CÔ ÚT HÓA THÂN

  1. BỆNH NHÂN ĐƠN ĐỘC

Giữa trưa, một người đàn ông ngoài 60 tuổi được chuyển đến phòng cấp cứu của bệnh viện ĐL bằng xe ambulance. Nạn nhân được thông báo là bị tai nạn giao thông và đang trong tình trạng bất tỉnh.

Liền sau đó, chiếc xe khách của Công ty Du lịch cũng đậu lại trước cổng bệnh viện. Một số người trên xe bước xuống nhưng bị bảo vệ chặn lại.

Một thanh niên mặc đồng phục của công ty nói:

-Tôi là hướng dẫn viên du lịch. Nạn nhân là khách của công ty chúng tôi. Xin được vào trong để làm thủ tục.

Năm người được cho phép đi bộ vào, nhưng chỉ một hướng dẫn viên được vô phòng cấp cứu. Những người khác phải đứng chờ ngoài cửa.

Nạn nhân bị chấn thương ở đầu, gãy xương đòn gánh trái, rạn nứt xương sườn bọc ngoài trái tim và xương ống chân bị gãy lìa. Tình trạng của bệnh nhân rất nguy kịch, cần hội chẩn gấp trước khi tiến hành phẫu thuật.

Vì trong đoàn du lịch không có ai là thân nhân của nạn nhân nên cảnh sát giao thông phối hợp với những cán bộ chuyên trách của bệnh viên phải gọi điện thoại về nơi ở của nạn nhân (nhờ chiếc điện thoại và giấy CMND tìm thấy trong người nạn nhân) để thông báo cho gia đình đến ngay bệnh viện làm các thủ tục cần thiết như khai báo lý lịch và ký vào “Giấy cam kết phẫu thuật”.

Một nhân viên bệnh viện nói:

-Tôi đã gọi ba lần nhưng điện thoại nhà không ai nhấc máy.

Một sỹ quan cảnh sát thông báo:

-Công an địa phương cho biết: “Ông ta không có thân nhân, chỉ sống một mình trong căn nhà biệt lập với mấy con mèo. Ngoài ra không có ai sống cùng. Tôi đã gọi vài số điện thoại gần đây nhất: Tất cả đều là những trại nuôi mèo, chó. Không có ai là người nhà.”

Y tá trưởng và kế toán trưởng bệnh viện đều bước ra cửa phòng cấp cứu, hỏi những khách du lịch đang đứng ngoài cửa:

-Có ai là người nhà của bệnh nhân không?

Tất cả đều nhìn nhau, im lặng. Họ quay vào để thông báo với bác sỹ trực. Ông này cúi đầu, có vẻ lo lắng. Rồi ông hỏi vọng ra cửa lần cuối:

  -Có ai là thân nhâ không?

Lập tức nghe một tiếng mèo kêu:

-Meo!

Tiếng kêu rất thảm thiết. Và lớn đến nỗi làm mọi người đều giật mình. Có ai đó la lên:

-Coi chừng mèo! Người ta nói: người chết mà có mèo nhảy ngang qua thì xác chết sẽ bật dậy, chạy theo nó.

Lập tức các nhân viên y tế vây quanh nạn nhân. Những người khác cúi xuống dáo dác tìm dưới gầm giường, gầm bàn,  trong xó nhà… nhưng chẳng thấy con mèo nào cả.

Khi mọi thứ lắng xuống thì có một cô gái trẻ, ăn mặc rất thời trang, từ ngoài cửa bước vào.

-Tôi là hàng xóm của nạn nhân.

-Hàng xóm thì không đủ tư cách pháp nhân để ký vào giấy cam kết phẫu thuật, vì phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu gặp sự cố đáng tiếc khi phẫu thuật. Và phải trả mọi chi phí của ca mổ.

Cô gái nói:

-Nhưng theo Điều 61 của Luật khám chữa bệnh thì trong trường hợp khẩn cấp, bệnh viện vẫn có thể phẫu thuật mà không cần chữ ký của thân nhân.

-Đúng thế, bác sỹ nói, nhưng hôm nay cả Ban Giám Đốc bệnh viện đều đi họp ngoài Hà Nội.

Cô gái im lặng, suy nghĩ giây lát rồi tiến lại phía người kế toán trưởng bệnh viện. Cô mở ví lấy ra tấm thẻ Master Card.

-Thưa chị, chúng ta không còn thời gian. Vì tim có thể sẽ ngừng đập, não sẽ tổn thương nghiêm trọng. Tôi xin phép được tạm ứng 50 triệu. Chị cầm cái này giúp tôi đi.

Bà kế toán trưởng liếc nhìn bác sỹ, thấy ông không có dấu hiệu phản đối, liền nhận tấm thẻ tín dụng, quay vào trong. Cùng lúc, người y tá trưởng cầm xấp hồ sơ bệnh án đưa cho cô gái để cô ký vào giấy cam kết phẫu thuật.

Nạn nhân được chuyển ngay vào phòng mổ. Chỉ còn cô gái đứng một mình nơi phòng cấp cứu.

*

Lát sau, kế toán trưởng và y tá trưởng cùng bước ra.

Bà y tá trưởng đặt bàn tay lên vai cô gái.

-Em chỉ là hàng xóm, sao em dám chịu trách nhiệm lớn như vậy?

-Ca mổ nghiêm trọng lắm sao?

-Nhiều rủi ro lắm. Nhất là vết thương ở đầu khá nặng. Chưa kể chiếc xương sườn bọc ngoài trái tim bị một đường nứt dài, nếu bị chấn động khi xuống đèo Bảo Lộc nó có thể gãy và đâm vào tim. Nạn nhân sẽ chết tức khắc. Nhưng mà em còn phải ngồi cạnh bệnh nhân khi xe cứu thương của chúng tôi đưa ông về thành phố Hồ Chí Minh. Em có sẵn lòng không?

-Em sẽ làm theo mọi yêu cầu của bệnh viện. Nhưng sao lại phải chuyển về Sài Gòn gấp vậy?

-Vì chỉ có bệnh viện Chợ Rẫy mới đủ thiết bị và trình độ chuyên môn để tiến hành ca mổ phức tạp này. Ở đây chúng tôi chỉ phục hồi khả năng hô hấp và tuần hoàn cho bệnh nhân cùng những biện pháp nghiệp vụ cần thiết để duy trì mạng sống trước khi phẫu thuật. Nhất là truyền máu. Nhưng chúng tôi đang gặp trở ngại lớn trong chuyện này.

-Trở ngại gì vậy?

-Nạn nhân thuộc nhóm máu cực kỳ hiếm. Đó là AB Rh-. Ở Việt Nam nhóm máu này chỉ chiếm khoảng 0,05 phần trăm dân số. Bệnh viện chúng tôi không có nhóm máu đó.

-Em có. Em cũng thuộc nhóm máu AB Rh-

-Ôi! Lạy Chúa lòng lành! Nhưng sao em biết mình thuộc nhóm máu đó?

-Em từng đi hiến máu nhân đạo.

Thực ra cô gái chưa hề đi hiến máu lần nào, nhưng cô được mặc khải như vậy từ cõi mầu nhiệm nào đó. Và cô tin chắc. Vì cô tự biết mình là một cá thể đặc biệt và độc đáo.

Y tá trưởng vội vàng kéo tay cô gái vào phòng mổ.

Họ vừa đi vừa chạy.

2.

WENDY

VÀ ANH CHÀNG XA LẠ

Bước sang tháng thư ba, tôi đã có thể tự đi một mình với cây nạng gỗ và một chân băng bột lên tới đầu gối. Những vết thương khác ở đầu, vai và xương sườn đã ổn định. Hệ thần kinh, não và tủy sống gần như bình phục.

Chín giờ sáng, bác sỹ Hải bạn học hồi cấp ba, đến thăm.

-Số ông lớn lắm đó. Ngoài sáu mươi, ca mổ phức tạp như vậy mà qua khỏi thì quả là điều thần kỳ.

-Nhưng mình thấy vết gãy ở xương ống chân có gì đó bất thường.

Bác sỹ Hải bảo đưa mấy tấm phim chụp ống chân cho anh xem. Anh đưa phim lên hướng ánh sáng ở cửa sổ.

-Xương của ông còn quá tốt.

-Sao biết là tốt?

Anh chỉ vào vết gãy, giải thích:

-Xương cũng giống như cái nhánh cây. Nếu cây đã mục thì nó sẽ gãy tiện. Vết gãy nằm ngang. Những nhánh cây còn tươi tốt bao giờ cũng gãy xéo. Ông nhìn đi! Có phải vết gãy của ông là một đường chéo không?

Tôi gật gật.

-Nhưng khi mới giải phẫu xong thì vết gãy gần như kín, còn bây giờ, sau gần ba tháng, thay vì nó liền lạc, thì nó lại hở lớn hơn. Tại sao?

-Tại vì những tế bào xương ở hai đầu vết gãy bị tổn thương nặng, chúng chết đi, biến mất, làm cho vết gãy rộng ra. Đó là chuyện bình thường. Nhưng lớp tế bào xương bên dưới sẽ mọc, sẽ bắc cầu qua. Và nó sẽ kín lại. Có điều là vì ông đã lớn tuổi nên quá trình đó phải diễn ra chậm hơn bọn trẻ.

Tôi vỗ lưng nó.

-Cám ơn bạn hiền! Nhưng còn chuyện này nữa.

-Chuyện gì?

-Nghe nói bị gãy xương là coi như cái “khoản kia” tiêu luôn. Dẹp tiệm. Nếu vi phạm thì bị mục xương. Cưa chân luôn.

Bác sỹ Hải cười ha hả.

-Ai nói với ông vậy?

-Thì xưa nay trong dân gian truyền miệng với nhau như vậy. Trên internet cũng nói thế.

-Tào lao! Tao là bác sỹ khoa ngoại, hành nghề đã hơn ba mươi năm. Tao có thể nói với mày rằng chuyện xương cốt và chuyện tình dục chẳng có liên quan gì với nhau cả.

Tôi đưa ngón cái lên ngay trước mặt nó. Trút được gánh nặng ngàn cân.

Mười giờ. Bác sỹ Hải bắt tay từ biệt.

Tôi tiễn bạn ra hành lang.

Bạn đi rồi, tôi chống nạng về phía mấy bậc thềm dẫn xuống vườn hoa. Điện thoại reo. Đó là Wendy, cô gái trẻ đã đưa tôi từ Đà Lạt về và ở lại bệnh viện chăm sóc tôi suốt thời gian tôi phải nằm một chỗ.

-Cháu sẽ đến trong vòng 20 phút. Chú ổn không?

-Ổn. Cháu đi đường cẩn thận.

Tôi cúp điện thoại định cất vào túi, nhưng vì thao tác của người bệnh không chính xác nên chiếc iphone rơi xuống mấy bậc thềm. May nhờ có cái ốp lưng bằng da mềm nên nó không bể.

Tôi đứng nhìn nó một lúc rồi quyết định chống nạng bước xuống.

Khi đã nhặt được điện thoại, tôi bám vào thanh gỗ và kẹp cây nạng vào nách để bước lên, nhưng không được. Vì khi xuống thì dễ còn khi bước lên thềm thì tay chân tôi phải chịu sức nặng của cơ thể, lại còn phải giữ thăng bằng. Tôi cố thử một lần nữa nhưng đành chịu.

Ngay lúc ấy có một chàng trai trạc tuổi Wendy cao lớn, cường tráng từ xa đi lại.

-Này cháu, cháu có thể đỡ chú một chút được không. Vì chỉ có mấy bậc cấp.

Người thanh niên dừng lại, quay nhìn tôi. Một cái nhìn xa lạ, bạc màu và vô cảm.

Rồi cậu ta bỏ đi.

Thái độ đó làm tôi sửng sốt. Và rất “quê”. Nhưng lập tức có một cánh tay choàng qua lưng tôi.

-Cháu sẽ đưa chú lên.

Đó là Wendy.

Tôi nhấc cái chân băng bột, định bước, nhưng bỗng nhiên thấy toàn thân nhẹ hẩng. Rồi lướt đi, qua mặt cậu thanh niên nọ. Trong chớp mắt, tôi và Wendy đã đứng ở đầu cầu thang.

Người thanh niên trố mắt nhìn cảnh tượng ấy. Mặt xanh lè. Đứng im như phổng đá.

Wendy nói, nhỏ nhẹ, nhưng giọng điệu như lời quát nạt:

-Nhìn cái gì!?

Hắn bỏ chạy.

Có tiếng “meo” từ đâu thoảng qua. Hắn ta như bị vấp chân vào một vật gì đó, té nhủi xuống đất.

Những việc đó làm tôi sửng sốt. Tôi quay nhìn Wendy, chỉ thấy một nụ cười bình thản. Chưa bao giờ cô bé xinh đẹp, tươi tắn và đáng yêu như lúc ấy.

Bây giờ tôi có thể đi song song với Wendy, tiến lại phía chàng trai. Cô gái hích mũi giày vào mông anh chàng đang nằm sấp.

 Hắn lồm cồm bò dậy, chạy một mạch. Biến khỏi dãy hành lang.

*

Tôi và Wendy vô phòng, chuẩn bị bữa ăn trưa. Cô gái lấy ra mấy cái hộp giấy. Gà rán của Loteria và bánh mì kẹp phô-mai cá ngừ của Subway.

Wendy nói:

-Hồi còn là sinh viên ở Swansea buổi trưa con vẫn thường vô Subway để ăn món sandwich này. Sao chú có vẻ không vui vậy?

-Chú đang tự hỏi: Lúc nãy sao con có thể đưa chú bước lên thềm nhanh quá vậy?

-Chắc là vì hấp tấp.

-Nhưng còn cái vụ anh chàng kia té nhủi xuống đất? Giống như bị ai đẩy rất mạnh.

-Vì hắn cũng hấp tấp thôi.

Một ngụm Pepsi và một cái nhìn nghi hoặc, tôi hỏi:

-Hồi ở bên Anh con có học võ phải không?

-Không đâu ạ. Con sang xứ Wales chỉ để học Thiết kế Thời trang ở Swansea University.

-Mẹ con là Bộ trưởng Bộ Du Lịch (*) sao con không học ngành du lịch?

-Con rất “điệu”, ưa làm dáng như mèo vậy, nên chọn thời trang.

Đại học Swansea nơi Wendy học thiết kế thời trang

-Nhưng hồi đó con có “mạnh và nhanh” như bây giờ không?

-Dạ không ạ.

Tôi đưa cho Wendy một cái napkin vì thấy phô mai dính trên khóe miệng nó.

-Hồi ở Đà Lạt, sao con có thể biết chú bị nạn mà chạy đến? Người của công ty du lịch nói là con không có tên trong danh sách của đoàn du lịch.

Wendy nheo mắt, cười.

-Đừng thắc mắc, ngoại ơi! Chính con cũng không biết tại sao. Lúc ấy con đang đi mua sắm trong một siêu thị ở Sài Gòn, chợt cảm thấy có người thân lâm nguy. Rồi nghe tiếng mèo kêu. Lập tức thấy mình đứng trước cửa phòng cấp cứu. Có phải hiện tượng đó trong tiếng Anh gọi là “revelation” không, hả ngoại?

-Bên Thiên Chúa giáo gọi revelation là “sự mặc khải”. Còn tốc độ di chuyển thì có lẽ thuộc một phạm trù khác trong các học thuyết về vật lý lượng tử.

Wendy hơi chồm tới trước, nhìn vào mắt tôi, cười và hỏi:

-Ông ngoại có sợ không?

-Có gì mà sợ. Những năng lực đó trong lịch sử nhân loại không phải là hiếm. Năm 1935, Albert Einstein cùng với nhà vật lý Nathan Rosen đã sử dụng thuyết tương đối rộng để lý giải về sự tồn tại của những wormholes (lỗ giun). Đây là một “đường ống” giữa hai điểm riêng biệt, tạo nên lối đi tắt xuyên qua không-thời-gian (spacetime). Vật chất có thể đi từ vùng này sang vùng kia bằng cách chui qua lối tắt này với tốc độ của ánh sáng.

“Nhà tạo mốt” Wendy ngồi nghe say mê. Cô có vẻ đặc biệt quan tâm. Cô hỏi:

-Ngoại đọc những lý thuyết này ở đâu vậy?

-Cách đây mấy năm, khi viết cuốn “Tịnh Thất Trên Núi” chú có đọc một số sách về “lỗ đen”, về “vũ trụ giãn nở”, tình cờ chú tìm thấy những trang viết của Rosen về wormhole rất thú vị.

-Vậy có nghĩa là lúc ngoại bị tai nạn giao thông thì con cũng đã tình cờ rơi vào cái “lỗ giun” ấy?

Cả hai chú cháu đều cười lớn.

-Có thể là như thế. Tôi nói trong khi Wendy dọn dẹp các hộp giấy đựng gà rán. Nhưng chú muốn hỏi con cái này.

-Sao ạ?

-Con đang làm việc tại một công ty Thiết kế Thời trang của Hàn quốc tại TPHCM phải không?

-Dạ.

-Con có bao giờ gặp phải hiện tượng đó khi đang làm việc không?

-Trước đây ở bên Anh thì có vài lần, nhưng con nghĩ đó là phép lạ của Chúa Giê-su. Ngài đã hiện ra bên cạnh con. Rồi sau đó thì cuộc sống cũng bình thường. Còn ở Việt Nam thì hiện tượng ấy chỉ xảy ra từ khi ngoại bị tai nạn giao thông tại Đà Lạt và lập lại vài lần khi gần gũi, chăm sóc ngoại.

-Nhưng tại sao con là người dưng, trước nay chưa hề quen biết chú, mà con lại chịu cực nuôi bệnh cho chú suốt trong nhiều tháng?

-Con không hiểu. Có thể đó là một “mặc khải” mà cũng có thể là một thứ tình cảm thiêng liêng nào đó đã tồn tại từ rất lâu trong vô thức.

Wendy đổ các đồ thừa vào cái thùng rác nơi góc phòng rồi vào toa-lét rửa tay. Khi trở ra, cô nói:

-Bây giờ con phải về công ty để làm việc. Ngoại nhớ uống thuốc đúng giờ.

Cô gái nói và bước lại phía cửa. Tôi với theo:

-Wendy à! Sao con cứ gọi chú bằng ngoại vậy?

-Con cũng không biết nữa. Cái tiếng ấy cứ vang lên trong đầu. Và nó rất dễ thương ạ.

.……………………………..

(*) Đây là một đơn vị hành chánh hư cấu.

3.

VÔ THỨC

Sáng thứ Bảy 9 giờ 30 phút, tôi làm xong thủ tục xuất viện. Mười một giờ trưa về đến nhà. Người giúp việc bàn giao mấy con mèo. Tôi mở cửa chuồng cho chúng ra vườn chơi nhưng chúng đều vô nhà nằm, xúm xít quanh tôi, có đứa nhảy vô lòng tôi ngồi, có đứa nằm dưới chân, đầu gác trên chiếc dép da.

Mười lăm phút sau Wendy đến.

-Con tìm nhà có khó không?

-Nhà ngoại ở tách biệt nơi vùng quê nên không có trên Google Map. Con phải hỏi thăm công an phường. Ở đó ai cũng biết ngoại. Họ gọi ngoại là ông già nuôi mèo.

Wendy đặt gói giấy trên bàn, bày biện các thứ rồi lấy thức ăn khô cho mấy con mèo, vừa bón cho từng con ăn, vừa vuốt ve chúng. Tôi nói:

-Lần sau con đến chơi với chú là được rồi. Đừng mua đồ ăn nữa vì chú đã có người giúp việc lo mọi thứ.

-Dạ. Nhưng hôm nay con sẽ ở chơi với ngoại và các em đến ngày mai, vì là chủ nhật, con không đi làm.

-Con ở lâu vậy, ba mẹ con không la sao?

-Ba mẹ con là cán bộ trung ương, đều ở Hà Nội. Với lại con sống xa nhà quen rồi. Con học ở xứ Wales bốn năm rồi thực tập tại London một năm. Con quen sống một mình.

-Hồi ở bên Anh con có nuôi mèo không?

-Không. Vì con ở apartment, người ta không cho nuôi chó, mèo. Bây giờ về đây, thấy mèo, con mừng lắm. Mà này, ngoại ơi!

-Gì vậy?

-Lúc nãy, khi bước vô cổng nhà, tự nhiên con thấy cái gì cũng quen thuộc. Từ khu vườn, những gốc cây, những tảng đá. Có phải đàng sau những cây bần kia là một nhánh sông không?

-Sao con biết? Đúng là một nhánh sông, nhưng nó bị che khuất bởi những lớp lá dày…

Wendy quét những thức ăn thừa của mấy con mèo rồi ngồi lại bản ăn.

-Ngoại ơi! Hôm nay mình lại ăn gà rán nữa. Nhưng con có đem cho ngoại một gói cốm dẹp Hà Nội.

-Ối trời! Chú thích thứ đó lắm con ạ. Nó thơm mùi nếp mới.

-Mỗi ngày đều có mấy chuyến bay của bộ Du lịch từ Hà Nội vào Sài Gòn nên con có nhiều đặc sản ngoài đó.

-Mẹ con là người Bắc à?

-Người Bình Dương nhưng làm làm việc ngoài trung ương  nên sống ở Hà Nội cả chục năm nay. Ngoài Bắc có người gọi mẹ con là “Người Đẹp Bình Dương”. Hình như cái danh hiệu đó có liên quan tới môt diễn viên điện ảnh nào đó của miền Nam phải không ngoại?

-Đúng vậy. Đó là diễn viên Thẩm Thúy Hằng, đóng vai chính trong phim “Người Đẹp Bình Dương” của đạo diễn Năm Châu. Nhưng nữ diễn viên này là người Hải Phòng, di cư vào Nam sống ở An Giang, và phim này lại được phóng tác từ một câu chuyện của Trung Quốc, không liên quan gì tới tỉnh Bình Dương cả.

-Cám ơn ngoại. Thế hệ con ít biết về những chuyện như vậy.

*

Năm giờ chiều. Nắng bắt đầu tàn héo. Mặt sông xao xác gió. Hoa lục bình trôi rập rềnh trên những con sóng mảnh khảnh. Chúng tôi đi rất chậm dọc

Hoa và trái bần trên bờ sông, gần chỗ Út nằm

theo mé nước. Wendy cầm một trái bần chín, ngửi hoài.

-Hoa của nó màu gì vậy, ngoại?

-Màu tím nhạt.

Cô gái ngước nhìn những tán lá chồm ra phía mé nước. Và khi phát hiện một chùm hoa bần, Wendy tách ra khỏi tôi, tiến lại phía ấy. Nhưng khi đi ngang hàng rào của một căn nhà hoang thì cô dừng lại.

Cùng lúc, tôi cũng nhìn thấy một cành bần có nhiều hoa nên rẽ sang phía ấy định bẻ cho Wendy một nhánh.

-Lại đây! Tôi gọi.

Wendy không trả lời, cứ đứng lặng người nhìn sững vào gốc cây lộc vừng trước bờ rào. Rồi cô ngồi xuống ngay luống cỏ bao quanh gốc cây.

-Con làm gì đó?

Nó vẫn không nói. Tôi đợi lâu đến nỗi phải quay lại chỗ Wendy. Nó ngước nhìn tôi. Nhòa lệ.

-Sao con khóc vậy?

-Con không biết. Tự nhiên con thấy thương cái chỗ này quá. Con không muốn rời đi.

Tôi cũng ngồi xuống cạnh nó. Và tôi cũng khóc. Wendy hỏi:

-Sao vậy?

Tôi thấm nước mắt bằng ống tay áo.

-Con có bao giờ đến chỗ này chưa?

-Chưa. Đây là lần đầu tiên con đến nhà ngoại. Trước đây con có biết ngoại là ai đâu. Làm sao mà con biết chỗ này được.

-Vậy cái gì làm cho con xúc động?

-Con không biết.

-Hay là nơi này đã gợi nhớ một kỷ niệm nào đó?

-Không đâu ngoại. Hồi nhỏ con sống ở Hà Nội trong một khu đặc biệt sang trọng dành cho các bộ trưởng, có lính canh gác. Mười tám tuổi con đi du học bên Anh thì sống trong ký túc xá sinh viên ở trên tầng 10. Không có gì giống nơi này cả. Thế còn ngoại? Tại sao nơi này cũng làm ngoại xúc động vậy?

Tôi cúi xuống nhặt rác quanh gốc cây và luống cỏ quanh chỗ ngồi.

-Vì chỗ này, với chú, có một kỷ niệm đau buồn. Cách đây hai mươi lăm năm, lúc ấy có lẽ con chưa sinh ra đời, một buổi chiều khi chú đi tản bộ dọc bờ sông, ngang qua đây, chợt nghe tiếng mèo kêu yếu ớt. Chú dừng lại nhìn vào ngôi nhà. Chỉ là nhà hoang. Chú quan sát một lúc, không thấy gì, nên tiếp tục đi. Tức thì lại có tiếng mèo kêu. Tiếng kêu yếu ớt, thảm thiết. Lúc ấy chú nhận ra: lẫn trong đám cỏ dưới gốc cây, có một con mèo con lông đen đang nằm dưới lớp lá khô và rác rưởi.

Chú ngồi xuống vạch cỏ ra nhìn, thấy nó đang nằm bất động, thoi thóp, bèo nhèo như miếng giẻ rách. Chỉ có đôi mắt là mở lớn, nhìn chú.

“Meo! Meo!”

Đôi mắt ấy như muốn nói: “Ngoại ơi! Cứu con!”.

Nó đang hấp hối.

Cứu hay không cứu? Bế nó về nhà hay bỏ đi?

Cuối cùng chú đành bỏ đi.

Wendy Khóc lớn:

-Sao ngoại lại bỏ đi?

Gốc cây, nơi ngoại tìm thấy Út

-Vì lúc ấy nhà chú đang nuôi năm con mèo rồi. Và điều quan trọng nhất là: Những người trong gia đình chú không ai thích mèo cả. Chú đem được năm con mèo hoang về nuôi là cả một cuộc đấu tranh dài và gay go lắm. Đã có nhiều cuộc cãi vả, đụng độ căng thẳng.

Chú bỏ đi mà cảm thấy hổ thẹn, cảm thấy mình là một thằng hèn, không đáng làm một con người. Tiếng “meo meo” vói theo chú như lời cầu cứu tuyệt vọng. “Meo! Meo! Ông ngoại ơi, cứu con! Con sắp chết rồi!” Tiếng kêu ấy theo gió bay đến tận cổng nhà chú.

Lúc chú tra chiếc chìa khóa vào ổ khóa cổng, thì một cơn mưa rào ập xuống. Nó bất chợt. Và mạnh mẽ như một cơn thịnh nộ.

Lập tức, không cần suy nghĩ. Không do dự. Chú chạy thẳng đến chỗ gốc cây, nơi bé mèo con đang nằm.

