Lạc Đường 13 – TIẾNG LENG KENG CỦA TÀU ĐIỆN

13Đoàn Giao Thủy tên thật là Nguyễn Minh Thọ, người Quảng Nam. Anh đi du học bên Bỉ từ cái đời nào tôi không rõ nhưng anh có bằng tiến sĩ hóa học lượng tử, giáo sư đại học Louvain. Anh cũng được thỉnh giảng ở nhiều nước trên thế giới.

Đó là một gã cận thị nặng. Và khá chân tình.

Anh ra đón tôi ở phi trường Bruxelles lúc xế chiều và chở thẳng về nhà.

Buổi tối trời rất lạnh. Thọ đốt lò sưởi bằng củi và kể cho tôi nghe vụ anh bị bắt giữ tại Hà Nội vì đã lui tới với một số trí thức lớn như Văn Cao, Phan Đình Diệu… anh nói có một sĩ quan công an hỏi anh có biết “tội phản quốc có thể bị tử hình không?”

Thọ cười. Tôi đọc cho anh nghe bài thơ mà Bùi Minh Quốc đã viết về Vũ Hạnh nhưng lại gởi tặng tôi nhân vụ Nổi Loạn như là một sự chia lửa với bạn bè.

“Bút Máu” đen máu mình rồi

Bút quay ngọn thọc máu người kiếm ăn

Văn chương đao búa vện vằn

Vẽ mặt cao quý để săn đồng bào

Bùi Minh Quốc xuất thân là một anh bộ đội cụ Hồ. Cuộc đời của anh đã từng gắn liền với huyền thoại về sự hy sinh của văn nghệ sĩ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thời ấy, anh đã cùng vợ là nhà văn Dương Thị Xuân Quý vào Nam chiến đấu và vợ anh đã hy sinh tại chiến trường miền Nam.

Còn bây giờ thì anh bị quản thúc tại Đà Lạt vì bất đồng chính kiến với chế độ.

Thọ ném thêm củi vào lò sưởi. Có tiếng khua động nào đó bên ngoài cửa sổ. Tôi nhìn ra ngoài đêm, ngóng chờ một bông tuyết đầu mùa.

Nhưng sáng ra, trời vẫn tạnh ráo. Chiếc xe điện mảnh khảnh ốm yếu đón khách bằng những tiếng chuông leng keng như chuông của người bán kem. Đó là tiếng reo vui của buổi sáng tĩnh lặng, lạnh buốt và đầy nắng.

Tôi đứng một mình trong nhà đợi xe, hút thuốc lá. Tôi không mong chiếc xe đến sớm vì tôi cần hút hết điếu thuốc và thực tình tôi không muốn từ giã cái vỉa hè đầy cỏ mọc hoang sơ này.

Rồi tiếng leng keng lại đến. Rồi chiếc xe dừng lại. Tôi ném điếu thuốc và bước lên, bỏ đồng xu vào cái khe nhỏ cạnh tài xế. Tiếp tục đọc

Lạc Đường 12 – CÔ “MÚA ĐẸP” CỦA KÔNGPÔNG THOM

12Lúc ấy tàn quân Pôl Pốt đã bắt đầu rút vào rừng. Mặt trận biên giới Tây Nam khá yên tĩnh.

Tiếng súng chỉ còn rải rác trên đường đi và trong các phom. Chúng tôi đến bến phà Kôngpông Chàm thì bị tắt đường. Xe nhà binh nối thành hàng dài trên con đường đất vàng cháy. Dòng sông ở tận dưới sâu và đang rất thản nhiên trước cảnh ồn ào trên bờ. Chiếc phà nhỏ cũng thản nhiên đậu dưới bến, không quan tâm gì đến lượng xe cơ giới trên bờ.

Rồi đột nhiên nó tà tà, xình xịch rời bến.

