Văn học Tây Ban Nha

CON LỪA và TÔI   

Juan Ramón Jiménez – giải Nobel Văn chương 1956

CON LUA VA TOICON LỪA VÀ TÔI: chuyện của một con lừa tên là La Rô ( Platero ) và chủ nhân là thi sĩ, mà người ta quen sánh với cuốn HOÀNG TỬ BÉ của Antoine de Saint-Exupéry, vì hình thức văn chương và nội dung thơ mộng của nó.

Đây là một chuỗi chuyện ngắn nối tiếp nhau, đầy cảnh sắc và tình tiết của một ngôi làng Tây Ban Nha rất gần gũi với một ngôi làng Việt Nam: con chim én, giếng nước, rặng bìm bịp…..Người với vật gắn bó với nhau như đôi bạn, quen mặt từng gã Bô-hê-miên, thằng mọi, đứa bé nghèo khó hay tật nguyền, nhớ từng gốc cây bạc hà, cùng mơ những giấc mơ hẩm hiu giống nhau, đem lòng yêu những vẻ đẹp phù du nhất….cho đến ngay cuối cùng bỗng hóa thành thê lương. Truyện kết thúc ở cảnh thi sĩ ra đồng đứng bên ngôi mộ của lừa.

ĐỂ TƯỞNG NHỚ AGUEDILLA , NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐIÊN ĐÁNG THƯƠNG Ở ĐƯỜNG MẶT TRỜI ĐÃ GỬI CHO TÔI MẤY QUẢ DÂU VÀ HOA CẨM CHƯỚNG.

 

LA RÔ

La Rô là một con lừa nhỏ, hiền, có lông tơ, thân hình óng mượt, làm cho ta tưởng thân nó bằng bông gòn, không xương. Riêng đôi mắt, hai miếng gương hạt huyền, như hai con ốc bằng thủy tinh đen.

Nếu tôi thả lõng cho nó, nó thả bộ tới đồng cỏ và đưa chiếc mõm hâm hấp lướt nhẹ trên những đóa hoa nhỏ màu hồng, vàng hay xanh biếc…..

Nếu tôi gọi khẽ: “ La Rô ”, nó tiến lại phía tôi bằng bước chân lóc cóc nhỏ nhẹ reo vui như tiếng cười, như một thứ nhạc ngựa lý tưởng nào không hiểu….

Tôi cho nó cái gì, nó ăn cái đó. Nó thèm ăn quýt, nho xạ, trái sung màu tím nhạt có giọt mật thủy tinh nhỏ xíu.

Nó đằm thắm dịu dàng như đứa bé, như bé gái….; nhưng nó rắn rỏi và khô khan, ở bên trong như hòn đá. Khi nào ngày chủ nhật, tôi với nó đi qua mấy con hẻm cuối cùng trong làng, bọn người thôn dã, chậm chạp, đỏng đảnh, dừng bước lại nhìn nó:

Thân hình bằng thép, không bằng…

Bằng thép, thật đấy. Bằng thép pha với chất bạc của cung trăng.

 

 

BƯỚM TRẮNG

Đêm xuống, phơn phớt tím và chưa chi đã mờ sương. Những làn sáng mơ hồ màu hoa cà và xanh lục lần lữa ở phía bên kia tháp chuông nhà thờ. Con đường leo dốc, dày đặc bóng tối, tiếng lục lạc cùng với nùi cỏ, và tiếng hát, lẫn nỗi mỏi mê ham muốn.

Thình lình một người đàn ông vận toàn đen, đội chiếc mũ lưỡi trai và cầm một chiếc dùi nhọn, khuôn mặt khó coi hiện ra, thấp thoáng đỏ hồng theo đốm thuốc. Từ trong một túp lều lẹp xẹp lẩn vào giữa nhiều bao than lớn bước ra, hướng về phía chúng tôi.

– Có gì khai báo không?

– Ông cứ tự tiện…..Có bướm trắng….

Gã lăm le chọc mũi dùi sắt vào chiếc thồ, tôi thì vô phương ngăn cản.

Tôi mở thồ ra: gã thấy không có gì. Và thức ăn lý tưởng được để cho đi thong thả, khỏi bị ô nhiễm, khỏi phải trả tiền thuế nhập cảnh….

 

 

TRÒ CHƠI LÚC SẨM TỐI

 

Khi La Rô với tôi, cả hai cùng lẩy bẩy, về chiều, sắp sửa bước vào ánh sáng nhá nhem sắc tím của ngõ hẻm nghèo hèn dẫn tới khúc sông cạn nước, chúng tôi bắt gặp bôn nhỏ khốn khó đang chơi trò nhát nhau, đóng vai bọn ăn xin.

Đứa thì đội cái bao tải, đứa thì vờ làm thằng mù, đứa thì giả què…..

Kế đó tuổi nhỏ bỗng cao hứng, chúng không phải trần trụi đâu nhé, có mang giầy nhé, và mẹ chúng nó – bằng cách nào thì chỉ có mẹ chúng biết thôi – đã có cách kiếm miếng ăn cho chúng, chúng tự xưng làm hoàng tử:

– Bố ta có cái đồng hồ quả quýt bằng bạc.

– Còn bố tao có con ngựa.

– Bố tớ có khẩu súng trường.

Một thứ đồng hồ quả quýt báo thức từ rạng đông; một thứ súng trường không giết nổi cơn đói; một con ngựa sẽ đưa tới con đường cùng khổ…..

Bây giờ tới trò chơi nắm tay múa vòng tròn. Giữa cảnh thảm thương vô ngần ấy, giọng yếu ớt của một đứa con gái nhỏ, từ một nơi khác vọng lại, không cùng ngôn ngữ với chúng nó.

Giọng cất lên giống như một vòi nước nhỏ nhắn trong bóng tối. Bé gái là cháu chắt của Chim Xanh, cất tiếng ca như một nàng công chúa:

Em là goá phụ tre – ẻ….

Của ba – á tư – ớc O Rê….

….Hát thế nào nghe thế ấy! Hát lên đi, hãy mơ với mộng, hỡi đám trẻ nghèo! Thấm thoát rồi đây thời tráng niên sẽ đến, mùa xuân với lớp mặt nạ đông hàn sẽ khiến chúng bay hãi hùng ngập lòng như gặp phải kẻ ăn xin…..

Đi thôi, La Rô…..

 

 

NHẬT THỰC

 

Chúng tôi đút tay vào túi, tự nhiên thế thôi, và cảm thấy bóng mát lất phất trên vầng trán như chiếc cánh mỏng, tựa hồ như đang bước vào rặng thông dày. Đàn gà con trước con sau, đã rúc đầu vào chỗ ẩn, trên những các giá chuồng gà. Chung quanh, thôn ổ màu xanh lục đã nhuốm màu tang, tưởng chừng như bị phủ lên bằng bức màn tím ở chính diện giáo đường. Xa xa, ta nom thấy biển trắng ngần, với dăm ba vì sao không đủ sức sáng. Các sân thượng sao mà chóng thay đổi màu trắng!

Và chúng tôi, từ sân thượng trên cao này, chúng tôi buông lời đùa cợt nhau, những lời đùa ý vị ít nhiều. Cả hai nhỏ thó và tối tăm trong cái vắng lặng phần nào của buổi nhật thực.

Muốn nhìn mặt trời, chúng tôi sử dụng mọi thứ: ống dòm sân khấu, kình viễn vọng, cái chai, miếng kính mờ; còn mặt trời kia, chúng tôi quan sát nó từ khắp chỗ; từ vọng lâu, từ cầu thang ở bãi nuôi thú, từ cửa sổ vựa lúa, từ cổng sắt của sân gạch, qua mấy ô cửa kính màu thắm màu xanh….

Mặt trời lẩn khuất, mới trước đây đã biến mỗi món đồ vật thành hai ba lần, trăm lần to lớn hơn, và đẹp hơn dưới ánh sáng ánh vàng thiên biến vạn hóa của nó.

Nay, không phải qua môi giới dài dặc của hoàng hôn, mặt trời làm cho vạn vật đâm ra lẻ bóng và hèn mọn. Tưởng chừng, mặt trời đã đánh đổi từng mẩu vàng, tiếp đó từng mẩu bạc, để lấy đồng thau.

Ngôi làng trông giống như đồng xu nhỏ rỉ sét và mất giá. Buồn bã nhỏ nhoi thay, những con đường, những công trường, ngọn tháp, những lối đi lên đồi….

Đằng kia, trong bãi nuôi, La Rô thoáng thấp, dường như con lừa bớt vẻ sống thật, nó khác ra, như cái bóng làm bằng giấy! Một con lừa nào khác ấy…..

 

 

 

ỚN LẠNH

 

Con trăng dõi theo chúng tôi, lồ lộ, tròn vành vạnh, sáng vằng vặc. Trong các đống cỏ mỏi mê, ta thấy mông lung những con dê đen giữa đám bụi ngấy có gai….Trên bước chân chúng tôi, một kẻ nào đó đang trốn núp, kín đáo…..

Vượt lên bờ rào, một cây hạnh nhân đồ sộ điểm tuyết hoa và tuyết trăng và đầu ngọn ửng lên một vầng mây trắng, rợp cả con đường lỗ chỗ những ánh sao tháng ba….Mùi cam nồng đượm…..Khí ẩm với tịch liêu……Hẻm núi Phù Thủy…..

La Rô! Hừ hừ……Lạnh ơi!

La Rô sợ chăng? Tôi sợ chăng?

La Rô sánh nước kiệu, bước vào ngọn suối, dẫm lên trăng, làm trăng vỡ vụn thành nghìn mảnh. Tưởng chừng đám hoa hồng trong ánh thủy tinh bén theo vó, để cầm chân nó lại…..

Và La Rô lóc cóc leo trèo, mông thót vào như có ai sắp vớ kịp, nó đã bắt đầu cảm thấy cái hâm hấp dịu dàng tưởng không bao giờ lan tới đây nổi, từ ngôi làng giờ đây đã xáp lại gần……

 

 

CHUÔNG CHIỀU

 

Nhìn xem, La Rô, bao nhiêu hoa hồng lả tả khắp cùng: hồng xanh, hồng trắng, hồng vô sắc…Dễ thường cả bầu trời tan thành hồng hoa.

Hãy nhìn xem hoa phủ trên trán ta, lăn lóc trên vai, trong bàn tay…..Bấy nhiêu hoa, tôi làm gì đây với bấy nhiêu hoa?

E là nhà ngươi mới biết loài thảo hoa êm dịu này xuất xứ từ đâu, ta thì không rõ, loài thảo hoa êm dịu làm động lòng cảnh sắc mỗi ngày, và nhuộm cảnh sắc bằng một màu phơn phớt hồng, trắng hay loáng thoáng xanh – ơi muôn hoa lả tả – như bức tranh của Fra Angelico, người họa sĩ vẽ Trời?

Có thể bảo, từ mái hiên thiên đàng, có ai quẳng hồng xuống trần gian. Hoa hồng như một loại tuyết nhạt màu lấm tấm trên gác chuông, cây cối. Nhìn xem, cảnh vật vốn cứng sựng đâm ra mảnh mai dưới lớp hoa trang điểm.

Ôi! Muôn hoa lả tả……

Này, La Rô, trong khi chuông chiều ngân nga, há con người chẳng nghĩ rằng đời sống nói chung, đời sống của chúng mình, làm mỏi mòn sức lực từng ngày đó sao. Há con người chẳng nghĩ rằng có một sức lực từ bên trong, một sức lực kiêu hùng hơn, miên trường hơn, tinh tấn hơn. Làm dâng dậy, như bao nhiêu ngọn suối trời, bấy nhiêu sự vật lên tận những vì sao, giờ đây đang thắp sáng giữa muôn đoá hoa hồng?…

…..Muôn hồng….Đôi mắt ngươi cũng thế, La Rô ạ, đôi mắt ngươi mà ngươi không nhìn thấy, mà ngươi an nhiên hướng nhìn trời, cũng là hai đóa hoa hồng xinh.

 

 

CÁI GAI

 

Chúng tôi đang bước vào Đồng Ngựa thì La Rô bỗng khập khiễng. Tôi nhảy xuống đất….

– Kìa! Gì thế?….

La Rô khẽ nhắc chân lên, chân không còn mạnh mẽ và không còn trọng lượng, để lộ chiếc vó mang vết thương, chiếc vó chỉ chạm lướt vào cát bỏng trên đường.