Chú bế bé mèo lên, ủ nó trong ngực, lom khom chạy thẳng về nhà.

Khi chú bước vô phòng mình thì đã ướt sũng. Nhưng con mèo thì khô ráo. Chú lấy chiếc khăn tắm bọc nó lại, đặt trong cái rổ đựng trái cây đan bằng mây. Nó giương mắt nhìn chú vừa ngạc nhiên vừa tỏ vẻ biết ơn.

Chú vuốt ve nó một lúc rồi lấy con cá nục hấp (thức ăn của mèo nhà) mớm cho nó. Nó ăn rất nhanh, mừng rỡ, cuống quýt. Chú biết rằng nó sẽ sống.

-Bây giờ nó đâu rồi? Sao khi sáng con đến nhà ngoại, không thấy có con mèo đen nào hết?

-Con quên rằng đó là câu chuyện cách đây 25 năm. Cô Út chết đã lâu lắm rồi.

Wendy lau nước mắt.

-Câu chuyện thương tâm quá làm con quên mất thời gian. Nhưng sao ngoại lại gọi bé là “Cô Út”?

-Vì đó là con mèo hoang cuối cùng chú đem về nuôi. Một bé gái. Lúc chú đem nó về nhà, nó mới một tháng tuổi.

-Cô Út ở với ngoại được mấy năm?

-Tội lắm con ạ. Chỉ được 2 năm thì bị mất tích. Cho tới giờ chú cũng không biết Út chết như thế nào. Chú đã đi tìm nó trong nhiều ngày. Tìm khắp thành phố. Các chợ đầu mối bán chó mèo. Ra tận ngoại ô, các vùng ven. Ngày nào chú cũng khóc.

-Út chết lúc mới 2 tuổi sao ngoại?

-Đó là một câu chuyện dài. Tuy chỉ hai năm nhưng tình sâu nghĩa nặng. Đó là hai năm để chữa bệnh cho Út. Nó bị vứt ra đường lúc mới một tháng tuổi nên nỗi sợ hãi in đậm trong ký ức thơ ngây của nó. Nó quá bé bỏng để có thể chống chõi với rét mướt, mưa gió, đói khát ít ra cũng ba bốn ngày trước khi gặp chú. Chính vì thế mà trong cái cơ thể bé nhỏ, ốm yếu, mong manh ấy mang đủ thứ bệnh… câu chuyện dài lắm con ạ.

-Nhưng con muốn biết câu chuyện ấy. Ngoại có bức ảnh nào của Út không?

-Có. Còn có cả một đoạn phim nữa. Hồi đó chưa có smart phone, chú quay bằng camera Sony, ghi hình trên đĩa DVD. Chú vẫn còn giữ ở nhà.

-Con rất muốn xem.

-Đừng vội. Chú sẽ kể lại chi tiết. Đó cũng là cách để chú giải tỏa nỗi buồn và lòng thương nhớ Út không lúc nào nguôi.

4.

ĐAU ỐM LIÊN MIÊN

Sáng hôm sau, tôi dậy sớm để xem tình trạng bé mèo thế nào. Nó ngủ say đến nỗi tôi tưởng là nó đã chết. Nhưng khi tôi đặt tay lên lưng nó thì thấy có hơi ấm. Tôi vuốt ve nó và gọi: “Meo! Meo! Út ơi! Dậy đi con” thì nó mở mắt. Tôi hỏi:

-Con ổn không?

-Meo!

Nhưng khi tôi bế nó lên thì thấy bụng nó nóng rực, trên lông có những mảng phân lỏng đã khô lại thành từng đám cứng ngắt, bốc mùi.

Tôi đem nó đến gần của số thì thấy hai lỗ tai đầy mủ. Hậu môn thì sưng tấy, đỏ lòm.

Tôi muốn tắm nó cho bớt mùi hôi nhưng vì nó đang sốt nên tôi phải lấy khăn, ngâm nước nóng, vắt ráo rồi lau mình cho nó. Phải rất thận trọng để xử lý những mảng lông dính phân đã khô cứng, làm cho chúng tơi ra và lau sạch từng sợi.

Út mới về nhà ngoại

Trước khi đem đi thú y, tôi phải lấy bông gòn lau sạch mủ ở hai lỗ tai nhưng không thể lau sạch hết được vì động tác đó làm nó đau, nó giãy giụa và gừ gừ để tự vệ.

-Đừng sợ! Ngoại cứu con mà. Còn cái hậu môn nữa. Bình tĩnh nhé.

Tôi thấm bông gòn bằng cồn 70 độ rồi vắt khô, thấm nhẹ từng chút từng chút. Công việc này còn tỉ mỉ hơn là lau mình cho nó vì vừa làm sạch hậu môn, vừa phải gỡ những đám lông bê bết phân quanh đó. Động tác ấy sẽ làm nó rất đau và nó sẽ phản ứng, có thế là sẽ cắn hoặc cào cấu.

Nhưng vì nó quá yếu nên phản ứng của nó không gây nguy hiểm. Tôi vừa rửa vết thương vừa vuốt ve, vừa thủ thỉ:

-Bình tĩnh! Bình tĩnh! Ngoại thương con. Ngoại thương con.

Những lời đó rất có tác dụng mặc dù chắc chắn là nó không hiểu. Nhưng nó cảm nhận ý nghĩa của những lời ấy qua giọng nói.

Nhiều năm nuôi mèo, tôi biết rằng trò chuyện với chúng là rất cần thiết, rất quan trọng. Vì ban đầu, tuy chúng không hiểu nhưng lâu dần chúng sẽ quen. Và hiều cả câu nói. Ví dụ như các con mèo tôi nuôi lâu năm, chúng có thể hiểu những câu đơn giản như: “Nằm xuống!” “Lên phòng ngoại đi con!” “Lên giường!”. Hoặc khi nó nằm che khuất màn hình máy tính. Tôi bảo: “Tránh chỗ cho ngoại làm việc!” là nó nhích qua một bên. Hoặc khi tôi nằm trên giường, nó mon men lại gần, lấy tay khều khều, tôi bảo: “Lên nằm trên bụng ngoại đí!” Là phóc lên liền. Bốn chân duỗi ra, bụng ép sát vào bụng và ngực tôi, hai mắt nhìn cái mắt kính tôi đang đeo. Tôi gỡ mắt kính ra cho nó nhìn mặt. Nó gừ gừ trong cổ họng rồi nhắm mắt lại. Có khi lấy tay vuốt má tôi rồi kêu “meo!” Có thể hiểu cái tiếng meo ấy là: “con thương ngoại”. Rồi nó ngủ.

Cô Út mới về nhà có một đêm, không thể “thuộc bài” như lũ mèo nhà nhưng có đều chắc chắn là nó biết tôi đã cứu nó.

Tôi cho nó ăn thêm một con cá nục nữa và nó lại ngủ. Bây giờ thì nó sạch và “nhẹ nhõm”  hơn chiều hôm qua nên nó đi vào giấc ngủ rất êm ái.

*

Wendy nói:

-Chắc chừng một tuần là Út bình phục.

-Không đâu con ạ. Đó chỉ là phần mở đầu trong cuộc chiến giành giựt sự sống với tử thần. Vì Út bị vứt ra đường lúc mới một tháng tuổi lại đang là mùa mưa nên nó phải chịu ít nhất là ba bốn ngày đói lạnh và sợ hãi trước khi gặp ngoại. Nó bị sốc nặng nên tổn thương thần kinh, não bộ và nhất là tâm lý.

Di chứng của cú sốc ấy dai dẳng đến độ ngoại không thể ngờ được. Ngoại phải giành giựt mạng sống của Út với tử thần suốt thời gian dài. Cho nên giữa ngoại và Út tình sâu nghĩa nặng lắm con ạ.

Wendy im lặng một lúc lâu.

-Tội nghiệp Út. Ước gì lúc đó có con bên cạnh ngoại để con chăm sóc nó.

Mắt cô gái đẫm lệ. Nhưng Wendy cứ để nước mắt chảy dài xuống má.

*

Tôi mua một cái lồng bằng vài dày có lưới thông hai mặt, đặt Út vô lồng. Nó đã đứng dậy được nhưng hai chân run rẩy. Tôi mang cái lồng trước ngực, đưa nó ra tiệm thú y gần nhà. Bác sỹ đặt Út lên bàn.

-Cháu sẽ tiêm kháng sinh cho bé để trị cái hậu môn, còn mủ ở tai thì có thuốc nhỏ, ngày ba lần. Nhỏ thuốc sâu bên trong. Nhò xong chú dùng ngón tay xoa nhẹ cho thuốc ngấm vô.

Tôi hỏi:

-Tại sao tai của bé bị mủ như vậy?

-Nó bị viêm tai giữa. Bệnh này sẽ làm nó không thể giữ thăng bằng được. Chú phải chịu khó nhỏ thuốc đều đặn trong thời gian ít nhất là một tuần.

Nhưng một tuần trôi qua mà Út vẫn đứng không vững. Khi tôi đem thức ăn cho nó, nó nhìn thấy thức ăn nhưng vì không giữ thăng bằng nên không thể tự đớp thức ăn được. Nó cứ xoay vòng vòng rồi lăn kềnh ra nền nhà. Tôi dựng nó dậy, hai tay đỡ hai bên hông cho nó khỏi ngã nhưng nó vẫn không đớp thức ăn được. Cuối cùng tôi phải bốc miếng cá đút cho nó. Nó đớp một phát nhưng không trúng miếng cá mà trúng ngón tay tôi.

Hồi mới đem về nó quá yếu nên tôi phải vạch miệng nó nhét thức ăn vào. Nó nhai và nuốt. Còn bây giờ thì nó tự đớp được nhưng không chính xác và thường  làm rớt thức ăn xuống đất.

Bác sỹ vẫn tiếp tục chích kháng sinh và nhỏ thuốc vào tai. Một tuần sau, mủ đã khô dần và hậu môn gần như đã lành hẳn nhưng nó vẫn không đứng vững. Vẫn cứ xoay tròn và tệ hơn nữa là nó đi lùi. Đi được mấy bước thì lại lăn kền ra đất rồi nằm im, có khi ngủ luôn, không ăn uống gì cả.

Bác sỹ nói: “Như vậy là tai giữa vẫn còn viêm khá nặng. Phải chích kháng sinh một thời gian nữa”.

5.

SINH NHẬT

CỦA WENDY

Wendy vừa thuyết trình vừa làm thông dịch cho các đại biểu những hãng thời trang lớn ở châu Âu như Pièrre Cardin, Christian Dior, Armani, Nike…

Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam có một cuộc họp lớn như thế về thời trang. Tuy vậy, nội dung họp chỉ xoay quanh hai đề tài: Áo dài Việt Nam và Áo Tứ Thân.

-Thưa quý vị, tên gọi “áo dài” không thể và không nên dịch sang tiếng nước ngoài. Người Pháp gọi nó là “ao dai”, đó là một từ đã trở thành phổ biến trên thế giới. Thoạt tiên nó là chiếc áo của đàn ông. Từ các quan chức làng xã cho đến các thư sinh, các nhà nho và cả các quan lại cũng đều mặc chiếc áo dài này. Ngay cả nhà vua khi tiếp xúc với dân, đôi lúc cũng mặc áo dài thay cho triều phục.

Thời Pháp thuộc, khoảng thập niên 30 của thế kỷ trước, có một họa sỹ Việt Nam tên là Nguyễn Cát Tường đã biến tấu chiếc áo dài cổ truyền ấy thành chiếc áo dài tân thời dành riêng cho phụ nữ. Nhưng vì cái tên “Tường” của họa sỹ có nghĩa là “Le Mur” trong tiếng Pháp nên chiếc áo dài cách tân này được mọi người gọi là “Áo Dài Le Mur”…

Sau đó nó được chỉnh sửa nhiều lần theo thời cuộc và trở thành chiếc áo dài duyên dáng, thướt tha và gợi cảm mà quý vị thấy ngày nay.

Còn áo Tứ Thân là một trang phục của phụ nữ Miền Bắc Việt Nam đầu thế kỷ 20. Áo được sử dụng như trang phục hàng ngày. Hiện nay, áo tứ thân chỉ được mặc trong các dịp lễ hội truyền thống.

Áo tứ thân từ cổ buông xuống dưới đầu gối chừng 20 cm. Áo có hai “vạt”: trước và sau. Mỗi vạt có hai “tà”, cho nên mới gọi là “tứ thân”.

Bên trong áo tứ thân có một cái yếm. Yếm có màu sậm dành cho các bà đứng tuổi, hoặc màu đào, màu thắm đỏ dành cho các cô gái trẻ. Cho nên mới có từ “yếm đào” và “yếm thắm”…. Ca dao Việt Nam có bài nói về cái yếm thắm như sau:

Ba cô đội gạo lên chùa,
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho Sư.
Sư về, Sư ốm tương tư;
Ốm lăn ốm lóc, nên Sư trọc đầu.

Các đại biểu nước ngoài vỗ tay tán thưởng những chi tiết thú vị trong bài phát biểu. Tiếng vỗ tay át cả tiếng chuông điện thoại, nhưng Wendy cũng cảm nhận được độ rung của nó. Cô xin lỗi cử tọa và đi vào hậu trường.

-A lô! Mẹ hả? Mẹ đang ở đâu?

-Mẹ đang ở Sài Gòn. Con đang làm gì mà để điện thoại reo quá trời vậy?

-Con đang thuyết trình trong hội nghị.

-Con có biết hôm nay là ngày gì không?

-Dạ không.

-Trời ơi! Con gái tôi! Đến ngày sinh nhật của nó mà nó cũng quên. Thuyết trình xong con gặp mẹ gấp nhé? Mẹ đang ở nhà khách của Bộ Du Lịch. Hay là mẹ cho xe đến đón?

-Không được đâu, mẹ. Đây là hội nghị quốc tế về thời trang. Sau hội nghị còn có chiêu đãi các khách nước ngoài đủ mọi quốc tịch. Con vừa là thuyết trình viên vừa là thông dịch, sao có thể bỏ đi được.

-Mẹ hiểu rồi. Con cứ lo chuyện của con đi. Tiệc sinh nhật để mẹ tính.

-Cám ơn mẹ. À, mẹ này! Nhớ in cho con một số thiệp mời sinh nhật nhé. Bằng tiếng Anh. Sếp của công ty con là người Hàn quốc, bạn con cũng cả chục đứa. Còn bạn của mẹ nữa.

-Tôi hiểu, cô ạ. Có cả Thủ Tướng chính phủ tham dự nữa đấy. Cô liệu mà về.

*

Bốn giờ chiều, mọi việc mới xong. Wendy chạy xe đến tiệc sinh nhật mình như bị ma đuổi. Nhưng cô vẫn trễ 15 phút. Và ban nhạc (chỉ một cây violon và một  piano) đã trám chỗ cho khoảng thời gian Wendy vắng mặt ấy bằng một chương trình nhạc nhẹ tuyệt vời.

Nhưng khi ngồi lại bàn tiệc, thổi nến và cám ơn những lời chúc tụng bằng đủ thứ ngôn ngữ, cô mới nhớ rằng mình đã quên mất “ông ngoại nhà văn nuôi mèo”.

Khi ra xe với mẹ, Wendy nói:

-Bây giờ con phải đi gặp một người.

-Ai vậy?

-Đó là một nhà văn 60 tuổi.

-Sao con lại quen với một ông già 60 tuổi?

-Chuyện đó dài lắm. Không thể nói bây giờ được.

-Nhưng đó là nhà văn nào?

-Phan Vũ.

Người mẹ vỗ lưng cô con gái.

-Ông ấy là tác giả tập biên khảo rất nổi tiếng: “Tìm Lại Zorba”. Đúng không?

-Mẹ cũng biết tác phẩm đó à? Con đã đọc nó từ bên Luân Đôn.

-Chẳng những mẹ biết mà mẹ còn đọc rất kỹ. Và điều con không thể ngờ. Là ông ấy từng giải thoát mẹ khỏi vòng vây của cảnh sát thời tổng thống Nguyễn Văn Thiệu rồi đưa mẹ vào chiến khu bằng xe gắn máy.

Wendy đưa hai tay lên, đụng cả mui xe và cười lớn khiến tài xế phải ngạc nhiên quay lại nhìn hai mẹ con.

-Suspense! Wendy nói. Ly kỳ quá vậy, Madam Minister! Y như trong phim Điệp viên 007.

-Mẹ sẽ kể con nghe câu chuyện đó. Bây giờ thì mẹ cũng muốn gặp lại người bạn cũ.

Tài xế quay đầu xe, chạy về hướng Nhà Bè.

*

Cổng nhà chỉ khép hờ.

Wendy ra khỏi xe, đến mở rộng hai cánh cổng cho chiếc BMW chạy vào. Mấy con mèo tán loạn, có con leo lên cây, đứng nhìn khách lạ.

Khi thấy Wendy thì chúng đều chạy đến gần. Cô gái bế một đứa lên, vuốt ve và dẫn mẹ đi thẳng vào phóng khách.

Phòng trống trơn. Wendy gọi lớn:

-Ngoại ơi! Con về nè!

-Ủa? Sao con gọi ông ấy là ngoại? Ông chỉ bằng tuổi mẹ thôi mà.

-Con gọi vậy quen rồi.

Wendy lại gọi. Nhưng vẫn im lặng. Cô đi ra sau bếp, thấy vắng tanh, liền bước lên cầu thang. Bà Bộ trưởng thì ngồi chờ ở phòng khách. Tài xế thì đi dạo trong vườn.

*

Lúc ấy tôi không hề hay biết là Wendy đưa mẹ đến thăm nhà. Cho nên khi nghe bước chân lên cầu thang, tôi tưởng là người giúp việc.

Tôi đốt hương trên bàn thờ Út và Bi Răng Khễnh, con chó berger mà tôi nuôi từ nhỏ. Tôi thắp đèn cầy và châm thêm nước vào bình bông. Hôm nay lại có thêm một đĩa cá ngừ hấp. Đó là món mà Út ưa thích.

Hàng ngày, mỗi khi thắp hương bàn thờ hai đứa, tôi vẫn đứng lặng hồi lâu và khấn: “Út ơi, Bi ơi! Hai con hãy phù hộ cho mấy đứa em mèo của các con được sống bình an bên ngoại, hãy cứu chúng nó nếu chúng lỡ ra ngoài bị chó rượt hay kẻ gian bắt giết như chúng từng bắt giết hai con. Ngoại thương và nhớ hai con không lúc nào nguôi. Các con hãy về thăm ngoại, cho dù về như một cái bóng, một hồn ma, ngoại cũng không sợ đâu.

Ngoại sẽ ôm các con vào lòng, sẽ ủ các con trước ngực. Ngoại sẽ cho Út rúc vào nách của ngoại mà ngủ để được nghe tiếng rù rù từ trong cổ họng con, để được con cắn yêu ngoại hay dùng hai hàm răng nhăm nhăm vào cánh tay ngoại như tụi con thường nhăm bọ chét cho nhau lúc âu yếm.

 Dù các con có là ma thì cũng là cháu của ngoại, thì chúng ta cũng đã từng sống bên nhau trong gian khổ, trong thương yêu và nước mắt… để chống lại những kẻ muốn bắt các con ăn thịt, bắt các con bán cho lò mổ… để bảo vệ các con khỏi xe cán, khỏi chó dữ…

Tôi đã khấn hàng trăm lần như thế nhưng chưa bao giờ Bi hay Út trở về dù như một hồn ma. Đôi lúc tôi gặp lại hai đứa trong chiêm bao nhưng chỉ là những hình dáng mờ ảo, đứt quãng và câm lặng.

Cũng giống như mỗi lần cúng cha mẹ hay anh chị tôi, khi đã “lên” nhang đèn xong tôi bắc ghế ngồi một bên bàn thờ và uống rượi trong cái ly nhỏ. Uống chậm, để tưởng nhớ và để chờ tàn một nén hương.

Ngay lúc đó Wendy xuất hiện. Cô bé nhìn tôi rồi nhìn lên bàn thờ, thấy hình Út bên cạnh hình Bi Răng Khễnh. Và đèn đuốc thì sáng choang, khói hương nghi ngút.

-Ngoại đang làm gì vậy?

-Hôm nay là ngày giỗ Út. Ngày 19 tháng 3 dương lịch.

Wendy sững sờ nhìn tôi.

Bàn thở Út và Bi răng khễnh

-Ngày 19 tháng 3 sao?

Rồi cô gái quỳ trước mặt tôi. Khi nó ngước lên, tôi thấy hai mắt nó đỏ hoe.

-Có chuyện gì vậy?

Wendy cứ quỳ như thế một lúc. Rồi nó gục đầu vào đầu gối tôi. Nó khóc nức nở. Tôi lại hỏi:

-Có chuyện gì vậy? Gia đình con gặp chuyện gì không may sao?

Nhưng Wendy cứ khóc. Rồi nó lấy trong túi ra một cái phong bì rất đẹp, đưa cho tôi.

-Ngoại xem đi.

Đó là tấm thiệp mời tôi đi dự sinh nhật.

-Tạo sao lại như vậy? Câu hỏi của Wendy đẫm nước mắt. Tại sao vậy, ngoại? Tại sao ngày mất của Út lại là ngày sinh của con? Đó là sự ngẫu nhiên hay có đều gì thần bí? Hay giữa con và Út có mối liên hệ siêu hình nào đó? Ngoại trả lời con đi!

Tôi im lặng. Tôi không trả lời được. Nhưng từ lâu tôi vẫn tự hỏi như thế. Tôi và Wendy là hai người xa lạ, chưa hề gặp nhau, chưa hề biết nhau. Tại sao lúc tôi bị tai nạn giao thông bất tỉnh ở Đà Lạt thì Wendy đang đi siêu thị ở Sài Gòn mà chỉ trong một tích-tắc cô gái đã có mặt trong phòng cấp cứu? Tại sao Wendy lại có nhóm máu AB Rh- cực kỳ hiếm để cứu tôi thoát chết? Tại sao Wendy lại chịu cực khổ ở bên giường bệnh chăm sóc tôi suốt ba tháng trời tôi nằm một chỗ?

Tôi không trả lời được.

Và Wendy cũng không trả lời được.

*

Khi Wendy dẫn tôi xuống phòng khách thì người mẹ vội đứng dậy đưa tay cho tôi bắt.

-Anh là nhà văn Phan Vũ?

-Dạ, tôi nói. Mời chị ngồi uống nước.

Người giúp việc châm thêm trà. Người mẹ cứ nhìn tôi chăm chăm làm tôi hơi lúng túng.

-Anh không nhận ra tôi sao?

Thời gian đã làm mờ nhạt những ký ức. Và có lẽ cũng do cuộc gặp mặt quá bất ngờ. Tôi nhìn bà. Tôi chỉ biết rằng bà là một vị Bộ trưởng. Tôi không thể ngờ đó là cô sinh viên trường đại học sư phạm cách đây gần năm mươi năm.

-Tôi là Quỳnh Như. Anh không nhớ cái con hẻm bí mật bên hông trường đại học sư phạm Sài Gòn hồi tụi mình còn học năm thứ hai Ban Sử Địa sao? Lúc ấy cảnh sát dã chiến đã vây kín khuôn viên trường, chỉ để bắt  “con Việt cộng Quỳnh Như” này. Một bạn sinh viên nào đó đã bắc cái thang tre lên mái tôn của nhà ăn tập thể. Và đã giúp tôi leo lên đó. Lúc ấy anh đang chờ tôi trong con hẻm hẹp của xóm lao động, trên chiếc Honda đam. Anh nói: “Nhảy xuống đi! Nhảy lẹ lên!” Nhưng mái nhà cao quá, tôi không dám. Anh đã xuống xe, chạy đến sát mái nhà và đưa hai tay ra. Thế là tôi nhảy. Cả hai té lăn cù xuống đường giữa những cặp mắt ngạc nhiên của bà con trong xóm lao động. Cả hai đã chồm dậy, leo lên xe. Và chạy.

Anh chạy ngoắt ngoéo. Luồn lách trong cái ma trận rối mù ấy một lúc thì ra được đến đường phố mà không gặp bất cứ một tay cảnh sát nào.

Quỳnh Như ngừng nói để hớp một ngụm trà. Đến lượt tôi diễn tả tiếp kịch bản phim 007.

-Lúc ấy tôi đã bảo chị nhắm mắt lại. Giữ chặt chỗ ngồi. Vì tôi sẽ chạy rất nhanh giữa phố đông người.

Thế là tôi phóng xe bạt mạng. Từ trung tâm Sài Gòn chạy thẳng một lèo lên tới Trảng Bàng, đến một căn nhà nhỏ bên đám bắp.

Chủ nhà là một chị phụ nữ đang cho con bú. Chúng tôi trao đổi mật khẩu với nhau, thấy trùng khớp, nên tôi dắt xe vô trong sân.

Ăn cơm chiều xong tôi và Quỳnh Như đi nghỉ sớm. Sáng hôm sau cô chủ nhà mua cho mỗi người một ổ bánh mì thịt. Chúng tôi ăn sáng trong lúc chờ giao liên.

Trước 7 giờ, giao liên đến bằng xe gắn máy và đưa Quỳnh Như đi thẳng vào chiến khu Chàng Riệc (tức Trung Ương Cục Miền Nam), cách thị xã Tây Ninh 60 ki-lô-mét về phía Bắc.

6.

CÔ ÚT ĐI BỆNH VIỆN

Sang tháng thư hai Út đã có thể tự ăn được và ăn khá mạnh mặc dù thỉnh thoảng nó vẫn quay vòng vòng và đi giật lùi.

Một tuần sau, nó giữ thăng bằng tốt hơn, thỉnh thoảng chạy và nhảy, cào cấu chân ghế. Nhưng chỉ đùa giỡn được vài ba phút rồi lại ngồi thừ ra như kẻ mất hồn. Tôi phải lấy bao nylon nhử nhử trước mặt nó, cho nó chơi, nhưng cũng chỉ được giây lát rồi lại “ngồi một đống” như người bị trầm cảm.

Tôi làm đủ trò hề như nhảy tưng tưng quanh nó, đi giật lùi, bò ngang bò dọc như con cua… thỉnh thoảng nó cũng hưởng ứng đôi chút.

Út ăn uống bình thường nhưng không thấy nó đi tiêu trong nhiều ngày nên bụng chướng lên.

Bác sỹ thú y cho uống men tiêu hóa. Uống hai ngày vẫn không đi tiêu được.

Lần kế tiếp, bác sỹ xịt một thứ dung dịch gì, hình như là nước xà phòng, vào hậu môn. Xong, bỏ

Út vừa đi bệnh viên về

mèo vô lồng đem về. Giữa đường nghe mùi hôi thúi khủng khiếp, biết ngay là nó “xả kho” trong lồng.

Về nhà mở lồng ra, thấy lông nó bê bết cứt đái, lồng cũng ướt nhẹp.