Một chiếc jeep từ đàng sau chợt vọt tới, nối theo là chiếc xe du lịch màu trắng. Những người lính Campuchia đứng trên chiếc jeep la lối gọi phà dừng lại nhưng chiếc phà vẫn tà tà xa bờ.

Một chàng lính K nóng máu phóng luôn một quả M79 xuống sông, cột nước bùng lên chỉ cách chiếc phà có vài mét. Nó sợ quá. Dừng lại. Rồi quay vào bờ.

Đó là cách “gọi đò” của quân đội bạn.

Chiếc jeep hộ tống chiếc xe du lịch màu trắng xuống phà. Còn chúng tôi, mãi đến xế chiều mới qua được phía bên kia bờ. Nhưng mới đi được chừng vài cây số thì lại gặp một chiếc xe con chở một ông lớn Campuchia nào đó từ một ngã rẽ phóng ra. Nó vượt qua mặt những xe bộ đội Việt Nam, tung bụi mù mịt. Nhưng chỉ chạy được có một đoạn thì gặp một trạm gác do bộ đội Việt Nam kiểm soát. Cái cổng làm bằng một cây tre thô sơ chưa kịp dở lên thì đã bị chiếc xe con lao thẳng vào, phá tan nát.

Mấy anh bộ đội gác cổng giận quá lên cò súng, chặn đầu xe lại. Bộ đội trên xe của tôi cũng nhào xuống đất, chạy đến tiếp ứng. Rất may là có một sĩ quan cấp tá của Việt Nam đến kịp, dàn xếp. Mọi người rút về vị trí nhưng chiếc xe con vẫn chưa chịu đi. Nó nấn ná một lúc rồi mới từ từ lăn bánh.

Nhiều người nói:

-Mình tới đánh Pôl Pốt giúp cho nó mà nó cứ tìm cách gây sự.

Người sĩ quan khoác tay cho đoàn xe lên đường.

Điểm đến của chúng tôi là Mặt Trận 479 ở Siem Reap nhưng chiều đó chúng tôi dừng lại ở Kôngpông Thom, một tỉnh vừa được giải phóng. Sáng hôm sau xe vẫn chưa đi, tôi tranh thủ làm việc với các cán bộ Đoàn thanh niên của bạn. Tuy tôi không biết tiếng Khơme nhưng những cán bộ trẻ của chính quyền bạn ai cũng nói được tiếng Pháp nên chúng tôi giao tiếp với nhau không khó khăn mấy. Tiếp tục đọc

Lạc Đường 11 – NGƯỜI TÙ VƯỢT NGỤC VÀ ĐỨA BÉ ĐI LẠC TRÊN BỜ BIỂN

11Một hôm nào đó của năm 1974 tôi được tin ông anh vợ là Trần Quốc Thuận vượt ngục trở về rừng. Tôi quyết định vào căn cứ Thành Đoàn ở Long Khánh để thăm anh.

Căn cứ địa ở miền Đông nam bộ không có sông nước, chỉ có vườn cây ăn trái bạt ngàn. Chúng tôi đi dưới bóng cây sầu riêng, chôm chôm, nhãn, mít. Về rừng mà giống như về làng quê.

Tôi ở ngay một căn nhà nhỏ lợp lá trung quân, sát mé rừng.

Thủ trưởng của cái “chốt” này là Nguyễn Đình Mai, anh là người cùng quê với tôi, học đại học khoa học. Sau giải phóng anh làm sĩ quan công an rồi chuyển qua làm sếp một cơ quan gì đó tôi chẳng nhớ tên, nhưng nó lo về kế hoạch đầu tư với nước ngoài. Từ hồi sinh viên anh ta đã ít nói, khắc khổ. Khi làm công an lại càng nghiêm nghị hơn. Tính cách ấy phần nào không hợp với tôi vì tôi càng sống càng thấy đời nhảm nhí, thấy đầy dẫy những trò hề nên hay bông đùa, hay nói tào lao, thấy ai nghiêm túc quá thì mắc cười.

Mai nói:

-Chiều thằng Thuận nó ra.

