KẺ XA LẠ (toàn văn) – Albert Camus

Albert Camus, tiểu thuyết 1942 , Nobel  1957. NGUYỄN TRẦN SÂM dịch từ nguyên bản tiếng Pháp L’ETRANGER

 Phần một

01Hôm nay mẹ chết. Mà cũng có thể là hôm qua, tôi không chắc. Tôi nhận được bức điện từ trại: “Mẹ anh từ trần. Chôn cất ngày mai. Chia buồn sâu sắc.” Cái đó chẳng nói lên điều gì. Có lẽ là hôm qua.

Trại dưỡng lão ở Marengo, cách Alger tám mươi cây số. Tôi sẽ đi xe buýt chuyến hai giờ và về đến nơi trong buổi chiều. Như vậy, tôi có thể qua đêm ở đó và trở lại đây vào tối mai. Tôi xin ông chủ cho nghỉ hai ngày, và ông ấy không thể từ chối trong tình huống đáng tiếc như vậy. Nhưng ông ta có vẻ không bằng lòng. Tôi thậm chí đã nói: “Đó không phải lỗi của tôi.” Ông ta không nói gì. Khi đó tôi nghĩ tôi không cần nói với ông ta điều đó. Nói chung là không cần thanh minh. Chính ông ta phải chia buồn với tôi mới đúng. Những chắc là ông ta sẽ làm thế vào ngày kia, khi thấy tôi để tang. Ngay bây giờ thì hơi có vẻ như mẹ chưa chết. Sau lễ an táng, ngược lại, đó sẽ là một sự kiện nghiêm trọng, và mọi việc sẽ mang tính chính thức.

Tôi lên xe lúc hai giờ. Trời quá nóng. Trước đó, tôi ăn trưa ở nhà hàng, chỗ Céleste, như mọi khi. Mọi người đều buồn cho tôi, và Céleste bảo: “Mỗi người chỉ có một mẹ.” Khi tôi đi, họ tiễn tôi ra cửa. Tôi hơi luống cuống vì nghĩ ra phải tới chỗ Emmanuel để mượn cái cà vạt màu đen và dải băng. Anh ta đã mất ông bác cách đây mấy tháng.

Tôi chạy vội để khỏi lỡ chuyến xe. Việc chạy vội này chắc chắn là nguyên nhân, cùng với những cú xóc, mùi xăng và ánh nắng hắt từ mặt đường và bầu trời, làm tôi ngủ rù đi. Tôi ngủ gần như suốt chặng đường. Và khi tỉnh giấc, tôi thấy mình đang tựa vào một anh lính; anh ta cười và hỏi tôi từ xa đến phải không. Tôi nói “phải” để khỏi phải nói thêm.

Trại dưỡng lão cách làng hai cây số. Tôi đi bộ. Tôi muốn thấy mẹ ngay. Nhưng người gác cổng bảo phải gặp giám đốc đã. Vì ông ấy đang bận, tôi phải đợi một lúc. Suốt thời gian đó, tôi phải nghe ông bảo vệ nói, nhưng rồi cuối cùng cũng gặp được giám đốc; ông ấy tiếp tôi trong phòng làm việc. Đó là một ông già nhỏ bé, đeo huân chương danh dự. Ông ấy nhìn tôi bằng cặp mắt trong trẻo. Rồi ông ta bắt tay tôi và nhìn nó khá lâu, làm tôi không biết làm sao để rụt lại. Ông ấy liếc xem hồ sơ rồi bảo tôi: “Bà Meursault vào đây đã ba năm. Anh là người duy nhất trả tiền cho bà ấy.” Tôi cho rằng ông ấy định đề cập vấn đề gì đó, và tôi bắt đầu giải thích. Nhưng ông ấy đã ngắt lời tôi: “Anh không cần tự trách mình, anh bạn trẻ ạ. Tôi đã xem kỹ hồ sơ của mẹ anh rồi. Anh không thể trang trải hết những thiếu thốn của mẹ anh được. Lương của anh khá ít. Và dù nói thế nào thì ở đây bà ấy cũng dễ chịu.” Tôi nói: “Vâng, thưa ông giám đốc.” Ông ấy nói thêm: “Anh biết đấy, bà ấy có bầu bạn, những người cùng tuổi. Bà ấy có thể chia sẻ với họ những mối quan tâm mà họ đã từng có. Anh còn trẻ, và sống với anh bà ấy sẽ buồn.”

Đúng vậy. Khi mẹ tôi ở nhà, bà chỉ im lặng dõi nhìn tôi. Trong những ngày đầu ở trại, bà ấy khóc suốt. Nhưng cái đó là do thói quen. Sau vài tháng, bà ấy khóc khi bị đưa khỏi trại. Lại vẫn là do thói quen. Cái đó cũng có phần do năm vừa qua tôi hầu như không đến đó. Cũng do việc đó sẽ lấy đi của tôi cả ngày chủ nhật, chưa kể phải cuốc bộ ra bến xe, mua vé và mất hai giờ đi đường.

Ông giám đốc vẫn tiếp tục nói. Nhưng tôi hầu như không nghe nữa. Rồi ông ấy bảo: “Tôi nghĩ anh muốn nhìn mẹ.” Tôi lẳng lặng đứng lên, và ông ấy đi theo tôi ra cửa. Đến cầu thang, ông ấy nói: “Chúng tôi đã đưa sang nhà xác, để các cụ khác đỡ ngại. Cứ mỗi lần có một cụ chết thì các cụ khác bị chấn động vài ba ngày. Và điều đó làm cho việc phục vụ các cụ khó khăn thêm.” Chúng tôi đi qua sân, nơi những người già đang tụm thành từng nhóm để chuyện trò. Khi chúng tôi đến, họ không nói nữa. Và khi chúng tôi vừa đi qua, câu chuyện lại tiếp tục. Họ nói líu lô như một bầy vẹt. Đến cửa một căn nhà nhỏ, ông giám đốc chia tay tôi: “Tôi để anh một mình, anh Meursault. Nếu anh cần thì lúc nào tôi cũng có mặt ở phòng làm việc. Về cơ bản, lễ tang đã được ấn định vào mười giờ sáng mai. Như vậy, tôi nghĩ là anh có thể thức canh linh cữu. Lời cuối: mẹ anh thường nói với người chung quanh về nguyện vọng được an táng theo nghi lễ tôn giáo. Tôi đã lãnh trách nhiệm làm mọi điều cần thiết. Nhưng tôi muốn thông báo lại với anh như thế.” Tôi cảm ơn ông ấy. Mẹ tôi, dù không phải vô thần, chưa bao giờ nghĩ đến tôn giáo khi còn sống.

Tôi bước vào. Đó là một gian phòng rất sáng, được quét vôi và lợp kính. Trong phòng có những chiếc ghế và giá gỗ hình chữ X. Hai cái giá ở giữa nhà đỡ chiếc quan tài có nắp đậy. Những chiếc đinh ốc sáng loáng được vặn chưa chặt nổi bật trên nền những tấm ván mỏng quét màu hồ đào. Cạnh quan tài có một hộ lý người A rập mặc áo choàng trắng, đội khăn màu sáng trên đầu.

Lúc đó, ông bảo vệ bước vào sau lưng tôi. Ông vừa phải chạy. Ông ấp úng nói: “Người ta che mặt mẹ anh đi rồi, nhưng tôi phải mở nắp quan tài ra để anh nhìn bà ấy.” Ông ấy đi lại phía quan tài, nhưng tôi đã ngăn lại. Ông ấy hỏi: “Anh không muốn nhìn à?” Tôi nói: “Không.” Ông ấy chững lại, và tôi thấy khó chịu vì nghĩ rằng tôi không nên nói vậy. Một lát sau, ông ấy nhìn tôi và hỏi “Vì sao?” nhưng không đi lại gần, dường như ông ấy tự hiểu. Tôi nói: “Tôi không biết nữa.” Ông ấy vân vê làn ria mép bạc trắng và nói mà không nhìn tôi: “Tôi hiểu.” Ông ấy có cặp mắt thật đẹp, sáng xanh, da mặt hơi đỏ. Tôi kéo ghế cho ông ta, và ông ta ngồi hơi lùi về phía sau tôi. Người gác linh cữu đứng dậy và đi ra phía cửa. Bấy giờ, ông bảo vệ bảo tôi: “Cô ấy bị một vết loét.” Vì tôi không hiểu nên tôi lại nhìn cô hộ lý và thấy cô ấy đang nâng phần dưới của dải khăn quấn quanh đầu lên gần mắt. Cái khăn màu trắng nằm thẳng trên sống mũi, và che khuất khuôn mặt của cô ấy.

Khi cô ấy ra ngoài, ông bảo vệ bảo tôi: “Tôi để anh ở đây một mình.” Không hiểu tôi đã làm động tác gì mà ông ấy lại ở lại và đứng ngay sau lưng tôi. Việc đó làm tôi thấy khó chịu. Căn phòng bấy giờ tràn ngập ánh sáng quyến rũ của buổi hoàng hôn. Hai con ong bầu bay vù vù trên mái nhà. Tôi cảm thấy cơn buồn ngủ đang chiếm lấy tôi. Tôi nói với ông bảo vệ mà không quay lại: “Ông đã ở đây lâu chưa?” Lập tức ông ấy trả lời: “Năm năm”, dường như ông ấy đã luôn chờ câu hỏi của tôi.

Sau đó, ông ấy tiếp tục nói rất lâu. Ông ấy sẽ rất sửng sốt nếu người ta bảo ông ấy thôi, không làm bảo vệ ở trại Marengo nữa. Ông ấy đã sáu tư tuổi và là người Paris. Lúc đó tôi ngắt lời ông ấy: “A, ông không phải người ở đây à?” Rồi tôi nhớ lại rằng trước khi đưa tôi đến chỗ giám đốc, ông ấy đã nói về mẹ tôi. Ông ấy bảo phải chôn cất thật nhanh, vì ngoài đồng trời nắng lắm, nhất là ở vùng này. Chính khi đó ông ấy đã bảo ông ấy thực sự đã ở Paris và ông ấy khó mà quên được. Ở Paris, người ta để người chết trong nhà ba bốn ngày. Ở đây không có thời gian, người ta không nghĩ đến việc đi theo xe tang. Bà vợ ông ấy khi đó đã nói: “Ông thôi đi, đấy đâu phải những chuyện để kể lể với anh ấy.” Ông già đỏ mặt và xin lỗi. Tôi xen vào và nói: “Ô không, không.” Tôi thấy những điều ông ấy nói là đáng lưu tâm.

Với một chút khinh thường, ông ấy nói khi vào trại ông ấy nghèo lắm. Vì còn khỏe, ông ấy được người ta gợi ý vào làm bảo vệ ở đây. Tôi lưu ý rằng dù sao thì ông ấy cũng là người đã nghỉ hưu, ông ấy nói “không”. Tôi rất chú ý cách ông ấy gọi “họ” hay “những người kia”, và ít khi là “người già” để nói về những người nghỉ hưu, trong đó có một số chưa già hơn ông ấy. Nhưng tất nhiên đó là việc khác. Ông ấy là bảo vệ, và ở mức độ nào đó, ông ấy có quyền như vậy.

Lúc đó, cô hộ lý lại đi vào. Màn đêm đột ngột buông xuống. Rất nhanh, bóng tối đã đậm đặc phía trên mái nhà kính. Ông bảo vệ bật điện, và tôi chói mắt vì ánh sáng đột ngột. Ông ấy mời tôi lại nhà ăn tập thể để ăn tối. Nhưng tôi không đói. Ông ấy liền mời tôi dùng một li cà phê sữa. Vì rất thích thứ đó, tôi đồng ý, và một lúc sau ông ấy bưng đến một cái khay. Tôi uống. Rồi tôi thèm hút thuốc. Nhưng tôi lưỡng lự vì không biết có nên làm thế trước mặt mẹ hay không. Tôi nghĩ kỹ, thấy cái đó không hệ trọng. Tôi mời ông bảo vệ một điếu và chúng tôi cùng hút.

Một lúc sau, ông ấy nói: “Anh biết đấy, các bạn của mẹ anh cũng sẽ đến đây thức canh linh cữu. Đó là tục lệ. Tôi phải đi kiếm ghế ngồi và ít cà phê đen.” Tôi hỏi ông có thể tắt bớt một bóng đèn đi không. Ánh sáng phản chiếu từ những bức tường trắng làm tôi thấy mệt. Ông ấy nói không thể được. Việc lắp đặt đã như thế rồi: sáng cả hoặc không cái nào. Tôi không để ý đến ông ấy nữa. Ông ấy đi ra, rồi lại đi vào, rồi bày ghế ra. Trên một cái ghế, ông ấy bày li chung quanh bình lọc cà phê. Rồi ông ấy ngồi đối diện với tôi, phía bên kia mẹ tôi. Người gác ở sâu phía trong, quay lưng lại. Tôi không thấy cô ấy đang làm gì. Nhưng nhìn chuyển động hai cánh tay, tôi có thể tin rằng cô ấy đang đan. Trời đã dịu, cà phê làm tôi đỡ mệt, và qua ô cửa đang mở, mùi hương đêm của hoa bay vào. Tôi cho rằng tôi đã ngủ gật được tí chút.

Có tiếng sột soạt làm tôi thức giấc. Do nhắm mắt lâu, khi mở mắt ra, tôi thấy căn phòng càng sáng trắng thêm. Trước mặt tôi không hề có chỗ nào tối, và mỗi đồ vật, mỗi góc phòng, mỗi đường nét đều hiện lên với sự tinh khiết đến lóa mắt. Lúc đó, những người bạn của mẹ tôi đi vào. Họ có khoảng một chục người, lặng lẽ bước đi trong ánh sáng chói lòa. Họ ngồi xuống mà không có chiếc ghế nào kêu cọt kẹt. Tôi nhìn họ như chưa từng nhìn ai và không bỏ sót một chi tiết nào trên mặt hay trên trang phục của họ. Tuy vậy, tôi không nghe họ nói và thấy khó tin rằng họ là thực. Gần như mỗi bà đều mang tạp dề và một sợi dây thắt ngang lưng, làm cho cái bụng đã to càng thêm nổi bật. Trước đây tôi chưa bao giờ nhận ra những bà già có bụng. Hầu hết đàn ông đều xương xẩu và mang theo gậy. Điều làm tôi ngạc nhiên là trên mặt họ tôi không thấy những cặp mắt, mà chỉ thấy những chỗ sáng mờ đục giữa một vùng đầy những nếp nhăn. Khi họ ngồi xuống rồi thì đa số nhìn tôi và lắc đầu khó chịu, và vì môi họ đã biến mất trong miệng nên tôi không thể biết được họ chào tôi hay chỉ là môi bị giật lên. Lúc đó, tôi cũng nhận ra là mọi người đều ngồi đối diện với tôi chung quanh ông bảo vệ và khẽ đung đưa những cái đầu. Tự nhiên, tôi thấy buồn cười vì họ đến để phán xét tôi.

Một lát sau thì một bà bắt đầu khóc. Bà ấy ngồi ở hàng thứ hai, giấu mặt sau lưng một bà bạn nên tôi nhìn không rõ. Bà ấy khóc i ỉ và đều đều, và tôi có cảm giác bà ấy không bao giờ thôi khóc. Những người kia có vẻ không nghe bà ấy khóc. Họ ủ rũ và im lặng. Họ nhìn quan tài hoặc cây gậy, hoặc một vật nào đó, và không hề ngoái nhìn chỗ nào khác. Bà kia vẫn khóc. Tôi ngạc nhiên vì không hề biết bà ấy. Tôi không muốn nghe bà ấy khóc nữa. Nhưng tôi không dám bảo bà ấy thôi. Ông bảo vệ quay sang bảo bà ấy, nhưng bà ấy rung rung cái đầu, lẩm bẩm gì đó và tiếp tục i ỉ khóc. Ông bảo vệ liền đi sang phía tôi. Ông ấy ngồi xuống cạnh tôi. Sau một hồi khá lâu, ông ấy thông báo mà không nhìn tôi: “Bà ấy rất gắn bó với mẹ anh. Bà ấy bảo mẹ anh là người bạn duy nhất và bây giờ bà ấy không còn ai nữa.”

Rồi chúng tôi lại im lặng khá lâu. Những tiếng xụt xịt và nức nở của bà kia thưa dần. Rồi bà ấy hít hơi rất mạnh. Cuối cùng thì bà ấy cũng nín hẳn. Tôi không buồn ngủ nữa, nhưng thấy mệt, và đau mỏi vùng thắt lưng. Bây giờ thì việc mọi người đều im lặng lại làm tôi khó chịu. Chốc chốc, tôi lại nghe thấy tiếng động mà không biết là tiếng gì. Mãi sau, tôi mới đoán rằng có vài người già mút mút trong miệng, làm phát ra tiếng tóp-tóp nghe rất kỳ. Họ không nhận ra điều đó vì họ đang chìm vào suy tư. Trước đó, tôi nghĩ rằng người chết đang nằm kia chẳng có nghĩa gì trong mắt họ, nhưng giờ thì tôi thấy đó là cảm giác sai.

Rồi mọi người đều uống cà phê mà ông bảo vệ đãi. Sau đó thì tôi không biết gì nữa. Đêm đã trôi qua. Tôi còn nhớ là khi mở mắt ra thì thấy các ông bà già đang gục lên nhau mà ngủ, trừ một người đang tựa cằm lên mu bàn tay, còn tay thì đang túm chặt cây gậy. Ông ấy nhìn tôi đăm đăm dường như chỉ chờ tôi thức giấc. Rồi tôi lại thiếp đi. Tôi thức giấc lần nữa vì càng lúc càng thấy đau ở thắt lưng. Ngày mới đã đến bên trên mái kính. Một lát sau thì một ông già cũng thức giấc và ho rũ rượi. Ông ấy khạc vào một chiếc khăn tay rộng kẻ ô, và mỗi lần khạc nghe thật khổ sở. Ông ấy làm mọi người thức giấc, và ông bảo vệ bảo họ nên đi. Họ đứng dậy. Cuộc thức canh vất vả làm mặt họ xạm lại. Khi đi ra, họ làm tôi ngạc nhiên vì tất cả đều bắt tay tôi, có vẻ như cái đêm mà chúng tôi không nói với nhau lời nào đó đã thắt chặt tình thân.

Tôi mệt. Ông bảo vệ dẫn tôi lại chỗ ông và tôi có thể rửa ráy chút xíu. Tôi lại uống cà phê sữa và thấy rất ngon. Khi tôi ra ngoài, trời đã sáng hẳn. Phía trên khu đồi ngăn cách Marengo với biển, bầu trời đầy sắc đỏ. Và gió đến từ đó mang theo vị mặn. Một ngày đẹp trời đã bắt đầu. Đã lâu tôi không về vùng thôn quê, và cảm thấy rất muốn đi dạo một hồi nếu không vướng việc của mẹ.

Tôi dừng lại trong sân, dưới tán cây tiêu huyền. Tôi hít thở mùi đất tinh khôi và tỉnh hẳn. Tôi nhớ đến những đồng nghiệp cùng phòng. Giờ này, họ đã dậy đi làm. Đối với tôi, đó luôn là khoảng thời gian tất bật nhất. Tôi còn đang nhớ lại những chuyện đó thì tiếng chuông trong nhà đã cắt dòng suy nghĩ của tôi. Có tiếng ồn ào bên trong cửa sổ, rồi mọi thứ lại im lặng. Mặt trời đã lên được một đoạn trên bầu trời; nó bắt đầu làm nóng hai bàn chân tôi. Ông bảo vệ đi ngang qua sân và bảo là giám đốc gọi tôi. Tôi đến phòng làm việc của giám đốc. Ông ấy bảo tôi ký vào mấy thứ giấy tờ. Tôi thấy ông ấy đã mặc đồ đen với chiếc quần kẻ sọc. Ông ấy cầm ống nghe điện thoại trong tay và hỏi tôi: “Những nhân viên lễ tang đã đến được một lúc. Giờ tôi sẽ bảo họ đến đóng nắp quan tài. Anh có muốn nhìn mẹ lần cuối không?” Tôi nói không. Ông ấy nói vào điện thoại: “Figeac, bảo mọi người tiến hành đi.”

Một lúc sau, ông ấy bảo ông ấy sẽ trợ giúp trong việc mai táng, và tôi cám ơn ông ấy. Ông ấy ngồi sau bàn làm việc, hai cẳng chân nhỏ bé đặt chéo nhau. Ông ấy bảo tôi là chỉ có tôi với ông ấy và bà y tá phục vụ. Về nguyên tắc, những người nghỉ hưu không phải tham gia việc mai táng. Ông ấy chỉ để họ thức canh. “Đó là vấn đề tình người”, ông ấy nhận xét. Nhưng có một ngoại lệ, ông ấy đã đồng ý để một ông bạn già của mẹ tôi được đưa tiễn bà. “Thomas Pérez”, ông giám đốc nói và mỉm cười. Ông ấy bảo: “Anh phải hiểu đó là kiểu tình cảm trẻ thơ. Nhưng ông ấy và mẹ anh đã không rời nhau. Ở trại, mọi người hay đùa, họ bảo Pérez: “Vợ chưa cưới của anh đấy.” Ông ấy cười. Việc đó làm họ vui. Và việc bà Meursault mất làm ông ấy buồn lắm. Tôi không nghĩ là nên từ chối ông ấy. Nhưng do lời khuyên của thầy thuốc, tôi không cho ông ấy thức canh linh cữu.”

Chúng tôi lại im lặng một hồi lâu. Ông giám đốc đứng dậy nhìn ra cửa sổ. Vài giây sau, ông ấy nói: “Ô, cha xứ Marengo đến kia rồi. Ngài đến sớm đấy.” Rồi ông ấy dặn tôi là phải mất ít nhất bốn lăm phút đi bộ đến nhà thờ cũng ở ngay trong làng. Chúng tôi xuống cầu thang. Trước nhà xác đã có cha xứ và hai đứa trẻ trong đội thánh ca. Một trong hai đứa cầm cái lư hương, và vị linh mục cúi xuống đó để ướm chiều dài cái dây chuyền bằng bạc. Khi chúng tôi đến, vị linh mục đứng dậy. Ông ấy gọi tôi là “con ta” và nói với tôi vài lời rồi đi vào trong. Tôi đi theo ông.

Tôi thoáng nhìn thấy các đinh ốc đã xoáy chặt và trong phòng có bốn người mặc đồ đen. Tôi cũng nghe ông giám đốc nói với tôi rằng xe tang đang chờ ngoài đường và bảo vị linh mục bắt đầu đọc kinh. Từ lúc đó, mọi việc diễn ra rất nhanh. Cánh đàn ông mang một tấm dạ tiến về phía quan tài. Cha xứ và những người đi theo cùng ông giám đốc và tôi cùng đi ra. Trước cửa có một người đàn bà mà tôi không quen biết. “Anh Meursault”, ông giám đốc giới thiệu. Tôi không nghe được tên bà ấy mà chỉ hiểu rằng đó là vị y tá trưởng. Bà ấy lặng lẽ nghiêng bộ mặt dài và xương xẩu. Rồi chúng tôi đứng tránh để cho quan tài đi qua. Chúng tôi bước theo những người khiêng linh cữu và ra khỏi trại. Trước cổng đã có một cỗ xe tang. Nó có hình thuôn dài, được đánh verni bóng loáng, làm người ta liên tưởng đến cái ống đựng bút. Bên cạnh xe là người chủ trì tang lễ, một người đàn ông bé nhỏ ăn mặc kỳ cục, cùng một ông già với vẻ lúng túng. Tôi hiểu ngay đó là ông Pérez. Ông ấy đội một chiếc mũ mềm chỏm tròn, vành rộng, và ngả xuống khi linh cữu đi qua cửa, diện bộ đồ với cái quần bị dồn nhăn nhúm phía trên đôi giày và thắt cái nơ bằng vải đen quá nhỏ so với cái ve áo trắng quá lớn. Môi ông ta run lật bật dưới cái mũi hình nấm có nhiều chấm đen. Mái tóc bạc của ông ta khá mỏng, để tòi ra đôi tai lủng lẳng với hình thù kỳ dị mà màu đỏ của chúng thật tương phản đến bất ngờ với bộ mặt tái nhợt. Vị chủ trì sắp xếp vị trí cho chúng tôi. Vị linh mục đi trước, rồi đến cỗ xe. Chung quanh xe có bốn người. Sau xe là ông giám đốc, tôi, và cuối hàng người là bà y tá trưởng và ông Pérez.

Trời đã đầy nắng. Nắng đổ xuống mặt đất và không khí nóng lên rất nhanh. Tôi chẳng biết vì cớ gì chúng tôi lại phải đợi quá lâu mới xuất phát. Tôi thấy nóng điên người trong bộ đồ tối màu. Ông già bé nhỏ vừa che đầu lại lật mũ ra. Tôi hơi quay sang phía ông ấy, và nhìn ông ấy trong khi ông giám đốc nói về ông ấy với tôi. Ông ấy bảo mẹ tôi và ông Pérez hay đi dạo buổi tối trong làng cùng với một hộ lý. Tôi nhìn những người chung quanh. Nhìn những hàng cây bách vươn cao lên nền trời trên những quả đồi, nhìn mặt đất chỗ hung chỗ xanh và những ngôi nhà nhỏ thưa thớt nhưng có đường nét khá đẹp, tôi bỗng dưng hiểu mẹ. Buổi tối ở xứ sở này chắc chắn vắng lặng và cô tịch. Còn hôm nay, cái nóng hầm hập làm cảnh vật run rẩy đang trở nên tàn bạo và làm con người kiệt sức.

Chúng tôi vẫn đi. Rồi tôi nhận thấy ông Pérez đi hơi khập khiễng. Xe đi mỗi lúc một nhanh, và ông già không theo kịp. Một trong bốn người đi quanh xe cũng tụt lại và bây giờ đi ngang với tôi. Tôi ngạc nhiên vì mặt trời lên cao quá nhanh. Tôi cũng nhận thấy không gian đầy tiếng vo ve của côn trùng và tiếng rì rào của cây cỏ. Mồ hôi vã ra trên má tôi. Không có mũ, tôi phải lấy khăn tay để phe phẩy cho đỡ nóng. Nhân viên lễ tang nói gì đó với tôi, nhưng tôi không nghe được. Ông ta dùng tay trái cầm khăn tay lau trán, trong khi tay phải nâng cái mũ casquette lên. Tôi hỏi lại ông ta: “Sao ạ?” Ông ấy nhắc lại và chỉ tay lên trời: “Nắng đốt!” Tôi nói: “Vâng.” Một lúc sau, ông ấy hỏi: “Đó là mẹ anh à?” Tôi nói: “Vâng.” “Bà ấy già không?” Tôi trả lời: “Cũng khá già”, vì tôi không nhớ chính xác tuổi bà. Sau đó, ông ấy chuyển sang gọi “cậu”. Tôi quay lại và thấy ông Pérez đã cách chúng tôi dăm chục thước. Ông ấy cố bước nhanh và dùng tay giữ cho mũ khỏi rơi. Tôi cũng nhìn ông giám đốc. Ông ấy đi rất trang nghiêm và không làm động tác thừa nào. Những giọt mồ hôi đã xuất hiện trên trán ông ấy, nhưng ông ấy không lau.