Tôi, có lẽ còn ân cần hơn lão Đạt Bông, vị thú y của nó, co chân nó lại, ngắm nghía khe vó bị thương. Một chiếc gai dài của loại cây cam tốt cắm vào đó, như một mũi cong màu ngọc bích.

Đau theo nỗi đau của La Rô, tôi nhổ cây gai; rồi tôi dắt con vật khổ sở tới suối Sen, để cho mạch nước xuôi chảy, lè chiếc lưỡi dài và trong veo liếm vết thương nhỏ.

Rồi chúng tôi lại ra đi về phía đại dương trắng, thầy trước, trò sau, trò hãy còn khập khiễng và làm khổ cho lưng tôi bằng những cái húc đầu âu yếm…..

 

 CHIM ÉN

 

Này La Rô, nó trước mặt người kìa, đen mượt, liến thoắng trong tổ xám. Giống như tổ chim làm cảnh cho bức họa Thánh mẫu ở Montemayor, luôn được sùng kính.

Nó có vẻ sợ sệt thế, khổ thân! Ta tin chắc rằng bọn én nhỏ nhắn, phen này đã tính sai, hệt như lũ gà – tuần vừa rồi – đã tính sai, khi mặt trời mới hai giờ chiều mà đã lẩn khuất, và chúng nó đã chui vào chuồng. Năm nay, mùa xuân bày vẽ thức giấc sớm hơn, nhưng rồi phải rét run, đem tấm thân trần trụi nõn nường của mình chui lại vào chỗ nằm bằng mây mùa tháng ba. Buồn làm sao khi thấy những đoá trinh bạch của vườn cam héo hon khi hãy còn đương nụ.

Này La Rô, bầy én trở lại kia kìa, thế mà mình gắng lắm mới nghe ra. Mấy năm trước, ngay hôm đầu tiên xuất hiện, chúng nó đã chào hỏi lách chách cái này cái kia, vừa trò chuyện liên hồi, vừa uốn éo đổi giọng!….

Chúng kể lể với khóm hoa những điều mắt thấy ở Phi châu, hai chuyến vượt biển cày xuống nước bằng đôi cánh thay cho buồm, hoặc đậu xuống dây lèo ở tàu thủy. Chúng nói cho hoa nghe về những hoàng hôn khác nữa, những rạng đông, những đêm sao khác nữa…..

Bầy én chẳng biết làm gì. Chúng bay âm thầm, lạc lối như đàn kiến gặp phải đứa bé chà đạp vết đi. Chúng không dại gì bay qua bay lại Đường Mới, mà họp thành đàn đông đảo thẳng tắp, rồi cuối cùng khẽ vẽ vời bay làm thế nào cho đẹp. Chùng không dại gì chui đầu vào tổ trong giếng, hay vắt vẻo trên dây điện, cạnh những hòn cách điện màu trắng, trong khung cảnh cổ điển của bầy chim đưa tin….

Én chết rét mất, La Rô ạ!

  

 

CHUỒNG NGỰA

 

Đúng ngọ. Khi tôi tìm tới La Rô, ánh nắng trong của đỉnh trời chiếu vào nốt ruồi to tướng vàng rực trên tấm lưng bạc mềm. Dưới bụng nó, trên nền đất tối, thấp thoáng sắc lục làm tung toé màu ngọc bích khắp nơi, chiếc mái cổ kính rải rác từng đồng tiền sáng loáng màu lửa.

Con chó Di An đang nằm lọt giữa chân La Rô, lúc thúc đến bên tôi và chổng chân lên ngực tôi, lăm le thè cái lưỡi hồng lên mặt tôi. Đứng vắt vẻo trên máng cỏ, con dê tọc mạch nhìn, ngặc ngoẹo cái đầu xinh xắn một cách đặc biệt đàn bà.

Trong khi ấy, La Rô, trước khi tôi đặt chân vào, đã chào đón tôi bằng một tiếng hí vang lừng. Giờ đây, vừa õng ẹo vừa mừng rỡ, đang tìm cách bứt sợi dây thừng.

Qua ô cửa đang chiếu hắt cả một kho hào quang từ đỉnh trời, trong chốc lát tôi thả hồn rời khỏi con vật, mang theo tia ánh nắng lên tận trời. Kế đó, nhún người lên một tảng đá, tôi ngắm nhìn làng mạc.

Phong cảnh, màu lục thảo bồng bềnh trên một hỏa lò nở hoa ngái ngủ, và giữa ô vuông bầu trời trong sáng hằn lên giữa bức tường nham nhở này – một tiếng chuông ngân nga, lờ lững hiền hoà.

 

THẰNG BÉ THƠ NGÂY

     

Cứ mỗi lần chúng tôi trở về qua con đường Thánh Joseph, thằng bé thơ ngây ngồi trước cửa nhà, trên chiếc ghế nhỏ, nhìn người ta qua lại. 

    Đây là một thằng bé khổ sở, suốt đời không thể nói năng, mà cũng không được trời ban cho một hình hài đẹp đẽ. Một thằng bé vui tính, nhưng buồn bã cho con mắt nào nhìn vào; nó là tất cả đối với mẹ nó nhưng không là gì hết đối với mọi người. 

    Một hôm – hôm ấy một ngọn gió đen oan nghiệt thổi qua con đường trắng, tôi không còn trông thấy thằng bé trước cửa nữa. Một con chim cất tiếng hót nơi thềm vắng, và tôi nhớ Curros một người cha tốt nhưng là một thi sĩ xoàng, khi mất đứa con, ở Galice, cất lời hỏi bướm: 

    – Ơi con bướm nhỏ cánh vàng…. 

    Nay xuân trở về, tôi tưởng nhớ thằng bé ngây thơ giã từ đường Thánh Joseph bỏ lên trời. Ngồi ở trời cao, trên chiếc ghế nhỏ, giữa muôn đoá hồng lý tưởng, nó sẽ ngắm nhìn bằng đôi mắt mở to, từng đoàn chư thần vàng ánh…. 

 

 

 

CẢNH ĐỎ THẮM

     

Chóp đỉnh. Giờ của phương đoài, một phương đoài thắm đỏ, mang vết thương do chính những mảnh vụn thủy tinh của nó đang phủ màu đỏ máu. 

    Bên dưới màu sắc vỡ oà ra ấy, sắc lục của rặng thông càng thắm hơn và phơn phớt hồng; trong khi đó, cỏ và hoa nhỏ, rực rỡ trong sáng, ướp vào giây lát thanh quang một hương ròng ẩm nước, thấm đậm, sáng ánh. 

    Đứng trước hoàng hôn, tôi xuất thần. La Rô, với đôi mắt tẩm màu đỏ ối của vầng dương, đủng đỉnh bước lại gần chiếc ao màu đỏ chót, màu hồng tím; chiếc mõm say sưa vục xuống các mặt gương soi đang tựa hồ tan chảy thành nước khi tiếp chạm; và trong cái họng lớn của La Rô, tựa hồ một dòng thác ăm ắp nước vừa đỏ máu vừa sẩm tối cuốn lọt vào. 

    Địa điểm này thân thuộc, nhưng cái giờ khắc này đây đã biến đổi địa điểm trở thành lạ hoắc, vỡ lở, đồ sộ.Tưởng chừng ta trông đợi, cứ từng giây phút một, khám phá ra một toà phá lâu nào đó….. 

    Chiều kéo dài bất tận, và giờ khắc cũng bị ảnh hưởng của bầu khí quyển vĩnh cửu, thành ra cũng dằng dặc, thái hoà, không đáy….. 

    – Đi, La Rô…..

 

 

 

CON VẸT

     

Chúng tôi đang đùa giỡn với La Rô và con chim vẹt trong vườn nhà bạn tôi, vị y sĩ người Pháp. Thì một thiếu phụ, hớt hơ hớt hải, tóc rối bời, đi xuống dốc đến gần chúng tôi. 

    Cách chỉ mấy bước, ngó tôi bằng cặp mắt lo lắng, khẩn khoản: 

    – Thưa ông, bác sĩ ở đây phải không ạ? 

    Sau lưng thị, đã ló ra dăm thằng bé bẩn thỉu, hào hển, đang dáo dác nhìn quanh đỉnh dốc; cuối cùng, một nhóm người tiến lại, dìu theo một người đàn ông bạc nhợt mê man. 

    Đó là một anh thợ săn trộm, đi săn nai trong cấm địa của Công nương. Cây súng của y, một khẩu súng cũ rích buồn cười, cột vào dây súng nhỏ, đã phát nổ, và đạn lọt vào nằm trong cánh tay của người thợ săn. 

    Bạn tôi, ái ngại tiến tới kẻ bị thương, tháo bỏ mấy lớp vải giẻ đã buộc sẵn, lau vết máu, nắn các đốt xương và bắp thịt. Chốc chốc bạn tôi bảo tôi: 

    – Không sao….. 

    Chiều xuống. Từ vùng Huelva, bay tới những mùi ối đọng sình lầy, hắc ín, cá….Phía bên trên phương đoài màu hồng, đám cây cam vươn tròn đám lá rậm màu nhung biếc. Nơi cây tử đinh hương, màu hoa cà chen lục, con vẹt, vừa lục vừa đỏ, bước tới bước lui, đưa cặp mắt tròn nhỏ rình rập chúng tôi. 

    Nước mắt người thợ săn hoạn nạn đẫm ánh dương, thỉnh thoảng y vụt thét lên một tiếng. Và con vẹt thì: 

    – Không sao…. 

    Bạn tôi áp bông gòn và băng vải cho kẻ bị thương . Và nạn nhân: 

    – Aáiiii! 

    Con vẹt giữa mấy cây tử đinh hương, thì lại: 

    – Không sao….Không sao….

 

 

 

TRỞ VỀ

     

Cả hai đứa chúng tôi đi rừng về: La Rô chở đầy cây kinh giới thơm tho, tôi thì ôm đầy hoa lan bạc đẹp đẽ. 

    Buổi chiều tháng tư ngả bóng, và mọi vật, trước đó vào hoàng hôn, đã nhuốm ánh vàng thủy tinh, bây giờ ngả sang màu thủy tinh bạc, tượng trưng rõ ràng và sáng rạng cho hoa huệ thủy tinh. 

    Rồi thì trời rộng bao la trông giống như lam ngọc trong vắt chuyển thành bích ngọc. Tôi trở về buốn bã… 

    Một khi về đến bên dốc, tháp chuông trong làng được viền gạch ô vuông rực rỡ, trong giờ khắc thanh tân vừa chớm nở này, mang một dạng thù đồ sộ. Đứng gần trông giống như tháp Giralda xa xăm nào, và nỗi lòng sầu nhớ những thành phố của tôi, thật nhức nhối trong tiết xuân, được vẩn vơ xoa dịu phần nào ở nơi đây. 

    Trở về….Nhưng về đâu? Về từ nơi đâu? Tại sao trở về? 

    Lúc này, hương lan bạc của tôi thêm phần nồng đượm, trong cảnh trong mát ấm dịu của màn đêm xuống dần. Hương thấm đậm hơn mà đồng thời cũng mơ hồ hơn, hương toả lan từ hoa mà ta chẳng trông thấy hoa. Hoa thơm làm ngây ngất thân xác và thần hồn trong bóng quạnh hiu. Tôi thì thào: 

    – Lòng ta ơi! Hãy đọc cho ra những điều gì trong bóng tối. 

    Và bỗng dưng tôi nghĩ tới La Rô, mà tôi quên phứt, dù nó bước đi với tôi, như thể nó là thân xác của tôi vậy.

 

  

MÙA XUÂN

   

 Ơi bao hào quang rực rỡ với hương thơm! 

Ơi ruộng đồng cười tươi! 

Ơi những triều khúc ngân vang! 

 (Dân ca)

     

    Trong giấc ngủ chập chờn sớm mai, tiếng tru tréo quỷ khóc thần sầu của bầy trẻ làm tôi ngao ngán. Cuối cùng hết ngủ nổi, tôi nhảy xuống giường, chán ngán. Lúc này, nhìn làng mạc qua cửa sổ mở, tôi nhận ra rằng cái huyên náo kia là do chim chóc mà ra. 

    Xuống tới vườn, tôi cảm ơn Thượng Đế đã ban cho một ngày xanh. Ôi khúc hợp tấu xinh tươi phóng túng của bao chiếc mỏ chim, khúc hợp tấu miên man bất tuyệt. 