Tôi phải mang găng tay bằng vải dày để tắm cho Út vì sợ nó cào chảy máu. Tuy là tắm bằng nước ấm nhưng vì tắm quá lâu nên nó lạnh. Tôi phải dùng khăn tắm lớn quấn quanh nó nhiều lớp và đặt nó trong cái rổ mây đựng trái cây.

Dỗ nó ngủ xong, phải lo đi giặt lồng mèo và phơi nắng.

*

Út chỉ “xả kho” có một lần rồi lại tiếp tục táo bón như cũ.

Tôi lo quá, chỉ sợ nó tích lũy “chất thải độc hại” lâu ngày, cái bụng chướng lên, nổ tung mà chết.

Tôi vừa lo buồn, vừa tức cười.

Ở đời, người ta chỉ mong được lên chức, lên lương, được kết nạp Đảng. Nếu đang yêu thì người ta chỉ mong được người yêu gởi cho một lá thư tình, một đóa hoa hồng. Còn tôi, mỗi sáng thức dậy là vội vàng chạy đến lồng mèo, không phải để nhận một đóa hồng hay lá thư tình mà chỉ mong được nhìn thấy một vài cục phân của Út.

*

Út đã biết vào khay cát để ị nhưng lại hay đái bậy, nhất là khi cho nó nằm trên bàn hay trên giường. Lý do là nó quá “lù đù”, sợ độ cao, không dám nhảy từ trên bàn xuống đất để đái. Báo hại tôi phải lau dọn thường xuyên.

Tôi cho nó nằm ngủ trên cái rổ lót nệm, nhưng khi mắc tiểu thì nó lại bước ra khỏi rổ, đái trên mặt bàn, làm ướt sách, giấy tờ và các vật dụng trên bàn. Có thứ không rửa được phải vứt bỏ.

Tôi đành phải cho nó nằm dưới sàn gạch bông.

Khi ngồi làm việc, nhìn nó nằm ngủ chèo queo, thấy tội quá nên bế lên bàn, cho nằm trước máy vi tính và dỗ nó ngủ. Khi nào thấy nó thức dậy và kêu meo meo là biết nó mắc tiểu, vội vàng bế nó đặt vào khay cát vệ sinh.

Khi tôi làm việc, nó thường ngủ ngay dưới chân tôi. Nó gác đầu lên chiếc dép, thỉnh thoảng lại cựa quậy hoặc liếm mấy ngón chân tôi.

 Bỗng nhiên thấy im re, nhìn xuống, mất tiêu, liếc vô góc nhà, thấy nó đang nằm ngủ trong cái… khay cát vệ sinh ướt nhẹp nước tiểu. Vậy là phải đem nó đi tắm. Vừa tắm vừa chửi rủa vì tức giận.

Nhưng khi tắm xong, thấy nó run vì lạnh, lau mình cho nó mà nó vẫn run. Tôi liền lấy cái khăn tắm quấn quanh người nó rồi ôm nó trước ngực. Nó nhắm mắt, dụi đầu vào nách tôi rên ư ử.

Nó bé mọn, mong manh như đứa trẻ con côi cút. Tôi ấp nó bằng hai bàn tay và cả hai cánh tay, cảm thấy cơ thể nó ấm dần lên. Tôi hiểu rằng lại thêm một đứa trẻ nữa cột chặt vào đời tôi.

7.

CHÀNG TRAI BELFAST

Giữa năm 2017 Wendy vừa tốt nghiệp ngành Fashion Design tại Swansea University thì được cử đi Beacons. Đó là một vùng đồi núi đẹp như tranh ở miền nam xứ Wales, những hang động và những bầy cừu hiền lành như những đám sương trắng la đà trên một vùng thiên nhiên xanh ngát.

Wendy đến Beacons để tìm hiểu về những trang phục cổ truyền của vùng núi xứ Wales, nhưng cô lập tức bị thu hút bởi những rừng cây xanh ngát và những đàn cừu đến nỗi gần như cô chỉ vẽ cừu và những sườn đồi đầy đá tảng có tạo hình vô cùng độc đáo.

Trong khi đang quay phim những con cừu đùa giỡn nhau thì có một chàng trai trong đoàn du khách đến gần.

-Cô là người Nhật?

Wendy chỉ mỉm cười. Cô hỏi:

-Anh là người xứ Wales?

-Ô, không. Tôi đến từ Belfast.

-Belfast là một thành phố rất nổi tiếng. Khi còn học high school ở Viet Nam tôi đã biết về Belfast.

-Cô biết nó như thế nào?

-Tôi biết qua truyện Gulliver’s travels của nhà văn  Jonathan Swift và tàu Titanic.

Chàng trai da trắng cười lớn.

-Tuyệt quá! Cô còn giỏi hơn tôi nữa. Tôi là dân Belfast mà tôi chưa đọc truyện Gulliver’s Travels và cũng không hề biết là tàu Titanic được đóng ở đó.

-Titanic do tập đoàn Harland and Wolff đóng vào khoảng năm 1910-1912.

-Thì ra cô sang Anh để học ngành đóng tàu?

-Ồ không. Tôi học Fashion Design.

-Cụ thể là học những gì?

Wendy xoay người, đứng đối diện chàng trai. Rất may là anh ta không “khổng lồ” như Gulliver. Một mái tóc hung và cái miệng rất dễ thương. Wendy nắm một chéo áo của mình lên và nói:

-Tôi học Graphic Design in Fashion – Contextual and Cultural Referencing – Pattern Cutting techniques – Garment Construction – Fashion Business and Marketing…

Lúc ấy có tiếng gọi từ đoàn du lịch.

Coleman! Mọi người đang tìm anh.

Chàng trai đưa tay vẫy và bắt tay Wendy.

-Tạm biệt.

Nhưng anh ta đi được mấy bước thì quay lại, đưa cho Wendy tấm danh thiếp.

-Nếu có dịp ghé Belfast, xin hãy gọi cho tôi.

Wendy cất tấm danh thiếp vào túi quần.

-Có thể tuần sau tôi sẽ đến đó.

8.

WENDY

VÀ CHÚ MÈO SHORTHAIR

Wendy đến Belfast vào chiều thứ bảy bằng đường hàng không. Đây là chuyến du lịch tự túc và không dính dáng gì tới ngành nghề của cô cả. Cô chỉ muốn viếng thăm cái nơi đã đóng con tàu Titanic huyền thoại mà cả thế giới không ai là không biết.

Thật bất ngờ là khi ăn chiều xong, trò chuyện với nhân viên tiếp tân khách sạn, Wendy mới hay là xưởng đóng tàu Harland and Wolff đã không còn nữa.

-Thế bây giờ nó là cái gì? Wendy hỏi.

-Bây giờ nơi ấy người ta đã xây lên một cao ốc 6 tầng, đặt tên là “Titanic Belfast”.

-Nhưng nó có dễ tìm không?

-Rất dễ. Vì tòa cao ốc được thiết kế rất đặc biệt. Nó có hình một ngôi sao trắng và được bọc nhôm bên ngoài.

Wendy nói cám ơn và đi lên phòng.

Lúc ấy cô nhớ đến tấm danh thiếp của Coleman. Khi đọc những dòng chữ ghi trên đó cô mới biết anh ta là giáo viên dạy môn triết tại một high school ở Belfast. Cô bật TV định xem một lát rồi ngủ, nhưng chương trình dở quá, cô nhìn sang cái điện thoại đầu giường và quyết định gọi cho Coleman. Anh ta bắt máy ngay lập tức.

-Allô! Coleman à l’appareil. Bonsoir.

Wendy nói:

-Hello Séamus! I have just arrived Belfast. Would you please meet me now?

Thế là anh ta lái xe tới khách sạn rước Wendy.

-Mình sẽ đi uống cà phê tại một khu phố cổ, nơi mà cuối thập niên 1950 thường xuyên xảy ra những cuộc khủng bố của IRA.

-Tại sao anh lại đưa tôi đến nơi ấy?

-Để cô hiểu rằng quê hương tôi từng hứng chịu những cuộc xung đột vũ trang liên miên giữa những người theo đạo Thiên Chúa và những tín đồ Tin Lành.

Wendy chăm chú lắng nghe. Cô hỏi:

-Thế anh là người Thiên Chúa hay Tin Lành?

-Tôi theo đạo Thiên Chúa.

-Như vậy có nghĩa là sáng mai chủ nhật, anh phải đi nhà thờ?

-Thường là như vậy. Nhưng cô có cần tôi đưa đi đâu không?

-Tôi muốn đi tham quan Titanic Belfast.

-Cũng được. Sáng mai chúng ta đi, vì sẽ có nhiều điều thú vị lắm. Khách nước ngoài mỗi khi đến Belfast đều phải viếng nơi đó. Hiện nay, với công nghệ kỹ thuật số, người ta đã tái hiện cả con tàu Titanic ảo, và nhiều chứng tích lịch sử sinh động vô cùng.

-Cám ơn anh. Nhưng còn buổi lễ nhà thờ thì sao?

-Tôi sẽ đi lễ vêpres.

Wendy có vẻ không hiểu từ tiếng Pháp này. Coleman giải thích bằng tiếng Anh:

-Ceremony celebrated in the afternoon.

Coleman đậu xe trong cái sân lát đá trước một quán ăn nhỏ nhưng ấm cúng. Anh chàng đưa thực đơn cho Wendy. Cô xem một lát, thấy có nhiều món khác lạ so với Swansea nên cô đưa nó cho Coleman. Anh lật mấy trang rồi nói:

-Cô có thích ăn thử một món khai vị không?

-OK. Anh gọi đi.

Coleman gọi một dĩa moule hấp gừng.

Wendy bốc một con, nếm thử.

-Cô thấy sao?

-Ngon lắm. Giống hệt con chem chép của Việt Nam, chỉ khác cái màu vỏ đen tuyền như than đá.

Ngay lúc ấy có một người đàn bà da trắng bước vào, trên tay bế con mèo lông ngắn, đen mượt. Coleman kêu lên:

-Ô! Nó bự quá!

Wendy nói:

-Đó là giống British Shorthair lai Ai Cập. Ở Việt Nam mèo đen gọi là “mèo mun”.

Mèo shorthair

-“Me-ao moule”? Coleman hỏi giọng lơ lớ.

-Ừ. “mun” là “black”. Wendy nói và cầm một con chem chép lên. Chữ “mun” có nguồn gốc từ cái con moule này đây.

-Nhưng “moule” là tiếng Pháp mà.

-OK. Vì người Pháp đã đô hộ Việt Nam 100 năm nên trong tiếng Việt có chừng 10% là tiếng Pháp. Và chắc anh không ngờ là có đến 50% là tiếng Chinese.

-Ô! Sao nhiều vậy?

-Vì họ đô hộ chúng tôi đến 1.000 năm!

Coleman trố mắt nhìn Wendy:

-Ô! Cô đúng là một nhà ngôn ngữ học.

Đột nhiên có tiếng chó sủa ồm ồm như cọp rống. Và một tia chớp màu nâu từ phía trong bay xẹt qua chỗ Wendy ngồi. Cô gái đứng bật dậy. Chú mèo mun British Shorthair của quý bà lúc nãy đang treo toòng teng trên màn của sổ. Dưới đất là một tên “Đức quốc xã” thuộc giống Affenpinscher đang nghểnh mõm lên sủa dữ dội, tiếng nó ồm ồm như cọp rống làm các thực khách hoảng sợ.

Wendy bình thản bước tới gần chiếc màn cửa. Cô đưa hai tay về phía con mèo mun đang run rẩy vì khiếp đảm. Chú mèo liền thả người xuống, nằm gọn trong lòng cô gái.

Rất nhanh, con chó Affenpinscher phóng đến chụp Wendy. Lúc ấy cô gái đang cúi đầu xuống hôn lên trán chú mèo mun. Và thậm chí cô còn không có ý định né tránh cú vồ dữ dội của con chó dữ, khiến các thực khách đều sợ hãi la lên. Nhưng rồi mọi người chỉ thấy con chó khổng lồ lộn mấy vòng, đập mạnh vào cánh cửa sổ làm kính vỡ tung tóe, rơi loảng xoảng xuống nền nhà.

Con Affenpinscher bị bắn ra ngoài sân, vừa chạy vừa la ăng ẳng.

Coleman cũng vừa đến bên Wendy.

-Cô có sao không? Anh ta hỏi và vén tóc Wendy để xem có vết thương nào không. Nhưng cô gái chỉ cười, trao chú mèo cho Coleman.

-Hãy đem trả lại cho chủ nó đi, và bảo bà ta đừng bao giờ đem thú cưng vào quán ăn nữa.

9.

CHUYỆN BẤT NGỜ

KHI ĐI LỄ CHIỀU

Wendy và Coleman ăn sáng ở Subway trước khi đi tham quan Titanic Belfast. Họ đến nơi lúc 9 giờ 25 phút. Sáng chủ nhật khách tham quan khá đông nhưng Wendy không phải chen lấn vì cô chỉ thích xem những đoạn phim 3D kỹ thuật số tái hiện cảnh tàu đang chìm. Tuy nó có những điểm khác với phim điện ảnh nhưng các sự kiện sinh động hơn, gây xúc động mạnh hơn.

Soleman móc điện thoại ra và kéo tay Wendy đến cạnh một bức tranh lớn. Anh ta nói:

Đây là tàng băng đã làm chìm tàu Titanic

-Đây là tấm hình không thể thiếu khi tham quan nơi này.

Wendy nhìn thấy một tảng băng khổng lồ. Người hướng dẫn du lịch thuyết trình:

-Tàu Titanic đã đâm vào tảng băng này lúc 10 giờ 20 ngày 14/4/1912 khiến 1.522 người chết. Bức ảnh này đã được thuyền trưởng Wood của tàu SS Etonian chụp một cách tình cờ, cách đây 108 năm, tại tọa độ 41,50 độ Bắc và 49,50 độ Đông, trước khi nó gặp tàu Titanic hai ngày sau đó. Điều quan trọng, là tọa độ này trùng khớp với địa điểm tàu Titanic bị nạn.

Soleman bấm máy lia lịa. Nhưng những du khách khác cũng bắt đầu chen lấn để có một bức hình kỷ niệm, khiến anh và Wendy bị xô dạt ra.

-Thôi về! Soleman nói và kéo Wendy thoát ra khỏi đám đông.

Toàn cảnh Titanic Belfast

Chiếc Mustang mui trần của anh ta chạy chậm dọc theo bờ biển cho Wendy ngắm toàn cảnh khu vực Titanic Belfast từ xa. Biển phẳng lặng và đầy nắng. Wendy hỏi:

-Tại sao khi hạ thủy, những kỹ sư đóng chiếc Titanic thuyên bố rằng :”Đây là một chiếc tàu không thể chìm “ thế mà nó lại chìm ngay chuyến hải hành đầu tiên.

-Người ta đổ lỗi cho đêm tối, không nhìn thấy tảng băng, nhưng các chuyên gia sau này khi khảo sát xác tàu thì cho rằng các “đinh tán” có chất lượng kém nên không chịu nổi sức va đập quá lớn.

Ba giờ chiếu, họ ra khỏi khu du lịch và hướng về nhà thờ, nơi Coleman sẽ dự lễ chiều. Anh ta hỏi Wendy:

-Em có thích tham dự thánh lễ với anh không?

-Cũng được. Nhưng em không biết đọc kinh, thậm chí không biết làm dấu thánh.

-Thì em cứ im lặng. Người ta đứng thì mình đứng, người ta ngồi thì mình ngồi. Người ta quỳ thì mình quỳ. À, mà em chỉ cần nhớ câu này để khi người đứng bên cạnh chúc em thì em cũng chúc như vậy.

-Chúc như thế nào?

-“Peace be with you”. OK?

Wendy gật gật. Ngay khi ấy cô nhìn thấy có một vật gì màu đen đang ngọ ngoạy trên mặt đường, trước đầu xe.

-Dừng lại! Dừng lại! Wendy la lớn.

Soleman đạp thắng rất gấp. Wendy thoát ra khỏi xe, chạy đến.

Đó là một con mèo mun chừng 3 tháng tuổi bị gãy chân và đang cố gắng lếch vô lề đường. Cô vuốt đầu nó một lúc cho nó bớt sợ rồi bế nó lên.

-Meo meo! Đừng sợ. Chị sẽ đưa em đi bệnh viện.

Rồi cô ủ nó trước ngực, đi nhanh lại phía xe.

-Em định làm gì vậy?

-Phải đưa nó đi thú y gấp. Có bệnh viện nào gần đây không?

Soleman kêu lên:

-Ngực áo em dính đầy máu kìa! Bỏ nó lên lề đường đi!

-Nhưng nó đang cần được chữa trị. Nó sẽ chết đấy. Chết vì mất máu.

Soleman coi đồng hồ:

-Chỉ còn 15 phút nữa là thánh lễ bắt đầu. Chúng ta không có thì giờ. Anh bảo em bỏ con mèo trên lề đường. Sẽ có người khác lo cho nó. Còn chúng ta thì phải đi lễ. Chúng ta không có thì giờ.

Nói xong Soleman nhoài người, mở của xe.

-Em xuống đi.

-Nếu anh không đưa mèo đi bệnh viện thì em sẽ đi một mình. Anh cứ đi lễ đi!

Wendy bước ra khỏi xe. Vẫn bế con mèo trước ngực, cô đi bộ về hướng ngược lại. Soleman lùi xe rất nhanh. Anh ta nói:

-Đừng có bướng! Nếu em cũng là một con chiên như anh thì em sẽ chọn Chúa hay chọn con mèo?

Wendy vẫn tiếp tục bước và Soleman cũng tiếp tục lùi xe theo cô gái. Wendy chợt dừng lại, nhìn vào cửa xe đang mở.

-Hãy đem câu hỏi đó hỏi Chúa Giê-su đi. Xem ngài sẽ trả lời thế nào.

-Tất nhiên là Chúa sẽ bảo anh đi lễ.

-Không đúng! Chúa sẽ đến trước mặt em và nói: “Con hãy đưa mèo cho ta bế. Và ta sẽ chữa lành vết thương cho nó ngay tức khắc.”

Một chiếc taxi đang chạy tới. Wendy đưa tay đón nhưng nó đang chở khách nên không dừng lại. Wendy rút điện thoại, tra tìm địa chỉ bệnh viện thú y gần nhất rồi bước rất nhanh.

Soleman quay đầu xe, định chở Wendy đến bệnh viện rồi sẽ trở lại nhà thờ. Nhưng khi anh ta quay được đầu xe thì Wendy đã đi khá ra. Soleman vọt xe tới những không tài nào đuổi kịp cô gái mặc dù cô ta đang đi bộ.

Đèn đỏ ở ngả tư đã chặn anh ta lại. Còn Wendy thì vẫn thản nhiên bước qua đường giữa dòng xe cộ đang lao vun vút.

Và tan biến như một vệt khói mờ.

10.

CHÚA GIÊ-SU,

WENDY VÀ SOLEMAN

Soleman xong lễ chiều lúc 5 giờ. Anh lái xe về nhà để nghe cái đĩa nhạc của nhóm BlackPink Hàn Quốc đang rất nổi tiếng tại châu Âu mà một người bạn mới tặng trong sân nhà thờ và hết lời khen ngợi.

Khi cầm chiếc đĩa định cất vào cốp xe thì khuôn mặt của cô ca sỹ Kim Jisoo làm anh nhớ tới Wendy vì hai người có nét giống nhau. Rồi hình ảnh chú mèo con chảy máu đầm đìa trên ngực áo Wendy làm anh hốt hoảng.

Có lẽ giờ này Wendy vẫn còn ở bệnh viện vì ca phẫu thuật ghép xương chân cho chú mèo chắc là rất phức tạp, phải mất vài tiếng đồng hồ, rồi lại phải chờ cho nó tỉnh lại, chuyển sang phòng hồi sức thì Wendy mới xong việc được. Mà không chừng cô phải ở lại với nó tới tối. Chắc là Wendy giận mình lắm.

Soleman gọi điện cho Wendy để biết địa chỉ và quay xe về hướng đó.

Nhưng khi anh ta đến nơi thì bệnh viện vắng tanh. Phòng phẫu thuật đóng cửa. Phòng hồi sức đóng cửa. Chỉ phòng cấp cứu thì vẫn có người trực.

Soleman nhìn quanh, không thấy Wendy đâu. Anh chạy suốt những dãy hành lang bệnh viện nhưng vẫn không gặp cô. Cuối cùng Soleman ra phía sân sau thì thấy Wendy đang ngồi im trên ghết đá.

-Wendy! Mèo sao rồi?

Im lặng. Và cũng không nhúc nhích nữa.

-Anh đến để đưa em về.

Wendy vẫn không thèm quay lại nhìn. Soleman đến sát chỗ ngồi thì thấy con mèo đang nằm trên đùi cô gái.

-Phẫu thuật xong chưa? Soleman hỏi và ngồi xuống một bên.

Wendy nhắm mắt lại. Câu nói của cô đến từ một cõi nào đó rất xa lạ vì hai môi cô không hề mấp máy.

-Nó chết rồi.

-Để anh đi làm thủ tục thiêu xác.

-Không được.

-Tại sao?

-Vì tôi đang chờ Chúa Giê-su.

Soleman đưa hai tay lên trời.

-Em lại làm khó anh rồi. Anh sẽ lo mọi chi phí.

Lúc này Wendy mới chịu quay mặt lại nhìn thẳng vào Soleman:

-Anh không có đức tin sao?

-Sao hỏi vậy?

-Vì anh có vẻ không tin rằng tôi đang chờ Chúa Giê-su.

-Sao Ngài có thể đến với chúng ta được.

Nhưng ngay lập tức Giê-su hiện ra, ngồi cạnh Wendy. Soleman kinh hãi, sụp xuống lạy. Nhưng Wendy thì vẫn bình thàn. Cô trao con mèo chết cho Đấng cứu thế.

-Ngài đã từng cứu người chết sống lại. Sá gì một chú mèo con?

Giê-su làm dấu thánh, ban phước lành rồi đưa hai bàn tay mềm mại của Người ra, đón nhận chú mèo.

Chúa Giê-su nói:

-Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng. Xin Cha hãy tiếp nhận tấm linh hồn nhỏ bé này về nước Trời cùng các thiên thần. Amen.

Soleman nghe rất rõ từng lời của Chúa nhưng anh không dám ngẩn đầu lên, cứ quỳ mọp dưới cỏ. Khi anh ta thấy chung quanh im lặng quá thì mới ngước nhìn.

Trên ghế đá chỉ còn mỗi mình Wendy.

Chúa Giê-su và chú mèo con đã biến mất.

Soleman làm dấu thánh:

-Tạ ơn Chúa đã cứu vớt một linh hồn trẻ thơ tội nghiệp. Amen.

11.

WENDY, EM LÀ AI VẬY?

Khi đã ngồi vào xe, Wendy nói:

-Cho em về khách sạn.

-Anh thấy em có vẻ rất mệt mỏi, hay là ta đi ăn tối em nhé?

Wendy tựa ngửa vào ghế, lim dim mắt.

-Cũng được. Em muốn đến Loteria.

Vừa đói vừa mệt, Wendy chỉ muốn ăn nhanh rồi về ngủ. Soleman chọn mexicana. Trông anh ta có vẻ bồn chồn.

-Wendy này. Có phải lúc nãy Chúa đã hiện ra bên em thật không?

-Hình như anh bị chứng hoang tưởng. Sao lại có chuyện đó được.

-Không đâu. Đó là thực tế. Chính tai anh nghe giọng nói của Người, Và khi anh quỳ xuống bãi cỏ, anh còn nhìn thấy hai bàn chân của Người có dấu đinh đóng đã thành sẹo.

Wendy vẫn lim dim mắt

-Có lẽ anh nên đi gặp bác sỹ.

-Ối trời! Em tưởng anh điên hả?

-Biết đâu đấy

-Thế con mèo đâu? Chẳng phải là Chúa đã đưa nó về nước Trời sao?

Wendy im lặng. Soleman không rời mắt khỏi Wendy. Có vẻ như anh ta đang lựa lời nói một cách thận trọng.

-Gia tộc anh mấy đời tin Chúa. Bản thân anh đã thờ lạy Người từ khi còn là một đứa bé lên năm, nhưng chưa hề một lần anh được nhìn thấy Chúa hiện ra bằng xương bằng thịt. Vậy mà một người ngoại đạo như em lại làm được điều ấy. Em là ai vậy?

-Là Wendy. Hai mươi ba tuổi. Người Việt Nam.

-Còn việc này nữa. Sao em có thể đi xuyên qua dòng xe cộ đang chạy vun vút trên đường phố với con mèo gãy chân ôm trước ngực, một cách bình thản, nhẹ nhàng như một làn khói. Em là ai vậy?

-Là Wendy. Hai mươi ba tuổi. Người Việt Nam.

Soleman cúi đầu rất lâu. Rồi đột ngột đứng dậy.

-Anh xin lỗi em nhé.

-Chuyện gì?

-Em… em có thể cho anh xem passport được không?

-Anh là cảnh sát hình sự hả? Sao hôm trước anh khoe là giáo sư dạy triết học. Wendy vừa nói vừa móc passport ra, nhưng Soleman ngăn lại.

-Thôi khỏi! Anh xin lỗi. Anh thật thô lỗ. Đừng giận nhé.

-Không giận nhưng chỉ buồn cười. Tại sao anh lại nghĩ em là người ngoài hành tinh? Vậy hóa ra Chúa Giê-su cũng là người ngoài hành tinh à?

-Xin lỗi! Anh sai rồi!

Wendy bật cười.

-Nhưng bây giờ thì em lại muốn hỏi anh: Anh nghĩ em là ai?

-Thực ra thì…

-Thì sao?

-Thì anh đang cố lý giải vấn đề bằng triết học. Đúng ra là bằng tâm-phân-học. Tiếng Anh gọi là psycho-analysis.

-Nhưng tâm-phân-học có liên quan gì tới Chúa Jésus?

-Anh không đề cập đến Chúa nữa. Anh chỉ nói về những con mèo.

-Mèo nào?

-Con Shorthair ở quán ăn khuya và chú mèo con bị gãy chân. Chẳng phải là em đã cứu chúng nó mà không hề nghĩ tới bản thân mình sao? Khi ở trong quán, em có thể chết vì con chó khổng lồ. Và khi băng qua đèn đỏ ở ngã tư em có thể chết vì dòng xe đang chạy với tốc độ rất cao. Cái gì đã thôi thúc em làm như vậy?

-Theo anh thì đó là cái gì?

-Đó là sự can thiệp của vô thức. Trong quá khứ chắc chắn em và một con mèo nào đó có mối quan hệ tình cảm rất gắn bó. Tình cảm ấy cộng với nhiều ký ức sâu đậm, đã hằn in trong vô thức của em nhưng em không hề biết. Chỉ khi nào em xúc động, hoặc lâm vào một tình huống khẩn cấp… thì vô thức ấy mới được kích hoạt và nhảy ra can thiệp, điều khiển những lời nói, những hành động.