Tôi cảm thấy đám người lại đi nhanh thêm một chút. Quanh tôi vẫn là cảnh nông thôn chìm trong nắng gay gắt. Bầu trời chói chang không chịu nổi. Có lúc chúng tôi đi trên phần đường mới sửa chữa. Ánh nắng làm nhựa đường chảy ra. Những bàn chân lún xuống, và khi nhấc lên thì để lại vết chân lấp lánh. Phía trên cỗ xe, cái mũ da của người đánh xe bị nóng mềm ra giống như được nặn bằng thứ nhựa đen đó. Tôi cảm thấy mất tỉnh táo giữa bầu trời trắng xanh và những màu sắc đơn điệu: màu đen lấp loáng của nhựa đường bị chảy, màu đen đục của đồ tang, màu đen bóng của cỗ xe. Tất cả, từ ánh nắng, mùi da, mùi cứt ngựa, mùi verni, hương trầm, cho đến sự mỏi mệt sau một đêm mất ngủ, làm cái nhìn và ý nghĩ của tôi trở nên mờ mịt. Tôi quay lại thêm một lần nữa: ông Pérez đã ở quá xa, bóng ông ấy mờ đi trong khối không khí nóng, rồi tôi không thấy ông ấy nữa. Tôi cố tìm bóng dáng ông ấy, và phát hiện ra ông ấy đã rời mặt đường, đi ngang qua cánh đồng. Tôi cũng thấy trước mặt là khúc quanh. Tôi hiểu rằng ông Pérez, người thông thuộc vùng này, đã đi tắt để đuổi kịp chúng tôi. Qua chỗ ngoặt, ông ấy lại nhập bọn với chúng tôi. Rồi lại mất hút. Ông ấy lại đi qua đồng. Cứ thế mấy lần. Còn tôi, tôi cảm thấy mạch máu ở thái dương đang giật mạnh.

Mọi việc sau đó diễn ra với sự vội vàng, dứt khoát và tự nhiên, và tôi không nhớ được gì nữa. Trừ một việc: ở đầu làng, bà y tá trưởng bắt chuyện với tôi. Bà ấy có giọng nói rất đặc biệt, không ăn nhập với khuôn mặt, nó vừa du dương vừa run rẩy. Bà ấy nói: “Nếu đi nhẩn nha thì bị tụt lại, nhưng nếu đi nhanh thì mất mồ hôi, và đến nhà thờ sẽ bị lạnh đột ngột.” Bà ấy có lý. Kiểu gì cũng khổ. Tôi nhớ một số hình ảnh của ngày hôm đó, chẳng hạn mặt ông Pérez khi ông ấy nhập bọn với chúng tôi lần cuối ở gần làng. Những giọt lệ phẫn nộ và nhọc nhằn vẫn đọng trên má ông ấy. Vì những nếp nhăn mà chúng không chảy xuôi xuống được. Chúng tản ra rồi nhập lại, tạo thành một lớp bóng trên khuôn mặt tuyệt vọng của ông. Tôi cũng nhớ hình ảnh nhà thờ, những dân làng đi bên lề đường, những bông hoa màu đỏ trên những ngôi mộ ở nghĩa địa, việc ông Pérez bị ngất (nghe bảo do sai khớp), đất có màu máu đổ lên quan tài mẹ tôi lẫn với những mẩu rễ cây màu trắng, hình ảnh đám người, những tiếng nói, cảnh làng quê, cuộc chờ trước một quán nước, tiếng ầm ì liên hồi của máy nổ, và niềm vui của tôi khi xe buýt đến trung tâm Alger sáng rực; rồi tôi đi nằm và ngủ suốt 12 giờ liền. 

 

02Khi thức dậy, tôi hiểu vì sao ông chủ của tôi có vẻ không bằng lòng khi tôi xin nghỉ làm hai ngày: vì hôm nay là thứ bảy. Lúc đó tôi không để ý, nhưng hôm nay khi ngủ dậy thì tôi nghĩ ra điều đó. Đương nhiên ông chủ tôi đã nghĩ rằng tôi sẽ được nghỉ bốn ngày, và điều đó làm ông không vui. Nhưng, một mặt, việc người ta chôn cất mẹ tôi vào hôm qua thay vì hôm nay không phải lỗi của tôi, và mặt khác, dù thế nào thì tôi vẫn được nghỉ thứ bảy và chủ nhật. Tuy thế, điều đó cũng không cản trở tôi trong việc thông cảm với ông chủ.

Tôi cố gắng mãi mới dậy được vì mệt bởi chuyến đi hôm qua. Trong lúc cạo râu, tôi tự hỏi mình sẽ làm gì bây giờ và quyết định đi tắm. Tôi lên tàu điện đến khu vực tắm ở cảng. Tôi xuống tắm ở vũng. Tại đó có rất nhiều người trẻ. Khi bơi, tôi đụng Marie Cardona, cô gái từng đánh máy chữ ở văn phòng tôi mà tôi khao khát một thời gian. Cô ấy cũng thế, tôi nghĩ vậy. Nhưng ít lâu sau cô ấy chuyển đi, và chúng tôi không có lúc nào gặp được nhau. Tôi giúp cô ấy leo lên cái phao, và tay tôi chạm vào ngực cô. Khi đó, tôi vẫn ở dưới nước, còn cô ấy thì đã tì cái bụng thon thả lên phao. Cô ấy quay lại nhìn tôi. Một lọn tóc lọt vào mắt, và cô ấy cười. Tôi cũng trèo lên phao, sát bên cô ấy. Tôi thấy dễ chịu, và làm như đang đùa, tôi ngả đầu vào bụng cô ấy. Cô ấy không nói gì, và tôi cứ để yên như vậy. Tôi thu cả bầu trời chỗ vàng chỗ xanh vào tầm mắt. Phía dưới gáy, tôi cảm thấy bụng cô ấy đang khẽ phập phồng. Chúng tôi cứ tựa trên phao như thế một hồi lâu, đến mức hơi thiu thiu ngủ. Khi nắng đã gay gắt, cô ấy lặn xuống và tôi lặn theo. Tôi túm được cô ấy, quàng tay quanh eo lưng, và chúng tôi bơi bên nhau. Cô ấy cười suốt. Đến bờ kè, chúng tôi trèo lên nằm phơi mình, và cô ấy nói: “Em cháy nắng nhiều hơn anh.” Tôi hỏi cô ấy có thích đi xem phim vào tối nay không. Cô ấy vừa cười vừa nói cô ấy rất thích xem phim có Fernandel. Khi mặc quần áo, cô ấy có vẻ sửng sốt khi thấy tôi mang cà vạt đen, và cô ấy hỏi tôi đang để tang à. Tôi nói là mẹ tôi mới mất. Vì cô ấy muốn biết từ khi nào, tôi nói: “Từ hôm qua.” Cô ấy hơi chựng lại, nhưng không nói gì. Tôi rất muốn nói với cô ấy rằng đó không phải lỗi của tôi, nhưng tôi kịp dừng lại vì nhớ ra đã nói thế với ông chủ. Cái đó chẳng có nghĩa gì. Kiểu gì thì mỗi người đều ít nhiều có lỗi.

Đến tối, Marie đã quên hẳn việc đó. Bộ phim có vài pha khá thú vị, nhưng sau đó thì thực sự vớ vẩn. Cô ấy khoác tay tôi. Tôi mân mê ngực cô ấy. Đến cuối buổi chiếu, tôi ôm cô ấy, nhưng vướng. Ra khỏi rạp, cô ấy theo tôi về nhà.

Khi tôi tỉnh dậy, Marie bảo phải đi. Cô ấy giải thích là phải đến chỗ bà cô. Tôi nghĩ hôm nay là chủ nhật, và tôi sẽ buồn; tôi không thích chủ nhật. Thế là tôi quay vào giường, tìm trên chiếc gối đôi vị mặn mà tóc Marie để lại, rồi tôi ngủ đến mười giờ. Tôi thức giấc nhưng vẫn nằm trên giường hút thuốc đến tận giữa trưa. Tôi không muốn ăn trưa chỗ Céleste như mọi khi vì ngại mọi người sẽ hỏi han mọi chuyện, mà tôi thì không thích như vậy. Tôi đun mấy quả trứng trên đĩa và ăn ngay trên đó, ăn trứng không, vì bánh mỳ đã hết mà tôi thì không muốn xuống để đi mua.

Sau bữa trưa, tôi thấy hơi buồn và đi đi lại lại trong nhà. Thật ấm cúng khi còn mẹ ở đó. Bây giờ, căn hộ quá rộng đối với tôi, và tôi phải đem bàn từ phòng ăn vào phòng riêng. Tôi không còn thấy gì thêm trong ngăn này, ngoài cái tủ có kính màu vàng nhạt, một cái bàn nhỏ và một cái giường bằng đồng giữa hai chiếc ghế bện đã trũng. Những thứ còn lại đều bỏ đi. Một lúc sau, để có việc gì đó mà làm, tôi cầm một tờ báo cũ lên và đọc. Tôi cắt lấy mẩu quảng cáo của hãng Kruschen và dán nó vào một quyển vở cũ, nơi tôi để những thứ ngồ ngộ lấy từ báo chí. Rồi tôi rửa tay và đi ra ban công.

Phòng tôi ở nhìn ra con phố chính của vùng ngoại ô. Chiều hôm đó trời đẹp. Tuy thế, đường khá bẩn, người đi lại thưa thớt và dáng đi vội vàng. Có vài gia đình đi dạo, hai đứa bé trai mặc đồ lính thủy, quần cộc trên đầu gối, có vẻ thấy vướng víu trong bộ đồ dày và cứng, một bé gái buộc cái nơ màu hồng và đi giày đen bóng. Phía sau chúng, một bà mẹ to cao lừng lững mặc áo choàng bằng lụa màu nâu, và người cha, một người nhỏ bé quắt queo mà tôi quen mặt. Ông ta mang một chiếc mũ chỏm bằng, thắt nơ hình con bướm, tay cầm gậy. Nhìn ông ta với bà vợ, tôi hiểu tại sao trong khu phố người ta bảo ông ta lập dị. Một lúc sau, có mấy thanh niên vùng ngoại ô đi qua, tóc chải mượt, mang cà vạt đỏ, áo khoác kiểu kỳ quái, túi có hình thêu và giày mõm vuông. Tôi nghĩ rằng họ vào rạp chiếu bóng ở trung tâm thành phố. Chính vì thế mà họ đi sớm và vội vàng nhảy lên tàu điện trong tiếng cười rất to.

Khi đám thanh niên đi khỏi, đường phố vắng dần. Tôi nghĩ mọi nơi đều đã bắt đầu các buổi chiếu. Trên phố chỉ còn những người chủ các quầy hàng và mấy con mèo. Bầu trời quang đãng, nhưng phía trên hàng cây hai bên đường không còn ánh mặt trời. Trên lề đường phía bên kia, người bán thuốc lá vừa mang ra một cái ghế, đặt trước cửa nhà rồi ngồi lên đó, hai tay tựa vào lưng ghế. Những toa tàu điện vừa đầy chật người bỗng chốc trống không. Trong quán cà phê “Chez Pierrot” cạnh nhà bán thuốc lá, một chàng trai đang quét mạt cưa trong gian nhà trống. Đúng là chủ nhật.

Tôi xoay cái ghế và ngồi giống như người bán thuốc lá, vì thấy như thế tiện hơn. Tôi rít liên tiếp hai điếu thuốc, rồi vào nhà lấy một mẩu chocolat và đứng ăn cạnh cửa sổ. Một lát sau, bầu trời tối đen, và tôi nghĩ sắp có dông. Tuy thế, cơn dông đến khá chậm. Nhưng bóng đen của những đám mây trên đường phố báo hiệu sẽ mưa, và trời sẽ tối mịt. Tôi đứng nhìn rất lâu lên bầu trời.

Đến 5 giờ, những toa tàu ồn ã trở về. Chúng chở về từ sân vận động ngoại ô những chùm khán giả chen chúc trên bậc lên xuống và đu đeo trên các tay vịn. Những chuyến tàu tiếp theo thì chở những cầu thủ mà tôi nhận ra qua những chiếc va-li nhỏ của họ. Họ giương cổ lên hò hét và hát rằng câu lạc bộ của họ sẽ trường tồn. Nhiều người ra hiệu cho tôi. Một người thậm chí còn la lên với tôi: “Làm được rồi!” Và tôi gật đầu hét: “Đúng!” Từ lúc đó, hàng đoàn xe ô-tô bắt đầu đổ đến.

Không khí cuối ngày lại khác đi thêm một ít. Phía trên những mái nhà, bầu trời nhuộm đỏ hồng, và khi bóng đêm đậm đặc dần thì đường phố càng náo nhiệt. Những người đi dạo đông dần. Tôi nhận ra cái ông lập dị giữa đám đông. Bọn con nít đứa thì khóc, đứa thì mặc kệ cho người lớn dắt đi. Gần như cùng lúc, các rạp chiếu bóng của khu phố cùng đổ khán giả ra đường. Đám thanh niên hoa chân múa tay mạnh hơn bình thường, và tôi nghĩ rằng họ vừa xem loại phim giật gân. Những người đi xem phim ở nội thành thì về muộn hơn. Họ có vẻ đăm chiêu hơn. Họ cũng cười, nhưng càng lúc càng tỏ ra mệt mỏi và tư lự. Họ ở lại trên phố, đi đi lại lại trên vệ đường đối diện. Các cô gái tóc dài trong khu phố thì khoác tray nhau. Các chàng trai dàn hàng ngang chặn họ lại và buông lời trêu chọc; các cô gái quay mặt đi và cười. Những cô mà tôi quen biết giơ tay ra hiệu cho tôi.

Đèn đường đồng loạt bật sáng, làm những ngôi sao vừa hiện ra trên nền trời đêm bỗng mờ đi. Tôi cảm thấy mỏi mắt khi nhìn lên lề đường với đám người và làn ánh sáng liên tục thay đổi. Ánh đèn làm vệ đường lát đá đang ướt bỗng sáng lên lấp loáng, và những toa tàu điện chốc chốc lại phản chiếu ánh sáng lên những mái tóc bóng mượt, soi rõ một nụ cười hoặc một chiếc vòng bạc. Một lúc sau, khi những chiếc tàu điện thưa dần và bóng đêm đã đen đặc phía trên những hàng cây và những bóng đèn, khu phố dần trở nên vắng vẻ, và sau khi có một con mèo nhẩn nha đi qua phố thì không còn thấy bóng một ai nữa. Tôi nghĩ đã đến lúc ăn tối. Tôi cảm thấy hơi mỏi cổ sau khi ngồi tựa khá lâu trên ghế. Tôi xuống dưới đi mua bánh mì và mứt, rồi đem lên và đứng ăn. Tôi muốn đứng tựa cửa sổ mà hút thuốc, nhưng không khí ẩm ướt và tôi cảm thấy hơi lạnh. Tôi khép cửa sổ lại, và trong khi quay vào, tôi nhìn thấy trong gương một đầu bàn với chiếc đèn cồn bên cạnh những mẩu bánh mì. Tôi nghĩ rằng chủ nhật này là một ngày mệt mỏi, rằng mẹ bây giờ nằm dưới đất, rằng tôi lại sắp phải đi làm, và tóm lại là chẳng có gì thay đổi.

 

03Hôm nay tôi làm việc cật lực tại văn phòng. Ông chủ thật dễ mến. Ông ấy hỏi tôi có mệt lắm không và ông ấy muốn biết mẹ tôi thọ bao nhiêu. Để tránh nhầm, tôi nói “Ngoài sáu chục”, và không hiểu sao ông ấy lại có vẻ như thấy nhẹ người và coi như đó là việc đã rồi.

Trên bàn làm việc của tôi có cả một đống giấy tờ mà tôi buộc phải xử lý hết. Trước khi đi ăn trưa, tôi đi rửa tay. Trưa là thời điểm tôi thích nhất. Buổi tối tôi thấy ít dễ chịu nhất, vì cái khăn lăn đã ướt: nó đã phục vụ suốt cả ngày. Tôi nêu nhận xét về ngày làm việc với ông chủ. Ông ấy nói điều đó đáng tiếc, nhưng dù sao thì cũng không nghiêm trọng. Tôi ra khỏi văn phòng hơi muộn, lúc mười hai giờ rưỡi, cùng Emmanuel, người làm ở bộ phận đầu tư mạo hiểm. Phòng làm việc nhìn ra biển, và chúng tôi đã không xem được cảnh tàu thuyền ra vào cảng khi mặt nước sáng rực ánh mặt trời. Vào lúc đó, một chiếc xe tải xuất hiện trong tiếng động cơ ầm ầm và tiếng xích sắt loảng xoảng. Emmanuel hỏi tôi “Đi chứ?”; thế là tôi chạy luôn. Chiếc xe tải vượt qua chúng tôi, thế là chúng tôi phải đuổi theo. Tôi ngập trong tiếng ồn và khói bụi. Tôi không còn nhìn thấy gì và chỉ nghĩ về cuộc chạy điên cuồng, giữa nơi ngổn ngang những máy móc, những chiếc cột buồm đang lắc lư trên sóng và những thùng xe. Tôi túm được xe và nhảy lên trước, rồi giúp Emmanuel trèo lên. Chúng tôi mệt đứt hơi, trong khi chiếc xe tải chồm lên trên những tấm lát gồ ghề của bờ kè, giữa nắng và bụi. Emmanuel cười không ra hơi.

Chúng tôi ướt như tắm khi tới chỗ Céleste. Ông ta vẫn luôn ở đó, với cái bụng bự, cái tạp dề và những sợi râu trắng. Ông ta hỏi tôi “Vẫn ổn chứ?” Tôi nói “phải” và bảo tôi đói lắm rồi. Tôi ăn rất nhanh rồi uống cà phê. Rồi tôi về chỗ ở, ngủ một lúc vì uống quá nhiều rượu, và khi tỉnh dậy thì rất thèm hút thuốc. Thấy đã muộn, tôi chạy vội để lên tàu điện. Suốt buổi chiều, tôi làm việc liên tục. Trong phòng quá nóng, và khi ra về, tôi thấy khoan khoái khi bước nhẩn nha dọc theo bờ kè. Trời trong xanh, và tôi cảm thấy dễ chịu. Nhưng tôi về thẳng nhà vì muốn ninh một ít khoai tây cho bữa tối.

Khi đi lên theo cầu thang tối om, tôi đụng phải ông già Salamano, người đi chung cầu thang với tôi. Ông ta dắt chó theo. Nó đã sống với ông ấy tám năm. Con chó giống épagneul này bị bệnh da, chắc là ghẻ, nên bị trụi gần hết lông, trơ ra những mảng vảy nâu và máu khô. Có lẽ vì sống với nó quá lâu trong một căn phòng chật hẹp mà ông già này càng ngày càng giống với nó. Ông cũng có những mảng sẩn đỏ trên mặt, tóc và lông trên người cũng có màu vàng và rụng nhiều, chỉ còn rất thưa. Con chó thì tiếp thu cái dáng kỳ dị của ông chủ, cái mõm vươn ra phía trước trên cái cổ dài. Họ có vẻ như cùng loài, nhưng lại ghê tởm lẫn nhau. Ngày hai lần, vào lúc mười một giờ và sáu giờ, ông già dắt cho đi dạo. Tám năm liền, họ không thay đổi hành trình. Mọi người thấy họ đi dọc theo phố de Lyon, con chó ra sức kéo đi, ông già thì cố ghìm lại. Ông ấy đánh và chửi con chó. Con chó sợ hãi nằm rạp xuống đất và để mặc cho ông chủ đánh. Lúc đó thì đến lượt ông già kéo nó đi. Đến khi nó quên chuyện vừa xảy ra thì nó lại kéo ông chủ và lại bị đánh mắng. Rồi cả hai ngồi nghỉ ở vệ đường, con chó với sự khiếp hãi, còn con người thì với sự căm tức. Ngày nào cũng vậy. Khi con chó muốn đái, ông già không để nó đái, cứ thế kéo đi, còn con chó épagneul vừa đi theo ông vừa rắc những giọt nhỏ thành một vệt dài. Nếu chẳng may nó tè trong phòng thì nó sẽ bị nện. Sự việc như vậy đã kéo dài tám năm. Céleste thì lúc nào cũng bảo “Sao khổ thế”, nhưng thực sự chẳng ai biết phải làm gì. Khi tôi gặp Salamano ở cầu thang, ông ấy đang chửi bới con chó. Ông ấy nói: “Đồ tồi! Đồ thối tha!”, còn con chó thì đang rên rỉ. Tôi nói “Chào cụ”, nhưng ông già đang bận rủa. Tôi hỏi ông ấy con chó mắc tội gì. Ông ấy không thèm trả lời. Ông ấy vẫn chỉ nói hai từ: “Đồ tồi! Đồ thối tha!” Thấy ông ấy đang lúi húi, tôi đoán ông ấy đang muốn làm gì đó với cái vòng cổ của con chó. Tôi hỏi lại to hơn. Không quay lại, ông ấy gầm lên với tôi: “Lúc nào nó cũng nằm đấy.” Rồi ông ấy lại kéo con vật đi, còn nó thì vừa bước theo vừa rên rỉ.

Đúng lúc đó, một người khác cũng đi cùng cầu thang với tôi đi vào. Trong khu phố, người ta bảo đó là tay dắt gái. Khi có người hỏi về nghề nghiệp, anh ta nói là “thủ kho”. Nói chung, anh ta không được mọi người quý mến. Tuy vậy, anh ta hay nói chuyện với tôi, và thỉnh thoảng sang nhà tôi vì tôi chịu khó nghe. Tôi thấy anh ta nói chuyện khá hấp dẫn. Với lại tôi chẳng có lý gì để không nói chuyện với anh ta. Tên anh ta là Raymond Sintès. Anh ta nhỏ con, với đôi vai rộng và cái mũi của võ sĩ đấm box. Anh ta ăn mặc rất chỉnh tề. Khi nói với tôi về Salamano, anh ta bảo: “Có gì khổ lắm đâu!” Anh ta hỏi tôi có thấy ghê tởm ông già không, tôi nói “không”.

Chúng tôi đi lên và tôi định chia tay thì anh ta nói: “Tôi có ít dồi với rượu, anh sang nhấm nháp chút với tôi không?” Tôi đang thấy ngại nấu ăn nên đồng ý. Anh ta cũng chỉ có một phòng, với ngăn bếp không có cửa thoát hơi. Phía trên đầu giường của anh ta có đặt một bức tượng thiên thần bằng chất liệu trắng hồng giả cẩm thạch, vài bức ảnh các nhà vô địch và vài bức tranh khắc phụ nữ khỏa thân. Căn phòng khá bẩn, còn cái giường thì xiêu vẹo. Anh ta đốt ngọn đèn dầu lên rồi lôi trong túi ra một đoạn băng khá lem nhem và quấn quanh bàn tay phải. Tôi hỏi anh ta có chuyện gì. Anh ta bảo vừa choảng nhau với một tay chuyên kiếm chuyện.

“Anh hiểu cho, anh Meursault.” Anh ta nói. “Tôi không ác, nhưng nóng tính. Thằng kia bảo tôi: “Xuống xe, nếu mày là đàn ông.” Tôi nói: “Ấy ấy, bình tĩnh.” Nó bảo tôi không phải đàn ông. Lúc đó tôi ra khỏi tàu điện và bảo: “Đủ rồi, cư xử tử tế, không tao giết.” Nó nói: “Mày dám?” Tôi cho nó một đấm. Nó té. Tôi định lôi nó dậy, nhưng nó giơ chân đá tôi mấy cú. Tôi liền cho nó một cú lên gối với hai cú đập bằng cái then. Nó tóe máu. Tôi hỏi nó đã thấy chưa. Nó nói: “Rồi.”” Vừa nói, Sintès vừa quấn băng. Tôi ngồi lên giường. Anh ta nói với tôi: “Anh thấy đấy, tôi đâu có gây sự. Chính nó láo với tôi.” Tôi bảo đúng thế. Thế là anh ta nói rằng anh ta muốn xin lời khuyên của tôi về vụ việc đó, rằng tôi là đàn ông, tôi hiểu đời, rằng tôi có thể giúp anh ta và từ nay anh ta sẽ là bạn của tôi. Tôi không nói gì, thế là anh ta hỏi lại tôi có muốn làm bạn với anh ấy không. Tôi nói cũng được, và anh ta có vẻ hài lòng. Anh ta đi lấy dồi, rồi bỏ vào áp chảo, sau đó bày li, đĩa, dĩa và hai chai vang ra. Anh ta làm mọi việc trong im lặng. Rồi chúng tôi ngồi vào bàn. Khi ăn, anh ta bắt đầu kể chuyện về bản thân. Anh ta đang hơi dao động. “Tôi quen một phụ nữ… người đó gần như là bồ của tôi.” Người đàn ông đánh nhau với anh ta là anh trai của ả đó. Anh ta bảo tôi là anh ta nuôi cô ả. Tôi không nói gì, còn anh ta thì nói thêm rằng anh ta biết trong khu phố người ta nói gì, nhưng anh ta có nhận thức của anh ta, hơn nữa anh ta còn là thủ kho.

“Nhưng trong cái chuyện của tôi, tôi thấy như có sự lừa dối”, anh ta nói. Anh ta chu cấp mọi thứ cho cô ả sống. Anh ta trả tiền phòng ở, cho mỗi ngày hai mươi franc tiền ăn. “Ba trăm franc tiền phòng, sáu trăm franc tiền ăn, thỉnh thoảng lại một đôi bít tất, vị chi gần một ngàn. Còn madame của tôi thì chẳng làm gì. Nhưng cô ta lại bảo sẽ không như thế nữa, rằng cô ta không đến để sống với những gì tôi chu cấp. Còn tôi thì bảo: “Sao cô không làm việc nửa ngày? Cô bớt cho tôi khỏi phải lo hết mọi thứ lặt vặt đi. Tháng này tôi đã mua cho cô bao nhiêu thứ rồi, tôi cho cô mỗi ngày hai mươi franc, trả tiền ở cho cô, trả tiền cô uống cà phê buổi chiều với bạn bè cô. Vừa cà phê vừa đường. Tôi cho cô tiền. Tôi đối xử tốt với cô, còn cô thì coi tôi không ra gì.” Nhưng cô ả vẫn không đi làm, vẫn luôn mồm bảo sẽ không đến nữa, và vì thế tôi cảm thấy có sự lừa dối.”

Anh ta bảo tôi là anh ta thấy trong túi cô ta có vé xổ số mà cô ả thì không giải thích được đã mua như thế nào. Vài hôm sau, anh ta lại tìm thấy biên lai của hiệu cầm đồ, chứng tỏ cô ả đã đem cầm đôi xuyến. Trước đó, anh ta đã cho qua việc không thấy đôi xuyến. “Tôi thấy có chuyện lừa dối. Thế là tôi bỏ cô ả. Tôi tát cô ta. Rồi tôi nói ra toàn bộ sự thật. Tôi nói toàn bộ cái cô ta muốn là giễu cợt tôi. Tôi bảo, anh biết không, anh Meursault, tôi bảo: “Cô không thấy ai cũng ghen tị với cô vì cái hạnh phúc tôi đem đến cho cô à? Cô nhận ra cái hạnh phúc mà cô có quá muộn đấy.”

Anh ta đánh cô ả tóe máu. Trước đó, anh ta không đánh. “Tôi tát cô ta, nhưng chỉ để cô ta hiểu. Cô ta khóc thút thít. Tôi đóng các cánh cửa và nghĩ sự việc sẽ kết thúc như mọi khi. Nhưng bây giờ thì nghiêm trọng rồi. Đối với tôi thì tôi trừng phạt cô ta chưa xứng đáng.”  

