vào những vại lớn bằng hai vòng tay người ôm, sau đó chúng tôi chôn những cái vại này dưới đất sâu bốn mét. Hai tháng sau, moi lên, mùi thối của rễ, lá và hoa toả ra kinh khủng, nó khiến mọi người choáng váng đầu óc. Nhưng bù lại tinh chất của nó thì tuyệt vời, sền sệt, có đủ loại màu chúng tôi cần thiết. Chúng tôi khởi công bôi màu lên hết nóc nhà trong làng, mỗi nhà một màu, một kiểu. Người sáng kiến chất độc có màu tuyệt vời này là Bố, ông bảo nó vừa đẹp, vừa có mùi hôi đủ để xua đi những cơn gió và có khả năng tiêu diệt những trận lũ, mưa đá hoặc động đất. Quả thật, chúng tôi hoàn toàn yên tâm đón nhận cuộc sống mới mà không một chút sợ hãi. 
Nhưng, tuy vậy, chị Ba là người hay sợ nhất làng tôi. Chị hay lao khỏi nhà, la hét giữa đêm. Cứ thấy giếng nước hoặc những gì lấp lánh chị lại gào to lên, dùng vũ khí gậy gộc để khua khoắng và đánh trả những thứ gọi là “lũ quỉ phát sáng”. Mỗi lần chị Ba lên cơn sợ, thì thằng nhóc dắt tôi đi dưới nước tìm chị Ba dạo nào, lại khều tôi và kể chuyện. Nó chẳng lớn thêm tí nào mặc dù tôi già đi. Nó nói, chị Ba bị người thân đánh đập tàn nhẫn và cướp đi toàn bộ châu báu, của cải của ông ngoại để lại. Rồi họ nhốt chị vào tủ, đóng cửa kín mít, khiến chị biến thành thây ma và trò chuyện với những con mối trong tủ. Chị đứng trong đó được ba năm thì lũ lụt trào đến, có lẽ chị là người duy nhất không hay biết tai ương gì đang xảy ra cho nơi chị sống. “Tôi nhờ chị kéo chị Ba ra cái tủ, đứng trong đó quá lâu”. Tôi hỏi, ai là người giết chị? Mãi sau này, nó mới nói: “Chính tôi, đứa em nghèo nàn, cướp toàn bộ châu báu chỉ để ngắm và cảm nhận sự mát lạnh của chúng nằm trong lòng tay”.
Từ khi biết câu chuyện, tôi đâm thương chị Ba, hay đến và trò chuyện với chị. Nhưng chị cứ đánh tôi, buộc tội tôi cấu kết với thằng nhóc ấy, khiến cả làng nhìn tôi với con mắt sợ hãi. Họ gọi tôi là phù thuỷ, biết được quá khứ của người khác, điều mà tất cả dân trong làng không hề có, không hề biết được vì sao họ sinh ra và lớn lên ở đây. 
Vả lại, chị Ba cũng sợ tôi tiết lộ cho Bố biết chị đã từng chết ba năm trong tủ gỗ, chị không phải là người bình thường. Hơi thở chị đã tắt ngúm trong vòng ba năm. Óc chị không nạp thêm hình ảnh mới từng ấy thời gian. Điều đó chứng tỏ chị từng chết, chết thật, có thằng nhóc hay đem cơm đến cúng chứ không phải chơi. Nhưng tôi rành chị một điều, là sự sợ hãi của chị xuất phát từ khoảng trống trong ba năm nằm chết, đời sống chị bị ngắt quãng, y như ở khoảng giữa câu chuyện bỗng nhiên chị không biết gì cả, chỉ lờ mờ thấy khúc đầu và đùng một cái, đoạn kết đã bén gót theo với hình ảnh chị là cái thây vất vưởng ở mảnh đất xa lạ, hoang mang cùng bầy người man dại, như nhau.
Mẹ nắm tay tôi, dắt đến một căn nhà gỗ khang trang. Bố đang ngồi thong thả trước nhà. Mẹ đẩy tôi lên một bước, nói, “xin ông chữa bệnh cho con bé”. Ông nhìn tôi mỉm cười, bảo Mẹ một tuần sau lại dắt tôi về. Mẹ dúi tay tôi vào ông và quay đi. Trời lúc ấy nắng chang chang, lợn nhà bên cứ kêu eng éc, ếch kêu ồm ộp dưới ao và mấy con gà chao lên rồi liệng xuống quang quác cạnh hàng rào. Sau khi Mẹ về, Bố không nói lời nào, mặc cho tôi chơi một mình trước cửa. Còn ông thì thổi bếp nấu cơm. 
Tối, ông gọi tôi vào ăn. Mâm gỗ hình vuông, hai đôi đũa đen, bạc nước. 