Chuyện vượt ngục của Thuận tôi có viết thành một loạt phóng sự đăng nhiều kỳ trên báo Tuổi Trẻ hồi năm 77 hay 78 gì đó.

Buổi chiều chúng tôi gặp nhau bên một con suối nhỏ trong rừng. Anh hơi xanh xao, ốm, choàng chiếc khăn rằn quanh cổ. Tôi thông báo với anh những tin tức về gia đình. Anh nói:

-Tự nhiên bây giờ mình muốn có một đứa con lạ lùng.

-Thì anh lập gia đình đi.

Cười. Rồi không nói gì. Trời tối mịt. Chúng tôi trở lại căn nhà nhỏ. Mỗi người một cái võng. Thuận kể lại cuộc vượt ngục của anh. Lợi dụng lúc kẻ địch đưa đi bệnh viện Biên Hòa, anh thay quần áo, leo rào, đi ra phố, nhập vào một toán học sinh mẫu giáo, giả làm phụ huynh đón con, rồi đi thẳng ra cánh đồng, ngược về phía núi Thị Vãi, lạc trên núi mấy ngày mấy đêm đói khát, ăn lá cây để sống. Cuối cùng cũng gặp cách mạng.

Thuận hỏi tôi về em gái của anh. Tôi nói:

-Bà xã đang dạy học ở một xóm chài cách Phan Thiết hai mươi lăm cây số.

Xóm chài ấy có một cái tên rất quê mùa là Mũi Né. Ngày nay đó là một khu du lịch nổi tiếng và rất sang trọng, nhưng thời đó Mũi Né là một xứ lưu đày. Một làng chài xơ xác. Trong làng không có đường mà đi. Chỉ là những lối mòn đầy cát sạn, đi vòng vòng một lúc lại dẫn ra biển. Tiếp tục đọc

Lạc Đường 10 – TRÍ THỨC NẰM VÙNG

10Vào thời điểm đó các căn cứ của Thành Đoàn ở vùng ven Sài Gòn và chiến khu D bị càn quét ráo riết nên đa số phải dời sang tận bên đất Campuchia. Các cơ sở ở nội thành Sài Gòn cũng bị lộ, anh em phải chạy vô cứ và cũng trôi dạt sang bên kia biên giới.

Thời gian tôi bị kẹt trong quân đội Sài Gòn tuy chỉ hơn 6 tháng nhưng cũng giúp tôi tránh được những cuộc hành quân càn quét, lùng sục ở nội thành Sài Gòn.

Tôi bắt liên lạc với tổ chức khá dễ dàng. Bây giờ tôi trực tiếp làm việc với Lê Công Giàu, một trong những lãnh đạo Thành Đoàn lúc đó. Về sau này, vào năm 1994, khi tôi bị “đánh phủ đầu” vì cuốn tiểu thuyết Nổi Loạn thì anh là ông quan cách mạng duy nhất đã thăm hỏi và chia sẻ cùng tôi trong những ngày bị hỏi cung căng thẳng nhất. Những người khác đều quay lưng, thậm chí có người còn muốn dây máu ăn phần!

Tôi thuê một căn gác nhỏ ở Thị Nghè và anh Giàu thường lui tới với tôi tại đó. Anh nói:

-Cơ sở của mình bị lộ nhiều lắm. Cán bộ nòng cốt không còn bao nhiêu vì thế những người còn trụ lại được nội thành như ông là quý lắm đấy nhé.

-Thôi, tôi không ở đây nữa đâu. Anh cho tôi vô rừng. Mẹ tôi đã mất rồi.

-Vô rừng làm gì? Anh đã từng ở rừng, anh biết rồi đó. Bạch diện thư sinh như mình có đánh đấm gì được đâu. Ngồi chơi xơi nước là chính.

-Nhưng mà ở nội thành, làm việc theo phong trào, lúc có lúc không, lúc lên lúc xuống. Nhất là thời điểm này đang án binh bất động. Chán chết được.