Rồi anh ta giải thích rằng đó là vì anh ta không được ai khuyên bảo. Anh ta dừng lại để chỉnh bấc của cây đèn đang bị muội. Tôi vẫn nghe anh ta nói. Tôi uống hết gần một lít rượu và thấy rất nóng. Tôi rút thuốc của Raymond ra hút vì thuốc của tôi đã hết. Những chuyến tàu điện cuối cùng đã đi qua và mang tiếng ồn xa dần về phía ngoại ô. Raymond lại nói tiếp. Cái làm anh ta chán “là cái ham muốn giao cấu”. Nhưng bây giờ anh ta muốn trừng phạt cô ả. Anh ta muốn đem cô ả đến một khách sạn và gọi bọn “mo” đến để tạo ra vụ tai tiếng cho cô ả. Anh ta nói chuyện với bạn bè, nhưng chẳng ai nghĩ ra được gì hay để khuyên anh ta. Và như Raymond đã nói với tôi, thật khó mà đứng giữa trong chuyện này. Anh ta đã kể với họ, và họ khuyên anh ta “đánh dấu” lên cô ả. Nhưng anh ta không muốn thế. Anh ta cần nghĩ kỹ. Trước hết anh ta muốn hỏi tôi vài điều. Và trước khi hỏi tôi, anh ta muốn biết tôi nghĩ gì về chuyện này. Tôi trả lời rằng tôi chỉ nghĩ là chuyện đó thú vị. Anh ta hỏi tôi có nghĩ là có chuyện lừa dối hay không, tôi nói là có. Anh ta lại hỏi có cần trừng phạt cô ta không, tôi nói tôi không thể biết được, nhưng tôi hiểu là anh ta muốn trừng phạt. Rồi tôi uống thêm vài hớp rượu. Anh ta châm thuốc và hé lộ ý định của mình với tôi. Anh ta muốn viết cho ả một bức thư “với những cú đá và cả những thứ làm cô ta thấy tiếc.” Sau đó, khi cô ả quay lại, anh ta sẽ lại ngủ với ả, và “đúng vào lúc kết thúc” anh ta nhổ vào mặt ả rồi tống cổ ra ngoài. Tôi thấy đúng là bằng cách đó thì cô ả sẽ phải đau đớn. Nhưng Raymond lại nói anh ta không biết viết thư, và anh ta muốn nhờ tôi thảo hộ. Thấy tôi không nói gì, anh ta hỏi tôi có ngại làm ngay bây giờ không, và tôi nói “không”.

Uống thêm một li rượu, anh ta đứng lên. Anh ta dẹp đĩa và ít dồi còn lại sang bên, rồi lau thật kỹ tấm vải nhựa trải bàn. Anh ta lấy từ ngăn kéo ra một tờ giấy kẻ ô, một phong bì màu vàng, một cây bút cán gỗ màu đỏ, một bình hình vuông đựng mực tím. Khi anh ta nói tên cô ả, tôi nhận ra đó là tên người Maure. Tôi viết bức thư. Tôi viết khá tùy tiện, nhưng cũng chú ý để làm Raymond hài lòng, vì chẳng có lý do gì để không làm như vậy. Rồi tôi đọc to lên cho anh ta nghe. Anh ta vừa nghe vừa hút thuốc và lắc đầu. Rồi anh ta bảo tôi đọc lại lần nữa. Anh ta rất hài lòng. Anh ta nói: “Tôi biết là cậu hiểu đời mà.” Tôi không để ý việc anh ta gọi tôi bằng cậu, cho đến khi anh ta tuyên bố: “Bây giờ thì cậu là thằng bạn hẩu của tớ rồi.” Anh ta nhắc lại câu đó lần nữa, và tôi nói “Đúng”. Làm bạn anh ta cũng chẳng sao, trong khi anh ta rất muốn vậy. Anh ta cho thư vào bì, và chúng tôi kết thúc tiệc rượu. Rồi chúng tôi ngồi im lặng hút thuốc. Bên ngoài cũng im lặng. Lúc sau, có tiếng ô-tô chạy qua. Tôi nói: “Muộn rồi.” Raymond cũng nghĩ vậy. Anh ta bảo thời gian trôi nhanh quá, và có lẽ đúng vậy. Tôi muốn về đi ngủ, nhưng mãi không đứng lên được. Chắc tôi có vẻ mệt, vì thấy Raymond bảo không nên để mọi việc xấu thêm. Thấy tôi không thật hiểu, anh ta liền giải thích là anh ta đã nghe nói mẹ tôi chết, nhưng việc đó không sớm thì muộn sẽ đến. Và tôi cũng nghĩ vậy.

Tôi đứng dậy, Raymond xiết tay tôi rất mạnh và nói đàn ông bao giờ cũng hiểu nhau. Khi ra khỏi phòng, tôi khép cửa lại và đứng một lúc trong bóng tối ngoài thềm. Khu nhà yên lặng, và từ phía chân cầu thang thổi lên một làn gió ẩm ướt. Tôi nghe tiếng mạch máu giật trong tai. Tôi đứng im. Tôi nghe trong phòng ông già Salamano, con chó đang phát ra những tiếng rên thảm hại.

 

04Tôi làm việc chăm chỉ cả tuần. Rồi Raymond đến và bảo anh ta đã gửi thư. Tôi đi xem chiếu bóng hai lần cùng Emmanuel, người không hề hiểu điều gì đang diễn ra trên màn ảnh. Đành phải diễn giải cho anh ta. Hôm qua là thứ bảy, và Marie đến như đã hẹn. Cô ấy thật quyến rũ khi mặc chiếc áo choàng kẻ sọc trắng-đỏ và đi đôi dép da. Gương mặt rám nắng của cô ấy tươi như hoa. Ngực cô ấy trông thật chắc. Chúng tôi lên xe buýt và đi đến một nơi cách Alger mấy cây số, trên một bãi biển nằm giữa những mỏm đá và những bụi lau. Ánh nắng lúc bốn giờ chiều không quá gay gắt, nhưng nước khá ấm, với những triền sóng dài vỗ bờ uể oải. Tôi và Marie bắt đầu đùa nghịch. Khi mào sóng đến, chúng tôi hớp đầy một mồm nước, rồi nằm ngửa ra phun ngược lên trời. Một phần tia nước đầy bọt rơi như mưa xuống mặt. Được một lúc thì miệng tôi sít lại vì vị mặn của muối biển. Marie bơi lại và bám chặt lấy tôi. Môi cô ấy đặt sát môi tôi. Cô ấy liếm môi tôi, và chúng tôi cùng quay lộn trên sóng.

Khi trở lên bãi và mặc quần áo vào, Marie nhìn tôi với ánh mắt long lanh. Tôi hôn cô ấy. Từ lúc đó, chúng tôi không nói gì thêm. Rồi chúng tôi chạy đi tìm xe buýt về chỗ tôi, để cùng nhau lăn lộn trên giường. Tôi để cửa sổ mở để được cảm thấy không khí tươi mát ban đêm mơn trớn da thịt.

Sáng hôm sau Marie được nghỉ và tôi bảo cô ấy là chúng tôi sẽ cùng ăn sáng. Tôi xuống dưới nhà mua thịt. Khi trở lên, tôi nghe có giọng phụ nữ trong phòng Raymond. Một lúc sau thì thấy tiếng ông già Salamano mắng con chó, rồi tiếng chân người đi giày và tiếng chân chó gõ móng xuống cầu thang gỗ, rồi “Đồ tồi, đồ thối tha”, và họ đi ra phố. Tôi kể cho Marie nghe về ông già, và cô ấy cười rũ. Cô ấy mặc một trong những bộ pyjama của tôi và vén tay áo lên. Khi cười, cô ấy càng làm tôi thèm muốn cô ấy. Cô ấy hỏi tôi có yêu cô ấy không. Tôi bảo cái đó chẳng nói lên điều gì, nhưng hình như là không. Cô ấy có vẻ buồn. Nhưng khi chuẩn bị bữa trưa, tự nhiên cô ấy lại cười thật quyến rũ, làm tôi lại phải ôm hôn cô ấy.

Lúc đó có tiếng cãi cọ ầm ầm bên phòng Raymond. Giọng một người đàn bà tru tréo, rồi Raymond nói: “Cô hỗn láo, cô hỗn láo với tôi. Tôi sẽ dạy cho cô cách hỗn láo.” Có mấy tiếng động nhỏ, rồi người đàn bà rú lên, tiếng rú kinh khủng đến mức ngay tức khắc mọi người đã đổ đến đầy bậc thềm cầu thang. Tôi và Marie cũng ra khỏi phòng. Cô ả kia khóc liên hồi, còn Raymond thì vả liên hồi. Marie bảo “Thật kinh khủng”, và tôi không nói gì. Cô ấy bảo tôi đi gọi cảnh sát, nhưng tôi bảo tôi ghét cảnh sát. Tuy nhiên, một cảnh sát viên cũng đã tới, cùng với người ở trọ trên tầng hai, một người thợ sửa ống nước. Viên cảnh sát đập cửa, và tiếng động trong phòng Raymond im bặt. Anh ta gõ lại, mạnh hơn, thế là cô ả kia lại khóc, còn Raymond ra mở cửa. Anh ta đang ngậm thuốc lá, và vẻ mặt dịu xuống. Cô kia lao ra cửa và nói với viên cảnh sát là Raymond đánh cô ta. “Tên anh”, viên cảnh sát nói. Raymond nói tên. “Bỏ thuốc lá ra khỏi miệng khi trả lời tôi”, viên cảnh sát lại nói. Raymond lưỡng lự, ngước nhìn tôi và vẫn không lấy điếu thuốc ra khỏi miệng. Lúc đó, viên cảnh sát dang thẳng cánh giáng cho Raymond một cái tát với toàn bộ sức mạnh cơ bắp của anh ta. Điếu thuốc văng xa mấy thước. Mặt Raymond biến sắc, nhưng anh ta im lặng. Vài giây sau, anh ta hỏi với giọng nhỏ nhẹ, liệu anh ta có thể nhặt mẩu thuốc lên không. Viên cảnh sát bảo được, nhưng nói thêm: “Lần sau thì nên nhớ cảnh sát không phải là bù nhìn.”

Suốt thời gian đó, cô ả kia vẫn vừa khóc vừa kêu rên: “Nó đánh tôi. Nó là đồ ma cô.” “Thưa ngài cảnh sát”, Raymond nói, “cô ấy có quyền gọi một người đàn ông là ma cô không ạ?” Viên cảnh sát nói: “Ngậm mồm!” Raymond quay sang phía cô ả và nói: “Đợi đấy, con ạ, tao với mày còn gặp nhau.” Viên cảnh sát lại bảo anh ta ngậm mồm, bảo cô ả đi về, còn Raymond thì ở lại đó, chờ áp giải đến đồn. Anh ta bảo Raymond phải biết xấu hổ vì say đến mức đứng không vững. Raymond thanh minh: “Tôi không say, thưa ngài cảnh sát. Đấy là đứng trước ngài tôi mới run như thế, vì sợ.” Anh ta đóng cửa, và mọi người ra về. Tôi và Marie đi nấu ăn. Nhưng vì cô ấy không đói, mình tôi ăn gần hết. Đến một giờ, cô ấy ra về, còn tôi thì nằm chợp mắt một lát.

Khoảng ba giờ, có tiếng gõ cửa, và Raymond vào phòng tôi. Tôi vẫn đang nằm. Anh ta ngồi lên cạnh giường tôi. Anh ta im lặng một hồi, và tôi hỏi sự việc ra sao. Anh ta kể là anh ta đã làm như dự định, nhưng cô ả lại tát anh ta, và thế là anh ta đánh. Phần tiếp theo thì tôi đã thấy. Tôi bảo bây giờ ả đã bị trừng trị, và anh ta cần phải hài lòng. Anh ta bảo anh ta cũng nghĩ vậy, và anh ta thấy viên cảnh sát đã làm đúng, và dù sao thì cũng không thay đổi được những cú bạt tai mà cô ả đã phải nhận. Anh ta nói thêm là anh ta biết rất rõ cánh cảnh sát, và biết là cần phải xử sự với họ thế nào. Rồi anh ta hỏi tôi là tôi có nghĩ anh ta sẽ trả đũa cú tát của tay cảnh sát hay không. Tôi bảo tôi không nghĩ thế, nhưng tôi ghét cảnh sát. Raymond có vẻ rất hài lòng. Anh ta hỏi tôi có muốn ra phố với anh ta không. Tôi bò dậy và lấy lược chải đầu. Anh ta bảo tôi phải làm chứng cho anh ta. Tôi thấy sao cũng được, nhưng không biết sẽ phải nói gì. Theo Raymond thì chỉ cần nói là cô ả kia chơi đểu anh ta. Tôi đồng ý làm chứng.

Chúng tôi ra phố, và Raymond mua rượu ngon đãi tôi. Rồi anh ta gạ chơi billard và tôi thỉnh thoảng thua. Sau đó, anh ta rủ tôi đi nhà thổ, nhưng tôi bảo tôi không thích thứ đó. Thế là chúng tôi nhẩn nha đi về, và trên đường đi anh ta bảo anh ta rất hài lòng vì đã trừng trị được cô ả đó. Tôi nhận thấy anh ta rất nhã nhặn với tôi, và tôi thấy dễ chịu.

Từ xa, tôi thấy ông già Salamano đang đứng cạnh cửa với vẻ lo lắng. Khi chúng tôi đến gần thì không thấy con chó của ông ấy đâu. Ông ấy nhớn nhác nhìn quanh, rồi quay lại, vừa cố giương mắt nhìn theo hành lang tối om, vừa lẩm bẩm gì đó, xong lại lục tìm trên phố bằng cặp mắt nhỏ đỏ ngầu. Khi Raymond hỏi ông có việc gì, ông ấy không trả lời ngay. Tôi nghe ông ấy lầm rầm: “Đồ tồi, đồ tởm lợm”, và tiếp tục tìm kiếm. Tôi hỏi con chó của ông ấy đâu. Ông ấy bảo nó đi mất rồi. Rồi ông ấy nói liền một mạch: “Tôi dẫn nó ra quảng trường duyệt binh như mọi khi. Ở đó khá đông người quanh những quầy bán hàng. Tôi dừng lại để xem diễn trò “Vua vượt ngục”. Khi tôi muốn đi thì không thấy nó đâu. Từ lâu tôi đã muốn mua cho nó một cái vòng cổ nhỏ hơn một chút. Nhưng tôi không ngờ cái đồ thối tha đó có thể biến đi như thế.”

Raymond nói với ông già chắc con chó bị lạc, rồi nó sẽ về thôi. Anh ta kể ra mấy vụ chó đi lạc hàng chục cây số vẫn tìm về nhà. Mặc dù vậy, ông già vẫn có vẻ lo lắng. “Nhưng, các anh có hiểu không, nhỡ ra người ta bắt nó. Nhỡ có ai nhốt nó lại. Ô nhưng không thể thế được, nó làm mọi người phát gớm vì những mảng máu khô. Nhưng cảnh sát có thể nhốt nó.” Khi đó tôi bảo ông ấy phải đến nơi cảnh sát nhốt gia súc bị lạc để nộp tiền chuộc. Ông già hỏi tiền chuộc có nhiều không. Tôi nói tôi không biết. Thế là ông ấy lại điên lên: “Mất tiền vì cái của nợ đấy à? Thà để nó chết quách đi!” Rồi ông ấy lại chửi rủa. Raymond cười và đi vào nhà. Tôi đi theo, và chúng tôi rời khỏi thềm cầu thang. Một lúc sau, tôi nghe tiếng chân ông già và tiếng gõ cửa. Khi tôi mở cửa, ông ấy đứng ở ngưỡng cửa và nói: “Xin lỗi, xin lỗi.” Tôi mời ông ấy vào phòng, nhưng ông tỏ vẻ không muốn. Ông ấy cúi nhìn mũi giày và đôi bàn tay sần sùi run rẩy. Không nhìn tôi, ông ấy hỏi: “Họ sẽ không nhốt nó chứ, anh Meursault? Họ sẽ trả nó cho tôi chứ? Nếu không thì tôi sẽ ra sao đây?” Tôi nói là nơi nhốt gia súc lạc sẽ giữ chó ba ngày, chờ chủ đến nhận, sau đó họ sẽ làm cái việc mà họ thấy nên làm. Ông già im lặng nhìn tôi. Rồi ông ấy nói: “Chào anh.” Ông ấy khép cửa lại, rồi tôi nghe tiếng chân ông ấy đi về phòng, tiếng giường kêu cọt kẹt. Rồi tôi nghe tiếng động khe khẽ vọng qua máng ngăn. Tôi hiểu rằng ông già đang khóc. Không hiểu sao, tôi bỗng nhớ mẹ. Nhưng sáng mai tôi phải dậy sớm, và vì không thấy đói nên tôi đi ngủ mà không ăn tối.

 

05Raymond gọi điện thoại tới phòng làm việc của tôi. Anh ta bảo một người bạn của anh ta (người đã được nghe anh ta kể về tôi) mời tôi chủ nhật này đến chơi tại lều của anh ta gần Alger. Tôi trả lời là tôi rất muốn, nhưng đã hứa hôm đó sẽ ở với bạn gái. Raymond nói anh ta mời luôn cả bạn gái tôi. Vợ anh bạn sẽ rất vui vì không lẻ loi giữa đám đàn ông.

Tôi muốn kết thúc cuộc nói chuyện, vì ông chủ không thích nhân viên nói chuyện trong giờ làm việc. Nhưng Raymond bảo tôi đợi vì anh ta có tin mới để thông báo. Lẽ ra đến tối anh ta mới chuyển lời mời, nhưng vì cái tin đó mà phải gọi ngay giờ. Anh ta đã bị một nhóm người A rập, trong đó có anh trai của cô ả kia, theo dõi suốt cả ngày. “Nếu khi về cậu thấy hắn gần nhà thì báo cho tôi nhé.” Tôi nói là tôi hiểu.

Một lúc sau, ông chủ gọi tôi. Tôi thấy không vui vì nghĩ chắc ông ấy lại sắp bảo nói chuyện điện thoại ít thôi để còn làm việc. Nhưng không phải việc đó. Ông ta bảo sẽ trình bày với tôi về một dự định còn đang mơ hồ. Ông ấy muốn tôi nêu ý kiến về việc đó. Ông ấy định đặt một văn phòng ở Paris để xử lý công việc tại chỗ với những công ty lớn ở đó, và muốn biết liệu tôi có đồng ý đến đó không. Việc này sẽ cho phép tôi được sống ở Paris và mỗi năm tham quan nước Pháp vài tháng. “Anh còn trẻ, và tôi nghĩ đó là cuộc sống làm anh hài lòng.” Tôi nói “vâng”, nhưng thực ra với tôi thì sao cũng được. Ông ấy hỏi tôi có muốn thay đổi cuộc sống không. Tôi nói là tôi không bao giờ thay đổi cách sống, rằng mọi cách sống đều có giá trị, và cuộc sống hiện giờ của tôi ở đây cũng không khó chịu. Ông ấy có vẻ hơi phật ý, và bảo rằng tôi lúc nào cũng trả lời chệch vấn đề, rằng tôi thiếu tham vọng, mà cái đó là thảm họa trong kinh doanh. Tôi trở lại chỗ làm việc. Tôi không thích làm ông chủ mếch lòng, nhưng không thấy có lý do gì để thay đổi cuộc sống. Tự nhìn lại mình, tôi thấy tôi sống không tồi. Khi còn là sinh viên, tôi đã từng có rất nhiều tham vọng kiểu đó. Nhưng khi buộc phải bỏ học, tôi nhanh chóng hiểu rằng tất cả những thứ đó không thực sự quan trọng.

Buổi tối Marie đến tìm tôi và hỏi tôi có muốn cưới cô ấy không. Tôi bảo sao cũng được, và có thể cưới nếu cô ấy muốn. Cô ấy hỏi tôi có yêu cô ấy không. Tôi lại trả lời như lần trước, rằng cái đó vô nghĩa, mà tôi chắc chắn không yêu. “Thế sao lại bám lấy em?”, cô ấy hỏi. Tôi bảo cái đó không quan trọng, và nếu cô ấy muốn thì cưới. Hơn nữa, chính cô ấy đã yêu cầu thế, và tôi bằng lòng. Cô ấy cho rằng việc cưới là hệ trọng. Tôi bảo: “Không.” Cô ấy im lặng nhìn tôi một hồi rồi nói là cô ấy chỉ muốn biết tôi có chấp nhận một đề xuất như vậy từ một phụ nữ khác không, nếu cũng gắn bó với người đó như thế.  Tôi bảo: “Tất nhiên.” Cô ấy lại hỏi tôi có thấy cô ấy yêu tôi không, và tôi nói là tôi không thể biết được. Lại một phút im lặng, rồi cô ấy lẩm bẩm bảo tôi là người lập dị, rằng cô ấy yêu tôi chính vì cái đó, nhưng sẽ đến ngày ghét tôi cũng chính vì cái đó.

Thấy tôi không nói gì thêm, Marie túm lấy tay áo tôi và cười. Rồi cô ấy nhắc lại là muốn lấy tôi. Tôi bảo sẽ làm lễ cưới ngay, bất kỳ khi nào cô ấy muốn. Rồi tôi nói với cô ấy về đề xuất của ông chủ, và cô ấy nói cô ấy thích biết Paris. Tôi bảo cô ấy là tôi đã ở đó một thời gian. Cô ấy hỏi nơi đó ra sao; tôi nói: “Chẳng ra gì. Chỉ thấy rất nhiều bồ câu và những khu nhà tối tăm. Dân ở đó thì da trắng.”

Chúng tôi ra ngoài và đi dạo ngang qua những con phố lớn. Trên đường, tôi thấy có nhiều phụ nữ trẻ đẹp. Tôi hỏi Marie có thấy thế không. Cô ấy nói “có” và bảo cô ấy hiểu tôi. Chúng tôi im lặng một lúc. Rồi tôi bảo tôi muốn cô ấy ở lại với tôi và cùng ăn tối ở chỗ Céleste. Cô ấy bảo rất muốn, nhưng có việc phải làm. Chúng tôi quay trở lại gần nhà tôi, và tôi nói tạm biệt. Cô ấy nhìn tôi và nói: “Anh không muốn biết em phải làm gì à?” Tôi rất muốn biết, nhưng nghĩ rằng không nên hỏi, vì chắc là cô ấy sẽ không thích. Thấy tôi có vẻ hơi lúng túng, cô ấy cười và áp sát vào tôi rồi hôn lên môi tôi.

Tôi ăn tối chỗ Céleste. Khi tôi bắt đầu ăn thì có một người phụ nữ bé nhỏ dị dạng đi vào và hỏi tôi có ngồi cùng bàn được không. Tất nhiên là chị ta có thể. Động tác của chị ta giật giật và đôi mắt thì lóe sáng trên bộ mặt giống như trái táo. Chị ta cởi cái áo jaquette, ngồi xuống và say sưa xem thực đơn. Chị ta gọi Céleste và yêu cầu mang ngay tất cả các món với giọng đanh và gấp gáp. Trong khi chờ đợi, chị ta mở túi xách, lấy ra một mẩu giấy và một cây bút chì để tính tiền trước, rồi lấy từ trong túi ra, kể cả tiền ‘boa’, đặt trước mặt. Lúc đó, bồi bàn bưng đồ ăn đến và chị ta bắt đầu nuốt hối hả. Trong lúc chờ món tiếp theo, chị ta lấy bút chì và một tờ báo có đăng chương trình phát thanh trong tuần từ túi xách ra. Với vẻ tập trung cao độ, chị ta đánh dấu hầu hết các buổi phát. Vì tờ báo có đến mười hai trang, chị ta phải tiếp tục công việc đó một cách tỉ mỉ trong suốt bữa ăn. Khi tôi đã ăn xong, chị ta vẫn còn say sưa đánh dấu. Rồi chị ta cũng đứng dậy, khoác jaquette vào với động tác giật như một cái máy, rồi đi. Vì rảnh rỗi, tôi cũng ra ngoài và đi theo chị ta một đoạn. Chị ta đặt chân lên lề đường và bước đi rất nhanh và dứt khoát, không nhìn ngang, không ngoái lại. Cuối cùng, tôi bị mất dạng chị ta và đi chậm lại. Tôi nghĩ chị ta là người lập dị, nhưng rồi quên ngay.

Khi về đến cửa và quay ra, tôi đụng ông già Salamano. Tôi mời ông vào nhà, và ông ấy thông báo là con chó mất thật rồi, vì không có ở khu nhốt gia súc lạc. Những người phục vụ ở đó nói có lẽ nó bị xe cán chết rồi. Ông già hỏi liệu có thể biết được gì nếu hỏi ở đồn cảnh sát hay không, và người ta trả lời rằng ở đó họ cũng không biết được gì đâu, vì ngày nào cũng có chó mèo lạc. Tôi bảo ông già là ông ấy có thể kiếm con chó khác, nhưng ông ấy có lý khi nói với tôi rằng ông ấy đã quen với con này rồi.

Tôi ngồi xổm trên giường, còn Salamano thì ngồi trên chiếc ghế cạnh bàn, đối diện với tôi, hai tay đặt trên đầu gối. Ông ấy nhìn cái mũ phớt của mình và lẩm bẩm gì đó phía sau hàng ria mép ngả vàng. Tôi đã thấy hơi sốt ruột, nhưng không dám bảo ông ấy về và không dám đi nằm. Để khỏi im lặng, tôi hỏi ông ấy về con chó. Ông ấy nói ông ấy ở với nó từ khi bà vợ ông ấy mất. Ông ấy lấy vợ khá muộn. Khi còn trẻ, ông ấy rất muốn làm diễn viên kịch. Thời còn đi lính, ông ấy đã tham gia đội kịch của trung đoàn. Nhưng rồi ông ấy lại chuyển sang ngành đường sắt và không hối tiếc gì, vì bây giờ cũng có được chút lương hưu. Ông ấy sống với vợ không hạnh phúc, nhưng đã quen sống với nhau, nên khi bà mất thì ông thấy rất cô đơn. Khi đó, ông ấy hỏi một người từng là đồng ngũ để xin một con chó con. Ông ấy phải cho nó bú sữa bình. Nhưng vì đời chó ngắn hơn đời người, đến nay nó cũng đã già. “Nó rất xấu tính –  Salamano nói – thỉnh thoảng tôi lại phải rọ mõm nó lại. Nhưng nó vẫn là một con chó ngoan.” Tôi nói nó là con chó giống tốt, và Salamano có vẻ hài lòng. “Mà trước đây thì anh không biết được bệnh của nó đâu – ông già nói thêm – lông nó đẹp lắm.” Từ khi nó bị bệnh, tối nào và sáng nào Salamano cũng bôi thuốc cho nó. Nhưng theo ông ấy thì cái bệnh thực của nó là tuổi già, và tuổi già thì không chữa được.

Lúc đó, tôi há miệng ngáp, và ông già bảo phải về. Tôi bảo ông cứ ngồi chơi, và rất tiếc vì việc xảy ra với con chó của ông ấy. Ông ấy cảm ơn tôi. Ông ấy bảo mẹ tôi cũng rất quý con chó của ông ấy. Ông gọi mẹ tôi là “người mẹ xấu số của anh”. Ông ấy đưa ra nhận định là chắc tôi phải buồn lắm từ khi mẹ mất, và tôi không nói gì. Ông ấy lại nói rất nhanh và với vẻ khó chịu rằng ông ấy biết trong khu phố họ chê trách tôi vì đã đưa mẹ vào trại, nhưng ông ấy thì hiểu tôi và biết là tôi rất thương mẹ. Tôi nói, và đến giờ vẫn không hiểu tại sao lại nói thế, rằng tôi không quan tâm đến việc người ta chê trách tôi, và trại là lẽ tự nhiên khi tôi không đủ tiền để phụng dưỡng mẹ. “Hơn nữa – tôi nói thêm – đã từ lâu mẹ tôi không chuyện trò với tôi, và luôn thấy buồn vì không có người bầu bạn.” “Phải – ông già nói – ở trại thì ít ra người ta cũng có bạn già.” Rồi ông ấy cáo từ. Ông ấy buồn ngủ. Ông bảo đời ông đã thay đổi, và giờ chẳng còn biết làm gì. Lần đầu tiên kể từ khi tôi biết ông ấy, ông ấy làm một động tác lén lút, duỗi dài cánh tay, và tôi như nghe thấy lớp vảy trên da ông ấy phát ra tiếng kêu. Ông ấy hơi mỉm cười và chuẩn bị ra về thì nói thêm: “Hy vọng lũ chó không sủa đêm nay, không thì tôi lại hy vọng hão là con chó của tôi về.”  

 

06Sáng chủ nhật, Marie phải gọi và lay mãi tôi mới dậy nổi. Chúng tôi không ăn sáng vì muốn đi tắm luôn. Tôi thấy mất thăng bằng và hơi đau đầu. Tôi châm thuốc hút nhưng thấy đắng. Marie trêu tôi, nói tôi có bộ mặt đưa đám. Cô ấy vận chiếc áo choàng bằng vải trắng và để xõa tóc. Tôi bảo cô ấy đẹp, và cô ấy thích chí cười.