    Én õng ẹo líu lo dưới giếng; sáo véo von trên quả cam rơi rụng và sơn ca màu lửa trò chuyện từ từng cây sồi xanh. Trên đọt cây dầu gió, chim xi-ni cười khanh khách ngắt quãng; trong cây thông lớn, bầy sẻ thi nhau thảo luận. 

    Vẻ diễm tuyệt của ban mai! Mặt trời đổ xuống đất niềm hoan lạc kim ngân; đàn bướm muôn màu đùa giỡn tít tận đằng xa, giữa khóm hoa, trong nhà, ngoài nhà, trên suối. 

    Khắp nơi làng mạc mở lòng trong tiếng vỡ oà, ra rả, trong một cảnh sôi sục sự sống trong lành tinh khôi. 

    Tưởng như ta đang lọt vào bên trong ổ ánh sáng lớn, giữa một đoá hồng nồng nàn, mênh mông và ấm cúng.

 

 

 

BỂ CHỨA NƯỚC

    

 Nhìn chiếc bể mà xem La Rô: bể đầy nước mưa từ những cơn mưa gần đây hơn cả. Bể không dội tiếng lại và ở phía đáy đằng xa kia – ta không trông thấy, như khi nào bể cạn nước – cái vọng lâu tắm ánh mặt trời như món nữ trang đặc sắc, hiện sau lớp kính vàng, xanh ở cửa sổ. 

    Ngươi chưa xuống dưới đó đâu: La Rô ạ. Ta thì rồi: ta có xuống dưới đó khi người ta tháo nước ra, đã lâu lắm. Nhìn xem; bể có đường hầm dài va rút lại bằng một cái eo. Lúc ta chui vào, cây nén cầm nơi tay tắt ngấm và một con tắc kè rơi nhầm tay ta. Hai luồng ớn lạnh giao nhau trong lồng ngực như hai mũi kiếm hay như hai đốt xương đan chéo dưới chiếc đầu lâu… 

    Cả ngôi làng đều đào bể chứa nước với đường hầm, La Rô à. Bể lớn hơn hết là bể ở sân Hào, công trường Cổ Thành. Bể đẹp nhất là bể của ta, như ngươi thấy đó, với bờ thành được chạm trổ từ đầu đến cuối bằng một loại cẩm thạch trắng ngần. 

    Đường hầm Nhà Thờ chạy tới tận vườn nho Thạch Trụ, và tại đây, xuyên vào làng, gần tới sông. Còn con đường hầm xuất phát từ bệnh viện, thì không có ai dại dột lần theo nó cho tới cùng, vì nó bất tận. 

    Ta nhớ lại, nhiều đêm mưa dằng dặc thuở nhỏ, tiếng âm trầm nức nở của nước lăn từ sân thượng xuống bể nước không cho mình chợp mắt. Sáng lại, cả bọn chạy như điên đi coi nước tới đâu. Khi nào nước lên tới miệng bờ, như hôm nay, thôi thì kinh ngạc, la hét trầm trồ! 

    …Đi, La Rô. Bây giờ ta sẽ tặng cho ngươi một thùng nước trong mát này nhé. Cùng chiếc thùng mà ngày nào Villegas, tội cho hắn, đã uống ừng ực một hơn, toàn thân xác thì đã cháy theo Cognac và rượu trắng

*

CON CHÓ GHẺ

     

Thỉnh thoảng, hắn lần mò tới tận cái chòi ở trong vườn, hình hài trơ xương, hơi thở hổn hển. Con vật khốn nạn cứ chạy trốn hoài, quen bị xuỵt và đuổi đá. Ngay bọn chó kia cũng nhe nanh với hắn. Cứ thế, trong nắng ngọ, hắn rầu rầu chầm chạp xuống đồi trở lại. 

    Chiều hôm đó, hắn chạy theo con chó Di An. Khi tôi bước ra, tên gác, trong cơn ác ý, xuống súng nhắm vào hắn. Tôi không kịp can ngăn thảm kịch. Con vật khốn nạn, bị thương ở bụng, lộn mèo một lát, quay quắt, kêu lên một tiếng gọn sắc, trước khi gục đầu vào gốc cây keo. 

    La Rô, đầu thẳng đơ, nhìn con chó chằm chặp. Con Di An, hết hồn đến thu mình bên con này, rồi bên con kia. Tên gác, dễ thường ăn năn, dài dòng phân bua không hiểu với ai, rồi gượng làm ra vẻ bất bình để dỗ ngủ ăn năn. 

    Mặt trời như kéo màu tang; tấm màn rộng lớn cũng giống như lớp màn mỏng đang phủ âm u lên con mắt lành của con chó bị thảm sát. 

    No gió biển, rặng bạc hà dồn thêm nước mắt dưới con dông đang đe dọa, trong cảnh vắng lặng trầm sâu nặng nề, mà giờ ngủ trưa đang giăng trải ra trên làng mạc vàng ửng một màu, cạnh bên con chó không hồn.

 

 

 

NƯỚC TÙ

     

Chờ ta với, La Rô….Hay là ngươi nán lại một lát gặp đám cỏ non này, có thích thế không. Dù sao, ngươi cũng hãy để ta nhìn vũng nước tù đẹp đẽ này, lâu lắm ta không thấy lại… 

    Ngươi nhìn xem, nắng xuyên qua nước dày, soi rõ nét đẹp thâm trầm màu thúy sâm với kim hoàng như thế nào; từ trên bờ, đám lan bạc, tươi như vòm trời, say sưa ngắm nước…. 

    Đây là những bậc cấp nhung đi xuống mãi thành vô số mê lộ; những động phù thủy, với đủ nét đủ vẻ lý tưởng, mà một chuyện thần thoại cầu được ước thấy có thể cung ứng cho trí tưởng tượng dạt dào của một họa sĩ nội tâm; những khu vườn hoan lạc như thể được tạo dựng do nỗi niềm bâng khuâng muôn kiếp của một hoàng hậu có đôi mắt xanh to; nhưng dinh điện hoang tàn, giống như dinh điện mà tôi bắt gặp một chiều nào trên đại dương, giữa lúc mặt trời chiều, nghiêng ánh nắng làm đau triều nước xuống…. 

    Và nghìn thứ khác nữa; tất cả những gì mà cơn mơ khó tính nhất có thể dành giật, từ một khung cảnh được dựng lại của một giờ khắc vật vã của mùa xuân, trong một khu vườn lãng quên mộng mị nào đó, trong khi cố níu giữ vẻ đẹp phù du bằng chéo áo mênh mông của nó….. 

    Bấy nhiêu thứ đều là nhỏ tí, tuy nhiên lại lớn rộng vô chừng vì ảo giác do khoảng cách; chìa khoá mở vào cảm xúc vạn hộc, kho tàng của vị đạo sĩ ban sơ nhất về thuật khát sống… 

    Vũng nước tù này, La Rô ơi, chính là trái tim ta ngày xưa đó. Ta đã cảm thấy như thế, cảm thấy trái tim mình bị ướp độc mê tơi trong cô đơn, bởi bao thứ kỳ diệu mà vô tri. Nhưng khi nào tình người gây thương tổn cho tim, cuốn phăng con đập của tim, thì máu bầm phun ra, và máu vẫn thanh tân, vẫn trong, vẫn trôi chảy như ngọn suối. Bình nguyên, vào giờ khắc tháng tư này đây là giờ khắc trong sáng hơn, óng ả hơn và ấm áp hơn mọi giờ khắc khác. 

    Tuy nhiên, có một bàn tay nhợt nhạt đưa tim trở về vũng nước tù dĩ vãng, trở về ngấn nước thúy sâm, và để tim mặc tình ở lại tại đó, cho tim hân hoan, mê sảng, đáp lại những lời kêu gọi trong sáng, nhằm lôi kéo tim ra khỏi muộn phiền, như thể những lời của Hylas gọi kêu Alcide trong khúc tình si của Chénier, mà ta cố đọc cho ngươi bằng giọng không nghe ra được và uổng công.

 

 

 

TÌNH THÁNG TƯ

     

Đám trẻ đi theo La Rô đến suối Dương, và bây giờ chúng đưa La Rô đi nước kiệu, lưng chất đầy hoa vàng, giữa những trò tiêu khiển không có ý nghĩa gì và giữa những tràng cười thác loạn. 

    Đền nơi kia, trận mưa rào chụp lên đầu cả bọn – cái áng mây phù du kia vốn phủ lên đồng xanh bằng những sợi vàng sợi bạc, mà chiếc móng trời làm cho run rẩy như chiếc đàn thất huyền đang rỏ lệ – và trên lớp lông sũng nước của thân lừa nhỏ, nước từ mấy chiếc hoa nhỏ đang rỉ xuống, từng giọt một. 

    Tình tươi mươi, vui thú, đa cảm! Dưới mớ hành trang mượt mà đẫm nước, tiếng hí của La Rô cũng chỉ là tình tứ! Chốc chốc, nó ngoái đầu bứt mấy cánh hoa vừa tầm miệng khổng lồ của nó. 

    Trong phút giây, đám hoa nhỏ, vàng và trắng tuyết, lủng lẳng giữa bọt nước trắng pha màu lục nhạt, trước khi chui xuống chiếc bụng căng phồng to tướng. La Rô ơi, có ai ăn được hoa như ngươi….mà khỏi ốm đau! 

    Chiều tháng tư trêu ngươi…! Đôi mắt sáng và sắc của La Rô, in trọn cái giờ khắc nửa nắng nửa mưa này. Ta thấy rơi rụng, từng mảng một, vào hoàng hôn, xuống làng San Juan, một đám mây hồng khác.

 

 

 

CHIM THÚY YẾN BAY

     

Một hôm, con yến lục, tôi không hiểu vì sao và bằng cách nào, bay ra khỏi lồng. Con yến già năm, là tài sản eo xèo của một người đàn bà quá cố. Tôi đã không phóng thích nó, vì sợ nó chết đói hay chết lạnh, hoặc mèo vồ nó mất. 

    Suốt sáng, nó bay chuyền cành giữa đám lựu trong vườn, cạnh cây thông ở cổng, xuyên qua rặng tử đinh hương. Và cũng suốt sáng, bầy trẻ vẫn ngồi trong vườn, mê man theo cánh bay chờn vờn của con chim nhỏ màu vàng nhạt. La Rô nhàn nhã, thẩn thơ gần đám hồng, ghẹo bướm. 

    Chiều lại, yến sà xuống mái nhà, đậu một lúc lâu, lẩy bẩy trong không khí hâm hẩm của mặt trời sắp lặn. Thình lình, không hiểu vì sao và bằng cách nào, nó xuất hiện trở lại, vô cùng nhí nhảnh, trong lồng chim. 

    Quang cảnh náo loạn trong vườn! Trẻ con mừng rú, vỗ tay, đứa nào đứa nấy phừng phừng rạng rỡ như rạng đông. Con chó Di An, mừng quýnh, đi theo bọc hậu đám trẻ, sủa theo tiếng lạc reo của nó. 

    Và La Rô, bị ảnh hưởng lây, bắp thịt loáng bạc cuồn cuộn, gục gặc đầu cổ liên hồi như chú dê non, rồi xoay mình, trong một vũ điệu nhịp ba nặng nề, đoạn trụ trên hai vó trước,nó cất vó đá sau, trong gió hiền hoà…

 

 

CON LỪA TINH QUÁI

     

Đột nhiên, ở ngã tư Trasmuro, theo tiếng nước kiệu độc hành lóc cóc, tăng thêm phần dơ bẩn vì một ngọn gió lớn làm xoáy bụi, con lừa hiện ra. Sau đó không mấy chốc, đến phiên đám trẻ, thở hụt hơi, còn quần áo rách nát thì được xắn lên để hở cả bụng đen, chúng ném đá, tung những cành cây nhỏ vào con lừa. 

    Con lừa này đen đúa, to lớn, lụ khụ, xương xẩu thế kia – ông cố đạo mới đổi tới đấy – đến nỗi lớp da lác của nó, e phải nứt nẻ khắp cùng mất. Nó dừng lại, nhe hàm răng vàng như những hạt đậu to tướng, hí lên hung dữ, bằng một sức mạnh không tương xứng bao nhiêu với tuổi tác khệnh khạng của nó…. 