-Thì ông cứ học để lấy cho xong cái cử nhân đi. Và nhất là phải tìm một việc làm nào đó. Tiếp tục đọc

Lạc Đường 09 – MẸ TÔI

09Trước Tết Tân Hợi (1971) chừng một tháng, tôi xin được một cái phép ba ngày về thăm mẹ.

Căn nhà của tôi bây giờ chỉ là một nơi hoang tàn, lạnh lẽo. Tôi đi từ nhà trước ra nhà sau, không một bóng người.

Khi tôi đẩy cửa bước vô căn buồng nhỏ nơi mẹ tôi thường nằm thì nghe có mùi gì rất lạ. Căn buồng tối quá, tôi phải mở cánh cửa nhỏ mới nhìn  thấy được mọi thứ trong đó. Chiếc giường nhỏ kê sát vách không có ai nằm. Một chiếc gối nhỏ và chiếc mền cũ màu xám tro. Tôi đến bên giường, vừa đặt tay lên gối thì một đám bụi bốc lên. Trên chiếu lờ mờ hiện lên những vật gì màu nâu. Tôi cúi xuống. Các bạn có biết đó là cái gì không?  Đó là phân người. Chúng đã khô quắt lại.

Từ ngày tôi bị bắt lính, mẹ tôi đã sống thui thủi một mình trong cái buồng nhỏ này với ngọn đèn dầu hiu hắt từng đêm.

Những người hàng xóm kể lại rằng khi bà đi xuống bếp lục cơm nguội ra ăn, với tay lấy chai nước mắm chan vô chén cơm, hóa ra đó là chai dầu lửa. Bà nhai miếng cơm trộn trạo trong miệng một lúc mới nghe được mùi hôi và ói ra đầy giường.

Xế chiều buồn quá bà ngồi dậy quơ lấy cây gậy tre, từng bước chống đi, dò dẫm đến những nhà quen ở đầu chợ.

Tôi liền chạy ra đầu chợ, thấy mẹ ngồi đó, nhưng bà cũng không nhận ra tôi nữa. Lúc tôi chạy đến ôm bà, bà mới nhận ra hơi hướng của tôi. Bà sờ lên đầu lên mặt tôi và hỏi:

-Con đấy hả?

Thế là bà khóc. Tôi cũng khóc. Buổi chiều đó tôi cõng mẹ từ ngoài chợ về nhà. Những người trong làng đổ xô ra xem, xem anh lính binh nhì cắp cây gậy tre trong nách cõng mẹ đi qua thị trấn.

Hàng xóm chạy đến giúp tôi dọn dẹp nhà cửa.

Lúc đó cha tôi đang ở một nơi khác. Với một gia đình khác. Có lẽ ông không hề biết mẹ tôi đã suy sụp đến như thế. Còn tôi, bây giờ tôi phải làm gì trong tình cảnh này?  Ở lại với mẹ cũng không được vì đơn vị sẽ báo cáo đào ngũ, sẽ phát lệnh truy nã. Trở về làm lính cũng không xong vì mẹ tôi sẽ chết. Cõng mẹ vô rừng theo kháng chiến thì đúng là chuyện hoang đường. Tiếp tục đọc

Lạc Đường 08 – ĐẠI ĐỘI 22 TRINH SÁT

08Điểm đến của tôi sau “ba tháng quân trường” là Đại đội 22 trinh sát thuộc sư đoàn 22 bộ binh đóng ở Cầu Bà Gi. Một ngọn núi nhỏ, trơ trọi. Một nhóm tháp đơn độc của người Chămpa mà người ta quen gọi là tháp Bánh Ít.

Những ngày cuối cùng ở quân trường tôi bị bệnh mắt hột. Mắt cộm, sưng lên, không mở ra được.

Tôi xuống xe, xách chiếc ba lô con cóc, quờ quạng đi như một gã hành khất mù lòa.