Lúc đi xuống dưới, tôi gõ cửa phòng Raymond. Anh ta bảo sẽ xuống ngay. Ra đến phố, do tôi mệt và lúc ở trong phòng không mở cửa chớp, tôi thấy trời nắng lóa mắt. Marie nhảy lên sung sướng và luôn mồm nói trời đẹp. Rồi tôi cũng thấy khá dần lên và thấy đói. Tôi nói với Marie, và cô ấy mở túi xách cho tôi xem hai chiếc áo lót và một cái khăn tắm. Tôi không ngạc nhiên. Lúc đó, Raymond đóng cửa phòng anh ta. Anh ta xuất hiện trong bộ áo trắng, quần xanh, nhưng đầu lại đội mũ rơm, và hai cẳng tay quá đen nổi bật lên trên nền vải trắng làm Marie thấy buồn cười. Tôi thấy hơi phản cảm. Anh ta vừa đi xuống vừa huýt sáo và có vẻ mãn nguyện. Tôi nói: “Chào ông già”, còn anh ta thì nói với Marie “Chào cô”.

Hôm qua, chúng tôi đã đến đồn công an, và tôi đã làm chứng rằng cô ả kia tỏ ra coi khinh Raymond. Rồi họ thả anh ta kèm theo lời cảnh cáo. Họ không kiểm tra lời chứng của tôi. Ra đến cửa, chúng tôi bàn với Raymond và quyết định lên xe buýt. Mặc dù bãi tắm không xa lắm, nhưng chúng tôi vẫn thấy nên khẩn trương. Raymond cho rằng bạn anh ta sẽ vui vì chúng tôi đến sớm. Chúng tôi sửa soạn xuất phát thì Raymond ra hiệu nhìn về phía trước. Tôi thấy một nhóm người A rập đang đứng tựa lưng vào kệ hàng của quán thuốc lá. Bọn họ im lặng nhìn chúng tôi, nhưng trong mắt họ thì chúng tôi không khác gì những cục đá hay những cây khô. Raymond bảo tay thứ hai tính từ bên trái là thằng đó, và anh ta có vẻ lo lắng. Tuy nhiên, anh ta nói thêm rằng bây giờ câu chuyện sẽ đến hồi kết. Marie không hiểu rõ lắm; cô ấy hỏi có chuyện gì. Tôi bảo đó là bọn A rập đang muốn gặp Raymond. Cô ấy bảo nên đi ngay. Raymond quay lại và vừa cười vừa bảo đúng, cần đi gấp.

Chúng tôi đi đến chỗ xe buýt đỗ. Đoạn đến đó hơi xa, và Raymond bảo tôi là bọn A rập không bám theo. Tôi quay lại: họ vẫn ở nguyên chỗ cũ và vẫn nhìn với vẻ thờ ơ về phía cái chỗ mà chúng tôi vừa đi khỏi. Chúng tôi lên xe. Raymond đã có vẻ đỡ lo, và đã nói chuyện vui vẻ với Marie. Tôi cảm thấy cô ấy thích nghe chuyện, nhưng hầu như không nói lại câu gì. Cô ấy chỉ nhìn anh ta và cười.

Chúng tôi xuống xe ở ngoại ô Alger. Bãi tắm không xa chỗ đỗ xe, nhưng chúng tôi phải trèo qua một khu đất cao sát mép nước bên cạnh bãi tắm. Khu đất này đầy những tảng đá vàng nhạt và một loại cỏ nở hoa trắng dưới bầu trời xanh ngắt. Marie thích thú với trò dùng túi xách đập mạnh vào đám hoa cho những cánh hoa bay tứ tung. Chúng tôi bước đi giữa những dãy nhà nhỏ với hàng dậu xanh hoặc trắng, nhiều ngôi nhà cùng với cả mái hiên khuất sau lùm cây hà liễu, những ngôi nhà khác thì lộ hẳn ra giữa những tảng đá. Trước khi đi hết khu đất cao, chúng tôi đã nhìn thấy mặt biển phẳng lặng, và xa hơn là mũi đất đồ sộ im lìm trong làn nước trong xanh. Chúng tôi nghe tiếng động cơ nhè nhẹ vọng đến trong khung cảnh yên tĩnh. Rồi thấy ở phía xa một con tàu bé tí đang lướt tới, rất chậm chạp, trên mặt biển sáng rực. Marie nhặt mấy viên đá nhỏ. Trên triền dốc hướng về phía biển, chúng tôi đã thấy mấy người đang tắm.

Anh bạn của Raymond ở trong một ngôi nhà nhỏ bằng gỗ ở rìa bãi tắm. Ngôi nhà tựa vào vách đá, và những cây cột chống phía trước thì ngập phần dưới trong nước. Raymond giới thiệu chúng tôi với nhau. Bạn anh ta tên là Masson. Đó là một người to lớn, vai rộng, ở với người vợ bé nhỏ, tròn trĩnh và mến khách, nói giọng Paris. Anh ta bảo chúng tôi tự nhiên, rồi đi rán mớ cá mà anh ta câu được lúc sáng sớm. Tôi bảo tôi rất thích ngôi nhà của anh ta. Anh ta bảo anh ta ở đây vào tất cả những ngày cuối tuần và ngày nghỉ lễ. “Với vợ tôi thì ai cũng thấy dễ chịu”, anh ta nói thêm. Quả là chị ta đang cười đùa vui vẻ cùng Marie. Lần đầu tiên tôi chợt nghĩ nghiêm túc đến việc cưới vợ.

Masson muốn đi tắm, nhưng vợ anh ta và Raymond thì không muốn đi. Chúng tôi đi ba người, và Marie nhào luôn xuống nước. Masson và tôi chờ một lúc. Anh ta nói năng khá chậm, và khi nói cứ liên tục chêm thêm câu “và tôi xin nói thêm là”, trong khi anh ta chẳng định nói thêm gì cả. Khi nói về Marie chẳng hạn, anh ta nói: “Cô ấy rất, và tôi xin nói thêm là đáng yêu.” Nhưng tôi chẳng chú ý đến điều đó lắm, do đang bận tận hưởng cảm giác dễ chịu vì được phơi nắng. Cát bắt đầu nóng lên dưới chân. Tôi vẫn chưa muốn xuống nước, nhưng rồi cũng nói với Masson “Đi chứ?” và xuống nước. Anh ta từ từ lội xuống và bắt đầu bơi khi đã ra chỗ khá sâu. Anh ta bơi sải khá chậm nên tôi để anh ta lại và bơi theo Marie. Nước mát lạnh, và tôi thấy khoan khoái. Tôi cùng Marie bơi ra xa và cảm thấy sung sướng được bơi sát bên nhau.

Khi đã ra khá xa bờ, hai chúng tôi bơi ngửa. Tôi ngậm nước vào miệng rồi phun ngược lên trời, ngắm nhìn mặt trời qua làn nước phun. Tôi thấy Masson trở lên bãi để phơi nắng. Nhìn từ xa lại càng thấy anh ta cao lớn. Marie muốn chúng tôi bơi ghép. Tôi liền áp sát cô ấy, ôm cô ấy ngang hông; cô ấy bơi tới trước bằng hai tay, còn tôi hỗ trợ bằng cách vùng vẫy hai chân. Tiếng nước vỗ đều đều theo sát bên chúng tôi, cho đến khi tôi thấy mệt. Lúc đó, tôi buông Marie ra và bơi trở lên bờ và thở sâu. Trên bãi, tôi nằm úp bụng bên cạnh Masson và áp mặt xuống cát. Tôi bảo “thật dễ chịu” và anh ta đồng ý. Một lúc sau, Marie cũng lên bờ. Tôi quay lại nhìn cô ấy. Nước chảy thành dòng từ mái tóc xõa và từ người cô ấy. Cô ấy nằm xuống bên tôi, hơi ấm từ người cô ấy và từ ánh nắng làm tôi thiu thiu ngủ.

Marie lay tôi và nói là Masson đã về nhà vì đã đến giờ ăn trưa. Tôi lập tức nhổm dậy vì cũng đã thấy đói, nhưng Marie bảo từ sáng đến giờ tôi chưa hôn cô ấy. Đúng vậy, và tôi cũng đang rất muốn hôn. “Xuống nước”, cô ấy nói. Chúng tôi chạy vội để ngã nhoài vào những con sóng, sải vài sải, rồi cô ấy áp sát vào tôi. Tôi cảm thấy hai chân cô ấy quặp lấy chân tôi, và tôi thấy thèm muốn.

Khi chúng tôi quay lại thì Masson cũng đến gọi. Tôi nói tôi rất đói, còn anh ta thì bảo với vợ là anh ta thích tôi. Bánh mỳ và cá thật ngon, và tôi ăn ngấu nghiến hết phần của mình. Sau đó đến thịt và khoai tây chiên. Chúng tôi cắm cúi ăn, không ai nói với ai. Masson hớp rượu vang liên tục và cũng chuốc rượu tôi liên tục. Khi uống cà phê, tôi thấy đầu hơi nặng và đốt thuốc lá liên hồi. Masson, Raymond và tôi bàn tính gặp nhau cả tháng Tám để cùng vui vẻ. Nhưng Marie đã xen vào: “Các anh biết mấy giờ rồi không? Mười một rưỡi rồi.” Chúng tôi ngạc nhiên, nhưng Masson bảo ăn trưa như thế là sớm, nhưng cũng tự nhiên vì mọi người đói cả rồi. Tôi không hiểu sao Marie lại cười. Tôi nghĩ có lẽ tại cô ấy uống hơi nhiều. Masson hỏi tôi có muốn đi dạo trên bãi tắm cùng anh ta không. “Sau bữa trưa, vợ tôi bao giờ cũng đi nằm. Tôi thì không thích ngủ. Tôi phải đi bộ. Tôi luôn bảo cô ấy như thế tốt cho sức khỏe. Nhưng dù sao thì đó cũng là quyền của cô ấy.” Marie nói phải ở lại để giúp bà chủ rửa bát đĩa. Thiếu phụ bé nhỏ người Paris bảo như thế thì cần đàn ông đi ra ngoài. Thế là ba chúng tôi đi.

Nắng lúc đó đã chiếu thẳng xuống bãi cát, và ánh phản chiếu từ mặt biển làm lóa mắt. Trên bãi không còn ai khác. Trong những căn nhà nhỏ chung quanh khu đất cao và ven bờ biển đều nghe thấy tiếng nỉa dĩa va vào đĩa. Mọi người thở phì phò trong hơi nóng bốc ra từ những tảng đá nhô lên từ đất. Raymond và Masson bắt đầu nói chuyện về những thứ và những người mà tôi không biết. Tôi hiểu rằng họ biết nhau đã lâu, và thậm chí đã sống chung một thời gian. Chúng tôi đi về phía mặt nước rồi đi dọc theo mép nước. Thỉnh thoảng, một con sóng hơi mạnh lại trườn vào làm ướt giày của chúng tôi. Tôi không nghĩ ngợi gì vì hơi nóng phía trên đầu làm tôi buồn ngủ.

Lúc đó, Raymond nói với Masson điều gì đó mà tôi không hiểu. Nhưng tôi cũng đồng thời nhận ra ở phía xa cuối bãi có hai người A rập mặc đồ lao động màu xanh đang đi về phía chúng tôi. Tôi nhìn Raymond, và anh ta nói: “Nó đấy.” Chúng tôi tiếp tục bước. Masson hỏi làm thế nào mà bọn họ có thể theo tới tận đây. Tôi nghĩ bọn họ đã thấy chúng tôi lên xe buýt và đem theo đồ tắm, nhưng tôi không nói gì.

Hai người A rập nhẩn nha đi đến, và bây giờ họ đã ở rất gần. Chúng tôi vẫn không đổi hướng đi, nhưng Raymond nói: “Nếu có ẩu đả thì cậu chơi thằng đi sau nhá. Còn tớ, tớ nện thằng của tớ. Còn cậu, Meursault, nếu có thêm thằng nữa thì đó là của cậu.” Tôi nói “Được”, và Masson thọc hai tay vào túi quần. Bãi cát nóng bây giờ có vẻ như có màu đỏ. Chúng tôi đàng hoàng bước về phía hai người A rập. Khoảng cách giảm dần. Khi còn cách nhau mấy bước, cánh kia dừng chân. Masson và tôi bước chậm lại. Raymond cứ thế bước về phía địch thủ. Tôi không nghe rõ anh ta nói gì, nhưng gã kia có vẻ như sắp đấm anh ta vào đầu. Raymond giáng cho gã một cú, và gọi Masson. Masson tiến đến cái gã mà anh ta đã nhận phần và tương cho gã hai cú đấm trời giáng. Gã A rập ngã xuỗng nước, mặt chúi xuống đáy, chìm dưới đó mấy giây, và bọt khí sủi lên mặt nước. Trong khi đó, Raymond cũng đánh gã kia tóe máu mặt. Anh ta quay lại phía tôi và nói: “Cậu sẽ thấy đang còn nữa.” Tôi la lên: “Cẩn thận, nó có dao!” Nhưng ngay lúc đó, Raymond đã bị gã kia đâm toạc tay và rách mồm.

Masson nhảy tới. Nhưng gã A rập dưới nước đã lên bờ và đến bên kẻ có dao. Chúng tôi không dám xông vào. Bọn họ vừa đi giật lùi vừa nhìn chừng chúng tôi và giơ dao. Khi hai kẻ đó đã đi khá xa, chúng biến đi rất nhanh, trong khi chúng tôi ở yên tại chỗ, và Raymond buộc lại chỗ tay đang chảy máu.

Masson bảo phải nhờ ông bác sỹ hay ở khu đất cao vào cuối tuần. Raymond muốn đi ngay. Nhưng mỗi lần anh ta nói, bọt máu lại trào ra từ vết thương ở miệng. Chúng tôi cố dìu anh đi thật nhanh về nhà Masson. Về đến nơi, Raymond bảo những vết thương của anh ta khá nông và anh ta có thể đến chỗ bác sỹ được. Rồi anh ta đi cùng với Masson, còn tôi thì ở lại để giải thích về việc đã xảy ra. Chị Masson khóc, còn Marie thì tái mặt. Tôi thấy tiếc vì đã nói rõ với họ. Tôi đành im lặng, lấy thuốc ra hút và nhìn ra phía biển.

Khoảng một tiếng rưỡi sau, Raymond trở lại cùng Masson. Tay anh ta đã được băng và khóe miệng thì dán băng dính. Bác sĩ bảo vết thương không nghiêm trọng, nhưng Raymond có vẻ buồn. Masson cố pha trò làm anh ta cười, nhưng anh ta không mở miệng. Khi anh ta bảo muốn ra ngoài, tôi hỏi đi làm gì, và anh ta bảo cần hít thở. Masson và tôi bảo sẽ đi cùng, thế là anh ta nổi đóa lên và mắng hai chúng tôi. Masson bảo không nên cãi nhau, và tôi im lặng.

Chúng tôi đi bộ khá lâu trên bãi tắm. Ánh nắng bây giờ thật gay gắt. Tưởng như nó được cắt ra thành hàng ngàn mảnh rồi đổ xuống bãi cát và xuống biển. Tôi có cảm giác là Raymond biết anh ta đi đâu, nhưng điều đó không đúng. Đi đến cuối bãi, chúng tôi thấy một con lạch nhỏ chảy qua vùng cát, gần một tảng đá lớn. Ở đó, chúng tôi gặp lại hai gã người A rập. Cả hai vẫn đang mặc đồ bảo hộ lao động và nằm trên cát. Chúng có vẻ bình tĩnh và thỏa mãn. Việc chúng tôi đến không gây ra tác động gì. Kẻ đã đâm Raymond im lặng nhìn anh ta. Tên kia đang thổi sáo, vừa phát đi phát lại đúng ba nốt nhạc, vừa liếc nhìn chúng tôi.

Trong cái im lặng của buổi trưa, chỉ thấy có ánh nắng gay gắt, tiếng nước róc rách trong con lạch và ba nốt nhạc. Khi đó, Raymond đưa tay về phía khẩu súng ngắn, nhưng tên A rập không thổi sáo vẫn không nhúc nhích. Hai người trừng trừng nhìn nhau. Tôi nhận thấy kẻ thổi sáo có những ngón chân chõe ra rất xa nhau. Không rời mắt khỏi địch thủ, Raymond hỏi tôi: “Tôi hạ hắn?” Tôi nghĩ nếu nói “đừng”, anh ta sẽ điên lên và bắn hắn ngay. Tôi nói: “Hắn chưa lên tiếng. Bắn vô cớ thì không nên.”

Lại chỉ có tiếng nước róc rách, tiếng sáo và hơi nóng. Và Raymond nói: “Thế thì tôi sẽ chửi hắn, và nếu hắn phản ứng thì tôi hạ hắn.” Tôi nói: “Thế cũng được, nhưng nếu hắn không rút dao ra thì anh không nên bắn.” Raymond bắt đầu sốt ruột. Tên kia vẫn thổi sáo, và cả hai quan sát từng cử động của Raymond. “Không.” Tôi nói với Raymond. “Hãy chơi thằng kia và đưa súng cho tôi. Nếu thằng này rút dao, tôi sẽ hạ hắn.”

Khi Raymond đưa súng cho tôi, mặt trời đã lên đỉnh đầu. Tuy vậy, chúng tôi vẫn bất động, dường như không gian đã đóng kín chung quanh chúng tôi. Hai bên nhìn nhau không chớp mắt. Tưởng như mọi thứ nơi đây đều dừng lại giữa trời, biển, bãi cát và sự im lặng kép của tiếng sáo cùng tiếng nước chảy. Tôi tự hỏi liệu cuộc ẩu đả có tiếp diễn không. Nhưng đột nhiên hai tên A rập lùi về phía tảng đá. Raymond và tôi quay lại. Anh ta có vẻ nhẹ người và đã nói đến việc lên xe buýt về nhà.

Tôi đi cùng Raymond về nhà Masson, và trong khi anh ta đang đi lên phía trên theo cầu thang gỗ thì tôi còn đứng trước bậc dưới cùng, đầu ong ong vì nắng nóng và cảm thấy ngại leo lên tầng trên, nơi có hai người phụ nữ. Nhưng trời nóng đến mức cũng không thể đứng thêm dưới thác nhiệt đang đổ xuống từ bầu trời. Đi hay đứng đều khốn khổ. Sau vài phút, tôi quyết định thả bộ trở lại bãi tắm.

Lại vẫn một màu đỏ chói chang. Cát nóng trên bờ làm những con sóng thở hổn hển, bốc hơi hối hả rồi chết lịm. Tôi bước đi chậm chạp và cảm thấy trán như phồng lên trong nắng. Toàn bộ sức nóng ập xuống người tôi và cản bước chân tôi. Mỗi lần thở ra, luồng hơi lại làm mặt tôi nóng bừng. Tôi nghiến răng, xiết chặt hai nắm tay trong túi quần, cố gắng chịu đựng bầu không khí ngột ngạt và chất cồn trong máu. Những tia nắng phản chiếu từ cát bỏng, từ những vỏ sò, những mảnh chai vỡ đều làm tôi phải cắn chặt hai hàm răng. Tôi đi như thế khá lâu.

Từ phía xa, tôi thấy một khối đá màu tối được bao quanh bởi một vầng sáng tạo ra bởi bụi nước và ánh nắng. Tôi nghĩ đến con suối mát mẻ ở gần tảng đá. Tôi muốn nghe lại tiếng nước rì rào, muốn tránh ánh nắng, tránh những lời ca cẩm của đàn bà, tìm nơi có bóng mát và sự yên tĩnh. Nhưng khi đến gần con suối, tôi thấy địch thủ của Raymond vẫn còn ở đó.

Hắn ta cũng chỉ có một mình. Hắn đang nằm ngửa, hai tay gối dưới gáy, mặt giấu dưới bóng tảng đá, còn cả người ở dưới nắng. Quần áo hắn đang bốc hơi. Tôi hơi bị bất ngờ. Tôi cứ nghĩ câu chuyện đã kết thúc, và tôi đến đó mà không có ý đồ gì.

Thấy tôi, hắn nhổm dậy và thọc tay vào túi quần. Tôi cũng nắm chặt khẩu súng ngắn của Raymond trong túi áo veston. Rồi hắn lại đi lùi, nhưng vẫn để tay trong túi quần. Lúc đó, tôi đứng cách hắn khoảng hơn chục thước. Tôi nhìn tia mắt của hắn và cố đoán xem hắn đang nghĩ gì phía sau đôi mí mắt khép nửa chừng. Nhưng hình hắn nhảy múa trước mắt tôi trong bầu không khí bốc lửa. Những con sóng trải dài trong nắng trưa vỗ bờ uể oải. Vẫn làn nắng đó, vẫn những tia sáng phản chiếu từ bãi cát rộng. Đã hai giờ liền, quang cảnh không thay đổi, dường như thời gian đã thả neo trong lòng đại dương nóng bỏng. Tôi thoáng thấy một vết đen ở phía chân trời, và tôi đoán rằng đó là điểm mù trong vùng nhìn thấy của mắt tôi, vì tôi vẫn không rời mắt khỏi tay người A rập.

Tôi nghĩ phải bỏ dở việc đi dạo mà quay về, để khỏi đụng bọn kia lần nữa. Nhưng cả bãi tắm với hơi nóng kinh người như thu lại và dồn ép vào tôi. Tôi bước mấy bước về phía con suối. Tay A rập không động đậy. Nhưng hắn vẫn còn khá xa. Trong bóng râm, bộ mặt hắn hình như đang cười cợt. Tôi chờ đợi. Ánh nắng làm hai má tôi nóng rát, và mồ hôi đọng trên lông mày. Vẫn là cái nóng thiêu đốt giống như hôm chôn cất mẹ tôi. Tôi cảm thấy các mạch máu trên trán căng ra dưới da. Cái nóng làm tôi mất kiểm soát, và tôi bước tới thêm một bước. Tôi biết rằng như thế là điên rồ, rằng một bước đâu có làm tôi thoát khỏi cái nóng. Nhưng tôi đã bước. Chỉ thêm đúng một bước. Và lần này, thay vì lùi tiếp, tên A rập rút dao ra. Ánh nắng sáng quắc tóe ra từ lưỡi thép loang loáng và bắn vào mặt tôi. Đúng lúc đó, mồ hôi chảy từ lông mày xuống, đọng thành một lớp dày trên mí mắt tôi rồi tràn xuống, làm hai mắt tôi bị xót và nhòa hẳn đi. Tôi không còn thấy gì khác ngoài những tia nắng chói chang và những tia phản chiếu quái ác từ lưỡi dao đang lia lia trước mặt. Những tia sáng đó làm ngứa mí mắt tôi và xuyên thẳng vào đồng tử của tôi. Mọi thứ chung quanh tôi chao đảo. Từ phía biển, một luồng hơi nóng ập tới. Tôi cảm thấy bầu trời mở rộng cho cơn mưa lửa trút xuống. Cả người tôi như căng lên. Tôi xiết chặt báng súng. Tôi đặt tay lên cò súng, mân mê cái báng súng trơn bóng. Rồi một tiếng nổ khô khốc và đinh tai vang lên. Mọi việc đã bắt đầu. Tôi lau mồ hôi và giơ tay xua cái nóng. Tôi hiểu rằng tôi đã phá hủy sự bình yên, sự yên tĩnh của buổi trưa hè trên bãi tắm, và tôi thấy nhẹ người. Rồi tôi bắn thêm bốn phát nữa vào khối thịt nặng nề, và những viên đạn xuyên vào trong gần như không để lại dấu vết. Chúng như bốn tiếng gõ vào cánh cửa của khổ đau.

  

 

Phần hai

 

01Ngay sau khi bắt tôi, người ta đã nhiều lần thẩm vấn tôi. Toàn là những câu lục vấn về nhân thân, và mỗi lần hỏi đều diễn ra không lâu. Lần đầu tiên ở bốt cảnh sát, vụ việc của tôi có vẻ làm họ ít quan tâm. Tám ngày sau thì ngược lại, quan dự thẩm đến và nhìn tôi với vẻ đầy nghi vấn. Nhưng ban đầu ông ta chỉ hỏi tên và địa chỉ, nghề nghiệp, ngày và nơi sinh của tôi. Rồi ông ta hỏi tôi có muốn có luật sư hay không. Tôi bảo là không, và hỏi ông ta có thật cần thiết phải có luật sư không. “Sao lại thế?” ông ta hỏi lại. Tôi trả lời rằng vụ việc của tôi quá đơn giản. Ông ta mỉm cười nói: “Đó là ý kiến anh. Nhưng còn có luật. Nếu anh không tự chọn luật sư thì chúng tôi sẽ chỉ định người trong đoàn luật sư.” Tôi thấy tiện nhất là để tòa thực hiện những thủ tục đó. Tôi nói với ông ta như thế. Ông ta nhìn tôi rồi nói luật đã được xây dựng một cách hoàn hảo. Tuy vậy, tôi không coi việc đó là hệ trọng.

Lúc đó, viên dự thẩm đang tiếp tôi trong góc phòng có buông rèm, ở đó chỉ có một bóng đèn và nó chiếu lên chiếc ghế bành mà ông ta bảo tôi ngồi ở đó, còn chính ông ta thì ngồi trong khoảng tối. Tôi đã đọc trong sách thấy người ta tả cảnh thẩm vấn như thế và coi nó như trò đùa. Tuy nhiên, sau câu chuyện thì tôi nhìn ông ta và thấy ông ta có nét mặt tinh tế, đôi mắt xanh rất sâu, dáng cao lớn, hàng ria mép dài màu xám và mái tóc bạc gần trắng để xõa. Tôi thấy ông ta rất có lý, và nói chung là đáng mến, mặc dù mép thỉnh thoảng giật nhẹ. Khi ra khỏi phòng, tôi thậm chí còn suýt chìa tay cho ông ta, nhưng rồi nhớ ra tôi là kẻ giết người.

Hôm sau, một luật sư đến gặp tôi trong tù. Đó là một người nhỏ thó và tròn quay, còn khá trẻ, tóc xịt keo cầu kỳ. Mặc dù trời nóng (tôi phải xắn cao tay áo), ông ta vẫn mặc bộ complet màu tối, ve áo màu ngà ngà và thắt cà vạt kẻ sọc trắng đen. Ông ta đặt túi xách lên giường tôi, tự giới thiệu và bảo đã nghiên cứu hồ sơ của tôi. Vụ việc của tôi rất tế nhị, nhưng ông ta tin chắc thành công, nếu tôi tin ông ta. Tôi cảm ơn ông ta, và ông ta bảo: “Bây giờ ta đi vào chi tiết.”

Ông ta ngồi xuống giường và nói là đã tìm hiểu đời tư của tôi. Ông ta biết rằng mẹ tôi vừa qua đời ở trại. Ông ta đã đi hỏi ở Marengo. Những người trả lời ông ta đã cho biết “tôi đã thể hiện sự vô cảm” trong ngày tang lễ mẹ. “Anh biết không – luật sư nói – điều đó làm tôi thấy hơi khó chịu khi hỏi chuyện anh. Nhưng việc này rất hệ trọng, và đó là chứng cứ thuyết phục để luận tội, nếu tôi không tìm ra được gì để chống chế.” Ông ta muốn tôi hợp tác. Ông ta hỏi tôi ngày hôm đó có thấy nặng nề không. Câu hỏi làm tôi ngạc nhiên, và tôi cảm thấy nếu tôi hỏi người khác như vậy thì chính tôi sẽ thấy khó chịu. Tuy vậy, tôi cũng trả lời rằng tôi đã mất thói quen tự hỏi mình và tôi thấy khó trả lời. Tất nhiên tôi yêu mẹ tôi, nhưng cái đó chẳng nói lên điều gì. Người tốt đôi khi cũng vẫn mong cho những người thân yêu chết. Lúc đó, luật sư ngắt lời tôi và tỏ ra lo lắng. Ông ta bảo tôi hứa là không nói như thế trước mọi người, nhất là trước ngài chánh án. Tôi giải thích với ông ta rằng đối với tôi thì những bất ổn về thể xác thường ảnh hưởng xấu đến trạng thái tình cảm của tôi. Vào ngày chôn cất mẹ, tôi rất mệt và đã ngủ thiếp đi. Tôi đã không cảm nhận được hết những điều xảy ra. Tôi khẳng định với ông ta là tôi vẫn muốn mẹ sống. Nhưng luật sư vẫn không yên tâm. Ông ấy nói: “Như thế chưa đủ.”  