Một triết gia người Áo là Sigmund Freud đã bỏ nhiều năm nghiên cứu về những tác động của vô thức lên ý thức, và gọi công trình nghiên cứu của mình là psycho-analysis, tức là “tâm-phân-học”. Ông ta nói: “Ý thức chỉ là sân khấu để cho vô thức thể hiện vai diễn của mình”.

Wendy ôm mặt cười.

-Em chưa từng nuôi một con mèo nào như vậy.

-Thế thì không thể lý giải được những hành động khác thường của em. Còn “siêu” hơn cả Halle Berry.

-Vậy chắc em là một “Miêu Nữ” rồi. Có phải anh đang nghĩ như vậy không?

-Anh nói đùa cho vui vậy mà. Em đã xem phim “catwoman” chưa?

-Rồi. Nếu được mời, em sẽ diễn xuất hay hơn Halle Berry.

Nói xong Wendy cầm lấy túi xách và đứng dậy.

12.

CÔ ÚT THÈM SỮA MẸ

Tôi hỏi Wendy:

-Sau đó, hai người có gặp lại nhau không?

-Dạ có. Vì người Ireland rất hiếu hòa. Coleman cũng dễ tính.

-Thế con mèo bị gãy chân thì sao?

-Nó chết, ngoại ạ. Nó đã mất quá nhiều máu mặc dù lúc đó con “bay” tới bệnh viện gần như tức thì. Nhưng nó đã kiệt sức. Trụy tim và chết. Thế còn Út? Bệnh tình của nó như thế nào?

-Khi ngoại chữa xong bệnh viêm tai giữa và táo bón cho Út thì người nó nổi đầy hạch. Những cục hạch lớn bằng trái tắt, nổi cộm dưới da, cứng ngắt.

Bác sỹ chọc ống tiêm vào cục hạch để rút dịch ra nhưng không có dịch. Không biết nó là cái gì.

“Thế bác sỹ chưa gặp trường hợp này bao giờ sao?”

“Chưa. Thường thì phải có mủ hoặc một thứ dịch gì đó”.

“Tôi cho rằng chỉ là những abcès do tiêm chích nhiều quá”.

Bác sỹ nói: “Nhưng vì nguyên nhân nào thì chúng cũng là những ổ vi trùng. Phải tiếp tục tiêm kháng sinh”.

Nghe vậy, ngoại bế Út đặt vô lồng.

“Nó đã chích kháng sinh quá nhiều. Nó bị rối loạn tiêu hóa. Nó bỏ ăn đã một tuần nay. Bộ bác sỹ muốn cho nó chết đói hả?”

Bác sỹ bỏ đi. Ngoại ôm cái lồng mèo vô đứng trong xó vì người đông quá, chó sủa, mèo kêu inh ỏi. Sau một hồi suy nghĩ ngoại quyết định đem Út về.

Lồng mèo máng trước tay lái, vừa chạy xe vừa suy nghĩ xem có cách nào cho Út ăn.

Một chiếc mô-tô cảnh sát giao thông từ phía sau vọt tới, ép ngoại vô lề.

“Cho coi giấy tờ xe. Bằng lái.”

“Tôi vi phạm gì vậy?”

“Vượt đèn đỏ”

Ngoại móc hết giấy tờ đưa ra, nhưng anh ta chỉ giữ bằng lái và giấy đăng ký xe. Rồi anh ta viết những thứ nhăng nhít gì đó trong tờ biên bản và đưa cho ngoại ký.

“Chúng tôi sẽ tạm giữ chiếc xe và giấy tờ. Một tháng sau ông đến địa chỉ ghi trong biên bản để nộp phạt và nhận xe về.”

Lúc ấy ngoại mệt ra rời, vói tay xách cái lồng mèo, ôm trước ngực rồi bỏ đi. Không nói một lời.

Ngoại đi được một đoạn ngắn thì nghe tiếng mèo kêu và tiếng nó day trở sột soạt. Ngoại sợ nó chết nên ngồi xuống, tựa lưng vào bức tường của một căn nhà phố cũ kỹ.

Khi mở cửa lồng ra, thấy Út nằm bẹp dí, nhắm mắt. Nó tóp khô như một xác chết. Ngoại đặt bàn tay lên lưng nó, thấy lạnh ngắt. Ngoại hoảng hồn, bế nó ra khỏi lồng, ủ nó phía trong ngực áo để truyền chút hơi ấm. Nó kêu meo meo và dụi mặt lên ngực ngoại. Con biết nó làm gì không?

Nó tìm cái núm vú. Nó không biết rằng ông ngoại chỉ là một lão già ốm nhách. Thế mà nó vẫn tìm được cái núm. Nó ngậm lấy. Và núc.

Có lẽ trên cõi đời này chỉ mình ngoại biết cái cảm giác đó.

Lưỡi mèo rất nhám nên những cái núc tuy yếu ớt nhưng cũng làm ngoại đau rát. Nhưng ngoại không dám động đậy vì núm vú của đàn ông quá nhỏ, dễ tuột ra khỏi miệng. Ngoại cứ ngồi im, tay phải thì ôm mèo, tay trái thì giữ đầu của nó cho khỏi tuột ra khỏi núm vú da.

Còn Út thì cứ núc một cách tuyệt vọng.

Ngoại thì khóc ròng vì biết rằng mình sẽ không có được một giọt sữa nào để cho nó.

Út nhả cái núm ra rồi ngước mắt nhìn, cái nhìn như một dấu hỏi đầy thất vọng.

Ngoại bỏ mặc cái lồng mèo ở chân tường, cứ ôm Út trước ngực mà chạy. Ngoại chạy tìm chỗ bán sữa. Vừa chạy vừa khóc hu hu như đứa trẻ con lạc mất mẹ.

Rất may, ngoại gặp một trạm thú y tư nhân.

“Cháu có bán Vinamilk không?”

Cô nhân viên nói:

“Không cho mèo con uống sữa của người được đâu chú. Vì nó sẽ bị tiêu chảy. Cháu có loại sữa dành riêng cho mèo con.”

Và cô gái lấy chai sữa ra.

“Cháu giúp chú cho bé uống. Nó yếu lắm rồi. Không khéo nó sẽ chết đấy.”

Cô nhân viên nhìn đôi mắt đỏ hoe của ngoại, có vẻ cảm nhận được tình huống nguy cấp, nên liền lấy ra một ống tiêm bằng nhựa, tháo bỏ cây kim đi rồi bơm sữa vào miệng mèo.

Út uống từng ngụm, từng ngụm nhỏ.

Ngoại mừng quá. Ngoại muốn quỳ xuống đất mà lạy cô gái ấy. Tự nhiên trong đầu ngoại bật ra một câu hỏi:

“Có cách nào cho mèo ăn bằng ống tiêm này không?”

“Có chứ. Con sẽ cho bác một ống tiêm lớn. Bác về khoét cái lỗ gắn cây kim rộng thêm ra bằng đầu đũa. Xong bác nhét loại thức ăn sệt sệt vào phía sau ống tiêm rồi bơm vào miệng bé, giống như lúc nãy con cho bé uống sữa vậy.”

Nói xong cô gái đưa cho ngoại mấy bịch patê cá ngừ.

“Đây là loại thức ăn sệt, bác cứ theo cách con hướng dẫn, cho bé ăn ngày 3 lần. Cái bịch patê này bác chia làm 3 là vừa. Nhớ bơm thức ăn vào thật chậm và hướng ống tiêm vào vòm miệng trên của mèo để thức ăn khỏi lọt vào khí quản. Bác nhớ nhé.”

Quá đơn giản. Nhưng cũng rất hiệu quả. Út ăn patê và đi tiêu tốt. Ba ngày sau nó đứng dậy được. Một tuần sau, các cục hạch biến mất dần. Một tháng sau thì hạch hoàn toàn biến mất mà không cần uống một thứ thuốc nào.

Tuy nhiên nó vẫn không linh hoạt như những con mèo bình thường. Nó cứ im thin thít. Ngoại nghĩ đó là triệu chứng của bệnh trầm cảm. Nó thường ngồi im một chỗ trong nhiều giờ. Buổi sáng, ngoại cho nó ăn xong thì bế nó đặt trên ghế sofa. Nó ngồi nhìn vào vách, giống như ni cô ngồi thiền. Lát sau thì lăn ra ngủ. Ngủ tới chiều.

Đôi khi ngoại đặt nó ở giữa cầu thang và khuyến khích nó chạy xuống nhưng nó cứ ngồi một đống

Ngoại tức mình, bỏ đi. Rồi quên nó. Ngoại ngồi làm việc tới chiều. Khi xuống bếp ăn cơm thì vẫn thấy nó ngồi nơi cầu thang. Không nhúc nhích.

Ngoại lại tìm bác sỹ. Ông ta nói:

-Ở Việt Nam không có bệnh viện nào chữa bệnh trầm cảm cho mèo nên tôi không có thuốc đặc trị.

13.

CUỘC “LẤN SÂN”

ÂM THẦM CỦA ÚT

Không có thuốc đặc trị bệnh trầm cảm cho mèo? Vậy thì tôi sẽ chữa bằng cách khác.

Mỗi ngày tôi ẵm bế Út thường xuyên hơn. Khi làm việc, tôi đặt Út nằm trước màn hình vi tính, vuốt ve, ôm ấp, thủ thỉ.

Nuôi mèo nhiều năm, tôi biết mèo rất thích nghe những lời thủ thỉ. Bạn có thể nói những câu đơn giản mà nó đã thuộc và hiểu như: “Nhảy lên bàn!” “Tránh qua bên cho ngoại làm việc” “Nằm xuống!”… nhưng bạn cũng có thể nói bất cứ điều gì, kể cả những lời dặn dò dài dòng, những khuyên bảo rắc rối, thậm chí bạn có thể kể chuyện cổ tích cho nó nghe. Chắc là nó không hiểu nhưng nó vẫn thích, nhất là vừa thủ thỉ vừa vuốt ve, ôm ấp. Sự thích thú của nó thể hiện qua những tiếng “meo” rất nhỏ, hoặc những tiếng “rù… rù…” trong cổ họng.

Đó là phương pháp trị liệu tôi tự nghĩ ra.

Chưa đầy một tháng Út đã trở nên linh hoạt hơn  nhiều. Thay vì nằm im cho tôi vuốt ve thì nó thường cắn nhẹ vào cổ tay tôi, rồi liếm lòng bàn tay tôi. Những lúc ấy nó nằm trên bàn, ngay trước ngực tôi. Tôi kéo có sát vào ngực, ủ nó bằng hơi ấm của mình. Nó “meo” lên một tiếng nhỏ và nhắm mắt lại.

Tuy vậy, nó vẫn chưa kiểm soát được tiểu tiện. Nhiều khi “mót” quá, không kịp nhảy xuống đất, nó vẫn đái trên bàn.

Chính vì chuyện “đái bậy” ấy mà tôi không thể cho nó ngủ chung trên giường cùng với Mướp, Vừng và Xíu. Đái trên bàn, còn dễ lau. Đái trên giường, thấm xuống nệm, phiền phức gấp trăm lần.

Buổi tối, khi thấy má Hai Xíu, cậu Ba Vừng và anh Mướp lên giường nằm cạnh ông ngoại, Út thèm muốn lắm nhưng tôi không thể chiều nó được. Tôi kéo cái ghế sát bên giường, đặt nó nằm lên đó, gần bên ông ngoại cho “đỡ ghiền”. Nó không thể hiểu vì sao tôi lại phân biệt đối xử với nó như vậy vì tôi không thể giải thích chuyện nó đái bậy bằng tiếng Việt hay tiếng Anh tiếng Pháp được, còn “tiếng Mèo” thì tôi chỉ biết có mỗi một từ “meo”.

Qua một đêm, sáng ra thấy Út vẫn nằm im trên ghế mặc dù nó đã thức dậy. Các bậc tiền bối của nó thì đã cào cửa đòi ra khỏi phòng từ hồi nửa đêm. Chỉ mình Út thì không muốn xa ông ngoại.

Sang đêm thứ hai, tôi vẫn kê cái ghế sát bên giường và đặt Út nằm lên đó. Út không dám cãi, cứ nằm im một lúc thì ngủ. Hai giờ sáng, tôi thức giấc thì thấy một nửa người của nó đã trườn qua giường. Và nó đang ngủ say. Thôi, vậy cũng được. Nếu có đái thì chỉ ướt cái ghế gỗ.

Đến đêm thứ ba, nửa khuya tôi thức giấc, thấy Út đã lén bò qua giường từ lúc nào. Nhưng nó chỉ dám nằm dưới chân tôi. Chèo queo. Lẻ loi. Côi cút. 

Tôi không nỡ đuổi. Tôi rón rén ngồi dậy uống nước. Khi nằm xuống giường, tôi nghĩ: Nếu lỡ nó đái thì sao?

Út nằm ngủ trên ghế

Có lần tôi đã phải mướn hai chú thợ hồ lên phòng, khiêng tấm nệm nặng gần trăm ký lên sân thượng phơi nắng hai ngày mới khô. Vậy có nên bế nó đi chỗ khác không?

Tôi ngồi dậy. Nhưng khi thấy nó nằm co ro, khép nép dưới chân mình, chèo queo như đứa trẻ mồ côi, tôi chảy nước mắt. Tôi vuốt nhẹ lên đầu nó, rồi thủ thỉ:

-Tôi nghiệp con. Để ngoại ôm cho con ngủ.

Rõ ràng là nó hiểu câu nói ấy. Nhưng nó cứ làm như đang ngủ say mà người thì buông lỏng, nhắm mắt, mặc tình cho tôi bế nó lên tay và đặt nó sát vào sườn bên trái của mình.

Chỉ vài giây sau, nó trườn tới và rúc vào nách tôi, rên “rù rù…” một lúc, rồi ngủ say tới sáng.

Sáu giờ tôi thức dậy. Út vẫn ngủ say. Có lẽ đó là giấc ngủ thần tiên nhất trong đời nó.

Tôi rờ rẫm chung quanh chỗ nó nằm, thấy khô ráo nên quyết định cứ để nó ngủ tiếp.

Ngày hôm đó Út linh hoạt hẳn. Nó chạy giỡn với má Hai và cậu Vừng, anh Mướp, lên xuống cầu thang như bay.

Thế là tôi quyết định cho nó ngủ chung giường.

Tuy nhiên, để cho chắc ăn, tôi ra phố mua một tấm ny-lông dày, dài 2,5m, rộng một mét, bọc nửa cái giường. Bọc chồng lên trên tấm drap. Đó sẽ là chỗ ngủ của Út mỗi đêm, để lỡ nó có đái thì không thấm xuống nệm.

Đêm hôm sau, mọi việc suôn sẻ.

Đêm thứ hai cũng an toàn.

Nhưng đêm thứ ba…

Chỗ nằm riêng của Út trên giường Ngoại

Út cũng không đái. Nhưng hình như nó không thích tấm ny-lông đó. Nó cắn nham nhở quanh chỗ nó nằm. Tôi trừng mắt nhìn nó, nó quay mặt đi.

-Tại sao con lại cắn nát tấm ny-lông?

Nó nhìn tôi, một cái nhìn vừa buồn vừa sợ hãi, như thể nó muốn nói: “Con chỉ muốn rúc vào nách ông ngoại mà ngủ thôi.”

Một mơ ước nhỏ nhoi như vậy của một đứa trẻ mồ côi, sao tôi có thể từ chối được?

Từ đó, tối nào tôi cũng ôm nó ngủ. Và nó không đái bậy nữa.

14.

CHIA LÌA

Tôi thực sự không muốn viết chương này. Và  không bao giờ ngờ rằng có ngày mình phải viết những dòng đau xót này.

Sau bảy tháng chữa trị gian nan và đầy âu lo, đầy nước mắt, Út đã bình phục, trở thành một cô gái xinh đẹp, một đóa lan đen của rừng già Châu Phi huyền thoại. Vậy mà hai ông cháu chỉ sống với nhau có hơn một năm nữa thì Út ra đi.

Có thể nói tôi là người mẹ thứ hai đã sinh ra Út. Bé biết điều đó nên nó rất thương tôi và tôi cũng thương nó như con ruột.

Bây giờ mất nó, tôi thực sự đã mất một đứa con yêu quý.

Tôi khóc đã cạn nước mắt.

Trong nhà tôi, trong phòng riêng của tôi, chỗ nào cũng có hình bóng Út: nơi nó nằm, nó ngồi, nó ăn, nó đùa giỡn, nó rúc vào nách tôi, nó nằm dưới chân tôi, nằm trên bàn làm việc…

Út hòa tan vào cuộc sống tôi, vào không khí tôi đang thở. Út như dải sương mù trùm lên tâm trí tôi, vĩnh cửu và bất tận. Tôi mất khả năng suy nghĩ và tê liệt cảm xúc. Tôi thất lạc tôi giữa vô định.

Tôi sẽ phải đau khổ đến bao giờ! Sẽ có thể chịu đựng nổi sự mất mát này đến bao giờ?

Suốt ngày tôi phải nhủ lòng: Đừng chết! Ráng sống để bảo vệ Xíu, Vừng, Mướp và đàn mèo hoang vẫn chờ đợi tôi mỗi tối. Nếu tôi ngã bệnh hoặc chết thì những đứa trẻ tội nghiệp kia sẽ ra sao trước cuộc đời tàn nhẫn, trước những con người vô cảm và độc ác đầy dẫy ngoài xã hội?

Xin ơn trên hãy cho tôi sống sót để góp một bàn tay che chở những sinh linh nhỏ bé, đơn độc, yếu ớt đang lầm lũi sống trong bể khổ trầm luân, tàn nhẫn, man rợ diễn ra hàng ngày và bất tận trên mặt đất lạnh lẽo này.

*

Wendy ơi! Con nghĩ sao về một đứa bé mới hai tuổi, vừa trải qua bảy tháng trời giành giựt mạng sống với tử thần và chỉ mới sống bình yên được với ngoại có hơn một năm thì bỗng nhiên rơi vào tay bọn trộm, bị ném vào một địa ngục xa lạ, chung chạ với những bé mèo khác đang chờ bọn đồ tể hành quyết?

Hôm đó là ngày 19 tháng 3. Đúng vào sinh nhật của con. Sự trùng hợp đó là một dấu hỏi lớn, nó đã làm con khóc khi ở tiệc sinh nhật về thăm ngoại, thấy trên bàn thờ Út nhang đèn sáng choang. Con đã hỏi ngoại: Tại sao? Tại sao lại có sự trùng hợp ấy? Và tại sao Út lại phải chết trong khi nó là đứa trẻ nhút nhát không bao giờ và không thể một mình dám ra khỏi nhà.

Cổng nhà ngoại bao giờ cũng chừa những cái lỗ để khi đóng cổng thì mèo vẫn có thể chạy vào trong sân nhà nếu chúng bị chó hoặc kẻ gian rượt đuổi.

Đã có lần ngoại đặt Út bên ngoài cổng, sát ngay những lỗ trống ấy và ngồi bên trong cổng gọi nó, đem thức ăn nhử nó, nhờ người hàng xóm hù dọa nó… nhưng nó cũng không biết cách chui qua cái lỗ để vào nhà.

Vậy thì cớ gì nó lại có thể chui ra đường để bị bắt?

Sáng hôm đó, như thường lệ, ngoại cho Út ăn xong thì bế nó đặt nằm trên ghế sofa phòng khách. Nó sẽ ngủ ở đó đến chiều thì dậy để ngoại bế ra vườn tập trèo cây.

Đợi Út ngủ xong, ngoại đi phố trong một tiếng đồng hồ. Lúc trở về thì không thấy Út đâu cả. Ngoại tìm tất cả các xó xỉnh trong nhà, gầm giướng, góc phòng, kẹt cửa, kệ bếp…

Ai cũng bảo: “Nó đang tuổi dậy thì, chắc nó đi chơi đâu đó, sáng mai nó về”. Nhưng ngoại không tin, vì ngoại biết nó không có khả năng chui ra khỏi cổng, đừng nói là đi tìm bạn tình.

Ngoại lấy xe đi về hướng Nhà Bè, đến các lò mổ. Ngoại đưa hình Út ra nhưng không ai nhận dạng nó dù nó có cái đuôi xoắn lại như lò xo.

Ngoại đi ngược về phía cầu Tân Thuận, nơi cũng có nhiều lò mổ. Một người đàn bà nói: “Đưa tôi 300 ngàn để vào cổng. Vì các trại mèo không ai cho mình vô tự do đâu”.

Vẫn không tìm thấy. Ngoại lên Ngã Bảy Lê Hồng Phong, rồi Ngã Tư Bảy Hiền, rồi Tân Phú, Rồi Gò Vấp… ra tận ngoại ô, hương lộ 2 hương lộ 3… đi Hóc Môn.

Wendy hỏi:

-Sao ngoại phải đi xa như vậy. Út bị trầm cảm, chỉ ngồi một chỗ thôi mà?

-Con có biết hành trình của một con mèo từ khi bị bắt đến khi bị đưa vào lò mổ không? Trước hết, chúng bỏ mèo vô bao bố. Mỗi bao chứa cả chục con mèo đủ loại. Chúng chở những bao bố ấy đến chợ đầu mối, cân ký bán như bán ve chai.

Sau đó chủ “vựa mèo” liền phân loại ra làm nhiều hạng: Mèo ngoại, mèo kiểng, mèo ta, mèo thịt, mèo bệnh… Tùy loại: có con chỉ 50 ngàn nhưng cũng có con giá năm bảy triệu…

Chắc là Út bị ném vào chuồng chung với lũ “mèo thịt” vì tuy nó khù khờ nhưng ngoại nuôi nó kỹ lắm, nó mập và chắc.

Sau khi phân loại thì chủ vựa mới đưa đi tiêu thụ. Thị trường mèo rộng khắp thành phố. Chính vì thế mà ngoại đã phải đi xa như vậy.

Buổi chiều đó trở về nhà hai tay không, mệt rã rời và tuyệt vọng.

Nhưng Út đã bị bắt như thế nào và đã chết như thế nào thì cho đến giờ ngoại cũng không hề biết.

Wendy ngồi im như tượng đá. Mặt nó lạnh và đầy vẻ căm hờn hơn là đau khổ. Rất lâu sau, cô gái nói:

-Mặc dù Út chết đã 25 năm rồi, nhưng với con thì chỉ như mới hôm qua. Không hiểu tại sao con vẫn nghĩ rằng con có thể gặp lại Út. Rằng Út vẫn ở đâu đó. Ngoại có muốn gặp lại Út không?

Tôi nhìn rất lâu vào đôi mắt của Wendy:

-Sao mà gặp được? Đã 25 năm rồi. Thân xác Út đã thành cát bụi. Tâm hồn nó cũng đã đi đầu thai kiếp khác rồi. Còn gì nữa mà gặp?

Đột nhiên Wendy bước đến trước mặt tôi, ngồi vào ghế đối diện.

Căn phòng bỗng sáng lên, một thứ ánh sáng huyền ảo như  lớp sương khói mỏng manh tỏa ra từ thân thể, từ khuôn mặt cô gái.

Tôi chợt nắm lấy tay Wendy để chắc rằng cô gái đang có thật. Wendy nói:

-Không sao đâu ngoại. Ngoại sẽ làm gì nếu con chính là Út. Hãy nhìn lên bàn thờ đi! Có phải trong cái hộp đóng kín mà ngoại đang thờ chung với Út có một ống tiêm bằng nhựa được khoét một lỗ lớn bằng đầu đũa đề ngoại bơm thức ăn lỏng vào miệng Út không?

Wendy nói xong thì đứng dậy, đến bên bàn thờ lấy cái hộp nhựa. Cô gái mở hộp ra, đặt trước mặt tôi.

Ống tiêm dùng để bơm thức ăn lỏng

-Ngoài ống tiêm ra, còn có một trái banh bằng nhựa, nhỏ như quả bóng bàn. Hồi đó ngoại mua bốn cái cho con chơi, nhưng bây giờ chỉ còn có một cái.

Trái banh nhựa, đồ chơi của Út

Còn đây là con bướm bằng mica mà bác Dianne Trần đem từ Úc về tặng cho con. Và còn cái kẹp gắp thức ăn bằng inox nữa. Nếu con không phải là Út, sao con có thể biết được những những đồ vật ấy trong hộp?

Tôi sửng sốt nhìn cô gái.

-Nếu con là Út, vậy thì Wendy đâu?

Cô gái cầm cái USB trên bàn, đưa cho tôi.

-Wendy đang tạm thời nằm trong chiếc USB này dưới dạng những data. Vì bây giờ chị ấy cũng giống như một tập tin vậy. Hàng ngày ngoại viết văn bằng computer, ngoại thừa biết rằng người ta không thể nào đưa một file trùng tên vào chung một thư mục được. Vì làm như vậy thì file gốc sẽ bị xóa. Cho nên Wendy đã tự nguyện tạm trú trong chiếc USB này, và cho con mượn thân xác để trò chuyện với ngoại. Con chính là Út của ngoại đây. Ngay tại thời khắc này. Lát nữa con phải đi, trả lại thân xác cho Wendy. Và rồi con sẽ lại về thăm ngoại.

Đó là sáng kiến của chị Wendy lấy cảm hứng từ  công nghệ kỹ thuật số trong khoa Art and Fashion mà chị ấy đã học tại Swansea University.

Dụng cụ gắp tức ăn cho Út

Từ trong khoảng không nhỏ hẹp của căn phòng, chợt nghe một tiếng “meo” rất rõ.

Tôi bật khóc.

Và ôm lấy cô cháu ngoại cũng đang nức nở trên vai tôi.

15.

ĐẦU THAI

Ngày thứ hai, tôi lại đi tìm và trở về mà không có Út. Tôi mệt lả, nằm vật xuống giường và thấy mình đang khô héo dần như cái cây đang cạn kiệt nhựa sống.

Trong trạng thái lơ mơ ngủ tôi chợt nghe có tiếng kêu rất lớn từ dưới đường vang lên:

-Ngoại ơi! Ngoại ơi!

Tiếng kêu lớn, khẩn thiết và thảm thương như tiếng khóc thét của một đứa trẻ đang bị thiêu cháy.

Tôi choàng dậy, hấp tấp chạy xuống cầu thang, mở tung cánh cổng.

-Ai vậy? Ai gọi tôi vậy?

Buổi trưa vắng tanh. Con đường trước nhà không một bóng người. Trời đứng gió. Hàng cây bên nhánh sông cũng bất động trong cái nóng oi ả.

Tôi chạy ra sát mé nước nhìn suốt những gốc cây bần. Câu hỏi được lập lại như tiếng thét:

-Ai gọi tôi vậy? Có ai gọi tôi không?

Im lặng. Ngay cả một tiếng chim lẻ loi cũng không có. Tôi vào nhà, gõ cửa phòng bà xã.

-Lúc nãy bà có gọi tôi không?