Bốn mươi lăm ký, đầu húi cao, quần áo lính thùng thình, giày botte de saut mới tinh, nặng trịch. Đứng xếp hàng trước cái trại lính lụp xụp lợp bằng tôn rỉ sét. Sau đó là ôm mặt nằm cong queo trên chiếc giường gỗ rộng tám tấc. Hai mắt đau rát.

Xế chiều có ai đó tới thăm tôi. Một thằng bạn? Không thấy mặt nó, chỉ cảm nhận một cú chạm nhẹ ở cuối giường và một tràng cười ngặt nghẽo. Cười chảy nước mắt, cười hô hố. Nhưng chỉ có nó cười. Tụi lính mới về không ai dám cười kiểu đó.

-Hiếu ơi! Tao nghe nói mày làm cách mạng mà! Sao bây giờ mày về đây làm lính của tao?

Đó là cái giọng Huế của thằng Văn Eng. Khi tôi và Trần Quang Long “quậy” ở Qui Nhơn, nó đứng ngoài cuộc vì ba nó là sĩ quan chế độ cũ. Tuy vậy chúng tôi cũng rất thân nhau. Cùng với Nguyễn Quang Hòa, chúng tôi là bộ ba giống như ba người lính ngự lâm. Trong ba thằng thì tôi và Văn Eng là những đứa lêu lỏng nhất. Tới mùa thi, khi ai cũng vùi đầu nơi bàn học thì giữa đêm khuya Văn Eng bảo tôi tới nhà người yêu của nó.

Cô gái có một cái tên dài dòng, sang trọng, kiêu kỳ. Mai Lâm Tuyết Huờn. Tuyết Huờn là một viên tuyết nhỏ. Mai Lâm Tuyết Huờn là một viên tuyết nhỏ trong rừng mai.

Nhưng nhà của Tuyết Huờn không phải là một rừng mai mà là một cửa hàng bán vật liệu xây dựng với một cái sân khá rộng và điều đáng ngạc nhiên là bên trong đang có… ba con bò khổng lồ.

Tại sao một nhà giàu quý tộc ở giữa lòng thành phố Quy Nhơn như thế lại nuôi ba con bò?

Văn Eng và tôi đứng tần ngần trước cái cổng gỗ to lớn. Không có người đẹp. Không có ánh đèn trong cửa sổ. Chỉ có ba con bò đang im lìm nhìn chúng tôi, đen thui như ba tên Chà Và gác cổng. Tiếp tục đọc

Lạc Đường 07 – CON NHỆN VÀ SISYPHE

  1. 07Sau 30 tháng 4/75 Dã Nhân cởi áo tràng, bỏ chùa đi bụi đời. Dù vậy tôi vẫn coi ông như sư phụ của mình vì ông rất uyên bác về Phật học và nhiều vấn đề xã hội khác.

Ông thường hay la cà với đám thợ hồ, thợ mộc và phu xích lô, chiều chiều lai rai ở mấy cái quán cóc trong xóm lao động. Nhiều khi say quá mà không chịu về, ông thường ngồi một mình, mắt mờ đi, nhìn hoàng hôn tím sẫm sau những mái tôn nám khói. Khi tiên sinh trở về thì đã chạng vạng tối, có lần sẩy chân lọt xuống sình. Chòm xóm đến kéo lên, dội nước cho sạch bùn rồi cõng về nhà. Lại có khi đi ăn giỗ về, quá chén, vừa bước qua cổng nhà đã ngã vô bụi ớt nằm bất động mê man đến nỗi kiến lửa cắn nát cánh tay vẫn không hay. Khi đưa vô bệnh viện thì da tay giộp lên những bong bóng nước chi chít, còn đầu thì rỉ máu.

Mấy hôm nay tâm trí Dã Nhân thường bất ổn

Tôi chơi nhạc Trịnh cho ông nghe.