Ông ta hơi đăm chiêu, rồi hỏi tôi là ông ta có thể nói trước tòa rằng hôm đó tôi vẫn kiểm soát được lý trí hay không. Tôi nói: “Không, như thế sẽ không đúng.” Ông ta nhìn tôi với vẻ kỳ cục, dường như tôi làm ông ấy thấy ngán ngẩm. Ông ấy nói với vẻ bực tức rằng dù sao thì giám đốc và một nhân viên của trại dưỡng lão cũng sẽ làm chứng và điều đó sẽ rất bất lợi đối với tôi. Tôi bảo ông ta rằng chuyện đó chẳng liên quan đến vụ án của tôi, nhưng ông ta bảo rõ ràng là tôi chưa hiểu gì về việc xét xử.

Ông ta bỏ đi với vẻ bực bội. Tôi muốn giữ ông ta lại, nói với ông ta rằng tôi muốn ông ta thông cảm với tôi, không phải để biện hộ cho tôi tốt hơn mà vì như thế tự nhiên hơn, nếu có thể nói như vậy. Nhưng tôi thấy tôi đã làm ông ta khó chịu. Ông ta không hiểu tôi và không ưa tôi lắm. Tôi muốn khẳng định với ông ta rằng tôi cũng giống như mọi người, hoàn toàn giống. Nhưng tôi thấy cái đó cũng chẳng giúp ích gì nhiều, và vốn ngại nói nên tôi im lặng.

Một lúc sau, tôi lại bị dẫn tới chỗ quan dự thẩm. Lúc đó đã hai giờ chiều, và lần này thì phòng làm việc của ông ấy sáng trưng, đến mức tấm vải che gần như không ngăn được ánh sáng. Trời rất nóng. Ông ấy bảo tôi ngồi và nói một cách rất nhã nhặn rằng vị luật sư của tôi không đến được “do có việc bất thường”, và tôi có quyền không trả lời những câu hỏi của ông ấy trong khi chờ đợi luật sư đến giúp. Tôi nói là tôi tự trả lời được. Ông ấy ấn một cái nút trên bàn; viên lục sự trẻ tuổi đi vào và đứng đợi sát sau lưng ông ấy.

Tôi và vị quan tòa cùng ngồi xuống ghế bành, và cuộc thẩm vấn bắt đầu. Ông ta bảo tôi ít nói quá, và ông ta muốn biết tôi nghĩ gì. Tôi trả lời: “Tôi không có gì nhiều để nói nên đành im lặng.” Ông ấy lại cười như lần trước, và thừa nhận rằng đó là cách giải thích tốt nhất. Rồi ông ấy nói thêm: “Dù sao thì cái đó cũng chẳng quan trọng gì.” Ông ấy nghển cổ ra phía trước, nhìn tôi rồi nói rất nhanh: “Anh làm tôi rất quan tâm đấy.” Tôi không hiểu ông ấy ngụ ý gì nên im lặng. “Có một vài điều – ông ấy nói – mà tôi không rõ trong hành động của anh. Tôi hy vọng anh giúp tôi hiểu.” Tôi bảo tôi sẵn sàng. Ông ấy bảo tôi kể lại những chuyện diễn ra hôm đó. Tôi nói lại những điều đã kể với ông ấy: Raymond, bãi biển, việc tắm, cuộc ẩu đả, rồi lại bãi biển, dòng suối, ánh nắng và năm phát súng. Cứ sau mỗi câu tôi nói, ông ấy lại gật đầu: “Tốt, tốt.” Khi tôi nói đến xác chết, ông ấy nói: “Được.” Tôi thấy chán vì cứ phải nhắc đi nhắc lại mãi một câu chuyện, và tôi cảm thấy chưa bao giờ phải nói nhiều như thế.

Sau một lúc im lặng, ông ấy đứng dậy và bảo rằng ông ấy muốn giúp tôi, rằng tôi làm cho ông ấy quan tâm, và rằng với sự trợ giúp của Chúa thì ông ấy sẽ làm được gì đó cho tôi. Nhưng trước hết ông ấy muốn đặt ra cho tôi một số câu hỏi. Vẫn ngồi tại chỗ, ông ấy hỏi tôi có yêu mẹ không. Tôi nói: “Có, cũng như mọi người” và viên lục sự, người từ nãy đến giờ vẫn gõ máy chữ đều đặn, chắc là gõ nhầm mấy phím, vì tôi thấy anh ta lúng túng và phải quay trục máy chữ. Vẫn tỏ ra thiếu ý tưởng rõ ràng, vị quan tòa lại hỏi có đúng tôi đã bắn năm phát súng liên tiếp hay không. Tôi nghĩ ngợi rồi chỉnh lại là tôi bắn một phát trước, sau đó bắn bốn phát liên tiếp. “Vì sao anh lại chờ một lúc mới bắn tiếp?” ông ấy hỏi. Một lần nữa, tôi lại thấy bãi tắm màu đỏ và cảm thấy cái nóng thiêu đốt. Nhưng lần này tôi không trả lời. Khi đó, tôi thấy ông ta nhổm lên, rồi lại ngồi xuống và đưa tay chải tóc, rồi tì khuỷu tay lên bàn, chúi người về phía tôi với vẻ lạ lùng: “Tại sao, tại sao anh lại bắn vào một kẻ đã ngã xuống đất?” Tôi vẫn im lặng. Quan tòa đưa hai tay vuốt trán và nhắc lại câu hỏi với giọng hơi lạc đi: “Vì sao? Anh phải nói với tôi. Vì sao?” Tôi vẫn lặng im.

Bỗng nhiên quan tòa đứng dậy, bước những bước dài về phía cuối phòng làm việc và mở ra một ngăn của chiếc cặp đựng hồ sơ. Ông ta lấy ra một cây thánh giá bằng bạc rồi quay lại và giơ ra trước mặt tôi. Và bằng cái giọng hơi lạc đi, gần như run rẩy, ông ta kêu lên: “Anh có biết cái gì đây không, cái này này?” Tôi nói: “Có, tất nhiên.” Khi đó ông ấy nói rất nhanh và đầy biểu cảm rằng ông ấy tin vào Chúa, và tin rằng không ai phạm tội đến mức Chúa không thể tha thứ, nhưng muốn được tha thứ thì phải sám hối và trước Chúa phải trở thành một đứa trẻ với linh hồn trong trắng sẵn sàng tiếp nhận bất kỳ điều gì. Ông ấy gần như nằm rạp xuống bàn, giơ cây thánh giá gần sát vào mặt tôi. Nói thật tình, tôi khó có thể thấu hiểu cách lý giải của ông ta, một phần vì trời nóng và trong phòng ông ta có những con ruồi to cứ đậu lên mặt tôi, và vì ông ấy làm tôi hơi sợ. Nhưng đồng thời, tôi lại cũng thấy buồn cười vì dù sao tôi cũng là tội phạm. Trong khi đó, ông ấy vẫn tiếp tục nói. Tôi hơi hiểu được rằng theo ý kiến ông ấy thì trong lời khai của tôi có một điểm chưa rõ ràng, đó là việc tôi chờ một lúc mới bắn tiếp. Phần còn lại là rõ ràng, nhưng riêng cái đó thì ông ấy không hiểu.

Tôi bắt đầu nói với ông ấy rằng cố xoáy vào chỗ đó là không đúng, vì nó chẳng có ý nghĩa gì cả. Nhưng ông ấy ngắt lời tôi và thử khích lệ tôi lần cuối. Ông ấy đứng thẳng người và hỏi tôi có tin Chúa không. Tôi nói không. Ông ấy bực tức ngồi phịch xuống. Ông ấy bảo rằng không thể thế được, rằng mọi người đều tin Chúa, ngay cả những người đã chối bỏ Ngài. Đó là niềm tin của ông ấy, và nếu ông ấy nghi ngờ thì đời ông ấy không còn ý nghĩa gì. “Chẳng lẽ, ông ấy phân bua, chẳng lẽ anh muốn đời tôi mất ý nghĩa hay sao?” Tôi thấy tôi không quan tâm đến chuyện đó, và tôi nói thế với ông ấy. Thế là ông ấy nằm rạp xuống bàn, giơ cây thánh giá vào sát mặt tôi mà kêu lên một cách tức tối: “Tôi là người thiên chúa giáo. Tôi cầu xin Chúa tha tội cho anh. Làm sao anh có thể không tin rằng Ngài đau khổ vì anh?” Tôi nhận thấy ông ấy thương tôi, nhưng tôi không muốn nghe ông ấy nói nữa. Trời thì ngày một nóng thêm. Vẫn như mọi khi, mồi lần tôi muốn thoát khỏi một người mà tôi không muốn nghe, tôi lại tỏ vẻ tán thưởng. Và thật bất ngờ, ông ấy reo lên sung sướng: “Đấy đấy, anh thấy đấy – ông ấy nói. – Đúng là anh tin mà, và anh gửi gắm số phận anh cho Chúa, đúng không?” Chắc lúc đó tôi lại nói “không”, vì thấy ông ta rơi phịch xuống ghế.

Ông ấy có vẻ rất mệt. Ông ta im lặng một lúc, trong khi cái máy chữ luôn theo sát câu chuyện đang gõ tiếp vài câu cuối. Rồi ông ta nhìn tôi với vẻ hơi buồn. Ông ta lẩm bẩm: “Tôi chưa hề gặp một linh hồn nào bướng bỉnh như anh. Những kẻ phạm tội khác lúc đối diện với tôi đều phải khóc khi nhìn thấy biểu tượng của sự khổ đau này.” Tôi đã định nói với ông ta rằng đó là vì bọn họ là tội phạm, nhưng lại chợt nghĩ rằng tôi cũng giống như bọn họ. Tuy thế, tôi không thể quen với ý nghĩ đó được. Lúc đó, quan tòa đứng dậy, như muốn ra dấu với tôi rằng cuộc thẩm vấn đã kết thúc. Ông ta chỉ hỏi thêm, vẫn với vẻ hơi buồn, là tôi có hối hận vì hành động của mình hay không. Tôi nghĩ ngợi rồi nói là tôi có thấy tiếc, nhưng thấy chán nhiều hơn. Nhưng tôi cảm thấy ông ấy không hiểu ý tôi. Có điều ngày hôm đó mọi sự đã không đi xa hơn.

Sau lần đó, tôi còn gặp viên dự thẩm nhiều lần nữa, nhưng đều có luật sư đi kèm. Cả hai đều muốn tôi làm rõ thêm một số chi tiết trong những lời khai trước đây. Họ cũng tranh luận về việc luận tội tôi. Nhưng những khi đó thì thực ra họ không quan tâm đến tôi. Rồi giọng điệu thẩm vấn cũng thay đổi dần. Tôi cảm thấy viên dự thẩm không để ý gì đến tôi nữa, và xếp trường hợp của tôi vào một loại nào đó. Ông ấy không còn nói với tôi về Chúa nữa, và tôi cũng không thấy lại ông ta trong trạng thái xúc động như ngày đầu. Kết quả là những cuộc trao đổi trở nên thân tình hơn. Thêm vài câu hỏi, thêm chút chuyện trò với luật sư của tôi, và việc thẩm vấn kết thúc. Vụ việc của tôi diễn ra đúng bài bản, theo cách nói của vị quan tòa. Cũng có vài lần câu chuyện diễn ra chung chung, và ba chúng tôi cùng trao đổi. Tôi thậm chí thấy khá thoải mái. Vào những lúc như vậy, họ không hề tỏ ra ghét tôi. Mọi việc diễn ra thật tự nhiên, thật đúng mực và từ tốn, làm tôi cảm thấy như ở trong không khí gia đình. Và sau mười một tháng thẩm cứu, tôi có thể nói rằng tôi ngạc nhiên vì nhận ra rằng tôi chưa bao giờ có được điều gì vui như những giây phút hiếm hoi đó, khi vị quan tòa tiễn tôi ra cửa và vỗ vai tôi mà nói với vẻ thân mật: “Hôm nay thế là đủ rồi, anh bạn phản Chúa ạ.” Sau đó thì người ta giao tôi cho cai ngục.

 

02Có những điều mà tôi không bao giờ muốn nói đến. Khi tôi vào tù, sau ít ngày, tôi hiểu rằng đây là đoạn đời mà tôi không muốn kể lại.

Một thời gian sau, tôi lại thấy những điều ghê sợ trong tù không có gì thật nghiêm trọng. Thực ra thì trong những ngày đầu tiên tôi không hẳn là ở tù: tôi mơ hồ chờ đợi một điều gì đó mới lạ. Mọi việc chỉ thực sự bắt đầu sau chuyến thăm nom đầu tiên và cuối cùng của Marie. Từ ngày tôi nhận được thư cô ấy, trong đó cô ấy nói rằng người ta không cho cô ấy đến nữa, vì cô ấy không phải vợ tôi, đúng từ hôm đó, tôi thực sự cảm thấy cô đơn trong tù và đời tôi đã chấm dứt. Trong cái ngày tôi bị bắt, người ta nhốt tôi trong một phòng có nhiều phạm nhân, đa số là người A rập. Bọn họ không thèm nhìn tôi. Nhưng rồi họ cũng hỏi tôi đã làm gì. Tôi nói tôi đã giết một người A rập, và họ không nói gì. Một lát sau thì trời tối. Những người trong phòng bảo tôi cách trải chiếu để nằm ngủ. Nếu cuộn một đầu chiếu lại thì có thể tạo thành một chiếc gối dài. Suốt cả đêm, lũ rệp bò trên mặt tôi. Mấy ngày sau thì người ta biệt giam tôi trong một phòng, và tôi ngủ trên phản gỗ. Phương tiện vệ sinh là một cái chậu gỗ và một thùng sắt. Nhà tù ở rìa thành phố, và từ cửa sổ tôi có thể nhìn thấy biển. Một hôm, khi tôi đang bám vào song sắt thì cai ngục đi vào và bảo tôi có khách. Tôi đoán đó là Marie. Và đúng là cô ấy.

Người ta dẫn tôi đến phòng gặp người thăm viếng dọc theo một hành lang dài, rồi đi theo cầu thang, sau đó lại đến một hành lang khác. Tôi bước vào một gian phòng rộng có ô thoáng to. Gian phòng được ngăn thành ba phần bởi hai bức ngăn lớn đặt dọc theo chiều dài của phòng. Giữa hai tấm ngăn là khoảng trống rộng cỡ tám đến mười mét, ngăn cách người đến thăm với người tù. Tôi nhận ra Marie đối diện với tôi, với tấm áo choàng và gương mặt rám nắng. Ở phía tôi có khoảng một chục người tù, đa số là người A rập. Bên phía Marie hầu hết là các phụ nữ người Maure, hai bên cô ấy là một bà già bé nhỏ với cặp môi mím chặt, mặc đồ đen và một phụ nữ to lớn và lông lá, hoa chân múa tay nói ông ổng. Vì cách nhau quá xa, người đến thăm và người tù buộc phải nói rất to. Khi tôi đi vào, tiếng ồn dội lại từ những bức tường phẳng và ánh sáng chói mắt từ bên ngoài chiếu lên các tấm kính cửa và phản chiếu vào phòng làm tôi thấy choáng. Ở phòng giam cô quạnh nhưng yên tĩnh hơn. Tôi phải mất một lúc mới định thần được. Nhưng cuối cùng tôi cũng nhìn rõ được từng gương mặt dửng dưng trong ánh sáng ban ngày. Tôi thấy một người gác ngồi ở cuối hành lang giữa hai bức ngăn. Đa số những người A rập và người nhà đều ngồi xổm đối diện nhau. Người nhà họ không kêu khóc. Mặc dù chung quanh ồn ào, họ vẫn nói thấp giọng và vẫn nghe được nhau. Những tiếng lầm rầm giọng thấp của họ tạo ra một nền âm thanh phía trên đầu họ. Tôi nhận ra quang cảnh đó rất nhanh, rồi nhìn về phía Marie. Áp sát vào bức ngăn, cô ấy cố mỉm cười thật tươi với tôi. Tôi thấy cô ấy thật đẹp, nhưng không nói với cô ấy điều đó.

“À, anh à. Anh có mọi thứ cần thiết không?” Cô ấy hỏi thật to. “Có, đủ cả.” Tôi nói.

Chúng tôi thể hiện sự yêu thương với nhau, và Marie cười suốt. Người đàn bà to lớn thì rống lên với người đàn ông bên cạnh tôi, chắc là chồng bà ta, một người cao lớn tóc hoe và có cái nhìn chân thành. Đây là một đoạn của câu chuyện giữa họ:

“Jeanne không chấp nhận ông ta nữa”, bà to lớn quát. “Phải, phải”, ông chồng nói. “Tôi đã bảo là khi nào tôi ra tù thì tôi sẽ đưa ông ta về, nhưng bà ta không muốn chấp nhận ông ta nữa.”

Marie nói to bên cạnh bà kia là Raymond gửi lời chào tôi, và tôi nói “Cám ơn”. Nhưng tiếng của tôi bị át đi bởi câu hỏi của ông bên cạnh: “Ông ấy khỏe không?” Bà vợ cười bảo: “Ông ấy thì chẳng bao giờ khá lên được.” Còn người đàn ông bên trái tôi, một người nhỏ thó có đôi tay khẳng khiu thì không nói gì. Tôi nhận thấy người đối diện với anh ta là bà già nhỏ bé và hai người nhìn nhau chăm chú. Nhưng tôi không thể quan sát họ kỹ được, vì Marie nói với tôi là phải hy vọng. Tôi nói: “Ừ”. Lúc đó, tôi nhìn cô ấy và thèm được ôm chặt đôi vai cô ấy dưới tấm áo choàng. Tôi thèm làn da mịn màng của cô ấy và không thật hiểu có thể hy vọng gì khi không được ở bên cô ấy. Nhưng chắc chắn đó là điều Marie muốn nói, vì cô ấy cứ cười suốt. Tôi không còn thấy hàm răng trắng bóng và đường kẻ mí mắt cô ấy nữa. Rồi cô ấy lại nói to: “Anh về rồi ta cưới!” Tôi hỏi: “Em chắc không?” nhưng chỉ là để nói cho có chuyện. Cô ấy nói to và rất nhanh: “Chắc”, và nói tôi sẽ được trắng án, và chúng tôi lại sẽ đi tắm biển. Nhưng bà bên cạnh lại quát to lên, bảo ông chồng rằng bà ấy để lại cho ông ta túi đồ dùng ở chỗ phòng lục sự. Bà ấy đã đếm kỹ từng thứ mà bà ấy để lại, và ông ấy cần kiểm tra khi nhận, vì toàn thứ đắt tiền. Người bên trái và bà mẹ vẫn nhìn nhau. Tiếng lầm rầm của những người A rập vẫn tiếp diễn phía bên dưới. Bên ngoài, ánh sáng đang chiếu thẳng vào ô thoáng phía trên.

Tôi thấy hơi mệt và muốn trở về phòng giam. Tiếng ồn làm tôi khó chịu. Nhưng đồng thời, tôi cũng muốn tận hưởng sự có mặt của Marie. Tôi không biết bao nhiêu thời gian đã trôi qua. Marie nói với tôi về công việc của cô ấy và vẫn cười liên tục. Tiếng ồn, tiếng quát tháo, tiếng lầm rầm đan xen nhau. Nơi duy nhất im lặng là chỗ người đàn ông bé nhỏ cạnh tôi và bà mẹ già của người đó. Rồi người ta dẫn từng người A rập đi. Khi người đầu tiên đi khỏi, mọi người còn lại đều chào nhau. Bà già bé nhỏ đi sát lại song cửa, và đúng lúc đó một người gác ngục ra hiệu cho người con. Anh ta nói: “Mẹ về nhé”, và bà giơ tay qua song cửa vẫy con trai một lúc lâu.

Bà đi ra trong khi một người đàn ông tay cầm mũ đi vào và ngồi vào chỗ của bà. Người ta cũng dẫn vào một người tù khác, và hai người bắt đầu nói chuyện rất hăng, nhưng nói nhỏ, vì khi đó trong phòng rất im lặng. Người ta đến tìm người bên phải tôi, và bà vợ ông ta tiếp tục nói to, dường như bà ta không nhận thấy rằng không cần phải hét lên nữa: “Chú ý giữ sức khỏe anh nhé.” Rồi đến lượt tôi. Marie làm hiệu như hôn tôi. Tôi quay mặt rồi bước đi. Cô ấy vẫn ngồi im, mặt ép sát vào bức ngăn, miệng vẫn cười, nụ cười vừa tươi vừa cau có.

Mấy hôm sau, cô ấy viết thư cho tôi. Và từ lúc đó bắt đầu xảy ra những điều mà tôi không muốn kể lại. Dù sao thì cũng không cần phóng đại lên, và điều đó đối với tôi dễ dàng hơn đối với những người khác. Tuy vậy, từ khi tôi bị tống giam tới giờ thì điều khó chịu nhất đối với tôi là tôi luôn nghĩ giống như người đang được tự do. Chẳng hạn, tôi vẫn muốn được ở trên bãi biển và xuống nước tắm. Trong khi hình dung ra sóng biển đang vỗ vào gan bàn chân, toàn thân ngập trong nước, và thấy mình được giải thoát, thì tự nhiên thấy phòng giam co hẹp lại. Tình trạng đó kéo dài mấy tháng. Tiếp sau đó, tôi lại luôn có ý nghĩ của tên tù. Tôi chờ đến giờ đi dạo ở ngoài sân hoặc mong luật sư đến thăm. Thời gian còn lại, tôi thu xếp khá ổn. Vào những lúc như vậy, tôi thường nghĩ là nếu người ta cho tôi sống trong một thân cây khô, và không có việc gì khác ngoài việc nhìn bầu trời qua một cái khe nhỏ, thì tôi cũng sẽ quen. Tôi sẽ mong có những bóng chim hay những đám mây trôi ngang qua, giống như bây giờ tôi mong nhìn thấy những cái cà-vạt khác thường của vị luật sư, và giống như trong một thế giới khác, tôi sẽ chờ đến thứ bảy để được ôm Marie. Nhưng khi nghĩ kỹ thì tôi nhớ ra mình không ở trong thân cây khô. Còn có những người bất hạnh hơn cả tôi. Đó cũng là ý nghĩ của mẹ tôi, và bà hay nhắc đi nhắc lại rằng cuối cùng thì người ta sẽ quen với mọi thứ.

Trong những tháng ngày còn lại, tôi sống không khác người bình thường mấy. Những tháng đầu thì thực sự khó khăn. Nhưng chính những cố gắng mà tôi buộc phải thực hiện đã giúp tôi vượt qua được. Chẳng hạn, tôi đã phải chịu đau đớn vì ham muốn đàn bà. Điều đó thật tự nhiên, vì tôi còn trẻ. Nhưng tôi không bao giờ nghĩ quá nhiều về Marie. Tôi nghĩ về một người đàn bà nào đó, về tất cả những người đàn bà mà tôi đã quen biết, về những tình huống đã dẫn đến quan hệ, và cái phòng giam chật hẹp của tôi đầy những gương mặt đàn bà, đầy những ham muốn của tôi. Điều đó làm tôi không được yên. Nhưng mặt khác, nó giúp tôi giết thời gian. Cuối cùng, tôi đã chiếm được cảm tình của viên chánh cai ngục, người hay đến cùng anh chàng đầu bếp khi đi phát khẩu phần ăn. Ông ta nói chuyện với tôi về đàn bà. Ông ta bảo đó là vấn đề đầu tiên mà mọi người đều kêu ca. Tôi nói với ông ta rằng tôi cũng như họ thôi, và việc đối xử với chúng tôi như thế là bất công. “Nhưng – ông ta nói – trong tù thì phải thế thôi.” “Sao lại thế?” “À, vì cái tự do ấy. Các anh bị tước đoạt tự do.” Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều đó. Tôi hỏi lại ông ta: “Đó là hình phạt phải không?” Tôi hỏi. “Đúng. Anh hiểu đúng đấy. Những người khác thì không. Nhưng rồi họ cũng phải chịu.” Vị cai ngục nói và đi khỏi.

Trong tù cũng được hút thuốc. Khi tôi mới vào, người ta lấy của tôi dây lưng, dây giày, cà-vạt và mọi thứ tôi có trong túi, kể cả thuốc lá. Một lần, tôi yêu cầu trả lại. Nhưng người ta bảo điều đó không được phép. Mấy ngày đầu thật nặng nề. Có lẽ đó chính là điều làm tôi suy sụp nhiều hơn cả. Tôi phải hút khói những mẩu gỗ mà tôi bóc ra từ tấm phản. Cả ngày, lúc nào tôi cũng thấy buồn nôn. Tôi không hiểu tại sao người ta lại tước đi của tôi cái thứ không gây hại cho ai. Sau này, tôi hiểu rằng đó là một phần của hình phạt. Nhưng khi đó thì tôi đã quen với việc không được hút thuốc, và nó không còn là hình phạt với tôi nữa.

Trừ vài điều khó chịu, còn nói chung tôi không quá đau buồn. Toàn bộ vấn đề là biết cách giết thời gian. Tôi mất hẳn được cảm giác buồn chán khi bắt đầu tập hồi tưởng. Có những khi tôi thấy mình đang nghĩ về phòng ở, và trong tâm tưởng, tôi từ góc phòng đi ra, vừa đi vừa kiểm các đồ vật mà tôi thấy. Ban đầu thì tôi kiểm rất nhanh. Nhưng cứ mỗi lần sau thì sự việc lại diễn ra chậm hơn, vì tôi nhớ lại từng thứ đồ gỗ, rồi đến từng đồ vật giữa các đồ gỗ đó, và từng chi tiết giữa chúng cũng như trên chúng, nhớ lại mỗi nét khảm, mỗi vết nứt hay mỗi chỗ sứt mép, màu sắc và bề mặt của chúng. Đồng thời, tôi cố không để mất sợi chỉ xuyên suốt việc kiểm kê, để thực hiện một sự liệt kê thật đầy đủ. Sau vài tuần, tôi đã có thể đi hàng giờ trong phòng, xem xét từng thứ trong đó. Sau khi đã lục lại tất cả những thứ bị bỏ sót, tôi ra khỏi việc hồi tưởng. Khi đó, tôi hiểu rằng một người chỉ cần thực sự trải qua một ngày thì có thể dễ dàng sống một trăm năm trong một nhà tù. Chỉ cần ngồi hồi tưởng lại là đã không thấy chán. Theo nghĩa nào đó thì đó là một lợi ích của việc ngồi tù.

Sau đó thì tôi ngủ. Ban đầu, ngay cả về đêm tôi cũng ngủ kém, còn ban ngày thì không ngủ tí nào. Nhưng dần dà, đêm tôi ngủ rất ngon giấc, rồi ngủ cả ban ngày. Có thể nói trong những tháng cuối thì tôi ngủ từ mười sáu đến mười tám tiếng mỗi ngày. Như vậy chỉ còn sáu tiếng để giết thời gian vào những việc như ăn uống, giải quyết nhu cầu tự nhiên, những hồi tưởng và câu chuyện về một người Czech.