Ông hỏi: “Đói chưa?”

Tôi nói: “Cháu vừa ăn xong”

Ông ngẩn người ra: “Ăn khi nào?”

“Khi nãy” 

“Ăn gì?” 

“Đất”.
Ông cười, chẳng ngạc nhiên. Ông để tôi ngồi yên và ông bắt đầu vừa ăn vừa nói, “làng bên có thằng ăn lá, làng dưới có thằng mút gỗ, riêng làng này có hai đứa chuyên ăn đất. Tao đã chữa cho thằng bé ấy bằng cách cho nó ngậm muối. Chỉ hai ngày nó quên béng chuyện ăn đất, xin chuyển qua ăn cơm trắng và nước lã. Nói cho cùng, phải có mùi lạ khác thường nhưng đủ mạnh để thằng bé quên sạch vị cũ. Và mày, cũng cần thế”.
Vậy mà, sang ngày thứ sáu ông vẫn chưa nghĩ ra cách phải cho tôi ăn thứ gì. Tôi cứ chơi trò xếp hình trên đất và khi đói, bốc luôn một nắm cho vào mồm. Tôi biết ông đang nhìn nhưng vẫn không thoát khỏi cảm giác thèm ăn đó. Đến ngày thứ bảy, Mẹ dắt tôi về. Cả hai cùng thở dài một lượt, bước qua cổng trắng, về nhà. Năm ấy tôi mười một tuổi. Vẫn tiếp tục ăn đất sau khi trở về từ nhà Bố. Bà con trong xóm nhìn Mẹ con tôi, lắc đầu, “chịu”. Bố là thầy thuốc giỏi nhất trong làng. Những bệnh gì các thầy khác không chữa được thì nhờ đến Bố, vậy mà không hiểu sao ông không ra tay cứu chữa cho tôi, để bệnh tình ngày càng nặng thêm. Tôi ăn đất trong sáu năm nữa. Đến năm mười bảy tuổi thì thình lình cơn lũ ập đến làng tôi. Nhưng khi tôi và Bố gặp nhau, cùng sống ở vùng đất khác thì cả hai đều phải công nhận rằng, chính trận lũ ấy đã chữa cho tôi khỏi bệnh ăn đất, vì tôi bị nhận trong vùng lũ, bị uống nước cho no căng bụng và trong cảnh hỗn loạn đó, tôi quên sạch vị đất và thói quen ngửi nó hàng ngày. Bố nói đúng, sự kiện khác thường đó đã trị bệnh cho tôi, giúp tôi trở thành con người hoàn toàn khác.
Tôi không nhớ mình đã sống bao năm trong cái làng quanh đi quẩn lại chỉ toàn gió này. Trẻ con thưa thớt và khô cằn. Tôi ngồi như con cóc trên cây chạc ba, nhìn lại vùng đất mới năm nào chỉ là mảnh đất bé tẹo, méo xệch vì địa hình của nó, và từng chiều, những đứa lớn đột nhiên biến mất ngay cổng làng, những đứa nhỏ nhìn theo với con mắt đờ đẫn.

NGUYỄN THÚY HẰNG

ĐỌC TIẾP:  https://daohieuvn.wordpress.com/2000/05/19/nguyen-thuy-hang-tu-mien-dat-xa-la/

2 comments on “NGUYỄN THÚY HẰNG

  1. Pingback: NGUYỄN THÚY HẰNG từ miền đất xa lạ | TÁC PHẨM Đào Hiếu

  2. Pingback: NGUYỄN THÚY HẰNG từ miền đất xa lạ |

Bình luận về bài viết này