Có một dạo bị mất ngủ, tôi phải nằm điều trị ở bệnh viện Y học Dân tộc. Sếp ở đây là bác sĩ Trương Thìn, anh có một phòng riêng nơi đó. Mỗi sáng anh thường đến bệnh viện vào lúc 9 giờ và tôi mò đến chơi với anh. Anh có cây ghita rất tốt và tôi đã chơi nhạc Trịnh theo lối cổ điển cho anh nghe. Anh nói:

-Mình lấy làm lạ tại sao ông bị stress. Một người có ngón đàn như thế không thể bị stress được.

Tôi tin đó không phải là một lời khen suông để lấy lòng vì thế tôi vẫn đàn cho Dã Nhân nghe mỗi khi ông bất an. Tôi muốn đem lại sự thanh thản cho ông bằng những lời thủ thỉ:

Suối đã từng bàn chân em qua…

Và tiên sinh đã thiếp ngủ.

Tôi đặt cây đàn xuống. Đêm tràn qua cửa sổ. Tôi vẫn ngồi cho đến khi không còn nhìn thấy hai bàn tay mình đang đặt trên đầu gối. Dã Nhân cũng chìm khuất, hòa lẫn trong biển im lặng. Tiếp tục đọc

Lạc Đường 06 – TỪ NHÀ TÙ ĐẾN TRẠI TẬP TRUNG

06Bọn thanh niên bất phục tùng là một đám ô hợp, hỗn tạp như đất đá, như đống xà bần bẩn thỉu, vứt bừa bãi trong xó xỉnh ẩm mốc, u ám.

Sau một đêm trần truồng, nằm ngồi ngổn ngang, ngủ gà ngủ gật trong những phòng giam chật hẹp nhơm nhớp mồ hôi, nồng nặc hơi người, phân người, nước tiểu… bầy tù được thả ra sân cho hít khí trời, cho ăn uống, cho tiếp tục làm các thủ tục, giấy tờ để xếp loại, hỏi cung, để bạt tai, đá đít, để mắng mỏ, chửi thề…

Bọn cán bộ tên nào cũng cầm một cuốn sổ, mỗi tên phụ trách một nhóm. Chúng đếm đi đếm lại, ghi chép, cộng trừ, la hét, đánh đập những kẻ ngồi không ngay hàng, rồi lại ghi chép, chỉ chỏ. Xong việc cho giải tán. Lúc đó cửa cổng chính mở ra một bên. Những người đàn bà bán hàng rong quảy gánh chạy vô trại.

-Cháo dô! Cháo dô!

Tiếng kêu ấy dấy lên, truyền đi như tiếng vang giữa hang đá.

Loài người quây quần, cắm cúi, xương xẩu và trần trụi. Không còn lại gì ngoài những cái miệng lớn húp chùn chụt thứ nước xúp cay xè tiêu và ớt, nước mắt nước mũi chảy ròng ròng.

Tôi bị nhốt ở đó mười hai ngày, làm quen với một ông thợ mộc man khai lý lịch, một tay du đãng nguyên là lính biệt kích Mỹ. Hắn và tôi đã vạch một kế hoạch trốn trại, theo đó thì vào lúc 5 giờ sáng, điện tắt, bọn tôi sẽ leo lên mái nhà nhảy qua hàng rào thứ nhất. Chúng tôi sẽ lấy bao cát ở đó chất lên các đầu cọc của hàng rào thứ hai rồi phóng ra đám mía phía ngoài. Tiếp tục đọc

Lạc Đường 05 – VỤ HUỲNH TẤN MẪM

05Một buổi trưa vào giữa năm 1970 khi tôi đi dạy học về thì thấy có hai người đàn ông đang ngồi trước hiên nhà, chiếc xe Honda 67 dựng ngay trước cửa. Tôi nói:

-Sao mấy anh dựng xe giữa lối đi vậy?

Hai gã nọ chỉ cười. Tôi lách người bước vô. Lập tức một họng súng chĩa vô lưng. Và đẩy tôi vô trong.