Bà mở mắt ra nhìn, kinh ngạc trước vẻ mặt hoảng hốt.

-Không. Tôi đang ngủ mà.

-Nhưng bà có nghe gì không?

-Nghe gì? Ai gọi cổng sao?

-Có ai đó gọi: “Ngoại ơi! Ngoại ơi!” rất lớn. Tôi nằm trong phòng đóng cửa mà vẫn nghe rất rõ. Như tiếng thét vậy đó.

-Chắc ông bị ảo giác.

Rồi bà nhắm mắt. Ngủ tiếp.

*

Lúc ấy, tại một lò mổ ở Gò Vấp, Út đang co rúm lại khi người đàn bà mở cửa chuồng, tóm gáy một con mèo nằm kế bên. Nó sợ đến nỗi không dám có phản ứng. Út biết rằng sắp tới phiên mình nên nó nép sát vào góc chuồng, nhắm mắt, không dám nhìn cảnh đồng loại mình bị giết.

Chỉ nghe tiếng”meo” thảm thiết và tiếng lưỡi dao phập xuống cái thớt gỗ dày và to như mặt bàn.

Đến khi Út nghe tiếng mở cửa chuồng lần nữa và thấy bàn tay người đồ tể chộp lấy gáy mình thì nó gào lên khủng khiếp.

*

Đó chính là lúc tôi nghe tiếng gọi: “Ngoại ơi!” khi đang thiu thiu ngủ. Tiếng gọi cuối cùng của Út trong giờ lâm tử.

Ngoại ơi! Ngoại đang ở đâu? Sao không đến cứu con? Đó là tiếng gọi bi thương, tàn nhẫn của một kiếp chúng sinh tuyệt vọng giữa cuộc đời vô nghĩa.

*

Liền sau cái chết của Út, quá trình phân hủy của thân xác bắt đầu. Chỉ trừ uẩn thứ 5 là THỨC (mà chúng ta thường gọi là linh hồn) thì bay lên. Nhưng cứ lửng lơ vì không biết về đâu.

Chợt Út nghe một giọng trầm ấm:

-Ta là Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật, ta sẽ đưa con đi đầu thai kiếp khác.

-Ngay bây giờ sao? Út hỏi.

-Ngay bây giờ. Vì con là một trẻ thơ vô tội. Con đã trả đủ nghiệp của kiếp trước bằng những tháng ngày bệnh tật liên miên nên không cần phải chờ đến

Tiếp dẫn Đạo sư, A-Di-Đà Phật

49 ngày như những chúng sinh khác. Hãy nhảy lên vai ta đi. Kẻo không kịp.

Nói xong, vị đạo sư lướt đi cùng cô Út, trên một đám mây mềm như dải lụa.

Đám mây ấy đáp xuống một bệnh viên phụ sản ở Bình Dương và tan biến như một làn khói mỏng.

Nơi bệnh viện ấy có một sản phụ sắp lâm bồn. Hôm đó là ngày 19 tháng 3 năm 1997. Bà tên là Quỳnh Như, Giám đốc ngân hàng. Và đứa trẻ sắp chào đời là một bé gái tên Trương Quỳnh Lan tức  Wendy, nhân vật chính trong tác phẩm này.

16.

CẦU EINSTEIN-ROSEN

Căn nhà của tôi chỉ hai phòng ngủ, một phòng khách, một bếp chung với phòng ăn… nhưng vườn thì khá rộng.      Có những cây tôi trồng đã hai mươi

năm, cao gần 20 mét, tán lá dày, phủ mát cả một vùng rộng lớn. Những cây khác thường là cây bần mọc tự nhiên trên bờ sông từ thời ông Bành Tổ tới giờ, tuy không cao lớn nhưng sum suê, với những chùm rễ dày đặc như một mạng lưới khổng lồ chồm ra mé nước. Đó là giang sơn của lũ cua, còng và cá thòi lòi. Những vòm lá trên cao là vương quốc của chim chóc, đa phần là cu cườm, chào mào và chim sẻ.

Đây là vùng đất ngập mặn, không trồng cây ăn trái được nên tôi trồng cỏ. Lũ mèo nhà coi đó là thảo nguyên của chúng. Chúng đùa giỡn, vật lộn, rượt đuổi nhau và phóng lên cây. Thỉnh thoảng có bé mèo con ham vui leo thật cao rồi không xuống được, khóc lóc thảm thiết.

Lần nọ con Mướp leo ra tận mé nước rình bắt chim mà quên leo vào. Đến khi nước triều dâng lên thì nó bị nước vây quanh, hết đường day trở.

Buổi tối tôi kiểm điểm quân số, thấy thiếu Mướp liền xách đen pin đi tìm, phát hiện chú chàng đang run rẩy bám vào nhánh cây lắc lư theo con sóng. Thấy tôi, nó khóc rúc rích như chuột kêu, nhưng nước sông chảy mạnh quá, đêm thì tối đen, tôi đâu dám bơi ra cứu nó. Tôi cũng không dám bỏ đi, sợ lỡ nó rớt xuống nước bị cuốn ra sông lớn coi như tiêu đời. Tôi đành phải ngồi trên bờ sông chờ sáng.

Mặt trời lên. Nước rút. Tôi phải lấy một cái thau nhựa, lội sinh ra giữa dòng, bắt mèo bỏ vô thau rồi vừa đẩy cái thau vừa níu nhánh cây mới đủ sức đi vào bờ. Bùn ngập lên tới đầu gối, rút chân lên còn khó, đừng nói chuyện bước đi.

Nhưng nơi này vẫn là vườn địa đàng của lũ mèo. Ra vườn, tôi chỉ thấy cây, thấy lá, thấy hoa và cỏ… nhưng lũ mèo thì khác. Chúng còn thấy những con mồi.

Chim bay trên trời, nhanh như tên bắn. Vậy mà vừa đáp xuống là một tia chớp xẹt. Đó là mèo! Bách phát bách trúng.

Nghĩa trang mèo nhà tôi không chỉ chôn những con mèo chết bị người ta vứt ra đường mà còn chôn cả chim, chuột, thằn lằn, và rắn nữa.

Bãi cỏ, trông thì đẹp, vì nó xanh mượt. Nhưng bên dưới lại có rắn. Chỉ là những con rắn nước to bằng cán dao và không có nọc độc, nhưng lũ con gái cỡ Wendy trông thấy là khiếp vía. Còn mèo thì gặp rắn như bắt được vàng.

Vồ và cắn cổ. Chỉ hai chiêu là dứt điểm.

Tha rắn vô nhà.  Bày trên bàn phòng khách.

*

Wendy vừa từ Hà Nội vào, mang một số quà của Quỳnh Như tặng tôi. Ngoài cốm dẹp, hôm nay còn có một chai Martini đỏ, xúc xích tỏi và trái sấu.

Hai ông cháu ngồi nơi ghế đá trong vườn, bên nhánh sông. Hoa bần đã bắt đầu nở lác đác.

-Để con nấu canh chua cho ngoại ăn. Ở trong Nam ít người biết đến trái sấu. Nó có hương vị đặc biệt hơn me rất nhiều.

-Ngoại đã có lần ăn canh chua nấu bằng trái sấu với thịt băm ngon lắm con ạ. Nhưng đã lâu lắm rồi, ngoại không nhớ là ai đã nấu món đó. Có phải mùa Hè là mùa lá sấu rụng vàng khắp trời Hà Nội không hả, con?

-Đúng rồi, ngoại. Ở phố Phan Đình Phùng lá sấu bay vàng rực đầy trời,  rất đẹp.

Wendy rót Martini vô hai cái ly. Tôi vói tay hái một trái bần xanh ngay trên đầu và ăn với xúc xích tỏi. Wendy cũng muốn ăn thử. Tôi đưa cho nó nửa trái bần còn lại, tưởng nó chê, không ngờ nó thich quá   Nó uống cạn ly Martini rồi đứng lên đi tìm hoa bần.

-Ngoại ơi! Con muốn gọi Út về quá.

-Con gọi được sao?

-Con đã nghĩ được một cách. Đó là cái “lỗ giun” mà các nhà khoa học thường gọi là “cầu Einstein-Rosen”.   

Chính con đã mấy lần đi qua cái “cầu” ấy, nhưng chỉ có thể thực hiện được trong những tình huống cấp bách như lần ngoại bị tai nạn ở Đà Lạt.

         -Còn với Út thì sao?

-Hiện giờ Út đang ở cõi Phật. Con muốn truyền kinh nghiệm cho nó về cách sử dụng cầu Einstein-Rosen để đến đây. Đến khu vườn này, ngồi uống Martini với ngoại. Ngoại có nghĩ rằng con sẽ làm được không?

-Nếu Út đã thành Phật thì chuyện đó không khó vì nó sẽ tự biết cách sử dụng cầu Einstein – Rosen để xuyên qua thời gian.    

Và cũng nhờ thế mà Út có thể tồn tại song song với con, có thể cùng ngồi uống rượu mà con không cần phải “lánh mặt” trong USB như lần trước.

Wendy ném cái hoa bần lên bàn.

-Vậy con đi rước Út đây!

Tức thì cô gái biến mất.

Chưa đầy năm phút, Wendy đã hiện về nơi ghế đá.  Ôm Út trước ngực.

-Meo!

Vừa dứt tiếng Út đã nhảy vào lòng ngoại.

Tôi cúi xuống cho nó liếm mặt và cắn yêu lên má. Tôi siết nó trong vòng tay. Nó liếm khô những giọt nước mắt.

Wendy ngồi nhìn và cười. Nó đã uống cạn chai Martini lúc nào không hay. Mặt đỏ bừng.

Tôi nói:

-Sao con không để dành phần cho Út?

-Ối xời! Trong vali con còn hai chai.

Nhưng Út không để ý đến chuyện đó.

Nó rúc vào nách tôi. Và ngủ.

………………………………………………

ẢNH: Albert Einstein và Nathan Rosen

17.

NGHĨA TRANG MÈO

Đối với tôi, mỗi gốc cây trong vườn là một bia mộ.  Tôi vừa bế Út vừa dẫn Wendy đến viếng từng gốc cây, từng khóm hoa trong vườn.

Mèo hoang không có tên, chết ở nệnh viện

-Đây là nơi yên nghỉ của X (không có tên vì là mèo hoang), bị bệnh gan. Ngoại đem đi bệnh viện nhưng chữa không được. Hai ngày sau nó chết ở đó.

Ngoại đã ngồi với bé suốt buổi chiều, vuốt ve nó, chứng kiến cái chết từ từ… rồi đem nó về chôn dưới gốc cây hoa vàng này.

Mèo con ở trong đống cùi bị chó cắn chết

Còn đây là mộ của bé Tam Thể. Nó bị người ta vứt ở bãi rác đầu cầu, ngoại đem về nuôi được hơn một tuần thì bị chó cắn chết, ngoại chôn dưới gốc cây hoa lài này.

Nó ra hoa đẹp nhất trong vườn.

Còn đây là bia tưởng niệm Bi Bi Răng Khễnh, Út, Somali, Innova, và những bé mèo hoang khác. Cả chim bị mèo vồ nữa. Bên dưới không có gì cả vì không tìm được xác.

Ngoại không viết bằng tiếng Việt vì sợ chính quyền phát hiện, làm khó dễ.

Tôi đang bế Út trước ngực nên bảo Wendy nhặt lá khô rụng đầy trên bia, rồi giới thiệu tiếp:

Một đứa con của Xíu chết ỡ Mỹ Tho

-Còn đây là một đứa con của Xíu chết ở Mỹ Tho. Ngoại cũng không đem xác về được. Người nuôi nói nó ra chơi ở vườn chuối bị rắn cắn, nhưng mèo không sợ rắn. Ngoại nghĩ có thế nó bị chó cắn.

Cuối cùng là bé Mè, em gái của Vừng. Vừng hiện nay đang sống chung với ngoại. Mùa Vu Lan năm đó, tụi trộm chó mèo mở trận càn quét. Chúng bắt đi rất nhiều chó hoang và mèo hoang trong khu vực này. Mè mất tích nhưng Vừng thì trốn được, ở trong đống gỗ nhà hàng xóm. Hàng ngày ngoại đem thức ăn nuôi nó. Bà hàng xóm bước ra, giựt tô thức ăn ném xuống sông, rồi hét vào mặt ngoại:

“Ông không được cho nó ăn”

“Tại sao”?

“Vì tôi muốn đuổi nó đi. Đây là đống củi của tôi. Nếu ông cứ tiếp tục cho nó ăn thì nó sẽ ở đây hoài.

Ông mà không nghe lời thì tôi sẽ đánh bã cho nó chết”.

Thế là ngoại đem nó về nuôi cho tới giờ. Kìa! Nó đang đứng trước cổng. Cái con màu vàng đó.”

Tôi nói đến đâu Wendy ghi vào sổ tay đến đó.

-Con ghi vào sổ tay để làm gì vậy?

Mè, lông vằn đen, bị bọn trộm bắt

-Để đòi nợ. Tạo nghiệp tức là mắc nợ đó, ngoại.

Tôi không biết Wendy sẽ “đòi nợ” bằng cách gì. Nhìn mặt nó, thấy tái mét, lạnh lùng như một tảng băng.

Út đang ngủ say trong vòng tay tôi, chợt cựa mình, nói giọng ngái ngủ:

-Chị Wendy muốn thi hành luật nhân quả đó, ngoại.

18.

TRẢ THÙ CHO BÉ SOMALI

Wendy nói:

-Ngoại hãy cho con biết chi tiết tội ác của từng người để con liệu mà “đòi nợ”. Chúng ta hãy bắt đầu bằng kẻ đã giết Somali.

-Nó là một con mèo hoang chừng hai tháng tuổi. Nó đen nhẻm và chỉ to bằng củ khoai. Một đứa bé Somali còi cọc, da bọc xương, lông rụng gần hết, chỉ còn sót lại những nhúm nhỏ xơ xác, tả tơi và khô cháy. Lần đầu gặp nó, ngoại tưởng là một con chuột. Và cũng không khác nùi giẻ là mấy. Nó di chuyển từ cái chậu kiểng nhà hàng xóm đến cổng nhà ngoại. Nó chui vào cổng tìm nhặt thức ăn thừa của lũ mèo nhà bỏ sót.

Ngoại không dám nhúc nhích, sợ nó bỏ chạy. Ngoại đợi cho nó ăn hết mấy hột cơm thừa, mấy miếng cá vụn xong mới dám gọi: “Meo!”. Gọi rất nhỏ. Nhưng nó cũng bỏ chạy, trốn trong cái chậu kiểng nhà hàng xóm lúc nãy.

Ngoại ngồi xuống, khum hai bàn tay như cái tổ chim, đưa ra phía trước. Meo! Đừng sợ. Chờ chút. Ông ngoại đi lấy cá cho con.

Khi ngoại đem con cá nục hấp ra thì rất may, nó vẫn còn đó, nhưng ngoại không dám lại gần. Ngoại đặt con cá cách nó chừng một bước chân rồi bỏ đi. Núp sau cánh cổng, quan sát.

Chừng một phút sau, cậu bé Somali bước ra  rất nhanh, tha con cá rồi rút vào giữa mấy cái chậu kiểng.

Buổi chiều hôm đó ngoại lại đặt con cá ngay khoảng trống giữa những chậu kiểng rồi bỏ đi.

Một tiếng đồng hồ sau ngoại quay lại để nhặt xương cá thật sạch, đem vứt xuống sông vì sợ hàng xóm phát hiện xương cá sẽ phàn nàn là ngoại cho mèo ăn làm dơ bẩn thềm nhà của họ.

Một tuần sau, chú bé Somali đã mọc lông lún phún, trông đã ra dáng một con mèo. Và nó cũng dạn dĩ hơn. Tuy vậy, buổi tối khi ngoại cho lũ mèo hoang ăn ngoài gốc cây thì nó là đứa sau cùng đến “dọn dẹp” những thứ còn sót lại.

Nó là kẻ lượm mót, là kẻ cùng đinh,  là kẻ ăn xin của những đứa ăn xin, là sinh vật đói khát của những

kẻ đói khát, là mèo hoang của những con mèo hoang.

Mèo hoang! Chúng không “chảnh” như những con mèo nhà, chúng không chê thứ gì. Chúng ăn cả đầu cá, xương cá, thịt bầy nhầy, da heo. Cơm thiu chúng cũng không từ. Vì thế khi chúng bỏ đi thì “hiện trường” sạch bách. Vậy mà chú bé Somali vẫn tìm được một vài thứ còn sót lại. Nhặt nhạnh, gom góp, tỉ mỉ… từng hột cơm vung vãi, từng cọng rau, từng cái vảy cá. Nó vừa ăn vừa quan sát chung quanh như một kẻ tàn tật đầy mặc cảm, sợ hãi bị đánh đuổi, bị chà đạp, bị giết chết bất cứ lúc nào.

Ngoại núp sau cánh cổng, nghĩ cách đến gần nó, bế nó để vuốt ve nó, cho nó hiểu rằng không việc gì phải sợ, rằng tuy con nhỏ bé, xấu xí, yếu đuối, nhưng  trong lòng ngoại thì con vẫn là một tác phẩm của tạo hóa với đầy đủ những kỳ diệu của một sinh vật mà chỉ có tạo hóa mới sáng tạo được.

Người ta có thể chế tạo ra một chiếc điện thoại thông minh, một vệ tinh nhân tạo hay một robot biết nói tiếng người, nhưng không bao giờ có thể chế tạo được một con mèo, cho dù còi cọc, xấu xí như con.

Ngoại muốn làm mọi cách cho con hiểu rằng con là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, thiêng liêng không gì có thể thay thế được, rằng con không phải là một món đồ chơi, một vật dụng, một cái máy. Con là một sinh linh, con đang sống cuộc đời của mình như bao sinh vật khác, như chính ông ngoại, đang cảm nhận thế giới chung quanh, đang đau khổ và hạnh phúc, đang sợ hãi và thèm muốn một mái ấm, một sự vuốt ve âu yếm, một tiếng gọi dịu dàng.

Người ta có thể đem bán con một đồng, không ai thèm mua, nhưng con vẫn là một tác phẩm kỳ diệu gấp ngàn lần chiếc điện thoại thông minh giá 20 triệu. Con nhỏ bé nghèo nàn và tội nghiệp của ngoại, làm sao để ông ngoại có thể nói cho mọi người hiểu điều đó?!

*

Nửa tháng, một thời gian quá ngắn để có thể biến một con mèo con còi cọc thành một chú bé sởn sơ như những đứa khác.

Nhưng chỉ trong một giây, tạo hóa có thể xóa bỏ một tác phẩm mà ngài đã tạo ra.

Tại sao vậy? Lẽ nào ngài lại quên mất rằng tác phẩm ấy tuy nhỏ bé nhưng dù phải đầu tư một tỷ đô la thì các nhà khoa học cũng không chế tạo ra được? Lẽ nào ngài vô cảm, hay ngài chỉ là một quyền lực “phi ngã”?

-Phi ngã là gì? Wendy hỏi.

-Là impersonal. Tức là không có tính người.

-Con hiểu. Ngoại tiếp đi.

Như thường lệ, 6 giờ sáng trước khi đi tập thể dục, ngoại đặt con cá cạnh cái chậu kiểng. Một tiếng đồng hồ sau trở về, ngoại vẫn thấy con cá còn nguyên đấy.

Buổi tối, lũ mèo hoang các nơi tụ về dưới gốc cây bàng, nhưng nơi chậu kiểng không có con Somali nằm đợi như mọi khi.

Ngoại bắc ghế ngồi chờ sau cánh cổng đến khuya. Vẫn bặt vô âm tín. Sao vậy? Nó chưa tới tuổi động dục. Nó cũng không bị lũ mèo hoang ăn hiếp. Thế thì nó đi đâu?

Ngoại nghĩ ngay đến người chủ đống gỗ mục từng vác gậy đánh ngoại, từng ném hộp thức ăn của mèo xuống sông. Có thể nào bà ta không muốn cho nó tá túc nên đã đánh đuổi nó đi? Có thể nào nó đã lẻn vào bếp của ai đó và đã bi đập chết, ném xuông sông?

Ngoại lùng sục trong các bụi cây, các chậu kiểng bày trước nhà hàng xóm. Ngoại đi lang thang mấy vòng quanh tất cả các nhà trong xóm, vừa đi vừa gọi meo meo. Tiếng gọi vang lên giữa im lặng như tiếng con thú lạc bầy, như tiếng  rao buồn của những người mua ve chai lang thang trên chiếc xe đạp lọc cọc.

Những tiếng meo meo rơi rớt trong vô vọng, như mớ lá khô bay lả tả, âm thầm, thất lạc trong cỏ rối, trên bờ sông, trên vỉa hè câm nín.

Rồi ngoại trở về, đứng ngơ ngác trước cổng nhà mình như một hình hài cũ kỹ, đơn độc, không biết nhờ cậy ai, không biết chia sẻ cùng ai…

Bỗng dưng, từ đâu đó có tiếng gọi nhỏ nhoi của một đứa bé gái:

“Ông ơi! Ông đi tìm mèo hả? Có phải ông tìm con mèo nhỏ xíu màu đen không”?

“Phải. Sao con biết nó”?

“Con thấy ông thường cho nó ăn”.

Đó là bé Vân, mười hai tuổi, ở sát cạnh nhà ngoại. Nó đang ôm một con tam thể trước ngực.

“Con thấy nó ở đâu không”?

“Nó chết rồi ông à. Trưa hôm qua, con thấy ông Hai ném xác nó xuống sông”.

“Nhưng sao nó chết”?

“Lúc đó con thấy nó đang giỡn với chiếc dép của ông Hai để ngoài cửa, thì ông Hai từ trong nhà bước ra. Thấy quai dép bị cắn đứt, ổng tức mình đá nó một cú rất mạnh. Nó văng vô tường. Hộc máu chết liền tại chỗ”.

Ngoại ngồi xuống vỉa hè, ôm mặt.

Khi mở mắt ra, ngoại thấy bé Vân ngồi bên cạnh.

“Ông đi theo con. Nó bị ném xuống ở chỗ này nè”.

Hai ông cháu ra bờ sông.

Đêm hôm trước, nước triều lên, lục bình trôi theo dòng đã lấp kín mặt nước. Ngoại lấy một cây sào dài, vạch từng dề lục bình ra kiếm, nhưng chúng dày đặc, tầng tầng lớp lớp. Những chiếc lá to bản, xanh ngắt và dày, liên kết nhau thành từng mảng lớn, trùng trùng điệp điệp như rừng. Biết tìm đâu ra một con mèo nhỏ như củ khoai vùi xác dưới chín tầng địa ngục ấy?

Wendy bấm nút tắt máy ghi âm. Cô nói:

-Ông ngoại kể chuyện thật cảm động. Đúng là nhà văn. Nghe xong là trong đầu con đã có cách bắt ông ta trả món nợ ấy rồi.

Út nói:

-Đừng nghĩ tới chuyện thù hận nữa. Hãy buông bỏ, vì tất cả chỉ là hư ảo.

-Chị không thù hận. Chị chỉ thi hành luật nhân quả. Ngay ngày mai, em và ngoại sẽ chứng kiến luật nhân quả ấy.

*

Như thường lệ, ông Hai đi làm về thì bấm còi trước khi lùi xe vào dưới bóng mát của tàn cây. Bà Hai ra mở cổng.

-Cơm đã dọn xong rồi. Anh ngồi ăn luôn.

Trong mâm cơm chỉ có hai ông bà và thằng con trai mười bốn tuổi. Thằng nhỏ đứng lên mở tủ lạnh lấy cho ba lon bia.

-Mời ba má ăn cơm.

Ông Hai khui bia, nốc một hơi dài, sảng khoái. Nhưng khi đặt lon bia xuống bàn, tự nhiên ông thấy đầu óc mụ mị, nửa như buồn ngù, nửa như bị lên máu. Rồi ông thấy mọi vật chung quanh trở nên mờ mờ ảo ảo.

Ba xã hỏi:

-Mình sao vậy?

-Tôi thấy chóng mặt. Chắc phải đi nằm một lát.

Ông đứng dậy. Nhưng thay vì vô phòng thì ông lại đi thẳng ra trước sân, mở cổng rồi xăm xăm ra bờ sông, tiến lại phía đầu cầu, ngay chỗ đám lục bình.

Như một kẻ mộng du, ông bẻ một nhánh cây bần, suốt sạch lá rồi lội xuống nước. Nước ngập lên tới bụng ông nhưng ông cứ tiếp tục lội, vừa đi vừa cầm nhánh cây bần xăm lia lịa xuống đám lục bình, miệng thì kêu:

-Meo meo! Meo meo! Con đang nằm ở đâu? Con đang nằm ở đâu hả con?

Cứ nói lui nói tới một câu đó rồi khóc.

Ban đầu chỉ có bà Hai và đứa con trai đứng trên bờ sông lo lắng nhìn. Lát sau thì sự lo lắng đã biến thành hoảng hốt, không biết chuyện gì đang xảy ra. Chừng mười lăm phút sau đã thấy hàng xóm kéo ra bờ sông cả chục người. Rồi trẻ con. Rồi những người bên kia cầu cũng chạy đến.

Nhưng ông Hai hình như không để ý gì đến chung quanh. Ông cứ vừa lội vòng vòng vừa xăm nhánh cây xuống đám lục bình vừa khóc:

-Meo meo! Meo meo! Con đang nằm ở đâu? Con đang nằm ở đâu hả con?

Chừng một tiếng đồng hồ sau mới có bốn anh dân phòng lội xuống sông dìu ông lên bờ, khiên ông vô nhà. Khi đã nằm trên giường rồi mà ông vẫn còn khóc nức nở:

-Meo meo! Meo meo! Con đang nằm ở đâu? Con đang nằm ở đâu hả con?

Từ đó mỗi lần ông bước ra trước nhà là cứ muốn mở cổng đi ra bờ sông, lội vô đám lục bình tìm

Wendy thi hành luật nhân quả

mèo. Vợ con ông phải kèm một bên để ngăn cản.

Bà vợ có ý kiến:

-Hay là mình đem ô-tô vô nhà. Từ trong nhà lái xe đến công ty luôn. Có được không?

Họ đã thử làm như vậy nhưng khi ô-tô vừa ra khỏi cổng thì nó quẹo ra bờ sông, chui xuống đám lục bình. Ông Hai sợ quá thắng xe, nhưng không tắt máy được. Ông la lớn:

-Cứu tôi! Cứu tôi với! Ai cứu tôi với!

Thế là ông ta không thể nào đi làm được.

Nửa tháng sau, cả nhà phải chuyển đi nơi khác.

19.

ĐÒI NỢ CHO INNOVA

Cũng có thể gọi đó là “nợ máu”. Lần này thủ phạm là một người đàn bà trạc ngoài 30 tuổi và nạn nhân cũng là mèo của ngoại.