    Lừa vô chủ chăng? Ngươi không quen nó hả, La Rô? Nó muốn gì mình chứ? Nó bước hậm hực, rời rạc thế kia, là chạy trốn ai mới được chứ? 

    Thấy nó, La Rô dựng sửng tai, như chiếc sừng, kế đó, một tai vẫn ngỏng, còn tai kia sụp xuống. La Rô mò tới gần tôi, và tìm cách núp trong hố, cũng vừa là trốn tránh nữa. Con lừa đen đi qua sát bên La Rô, cắn giật yên, ngửi ngửi, hí lên sau bức tường của tu viện, rồi trở lại ngã tư, mà bước xuống từng bước một…. 

    Dưới ánh nắng, thật là giây phút hãi hùng – đối với tôi, với La Rô? – trong giây lát đó, mọi sự tuồng như đảo lộn, tưởng chừng cái bóng sa xuống, của một tấm màn đen căng lấp lánh sáng, đã bất thần che đậy cái không khí vắng vẻ chói chang ở ngã tư, với không khí ngột ngạt, bây giờ dễ thở hơn rồi… 

    Dần dần, sinh hoạt ở đằng xa đưa chúng tôi trở về với thực tế. Ta nghe ra, ở trên kia, tiếng huyên náo chuyển động của chợ cá, với bọn bạn hàng bán cá biển, từ Ribera tới, rao bán cá bơn, cá hồng, cá đối, cá măng, cua. Rồi tiếng chuông reo vui, báo hiệu giờ giảng đạo ban mai. Sau rốt, là tiếng tu huýt của anh thợ mài dao…. 

    La Rô chốc chốc vẫn còn run sợ, nhìn ngó tôi, trong sự yên lặng dìm lắng cả hai chúng tôi, sợ sệt tự nhiên thế thôi… 

    – La Rô…Giả thử, lừa kia chẳng phải là lừa thì sao?… 

    Một làn ớn lạnh, phát ra âm thanh khoan khoái, chạy một lèo suốt dọc thân mình La Rô, hắn lặng thinh, ngại ngùng, cúi đầu xuống, nhìn khinh khỉnh về phía hố…

 

  

TỰ DO

     

Sự chăm chú của tôi, tán lạc giữa đám hoa bên đường mòn, bỗng dừng lại trên một con chim nhỏ ngập tràn ánh nắng – nó – trên cánh đồng mướt xanh, đang liên hồi đập đập đôi cánh nhiều màu đã bị cột. Chúng tôi, chầm chậm tiến lại, tôi trước, và La Rô bén gót. 

    Thì ra, trong một góc tối, có một máng nước, nơi đây dăm đứa du thủ du thực đã giăng một chiếc lưới ác hại. Ủ rũ, tên tù tí hon khiễng chân cho cao ngang bằng với nỗi tủi cực, bất ưng lên tiếng gọi đồng loại trên trời. 

    Sáng nay trời trong và sáng, sướt mướt màu thiên thanh. Từ khu rừng thông, một hoà khúc nhẹ nhàng của những âm thanh líu lo xao xác chùng xuống, khi gần khi xa, mà vẫn không phút nào bặt tiếng, nương theo gió biển thanh thanh, êm dịu, óng ả, đang uốn mềm các đỉnh cây. 

    Ôi hoà khúc hồn nhiên tội tình chung, hoà khúc sao quá gần gặn lòng người hiểm ác! 

    Tôi thúc hai chân giục La Rô và cho nó trèo lên bãi thông, bằng nuớc kiệu ngắn bước, thô cộc. Đến dưới vòm xanh, rậm rạp âm u, tôi vỗ tay, tôi ca hát, tôi la vang. La Rô phụ hoạ theo, chốc chốc trổi tiếng hí vang; tiếng dội đáp truyền, trầm sâu, lanh lảnh, như ở đáy giếng sâu. Đàn chim, vừa hót vừa bay thoát qua bãi thông bên kia. 

    Tiếng chửi rủa của bọn trẻ cáu giận vang lên ở xa.La Rô, để cám ơn tôi, cọ mái đầu to tướng, xồm xoàm vào ngực làm tôi đau điếng

 

 

 

ĐOÀN BÔ-HÊ-MIÊN

     

Nhìn họ xem, La Rô, cả bọn nằm thẳng cẳng như đàn chó lả, trên lề đường chói nắng. 

    Người đàn bà rõ ràng là pho tượng bùn mà đống da thịt để trần màu đồng lòi ra khỏi mới giẻ rách hỗn độn bằng len lục và đỏ thắm. Thị ngắt ngọn, cỏ dại, khô, mọc ở tầm tay, tay đen như đít nồi. 

    Đứa con gái nhỏ, chỉ có tóc với tóc, nguệch ngoạc bằng than trên tường, những nét những hình tục tĩu. Thằng bé đái lên bụng, như vòi nước chảy xuống bể nước, vừa khóc vừa khoái. Người đàn ông và con khỉ gãi gãi; y thì gãi tóc cảu nhảu, con kia thì gãi hông như gảy đàn. 

    Thỉnh thoảng người đàn ông lại vươn mình đứng lên, và một khi bước ra tới lòng đường, y uể oải lắc lắc cái trống con, ngước mắt trừng trừng lên một cái bao lơn nào đó. 

    Người đàn bà, đang bị thằng bé đá túi bụi vừa chửi tràn, hát lui hát tới một khúc rè rè. Con con khỉ, vướng chiếc xích nặng hơn nó, bỗng dưng vô cớ xoay tròn một vòng như cái chuông, rồi quay ra sục sạo trong hố, kiếm hòn cuội nhẵn nhất. 

    Ba giờ….Chiếc xe ọp ẹp của nhà ga chuyển động và lăn ngược lên đường Mới. Mặt trời! Mặt trời! 

    – Đấy, La Rô, cái lý tưởng của gia đình Amaro Hát Dạo đó….Ngưòi đàn ông, như cây sồi, thì gãi gãi; người đàn bà, như nhành cây leo, thì nằm; hai đứa con, một trai một gái, để nối dõi dòng họ; và một con khỉ, nhỏ và mảnh khảnh như con vật thường tình; vừa nuôi sống cả đám, vừa bắt chí cho mình…..

 

 

HÔN THÊ

     

Ngọn gió mát duyên hải ngược bờ bể màu hung, lướt tới đồng cỏ trên đồi, và cười reo giữa những chùm hoa nhỏ nõn nà sắc trắng; kế đó gió len lỏi vào rặng thông nhỏ đầy bụi bám, và vừa thổi phồng giữa những chiếc buồm mỏng, vừa đong đưa mấy màn lưới nhện đủ màu xanh, hồng, vàng sắc sảo… 

    Chưa chi trời chiều chỉ toàn là gió bể. Và trong nắng trong gió, sao mà thoải mái êm đềm cho con tim đến thế! 

    La Rô chở tôi mà vui sướng, tươi tắn, nhanh nhẹn. Dễ thường, nó không cảm thấy có tôi. Chúng tôi leo lên đồi cũng dễ dàng tưởng như mình đi xuống. Xa xa, dải nước biển, vô sắc và sáng loáng, rướn lên giữa hàng thông cuối cùng, với sắc thái của phong cảnh hải đảo. Thật thấp dưới kia, trong các đồng cỏ xanh tươi, mấy con lừa, lang trắng ở chân, bước khoan thai từ đám cỏ này sang đám cỏ khác. 

    Một làn sóng, gợn đầy nhục cảm lướt thướt dưới những thung lũng nhỏ. Thốt nhiên, La Rô, dựng đứng hai tai, phập phồng hếch mũi lên tới mắt, để lộ hàm răng vàng giống như những hạt đậu lớn. Nó hướng về gió bốn phương hít hà hồi lâu, một hương thơm thâm trầm nào không hiểu, nhưng hiển nhiên là một hương thơm làm se sắt lòng nó. 

    Trên ngọn đồi kia, ờ phải rồi, đích thị là nàng lừa yêu dấu, chiếc bóng mảnh mai màu xám, cắt rõ nét lên bầu trời. Rồi thì những tiếng hí song đôi, kéo dài vang vang, giọng kèn này làm vỡ tan tành cái giờ khắc huy hoàng, trước khi rơi rụng thành hai thác âm thanh.

    Tôi cam tâm làm nghịch lại bản năng đáng yêu của La Rô tôi tình của tôi. Vị hôn thê đồng nội, của La Rô nhìn nó đi ngang qua, cũng buồn như nó, đôi mắt to lớn hạt huyền đẫm nặng hình ảnh…. 

    Ôi, giống như bản năng phát tiết ra ngoài, lời gọi kêu vô ích và huyền bí lăn lóc tàn nhẫn giữa đám hoa đại cúc! 

    La Rô miễn cưỡng bước đi, mỗi lúc mỗi dợm mình quay bước. Trong tiếng nước kiệu ngắn ngủi, thật ngắn ngủi mà nó kềm hãm thêm, tôi cảm nhận ra như một lời trách móc: 

    – Thật không ngờ, không ngờ, thật không ngờ…

 

 

CHIẾC XE NHỎ BÁNH GỖ

     

Trong con suối lớn mà nước mưa đã ngập tràn tới bãi nho, chúng tôi khám phá ra một chiếc xe bò cũ kỹ lăn xuống bùn, và hoàn toàn bị vùi lấp dưới đống cỏ, đống cam chất trong xe. 

    Một bé gái, dơ dáy và rách rưới, cong lưng khóc lóc trên bánh xe, muốn ưỡn chiếc ngực mới nhú đẩy giúp cho con lừa nhỏ. Khổ! Con lừa còn nhỏ hơn và xương xẩu hơn La Rô. Để lừa vùng vẫy cưỡng lại gió và hoài công cố sức lôi xe ra khỏi bùn, dưới tiếng cổ võ tấm tức của bé gái. 

    Nhưng nỗ lực của nó vô hiệu, như nỗ lực của bao nhiêu đứa trẻ can trường, hoặc như đường bay, của những con gió lả mùa hè tắt lịm giữa khóm hoa. 

    Tôi vỗ về La Rô, tôi đã buộc La Rô tàm tạm vào chiếc xe, trước mặt lừa nhỏ đáng thương. Và La Rô, vâng theo mệnh lệnh trìu mến của tôi, lôi một mạch ra khỏi bãi lầy vừa xe vừa lừa, rồi đưa cả lên bờ dốc. 

    Ôi, nụ cười của đứa con gái nhỏ! Có thể nói rằng, mặt trời chiều, đang lặn giữa mây trĩu nước mưa, và đang vỡ thành từng mảnh thủy tinh vàng, đã nhen nhúm ánh rạng đông, đáng sau màn nước mắt, trên hai má đen của bé gái. 

    Trong cơn vui mừng đẫm lệ, bé tặng tôi hai quả cam xinh xắn, nặng và tròn. Tôi đỡ lấy, cảm động, và đưa một quả cho bé lừa, nó mảnh dẻ thế kia, như một lời an ủi dịu dàng. Rồi tôi trao quả kia – huy chương vàng – cho La Rô.

 

 

 

ĐẠT BÔNG

    

Đạt Bông, vị y sĩ của La Rô, to như con bò vá, mà đỏ như dưa hấu. Ông nặng khoảng trăm ba chục ký và tự xưng mình sáu chục tuổi. 

    Khi ông nói, vài âm thanh không phát ra, giống như mấy chiếc dương cầm đã cũ. Có khi, thay vì phát ra tiếng, ông phát ra một ít gió…và những tiếng nói hụt kia được kèm theo những cái hất đầu, vô số những cái búng tay, những dụ dự lú lẩn, hắng giọng và khạc nhổ vào khăn tay…Một hợp tấu ngộ nghĩnh, bất tận về đêm trước bữa ăn! 

    Răng một chiếc cũng không còn, ông chỉ ăn ruột bánh mì đã nhồi trước trong bàn tay. Ông vo tròn lại và ọt, nuốt gọn vào mồm đỏ hỏn, ông ngâm nga trong mồm và trệu trạo cả giờ đồng hồ. 

    Rồi tiếp theo viên một đến viên hai, rồi viên khác. Rồi ông nhai bằng lợi, nên chi trong lúc ấy, cái cằm bị kéo ngược lên mũi quặm của ông. 