Một căn nhà trống trơn. Im lặng. Hàng xóm không ai hay biết gì cả. Chúng đang giăng một cái lưới. Và chắc chắn tôi không phải là con cá đầu tiên.

Tôi ngồi xuống giường. Và để trấn tĩnh, tôi với lấy cây đàn ghi-ta trên vách.

Tôi chơi toàn nhạc nhẹ, nhạc cổ điển… làm cho những thằng công an đang ngồi đón lõng ngoài cửa phải ngạc nhiên mặc dù tôi biết những thằng ngu đó đã bị tôi tra tấn suốt mấy tiếng đồng hồ bằng một thứ âm nhạc mà chúng chẳng hiểu cóc khô gì hết.

Tôi nhịn đói và chơi đàn cho đến xế chiều.

Một chiếc jeep sơn nửa xanh nửa trắng của cảnh sát vừa đến. Chúng bịt mắt tôi bằng một giải băng đen, còng hai tay ngoặt sau lưng và đẩy lên chiếc xe ấy.

Xe chạy qua nhiều con đường phố. Tôi lắng nghe tiếng động chung quanh để cố đoán xem chúng đưa mình đi đâu nhưng chỉ biết là vẫn còn lẩn quẩn trong nội thành.

Cuối cùng thì chúng giảm tốc độ, quẹo gấp vô một một cái sân rộng và dừng lại. Tôi bị đẩy xuống xe. Có tiếng người lao xao và một giọng cười xỏ lá:

-Lại thêm một con cá nữa!

Dường như chúng đã đưa tôi đến một chỗ tối và ẩm thấp. Thằng công an mở băng vải che mắt cho tôi và vật đầu tiên mà tôi nhìn thấy là một thân hình to lớn đang nằm ngửa, nhắm mắt, trên một cái nền xi măng lở lói phía trước cầu tiêu.

Người đó là Dương Văn Đầy, sau này anh làm chủ tịch quận Nhất và rồi trở thành sếp của ngành du lịch TPHCM. Nhưng lúc ấy tôi tưởng anh đã chết. Anh bất động. Áo banh ngực. Người anh đầy thương tích bầm tím. Tôi ngồi xuống định đưa ngón tay lên mũi xem anh có còn thở không thì một thằng y tá vừa đến, tay cầm một miếng bông gòn tẩm ê-te đưa qua đưa lại trước mũi anh.

Tôi ngồi xuống cạnh đó. Chúng vẫn chưa mở còng cho tôi. Chung quanh bạn bè tôi nằm la liệt. Nguyễn Tấn Tài, Phùng Hữu Trân, Lê Thành Yến (Lê Duy Hạnh), Cao Thị Quế Hương, Trầm Khiêm…

Lúc ấy tôi chưa hiểu địch “biết” tôi tới đâu, đã có ai khai báo gì tôi chưa, nên tôi ngồi im để thăm dò, nghe ngóng tình hình.

Bữa cơm chiều được dọn ngay trên nền đất trước cầu tiêu cạnh chỗ Dương Văn Đầy nằm. Chúng tôi quây quần quanh một đĩa cá khô đã mùn ra như củi mục. Trầm Khiêm nói:

-Tụi nó đánh Ba Đầy quá.

Tôi không từng làm việc với Ba Đầy nhưng anh em phong trào sinh viên học sinh biết nhau gần hết. Hồi ở Đại học xá Minh Mạng đi ra đi vô vẫn thường gặp nhau. Ba Đầy lúc đó học Y khoa, hay đi cái xe đạp trành. Anh có tướng “ngũ đoản”, đặc biệt cái mũi rất to. Khi bị bắt vô cảnh sát quận Nhứt, tụi công an gọi anh là ”thằng lỗ mũi trâu”. Tiếp tục đọc

Lạc Đường 04 – TRẬN ĐÁNH KHÔNG ĐƯỢC BÁO TRƯỚC

04

Mấy tháng trước trận Mậu Thân tôi về căn cứ để học vũ khí. Giao liên dẫn tôi đến Sa Đéc vào lúc xế chiều và tôi đi xuồng máy đến nơi khi trời đã tối mịt.