Ngày nọ ngoại tình cờ nhìn thấy nột con mèo nhỏ nằm phục dưới gầm xe. Ngoại ngồi rất gần nó nhưng nó không bỏ chạy. Nó tin cậy ngoại. Nó đang chờ đợi một chút gì để ăn.

Ngoại không biết nó từ đâu tới. Và dĩ nhiên nó cũng không biết ngoại là ai. Nó chọn cái gầm xe vì đó là nơi khá an toàn, che mưa, che nắng, nhưng kể từ giây phút ấy, gầm xe trở thành điểm hẹn.

Đó là chiếc Innova bảy chỗ của người hàng xóm. Nó thường nằm, ẩn mình sau bánh xe, chỉ ló cái mặt.

Khi ngoại đến ngồi cạnh bánh xe thì nó bước ra. Ngoại đặt chén cá giữa hai bàn chân. Nó ăn xong thì rúc vào ống quần ngoại đùa giỡn. Hai ông cháu chơi với nhau trong im lặng. Một thế giới khép kín, riêng

tư. Một hạnh phúc thầm, một mối tình nhỏ nhoi, mong manh, tự nhiên mọc lên như đóa hoa dại tình cờ trỗ bông ven bờ tử sinh trần thế.

Ngoại đặt tên cho nó là Innova.

Nhưng ngoại phải giấu những con mèo nhà vì nếu biết, chúng sẽ đuổi đi để bảo vệ lãnh thổ của chúng.

Những lúc lũ mèo nhà đi vắng, ngoại thường bế Innova đến ngồi ghế đá. Hai ông cháu đùa giỡn với nhau hồi lâu. Rồi ngoại thả cho nó đi. Không biết đi về nơi nào.

Chừng nửa tháng sau, có người hàng xóm đi ngang qua, hỏi xin.

“Cháu nuôi mèo để làm gì”?

“Nhà cháu nhiều chuột lắm”.

Ngoại nghĩ: Innova cũng cần một gia đình. Và cần được bảo vệ khỏi bọn trộm.

Anh ta đem mèo về và xích nó lại.

Nhà anh ta cách nhà ngoại chừng 300 mét nhưng ngoại không ghé thăm vì muốn cho nó quen với nhà mới, chủ mới. Nửa tháng sau, nó được thả ra và chỉ luẩn quẩn quanh nhà.

Ngày 26/3/2019 ngoại bị tai nạn giao thông ở chân, phải băng bột. Buổi chiều ngoại ngồi trước nhà hóng mát. Anh ta đi ngang qua, ngoại hỏi:

“Mèo sao rồi”?

“Nó chậm lớn, vì vợ cháu chỉ cho ăn ngày một bữa”.

“Tại sao”?

“Để nó đói nó mới bắt chuột. Cho nó ăn no, nó lười”.

“Nó không lười đâu. Tập tính của loài mèo là bắt chuột. Mèo chú ăn đầy đủ mà chúng vẫn bắt chuột rất giỏi, chúng còn bắt cả rắn và chim nữa”.

Anh hàng xóm vâng vâng dạ dạ, nhưng ngoại biết anh ta vẫn cứ cho ăn ngày một bữa vì mỗi khi đi ngang qua nhà, trộm nhìn, ngoại thấy nó ốm nhom và chậm chạp. Đôi lần nó cũng nhìn thấy ngoại nhưng có lẽ vì cái chân băng bột và chiếc nạng gỗ nên nó không nhận ra, và nó sợ. Ngoại nghĩ, khi nào mình lành chân, sẽ đến thăm nó.

*

Đó là chuyện của 5 tháng trước. Một khoảnh khắc thật ngắn ngủi nhưng cũng đủ để làm nên một mối tình bi thương đầy nước mắt.

Tháng 7 âm lịch hàng năm được người đời gọi bằng nhiều thứ tên: Mùa Vu lan báo hiếu, tháng xá tội vong nhân, tháng cô hồn… nhưng với ngoại, tháng Bảy lại là tháng chia ly với những con mèo.

Sáng ngày 9/8/2019, như thường lệ ngoại đến trước nhà anh hàng xóm để cho Innova ăn. Ngoại định sẽ gọi meo meo và quay phim cảnh bé chạy đến đón ngoại. Ngoại sẽ bế bé, đặt lên ghế đá, lấy thức ăn ra, mớm cho bé từng miếng cá nhỏ bằng lóng tay, vừa nhìn nó ăn vừa vuốt ve nó.

Nhưng nó đã không xuất hiện. Ngoại gọi:

“Meo, meo”…

Cô chủ nhà nói:

“Nó chết rồi chú ơi”!

Ngoại lặng người, bước đến ghế đá dưới bóng cây, ngồi xuống. Cô gái lấy xe đi làm. Ngoại cầm gói thức ăn trên tay như kẻ vô hồn.

Lẽ ra trước mặt ngoại phải là con mèo con năm tháng tuổi, đang ăn cá, đang nhai ngấu nghiến. Rồi leo lên người ngoại, nằm trên đùi cho ngoại vuốt ve và rên gừ gừ… nhưng chỉ là một bàn đá trống. Một cái vĩa hè trống, những chậu kiểng im lặng.

Con ơi! Sao con không về với ngoại? Mới chiều hôm qua ngoại đi phố về thấy con đang chơi đùa với mấy cô bé hàng xóm. Ngoại dừng xe lại, bế con trước ngực. Chẳng lẽ bây giờ con đã biến mất vĩnh viễn khỏi thế gian này sao?

 Ngoại còn chưa kịp chụp cho nó một tấm hình.

Không để lại một dấu vết. Trống trải. Im lặng. Chỉ có những giọt nước mắt trào ra trên má. Chỉ có đôi mắt đỏ hoe. Chỉ có bàn tay run đang cầm gói thức ăn và một thân xác sắp sụp đổ, một tâm hồn đang vỡ, phất phơ như chút sương sớm đang tan dần trong cơn gió.

Con ơi! Ngoại vẫn nghĩ: hai ông cháu mình sẽ sống với nhau suốt đời. Có lần ngoại còn nghĩ rằng ngoại sẽ chết trước con, và con sẽ tìm đến nhà ngoại, nhảy lên chiếc giường ngoại đang nằm chết, và leo nằm trên ngực ngoại. Thế mà con lại ra đi trước, lúc mới năm tháng tuổi.

Cánh cửa sịch mở, và người chủ nhà bước ra. Anh ta đến gần ngoại.

“Chú đã biết rồi sao”?

Ngoại im lặng. Anh ta ngồi xuống ghế đá đối diện. Ngoại không muốn hỏi về cái chết, bởi vì ngoại sợ mình không chịu nổi những tình tiết của câu chuyện.

Nhưng anh ta vẫn kể:

“Vợ cháu nói: Đừng cho nó ăn no, mỗi ngày chỉ cho ăn một buổi sơ sơ được rồi. Nó đói, nó phải đi tìm chuột mà bắt. Cháu nói: Trời sinh mèo ra là để bắt chuột. Đói nó cũng bắt mà no nó chũng bắt. Nó bắt để giỡn chơi. Vậy em cứ cho nó ăn no đi, nó có sức mới bắt được chuột. Nhưng vợ cháu không nghe. Con mèo chỉ ăn một ít cơm lạt vào buổi trưa nên chiều tối nó đói, nó phải đi lang thang ngoài đường kiếm ăn, nhiều khi nó lẻn vô nhà hàng xóm ăn vụng bị người ta đánh”.

“Bữa nọ, cháu thấy sáng sớm chú đem cá đến cho nó ăn ngoài ghế đá, cháu cũng yên tâm vì thấy nó ốm quá, chỉ sợ nó chết. Nhưng vợ cháu không hài lòng. Nó nói: “Có phải mèo của ổng đâu mà ổng cho ăn. Sáng nào cũng đến ngồi ghế đá dòm vô nhà. Khó chịu quá,”

Cháu nói:

“Ổng có dòm đâu. Anh thấy chú chỉ lo cho mèo ăn. Xong rồi chú lau cái bàn đá rất sạch, chắc sợ mình cằn nhằn. Lau bàn xong, chú về.”

“Nhưng cho nó ăn no rồi sao bắt chuột?”

“Nhưng trong nhà mình có còn con chuột nào đâu?”

Vậy mà vợ cháu vẫn tỏ vẻ khó chịu. Đến mùa Vu Lan này, nhà cháu ăn chay cả tháng. Vợ cháu nói:

“Mình ăn chay cả nhà, chẳng lẽ mèo cũng ăn chay?”

“Sao lại không? Thì em cứ cho nó ăn cơm trắng cũng được. Đói thì nó phải ăn thôi.”

“Nhưng vợ cháu đã quyết định không cho mèo ăn nữa. Cúp luôn bữa trưa. Cổ nói:

“Bữa sáng có ông già cho ăn rồi. Nhiêu đó đủ rồi. Nếu mình cho ăn nữa nó sẽ không bắt chuột đâu.”

“Nó đói, lang thang khắp nơi. Và nó đã ăn bã người ta dùng để diệt chuột”.

Chiều ngày 8/8/2019, khi cháu ở trong nhà bước ra thì thấy nó nằm bên gốc cây, cháu tưởng nó ngủ, nhưng khi đến gần, thấy hai mắt nó trợn trắng, máu trào ra khóe miệng, kiến bu đầy. Cháu đem chôn nó dưới gốc cây xoài đàng kia kìa”.

Mộ của INNOVA

“Ngoại ngoái nhìn. Đó là một cây xoài thấp, mới trồng, ở ngay khúc quanh, nơi hàng ngày ngoại vẫn thường qua lại”.

Trong khi anh ta kể chuyện, ngoại không nói một lời. Chỉ biết khóc. Tại sao lại có loại người nhẫn tâm bỏ đói một đứa trẻ mồ côi, để đến nỗi nó phải ăn bã độc?

Khi biết mình sắp chết, nó còn ráng chạy về nằm dưới gốc cây trước cửa nhà. Lúc đó vào khoảng 5 giờ chiều ngày 8 tháng 8 năm 2019. Ngoại không hề hay biết gì cả.

Con ơi! Con chỉ là một con mèo nhỏ mới năm tháng tuổi. Con cũng giống như một đứa trẻ lên ba. Một đứa trẻ mồ côi, nghèo nàn, đơn độc, không nơi nương tựa. Ngoại quen với con dưới gầm xe, ngoại nuôi con. Nhưng vì mèo nhà ngoại dữ quá, không thể đưa con vô nhà được, và cũng vì ngoại bị tai nạn giao thông, nên ngoại phải gởi con cho  hàng xóm khi anh ta ngỏ ý xin con về.

Nhưng cái gia đình ấy đã không sòng phẳng với con. Họ muốn con bắt chuột cho họ nhưng lại bỏ đói con như một nô lệ không công. Họ bóc lột, họ lợi dụng sức lao động của đứa trẻ mồ côi một cách ti tiện, hèn hạ mà không biết xấu hổ.

Họ là ai vậy? Là loại người nào vậy? Tại sao tạo hóa lại sinh ra một loài động vật mang hình dạng con người như vậy? Đó là động vật gì? Động vật gì mà nỡ ăn cướp sức lao động của một đứa trẻ mới năm tháng tuổi (tương đương với một con người mới ba tuổi)?

Nó chỉ là một con mèo nhỏ hiền lành, ai bế cũng được, ai muốn xách đi đâu thì xách, đem về nhà cho trẻ con chơi đùa chán chê rồi đuổi về.

Nó không đòi hỏi gì. Nếu có đói thì cũng chỉ xin một ít cơm thừa, nếu có buồn ngủ thì cũng chỉ xin một chỗ dưới gầm giường hay xó nhà tối tăm nào đó. Bữa ăn của nó không đáng giá một đồng bạc, chỗ nằm của nó chỉ bằng một miếng giẻ lau. Nhưng bắt một con chuột? Bạn thử thuê một người nào đó 100 ngàn xem họ có bắt được không? Thế sao chỉ vì tiếc một miếng cơm mà bạn lại giết nó?

Những ý nghĩ đó ngoại không nói bằng lời mà nói bằng nước mắt, bởi ngoại hiểu rằng người đàn ông ngồi trước mặt ngoại không thể nào hiểu được. Và cũng quá muộn rồi. Bây giờ Innova đã nằm dưới gốc xoài kia,  trong lòng đất ẩm ướt bởi những trận mưa kéo dài trong mấy ngày qua.

Người chủ nhà nói:

“Thôi, chú về đi. Về nghỉ”.

Ngoại đứng lên. Cái chân vẫn còn đau, đi cà nhắc. Anh ta bước theo ngoại, đến ngay gốc xoài.

“Cháu đã đặt lên mộ mấy cái vỏ dừa khô để làm dấu”.

Nhìn nấm mộ, ngoại bật khóc. Khóc nức nở. Ngoại gọi:

“Meo, meo! Ông ngoại đến thăm con. Con có biết không? Ông ngoại muốn ôm con  như mỗi sáng ông đem cá đến cho con và ôm con trước ngực cho con ngủ. Để nghe tiếng con rên gừ gừ nho nhỏ, nhõng nhẽo như trẻ hài nhi, hoàn toàn tin cậy, hoàn toàn phó thác mình trong hơi ấm của tình người, trong hạnh phúc nhỏ nhoi của thân phận chúng sinh phù du hèn mọn”.

Wendy nói:

-Cám ơn ngoại đã làm sống lại câu chuyện từng chi tiết. Con đàn bà ấy sẽ phải trả giá. Cái giá ấy như thế nào, tối nay con sẽ tính.

*

Nếu chúng ta nghĩ rằng chỉ những người giàu bất chính mới là độc ác, thì chưa hẳn đúng. Vì chính cái “con đàn bà ấy” đâu có giàu. Nó chỉ là công nhân làm việc trong một nhà máy ở khu chế xuất Tân Thuận, nhưng sự độc ác đã nằm sẵn trong máu của nó, trong những chuỗi gène di truyền của nó.

Sáng thứ Hai, như thường lệ hai vợ chồng nó ăn sáng tại nhà trước khi đi làm. Chỉ là bánh mì với trứng chiên. Nhưng khi “con đàn bà ấy” cầm ổ bánh mì lên vừa định cắn một miếng thì nghe văng vẳng bên tai:

-Coi chừng trong bánh mì có thuốc chuột!

Nó tưởng mình nghe lầm nên cứ cắn một miếng. Lập tức câu nói lúc nãy lại vang lên:

-Coi chừng trong bánh mì có thuốc chuột!

Nó giựt mình, ném cái bánh mì xuống bàn. Chồng nó hỏi:

-Chuyện gì vậy?

-Tự nhiên em nghe ai nói trong bánh mì có thuốc chuột.

-Thuốc chuột gì? Nãy giờ anh ăn gần hết nửa ổ rồi đó.

Cô vợ lại đưa bánh mì lên miệng. Lại nghe câu nói lúc nãy. Nó sợ quá, lại võng ngồi. Anh chồng cầm khúc bánh mì của mình đang ăn dở, đem đến cho vợ.

-Em ăn cái này thử coi.

Cô vợ vừa đưa khúc bánh mì vô miệng thì câu nói ấy lại vang lên làm cô ta ré lên, ném khúc bánh mì xuống võng.

-Chắc em điên quá! Sao kỳ vậy, trời!

Anh chồng cười ngất:

-Tào lao! Cứ ăn đi. Chết tui chịu.

Nói xong anh ta nhặt khúc bánh mì lên, cắn một miếng nhai nuốt ngon lành. Rồi anh ta đưa cho vợ.

-Ăn đi! Không sao đâu.

Cô vợ nghe lời, đớp một phát. Nhai. Nuốt.

Miếng bánh vừa trôi vô bụng lập tức cô ta gập người lại, ói thốc tháo. Tuôn ra nào là bánh mì, trứng, lẫn mật vàng mật xanh. Nước mắt nước mũi ràn rụa.

Người chồng coi đồng hồ.

-Thôi. Ra ngoài ăn phở rồi còn đi làm. Trễ giờ rồi!

Nhưng phở cũng chẳng khác gì. Vẫn cái câu quỷ quái lúc nãy:

-Coi chừng trong phở có thuốc chuột!

Bữa đó coi như nhịn đói đi làm.

Sang ngày thứ hai cái “con đàn bà” ấy vô tiệm bún bò. Ngày thứ ba là cháo vịt, ngày thứ tư là cơm tấm… Bất cứ vô đâu cũng vẫn cái câu chết tiệt ấy: “Coi chừng… có thuốc chuột”. Vô nhà máy, ngồi vào bàn ăn tập thể, câu nói ấy vẫn không chịu buông tha. Ngày nọ, đói quá, nó liều ăn nửa chén cơm, lập tức sùi bọt mép, phải gọi xe cấp cứu.

Cô ta khóc lóc, níu áo chồng:

-Bốn ngày rồi. Không có một hột cơm trong bụng. Chắc em chết quá, anh ơi!

Người chồng quậy một tách trà đường, nhưng vừa cầm cái tách lên thì nghe mùi thuốc chuột nồng nặc.

Cô vợ không còn sức mà đến nhà máy. Nó nằm bẹp trên giường. Xẹp lép như con khô mực.

*

Buổi tối, như thường lệ, sau khi đem khay thức ăn ra đặt dưới gốc cây bàng trước mặt nhà, thì tôi lên lầu, đứng ở balcon hút thuốc nhìn lũ mèo hoang lần lượt kéo về dự bữa ăn miễn phí do ông ngoại cung cấp.

Đầu tiên là con mèo vàng ốm yếu. Nó biết thân nên leo lên nhánh me thấp phục sẵn. Vừa thấy ông ngoại quay vào nhà là nhảy xuống đất “mở hàng”. Tiếp đến là các chàng trai, các cô gái tuổi teen chạy đến nhập tiệc. Sau cùng là các cụ mèo cao tuổi, đủng đỉnh xuất hiện vì chúng biết là thức ăn có thừa, không việc gì phải vội vàng. Tôi quan sát chúng một cách thích thú và vui chung nỗi vui của các vị khách mời.

Chừng mười lăm phút sau, khi bữa tiệc sắp tàn, tôi vừa định quay vô phòng coi ti-vi thì chợt nhìn thấy một bóng người xuất hiện. Cái bóng ấy không đến theo đường nhựa mà từ bờ sông tiến vào. Lom khom. Chậm chạp. Lén lút. Nhìn trước ngó sau.

Lũ mèo hoang thấy người lạ đến thì bỏ chạy. Có con chạy nhanh, có con đủng đỉnh, có con dừng lại ngoái nhìn, không có vẻ gì là sợ hãi.

Chỉ riêng con mèo vàng ốm yếu là vẫn tỉnh bơ đứng ăn.

Khi người lạ nọ ngồi xuống thì cái khay đồ ăn đã gần cạn sạch, chi còn một nhúm cơm thừa, vài miếng cá vụn, mấy mẩu xương và một vài miếng da heo. Lúc ấy chú mèo ốm yêu mới thong thả nhảy lên

nhánh cây me thấp và nằm ôm cái cháng ba, lơ đãng quan sát cái con người vừa xuất hiện xem hắn ta sẽ làm gì.

Người đó là ai? Hắn định làm gì vậy?

Đó là một người đàn bà ốm đói. Cô ta vừa nghe một câu nói văng vẳng bên tai:

-Bữa ăn này không có thuốc chuột đâu. Hãy ăn đi!

Tức thì cô ta nhặt lấy một miếng cá thừa, đưa lên miệng. Nhai. Nuốt. Ngon quá! Những ngón tay run rẩy gom nhúm cơm thừa lũ mèo để sót lại, đưa vô miệng, Nhai. Nuốt.

Câu nói lúc này lại vang lên:

-Không có thuốc chuột đâu. Hãy ăn tiếp đi!

Thế là cô ta dùng cả hai bàn tay gom tất cả đồ thừa trên khay lại, vắt thành một cục, đưa lên miệng nhai ngấu nghiến.

Kể từ đó, ở xóm tôi có một thiếu phụ trẻ sống bằng thức ăn thừa của lũ mèo hoang chừa lại cho cô mỗi đêm.

20.

BÀ NĂM LÙ

VÀ LUẬT NHÂN QUẢ

Tôi đưa cho Wendy một tờ 2 đô-la.

Wendy nhìn tờ bạc, hỏi:

-Tiền gì đây?

-Tiền thưởng.

-Thưởng gì?

-Con là một nhà thiết kế thời trang nhưng đã thi hành luật nhân quả rất  sáng tạo và chuyên nghiệp như một quan tòa. Cả hai hình phạt vừa rồi thật vô cùng độc đáo và đích đáng.

-Cám ơn ngoại. Thế còn bị cáo thứ ba?

-Hôm trước ngoại có kể rồi, không biết con còn nhớ không?

Wendy suy nghĩ. Rồi hỏi:

-Có phải chuyện đống củi không? Cái bà Năm gì đó…

-Năm Lù.

Mèo con trong bãi rác

-Đó là người cấm ngoại cho mèo ăn?

-Đúng!

-Và giựt tô thức ăn của mèo trên tay ngoại, ném xuống sông?

-OK.

-Và trộn thuốc độc vô thức ăn để giết mèo?

-Không sai!

-Trước đó từng nhiều lần ném mèo con lên xe đổ rác?

-Chính xác!

Wendy đứng thẳng người, trịnh trọng hỏi:

-Vậy thưa quý tòa, bị cáo Năm Lù đã phạm tội gì?

Tôi nốc một lúc nửa chai Soju, cả cười mà rằng:

-Tội ngược đãi và giết hại động vật. Tử hình!

-Nặng quá. Đề nghị nghỉ 15 phút nghị án.

Wendy nói thế nhưng tôi biết trong đầu nó đã có phán quyết rồi.

*

Sáu giờ sáng, quán cà phê của bà Năm Lù đã mở cửa. Năm Lù và cô con dâu đem ly tách, bình thủy, gạt tàn thuốc bày trên bàn.

Bỗng nhiên Năm Lù thấy hai tay mình run bần bật. Mấy cái ly đang cầm trên tay rớt xuống đất bể tan nát. Cô dâu ngồi xuống nhặt các mảnh thủy tinh vỡ.

-Sao má run quá vậy?

-Không biết. Chắc tối qua má ngủ không được.

Bà vừa nói vừa tiếp lấy cái bình thủy từ tay cô dâu, lập tức nó vuột khỏi tay bà, rớt xuống đất. Tiếp đến là cơ mặt, rồi hai môi cũng giựt lia lịa như người mắc kinh phong. Hai mắt trợn trắng.

Mọi người hoảng hốt chạy đến đỡ bà, rồi gọi taxi đưa đi bệnh viện.

Bác sỹ chẩn đoán:

-Bệnh nhân bị chứng Parkinson.

Cô con dâu hỏi:

-Đó là bệnh gì vậy?

-Bệnh “liệt rung”. Tức là rung cơ không kiểm soát.

-Có chữa được không, thưa bác sỹ?

-Nhẹ thì chữa được nhưng nặng thì phải giải phẫu.

-Phải mổ sao? Mổ tay hả?

-Mổ não.

-Ối trời! Gì mà ghê vậy!

Bác sỹ quay nhìn cô con dâu của bệnh nhân, thấy có vẻ quê mùa, nghèo nàn (bác sỹ không hề biết là tuy họ nghèo nhưng rất độc ác), liền trấn an:

-Nhưng chắc mới bị chứ gì. Để tôi cho thuốc uống.

Rồi ông kê toa: Levodopa, dùng kèm benzerazide ngày 3 lần.

Thuốc chỉ làm cho các cơ trên mặt bớt giựt, nhưng hai tay vẫn run. Bà không thể cầm nắm cái gì được. Hễ cứ bưng chén cơm lên là đổ ập xuống đất, giống hệt như bà từng đổ những tô cơm của mèo xuống sông vậy.

*

Tôi hỏi Wendy:

-Con tính cho bà ta bệnh bao lâu?

-Chừng 2 năm, cho nó chừa.

-Nó không chừa đâu.

Wendy suy nghĩ giây lát rồi nói:

-Con sẽ vô quán uống cà phê, sẽ đi cùng ông bác sỹ đã điều trị cho bà ta ở bệnh viện và một người nước ngoài. Con sẽ tặng cho bà ta một con mèo con, và nhờ ông bác sỹ nói rằng bệnh của bà chỉ cần nuôi mèo và vuốt ve nó mỗi ngày thì sẽ bớt dần rồi dứt hẳn. Nếu bà ta nghe lời thì con cho bả 3 tháng. Nếu bả từ chối hoặc nhận mèo nhưng ngược đãi nó, thì con bỏ thí luôn.

-Nhưng làm sao con biết bả sẽ đối xử với mèo như thế nào?

-Con sẽ thuê người theo dõi. Ngoại cứ yên tâm đi. Con làm việc gì cũng công bằng và chu đáo.

Tôi nói:

-Ngoại là hàng xóm của Năm Lù, sao con không thuê ngoại theo dõi mà thuê người ngoài?

-Ối xời! Con không đủ tiền thuê ngoại đâu.

*

Phép thử của Wendy thất bại. Năm Lù chẳng những đã từ chối con mèo mà còn có vẻ không muốn phục vụ cà-phê cho cô khách Wendy mặc dù cô ăn mặc sang trọng, đi xe BMW, cặp kè với ông bác sỹ cùng một thanh niên da trắng. Và nói chuyện bằng tiếng Anh suốt chầu cà-phê.

Ngay sau khi bà từ chối đề nghị của Wendy, lập tức hai tay run lập cập, các cơ trên mặt giựt lia lịa.

Cô dâu la lên:

-Thuốc! Thuốc đâu! Đem thuốc lẹ lên!

21.

SOLEMAN

ĐẾN VIỆT NAM CẦU HÔN

Sáng chủ nhật Wendy đến. Lần này dẫn theo một anh chàng da trắng. Tôi tiếp khách ở dưới gốc mận. Mấy con mèo nằm trên các nhánh cây, dim dim mắt. Chỉ có Út thì leo vô lòng Wendy ngồi.

-Đây là Soleman, bạn của con đó ngoại.

Tôi nói:

-Hôm qua ngoại nghe hàng xóm nói thấy con vô quán cà-phê với một “thằng Tây”. Té ra là anh chàng này. Cậu là người nước nào?

-Cháu là dân Belfast.

-Hồi còn trẻ, bác nghe đài BBC, ngày nào cũng nói về các vụ đánh bom khủng bố của IRA ở Belfast. Đã hơn 50 năm rồi đó.

-Dạ. Lúc đó cháu chưa sinh ra đời, nhưng sau này học lịch sử thì cháu biết, cũng may là mọi thứ đã yên ổn.

-Cháu học cùng lớp với Wendy hả?

-Không ạ. Cháu và Wendy chỉ quen nhau trong một chuyến du lịch ở Brecon Beacons. Nhà cháu tới chỗ Wendy ở cũng mất gần hai giờ bay.

Wendy nói:

-Anh ấy là giáo viên dạy triết học ở Belfast.