    Tôi đã bảo, ông to như một con bò vá. Trên bực cửa, cạnh ghế dài, ông choáng hết cả nhà. Nhưng với La Rô, ông hiền như một đứa trẻ. Thoáng trông thấy chiếc hoa hay con chim nhỏ nào, ông phát ra tiếng cười dòn dã ngay, mở rộng hết mồm, tiếng cười này, ông không lượng được mau chậm, dài ngắn bao nhiêu, nhưng khi nào cũng kết thúc bằng tiếng nấc. 

    Bấy giờ lắng dịu rồi, ông quay nhìn hồi lâu về phía nghĩa trang già đời: 

    – Con bé tôi, tội nghiệp….

 

 

THẰNG BÉ VÀ NƯỚC

    

Trong cảnh khô khan buồn bã và thiêu đốt, của bãi nuôi thú rộng lớn, bãi này, hễ ta chậm chân băng qua, là một thứ bụi trắng mịn màng, phủ chụp lên người tới tận mắt. 

    Tôi thấy đứa trẻ với vòi nước, cả hai đều thực thà, vui vẻ, có linh hồn riêng. Ở đây không có một thân cây nào, tuy nhiên, thoạt tới đây, con tim đã mang trọn một chữ mà con mắt đã đọc ra từng nét lớn, viết bằng ánh sáng trên nền trời xanh ngắt: ỐC ĐẢO. 

    Buổi sáng, đã chứa sẵn cái ấm nóng của giờ giấc nghỉ trưa, và con ve sầu, trong ốc đảo San Francisco, như đang cưa, đang xẻ thân cây ô liu. Nắng đập lên đầu đứa trẻ, nhưng hắn bị nước làm mê lú nên không cảm thấy. 

    Nằm sấp người xuống đất, hắn ngửa bàn tay tới vòi nước mạnh, trên đó nước tạo thành một toà nhún nhảy, làm bằng trong mát và diễm lệ, đôi mắt đen của hắn nhìn chằm vào đó thống khoái. Hắn nói một mình, thở hít, tay kia gãi gãi đây đó lên lớp quần áo tơi tả. 

    Toà nhà, khi nào cũng thế, mà khi nào cũng đổi mới, có lúc lung lay. Và đứa bé, lúc bấy giờ, gò người lại, tự chế, co ro, làm thế nào cho nhịp đập bé bỏng của tim, đừng làm hỏng mất hình dạng, nước hiện ra lúc đầu – cũng làm giống như mẩu thủy tinh nhỏ nhất, bị lay động làm hỏng mất hình ảnh biến nhạy của kính vạn hoa. 

    Ta không biết mày hiểu ta nói gì không hở La Rô: nhưng đứa bé kia, ta biết, nó chứa lòng ta trong lòng nó.

 

 

 

TÌNH BẠN

    

Chúng tôi tâm đầu ý hợp lắm. Tôi để mặc nó đi đâu tuỳ thích, và nó luôn luôn đưa đẩy tôi tới nơi tôi muốn. 

    La Rô biết rõ rằng, khi đến cây thông Vương Miện, tôi thích tới sát thân cây, ve vuốt cây, nhìn bầu trời lọt qua đọt thông um tùm mà sáng sủa. Nó biết tôi khoái con đường mòn nho nhỏ, len giữa cỏ non, dẫn tới Máy Nước cũ; rằng đối với tôi, trông thấy con sông là một nỗi hoan lạc; trông thấy từ riềm đồi thông, ngọn đồi này, với cụm rừng nhỏ mọc chót vót, gợi rõ những phong cảnh cổ điển. 

    Và khi tới lưng đồi, tôi không thể không thiu thiu, và đến khi thức giấc là ngó ra một trong những cảnh tượng khả ái kia. 

    Tôi đối đãi với La Rô như một đứa trẻ. Giả như đường đi dựng dốc và tôi thêm nặng, là tôi nhảy xuống đất để nương cho nó. Tôi hôn nó, tôi làm nó phát cáu….Nó thừa hiểu tôi yêu nó, và không nuôi hờn với tôi. Nó giống tôi thế kia, khác biệt đồng loại thế kia, làm cho tôi cuối cùng nghĩ rằng nó mơ những giấc mơ của chính tôi vậy. 

    La Rô phó thân cho tôi, như đứa con gái dậy thì đầy đam mê. Không bao giờ nó cưỡng lại. Và tôi biết mình là hạnh phúc của nó; một hạnh phúc muốn tranh đoạt được, hắn không ngần ngại trốn tránh bọn lừa…luôn cả con người!

 

 

 

CHỊ RU EM

    

Xinh xắn mà dơ như đồng tiền, mắt đen láy, môi mọng và dày, lấm tấm mồ hóng xung quanh, đứa con gái của bác bán than, ngồi trên tấm ngói trước cửa nhà tranh, đang dỗ dành em ngủ… 

    Giờ này, tháng năm, phừng phừng, nóng cháy và sáng như trung tâm điểm của mặt trời. Trong không khí bình yên chói rạng, ta nghe tiếng rỉ rích bên ngoài, ngựa hí ngoài đồng, con gió bể thì nhởn nhơ trong bụi cây bạc hà. 

    Nhưng người con gái bán than đã cất tiếng hát, truyền cảm và âu yếm: 

     Ngủ à nghê, bé à nghê. 

     Nhờ là nhờ chị vỗ về bé nghê. 

    Im lặng. Gió. Gió vờn đọt cây. 

     Ngủ à nghê, bé à nghê. 

     Chị là chị vỗ về bé nghê. 

    Gió….La Rô đang khoan thai bước qua mấy cây thông cháy xém, chầm chậm lại gần…. 

    Rồi qụy mình trên đất nâu, được đẩy đưa theo tiếng ru hời mẫu tỷ, nó thiu thiu ngủ, như đứa bé.

 

 

 

CON BÉ MẮC BỆNH LAO

    

Nó đứng thẳng người trên chiếc ghế hắt hiu, mặt mày tái mét, đục lờ như cỏ héo, giữa phòng lạnh tường trắng. 

    Bác sĩ đã ra lệnh cho nó về quê, giữa tháng năm lành lạnh này để khả dĩ tắm nắng. Nhưng con bé thảm thương đành chịu: 

    – Khi con về tới chiếc cầu….thưa bác sĩ….đấy, đến gần sát…con ngộp thở… 

    Tiếng nói trẻ con, lảnh khảnh, đứt đoạn, chùng xuống hổn hển, như làn gió thoảng của mùa hè đôi khi cũng thế. 

    Tôi đề nghị bé gái leo lên lưng La Rô đi một vòng. Lên tới lưng lừa, ôi nụ cười lạ lùng nào thế, làm rạng ngời khuôn mặt choắt như người chết, rạng luôn cả mắt đen răng trắng. 

    …Lũ đàn bà ra đứng tận nơi cửa nhìn chúng tôi đi qua. La Rô đi chậm, như thể nó ý thức đang chuyên chở một đoá huệ mảnh mai bằng thủy tinh mịn hạt. 

    Khuôn mặt biến đổi vì rạo rực và hy vọng, với chiếc áo trắng thắt lưng điều, như hài đồng của thánh mẫu ở Montemayor, bé gái trông giống như thiên thần đi vào làng, trên con đường của bầu trời phương Nam.

 

 

HÀNH HƯƠNG

    

Tôi đã bảo La Rô: 

    – Mình đợi đoàn xe ngựa. Xe đưa tiếng rì rào của rừng ở xa của Công nương, đưa đến cái huyền bí của rừng thông Thần Linh, cái mát mẻ từ các đầm lầy Chư Mẫu và Tần Bì Song Thụ, mùi vị vùng Rocina… 

    Tôi đã đem con lừa, đẹp và lộng lẫy, cho nó ve vản lớt phớt đám thiếu nữ đường Máy Nước, nơi đây mặt trời lay lắt buổi chiều đến tàn tạ, thành một giải hồng mờ ẩn, trên cái chái hiên thấp có quét vôi. Kế đó chúng tôi chọn bờ đường cạnh Đồng Lò mà đứng, từ đây ta thấy rõ trọn con đường Đồng Bằng. 

    Chưa chi, những chiếc xe ngựa đầu tiên đã ló dạng, leo dốc. Mưa phùn dịu nhẹ, thường xảy ra vào những ngày lễ Thánh mẫu Rocio, rơi từ những đám mây hoa cà, và nhanh chóng tan xuống các thửa nho xanh. Nhưng thiên hạ chẳng buồn ngước mắt nhìn mưa. 

    Dẫn đầu, cưỡi trên lưng lừa, la, ngựa, được kết giải theo lối phương Đông và bờm thì bện tết, là những cặp nam nữ đính ước hân hoan: trai, thật tươi; gái, cân quắc. Cả một đoàn người rậm đám nhặm lẹ, qua qua lại lại, không ngớt đuổi bắt, liền lưng thành một lễ hội xa mã vĩ đại. 

    Theo sau, trờ tới chiếc xe Lưu Linh huyên náo, cục mịch ngả nghiêng. Kế đó ta thấy xuất hiện, giống như một dãy giường ngủ, một đoàn xe trải vải trắng, chở những thiếu nữ tóc đen, chắc nịch, đương độ, ngồi dưới lọng, vừa vỗ vào mặt trống có chuông lủng lẳng, vừa lớn tiếng ca hát. 

    Vẫn còn ngựa, vẫn còn lừa…. 

    Viên phụ thủ giáo đường, đầu hói, xương xẩu, đỏ gấc, mũ rộng vành hất ngược sau lưng. Và cây trượng vàng, ở thế nghỉ, chống tựa vào bàn đạp ngựa, y dõng dạc: 

    – Vạn tuế Đức Bà Rociooo! Vạn tuế! 

    Cuối cùng, do cặp bò vá mập mạp ung dung kéo đi, cặp bò như hai vị cố đạo, trán được trang sức bằng những tấm vải sặc sỡ, và những tấm kính nho nhỏ, phản chiếu mảnh mặt trời ướt át, bị đảo ngược, cà rịch cà tang, vì bò kéo không cân phân, đó là xe Bất Nhiễm, ngọc tía và bạc trên sàn xe trắng, ăm ắp những hoa, giống như một khu vườn phong nhiêu gợi nhớ. 

    Đã nghe ra ngay giọng kèn nhạc đội, âm thanh khuất lấp giữa tiếng lanh canh của chuông, và tiếng xập xoè của pháo bông, và trên đá: vết lở lói tàn nhẫn do vó ngựa sắt. 

    La Rô, bấy giờ, qụy vó, giống như đàn bà, quỳ xuống – một sự hành xác đối với nó – nhẹ nhàng, khúm núm, kính cẩn…

 

 

 

THI SĨ RONSARD

    

La Rô, thoát được dây thừng buộc cổ, đi gặm mấy đoá đại cúc trinh bạch, trong cánh đồng nhỏ. Duỗi dài dưới gốc thông, tôi rút trong bị cuốn sách nhỏ, lật ở trang được đánh dấu, tôi cất giọng đọc vang: 

    Đây tháng năm, đoá hoa trên cành lá 

    Hồng xinh tươi, vừa nở nụ xanh đầu. 

    Trời bắt ghen vì… 

    Đậu trên cao chót vót, một con chim nhỏ nhắn, nhẹ nhàng, vàng ánh nắng, như đọt cây xanh rì rào cũng vàng ánh, đang chuyền cành và cất tiếng hót. Giữa bước chân chuyền cành và tiếng hót, ta nghe tiếng hạt vỡ, ấy là chim đang ăn. 

    ….ghen vì hoa thắm màu châu… 

    Bỗng vai tôi nghe bị chạm, vì một vật nặng hâm hấm, như cái mũi tàu động đậy…Thì ra La Rô có lẽ mê say theo nàng thơ, đến đọc cùng tôi. Chúng tôi tiếp tục: 

    …màu châu. 

    Khi sớm mai, rót lệ sương vào lá. 

    Nhưng con chim, thật không ngờ, ăn nhanh lạ, hót quấy một tiếng làm chúng tôi cụt hứng. 

    Ronsard cùng bài thơ bị bỏ quên giây lát: 

    Hễ nghĩ tới người yêu tôi giở chứng….. 

    ….chắc Ronsard phải cười xoà dưới âm ty….

 

 

 ĐOÁ HOA BÊN ĐƯỜNG

     

Này La Rô, đoá hoa đẹp và thanh ghê, đoá hoa bên đường kìa! Lớp lớp đi qua – bò, dê, ngựa, cả người nữa. 