Giữa tấm đệm rơm và cái phản gỗ, tôi tìm được một mẩu báo cũ đã ngả màu vàng và trở nên gần như trong suốt, được dán vào một mảnh vải. Nó nói về một sự kiện mà phần đầu không còn, nhưng chắc là xảy ra ở Czechoslovakia. Một chàng trai rời làng để đi lập nghiệp. Sau hai lăm năm, khi đã giàu có, người đàn ông trở về cùng với vợ và con trai. Mẹ và chị gái ông ta hiện đang kinh doanh khách sạn ở quê nhà. Để gây bất ngờ cho họ, người đàn ông để vợ con ở một nơi rồi về gặp mẹ. Bà mẹ không nhận ra con trai mình khi ông ta đi vào. Để đùa vui, ông ta quyết định thuê một phòng. Ông ta đưa tiền ra. Đêm đến, mẹ và chị gái ông ta đã dùng búa giết ông ta, lấy tiền rồi quăng xác ông ta xuống sông. Sáng ra, người vợ đến và cho biết người khách tối hôm qua là ai. Bà mẹ liền tự treo cổ, còn người chị gái thì đâm đầu xuống giếng. Tôi đọc câu chuyện đó đến hàng nghìn lượt. Tôi vừa thấy câu chuyện khó tin, lại vừa thấy diễn biến tự nhiên. Tôi thấy dù sao người đàn ông này ít nhiều cũng đáng phải chịu hậu quả, và không bao giờ nên bày trò như vậy.

Cứ thế, với những giờ ngủ, hồi tưởng, đọc câu chuyện và sự luân chuyển của ánh sáng và bóng tối, thời gian trôi đi. Tôi đã đọc ở đâu đó, rằng trong tù thì cuối cùng người ta cũng mất cảm giác về thời gian. Nhưng việc đó chẳng có ý nghĩa gì lắm với tôi. Tôi không thật hiểu vì sao ngày trời lại có thể vừa ngắn vừa dài. Sống từng ngày thì thấy dài thật, nhưng chúng còn kéo dài đến mức ngày nọ tràn sang ngày kia. Cho nên ngày đâu còn tên gọi nữa. Với tôi thì chỉ những từ “hôm qua” và “ngày mai” là còn có nghĩa.

Một hôm, người gác ngục nói với tôi rằng tôi đã ở tù được năm tháng, tôi nghĩ vậy, nhưng lúc đó tôi không hiểu. Đối với tôi, vẫn là một ngày lặp đi lặp lại trong phòng giam, và một công việc mà tôi theo đuổi. Cái ngày đó, sau khi người gác đi khỏi, tôi soi mặt mình trong cái cà-mèn sắt. Tôi cảm thấy vẻ mặt tôi trong đó quá nghiêm trang, ngay cả khi tôi cố mỉm cười. Tôi nghiêng đi nghiêng lại cái cà-mèn trước mặt tôi. Tôi cười, nhưng cái bóng vẫn cau có và buồn. Ngày kết thúc, và đến cái giờ mà tôi không muốn nói đến, giờ không tên, lúc những tiếng động của buổi tối dội lên mọi tầng của khu nhà tù vắng lặng. Tôi đi lại bên lỗ thoáng có kính, và trong ánh sáng cuối ngày, tôi ngắm nhìn hình mình. Nó vẫn có vẻ quá nghiêm trang, và tôi thật sự ngạc nhiên vì chẳng lẽ nó chính là tôi? Nhưng cũng chính vào lúc đó, từ sáu tháng qua, tôi nghe thấy rõ ràng tiếng tôi nói. Tôi nhận ra nó theo cái tiếng vẫn vang lên trong tai tôi và tôi hiểu rằng trong suốt thời gian đó tôi đã nói một mình. Tôi cũng nhớ lại điều mà bà y tá trưởng nói trong lễ an táng mẹ tôi. Không, không có lối thoát nào, và không ai hình dung được những buổi tối trong tù nó như thế nào.

 

03Có thể nói mùa hè thứ hai đã đến thay thế cho mùa hè thứ nhất quá nhanh. Tôi biết rằng với những đợt nóng đầu mùa, một cái gì đó mới mẻ sẽ đến với tôi. Vụ án của tôi được xét xử trong phiên tòa cuối cùng của tòa đại hình, và phiên tòa này sẽ kết thúc vào tháng sáu. Việc tranh tụng sẽ công khai, trong khi ngoài trời ngập tràn ánh nắng. Luật sư của tôi đoan chắc rằng việc xét xử sẽ kéo dài không quá vài ba ngày. “Hơn nữa – ông ta nói thêm – tòa án sẽ phải khẩn trương, vì vụ việc của anh không phải vụ nghiêm trọng nhất. Còn một vụ giết cha mẹ sẽ được xử ngay sau đó.” Vào lúc bảy rưỡi sáng, người ta đến tìm tôi và chiếc xe của nhà lao đưa tôi đến phòng xét xử. Hai cảnh sát viên đưa tôi vào một phòng hẹp và tối. Chúng tôi ngồi chờ gần một cánh cửa mà phía bên kia có tiếng người nói, tiếng gọi nhau, tiếng động của ghế ngồi và sự náo động làm tôi nghĩ đến những cuộc lễ lạt của khu phố, trong đó, sau phần ca nhạc, người ta dọn ghế đi để khiêu vũ. Hai cảnh sát viên bảo tôi là phải chờ và một trong hai người mời tôi hút thuốc nhưng tôi từ chối. Một lát sau anh ta hỏi tôi có lo không; tôi bảo không. Thậm chí, ở mức độ nào đó, tôi thấy thích xem tiến trình xét xử. Trong đời, tôi chưa có dịp nào. “Phải – viên cảnh sát kia nói – nhưng kết thúc sẽ mệt đấy.”

Một lúc sau, một tiếng chuông vang lên trong phòng. Họ tháo còng tay cho tôi. Họ mở cửa và đưa tôi đến vành móng ngựa. Phòng xử án đã đầy người. Mặc dù có diềm che nhưng ánh nắng vẫn lọt vào làm không khí trong phòng khá nóng. Các cửa sổ vẫn đóng. Tôi ngồi xuống, và hai viên cảnh sát ngồi hai bên. Lúc đó, tôi nhận ra có một dãy những bộ mặt phía trước tôi. Mọi người đều nhìn tôi. Tôi hiểu rằng đó là bồi thẩm đoàn. Nhưng tôi không thể nói họ khác nhau như thế nào. Tôi chỉ cảm thấy rằng tôi đang ở trước một chiếc ghế dài trên tàu điện và những hành khách vô danh đang sợ người mới vào coi họ là những kẻ nực cười. Tôi biết rằng đó là ý nghĩ vớ vẩn, vì ở đây chẳng có kẻ nực cười mà họ tìm, mà chỉ có phạm nhân. Tuy thế, sự khác biệt không quá lớn, và dù sao thì đó cũng là ý nghĩ đã xuất hiện trong đầu tôi.

Tôi thấy hơi ngột ngạt vì đám đông trong gian phòng kín. Tôi nhìn quanh phòng, nhưng không phát hiện ra gương mặt nào quen. Tôi cho rằng khó có chuyện tất cả những người này đều đến vì quan tâm đến vụ việc của tôi. Thường thì mọi người không bận tâm đến nhân cách của tôi. Tôi phải cố gắng để hiểu rằng tôi là nguyên nhân của của việc tụ tập này. Tôi nói với viên cảnh sát: “Mọi người kỳ thật!” Anh ta trả lời rằng đó là cái cớ cho cánh báo chí, rồi chỉ cho tôi thấy nhóm người đang tập trung bên cạnh cái bàn phía sau bồi thẩm đoàn. Anh ta nói: “Họ đấy.” Tôi hỏi: “Ai?” Anh ta nói: “Cánh nhà báo.” Anh ta bảo có biết một nhà báo, người đó cũng nhận ra anh ta và đang đi về phía chúng tôi. Đó là một người đứng tuổi, trông đáng mến, nét mặt hơi đăm chiêu. Ông ta bắt tay viên cảnh sát rất nồng hậu. Lúc đó tôi thấy mọi người nhận ra người quen và bắt đầu chuyện trò giống như trong câu lạc bộ, nơi mọi người vui mừng vì gặp lại những người cùng hội cùng thuyền. Tôi cũng hiểu được cái ấn tượng đặc biệt mà tôi gây ra cho họ, giống như một kẻ lạ đột nhập vào. Lúc đó, nhà báo mỉm cười bắt chuyện với tôi. Ông ta nói hy vọng mọi việc sẽ ổn đối với tôi. Tôi cảm ơn ông ta, còn ông ta thì nói thêm: “Anh biết đấy, chúng tôi có hơi cường điệu vụ án của anh. Mùa hè là mùa vô vị đối với cánh nhà báo. Chẳng có vụ nào đáng kể ngoài vụ của anh và vụ giết cha mẹ.” Rồi hướng về đám người mà ông ta vừa tách khỏi, ông ta chỉ cho tôi một gã trông như một con chồn béo núc ních, đeo cặp kính gọng đen to đùng. Ông ta bảo tôi rằng đó là phái viên đặc biệt của một tờ báo ở Paris. “Nhưng anh ta không đến vì anh. Nhưng vì anh ta quan tâm đến vụ xử kẻ giết cha mẹ, người ta đề nghị anh ta theo dõi luôn vụ của anh.” Lúc đó, tôi định nói cảm ơn, nhưng rồi lại thấy như thế cũng buồn cười. Ông ấy khẽ ấn vào tay tôi ra vẻ tình cảm, rồi rời khỏi chỗ chúng tôi. Chúng tôi đợi thêm một lúc nữa.

Luật sư của tôi đã đến. Ông ta mặc áo choàng và có rất nhiều đồng nghiệp đi theo. Ông ta đi thẳng đến chỗ cánh nhà báo, bắt tay họ. Họ pha trò với nhau rồi cười ra chiều thoải mái, cho đến khi tiếng chuông vang lên trong phòng xử án. Mọi người về chỗ ngồi. Luật sư của tôi đi lại chỗ tôi, bắt tay và nhắc tôi trả lời ngắn gọn những câu mà người ta sẽ hỏi, tránh gây rắc rối và cứ tin tưởng ở ông ta.

Ở phía trái, tôi nghe tiếng đẩy ghế và thấy một người cao lớn nhưng gầy, mặc áo choàng đỏ, mang kính không gọng. Ông ta cẩn thận vén áo choàng lên trước khi ngồi xuống. Đó là ngài ủy viên công tố. Viên thừa phán tuyên bố phiên tòa bắt đầu. Lúc đó, hai cái quạt lớn bắt đầu quay vù vù. Ba vị thẩm phán, hai mặc đồ đen, người kia đồ đỏ, tay bưng hồ sơ đi vào và bước tới bàn của hội đồng xét xử trên cao. Ông mặc đồ đỏ ngồi xuống ghế giữa, đặt chiếc mũ quan tòa lên bàn, lấy khăn tay lau vầng trán hói, và tuyên bố mở đầu quá trình xét xử.

Cánh nhà báo lăm lăm bút trong tay. Họ đều tỏ vẻ thờ ơ và có phần tinh quái. Một người còn rất trẻ trong số họ, mặc đồ len màu xám, thắt cà-vạt xanh, đặt bút trước mặt và nhìn tôi. Khuôn mặt anh ta hơi lệch, và tôi chỉ thấy cặp mắt rực sáng nhìn tôi rất chăm chú và không thể hiện điều gì rõ ràng. Và tôi bỗng có cảm giác lạ lùng như tôi đang nhìn chính mình. Có lẽ vì cảm giác này, và cũng vì tôi không biết rõ về việc xét xử, nên tôi không thật hiểu những gì xảy ra sau đó, không hiểu ý nghĩa của việc các vị bồi thẩm bỏ phiếu, những câu hỏi mà vị chủ tọa đặt ra cho luật sư, cho công tố viên và bồi thẩm đoàn (mà mỗi lần như vậy thì những cái đầu của các vị bồi thẩm lại cùng ngoái về phía bàn chủ tọa), việc đọc nhanh biên bản xét xử, trong đó tôi nhận ra tên các địa điểm, tên người, và những câu hỏi mới đối với luật sư của tôi.

Nhưng vị chủ tọa nói cần gọi nhân chứng. Khi đó, viên thừa phán xướng lên những cái tên làm tôi chú ý. Từ trong đám cử tọa lờ mờ, tôi thấy mấy người lần lượt đứng lên rồi mất hút sau cánh cửa bên hông. Đó là giám đốc trại dưỡng lão, ông bảo vệ, ông già Thomas Pérez, Raymond, Masson, Salamano và Marie. Cô ấy ra hiệu cho tôi và có vẻ lo lắng. Tôi thấy ngạc nhiên vì không nhận ra họ trước đó. Rồi cái tên cuối cùng được xướng lên, và Céleste đứng dậy. Tôi nhận ra bên cạnh ông ấy là bà chủ bé nhỏ của nhà hàng với cái áo khoác và vẻ dứt khoát. Bà ấy nhìn xoáy vào tôi. Nhưng tôi không có thời gian để quan tâm đến điều đó, vì vị chủ tọa lại lên tiếng. Ông ấy nói việc tranh tụng thực sự sắp bắt đầu, và ông ấy thấy không cần phải nhắc nhở cử tọa im lặng. Theo ông ấy nói thì ông ấy có mặt để định hướng sự công minh của việc tranh tụng về một vụ án mà ông ấy muốn xem xét một cách khách quan. Bản án được bồi thẩm đoàn đưa ra sẽ phải theo tinh thần của công lý, và trong mọi trường hợp ông ấy sẽ làm cho phiên tòa ít tùy tiện nhất.

Trời càng ngày càng nóng, và tôi thấy nhiều người trong phòng lấy báo để quạt. Việc đó gây ra những tiếng sột soạt. Vị chủ tọa ra dấu, và viên thừa phán đem đến ba cái quạt nan. Ba vị quan tòa lập tức cầm lấy quạt và dùng luôn.

Người ta bắt đầu hỏi cung tôi. Vị chủ tọa hỏi tôi một cách ôn hòa, thậm chí hơi có vẻ tình cảm. Người ta lại bắt tôi thuật lại nhân thân, và mặc dù thấy chán, tôi cảm thấy việc đó là phải lẽ, vì nếu không thì người ta có thể xử không đúng người. Rồi vị chủ tọa nói lại những việc mà tôi đã làm, cứ sau ba câu lại hỏi tôi: “Đúng thế chứ?”, và mỗi lần tôi đều trả lời “Vâng, thưa ngài chủ tọa” theo lời dặn của luật sư. Việc đó kéo dài khá lâu vì vị chủ tọa kể lại câu chuyện rất chi tiết. Suốt thời gian đó, cánh nhà báo ghi chép liên tục. Tôi vẫn cảm thấy cái nhìn của nhà báo trẻ nhất và của một cô người máy nhỏ. Toàn bộ hàng ghế dài của tàu điện hướng lên phía chủ tọa. Ông này ho một tiếng rồi đọc lướt hồ sơ và quay lại phía tôi, trong khi tay vẫn quạt.

Ông ấy nói là bây giờ ông ấy sẽ đề cập đến những vấn đề có vẻ không liên quan đến vụ án của tôi, nhưng thực ra là rất sát sườn. Tôi hiểu rằng ông ấy sẽ nói về mẹ tôi và cảm thấy thật chán biết bao. Ông ấy hỏi tôi tại sao để mẹ vào trại. Tôi trả lời vì tôi không đủ tiền để phụng dưỡng mẹ. Ông ấy hỏi tôi là việc đó có làm tôi bị tổn thương không, và tôi trả lời là cả mẹ tôi và tôi, không ai trông chờ ai, và đều quen khá nhanh với điều kiện sống mới. Ông chủ tọa nói là ông ấy không muốn xoáy mãi vào một vấn đề, nên ông ấy hỏi ngài ủy viên công tố có thấy cần hỏi gì thêm không.

Công tố viên xoay nửa lưng về phía tôi và, không nhìn tôi, ông ấy tuyên bố rằng với sự cho phép của ngài chủ tọa, ông ấy muốn biết tôi có ý định giết gã A rập khi quay lại con suối một mình hay không. Tôi nói: “Không”. “Thế thì tại sao anh ta lại mang vũ khí và tại sao lại trở lại đúng chỗ đó?” Tôi nói đó là sự tình cờ. Và ngài công tố viên nhận xét với giọng điệu hơi mỉa mai: “Tạm biết thế đã.” Sau đó mọi việc rối lên, ít nhất là đối với tôi. Nhưng sau vài câu trao đổi, ông chủ tọa tuyên bố phiên tòa tạm dừng và sẽ được tiếp tục vào buổi chiều với phần nghe lời khai của các nhân chứng.

Tôi không có thời gian để nghĩ ngợi. Người ta dẫn tôi ra, đưa lên xe tù rồi lái về nhà giam, và tôi ăn trưa ở đó. Sau một khoảng thời gian rất ngắn, chỉ vừa đủ để tôi kịp thấy mình đang mệt, người ta đã đến tìm tôi. Mọi việc bắt đầu lại, và tôi lại ở trong phòng xử án, trước những bộ mặt buổi sáng. Chỉ khác là cái nóng ghê gớm hơn nhiều, và như có phép màu, mỗi vị bồi thẩm, vị công tố viên, vị luật sư của tôi và cả một vài nhà báo đều mang theo quạt nan. Anh nhà báo trẻ và cô người máy bé nhỏ vẫn ở nguyên tại chỗ. Nhưng họ không quạt mà vẫn im lặng nhìn tôi.

Tôi lau mồ hôi trên mặt và có cảm giác mơ hồ về phiên tòa và về chính tôi, khi tôi nghe gọi đến ông giám đốc trại dưỡng lão. Người ta hỏi ông ấy là mẹ tôi có phàn nàn gì về tôi không, và ông ấy nói có, nhưng mà ai ở nhà dưỡng lão mà chẳng phàn nàn về người thân của mình. Ông chủ tọa chỉnh lại câu hỏi là mẹ tôi có kêu ca về việc bị đưa vào trại không, và ông giám đốc lại bảo có. Nhưng lần này ông ấy không nói thêm gì. Một câu hỏi khác, ông ấy trả lời rằng ông ấy ngạc nhiên vì sự vô tình của tôi trong ngày chôn cất. Người ta lại hỏi ông ấy ngụ ý gì khi nói đến sự vô tình. Khi đó ông giám đốc nhìn xuống mũi giày và nói rằng tôi không muốn nhìn mặt mẹ, không khóc lấy một lần và sau khi chôn cất thì đi ngay mà không lưu lại lấy một lúc bên cạnh mộ mẹ. Một điều nữa làm ông ta ngạc nhiên: một nhân viên tang lễ nói tôi không nhớ tuổi của mẹ. Một phút im lặng, rồi ông chủ tọa hỏi ông ấy liệu những điều ông ấy nói về tôi có đúng không. Vì ông giám đốc không hiểu câu hỏi, nên ông chủ tọa nói: “Đó là luật.” Rồi ông chủ tọa hỏi công tố viên có hỏi thêm gì không. Ông này nói to “Ô không, thế là đủ” với chất giọng và cái nhìn đắc thắng hướng về phía tôi. Lần đầu tiên sau nhiều năm, tôi có ý muốn ngu xuẩn là khóc, vì cảm thấy mình bị những con người này ghê tởm.

Sau khi hỏi bồi thẩm đoàn và luật sư của tôi xem còn câu hỏi gì không, vị chủ tọa gọi đến ông bảo vệ. Với ông này cũng như với tất cả mọi người, vẫn một nghi lễ đó được lặp lại. Ban đầu, ông bảo vệ nhìn tôi rồi quay mặt đi. Ông ấy cũng lần lượt trả lời các câu hỏi mà người ta đặt ra cho ông ấy. Ông ấy bảo rằng tôi không muốn nhìn mặt mẹ, rằng tôi còn hút thuốc, rằng tôi ngủ gật và sau đó uống cà phê sữa. Tôi cảm thấy mọi người tức tối, và lần đầu tiên tôi hiểu rằng mình là tội phạm. Người ta bảo ông bảo vệ kể chi tiết về chuyện uống cà phê sữa và chuyện hút thuốc. Ngài công tố viên nhìn tôi với ánh mắt giễu cợt. Lúc đó, luật sư của tôi hỏi ông bảo vệ có hút thuốc cùng tôi không. Nhưng công tố viên đứng bật dậy với vẻ hung hăng và phản đối câu hỏi: “Ai là tội phạm ở đây, và liệu đây có phải là cách chống lại nhân chứng để làm nhẹ những chứng cứ đầy sức nặng hay không?” Tuy vậy, vị chủ tọa vẫn yêu cầu ông bảo vệ trả lời câu hỏi đó. Ông ta nói với vẻ lúng túng: “Tôi biết tôi đã sai. Nhưng tôi đã không dám từ chối điếu thuốc mà anh ta mời tôi.” Cuối cùng, người ta hỏi tôi có muốn nói thêm gì không. Tôi nói: “Không. Tôi chỉ muốn nói là nhân chứng đã nói đúng. Đúng là tôi đã mời ông ấy hút thuốc.” Lúc đó ông bảo vệ nhìn tôi với vẻ hơi ngạc nhiên và ra vẻ biết ơn. Ông ta lưỡng lự, rồi nói chính ông ta mời tôi uống cà phê sữa. Luật sư của tôi tỏ ra đắc thắng và tuyên bố bồi thẩm đoàn có thể nghị án. Nhưng công tố viên hét vang phía trên đầu chúng tôi và nói: “Phải, Bồi thẩm đoàn sẽ nghị án. Nhưng họ sẽ kết luận là một kẻ xa lạ có thể mời uống cà phê, còn một đứa con thì phải từ chối cái đó trước linh cữu mẹ.” Lúc đó, ông bảo vệ trở về chỗ ngồi.

Đến lượt Thomas Pérez, viên thừa phán phải dìu ông già lên bục. Pérez nói là ông ấy quen biết mẹ tôi đã lâu nhưng chưa bao giờ gặp tôi trừ cái lần vào hôm mai táng. Người ta hỏi ông ấy tôi làm gì trong ngày hôm đó, và ông ấy trả lời: “Quý vị biết đấy, tôi bước đi còn khó nữa là. Nên tôi chẳng thấy gì. Sự nặng nhọc làm tôi chẳng thấy gì. Vì đối với tôi việc đó là khó khăn lớn. Tôi thậm chí còn ngất xỉu. Nên tôi chẳng thấy gì đâu, thưa quý ông.” Công tố viên bảo ít ra thì ông cũng nói có thấy tôi khóc không. Pérez bảo không. Khi đó, đến lượt công tố viên nói: “Các vị bồi thẩm nghị tội.” Nhưng luật sư của tôi nổi nóng. Ông ta hỏi Pérez với giọng mà tôi cảm thấy hăng tiết: “Liệu ông có nhìn thấy anh ta không khóc không?” Pérez nói không. Cử tọa cười. Luật sư của tôi xắn tay áo lên nói giọng cương quyết: “Hình ảnh phiên tòa này là thế đấy. Cái gì cũng đúng mà chẳng cái gì đúng!” Công tố viên tỏ vẻ không quan tâm. Ông ta lấy bút chì ra chọc chọc lên bìa tập hồ sơ.

Sau dăm phút trì hoãn, trong đó luật sư của tôi nói với tôi là mọi việc đang diễn ra tốt đẹp, người ta gọi đến Céleste, người được bị cáo nhờ làm chứng. Bị cáo tức là tôi. Céleste thỉnh thoảng lại nhìn về phía tôi và hai tay xoay xoay cái mũ rộng vành. Ông ta mặc bộ đồ mới mà ông ta khâu để trong một vài ngày chủ nhật đi xem đua ngựa với tôi.  Nhưng tôi cho rằng ông ấy không thể làm khít được cổ áo ngoài, vì thấy cổ áo sơ mi được cài bằng một cái khuy đồng để giữ cho kín. Người ta hỏi ông ấy tôi có phải là khách hàng của ông ấy không, ông ấy nói: “Phải, nhưng cậu ấy còn là bạn hẩu của tôi nữa.” Khi hỏi ông ấy nghĩ gì về tôi, ông ấy nói tôi là đàn ông; hỏi ông ấy ngụ ý gì, ông ấy bảo ai cũng biết từ đó nói lên điều gì; hỏi ông ấy tôi có phải người bí ẩn không, ông ấy bảo không, nhưng tôi không nói lời thừa. Công tố viên hỏi ông ấy tôi có thường xuyên trả đủ tiền ăn không, ông ấy cười và bảo: “Đó là chuyện riêng giữa hai chúng tôi.” Người ta lại hỏi ông ấy nghĩ gì về tội trạng của tôi. Ông ấy đưa hai tay xuống bục, và người ta thấy ông ấy đang chuẩn bị một thứ gì đó. Rồi ông ấy nói: “Với tôi, đó là một tai nạn. Một tai nạn, ai cũng biết thế. Tình huống bất khả kháng. Đúng thế, với tôi đó là tai nạn…” Ông ấy định nói tiếp, nhưng chủ tọa bảo thế là đủ, rồi cảm ơn ông ấy. Khi đó Celeste hơi chững lại. Nhưng ông ấy tuyên bố còn muốn nói nữa. Người ta yêu cầu ông ấy nói ngắn thôi. Ông ấy lại nhắc lại rằng đó là tai nạn. Chủ tọa nói: “Phải, hiểu thế cũng được. Nhưng chúng ta ở đây để xét xử những tai nạn kiểu đó. Xin cám ơn ông.” Khi đó, Céleste quay về phía tôi, và tôi thấy mắt ông ướt lệ, môi ông run rẩy. Ông ấy như muốn hỏi tôi ông ấy có thể làm thêm điều gì. Tôi im lặng, cũng không đưa tay làm hiệu, nhưng đây là lần đầu tiên trong đời tôi muốn ôm một người đàn ông. Vị chủ tọa ra lệnh cho ông rời bục. Céleste trở về chỗ ngồi. Từ đó đến cuối phiên tòa, ông ấy chỉ ngồi đó, gập người về phía trước, khuỷu tay tì lên đầu gối, hai tay cầm mũ và chú ý nghe không bỏ sót câu nào.

Marie đi vào. Cô ấy mang một chiếc mũ. Cô ấy vẫn đẹp. Nhưng tôi thích nhìn cô ấy để xõa tóc hơn. Từ chỗ của tôi, tôi có thể thấy rõ bộ ngực gọn gàng của cô ấy và thấy môi dưới cô ấy hơi mím lại. Cô ấy có vẻ rất hồi hộp. Người ta hỏi ngay cô ấy quen biết tôi từ khi nào. Cô ấy nói rõ thời điểm cô ấy bắt đầu làm việc chỗ chúng tôi. Cô ấy bảo cô ấy là bạn gái của tôi. Một câu hỏi khác, cô ấy trả lời rằng cô ấy sẽ lấy tôi. Công tố viên, lúc đó đang lật giở tập hồ sơ, bỗng yêu cầu cô ấy nói rõ ngày chúng tôi quan hệ. Cô ấy nói ngày tháng. Công tố viên ra vẻ thờ ơ nhận xét rằng có lẽ đó là một ngày sau cái chết của mẹ tôi. Rồi ông ta nói với vẻ châm biếm rằng ông ta không muốn xoáy vào một tình huống tế nhị, rằng ông ta hiểu sự e ngại của Marie, nhưng (đến đó thì giọng ông ta đanh lại) bổn phận ra lệnh cho ông ta phải vượt lên trên những quan niệm thông thường. Ông ta yêu cầu Marie nói tóm tắt về cái ngày mà tôi biết cô ấy. Marie không muốn nói về chuyện đó, nhưng trước sự gò ép của công tố viên, cô ấy nói lại việc chúng tôi đi tắm, đi xem chiếu bóng và trở về chỗ tôi. Công tố viên nói rằng theo lời khai của Marie trước ngài chủ tọa thì ông ta đã tìm hiểu về chương trình chiếu bóng ngày hôm đó. Ông ấy nói thêm rằng chính Marie phải nói khi đó người ta chiếu phim gì. Marie hạ thấp giọng và nói đó là một bộ phim có Fernandel. Khi cô ấy nói xong, gian phòng bỗng im phăng phắc. Công tố viên đứng dậy với vẻ trịnh trọng và với giọng như xúc động, ngón tay chỉ về phía tôi, ông ấy phát âm rõ ràng từng tiếng một: “Thưa các vị bồi thẩm, chỉ sau khi mẹ chết một ngày mà con người kia đi tắm, có quan hệ bất thường và còn cười khi xem phim hài. Tôi không biết nói gì hơn với quý ông.” Rồi ông ta ngồi xuống và im lặng. Ngay lập tức, Marie bật ra những tiếng nức nở và nói rằng sự việc không phải như vậy, rằng sự việc diễn ra khác, rằng người ta bắt cô ấy nói điều ngược lại với suy nghĩ của cô ấy, rằng cô ấy biết rõ tôi và tôi không làm điều gì xấu. Nhưng viên thừa phán, khi vị chủ tọa ra dấu, đã dẫn cô ấy về chỗ ngồi, và phiên tòa tiếp tục.