-Hai đứa thân nhau vậy mà con chẳng nói gì với ngoại cả. Cho nên hôm nay ngoại bất ngờ lắm đấy.

-Cả mẹ con còn không biết gì về ảnh.

-Sao con không nói?

-Vì con nghĩ chắc không có dịp gặp lại.

Tôi day sang chàng trai:

-Cháu sang Việt Nam du lịch?

-Dạ. Với lại cháu cũng muốn tìm hiểu một chút về Nhã Nhạc cung đình Huế. Người Ireland yêu âm nhạc lắm. Họ thường chơi nhạc cả ngoài đường phố.

-Thế cháu sẽ đi Huế?

-Có thể là như vậy.

-Nhưng mà những người am hiểu về Nhã nhạc hiện nay gần như không còn ai. Nhưng mà cháu đã tìm hiểu tới đâu rồi?

-Đại khái cháu chỉ biết là Nhã nhạc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa vào năm 2003. Nó xuất hiện vào khoảng thế kỷ 13 và cực thịnh vào Triều Nguyễn.

-Đúng vậy. Nhất là thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên và thời Tây Sơn. Một trong những vở diễn có thể coi như là Opéra, là vũ điệu “Thái Liên”, có nghĩa là “hái hoa sen”. Đó là tác phẩm nổi tiếng của triều đại Nguyễn Phúc Nguyên, tức là giữa thế kỷ 17. Cháu có biết Nhã nhạc Cung đình Huế gồm những nhạc cụ gì không?

-Không ạ.

-Đại khái có những nhạc cụ chính như là: Hồ cầm, Nguyệt cầm, Tỳ Bà,  trống, phách, sáo… Hiện giờ trong nhà của bác có một cây Nguyệt cầm và một cây Tỳ Bà, cháu có muốn xem không?

Mặt Soleman rạng rỡ. Anh chàng gần như kêu lên:

-Thật vậy sao?

Và lập tức theo tôi vào trong.

-Hai cây đàn này là của cha bác để lại. Tuy ông không phải là nhạc công trong ban nhạc cung đình, ông chỉ là một nghệ sỹ lãng tử, nhưng ông biết chơi hầu hết các nhạc cụ của Nhã nhạc. Đặc biệt chơi xuất thần cây đàn Nguyệt.

Soleman săm soi hai cây đàn một cách thích thú.

Nguyệt cầm

-Bác có biết chơi hai nhạc cụ này không?

-Lúc còn trẻ, ông cụ có dạy bác chơi đàn nguyệt vì  thấy bác rất say mê nó.

-Nó có gì đặc biệt?

-Cháu chưa chưa bao giờ nghe đàn nguyệt sao? Tuy chỉ có 2 dây nhưng âm sắc của nó rất huyền ảo như tiếng gọi từ vực thẳm.

Tôi đưa cây đàn cho Soleman và chỉ vào những dãy phím.

-Cháu thấy có gì đặc biệt không? Phím đàn rất cao, nhờ thế mà chỉ cần một ngón tay của bàn tay trái -tùy theo độ nhấn- mà có thể tạo ra nhiều âm vực, trộn lẫn  vào nhau, khiến cho tiếng đàn trở thành tiếng than, tiếng gọi, tiếng nức nở của một sinh linh, một con người. Chính vì thế mà nó là một nhạc cụ huyền nhiệm nhất trong Nhã nhạc. Cháu hãy ngồi xuống đi. Bác sẽ cho cháu nghe một tấu khúc ngắn có tên là Nguyên Tiêu.

Soleman trao cây đàn cho tôi.

Tiếng đàn vừa cất lên chỉ trong giây lát đã nghe một tiếng “meo” lan tỏa như gió thoảng. Và Út hiện ra trước mặt tôi, ngay trên bàn, nhẹ như làn khói mỏng.

Soleman không hề nhìn thấy con mèo nên vẫn ngồi chăm chú.

Tôi ngừng đàn. Lập tức trong đầu tôi có ý nghĩ: “Tại sao mình không dùng tiếng Nguyệt cầm để gọi Út về trần thế”?

Khám phá đó làm tôi vui mừng khôn xiết.

Wendy cũng vừa bước vào. Tôi nghĩ: Lát nữa sẽ gặp riêng Wendy để cho cô bé biết điều bí mật ấy.

*

Soleman mời tôi đi ăn trưa nhưng tôi phải ở nhà cho mèo ăn vì chủ nhật người giúp việc nghỉ.

Khi hai cô cậu đi rồi thì có điện thoại của Quỳnh Như gọi từ Hà Nội.

-Chào anh.

-Chào Bộ trưởng. Có việc gì mà ngài gọi cho thảo dân vậy?

-Có việc chứ. Hai đứa nó đi rồi phải không?

-Sao chị biết?

-Chuyện của con gái tôi, có gì mà tôi không biết.

-Wendy nói ngày mai chúng nó đi Hà Nội đấy. Hình như có chuyện gì chúng nó muốn nói với tôi mà không dám.

-Anh thấy Soleman thế nào?

-Dễ mến. Nó nói nó sang Việt Nam để tìm hiểu về Nhã nhạc nhưng tôi nghĩ có lẽ vì một chuyện gì khác.

-Nó muốn cầu hôn Wendy đó. Anh thấy có được không?

Tin đó làm tôi giật mình. Vì đối với tôi, Wendy chính là Út. Còn Út bây giờ đã thuộc về cõi Phật rồi. Út đâu có thể ở trần gian mãi được.

-A Lô! Anh còn nghe máy không? Sao im lặng vậy?

-Vì tôi chưa biết phải trả lời câu hỏi của chị thế nào. Nhưng tôi nghĩ, người quyết định chính là Wendy.

-Thì anh chỉ cho một nhận xét của riêng anh thôi.

-Tôi thấy nó được. Hiền lành, dễ mến và có học thức. Còn những khía cạnh khác như tinh thần trách nhiệm, lòng nhân hậu… thì phải có thời gian mới biết được.

Bà bộ trưởng im lặng một lúc, dường như tôi nghe có tiếng thở dài rất nhẹ qua đện thoại.

-Anh Phan Vũ này, tôi thấy Wendy có gì đó bất thường.

-Bất thường như thế nào?

-Nó nói nó muốn sống độc thân. Tôi hỏi lý do thì nó hỏi lại tôi: “Tại sao lại phải lấy chồng chứ? Mẹ không hiểu con gì cả. Con có thế giới riêng của con”. “Nhưng con đang sống chung với mẹ và mọi người.” Nó nói: “Đó chỉ là đời sống xã hội. Con còn có những đời sống khác nữa mà mẹ không thể hiểu được.” Đúng là tôi không hiểu. Vậy còn anh? Anh hiểu nó như thế nào?

-Nó là một con bé thông minh và nhân hậu.

Tôi trả lời như một cái máy, vì trong đầu tôi đang nghĩ: “Hóa ra Quỳnh Như không biết chút gì về tiền kiếp của Wendy”. Và điều đó làm tôi vừa buồn lại vừa thấy nhẹ nhõm.

22.

TRỞ VỀ CÕI PHẬT

Út ngồi trên bàn làm việc của tôi, mặt quay vào vách. Tôi biết nó đang thiền định nên lại giường nằm. Bỗng nghe Út nói:

-Ngoại ngủ đi. Mấy hôm nay con thấy ngoại lo tiếp khách của chị Wendy cực quá.

-Nhưng con đừng bỏ đi lúc ngoại đang ngủ. Nếu khi thức dậy mà không thấy con, ngoại sẽ buồn lắm đó.

-Không sao đâu. Ngoại cứ ngủ đi.

Nửa đêm tôi thức dậy thì thấy Út đang ngủ say, mặt rúc vào nách bên phải tôi giống như ngày xưa.

 Tôi hơi nghiêng người một chút, vuốt đầu nó, nghĩ tới lúc hai ông cháu phải chia tay, tôi không cầm được nước mắt. Nhưng tôi không dám khóc thành tiếng sợ nó thức dậy. Út cứ nằm im như thế một lúc lâu, rồi nó cựa quậy. Nó cắn nhẹ lên cánh tay tôi. Rồi một giọng nói như lời thủ thỉ của trẻ thơ:

Út tập trèo cây

-Con không ngủ đâu, ngoại. Con chỉ nằm nghe ngoại thở, để nhớ lại ngày xưa khi ngoại mới đem con về. Đó là những ngày mưa rất buồn, còn con thì bị bao nhiêu thứ bệnh hành hạ. Hồi đó, tuy con chỉ là một con mèo con nhưng con hiểu tấm lòng của ngoại. Và con thương ngoại lắm. Suốt đời con sẽ không bao giờ quên được mối tình giữa hai ông cháu mình. Tuy bây giờ con đang ở một cõi trời khác, và đã bước qua khỏi sinh tử luân hồi, nhưng con vẫn là cháu của ngoại. Và mai sau, con sẽ là người tiếp dẫn linh hồn ngoại khi ngoại qua đời để về cõi Phật. Chúng ta sẽ lại ở cạnh nhau, bên ngoài cõi vô thường này.

Tôi ôm nó thật chặt. Lặng lẽ khóc. Nước mắt chảy xuống miệng tôi, lăn xuống cổ, xuống ngực. Tôi không biết phải nói gì. Cứ khóc. Nước mắt cứ chảy, cứ chảy hoài không dứt.

Út ngồi dậy. Nó liếm những giọt nước mắt, liếm lên má, lên cổ tôi. Lưỡi của nó vẫn rất nhám. Tôi nấc lên khi nhớ lại buổi chiều tôi đưa nó từ bệnh viện về, nó rúc vào ngực tôi để tìm vú mẹ, tìm một chút sữa từ cái núm vú khô quắt queo như miếng da vô dụng.

Út không biết khóc, không có nước mắt, nhưng nó kêu lên những tiếng “Ao! Ao!” nghe đứt ruột. Nhưng rồi nó trấn tĩnh lại. Nó nói:

-Đừng khóc nữa, ngoại. Con sợ lắm.

-Con sợ gì?

-Sợ tiếng khóc ấy sẽ kéo con trở lại cõi vô thường.

Tôi cố kìm nén cảm xúc. Út nói:

-Tạm biệt ngoại! Con đi đây! Rồi một ngày nào đó con sẽ trở về thăm ngoại.

-Nhưng quỹ thời gian của ngoại không còn bao nhiêu. Ngoại rất mong được gặp con lần nữa trước khi từ giã cõi đời này.

-Không sao đâu ngoại. Đừng nhìn cuộc chia ly này như thế. Ngoại cứ sống như đã từng sống: Thương yêu và cứu giúp chúng sinh. Đó là tu. Đó là Phật. Và hai ông cháu mình sẽ gặp lại. Hãy đón nhận cái chết thật nhẹ. Như một chiếc lá rơi. Hãy coi nó như một sự hòa nhập và hội ngộ. Con đi đây… ngoại nhé…

Rồi Út biến mất.

Bàn tay tôi vuốt vào khoảng không, còn vương lại chút hơi ấm của đứa cháu ngoại đã từng đến cõi hồng trần này từ vô minh, và đã gặp tôi do nghiệp duyên của một kiếp nào xa lắc.

23.

KẺ ĐI LẠC GIỮA PHỐ XÁ

Vậy là tôi lại chỉ có một mình. Một mình trên mặt đất hoang vu này. Một mình giữa căn phòng nhỏ hẹp. Một mình giữa buổi trưa trong khu vườn cũ, nơi yên nghỉ của những sinh linh bé nhỏ vô danh, hẩm hiu và lạnh lẽo. Một mình giữa những  ồn ào xe cộ, giữa phố xá bụi bặm đông người.

Thiên hạ nói cười trên hè phố, trước các hàng quán, trong tiệm cà phê. Cái đám đông ấy đang sống bình yên, thư thả, như mọi ngày…

Nhưng chỉ có mình tôi khóc.

Vì chỉ mình tôi đã mất Út.

Út bé bỏng, ngây thơ, tội nghiệp của tôi đã không còn trên cõi đời này nữa!

Trong cái thành phố mười triệu dân này, không có ai bị mất Út cả. Không có ai từng cưu mang và nuôi nấng, buồn vui, khóc cười cùng Út cả.

Trong cái thành phố mười triệu dân này, không có người nào biết Út là ai cả.

Chỉ có tôi.

Chỉ có tôi.

Từ đây cho tới khi ngoại chết, ngoại sẽ không bao giờ còn được gặp lại Út bé bỏng, khờ khạo, hiền lành của ngoại nữa!

Người qua phố vẫn qua. Người trò chuyện trên vỉa hè vẫn trò chuyện. Người uống cà phê vẫn uống. Nhưng trên mặt đất mênh mông này chỉ có mình ngoại thương nhớ con.

Những người đi bộ trên vỉa hè dừng lại nhìn tôi rồi bỏ đi. Có ai đó hỏi: “Chuyện gì vậy? Bác có cần giúp đỡ  không?”. Tôi chỉ nói “cám ơn” và cắm cúi đi.

Qua khỏi khu phố đông người là một bãi đất rộng ngay trước một bệnh viện lớn. Bãi đất trống trải. Cỏ thì còi cọc, khô héo. Mặt đất lồi lõm, nham nhở, nhưng thoáng đãng và đầy gió. Những người bán hàng rong, bán cà phê bít-tất, bán đồ nhậu bình dân, mỗi người chiếm một lô nho nhỏ, bày những chiếc ghế gỗ, những cái bàn xếp cho khách ngồi lai rai vài xị đế.

Trời âm u. Tôi thấy mệt nên dừng lại giữa khoảng trống đầy gió ấy.

-Bác đi mấy người?

Tôi đưa một ngón tay. Cô gái lùn lùn, tròn tròn, kéo ghế mời tôi ngồi, đặt trước mặt tôi một xị đế và đĩa hạt điều. Xong, bỏ đi. Cứ thế mà uống. Cũng chẳng biết mình uống cái gì. Lát sau cô gái lại đem thêm một xị đế nữa và mấy cái trứng cút.

Lại uống.

Mọi vật chung quanh trở nên mơ hồ. Nắng xế chói chang trên những mái nhà phía bên kia bãi đất trống.

Tôi lật cổ tay, coi đồng hồ. Vừa coi xong là quên ngay, không biết mấy giờ. Định coi lần nữa thì điện thoại reo. Wendy gọi:

-Ngoại ơi! Con đã nói là con chỉ muốn sống độc thân, nhưng hôm nay Soleman lại mời cả ông Tổng Lãnh Sự Anh tại TPHCM đến “thăm nhà” và gặp mẹ con tại nhà khách của Bộ. Bây giờ phải làm sao đây?

-Có gì đâu. Chỉ là thăm viếng xã giao. Con cứ tiếp khách bình thường.

-Ngoại đến đây với con được không?

-Nhưng ngoại đang say rượu. Và đang ở ngoài đường. Ăn mặc lôi thôi, nhếch nhác lắm. Sao con không báo cho ngoại biết trước để ngoại chuẩn bị?

-Chính con cũng không biết trước mà.

-Nhưng bây giờ thì không được. Mẹ con là bộ trường. Và đang tiếp một quan chức cao cấp của vương quốc Anh, còn ngoại thì giống như một lão ăn mày say rượu. Sao có thể đến được!

Tôi định cho Wendy biết là Út đã biến mất và tôi đang rất buồn, nhưng rồi thôi.

Út đã ra đi, đem theo cả cuộc đời tôi. Giờ đây, tôi chỉ tồn tại như một mớ vàng mã phất phơ trên bãi cỏ úa. Những người bình dân ngồi nhậu bên những nấm mồ. Nói, cười, la hét, khóc lóc cùng những mộ bia mốc thếch, nứt nẻ. Chửi thề, văng tục cạnh những bếp lửa um khói.

Xị đế đã cạn. Sao rượu không đuổi được nỗi buồn? Wendy lại gọi. Khi tôi lôi cái điện thoại trong túi quần ra thì tay run, điện thoại rớt xuống, lẫn trong cỏ. Tụi trẻ bụi đời nhào tới giành giựt, la hét, đấm đá. Khi chúng bỏ đi thì tôi cũng xiêu đổ như con bù nhìn trước gió.

Tôi thảy mấy tờ giấy bạc trên bàn rồi đi về phía bãi giữ xe. Người giữ xe giúp tôi dẫn xe ra đường.

-Liệu bác có đi được không?

-Đi được.

Khi về đến cổng, tự nhiên tôi sợ phải bước vào căn nhà mà không có Út. Đó là viện bảo tàng lưu giữ biết bao hình bóng của Út, biết bao kỷ vật nhỏ bé, cũ kỹ, nghèo nàn mà thân thương như máu thịt.

Út ơi! Ngoại đang cố gắng vượt qua cái “lỗ đen” khủng khiếp trong vũ trụ mà không có con dẫn đường. Ngoại không biết ở đầu bên kia  là cái gì, có thế giới nào đang chờ chực ngoại?

Tôi sợ.

Và tôi bỏ mặc chiếc xe cà tàng của mình ngoài cổng. Vừa đi vừa chạy. Có một sức hút nào đó kéo tôi về hướng bờ sông, đến ngay ngôi nhà đổ nát, đến ngay cái gốc cây nơi ngày xưa tôi đã tìm thấy Út nằm thoi thóp.

Hồi đó nó chỉ là một chỗ trũng đầy cỏ dại, lá khô và rác rưởi. Tôi như kẻ hoang tưởng, nghĩ rằng khi chạy đến nơi thì mình sẽ lại nhìn thấy Út nằm co ro như một con chuột nhỏ. Và tôi sẽ cúi xuống bế Út lên. Nó sẽ giương mắt nhìn và kêu lên một tiếng “meo” thảm thiết.

Và mọi thứ sẽ bắt đầu lại như trong cổ tích.

Nhưng khi đến nơi, chỉ thấy một gốc cây trơ trụi, một nền gạch rêu mốc, lở lói. Và cỏ dại mọc đầy. Út đã thực sự đi rồi.

Chẳng bao lâu nữa sẽ đến lượt Wendy theo chồng sang cái xứ Ireland xa lắc đó.

Chuyến “thăm nhà” giờ này chắc cũng đã kết thúc. Rượu cạn trong ly. Những lời chúc tụng, những tiếng cười cũng tắt. No more champagne, and the fireworks are through. Here we are, me and you, feeling lost and feeling blue (Lời bài hát Happy New Year).

*

Ông Tổng lãnh sự và tùy tùng đã ra về.

Chỉ còn lại Wendy và Soleman trong phòng khách. Không nói gì với nhau. Wendy ngồi trước gương, tẩy trang vội vàng và lặng lẽ. Soleman nói:

-Ta ra vườn dạo một lát nhé?

-Em phải đi ngay bây giờ.

-Em đi đâu? đã chiều rồi.

-Nhưng em phải đi thăm ngoại. Hôm nay ông không đến. Em gọi điện thoại 5 lần cũng không được.

-Nhưng mọi thứ vẫn OK. Vả lại ông đâu có họ hàng gì với em.

Wendy khóc thút thít.

-Không họ hàng. Nhưng anh không thể ngờ rằng chính ông đã cứu em khi người ta bỏ em nằm hấp hối trên bãi cỏ. Lúc đó em mới một tháng tuổi. Ông đã bế em trước ngực và đưa em về, nuôi em cho đến khi bình phục. Bây giờ em bỏ ông nằm thui thủi một mình trong căn nhà hoang vắng đó, không biết đau yếu thế nào. Như vậy có phải đạo làm người không?

Soleman đưa hai tay lên:

-Ôi trời! Lại có chuyện như vậy sao? Em là con gái của một vị bộ trưởng mà. Gia đình quyền quý. Sao lại có chuyện người ta vứt em trên bãi cỏ khi em mới một tháng tuổi? Đầu óc em có tỉnh táo không vậy?

Wendy có vẻ bối rối, không biết giải thích thế nào.

-Anh quên rằng trước đây mẹ em chỉ là một cô du kích trong rừng…

Soleman đứng lên, đến bên cửa sổ và đốt thuốc lá.

-Anh vẫn không hiểu. Vì chuyện ở trong rừng đã trở thành cổ tích. Gần 50 năm rồi…

Wendy rót nước và uống cạn.

-OK. Nhưng có những điều em không thể kể với anh được. Nhưng những gì em vừa nói về ông ngoại đều là sự thật. Ông ngoại chính là người mẹ thứ hai của em. Không biết phải làm sao cho anh tin.

Soleman ném tàn thuốc qua cửa sổ.

-Chuyện cứ như đùa! Còn bí ẩn hơn chuyện Chúa Giêsu hiện ra để cứu con mèo ở Belfast. Wendy! Em là ai vậy?

Lần này thì Wendy không trả lời câu hỏi ấy.

Cô tiến lại phía Soleman, ôm hôn và lau nước mắt.

-Em xin lỗi. Không tiễn anh được. Em phải đi tìm ngoại.

24.

MÁNG CỎ

Wendy dừng xe trước cổng nhà, và nhìn thấy một chiếc xe gắn máy ngã chổng chênh bên lề đường.

Một cánh cửa cổng đang mở. Wendy ra khỏi xe, bước vào trong sân. Trên ghế đá, chỉ có mấy con mèo im lặng. Hình như chúng đang chờ một ai đó.

Wendy bước vô phòng khách. Không có ai cả. Bếp cũng vắng tanh. Cô gái đứng bất động nơi đầu cầu thang, chờ nghe một bước chân, một tiếng thở. Nhưng trên gác cũng im lìm.

-Ngoại ơi! Ngoại đang ở đâu vậy?

Một con mèo từ trên nóc tủ nhảy xuống, đến dụi mặt vào chân Wendy.

-Meo!

-Ngoại đâu?

Con mèo bước lên cầu thang. Và Wendy đi theo nó. Căn gác cũng trống trơn, cũng vắng vẻ như ngôi nhà và khu vườn.

-Ngoại ơ! Ngoại!

Wendy bước ra ban-công nhìn khắp chung quanh, rồi nhìn ra cổng. Chỉ thấy chiếc xe gắn máy nằm trên vỉa hè. 

Cô hấp tấp xuống cầu thang.

Chiếc BMW trở đầu, chạy thẳng ra bờ sông.

Wendy chợt nhớ đến ngôi nhà đổ nát và cái gốc cây già cỗi. Cô chạy về phía đó.

Từ xa, cô đã nhìn thấy một bóng người đang ngồi tựa lưng vào bức tường rêu mốc phía sau gốc cây đầy cỏ mọc.

Đó là nơi cô đã từng nằm chờ chết. Đó là chiếc máng cỏ lạnh lẽo, hiu quạnh, thấp hèn của một thời xa lắm.

Wendy quỳ xuống trước người đàn ông đang nhắm mắt, nhưng cô không gọi. Không dám cử động mạnh. Cô lắng nghe tiếng thở yếu ớt và tiếng đập âm thầm từ một trái tim đã mệt mỏi.

Người đàn ông mở mắt. Và nhìn thấy một cô gái. Ông gọi, như trong một giấc chiêm bao:

-Út ơi! Sao lâu quá con không về?

-Con đã về đây này! Con chính là Út của ngoại đây! Hai ông cháu mình sẽ không bao giờ rời xa nhau nữa.

Wendy chồm người tới ôm ông và hôn lên vầng trán lạnh ngắt.

-Về nhà mình đi, ngoại. Ở đây gió sông lạnh lắm.

-Hãy cho ngoại ngồi thêm một lát. Bên máng cỏ. Có phải đây là nơi Chúa hài đồng đã từng nằm lẫn trong cỏ khô và lá úa? Có phải đây là nơi ông cháu mình đã gặp nhau trong một buổi chiều mưa? Hôm đó con lạnh lắm, phải không Út của ngoại?

25.

KHÔNG GIAN BỐN CHIỀU

Khi Wendy đưa tôi về nhà thì thấy cổng đóng kín và chiếc xe máy của tôi cũng được đem vô sân, dựng ngay gốc mận.

Người giúp việc nói:

-Ông đi mà quên dắt xe vô. Hàng xóm nói ông đi dạo ngoài bờ sông.

Wendy lái xe vô sân. Lũ mèo lại chạy đến mừng. Ông cháu ngồi xuống chơi với chúng một lát rồi vô nhà.

Wendy bật đèn trong vườn sáng trưng rồi bước lên cầu thang.

-Lâu quá con không thắp hương cho Út.

Tôi cũng đi theo nó. Nó dặn tôi:

Mô hình không gian 4 chiều

-Sáng mai ngoại nhớ bảo chị giúp việc mua cho Út bình bông và hoa quả. Và cho Bi cái bánh bao.

Tôi thắp hương cho cha mẹ và các anh chị tôi ở

bàn thờ lớn còn Wendy thì đang khấn vái trước bàn thờ của Bi và Út.

Bỗng nhiên nó quỳ mọp xuống và ôm mặt.

-Con bị sao vậy?

-Hình như Út đang gọi tên ngoại. Nó biết ngoại đang bị cảm lạnh.

-Sao con biết được ý nghĩ của Út?

-Con và Út thường đọc được suy nghĩ của nhau như thế.

-Ngoại chưa hề có sự giao cảm ấy với Út. Tại sao vậy?

-Con cũng không hiểu. Nhưng có lẽ nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

-Ví dụ như yếu tố gì?

Wendy nghiêng đầu, suy nghĩ.

-Để con nhớ xem. Có một từ tiếng Anh gọi là Quantum Entanglement, dịch là “vướng mắc lượng tử”. Tức là một sự việc xảy ra ở não người này có thể cũng đang xảy ra cùng lúc ở não người khác, cho dù hai người ở cách xa nhau hàng ngàn năm ánh sáng.

         Tiến sĩ Dean Radin, trong tác phẩm Entangled Minds đã viết như vậy. Nhưng hiện tượng ấy chỉ xảy ra giữa những người cùng huyết thống.

-Ngoại hiểu rồi. Tuy Út và con không cùng huyết  thống  nhưng  mối  lên hệ  giữa  đôi  bên  còn  khắng khít hơn thế nhiều. Nếu không nói hai người là một. Wendy chính là Út và Út chính là Wendy.

Ngoại không có kiến thức nhiều về lượng tử nhưng bằng trực giác, ngoại cảm nhận như thế.

-Con nghĩ là đúng. Hiện tượng “vướng lượng tử” ấy không những chỉ tác động đến suy nghĩ và cảm nhận mà còn tác động lên vật chất nữa.

-Thật sao? Con nói tiếp đi.

-Tháng 8/2000, sau một vụ nổ bom khủng bố tại quảng trường Pushkin, ở thủ đô nước Nga, bệnh viện Sklifosovsky đã đón một nữ nạn nhân bị vô số vết bỏng trên người. Khi người chị sinh đôi đến thăm em, các nhân viên bệnh viện vô cùng sửng sốt khi thấy trên cơ thể khỏe mạnh của người chị cũng có những vết bỏng. Chứng tỏ người chị đã nhận một phần thương tích từ em gái mình.