    Thế mà hoa, nõn nà mảnh mai thế kia, vẫn còn đấy, không suy suyển, tím nhạt và nhỏ nhắn, bên bờ dậu chơ vơ, không hề vấy bẩn, không hề uế tạp. 

    Ngày ngày, hễ đi đường tắt cách chân dốc một đoạn, là ngươi có thể trông thấy nó, trong lùm xanh. Đôi khi nó tựa kề một con chim thật nhỏ, chim này bay mất – tại sao chứ? – khi thấy bóng chúng tôi. 

    Đôi khi làn nước trong, từ đám mây hè, ứ lại trong hoa, làm thành một chiếc cốc nhỏ xíu; cũng có khi hoa đành lòng cho ong bẻ nhụy, cho bướm đổi thay mượn áo. 

    Đoá hoa này sẽ sống ngắn hạn, La Rô ạ, vẫn biết kỷ niệm về nó có thể bất diệt. Đời sống của nó, sẽ giống như một ngày trong xuân thì của ngươi, như một mùa xuân của đời ta…. 

    Giá như ta có quyền cho, thì ta sẽ lấy cái gì đem cho mùa thu, hả La Rô, để mùa thu tha mạng cho đoá hoa trời, và để cho hoa, mỗi lúc là biểu tượng đơn sơ và bất diệt của đời sống?

 

 

 

GIẾNG NƯỚC

     

Giếng… La Rô ơi, cái chữ gì mà sâu, mà lục, mà mát, mà vang vang đến thế! Bảo rằng, chính ngay chữ ấy, đục xoáy vào đất đen, đụng tới dòng nước mát, không được sao? 

    Nhìn kìa; cây sung làm cảnh mà cũng làm nứt nẻ thành giếng. Xỉa xói vào trong, giữa mấy viên gạch phủ rêu, chiếc hoa xanh nở thơm ngát. Dưới thấp hơn, con én làm tổ. 

    Và ở bên kia một cánh cổng có bóng mát lạnh, có một dinh cơ ngọc bích, và một chiếc hồ cau mày cằn nhằn, nếu có kẻ nào ném đá, làm vẩn mặt nước yên tĩnh. Rồi chót hết là bầu trời. 

    Đêm xuống dần, và tít tận đằng xa kia, vầng trăng đỏ ối, điểm thêm mấy ngôi sao bất định. Im nào! bằng các nẻo đường, sự sống đã bỏ đi xa. Nhưng bằng miệng giếng, hồn thoát đi về miền bí nhiệm. Bằng miệng giếng ta quan sát, như thể là bờ bên kia của hoàng hôn. 

    Và từ vòng miệng này, ta ngờ rằng sẽ đột hiện vị khổng lồ của đêm, là chúa tể bao bí mật của trần gian. Ôi mê lộ tĩnh mịch, phù phép, khu vườn râm muôn hương, gian nhà thu hút mê hoặc! 

    La Rô ạ, vạn nhất ngày nào ta nhảy xuống giếng này, không phải là ta tự trầm đâu, ngươi tin đi, nhưng là để hái sao lẹ làng hơn thôi. 

    La Rô khát nước, thở dồn, cất tiếng hí, trong khi một cánh én, hãi sợ, bay ra khỏi giếng, lo lắng và lặng lẽ.

 

 

NGỰA ĐÁ

   

 Chúng tôi sửa soạn đi tới sở đất Montemayor, dự buổi đóng móng sắt cho bò con. Dưới bầu trời xanh của chiều, mênh mông dữ dội, chiếc sân lát đá đầy bóng chiều, vang vọng tiếng hí vui vẻ của mấy con ngựa khỏe, tiếng cười tươi của đàn bà, tiếng chó của bồn chồn chát chúa. 

    Tôi bảo nó: 

    – Thôi, ngươi thừa biết ngươi đi với chúng ta không được đâu. Ngươi còn bé quá…. 

    Hắn tỏ ra hung hăng, đến nỗi tôi phải nhờ Simplet cưỡi và đem nó theo. 

    Xuyên qua làng mạc quang đãng, cuộc hành trình thật vui! Các đầm lầy, tràn đầy nét hớn hở, được nạm ánh nắng vàng chung quanh, chuyên chở ánh mặt trời, trên lớp mặt in hình mấy chiếc máy xay kín cửa. 

    Giữa tiếng vó khô và dòn của bầy ngựa, La Rô dóng lên tiếng bước chân ngắn, kêu vang và dồn dập mà hắn không ngớt tăng thêm cước lực, giống như điệu đi gấp gáp của con Rio Tinto, để khỏi bị bỏ rớt lại một mình với Simplet. 

    Bỗng, người ta nghe dường như tiếng súng ngắn lên đạn. Thì ra La Rô đã chạm mõm vào cái mông nhỏ của con ngựa con lốm đốm, con này trả đòn bằng cú đá bất thần. 

    Không ai để ý, nhưng tôi đã thấy rỉ máu nơi chân La Rô. Tôi nhảy xuống đất, và với chiếc gai kèm với lông lừa, tôi rịt lại mạch máu vỡ. Rồi tôi bảo Simplet đưa La Rô về nhà. 

    Cả hai bỏ đi, chậm, buồn, qua ngọn suối khô bắt nguồn từ ngôi làng, quay đầu nhìn lại đám đông, đang rộn ràng mất hút. 

    Khi từ sở đất trở về, tôi đi thăm La Rô, tôi thấy nó buồn và đau đớn. tôi rỉ tai nó: 

    – Ngươi không thể đi đâu với lũ người kia được hết, ngươi không biết như thế sao?

 

 

 

LƯ HỌC

    

Tôi đọc, trong tự điển: Lư học: danh tự: chỉ sự mô tả về con lừa, có ý diễu. 

    Tội nghiệp con lừa! Tốt bụng thế, tư cách thế, tinh thần thế! Có ý diễu. Tại sao? Ngươi không đáng được mô tả đứng đắn sao? Sự mô tả về ngươi chắc chắn, sẽ là một mẫu chuyện mùa xuân, được lắm chứ. 

    Thế người ta cho con người nào tốt là lừa thì sao? Con lừa nào dữ là con người! Có ý diễu…Ngươi trí thức thế kia, ngươi, làm bạn với người già và trẻ con, với suối, với bướm, với mặt trời và con chó, với hoa, với trăng. 

    Ngươi, kiên nhẫn thế, phiền muộn thế, khả ái thế, hỡi hiền giả của đồng nội. 

    La Rô, dáng chừng thông cảm, nhìn tôi chằm chằm bằng đôi mắt to, sáng, rắn rỏi mà dễ chịu, trong đó hình ảnh mặt trời, nhỏ xíu, rực rỡ, sáng lên như thể trong một mảnh trời nhỏ, lồi, xanh đục. 

    A! Giá mà cái đầu to tướng bù xù và hoa tình của nó, biết cho rằng, tôi đang biện hộ cho nó, rằng tôi còn khá hơn những ai viết ra mấy cuốn tự điển kia, rằng tôi cũng tốt bụng gần bằng nó! 

    Và tôi ghi thêm bên lề sách: Lư học: danh từ: có ý diễu, dĩ nhiên, chỉ sự mô tả về con người ngu ngốc viết Tự điển.

 

 

 

NGÀY LỄ THÁNH THỂ

    

Từ khu vườn trở về, qua con đường Máy Nước, hàng loạt chuông, mà chúng tôi đã nghe ra ba lần, kể từ đường Suối, đem giọng đồng rung vang suốt cả ngôi làng trắng xoá. Âm thanh vờn lượn giữa đường bay, nổ lách tách rền tai của pháo bông, màu đen giữa bạch nhật, và giữa tiếng kèn đồng inh ỏi. 

    Con đường, mới được quét vôi, điểm viền màu thổ hoàng, khoác lớp áo xanh làm bằng từng hàng dương liễu và cây củ gấu. Cửa sổ phơi bày những rèm bằng gấm màu thạch lựu, bằng vải chúc bâu màu vàng, bằng vải đoạn màu thiên thanh, còn cửa sổ mấy tang gia thì bằng len hiền hoà cột băng đen. Phía những ngôi nhà cuối cùng, ở khúc rẽ Cửa Ngăn, giờ đây hiện ra Đấng Cứu Thế lồng gương, đang hứng lấy, giữa nắng chiều, ánh lửa của hàng nến đỏ, tỉ tê từng giọt hồng. 

    Đây là đoàn rước thật chậm rãi. Và đi đầu là tấm phướn đỏ rực, và thánh Roch, vị chủ tể của nghề làm bánh, mang những vòng hoa lá; phướn ngọc bích, và thánh Elme, vị chủ tể của thủy thủ, cầm trong tay chiếc tàu bằng bạc; phướn vàng, và thánh Isidore, vị chủ tể của nông dân, với dăm con bò kéo; rồi chư thánh khác, tiếp đó là nữ thánh Anne đang dạy học cho Thánh mẫu còn hài nhi, và thánh Joseph, toàn thân màu nâu, và Đức Mẹ Trinh Khiết toàn màu xanh… 

    Cuối cùng, lọt vào giữa đạo vệ binh là bình Thánh Thể bằng bạc dũa, được trang sức bằng nhiều nhánh lúa xinh tốt, với những chùm trái bằng ngọc bích, chiếc bình di chuyển chậm, có làn khói nhang xanh vây phủ. 

    Trong bóng chiều đổ xuống, tiếng La tinh giọng xứ Andalousie ngân nga những bài thánh thi, thật trong trẻo. Mặt trời, giờ đây hồng hào, vỡ ra thành tia nắng cuối cùng, đang xuyên qua đường Bờ Sông, ập xuống cái khối đá nặng nề, là những áo cổn, áo tế, làm bằng vàng xưa. Trên cao kia, quanh tháp chuông thắm rực, trên nền màu trắng đục ánh sáng của giờ khắc tháng sáu quang đãng này, bầy chim câu, dệt thành những dải thêu màu tuyết ửng hồng nghều nghệu… 

    La Rô, đứng trước sự im lặng bất thần này, cất lên tiếng hí. Và tiếng hí bình thản của nó, cũng giống hệt như chuông, như pháo bông, như giọng La tinh, và tiếng nhạc của nhạc trưởng Modeste đang đồng loạt vang lên, góp phần vào cái bí ẩn trong sáng của ngày; tiếng hí ngạo nghễ, khi cao giọng thì hiền hơn, khi xuống giọng thì thánh thiện… 

  

 

 

DẠO CHƠI

     

Trên những con đường lõm của mùa hè, có lát lá kim ngân êm dịu, chúng tôi bước đi rõ chậm. Tôi đọc, tôi hát, tôi ngâm thơ giữa trời. La Rô gặm cỏ khẳng khiu bên vệ đường ủ bóng, gặm hoa cẩm quỳ bám bụi, cây me đất lá vàng. Nó dừng nhiều hơn đi, tôi để nó tuỳ thích…. 

    Trên hàng cây hạnh nhân trĩu trái, bầu trời xanh, thật xanh, mà đôi mắt tôi xuất thần lặng ngắm, đụng tới chỗ thiêng liêng. Suốt vùng làng mạc nóng lên, nóng cháy và im hơi. Trên con sông lặng gió, một cánh buồm trắng mỏng, triền miên ở một chỗ. Phía các ngọn đồi, lớp khói dày của đám lửa cháy, thổi phồng thêm mấy đám mây đen tròn. 

    Nhưng cuộc dạo chơi của chúng tôi ngắn ngủi. Như một ngày bình thản và không phòng bị, giữa cuộc sống vô thủy vô chung. Dạo chơi mà không biết đền tầng thiêng liêng của trời, không biết đến miền bên kia của biển, nơi con sông chảy vào; không biết luôn đến cả cái bi kịch của đám cháy! 

    Khi nghe ra tiếng lách cách tươi vui của máy đạp nước, xen lẫn vào mùi hương cam, La Rô lên tiếng hí và nhảy nhót vui vẻ. Thú vui hằng ngày sao mà nhỏ nhoi! Giờ đây cạnh chỗ trữ nước, tôi múc đầy chén, và uống chất tuyết lỏng ấy. La Rô, chọc mõm vào nước đầy bóng tối và chép lưỡi ngon lành, chỗ này chỗ kia, chỗ nào sáng sủa nhất…. 