Buổi học bắt đầu vào sáng hôm sau trên một bờ mương. Người du kích trải tấm ni-lông xuống đất và bày biện các loại vũ khí ra. Súng AK47, B40, lựu đạn, chất nổ TNT, chất nổ C4, các loại kíp nổ, dây cháy chậm…

Chúng tôi không ai biết rằng lớp học này là để chuẩn bị cho trận Mậu Thân 1968.

Khi về Sài Gòn, Nguyễn Tấn Tài (sau giải phóng anh làm Chỉ huy phó Lực lượng Cảnh sát TPHCM) rủ tôi đi “đánh thử một quả coi sao.” Tôi khoái quá OK liền. Tôi hỏi:

-Bây giờ mình dùng kíp nổ nào? Kíp acid hay kíp thường?

-Kíp acid là kíp nổ có hẹn giờ, rất hiếm, không nên phí phạm.

-Mình chơi kíp thường cũng được.

-Mới đánh lần đầu xài kíp thường nguy hiểm lắm. Tui có cách này rất hay. Cũng giống như kíp hẹn giờ vậy, nhưng mình xài thuốc lá.

-Thuốc lá?

Nguyễn Tấn Tài rút gói Rubi Queen thảy trên mặt bàn. “Đồ nghề” của anh gồm một bánh chất nổ TNT, một kíp nổ, một đoạn dây cháy chậm dài chừng 5 phân, một bao thuốc Rubi và một bao diêm.

Anh cắt chéo hai đầu dây cháy chậm, dùng những que diêm buột vòng quanh nó rồi nhét điếu Rubi vô giữa các que diêm.

-Đánh kiểu này nên dùng thuốc Rubi vì nó cháy rất tốt, không bao giờ tắt nửa chừng.

Nói xong Tài nhét đoạn dây cháy chậm vào kíp nổ và nhét kíp nổ vào bánh TNT.

-Xong rồi. Tài giải thích, mình sẽ đốt điếu thuốc. Phải mất ba phút nó mới cháy đến những que diêm. Diêm bốc cháy, dây cháy chậm cháy theo. Và nổ.

Đó là cách đánh “hẹn giờ” sáng tạo của dân biệt động thành Sài Gòn.

Đó là “trò chơi” của hai anh em chúng tôi.

Anh lái chiếc xe Honda 67 màu đen. Tôi ôm trái mìn tự tạo ngồi phía sau. Chúng tôi từ dưới đường Trần Hưng Đạo chạy lên. Tôi móc trái mìn trong áo ra, châm lửa đốt điếu thuốc rồi đặt trái mìn trên bàn chân. Khi đến ngay vọng gác của Tổng nha Cảnh sát tôi hất nhẹ trái mìn vô hàng rào kẽm gai. Anh Tài vẫn cho xe chạy bình thường. Không tăng tốc.

Chúng tôi bọc qua đường Hùng Vương. Vẫn chưa nghe tiếng nổ.

-Sao lâu quá vậy? Tôi hỏi.

Tài quẹo sang đường Trần Bình Trọng. Ngay lúc ấy mìn phát nổ. Tôi đập mạnh bàn tay lên đùi anh và chúng tôi cùng cười ha hả.

Chúng tôi tà tà quay lại hiện trường xem kết quả nhưng không vào được vì cảnh sát đã bao vây. Giao thông tắt nghẽn.

Từ ngoài vòng vây, chúng tôi vẫn nhìn thấy vọng gác bị đánh sập một bên. Cả một đoạn hàng rào Tổng nha Cảnh sát bị xé nát. Đó là “chiến công” của hai chúng tôi, những thằng bạch diện thư sinh tập sự làm biệt động thành! Tiếp tục đọc