 Ngay lúc hai ông cháu đang nói những chuyện “cao siêu khó hiểu” thì chuông cửa reo. Wendy chạy ra balcon nhìn xuống cổng, thấy Soleman đang đứng ở đó.

-Chắc anh ấy đang giận lắm. Vì con bỏ đi.

-Hay là con cứ tạm lánh mặt. Ngoại sẽ nói là con không có ở đây.

-Không cần đâu.

-Vậy phải làm gì? Con sẽ tiếp anh ta sao?

-Không. Nhưng mình sẽ đi dạo trong không gian 4 chiều. Soleman không có khả năng bước vào chiều thứ tư, và vì vậy mà anh ấy sẽ không thể nhìn thấy ông cháu mình, cho dù đang đứng ngay trước mặt.

-Ngoại hiểu. Hồi còn sinh viên ngoại cũng có đọc một số sách về chiều thứ tư. Thực ra nó chính là thời gian được kết nối vào cấu trúc của không gian ba chiều. Nếu chúng ta có thể làm chủ được thời gian và di chuyển trong nó như ta vẫn thường di chuyển trong không gian ba chiều, thì quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là một. Cả sự chết và sự sống cũng là một: Trong thời điểm này tôi chết, nhưng trong thời điểm trước đó thì tôi sống. Hiện tại tôi là một ông già nhưng ở một thời điểm khác tôi là một thanh niên. Nếu cứ tiếp tục di chuyển qua lại, lui tới… trong thời gian giống như di chuyển trên một toa tàu qua các nhà ga, thì có lúc tôi là một học sinh cấp hai, nhưng cũng có lúc tôi đến nhà trẻ để bế chính tôi về nhà.

Wendy vỗ tay tán thưởng.

-Ngoại tuyệt quá!  Chính con đã phải vất vả vô thư viện một thời gian khá dài mới hiểu được những nét cơ bản về vật lý và cơ học lượng tử, về vũ trụ, về khái niệm không-thời-gian (spacetime)… Bởi vì con không phải là một nhà khoa học mà chỉ là một nhà thiết kế thời trang.

Tôi ôm qua vai Wendy.

-Giỏi lắm! Nhưng điều gì đã khiến con quan tâm tìm hiểu những lãnh vực khó khăn đến như vậy?

-Đó chính là lúc mà con gặp Chúa Jésus tại bệnh viện ở Belfast để cầu xin Người cứu con mèo con đã chết. Lúc ấy con đã khám phá ra rằng: mình có năng lực khác thường.

Nói xong Wendy bước vội xuống cầu thang, đi ra cổng, mở khóa cho Soleman vào.

Nhưng lúc ấy Soleman không hề nhìn thấy Wendy vì cô đang ở trong không gian bốn chiếu. Anh ta cứ ngỡ là gió mạnh đã đẩy cánh cổng sắt mở ra. Và thế là anh ta bước vào.

Người giúp việc  cũng không nhìn thấy Wendy,  trố mắt nhìn cánh cổng sắt nặng nề từ từ mở. Rồi chị ta nghe giọng nói của Wendy vẳng bên tai:

-Chị hãy ra hiệu mời khách vào dùng trà rồi tìm một tờ giấy và cây bút. Em sẽ giúp chị.

Chị giúp việc hoảng hồn nhưng cố trấn tĩnh, làm theo những gì Wendy dặn.

Khi vào đến phòng khách, Soleman nói:

“I would like to meet Wendy” (Cho tôi gặp Wendy).

Chị giúp việc lại nghe giọng nói của cô chủ:

-Cầm bút lên đi.

Chị liền cầm bút. Lập tức một dòng chữ hiện ra trên trang giấy: “She has gone shopping” (Cô ấy vừa đi siêu thị).

Soleman lại viết:

“Where is her grand-father?” (Ông ngoại đâu?)

“He’s sleeping” (Ông đang ngủ)

Soleman chỉ vào ngực mình rồi chỉ lên cầu thang có vẻ muốn lên lầu kiểm tra. Vẻ mặt anh chàng rất căng thẳng.

Giọng nói lại thì thầm vào tai chị giúp việc:

“Chị ra ngoài khóa cổng lại đi. Để em tiếp khách cho”.

Khi chị giúp việc vừa bước ra khỏi phòng khách thì Wendy cũng ra khỏi chiều thứ tư, trở lại không gian ba chiều thường ngày, và hiện ra trước mặt Soleman, khiến anh ta giật mình.

Wendy nói bằng giọng rất nghiêm nghị:

-Anh bất ngờ lắm phải không? Khi chúng ta gặp Chúa Giêsu ở Belfast, anh đã hỏi: “Wendy, em là ai vậy?”  Bây giờ thì chắc anh đã biết em là ai rồi.

Soleman nhìn không chớp mắt vào khoảng không trước mặt. Giọng anh ta như kẻ lên đồng:

-Vẫn không biết gì cả. Còn mù tịt hơn nữa.

-OK. Chính em cũng không biết mình là ai, nhưng điều chắc chắn: em không phải người bình thường. Một cô gái như vậy có thể làm vợ được sao?

-Vậy chẳng lẽ suốt đời em không lấy chồng?

-Anh không thể hiểu. Rằng: Em mang ơn ông ngoại nặng như núi. Ông đã đưa em vào đời từ cõi chết. Sao em có thể xa lìa ông để theo chồng được. Em sẽ chăm sóc ông cho đến những ngày cuối đời. Lúc ấy em mới có thể sống bình thường được.

Chị giúp việc trở vào. Soleman đứng lên, có vẻ thất vọng. Wendy tiễn anh ra cổng.

-Để em đưa anh về.

-Không cần đâu. Anh còn phải ghé Tổng lãnh sự quán và một vài nơi khác.

26.

THÁNH LỄ TRONG SÂN CHÙA

Wendy hỏi tôi:

-Ngoại muốn đến Hải Sơn Tự bằng ô-tô của con hay bằng cách khác?

-Cách khác là cách gì?

Wendy đưa cho tôi một thỏi sô-cô-la.

-Từ khi gặp ngoại ở bệnh viện Đà Lạt, con đã nhiều lần sử dụng cầu Einstein-Rosen, và đã rất thành thạo rồi. Khoảng cách trong không gian và thời gian không còn là trở ngại nữa. Kể cả tốc độ di chuyển. Ngoại không thể ngờ được tốc độ ấy lớn cỡ nào đâu.

-Cỡ nào?

-Nhanh gấp 10.000 lần tốc độ ánh sáng.

Tôi ôm đầu, lảo đảo:

-Ối chời! Chắc tôi chết!

Vậy mà Wendy cười ngất. Nó vừa cười vừa nói:

-Con không đùa đâu. Tốc độ ánh sáng đã lỗi thời rồi! Con có thể đưa ngoại đi bất cứ đâu bằng tốc độ của tư tưởng. Nghĩa là “tức thì”. Nào! Bây giờ ngoại muốn đến Hải Sơn Tự ở Bãi Sau Vũng Tàu bằng xe hơi hay bằng wormhole?

-Thôi, tao già rồi. Mi cho tao ngồi xe hơi cho nó khỏe, bé đẹp nhé?

-Trời ạ! Từ hồi biết ngoại tới giờ, đây là lần đầu được ngoại khen một câu.

-Khen gì! Đẹp thì nói đẹp chứ. Chẳng những đẹp mà còn siêu phàm nữa. Mèo con ạ.

*

Cổng chùa rộng mở. Có nghĩa là ai cũng vô được, kể cả yêu quái. Tôi và Wendy không phải yêu quái nên cứ nhấn ga vọt lên dốc. Không cần giảm tốc độ.

Nghe nói sư ông chùa này nuôi tới hai trăm con mèo đủ mọi chủng loại, giới tính, màu sắc, quốc tịch,

-Nhưng ngoại có chắc là họ còn nhiều đất trống không?

-Nghe nói rộng mênh mông. Có mấy cái vườn rau, rẫy bắp bỏ hoang vì ở độ cao thiếu nước tưới.

-Nhưng họ có biết mình đến để làm gì không?

-Ngoại nói mình đến tặng đồ ăn cho mèo. Con mua nhiều lắm hả? Sao thấy xe nặng qua vậy?

-Con mua 100 ký cá hộp và thức ăn hạt.

Tôi nghĩ quà tặng như vậy cũng thuộc loại hào phóng, nhưng sư ông không thèm tiếp. Ông chỉ cho một chú tiểu ra đón. Chú tiểu nói:

-Cám ơn quý ông và quý cô đã tặng thức ăn cho mèo nhưng quà thì chúng tôi nhận, còn nếu thí chủ đem mèo tới gởi thì nhà chùa không nhận đâu ạ. Vì hết chỗ rồi.

Wendy ra khỏi xe.

-Không có con mèo con chó nào hết. Chú đừng lo.

-Vậy mời thí chủ vào trong uống trà.

Tôi nhắp một ngụm.

-Trà xanh, mới hái. Ngon. Con cho ông một bình nữa được không. Đi đường xa khát nước.

Chú tiểu nghe tôi đổi cách xưng hô, nó cười.

-Ông chờ con chút.

Tôi giúi vô tay nó một hộp sô-cô-la. Nó nhét lẹ vô áo tràng rồi biến mất.

Lát sau sư ông xuất hiện cùng một ni cô còn trẻ, mặt mày tươi tắn, chắp tay chào.

-A Di Đà Phật!

Wendy đứng dậy xá mấy cái.

-A Di Đà Phật! Bạch sư ông. Xin cho người đem thức ăn vô kho.

Bốn ông sư trẻ từ trong bếp đi ra. Wendy mở cốp xe cho họ khuân các bao thức ăn.

Sư ông nói:

-Sắp đúng ngọ, mời thí chủ dùng tạm bữa cơm chay đạm bạc.

-Dạ.

Trong bữa cơm, tôi ngỏ lời.

-Xin lỗi thầy. Nghe nói nhà chùa có mấy cái vườn rau bỏ hoang, có thể nhường lại cho chúng tôi chừng 1.000 mét vuông được không?

-Thí chủ mua đất để làm gì?

-Chúng tôi muốn cất một trại nuôi mèo theo tiêu chuẩn châu Âu vì hiện nay ngoài xã hội người ta vứt mèo con nhiều quá, chúng lang thang đầu đường xó chợ, chết bờ chết bụi rất tội nghiệp.

Nhà sư lắc đầu lia lịa.

-Không được đâu. Nhà chùa hiện nay đang nuôi tới 200 con mèo. Không đủ sức.

Wendy đứng dậy, xá nhà sư một cái.

-Bạch thầy. Sư phụ hiểu lầm rồi. Tụi con sẽ xây một trại mèo biệt lập, có người lo cho chúng mọi thứ, Không xâm phạm gì tới nhà chùa.

-Nhưng khôg được. (Sư ông đưa tay chỉ ra ngoại sân, ở đó có mấy con mèo ốm đói đi lang thang quanh các gốc cây). Chúng tôi đã bị chính quyền và dân địa phương than phiền lắm rồi. Không được đâu.

Wendy nói:

-Nhưng đất nhà chùa quá rộng. Cả mười mấy hecta mà chỉ có 200 con mèo, tính ra mật độ mèo quá thưa thớt, có ảnh hưởng gì tới môi trường đâu?

Vừa nói, Wendy vừa bước ra ngoài sân, nhìn ngắm chung quanh, quan sát cảnh vật. Chợt nhìn thấy một gốc cây gãy ở góc sân, cô ngồi xuống đó, vuốt ve một con mèo  nhỏ.

Con mèo liền nằm phục xuống dưới chân Wendy, lim dim mắt. Giây lát có ba con mèo khác chạy đến, ý muốn được Wendy vuốt ve. Wendy lại vuốt chúng, rồi bế con mèo mun lúc nãy vào lòng nựng nịu. Lại thêm một đàn bảy tám con mèo khác chạy đến, vây quanh Wendy.

Chừng năm phút sau, nguyên một đàn cả trăm con từ sau chùa, từ các bụi rậm, từ mái nhà, bãi cỏ… ùn ùn chạy đến nằm phủ phục trước mặt Wendy.

Chưa đầy mười lăm phút, tất cả mèo trong chùa, và hình như cả lũ mèo hoang trong xóm lân cận cũng kéo đến đông nghẹt. Tất cả đều phủ phục trước mặt Wendy.

Tất cả đều im lặng như những tín đồ đang hành lễ, đang chờ ban phước, đang chờ cứu độ.

Cảnh tượng ấy làm mọi người sửng sốt. Tôi là người hiểu Wendy nhất nhưng cũng không khỏi ngạc nhiên trước cuộc hành lễ uy nghi ấy.

Sư ông gần như kinh hãi. Thầy đứng dậy bước ra sân chùa, muốn đến gần Wendy để nói điều gì đó nhưng mèo đang phủ phục dày đặc, không có chỗ cho thầy đặt một bàn chân vào, đừng nói là bước được một bước.

Tất cả mèo đều kéo về

Sư ông ngoái nhìn tôi như muốn cầu cứu. Tôi chỉ biết lắc đầu, im lặng. Nhà sư đứng ngẩn ngơ một lúc rồi quay vào. Giọng nhà sư đứt quãng:

-Tôi thật thất lễ quá. Bồ Tát ở ngay trước mặt mà không biết.

-Bồ Tát nào vậy? Tôi hỏi.

-Thí chủ không thấy chúng sinh đảnh lễ trước cô nương ấy sao?

Tôi vỗ vai nhà sư.

-A Di Đà Phật! Nó là cháu ngoại tôi đó. Và chúng tôi đến đây chỉ muốn nhờ thấy giúp một tay cứu lũ mèo hoang mà thôi.

-Vậy thì tôi đồng ý. Thí chủ cứ tiến hành các thủ tục đi. Muốn mua bao nhiêu đất cũng được.

-Chúng tôi xin mua một hecta nhé. Thầy tính bao nhiêu?

-Bao nhiêu cũng được. Năm ba tỷ gì cũng là công quả cho chùa thôi mà.

Tôi hỏi số tài khoản ngân hàng của nhà sư và lấy điện thoại chuyển ngay tức khắc một tỷ đồng tiền cọc.

Nhà sư mở điện thoại ra, thấy tiền đã về trong tài khoản thì chắp tay nói:

-A Di Đà Phật! Nhưng thí chủ có phải nhờ những công ty bất động sản họ làm giúp các thủ tục không?

-Thầy không phải lo. Mẹ của Wendy là bộ trưởng. Các đệ tử của bà sẽ chu toàn mọi thứ rất nhanh. Kể cả việc xin phép xây dựng trại nuôi mèo.

Sư ông lại hỏi:

-Thế kế hoạch của thí chủ như thế nào?

-Bước thứ nhất là xây một trang trại theo tiêu chuẩn châu Âu với đầy đủ trang thiết bị, chuồng trại, nhà kho. Tiếp theo là nguồn cung cấp thực phẩm. Kế đến là trạm thú y, bác sỹ  và các lao động phổ thông…

Nhà sư gật gật. Rót nước trà mời tôi. Rồi nói:

-Cho tôi gặp sư cô ấy một lát.

Tôi gọi điện thoại cho Wendy.

Wendy chỉ làm một động tác gì đó là cả một rừng mèo liền đứng dậy, lần lượt tản ra, thưởng thức bữa tiệc lớn mà các ni cô và chú tiểu đã dọn sẵn quanh sân chùa.

27.

DẢI NGÂN HÀ TRÊN BIỂN

Tôi giao căn nhà ở Sài Gòn cho cô em gái, về Vũng Tàu ở chung với mèo và hai mươi nhân viên tạp vụ, một thủ kho, một kế toán và hai bác sỹ thú y.

Wendy vẫn làm việc ở công ty thiết kế thời trang. Khoảng cách giữa công ty của cô ấy và trại mèo ước chừng 150 km nhưng đối với Wendy thì 150 km hay 150.000.000 km cũng chẳng khác gì nhau.

Hôm nay Wendy về sớm. Mới hơn bốn giờ chiều đã thấy chiếc BMW chạy vào cổng. Tôi nghe tiếng hỏi:

-Ngoại đâu rồi?

-Đang ở trong phòng.

Tôi mở cửa đón Wendy. Nó nói:

-Sao ngoại không ra ngoài cho thoáng?

Tôi bảo nó ngồi xuống, nhìn vào gầm giường.

-Con chẳng thấy gì cả.

Tôi rọi đèn pin, thấy hai đốm mắt sáng rực như lửa.

-Con gì vậy? Wendy hỏi:

-Mèo hoang. Chiều hôm trước khi ngoại vô thị trấn mua đồ, trở về thì thấy nó nằm trên hè phố. Nó bị con gì cắn ngay mặt, máu chảy đầm đìa. Vết thương to bằng ngón tay cái. Ngoại bế nó về, rịt thuốc rồi đặt lên bàn. Nhưng vừa quay lưng đi thì nó chui dưới gầm giường. Gọi hoài không ra.

-Nó có chịu ăn không?

-Ăn được. Nhưng cứ trốn miết dưới gầm giường. Phải đẩy thức ăn vô tận trong xó. Mấy ngày sau ngoại rọi đèn pin, thấy vết thương mưng mủ, nhưng không biết làm sao bắt nó để rửa vết thương.

-Sao không gọi bác sỹ?

-Hồi sáng hai ông bác sỹ đều đến nhưng cũng không bắt được. Họ nói mèo hoang rất đa nghi. Họ tính đi mua mấy cái bẫy mèo hoặc là cái vợt lưới gì đó. Và dặn ngoại không nên làm nó stress.

Wendy nói:

-Thôi. Để con! Ngoại có bông gòn và povidine không? Phải rửa vết thương thật sạch mới được.

Wendy bảo tôi tắt đèn pin, rồi áp mặt xuống đất.

-Meo! Meo! Ra đây chị cưng nào!

Thế là nó mọp xuống. Vừa mọp vừa trườn ra khỏi giường.

Wendy bế nó lên, đi lại phía cửa sổ.

Không biết cô bé làm cách nào mà chú mèo hoang nằm im cho Wendy trị thương, lại còn lim dim mắt và rên rù rù trong cổ họng.

 Wendy rắc bột sulfamide vào vết thương cho mèo. Tôi cũng trộn thuốc kháng sinh vào dĩa cá cho nó. Ăn xong, Wendy đặt nó vào trong cái rổ nhựa có lót vải mềm. Cô vuốt ve nó một lát. Nó nhắm mắt lại. Cô đắp cho nó chiếc khăn mỏng.

-Ngủ đi. Lát chị sẽ quay lại.

*

Hai ông cháu ra vườn thăm lũ mèo đang chơi đùa quanh các gốc cây, xen kẽ giữa những chuồng trại mới dựng trên cái bục cao có mái che.

-Ngoại mới trồng mấy luống hoa này hả?

Rừng hoa bồ công anh

-Ngoại thấy ngoài bìa rừng có nhiều hoa lắm nên bứng về một ít. Có khóm bồ công anh rất đẹp.

Wendy reo mừng.

-Đâu? Bồ công anh đâu? Con rất thích hoa đó.

Tôi dẫn Wendy đến góc vườn.

Những khóm hoa trắng tinh, mỏng manh như tơ, sáng rực lên trong nắng nhạt của hoàng hôn. Chúng lung linh như những bông tuyết óng ả. Một vài bông hoa vừa bốc lên cao theo cơn gió như những cánh bướm bay vút lên không, hướng về phía biển.

-Ngoại ơi! Đi ra ngoài bìa rừng đi. Chỗ có nhiều hoa mà ngoại nói lúc nãy.

Chúng tôi xuống một cái dốc hẹp. Đó là lối mòn dẫn ra biển.

Môt đám mây mỏng trắng nõn đang la đà giữa lưng chừng dốc núi. Dường như nó đang rung động. Wendy kêu lên:

-Ô, ngoại ơi! Sương mù đẹp quá!

Chúng tôi đều dừng lại.

-Không phải sương mù đâu. Tôi nói.  Con biết đó là gì không?

-Hay là một đám mây thấp?

-Đó chính là hoa bồ công anh.

Bồ công anh bay theo gió

Wendy chạy đến, nhưng cô gái không dám bước vào cái vùng sáng long lanh ấy vì sợ làm gãy những bụi hoa. Nó chạy vòng quanh, tìm một lối mòn nhỏ để đi vào giữa.

Chợt một cơn gió lớn tràn đến. Cả một rừng hoa trắng muốt bốc lên cao như ngàn cánh bướm. Chúng bay chấp chới, chao nghiêng, lấp lánh hướng vế phía biển. Wendy bỏ mặc tôi đứng trên sườn dốc. Nó chạy đuổi theo đàn bướm trắng càng lúc càng bốc lên cao. Tôi cũng chạy theo Wendy. Những đám hoa bồ công anh tản mạn dần và mất hút trong bóng tối của màn đêm vừa buông xuống.

Biển đen kịt và lộng gió. Gió từ đỉnh đồi thổi ra, nồng nàn như hơi thở của mặt đất.

Hai ông cháu ngồi trên một mô đá giữa những con sóng đen, lấp lánh một chút sáng còn sót lại của ngày tàn.

Wendy ngồi xích lại gần tôi.

-Biển đêm thật dễ sợ. Một màu đen mênh mông, bất tận. Không nhìn thấy cả chân trời nữa.

-Nhưng bên dưới cái màu đen ấy là cả một thế giới kỳ ảo.

-Sao ngoại biết?

-Vì ngoại sinh ra và lớn lên tại một thành phố biển. Ngoại đã nhiều lần tắm biển trong những đêm đen kịt như thế này. Đó là thời học sinh ở Quy Nhơn. Thành phố ấy nằm giữa núi và biển.

-Nhưng bên dưới cái mặt nước đen kịt ấy là gì vậy?

-Là hoa bồ công anh.

Wendy nhìn tôi, sững sờ kinh ngạc.

-Hoa bồ công anh cũng mọc dưới biển sao?

-Tất nhiên là không. Nhưng hoa của nó thì trùng trùng điệp điệp.

Wendy cười lớn.

-Ngoại ghẹo con! Con không dễ tin đâu.

Tôi im lặng. Tôi đợi cho sự kinh ngạc của cô bé lắng xuống rồi chậm rãi nói:

-Trong vịnh Thái Lan có một hòn đảo tên là Koh Rong, cách thành phố Sihanoukville khoàng 20 kilômét. Trong những đêm đen không trăng sao, mặt biển ở đó thường xuất hiện những vùng sáng  như những dải ngân hà trên biển tuyệt đẹp. Có thể nói là độc nhất vô nhị trên thế giới. Con có biết hiện tượng đó là thế nào không?

-Ngoại giải thích cho con hiểu đi.

Dải lân tinh trong vùng biển Koh Rong

Đảo Koh Rong

-Đó là vì mật độ lân tinh trong nước biển nơi ấy rất cao. Chỉ cần một cơn gió mạnh lướt trên mặt biển là những hạt lân tinh trong nước  bị khuất động và sáng rực lên như những chòm sao.

-Khi nào mình đi du lịch đến đó đi, ngoại. Con chưa từng nghe nói đến hiện tượng đó bao giờ.

-Có lẽ không cần phải đến đó đâu.

-Ý ngoại là sao?

-Là ngay bây giờ. Và ngay tại vùng biển này, con vẫn có thể nhìn thấy dải ngân hà ấy. Và nhìn thấy đám hoa bồ công anh trên biển.

-Làm sao có thể thấy?

-Hãy phóng xuống biển đi. Rồi con sẽ thấy.

Wendy rùng mình.

-Con bơi rất giỏi. Bạn bè gọi con là Nàng tiên cá đấy.  Nhưng con sợ biển đêm lắm. Nó đen kịt, giống như cái vực thẳm không đáy, Bên dưới thì đầy những quái vật lượn lờ. Rùng rợn!

-Nếu sợ thì sao có thể hiểu được thế giới này. Và nếu con sợ thì ngoại sẽ nhảy.

-Nhưng chẳng lẽ biển Vũng Tàu cũng có hiện tượng kỳ lạ ấy sao?

-Biển nào cũng có. Trên khắp thế giới. Chỉ có điều là mật độ lân tinh trong nước biển không nhiều bằng đảo Koh Rong ở vịnh Thái Lan nên không có hiện tượng “dải ngân hà trên biển”.

-Vậy thì làm sao cho những vầng sáng ấy hiện ra?

Tôi im lặng. Cởi áo ngoài. Chỉ mặc chiếc quần tắm. Tôi hít một hơi dài rồi phóng xuống biển, mất hút trong mặt nước đen kịt.

Wendy hoảng hốt kêu lên:

-Ngoại! Cẩn thận! Con không thấy ngoại đâu cả!Tôi trồi lên mặt nước, nhưng cả hai ông cháu đều không thấy nhau. Gió đã lặng. Nhưng tôi cũng nói rất to:

-Ngoại ở đây. Bây giờ thì ngoại trả lại đám hoa bồ công anh cho con nha!

Tôi bơi theo kiểu Crawl vì kiểu này lướt nhanh nhất mà lại không làm cho nước tung tóe nhiều như bơi bướm. Kiểu bướm sẽ làm cho vệt sáng lân tinh mất đi vẻ thẩm mỹ.

Wendy la lên giữa bóng tối dày đặc.

-Đẹp quá! Ngoại ơi! Con không nhìn thấy ngoại, chỉ thấy một vầng hào quang lướt đi trong cái nền đen mềm mại của biển. Tuyệt quá đi mất!

-Nhưng sẽ tuyệt hơn nếu lặn xuống và bơi theo kiểu Breaststroke. Lúc ấy vầng sáng lân tinh sẽ vây quanh mình như một rừng hoa, một rừng sao, một rừng pháo bông. Đó mới thực là rong chơi giữa dải ngân hà.

-Ngoại làm đi!

-Những kiểu đó thì ánh sáng không trồi lên mặt biển được. Chỉ mình ngoại thấy.

-Mặc kệ con. Ngoại cứ enjoy đi. Chẳng mấy khi được như thế.

Tôi lặn xuống và rong chơi trong dải ngân hà của mình một lúc lâu. Khi ngoi lên, tôi bảo Wendy:

-Con có thể ra sát mé nước, dùng tay vẽ một vòng tròn, sẽ thấy một quầng sáng.

Wendy làm theo và cười khúc khích.

Tôi leo lên kè đá giữa lúc Wendy đang say mê vơi trò chơi mới mẻ ấy.

-Thôi về, con ạ. Có lẽ chú mèo hoang đang chờ con về chơi với nó. Ngoại giao nó cho con đó. Hãy coi nó như Út mà ngày trước ngoại từng chăm sóc. Nhưng lần này chúng ta sẽ không để mất nó.

-Dạ. Con hiểu. Con sẽ là người mẹ thứ hai của nó. Nó phải được sống hạnh phúc, sẽ được cùng vui đùa với đồng loại trong khu vườn Địa Đàng mà hai ông cháu mình đã tạo dựng nên trong cõi đời tàn nhẫn này.

Viết xong ngày 9/1/2023

ĐÀO HIẾU

Bình luận về bài viết này