 

 

 

NHÁ NHEM TỐI

     

Trong sự lắng tĩnh hẩm hiu, và hiếu hòa của những buổi hoàng hôn ở làng, có nguồn thi cảm gì lạ lùng, chứa chất sắc thái, thoái phàm của vô biên, chứa chất kỷ niệm lãng đãng của một thế giới hầu như xa lạ! Tưởng chừng một yêu thuật ác liệt nào, đang đóng đinh cả ngôi làng vào thập giá của một ý tưởng nào, buồn bã miên man. 

    Hạt lúa tỏa hương thơm, hạt nặng và khỏe, đang tung mình mềm mại vàng nhạt trên sân lúa, dưới ngàn sao mới mọc – khá khen thần thánh! 

    Bọn người làm lụng, ca hát nhỏ to, mệt mỏi, buồn ngủ. Ngồi dưới cổng, các goá phụ tưởng nhớ người khuất núi, đang ngủ yên ở nơi kia, gần gặn, đằng sau bãi nuôi. Đàn trẻ chạy từ chỗ tối này sang chỗ tối kia, như chim đổi cây… 

    Trong đám lờ nhờ còn lần lữa, ở mặt tiền màu trắng của đám nhà nghèo, đã bắt đầu le lói ánh đèn bão, những bóng người âm thầm qua lại, ủ rũ, lấm lem – một người hành khất lạ mặt, một người Bồ Đào Nha, đang bước về nơi đất mới khẩn, một kẻ la cà nào đó – có lẽ, những bóng người e ấp, tương phản với sự trầm lặng, mà cảnh hoàng hôn tím nhạt, chậm rãi và thần bí ban bố, cho những thứ nào thân thuộc… 

    Và bọn nhỏ bỏ đi; giữa lúc đó, trong bầu không khí huyền bí trước cửa nhà, người ta đang bàn tới: bọn người đi lấy mỡ con nít, về chữa bệnh cho công chúa ho lao…

 

 

 

NÀNG VÀ CHÚNG TÔI

     

La Rô; có lẽ nàng đi – mà đi đâu? – trong con tàu lửa xám xịt chói nắng, in sắc nét trên những đám mây lớn màu trắng, của thiết lộ đắp đất cao, chạy về phương Bắc. 

    Còn ta, ta ở dưới này với ngươi, trong đám lúa vàng gợn sóng, lốm đốm đỏ huyết hoa mồng gà, đã phủ một viền nhỏ màu tro vì tháng bảy. Và các làn hơi mảnh mai trên trời đang bay, bay vô vị về hư vô, trong chốc lát, gây nỗi buồn – ngươi nhớ không? – cho mặt trời, cho hoa… 

    Mái đầu tóc vàng loáng thoáng, sau màu đen, sao mà thoắt biến!….Như chân dung của ảo tưởng, trong khung cửa phù du…. 

    Chắc nàng nghĩ thầm: – Người đàn ông thê lương, với con lừa nhỏ trắng bạc nào thế nhỉ? 

    Nào thế nhỉ? Ô hay, chúng mình bao giờ chẳng thế! Vẫn là chúng mình….Phải thế không, La Rô? 

    

 

 

CHIM SẺ

    

 Ngày lễ Saint Jacques hôm ấy, tua tủa những áng mây trắng và xám, như được cất ủ trong bông sợi. Ai nấy đều đi lễ. Chỉ có bầy chim sẻ, La Rô và tôi, là ở lại vườn. 

    Chim sẻ! Dưới những đám mây tròn trĩnh, thả lác đác từng hạt mưa nhỏ, sao mà chúng rộn ràng trong khóm bìm bịp đến thế, chúng chiêm chiếp, rúc rỉa nhộn thế! Con thì sà xuống một cành cây, rồi lại bay đi, để lại cành cây lẩy bẩy, con thì uống một tí da trời trong vũng nước nhỏ, trên bờ giếng; con khác thì tung tăng, trên chiếc mái cộc nho nhỏ phủ đầy hoa, đã gần màu hung, mà ngày xám tro hôm nay, đã làm cho hồi sinh trở lại. 

    Cầu cho các người sung sướng, hỡi loài chim không có ngày lễ nhất định! Bao nhiêu chuông không báo hiệu gì cho cuộc sống phóng khoáng, và độc điệu của bầy sinh vật thiên nhiên chân chính kia, ngoại trừ một hạnh phúc không rõ mặt mày. 

    Sung sướng, không có bổn phận gì khắc nghiệt, không Thiên đàng mà cũng không Địa phủ, vốn làm cho giống người khổ sở tôi mọi phải ham mê hoặc kinh hoàng, không theo thứ luân lý nào ngoài luân lý của chúng nó, không có chúa nào cho bằng bầu trời, chúng nó là anh em của tôi, anh em hiền hoà của tôi. 

    Đi xa, chúng không cần tiền bạc, hành lý. Chúng đổi chỗ tùy thích. Tiên đoán một ngọn suối nào ư, linh cảm một ngọn cây nào ư, chúng chỉ cần dang đôi cánh để đi tới hạnh phúc. Đối với chúng, không có ngày thứ hai hay thứ bảy. Tắm khắp nơi, lúc nào cũng được. Chúng yêu thứ tình yêu không tên, lấy vũ trụ làm đối tượng yêu dấu. 

    Và lũ người, lũ người đáng thương! Đi lễ ngày chủ nhật, cửa đóng then cài rồi, thì chúng nó, bầy chim sẻ, nêu cao một cái gương tình yêu vui vẻ, phi nghi thức, nhất loạt sà xuống – tiếng huyên náo tươi mươi vui vẻ – sà xuống khu vườn, của những ngôi nhà im ỉm kia, nơi đây một người thơ, bạn với chúng, cùng con lừa nhỏ – người cùng phe với ta chứ, La Rô? – ngắm nhìn chúng nó bằng con mắt anh em.

 

 

 

MÙA HÈ

     

Máu La Rô chảy, tím, sền sệt, vì bị ruồi chích. Con ve sầu nào đó, đang kéo cưa cây thông mà dường như mãi không xong… Khi tôi mở mắt, thoát ra ngoài một cơn mộng chốc lát mà mông lung, quang cảnh của dải cát hiện ra với tôi màu trắng, ma quái, lạnh tanh trong hỏa lò. 

    Một chiếc hoa to tướng không định được tên, trông giống mấy đóa hồng nhàn nhạt bằng khói, bằng vải the, giấy lụa, điểm bốn hạt lệ hồng, chấm phá cho những cành cây nhỏ… 

    Một làn hơi nóng, ngột ngạt bôi trắng những cây thông cằn cỗi. Một con chim lạ, màu vàng, đốm đen, lặng lẽ đậu chết dí trên cành cây. 

    Trong vườn rau, bọn canh gác rung mấy liếp đồng thau, để nhát bọn sâu bọ, bọn này bay chồm lên trời, rồi hạ xuống cây cam…Khi đã ngồi dưới bóng mát cây hồ đào, tôi bổ hai quả dưa hấu, lớp tuyết thắm hồng, nứt ra một tiếng dòn dã tươi tắn. Tôi ăn một trái, chậm rãi, vừa lắng nghe kinh chiều xa xa trong làng. Còn La Rô thì uống chất ngọt trong trái như uống nước. 

 

 

 

CHÁY RỪNG

     

Mõ khua!…Cốc! Cốc! Cốc!…. 

    – Cháy!…. 

    Chúng tôi bỏ dở bữa ăn tối, và chiếc thang gỗ nhỏ hẹp tối tăm, làm cho chúng tôi hồi hộp. Chúng tôi vọt lên sân thượng, trong một nỗi lặng thinh thấp thỏm hấp tấp. 

    Chưa thấy chúng tôi ló mặt tới gần, trong bóng tối, Annette đã la lối từ đầu cầu thang: 

    – Cháy phía Lucena. 

    Cốc! Cốc! Cốc! Ra tới đây, thở hắt một cái! 

    Tiếng chuông rung, rắn rỏi, nghe thêm rõ, vang vào tai làm nhức tim. 

    Lửa mênh mông, mênh mông thế kia….Cháy lớn mà… 

    Trên chân trời sạm sịt, làm bằng những thân cây thông, ngọn lửa ở xa, tách bạch rõ ràng, như đang cháy thong dong yên hàn. Ngọn lửa giống một biển màu đen lẫn màu son, giống bức tranh Săn Bắn của Piero di Cosimo, khi vẽ lửa chỉ dùng đen, đỏ, trắng, ba màu thật trong. Có khi ngọn lửa bùng lên chói lọi; có khi từ màu đỏ ngả sang gần như màu hồng, màu của trăng mới mọc… 

    Trời đêm tháng tám này, cao và lặng, dáng chừng như trước đó đã chất chứa ngọn lửa như một trong ngũ hành bất diệt….Một đốm sao băng, rạch ngang một nửa bầu trời và chạp biến vào thinh không, phía trên tu viện…Tôi cảm thấy mình trơ trọi với mình… 

    Nhưng một tiếng hí của La Rô, trong bãi nuôi, làm tôi sống trở lại thực tế…Mọi người đi trở xuống…Bây giờ, trong một nỗi rợn người như một vết thương, trong buổi đêm dịu dàng báo hiệu mùa hái nho, tôi cảm thấy quanh quất bên tôi, một gã đàn ông mà hồi nhỏ tôi cứ tưởng là đi đốt rừng…. 

    Một loại người như José la Caille – một Oscar Wilde của thành Moguer – hơi già rồi, da sậm, tóc quăn muối tiêu, với chiếc bụng bự lười biếng, được che lấp bằng chiếc áo đen dài tới gối, có thắt lưng và chiếc quần ca-rô lớn màu trắng và nâu, với chiếc túi thò lò mấy mồi lửa dài, sản phẩm ở Gibraltar.

 

 

 

CHỦ NHẬT

    

Giọng chát chúa của chuông, kéo giật vang lừng, khi gần khi xa, nghe như cả bầu trời đều làm bằng thủy tinh. Và làng mạc, như đã trắng bạc hầu hết, trông như ửng vàng lên dưới những nốt nhạc rơi rải ra khỏi tràng âm thanh vui vẻ nở hoa. 

    Mọi người, kể cả người gác, đều tới làng coi rước. Chỉ có chúng tôi ở lại, La Rô với tôi. Yên tĩnh thế! Trong sáng thế! Tôi để La Rô ở lại trong đồng cỏ trên cao và tôi nằm dưới gốc cây thông, đầy chim chóc có vẻ khá dạn dĩ. Rồi tôi đem ra đọc: Omar Khèyam… 

    Trong cái im lặng, nối theo từng tràng chuông, sự rộn rã bên trong, buổi sớm tháng chín này, làm bằng những hiện diện và âm thanh. Bầy ong, vàng với đen, lách tách trong khóm nho lủng lẳng những chùm nho xạ tươi tốt, và lũ bướm, đang trà trộn vào hoa, tuồng như đổi mới bằng một sự biến hóa, màu sắc khi bay ra. Vẻ tịch liêu, như một dòng tư tưởng bằng ánh sáng. 

    Từng lúc một, La Rô ngừng ăn, và nhìn tôi. Và tôi, từng lúc một, ngừng đọc, và tôi nhìn La Rô…

 

 

 

TIẾNG DẾ

     

La Rô với tôi, nhờ những chuyến đi đêm, không lạ gì tiếng dế. 

    Tiếng dế cất lên lần đầu, vào hoàng hôn, thì ngập ngừng, trầm và chát. Dế đổi giọng, tự nó sửa sai, và không dưng dần dần rít lại, tìm được hoà âm, như thể nó tìm được hòa điệu của không gian và thời gian. Bỗng, trong khi sao đã sáng trên trời, thì tiếng kêu nhuốm một vẻ dịu dàng mê ly như tiếng lạc cuống cuồng. 

    Những ngọn gió mát, tím nhạt thoang thoảng; hoa đêm nở và mùi hương tinh khiết thần thánh từ những cánh đồng xanh, của trời, của đất hòa lẫn, lan tràn qua đồng bằng. Và bấy giờ, tiếng kêu của dế bừng dậy, rền cả làng mạc, nghe ra như âm thanh của bóng tối. Dế không còn ngập ngừng, không ngưng lại nữa. Mỗi nốt, như tự vọt ra, song sinh với nốt sau, tựa hồ những mẫu thủy tinh huyền. 