Thật khó khăn khi sau đó cử tọa nghe Masson nói. Anh ta tuyên bố tôi là người trung thực và dũng cảm. Và còn khó khăn hơn khi mọi người nghe Salamano. Ông ấy nhắc lại rằng tôi đối xử tử tế với con chó của ông ấy. Khi trả lời các câu hỏi về mẹ tôi và tôi, ông ấy bảo tôi không nói thêm gì về mẹ, và đã đưa mẹ vào trại. “Cần phải hiểu điều này. – Salamano nói – Cần phải hiểu.” Nhưng có vẻ không ai hiểu. Và người ta dẫn ông ấy đi.

Đến lượt Raymond, nhân chứng cuối cùng. Raymond khẽ ra hiệu cho tôi và nói ngay rằng tôi vô tội. Nhưng chủ tọa tuyên bố ông ấy không cần đưa ra phán quyết, mà chỉ nêu sự kiện. Ông ấy yêu cầu Raymond chờ nghe câu hỏi để trả lời. Người ta yêu cầu anh ấy làm sáng tỏ mối quan hệ với nạn nhân. Raymond lợi dụng câu hỏi đó để nói rằng chính anh ấy mới là kẻ bị nạn nhân thù ghét do anh ấy đánh em gái gã. Chủ tọa hỏi liệu nạn nhân có cớ gì để thù tôi không. Raymond nói việc tôi có mặt ở bãi tắm là tình cờ. Công tố viên hỏi vì sao lá thư gây ra thảm kịch lại do tôi viết. Raymond trả lời rằng đó cũng là sự tình cờ. Công tố viên vặn lại rằng sự tình cờ sao lại dẫn tới quá nhiều hành động thiếu lương tâm trong câu chuyện này như vậy. Ông ta muốn biết có phải do tình cờ mà tôi can thiệp vào câu chuyện khi Raymond đánh cô bồ không, có phải tình cờ tôi đứng ra làm chứng ở đồn cảnh sát không, và cũng do tình cờ mà những lời khai của tôi lại hoàn toàn trùng khớp với lời chứng của Raymond chăng? Để kết thúc, ông ta hỏi Raymond sống bằng nghề gì, và khi anh ta nói “Thủ kho”, ông ta liền lưu ý bồi thẩm đoàn rằng vị nhân chứng này là tay ma cô có tiếng, còn tôi là bạn và là tòng phạm của anh ta, rằng anh ta đang diễn một màn kịch dơ bẩn của loại người hạ đẳng, và màn kịch càng dơ bẩn hơn vì người ta giao vai diễn cho một kẻ vô luân. Raymond muốn tự bào chữa, và luật sư của tôi cũng phản đối, nhưng người ta bảo hãy để công tố viên nói xong đã. Ông này nói tiếp: “Tôi có một điều muốn hỏi thêm. Đây là bạn ông à?” “Phải, cậu ấy là bạn tôi.” Công tố viên lại hỏi tôi cũng câu hỏi đó, và tôi nhìn Raymond lúc đó vẫn đang nhìn tôi. Tôi nói: “Phải.”  Công tố viên quay về phía bồi thẩm đoàn và tuyên bố: “Chính cái kẻ mà ngay sau ngày mẹ chết đã lao vào trò trác táng bẩn thỉu nhất cũng là kẻ đã giết người vì những cái cớ không đâu và hủy hoại đạo đức một cách tệ hại.”

Rồi ông ta ngồi xuống. Lúc đó luật sư của tôi đã hết kiên nhẫn. Ông ta giơ hai tay lên, làm hai ống tay áo tụt xuống để lộ những nếp gấp của chiếc sơ mi hồ cứng: “Cuối cùng thì anh ta bị xử vì chôn cất mẹ hay vì giết người?” Cử tọa cười ầm. Nhưng công tố viên đã đứng dậy, tay sửa áo choàng, và tuyên bố rằng phải có sự ngây thơ trong trắng của một người biện hộ trung thực mới không cảm thấy rằng giữa hai loại sự kiện có một mối liên hệ sâu sắc và cốt lõi. “Phải – ông ta la lớn – tôi lên án kẻ này vì đã chôn cất mẹ với trái tim tội lỗi.” Lời tuyên bố đó có vẻ đã gây hiệu ứng đáng kể lên cử tọa. Luật sư của tôi nhún vai và lau mồ hôi trán. Ông ta có vẻ nao núng, và tôi hiểu rằng mọi việc diễn ra không thuận lợi đối với tôi.

Cử tọa đứng dậy. Khi đi từ nhà xử án ra xe, tôi thoáng nhận ra hương vị và màu sắc của buổi tối mùa hè. Trong bóng tối của phòng giam bồng bềnh và trong trạng thái mệt nhoài, tôi lại nghe thấy từng âm thanh quen thuộc của một thành phố mà tôi yêu, vào thời khắc mà cảm giác hài lòng đến với tôi. Tiếng rao của những người bán báo trong khung cảnh yên bình, tiếng chim kêu trong công viên, tiếng mời gọi của những người bán sandwich, tiếng tàu điện nghiến vào đường ray ở chỗ quay cuối đường và tiếng ồn từ ngoài cảng vọng vào – tất cả những âm thanh đó lại làm sống dậy trong tôi một tiến trình ngầm mà tôi đã biết rõ từ trước khi vào tù. Phải, đó là thời khắc mà đã từ lâu tôi thấy hài lòng. Thời khắc đó vẫn chờ đón tôi, sau đó luôn là giấc ngủ nhẹ nhàng không mộng mị. Tuy vậy, bây giờ thì một cái gì đó đã thay đổi, vì với sự chờ đợi ngày mai đến, tôi chẳng thấy gì khác ngoài phòng giam. Dường như những con đường in dấu trên nền trời mùa hạ có thể dẫn đến cả ác mộng tù đày lẫn những giấc ngủ vô tư.

 

04Ngay cả khi ngồi trên ghế bị cáo thì việc nói về chính mình vẫn cần thiết. Trong quá trình tranh tụng giữa công tố viên và luật sư của tôi, có thể nói họ đã nói về tôi quá nhiều và có lẽ về con người tôi nhiều hơn là tội trạng của tôi. Liệu những luận cứ của họ có thực sự khác nhau? Luật sư giơ hai tay lên trời và ra vẻ cố bảo vệ bị cáo, nhưng không nêu được tình tiết giảm nhẹ. Công tố viên chìa tay ra phía trước và tuyên bố tôi có tội, nhưng không đưa ra được chứng cứ buộc tội thật thuyết phục. Nhưng có một điều làm tôi thấy khó chịu một cách mơ hồ. Mặc dù tôi băn khoăn và muốn tự mình lên tiếng, nhưng luật sư của tôi bảo: “Anh nên im lặng, như thế tốt hơn cho anh.” Có vẻ như người ta định xử lý vụ việc mà không có tôi tham gia. Mọi việc diễn ra không có sự can dự của tôi. Số phận của tôi được định đoạt trong khi người ta không đếm xỉa đến ý kiến của tôi. Nhiều lúc tôi muốn ngắt lời họ và nói: “Dù sao cũng phải đếm xỉa đến bị cáo chứ? Phải chú ý đến bị cáo, và tôi có điều muốn nói!” Nhưng tôi cứ nghĩ thế mà không lên tiếng. Ngoài ra, tôi phải thừa nhận rằng tôi không quan tâm nhiều lắm đến việc tác động vào suy nghĩ của mọi người. Chỉ riêng bài thuyết giảng của công tố viên đã làm tôi mệt mỏi. Đó chỉ là những câu nói rời rạc, những động tác hoặc những đoạn rêu rao dài dòng mà không có liên hệ gì với nhau để có thể làm tôi bừng tỉnh hoặc ít nhiều quan tâm.

Cái thâm của ông ấy, nếu tôi hiểu đúng, là ông ấy muốn kết luận rằng tôi có chủ định phạm tội. Ít ra thì ông ấy cũng cố chứng tỏ điều đó. Ông ấy đã nói: “Tôi sẽ chứng minh, thưa quý ông, tôi sẽ chứng minh với chứng cứ kép. Chính sự hiển nhiên của các sự kiện và thêm nữa là tính cách xấu xa của kẻ phạm tội đã làm tôi nhận ra tâm lý của linh hồn tội lỗi này.” Ông ta tóm lược các sự kiện, bắt đầu từ cái chết của mẹ tôi. Ông ta chỉ ra sự vô cảm của tôi, việc tôi quên cả tuổi của mẹ, việc hôm sau tôi đi tắm với gái, đi xem phim có Fernandel và cuối cùng là cuộc gặp với Marie. Tôi phải mất một lúc mới hiểu được từ “tình nhân” mà ông ấy dùng, vì đối với tôi thì cô ấy đơn giản là Marie. Sau đó thì ông ta nói lại câu chuyện của Raymond. Tôi thấy cái cách ông ấy nhìn các sự kiện là khá rõ. Những điều ông ấy nói ra có thể chấp nhận được. Tôi đã viết bức thư theo ý Raymond để thóa mạ cô ả kia và đẩy cô ta vào cảnh phải chịu những hành động tồi tệ của một con người với “tư cách dơ bẩn”. Trên bãi tắm, tôi đã khiêu khích đối thủ của Raymond. Hắn ta đã bị thương tích. Tôi đã yêu cầu Raymond đưa súng cho tôi. Tôi đã trở lại một mình để được thỏa mãn. Tôi đã bắn tay người A rập. Tôi đã chờ. Và, “để tin chắc vào kết quả công việc”, tôi đã bắn thêm bốn phát, với sự bình tĩnh và suy xét kỹ theo một kiểu nào đó.

“Thế đấy, thưa các quý ông, công tố viên nói, tôi đã lần lại trước các ngài dòng sự kiện dẫn con người này đến chỗ giết người trong sự tỉnh táo hoàn toàn. Tôi xin nhấn mạnh như vậy, vì anh ta không thực hiện một vụ ám hại thông thường, một hành động thiếu suy nghĩ như quý vị có thể xem nhẹ do một vài tình huống. Con người này, thưa các quý ông, anh ta rất thông minh. Quý vị đã nghe anh ta nói rồi, phải thế không? Anh ta biết cách trả lời đấy. Anh ta hiểu rõ ý nghĩa của từng lời. Và không thể nói rằng anh ta hành động mà không tính trước những gì sẽ làm.”

Tôi nghe và hiểu rằng người ta xét xử tôi như một kẻ hiểu biết. Nhưng tôi không thật hiểu vì sao tính cách của một con người bình thường lại trở thành chứng cứ để buộc tội anh ta. Ít nhất thì đó cũng là điều tôi chợt nghĩ và không nghe ông ta nói tiếp, cho đến khi tôi nghe ông ta nói: “Anh ta có tỏ ra ân hận không? Không hề, thưa quý ông. Không một lần nào trong quá trình luận tội anh ta tỏ ra hối hận vì tội lỗi ghê tởm của mình.” Lúc đó, ông ta quay về phía tôi, chỉ ngón tay vào tôi và tiếp tục thóa mạ tôi trong khi tôi không hiểu tại sao. Rõ ràng tôi không thể phủ nhận là ông ta có lý. Đúng là tôi chẳng ân hận lắm vì hành động của mình. Nhưng sự hăng máu làm tôi ngạc nhiên. Tôi muốn cố giải thích một cách chân thành với ông ta rằng tôi không bao giờ có cảm giác ân hận vì bất kỳ điều gì trong đời. Tôi luôn quan tâm đến những gì sắp xảy ra nay mai. Nhưng trong tình cảnh mà người ta đẩy tôi vào, tôi không thể nói với ai bằng cái giọng đó. Tôi không có quyền chứng tỏ mình là người tình cảm, có thiện chí. Và tôi cũng đã cố gắng lắng nghe, vì công tố viên đã nói đến tâm hồn tôi. Ông ấy nói ông ấy đã chú ý đến tâm hồn tôi, nhưng không tìm thấy. Ông ấy nói rằng thực sự là tôi không có tâm hồn, không có nhân tính, và tôi không chấp nhận một nguyên tắc đạo đức nào mà mọi người mang trong tim. “Chắc chắn – ông ta nói thêm – chúng ta không thể chê bai anh ta được. Nếu anh ta không cần cái đó thì ta không thể kêu là anh ta còn thiếu. Nhưng khi phiên tòa này diễn ra thì đức tính khoan dung tiêu cực phải được thay bằng thứ ít dễ dãi hơn nhưng cao thượng hơn, đó là công lý. Cần thấy rằng sự trống rỗng trong tim mà ta đã thấy ở con người này sẽ trở thành vực thẳm mà cả xã hội rơi xuống đó.” Rồi ông ta nói về thái độ của tôi đối với mẹ. Ông ta nhắc lại những gì ông ta đã nói khi tranh tụng. Nhưng lần này ông ta nói rất lâu về tội lỗi của tôi, lâu đến mức cuối cùng thì tôi chẳng còn thấy gì ngoài hơi nóng của buổi sáng mùa hè. Đến đó thì ông ta dừng lại, và sau một phút im lặng, ông ta lấy giọng rất trầm và ra vẻ xúc động: “Phiên tòa này, thưa quý ngài, ngày mai sẽ xử một tội ác ghê tởm nhất: vụ giết hại một người cha.” Theo ông ta, mọi sự tưởng tượng đều phải lùi bước trước vụ mưu sát tàn bạo này. Ông ta dám hy vọng rằng công lý sẽ ra tay trừng phạt không nương nhẹ. Nhưng ông ta không sợ khi nói rằng nỗi ghê sợ mà tội ác này gây ra cho ông ta vẫn còn thua một nỗi ghê sợ khác, đó là sự vô cảm của tôi. Vẫn theo ông ta, một kẻ giết mẹ về tinh thần sinh ra từ xã hội của những kẻ giống như hắn, những kẻ đặt bàn tay chết chóc lên cái người đem lại cuộc sống cho chúng. Trong mọi trường hợp, kẻ thứ nhất chuẩn bị cho kẻ thứ hai hành động. Hắn báo trước những hành động đó theo cách nào đó và biện hộ cho những hành động đó. “Tôi tin rằng, thưa quý ngài – ông ta cao giọng nói – quý ngài sẽ không cho ý nghĩ của tôi là quá táo bạo, nếu tôi nói rằng kẻ ngồi kia phạm tội giết người, và phiên tòa này sẽ phải xử vào ngày mai. Hắn ta phải bị trừng phạt thích đáng.”

Đến đó, công tố viên lau mồ hôi trên mặt. Cuối cùng, ông ta nói rằng bổn phận của ông ta thật đau đớn, nhưng ông ta sẽ thực thi trọn vẹn. Ông ta tuyên bố rằng tôi không có gì để làm trong một xã hội mà tôi không hề biết cả những quy tắc cơ bản nhất và tôi không thể kêu gọi trái tim con người trong khi tôi bỏ qua cả những phản ứng sơ đẳng. “Tôi đòi cái đầu của con người này, và xin các quý ông mở lòng với tôi. Vì rằng trong cả sự nghiệp tuyên án lâu dài của tôi, chưa bao giờ như hôm nay, tôi cảm thấy nghĩa vụ đau đớn của mình được bù trừ, được cân bằng, được sáng tỏ bởi sự ý thức được mệnh lệnh khẩn cấp và thiêng liêng và bởi sự kinh tởm mà tôi phải chịu đựng khi nhìn vào một bộ mặt con người mà tôi không đọc được gì ngoài những điều quái đản.”  

Khi công tố viên ngồi xuống, trong phòng im lặng khá lâu. Tôi thì tôi chỉ thấy mệt nhoài vì trời nóng và vì ngạc nhiên. Vị chủ tọa đằng hắng và, bằng giọng rất khẽ khàng, ông ta hỏi tôi có muốn nói thêm gì không. Tôi đứng lên, và vì đang muốn nói, tôi đã nói, có phần hơi kỳ cục, rằng tôi không có ý định giết gã A rập. Chủ tọa nói rằng đó là một khẳng định, rằng đến giờ ông ấy vẫn chưa thấy rõ tôi sẽ tự biện hộ ra sao, và rằng ông ấy sẽ rất hài lòng nếu được nghe chính tôi cho biết những lý do cụ thể đẩy tới hành động của tôi, trước khi nghe luật sư của tôi nói. Tôi trả lời hơi vội, với từ ngữ hơi lộn xộn và tự cảm thấy hơi buồn cười, rằng nguyên nhân ở cái nóng. Có tiếng cười trong phòng. Luật sư của tôi nhún vai, và người ta mời ông ấy nói. Nhưng ông ấy bảo rằng đã muộn, rằng còn nhiều giờ để tranh tụng và ông ấy yêu cầu hoãn đến chiều. Tòa chấp thuận.

Buổi chiều, những chiếc quạt máy lớn trong phòng xử án liên tục khuấy đảo bầu không khí nặng nề, nhưng những chiếc quạt tay nhỏ nhiều màu sắc của các vị bồi thẩm vẫn phải hỗ trợ thêm. Bài tranh tụng của luật sư của tôi thì có vẻ như dài vô tận. Tuy nhiên, có một lần tôi vẫn phải chú ý khi nghe ông ta nói: “Đúng là tôi giết.” Rồi ông ấy nói tiếp vẫn với giọng đó và vẫn dùng từ “tôi” mỗi khi nói về tôi. Tôi thực sự ngạc nhiên. Tôi cúi về phía viên cảnh sát và hỏi tại sao. Anh ta bảo tôi im lặng, và lát sau thì nói thêm: “Mọi luật sư đều làm như vậy.” Còn tôi thì nghĩ đó chính là đẩy tôi xa hơn ra bên lề vụ án, biến tôi thành con số không, và theo nghĩa nào đó là thay thế tôi. Nhưng tôi nghĩ tôi đã ở rất xa phiên tòa. Tôi cũng thấy luật sư thật khôi hài. Ông ta biện hộ cho tội trạng một cách vội vàng, rồi phát biểu nhân danh tôi. Nhưng tôi có cảm giác ông ta kém tài hơn công tố viên rất nhiều. “Tôi cũng đã tìm hiểu tâm hồn anh ta – luật sư nói – nhưng, trái với con người phi thường đại diện cho viện công tố, tôi có tìm thấy gì đó, và có thể nói tôi đã đọc một cuốn sách mở.” Ông ấy bảo đã đọc được rằng tôi là một người trung thực, một người làm công mẫn cán, không mệt mỏi, trung thành với nơi làm việc, yêu mọi người và thông cảm với nỗi đau của người khác. Đối với ông ấy, tôi là đứa con mẫu mực đã phụng dưỡng mẹ lâu nhất có thể. Cuối cùng thì tôi đã hy vọng rằng mái nhà dành cho người cao tuổi sẽ đem đến cho bà một sự an ủi mà điều kiện của tôi không cho phép tạo ra. “Tôi ngạc nhiên, thưa quý ông, rằng người ta tạo ra quá nhiều sự ồn ào chung quanh việc mẹ anh ta vào trại. Vì nếu cần chứng minh sự tốt đẹp của những trại như vậy thì phải nói rằng chính nhà nước đã lập nên chúng.” Chỉ có điều ông ta không nói gì về lễ tang, và tôi cảm thấy đó là chỗ thiếu trong bài tranh tụng của ông ta. Nhưng vì tất cả những lý luận dài dòng về tâm hồn của tôi được nói ra trong mấy ngày trời, trong những thời khắc tưởng như vô tận, tôi có cảm giác rằng mọi thứ trở nên giống như một thứ nước không màu mà tôi chìm sâu vào đó trong trạng thái lơ mơ.

Cuối cùng thì tôi chỉ nhớ được rằng, từ đường phố, xuyên qua khoảng không trong phòng xét xử, trong khi luật sư của tôi vẫn tiếp tục diễn thuyết, tiếng còi rao bán kem vọng đến tai tôi. Rồi từ đâu đó bỗng ùa tới những ký ức về một cuộc đời không còn thuộc về tôi nữa, nhưng trong đó tôi vẫn tìm thấy những niềm vui đáng thương nhất và níu bám dai dẳng nhất: hương vị của mùa hè, khu phố mà tôi yêu, bầu trời buổi tối, tiếng cười và những chiếc áo choàng của Marie. Tất cả những thứ mà tôi tưởng như vô tích sự ở nơi này bỗng dâng lên chẹn ngang cổ họng tôi, và tôi chỉ muốn người ta kết thúc nhanh lên, để tôi trở về phòng giam và vùi vào giấc ngủ. Thật khó mà hiểu được điều mà luật sư của tôi đang la lên để kết thúc bài diễn thuyết, rằng các vị bồi thẩm không muốn đưa đến chỗ chết một con người trung thực chỉ vì một phút sai lầm và đòi hỏi những tình tiết giảm nhẹ đối với tội trạng mà tôi đã gây ra, và ông ta tin rằng đối với tôi thì sự ân hận suốt đời đã là hình phạt nặng nề.

Tòa tuyên bố tạm dừng, và luật sư của tôi ngồi xuống với vẻ mệt mỏi. Nhưng các đồng nghiệp của ông ta đi đến và xiết tay ông ta. Tôi nghe thấy nói: “Tuyệt vời, anh bạn.” Một trong hai người thậm chí còn lấy tôi làm bằng chứng: “Hả?” ông ta nói với tôi. Tôi tỏ vẻ đồng ý, nhưng sự tán đồng của tôi không thực sự chân thành, vì tôi thấy quá mệt mỏi.

Tuy nhiên, bên ngoài nắng đã xế, và hơi nóng đã bớt dữ dội. Theo những tiếng động mà tôi nghe được từ ngoài đường phố, tôi đoán buổi tối bên ngoài khá mát mẻ. Chúng tôi vẫn ngồi đó, chờ đợi. Và chỉ mình tôi để ý đến việc chúng tôi đang ngồi chờ. Tôi còn nhìn lại cả gian phòng. Mọi thứ vẫn như ngày đầu tiên. Tôi gặp tia mắt của nhà báo mặc veste màu xám và cô người máy. Việc đó làm tôi chợt nghĩ là trong cả quá trình xét xử tôi không hề đưa mắt tìm Marie. Tôi không quên cô ấy, nhưng tôi có quá nhiều việc để làm. Tôi thấy cô ấy ngồi giữa Céleste và Raymond. Cô ấy ra dấu cho tôi như muốn nói “Xong rồi”, và tôi thấy cô ấy cười nhưng gương mặt có vẻ ưu tư. Nhưng tôi cảm thấy tim tôi đóng lại nên cũng không thể đáp lại được nụ cười của cô ấy.

Tòa tiếp tục làm việc. Rất nhanh gọn, người ta nêu các câu hỏi cho bồi thẩm đoàn. Tôi nghe thấy “phạm tội giết người”… “mưu toan”… “các tình tiết giảm nhẹ”… Các vị bồi thẩm đi ra và người ta dẫn tôi đến ngăn hẹp đứng chờ. Luật sư của tôi đi lại chỗ tôi. Ông ta nói hối hả, với vẻ tin tưởng và thân tình như chưa từng có. Ông ta nghĩ rằng mọi việc sẽ tốt đẹp và tôi chỉ phải chịu mấy năm tù thường hoặc khổ sai. Tôi hỏi liệu có khả năng bác bỏ không, nếu phán quyết quá nặng. Ông ta nói không. Chiến thuật của ông ta là không bác kết luận của bồi thẩm đoàn để khỏi làm mất lòng họ. Ông ta giải thích rằng không nên chống lại phán quyết vì như thế chẳng để làm gì. Tôi cũng cảm thấy như thế và chấp nhận lý lẽ của ông ta. Nếu xem xét sự việc một cách lạnh lùng thì điều đó hoàn toàn tự nhiên. Trong trường hợp ngược lại, sẽ chỉ có thêm mớ hồ sơ vô nghĩa. “Kiểu gì, luật sư nói, thì cũng có thể kháng án. Nhưng tôi tin rằng kết quả sẽ không đến nỗi nặng nề.”

Chúng tôi phải đợi rất lâu, có lẽ đến bốn lăm phút. Cuối cùng thì chuông vang lên. Luật sư rời chỗ tôi sau khi nói: “Thẩm phán sẽ đọc các phản hồi. Người ta sẽ yêu cầu anh đứng lên để nghe phán quyết.” Các cánh cửa đã sập lại. Có những tiếng chân chạy trên cầu thang mà tôi không biết gần hay xa. Rồi tôi nghe một giọng nói vô cảm đọc thứ gì đó trong phòng xử án. Khi hồi chuông còn chưa dứt, cánh cửa phòng xép mở ra, sự im lặng trong gian phòng lớn bỗng dồn lên tôi, sự im lặng và cảm giác khác thường mà tôi có khi nhận thấy anh nhà báo trẻ quay đi nhìn chỗ khác. Tôi không nhìn về phía Marie. Tôi không có thời gian, vì vị chủ tọa nói với tôi với vẻ khác thường rằng tôi sẽ bị chém đầu giữa nơi công cộng nhân danh nhân dân Pháp. Tôi cảm thấy ông ấy hiểu được cảm giác mà tôi đọc thấy trên mặt mọi người. Tôi tin chắc rằng đó là sự kính nể. Những cảnh sát viên tỏ ra rất nhã nhặn với tôi. Luật sư đặt tay lên nắm tay tôi. Tôi không nghĩ gì hết. Nhưng ông chủ tọa hỏi tôi có muốn nói thêm gì không. Tôi nói “Không”. Và người ta dẫn tôi đi. 

 

05Lần thứ ba tôi từ chối linh mục. Tôi không có gì để nói với ông ta, cũng không muốn nói, mà đằng nào thì cũng sắp gặp ông ta. Điều tôi quan tâm khi đó là làm sao thoát khỏi máy chém, liệu có thể có lối thoát nào hay không. Người ta đã chuyển tôi sang phòng giam khác. Tại đây, khi nằm duỗi dài, tôi nhìn thấy bầu trời và không gì khác. Ngày nào tôi cũng chỉ nhìn thấy trên đó những màu sắc tối dần khi ngày tàn và đêm đến. Khi chuẩn bị ngủ, tôi đưa hai tay xuống dưới gáy và nằm chờ. Tôi không nhớ đã bao lần tự hỏi liệu đã có trường hợp nào bị khép tội chết lại thoát được khỏi cỗ máy lạnh lùng sau khi giật đứt tung dây trói của cảnh sát và bỏ chạy hay chưa. Tôi tự trách mình đã không chú ý đến những câu chuyện về hành hình. Đáng lẽ phải quan tâm đến những vấn đề như vậy. Người ta đâu biết được điều gì sẽ đến. Cũng như mọi người, tôi đã đọc những chuyện viết trên báo chí. Nhưng chắc chắn có những tác phẩm đặc biệt mà tôi đã không tò mò xem đến. Ở đó có lẽ tôi đã tìm được những câu chuyện về những vụ tẩu thoát. Biết đâu tôi lại chả đọc được rằng ít nhất có một trường hợp bánh xe của cỗ máy đã dừng lại, và trong tiến trình bất khả kháng này đã xảy ra một sự tình cờ, chỉ một lần duy nhất, khi một cơ cấu gì đó bị trục trặc. Chỉ một lần! Không hiểu sao tôi nghĩ rằng thế là đủ. Trí tưởng tượng của tôi sẽ làm những việc còn lại. Báo chí hay nói về món nợ trước xã hội. Theo họ thì cần phải trả nợ. Nhưng cái đó chẳng liên quan gì đến trí tưởng tượng. Điều tôi quan tâm là khả năng thoát thân, một cú nhảy ra khỏi cái nghi lễ quái ác, một cuộc tháo chạy tạo ra mọi cơ hội để hy vọng. Tất nhiên, như thế cũng có nghĩa là hy vọng sẽ bị bắn chết ở một góc phố, khi đang cắm cổ chạy, và một viên đạn bay tới. Nhưng, nghĩ tới nghĩ lui, chẳng có gì có thể đem lại sự xa hoa đó, tất cả đều bế tắc, và cỗ máy chém sẽ tóm lấy tôi.

Mặc dù rất có thiện chí, tôi vẫn không thể nào chấp nhận được phán quyết độc đoán này. Vì rõ ràng có một sự bất tương xứng nực cười giữa bản án và hệ quả không tránh khỏi của nó bắt đầu từ thời điểm tuyên án. Việc bản án được tuyên đọc vào lúc 20 giờ thay vì 17 giờ, việc nó có thể hoàn toàn khác đi, việc nó được quyết định bởi những người ba phải, và nó được đưa ra trên cơ sở một khái niệm mập mờ là “nhân dân Pháp” (là “Đức” hay “Trung Hoa” thì có khác chi?), tất cả làm tôi cảm thấy người ta đã nghiêm trọng hóa quá đáng khi đưa ra một quyết định như vậy. Tuy nhiên, tôi buộc phải thừa nhận rằng một giây sau khi nó được tuyên, các hiệu ứng của nó đã trở nên xác định, nghiêm trọng, và làm tôi cảm nhận được rõ ràng sự tồn tại của bức tường mà tôi đang nằm dài bên cạnh.

Lúc đó, tôi nhớ lại một câu chuyện mà mẹ tôi đã kể khi nói về cha tôi. Tôi không được biết cha. Tất cả những gì tôi được biết về con người đó có lẽ là những điều mẹ tôi nói khi đó: ông đi xem xử tử một kẻ giết người. Chỉ nghĩ đến việc đó thì ông ấy đã phát ốm lên rồi. Thế nhưng sáng hôm đó ông ấy vẫn đi xem, và khi trở về thì ông ấy ói liên tục đến tận trưa. Ông ấy làm tôi thấy hơi ghê. Nhưng bây giờ thì tôi thấy điều đó là bình thường. Làm sao mà tôi lại không thấy rằng không có gì nghiêm trọng hơn việc hành hình, và nói chung đó là điều đáng lưu tâm duy nhất đối với một con người. Nếu tôi được ra khỏi nhà tù này, tôi sẽ đi xem mọi cuộc xử tử. Nghĩ đến đó, tôi thấy tội lỗi, vì khi hình dung ra mình được tự do và đứng bên đội cảnh sát vào một buổi sáng nào đó, và nghĩ được đến việc xem xử tử, để sau đó ói mửa, một niềm vui độc địa dâng lên trong tim tôi. Nhưng điều đó thật vô lý. Tôi thấy thật xấu xa khi tự cho phép tưởng tượng ra những điều như vậy, và chỉ một lát sau tôi thấy lạnh đến mức phải co quắp người lại dưới tấm mền, hai hàm răng khua lập cập.

Nhưng tất nhiên người ta không thể lúc nào cũng có lý được. Có lúc tôi đưa ra những dự luật. Tôi thực hiện cải cách hình phạt. Tôi nhận thấy rằng điều cốt lõi là tạo cơ hội cho kẻ bị xét xử. Chỉ cần một trong một ngàn trường hợp là đủ để cải thiện tình hình. Tôi cảm thấy người ta có thể tìm một hợp chất hóa học mà khi đưa vào cơ thể thì nó sẽ giết chết chín trong số mười đương sự (tôi nghĩ nên gọi là đương sự). Nhưng đương sự phải hiểu rõ điều đó. Vì khi đã nghĩ kỹ, đã bình tĩnh xem xét mọi việc, tôi thấy rằng máy chém có cái dở là không cho đương sự cơ hội nào, tuyệt đối không. Trong mọi trường hợp thì cái chết của đương sự đã được định đoạt. Đó là một vụ đã được sắp xếp, một tiến trình đã được định đoạt, một sự thỏa thuận đã được dàn xếp mà trong đó không có vấn đề xem xét lại. Nếu chẳng may nhát chém không thành công, người ta sẽ làm lại. Khi đó thì kẻ bị hành quyết chắc phải hy vọng là bây giờ thì cỗ máy sẽ vận hành tốt. Tôi nói đó là khía cạnh tồi tệ. Theo nghĩa nào đó thì điều này đúng. Nhưng theo nghĩa khác thì tôi buộc phải thừa nhận rằng toàn bộ bí mật của việc tổ chức tốt là ở đó. Nói ngắn gọn thì kẻ bị hành quyết buộc phải hợp tác về mặt đạo đức. Y phải quan tâm sao cho mọi thứ vận hành trơn tru.

Tôi cũng buộc phải nhận ra rằng cho đến giờ thì đối với tất cả những vấn đề như vậy tôi đều có những ý nghĩ không thật đúng đắn. Đã từ lâu, tôi cho rằng – và không hiểu tại sao – rằng để đưa đầu vào máy chém thì cần phải bước lên các bậc của đoạn đầu đài. Tôi cho rằng đó là do Cách mạng 1789, tôi muốn nói là do tất cả những gì tôi được biết về những chuyện như vậy. Nhưng vào một buổi sáng, tôi nhớ lại một bức hình được báo chí công bố nhân một vụ xử tử gây chấn động. Trên thực tế, máy chém được đặt ngay trên mặt đất, theo cách đơn giản nhất trên đời. Nó nhỏ hơn nhiều so với tôi nghĩ. Tôi thấy hơi lạ là sao lại không nhớ như thế. Cái thứ máy này làm tôi bị choáng vì sự tinh xảo và ánh kim sáng quắc. Người ta thường hay nghĩ quá lên về những gì chưa biết. Tôi phải biết một điều ngược lại là mọi thứ đều đơn giản: cỗ máy cao vừa đúng bằng cái người bị xử trảm. Người đó đi tới cái máy giống như đi gặp một ai đó. Việc đó thật buồn chán. Đi lên đoạn đầu đài, in bóng lên nền trời, trí tưởng tượng còn được dịp hoạt động. Tuy vậy, cái cỗ máy đó sẽ xóa hết mọi thứ: người ta sẽ chết tức khắc, với một chút hổ thẹn và một sự chính xác tuyệt đối.

Có hai thứ mà tôi nghĩ đến liên tục: ánh bình minh và việc kháng án. Nhưng tôi cố không nghĩ đến chúng. Tôi nằm dài, nhìn trời và cố làm mình vui lên. Bầu trời xanh dần, rồi tối lại. Tôi cố thêm một lần để xua đuổi những ý nghĩ. Tôi lắng nghe tim mình đập. Tôi không thể nghĩ được rằng cái tiếng động luôn bám theo tôi từ bao lâu nay lại có thể chấm dứt. Tôi không bao giờ có được sự hình dung rõ ràng. Tôi cố tập trung để có lấy một vài giây khi không còn nghe tiếng tim đập vọng lên đầu nữa. Nhưng không được. Ánh bình minh và ý nghĩ về kháng án vẫn bám lấy tôi. Tôi đành tự nhủ rằng hợp lý nhất là đừng chống lại bản thân mình.

Cứ bình minh đến là chúng lại quay lại, tôi biết thế. Nói đúng ra thì về đêm tôi luôn chờ đợi bình minh. Tôi không bao giờ thích điều gì bất ngờ. Khi một điều gì đó đến, tôi muốn mình đã sẵn sàng. Đó là lý do vì sao tôi quyết định ban ngày ngủ ít đi, còn suốt đêm thì kiên nhẫn chờ ánh sáng hiện dần ra trên nền trời. Khó khăn nhất là lúc tôi biết rằng chúng lại vận hành như thường lệ. Nửa đêm trôi qua, tôi chờ đợi và rình rập. Trước đây tai tôi chưa bao giờ cảm nhận và phân biệt được những tiếng động nhỏ như vậy. Tôi còn có thể nói rằng bằng cách nào đó tôi đã có được dịp may trong suốt thời gian đó, vì tôi chưa bao giờ nghe được tiếng chân đi. Mẹ tôi thường nói rằng con người ta không bao giờ chỉ có bất hạnh. Tôi thể nghiệm điều đó trong nhà tù, khi bầu trời sáng lên những sắc màu, và một ngày mới ùa vào phòng giam của tôi. Vì rằng tôi có thể nghe được tiếng bước chân và trái tim tôi đập rộn lên. Chỉ một tiếng sột soạt cũng đủ làm tôi lao ra cửa, dán tai vào cánh cửa gỗ, chờ đợi miết cho đến khi chỉ nghe thấy hơi thở của chính mình, sợ hãi vì thấy nó khó nghe, giống như tiếng thở của một con chó, cuối cùng thì nhận ra tim tôi không đập rộn rịp nữa, và tôi đã trải qua trót lọt hai tư giờ.

Suốt ngày tôi nghĩ đến kháng án. Tôi cho rằng tôi đã được lợi nhiều vì ý nghĩ này. Tôi tính toán những khả năng của mình và nhận được từ sự suy xét đó một kết quả tốt nhất. Tôi luôn nêu ra giả thiết tồi tệ nhất: đơn kháng án của tôi bị bác. “Tốt thôi, tôi sẽ chết.” Điều đó rõ ràng hơn bất cứ thứ gì. Nhưng ai mà chả biết cuộc đời có gì đáng để sống lắm đâu. Trong thâm tâm, tôi biết rằng chết ở tuổi ba mươi hay sáu mươi không quan trọng lắm, vì cố nhiên là trong cả hai trường hợp thì đều có những người đàn ông và đàn bà khác sống tiếp, và cứ thế hàng ngàn năm. Nói chung chẳng có gì rõ hơn. Bao giờ thì kẻ chết cũng là tôi, dù là bây giờ hay hai mươi năm sau. Vào lúc này thì điều làm tôi hơi khó chịu là sự xốn xang ghê gớm mà tôi cảm thấy trong tôi khi nghĩ về hai mươi năm sắp tới trong đời. Tôi thấy ngột ngạt khi hình dung ra những ý nghĩ sẽ đến trong hai mươi năm đó. Khi đã chết thì chết ra sao hay chết khi nào, rõ ràng đều không quan trọng. Như vậy, (và cái khó là không để tuột khỏi tầm nhìn tất cả những thứ mà cái “như vậy” này liên quan đến trong các lý giải), như vậy, tôi cần phải chấp nhận việc bác đơn kháng cáo.

Lúc này, và chỉ lúc này thôi, có thể nói là tôi có quyền cho phép mình tiếp cận giả thuyết thứ hai theo một kiểu nào đó: tôi được đặc xá. Khi đó thì điều đáng ngại là phải kìm bớt cơn phấn khích dữ dội trào lên trong huyết quản và trong toàn bộ cơ thể. Tôi phải cố để không kêu lên quá to, để kêu vừa phải thôi. Tôi cần giữ mình bình thường khi nghĩ đến giả thuyết này, để tỏ ra đúng mực khi bỏ giả thuyết thứ nhất. Làm được như vậy, tôi sẽ có được thời khắc bình yên. Tất cả những thứ đó cần được xem xét kỹ.

Trong một thời điểm tương tự, tôi đã một lần nữa từ chối gặp cha tuyên úy. Tôi nằm dài nhìn khoảng trời vàng úa và cố đoán xem sắp tối chưa. Tôi cố xua đuổi ý nghĩ về đơn kháng cáo và cảm thấy máu chảy rần rật trong người. Tôi không bao giờ cần gặp linh mục. Lần đầu tiên sau một thời gian dài, tôi nghĩ đến Marie. Đã từ lâu cô ấy không viết thư cho tôi nữa. Tối hôm đó, tôi nghĩ ngợi và tự nhủ rằng cô ấy chắc đã mệt mỏi vì phải làm bồ của kẻ tử tù. Tôi cũng nghĩ rằng có thể cô ấy ngã bệnh hoặc đã chết. Ý nghĩ đó đến cũng là bình thường. Làm sao tôi có thể nghĩ khác đi khi hai con người bây giờ đã xa cách, không có gì liên kết chúng tôi với nhau và gợi cho chúng tôi nhớ về nhau. Từ lúc đó, ký ức về Marie không còn ý nghĩa đối với tôi. Khi đã chết thì cô ấy không còn làm tôi bận tâm nữa. Tôi thấy như thế là bình thường vì hiểu rất rõ rằng mọi người cũng sẽ quên tôi sau khi tôi chết. Họ không còn gì để làm đối với tôi nữa. Tôi thậm chí không thể nói rằng nghĩ như thế thì buồn.

Đúng vào lúc đó thì cha tuyên úy đi vào. Nhìn thấy ông ta, người tôi hơi run lên. Ông ta nhận thấy thế và bảo tôi đừng sợ. Tôi bảo ông ta rằng đó là thói quen. Ông ta trả lời rằng đây là chuyến thăm viếng thân tình, không liên quan đến lá đơn kháng án mà ông ta không biết đến. Ông ta ngồi lên chiếc ghế nằm của tôi và bảo tôi xích lại gần. Tôi từ chối. Tuy nhiên, tôi thấy ông ta có vẻ rất nhã nhặn.

Ông ta ngồi một lúc, hai tay chống lên đầu gối, đầu hơi cúi, mắt nhìn xuống tay. Hai bàn tay ông ta gầy nhưng chắc khỏe, làm tôi nghĩ đến hai con thú nhanh nhẹn. Ông ta khẽ xát tay nọ vào tay kia. Trong khi đó, đầu ông ta vẫn cúi xuống. Tôi nhìn ông ta khá lâu, và có lúc bỗng quên ông ta đi.

Nhưng bỗng ông ta ngẩng lên và nhìn thẳng vào mắt tôi: “Vì sao – ông ta nói – anh không chấp nhận để ta đến thăm?” Tôi trả lời rằng tôi không tin vào Chúa. Ông ấy muốn biết tôi có tin chắc không, và tôi nói rằng tôi không có gì để xin ông ấy; tôi cảm thấy vấn đề đó không quan trọng. Rồi ông ấy lùi lại và tựa lưng vào tường, hai tay buông thõng xuống đùi. Với vẻ không định nói gì thêm với tôi, ông ta vẫn nhận xét rằng nhiều người tưởng mình tin như thế nhưng thực ra thì không. Tôi không nói gì. Ông ta nhìn tôi rồi hỏi: “Anh nghĩ sao?” Tôi trả lời là có thể như vậy. Cũng có thể tôi không chắc tôi thực sự quan tâm đến điều gì, nhưng tôi biết chắc tôi không quan tâm đến cái gì. Và chắc chắn cái mà ông ta nói đến thì tôi không quan tâm.

Ông ta quay nhìn sang hướng khác, và, vẫn ngồi nguyên tại chỗ, ông ta hỏi tôi liệu tôi nói thế có phải vì tuyệt vọng không. Tôi nói với ông ta rằng tôi không tuyệt vọng. Tôi chỉ thấy sợ, và điều đó là tự nhiên thôi. “Thế thì Chúa sẽ giúp anh – linh mục nói. – Tất cả những người ta biết trong trường hợp giống như anh đều trở về với Ngài.” Tôi thừa nhận rằng họ có quyền làm như vậy. Điều đó cũng chứng tỏ họ có thời gian. Còn tôi, tôi không muốn ai giúp tôi, vì tôi thực sự không có thời gian để quan tâm đến những gì không thể làm tôi quan tâm.

Lúc đó, ông ta giơ hai tay làm một động tác tỏ ra khó chịu, nhưng ông ta quay lại và vuốt lại nếp áo choàng. Sau đó, ông ta nói tiếp với tôi và gọi tôi là “anh bạn”. Ông ta bảo ông ta nói thế không phải vì tôi phải chịu án tử hình; theo ông ta thì tất cả chúng ta đều chịu án tử hình. Nhưng tôi ngắt lời ông ta và nói rằng đó là việc khác, và rằng dù sao thì đó cũng không phải sự an ủi đối với tôi. “Tất nhiên, – ông ấy tỏ vẻ đồng ý. – Nhưng nếu anh không chết hôm nay thì sau này cũng chết. Mà vấn đề đặt ra thì vẫn vậy. Anh sẽ tiếp nhận nỗi đau này ra sao?” Tôi trả lời rằng tôi sẽ tiếp nhận nó hệt như đang tiếp nhận bây giờ.

Ông ta đứng dậy và nhìn thẳng vào mắt tôi. Đó là cái trò mà tôi biết rất rõ. Nói chung, tôi thấy thú vị khi Emmanuel hoặc Céleste phải quay đi nhìn chỗ khác. Vị linh mục cũng biết trò chơi này, và tôi thấy ngay: ánh mắt ông ta không run rẩy. Và giọng nói của ông ta cũng không còn run rẩy khi ông ta nói: “Như vậy là anh không còn một chút hy vọng nào và anh sống với ý nghĩ rằng anh sẽ chết hoàn toàn?” – “Phải”, tôi trả lời.

Lúc đó, ông ta cúi đầu xuống và tỏ ra bình tĩnh lại. Ông ta bảo ông ta thương hại tôi. Ông ta thừa nhận không thể giúp gì cho một con người như tôi. Còn tôi, tôi chỉ cảm thấy ông ta bắt đầu làm tôi chán. Đến lượt tôi quay đi và bước đến chỗ ô thoáng. Tôi tựa vai vào tường. Không nhìn ông ta, tôi vẫn thấy ông ta lại sắp hỏi tôi. Ông ta nói với giọng lo lắng và lắp bắp. Tôi hiểu rằng ông ta đang xúc động, và tôi chăm chú nghe.

Ông ta đoan chắc rằng đơn kháng án của tôi sẽ được chấp nhận, nhưng tôi mang theo gánh nặng tội lỗi cần trút bỏ. Theo ông ta, công lý của con người không hề là công lý của Chúa. Tôi lưu ý ông ta rằng kẻ kết án tôi là con người. Ông ta bảo nhưng việc kết án không rửa sạch tội lỗi cho tôi. Tôi bảo ông ta tôi không biết thứ tội lỗi ông ta nói đến là gì. Người ta chỉ bảo tôi rằng tôi phạm pháp. Tôi phạm pháp, tôi phải trả giá, và không thể đòi hỏi điều gì hơn ở tôi. Lúc đó, ông ta lại đứng dậy, và tôi nghĩ rằng trong cái buồng giam chật hẹp như thế, nếu muốn thay đổi tư thế thì chẳng có lựa chọn nào. Chỉ có thể ngồi xuống và đứng lên.

Ông ta cúi nhìn xuống nền nhà. Ông ta bước một bước lại phía tôi rồi dừng lại, có vẻ như không dám bước tiếp. Ông ta nhìn qua song sắt lên trời. “Con à, con đang tự lừa dối mình, ông ta nói, người ta có thể đòi hỏi ở con nhiều hơn thế. Và có thể người ta sẽ yêu cầu.” – “Yêu cầu gì cơ?” – “Yêu cầu gặp…” – “Gặp ai?”

Vị linh mục nhìn quanh và trả lời bằng cái giọng mà tôi cảm thấy bỗng nhiên chán ngán hẳn: “Đến đá cũng còn biết nhỏ lệ vì đau khổ, ta biết chắc như thế. Ta không bao giờ coi chúng là vô hồn. Nhưng sâu trong tim, ta biết rằng những kẻ bất hạnh nhất trong số các con cũng đã nhìn thấy gương mặt của Chúa. Đó là gương mặt mà người ta sẽ yêu cầu con phải thấy.” 

Tôi thấy hơi thú vị. Tôi nói đã nhiều tháng qua tôi chỉ được nhìn những bức tường này. Trên đời này không có ai mà tôi được nhìn kỹ hơn. Có lẽ đã từ rất lâu, tôi cố tìm kiếm một gương mặt. Nhưng gương mặt này mang màu sắc của mặt trời và lửa dục: đó là gương mặt Marie. Tôi đã tìm kiếm một cách vô vọng. Bây giờ thì điều đó đã kết thúc. Và trong mọi trường hợp, tôi chưa bao giờ thấy đá nhỏ lệ.

Vị linh mục nhìn tôi với vẻ u buồn. Bây giờ tôi đã dựa hẳn vào tường và ánh sáng ban ngày đã rõ hẳn ở phía trước. Ông ta nói điều gì đó mà tôi không nghe rõ, rồi hỏi tôi rất nhanh rằng tôi có cho phép ông ta ôm hôn tôi không. Tôi nói “Không”. Ông ta quay đi và đi lại phía bức tường rồi chậm rãi xoa xoa tay trên đó. “Thế thì hiện giờ con có yêu mảnh đất này không?” ông ta lẩm bẩm. Tôi không nói gì.

Ông ta quay đi chỗ khác một hồi lâu. Sự có mặt của ông ta làm tôi khó chịu và sốt ruột. Tôi đã định bảo ông ta đi đi, để cho tôi yên, thì chợt ông ta quay lại phía tôi và kêu tướng lên: “Không, ta không thể tin điều con nói. Ta tin rằng con mong một kiếp sống khác.” Tôi trả lời là tất nhiên, nhưng những chuyện như ham giàu, muốn bơi lặn thật giỏi hay có một cặp môi đẹp không còn quan trọng nữa. Những thứ đó vẫn theo kiểu như hiện có. Nhưng ông ta ngắt lời tôi và hỏi tôi muốn kiếp sống khác sẽ như thế nào. Tôi nói như quát: “Một kiếp sống mà tôi có thể nhớ lại kiếp này”, và bảo tôi chỉ cần có thế. Ông ấy vẫn muốn nói với tôi về Chúa, nhưng tôi đã bước lại phía ông ấy và cố giải thích lần cuối rằng tôi còn ít thời gian lắm. Tôi không muốn mất thì giờ vì Chúa. Ông ấy cố gắng thay đổi đề tài câu chuyện, và hỏi tôi vì sao tôi gọi ông ấy là “ngài” mà không gọi “cha”. Điều đó làm tôi bực mình. Tôi trả lời rằng ông ấy không phải là cha tôi; ông ấy ở phía bên kia. “Ô không, không, con à.” Ông ấy vỗ vai tôi và nói. “Ta ở phía con. Nhưng con không thấy được điều đó với đôi mắt đui mù. Ta sẽ cầu nguyện cho con.”

Khi đó tôi không biết vì sao có một cái gì đó bỗng bùng lên trong tôi. Tôi gào to hết cỡ và mắng nhiếc ông ta, bảo ông ta không cần cầu nguyện cho tôi. Tôi nắm lấy cổ áo choàng của ông ta và trút lên ông ta tất cả những thứ chứa chất trong lòng, lẫn lộn cả niềm vui và sự tức giận. Ông ta làm ra vẻ có đức tin, chẳng phải thế sao? Thế nhưng chẳng có niềm tin nào của ông ta đáng giá một sợi tóc của đàn bà. Ông ta còn không tin chắc rằng mình đang sống, vì sống mà như đã chết. Còn tôi, có vẻ như tôi chỉ có hai bàn tay trắng. Nhưng tôi tin vào chính mình, tin vào mọi thứ. Hơn hẳn ông ta, tôi tin vào sự sống và cái chết đang đến gần. Phải, tôi không có gì khác ngoài điều đó. Nhưng ít ra tôi nắm giữ sự thật đó như nó đang nắm giữ tôi. Tôi có lý, tôi vẫn còn có lý, tôi luôn luôn có lý. Bằng cách đó, tôi hiện hữu, và tôi cũng có thể sống theo cách khác. Tôi làm điều này, không làm điều kia. Tôi không làm điều này thì làm điều khác. Còn sau đó? Có vẻ như tôi đã luôn chờ đợi giây phút này và buổi bình minh khiêm nhường này khi tôi bị đem ra xử. Không có gì, không còn điều gì quan trọng, và tôi biết rõ tại sao. Ông ta cũng biết tại sao. Từ một nơi rất xa trong tương lai của tôi, dọc theo toàn bộ kiếp sống vô lý mà tôi đã trải qua này, một dòng thác mờ mịt ập tới, xuyên qua những tháng năm còn chưa đến, và dòng thác đó san bằng trên đường đi của nó mọi thứ mà người ta đã đưa đến cho tôi trong những năm tháng mà tôi đã sống nhưng không còn thực nữa. Chẳng còn gì quan trọng, từ cái chết của người khác, tình yêu của người mẹ, đến Đức Chúa của ngài linh mục, những kiếp sống mà người ta muốn có, những số phận mà người ta chọn lựa, vì chỉ đúng một số phận chọn tôi, và với tôi thì hàng tỉ những người có đặc quyền như ông ta xưng là anh em của tôi. Liệu ông ta, ông ta có hiểu không? Cả thế giới chỉ gồm những người có đặc quyền. Chỉ còn những người có đặc quyền. Những kẻ khác thì đều bị họ xử tử vào một ngày nào đó. Và chính ông ta cũng sẽ bị xét xử. Còn gì quan trọng, nếu kẻ phạm tội bị hành hình vì đã không khóc trong ngày chôn cất mẹ? Con chó của Salamano hay bà vợ ông ta thì có hơn kém gì nhau. Cô người máy cũng có tội như thiếu phụ người Paris mà Masson đã cưới hoặc Marie, người đã muốn lấy tôi. Quan trọng gì chuyện Raymond coi tôi là bạn hẩu cũng như Céleste, người còn đáng quý hơn anh ta? Quan trọng gì việc Marie hôm nay đưa môi cho một Meursault mới? Liệu ông ta có hiểu được kẻ tử tội này không, và có biết rằng từ nơi rất xa trong tương lai của tôi… Tôi thấy ngạt thở trong khi la lên tất cả những điều đó.

Nhưng người ta đã gỡ linh mục khỏi tay tôi, và lính gác cảnh cáo tôi. Nhưng vị linh mục đã bảo họ yên tâm, rồi nhìn tôi một hồi trong im lặng. Cặp mắt ông ta đẫm lệ. Rồi ông ta quay đi và ra khỏi phòng giam.

Ông ta đi khỏi, tôi thấy bình thản trở lại. Nhưng tôi thấy kiệt sức và nằm vật xuống chiếc ghế dài. Tôi nghĩ tôi đã ngủ thiếp đi, vì khi mở mắt ra thì đã thấy sao trên trời. Những âm thanh của vùng quê vọng đến tai tôi. Những mùi hương của đêm, của đất và của muối biển làm tôi cảm thấy dễ chịu ở hai bên thái dương. Không khí bình yên của mùa hè tràn vào trong tôi như một đợt thủy triều. Vào lúc đó, ở ranh giới giữa ngày và đêm, những chiếc còi tàu thủy hú lên. Chúng báo hiệu khởi hành đối với cái thế giới mà bây giờ tôi hoàn toàn không còn quan tâm nữa. Lần đầu tiên sau cả một khoảng thời gian dài, tôi nghĩ đến mẹ. Tôi cảm thấy tôi đã hiểu vì sao đến cuối đời bà lại có một vị “hôn phu”, vì sao bà định làm lại từ đầu. Ở phía đằng kia, cả phía đằng kia, quanh cái trại dưỡng lão đó, nơi những cuộc đời đang tắt dần, không gian yên lặng một cách thê lương. Khi cái chết cận kề, chắc mẹ cũng cảm thấy được giải thoát và sẵn sàng tái sinh. Dường như cơn thịnh nộ đã tẩy rửa cảm giác bất hạnh khỏi tôi; lòng tôi trống rỗng, không hy vọng. Trước cái đêm đầy sao và những dấu hiệu khác thường, lần đầu tiên tôi mở lòng mình trước sự vô tình êm ái của thế giới. Và, cảm thấy thế giới cũng giống như tôi, như anh em với tôi, tôi thấy tôi đã hạnh phúc và vẫn đang hạnh phúc. Để mọi thứ đều trọn vẹn và để cảm thấy bớt cô đơn, tôi chỉ còn mong rằng sẽ có rất nhiều người đến xem xử trảm tôi và họ sẽ thét lên những tiếng đầy căm phẫn.

ALBERT CAMUS