    Giờ khắc trôi qua, êm ả. Không có chiến tranh trên trái đất, và người làm ruộng, ngủ nghê không lo sợ, khám phá bầu trời trong đỉnh mộng. Giữa khóm hoa leo trên tường, dường như tình yêu đang đi tới, ngờm ngợp, nhìn thẳng vào mắt. 

    Những cánh đồng trồng đậu, gửi gắm tới làng những thông điệp hiền hoà, làm bằng hương thơm, như tấm thân phơi phới, của thiếu nữ dậy thì, ngây ngô trần trụi. Lúa gợn, màu lục dưới ánh trăng, rì rào trong gió khuya…Tiếng dế, từng lắm thế, cũng đã phải lạc giọng… 

    Nhưng đến rạng sớm, tiếng dế trổi lên lại, đúng lúc chúng tôi trở về, lẩy bẩy, qua các lối mòn sương trắng! Trăng rủ, màu hung, và ngái ngủ. Và toàn ca khúc của dế, chỉ còn là say trăng với say sao, với van vỉ lãng mạn, huyền bí và chan hòa…Trong khí đó, những ánh mây lớn trắng bạc, viền một màu tím xanh buồn rũ, đang khoan thai, nâng ngày dậy lên từ mặt biển.

 

 

 

ĐUA BÒ MỘNG

     

Này, La Rô, ngươi có biết bọn trẻ nhỏ đến đây làm gì không? Chúng nó đến xem ta có cho phép chúng dắt ngươi đi không, chúng nó đến để cùng với ngươi xin chìa khóa chuồng bò, chiều hôm nay. Nhưng ngươi yên chí! Ta đã bảo chúng đừng hòng… 

    Chúng nó như điên cả lũ, La Rô ạ! Thì đấy, cả làng mạc chỉ còn nước ngong ngóng theo cuộc đua bò mộng mà thôi. Từ sớm tinh sương, tiếng kèn đồng, bây giờ đã rè cả tiếng, cất lên trước các quán rượu, trong khi xe với ngựa xuôi ngược con đường Mới. Đằng sau nhà chúng tôi, trong con hẻm, người ta chuẩn bị cho đoàn đấu thủ chiếc Hoàng Yến, tức là chiếc xe màu vàng mà bầy trẻ rất ham.

    Các sân lát gạch, sân nào sân nấy, chưa chi đã bị tỉa hoa, để dành tặng cho các nữ chánh chủ khảo. Còn ở ngoài đường, ước gì ngươi mục kích được bọn người nặng nề kia, bước đi đủng đỉnh, mũ rộng vành, áo khoác thùng thình, ngậm xì gà, kèm theo dư vị của rượu, của chuồng ngựa…. 

    Lối chừng hai giờ chiều, La Rô ạ, gặp thời khắc này là thời khắc vắng vẻ, có ánh mặt trời và ngày thì giống một cái hang ánh nắng, trong khi bọn đấu thủ và các nữ chánh chủ khảo đang phục sức, thì chúng mình, ngươi với ta, sẽ ra đi bằng lối cửa nhỏ của bãi nuôi thú, và chúng mình sẽ mon men theo con hẻm mà vào làng. 

    Đẹp xinh sao là làng quê, trong những ngày hôm nay, vì hội hè mà người ta rẻ rúng nó! Họa hoằn lắm, ta mới bắt gặp đâu đó, trong vườn nho non, hay trong khu vườn nào đó bóng dáng một ông già nhỏ tí, lom khom trên những chùm xanh, hay trên làn nước trong… Xa xa vang dội lên, như một quầng hí lộng trùm lên làng mạc, tiếng ầm ĩ của khán giả, tiếng vỗ tay, nhạc đấu trường, cả một sự huyên náo, tan loãng dần theo bước chân bình thản hướng về biển…. 

    Và tâm hồn chúng tôi, La Rô nhỉ, lúc bấy giờ cảm thấy, mình là chúa tể của những gì mình hiện có nhờ tình cảm, chúa tể của thiên nhiên, là tấm thân vĩ đại tráng kiện, thiên nhiên một khi được tôn kính, thì dâng tặng cho kẻ nào xứng đáng cái cảnh sắc thanh lãng của vẻ đẹp sán lạn, muôn đời của mình.

 

 

 

DÔNG

     

Sợ. Nín thở. Mồ hôi lạnh. Bầu trời thấp nghiệt ngã làm ngột sáng mai. Im lặng…Tình yêu cứng cóng. Lỗi lầm lẩy bẩy. Ăn năn tảng lờ. Im lặng còn nặng nề thêm… 

    Sấm ầm, rền rĩ, bất tuyệt, như cái ngáp không dứt, như một lượng đá kếch xù từ trời cao đổ sầm xuống làng, đâm suốt hồi lâu xuyên qua buổi mai vắng vẻ. Toàn thể giống loài yếu đuối – chim, hoa – biến khỏi sự sống. 

    Qua cánh cửa sổ hấp hé, nỗi hãi hùng rụt rè ngó lên Thượng đế, Thượng đế loé sáng một cách thê thiết. Đằng kia, phía Đông, giữa những đám mây tả tơi, loáng thoáng những hoa cẩm quỳ và hoa hồng buồn bã, vấy bẩn, lạnh tanh, không lướt thắng nổi bóng tối. Chuyến xe sáu giờ – mà cứ ngỡ là bốn giờ – rền rĩ dưới cơn hồng thủy, ở góc đường, trong khi gã xa phu cất tiếng hát cho đỡ sợ. Chiếc xe bò hái nho đi ngang qua, xe rỗng không và hối hả… 

    Chuông chiều! Một tiếng chuông rắn, lạc lõng, tức tưởi trong tiếng sấm. Chuông chiều tối hậu của trần gian đấy sao? Phải chi chuông im tiếng càng nhanh càng tốt, bằng không thì ngân nga mãi hoài đi, cho phủ tắt cơn dông. Và thiên hạ trăn qua trở lại, rồi khóc, rồi chẳng biết mình thích muốn cái gì… 

    Quả tim nào cũng lạnh cóng. Tiếng trẻ con ơi ới bốn phương… 

    La Rô? Nó ra sao nhỉ, trơ trụi trong chuồng ở bãi, vô phương tự vệ thế kia?

 

 

 

MÙA HÁI NHO

    

La Rô ơi, năm nay, sao ít có lừa tải nho thế! Bích chương viết bằng chữ to tướng mà vẫn vô hiệu: 

     MUA : với giá sáu trăm. 

    Lừa của những vùng Lucena, Almonte, Palos đâu hết cả rồi, những thân lừa chất nặng thứ vàng lỏng, nhễ nhại màu máu giống như người, gần cạnh ta? Chúng đâu hết cả rồi, những đàn nối đuôi nhau, bất tận đứng hàng giờ, chờ chực cho người ta nghiền hết nho trong máy ép? Rượu mới ép chảy tràn khắp nẻo đường, và bọn đàn bà con nít hứng đầy chum, đầy hũ, đầy tô… 

    Các thùng nho lúc bấy gìơ vui vẻ làm sao! Thùng nho cúng cho nhà thờ cũng vui vẻ! Dưới gốc cây hồ đào to lớn làm sụt mái nhà, phu phen vừa hát vừa rửa thùng, giữa tiếng leng keng lanh lảnh của xích sắt nặng nề, vang dội. Chân để trần, những kẻ chuyên tải đi qua đi lại, mang những chum sáng loáng, sủi tăm, đầy nước rượu mới hoặc đầy huyết bò. 

    Tít sau xa, đàng kia, dưới túp nhà một mái, ta nghe tiếng nện tròn trịa, âm trầm, của các thợ đóng thùng, đứng lún người vào một đống vỏ bào sạch, thơm…Tôi vào Almirante bằng một cửa mà ra bằng cửa khác. Cả hai cửa, thật xinh tươi, vốn đối xứng với nhau, phô bày cho nhau thấy hình ảnh linh hoạt quang rạng của mình. Khắp nơi quanh tôi, tôi cảm nhận ra tình của phu phen… 

    Ngày đêm, hai chục cái máy ép nghiến nho. Điên cuồng! Chóng mặt! Vui vẻ hăng say thế! Năm nay La Rô ạ, các cửa sổ đều đóng, và một cái máy ép, cái độc nhất, cái máy ở bãi nuôi thú, và hai hay ba người là đủ, quá đủ, cho việc ép nho. 

    Và bây giờ, La Rô ạ, mình phải làm cái gì chứ, bởi vì ngươi đâu thể lười biếng mãi được. 

    …Bọn lừa kia đèo gánh nặng, dừng lại nhìn La Rô đang thơ thẩn thong dong. Vì lẽ đó, để chúng khỏi có ác ý, khinh bỉ La Rô, tôi đưa La Rô đến sân bên cạnh, và chất nho cho nó, tôi đưa nó tới máy ép, lách mình đi giữa bầy lừa, thật chậm rãi…Rồi tôi lôi La Rô đi, từng chặp, từng chặp….

 

 

 

TIẾNG ĐÊM

    

Từ ngôi làng lễ lạc với bầu trời sáng đỏ mơ hồ, những điệu nhạc nhịp ba réo rắt, hoài hương, nương theo con gió mát mà đến. Tháp chuông sừng sững, õng ẹo, tê tái, câm hơi, nghiêm nghị, trên một phiến trời lang thang, sắc tím, phớt xanh, vàng rơm…Đàng kia, đàng sau những kho gầy rượu tối ám của ngoại ô, mảnh trăng tà, vàng, ngái ngủ, vắt một mình trên sông. 

    Làng mạc cô tịch với cây và bóng cây. Chợt nghe tiếng dế vỡ giọng, tiếng dạ đàm giữa những con nước ngầm, một hơi hám rìn rịn dịu dàng, tưởng như sinh ra từ sao vỡ trên đất…La Rô, từ chiếc chuồng hâm hẩm, cất tiếng hí rầu rầu. 

    Con dê, không ngủ, chắc hẳn đang đi lui đi tới, vì ta nghe tiếng lạc, ban đầu giậm giật và dai dẳng, rồi êm dịu hơn để rồi cuối cùng im bặt….Xa xa, một con lừa cất tiếng hí, ở đâu về phía Montemayor…Kế đó, một con lừa khác nữa, phía Val…Một con chó gâu gâu…. 

    Đêm sáng quá, đến nỗi hoa trong vườn giữ nguyên màu sắc, như giữa ban ngày. Đường Máy Nước, ở góc ngôi nhà cuối cùng, dưới ngọn đèn đường sắc đỏ lung linh, một người đàn ông bẻ quẹo, thui thủi…Tôi đấy chăng?…Không phải. Bởi lẽ nơi đây, trong bóng lờ nhờ của trời cao này đây, thoang thoảng hương thơm, hương lay lắt ánh vàng do trăng, do tử đinh hương, do gió mát và bóng tối tạo nên, tôi bắt gặp mình đang lắng nghe, con tim mình đập trầm và không đều nhịp…. 

    Trái cầu vẫn quay, êm ả, rìn rịn….

 

 

XA RI TÔ

    

Một buổi xế chiều, đỏ ối vào mùa nho, tôi đang ở vườn nho Bờ Suối, thì bọn đàn bà đến bảo tôi, có thằng mọi nhỏ hỏi tôi. 

    Tôi lên sân đạp, nhưng thằng mọi nhỏ cũng đã theo con đường mòn đi xuống tôi rồi. 

    – Xa Ri Tô! 

    Đúng! Thằng Xa Ri Tô giúp việc cho Roseline, vị hôn thê người Porto Rico của tôi. Hắn đi khỏi Séville để đi đấu bò trong các ngôi làng, và đi bộ từ Niebla, chiếc áo choàng vấy máu vắt vai, đói, cạn tiền. 

    Bọn hái nho, liếc mắt nhìn chừng hắn, vẻ khinh khỉnh ra mặt; bọn đàn bà tránh né hắn vì sợ bọn đàn ông kia, hơn là vì giữ mình. Vừa mới đây, khi hắn đi qua máy ép nho, hắn có đánh lộn với một thằng con trai, thằng này đã cắn sứt tai hắn. 

    Tôi nhoẻn miệng cười với hắn, chuyện trò thân mật với hắn. Xa Ri Tô không dám sờ sịt tôi, hắn vuốt ve La Rô đang tạt ngang qua đây ăn nho; và thằng mọi, cùng lúc đó, nhìn tôi rất đĩnh đạc…..

 

 

GIẤC NGỦ TRƯA CUỐI CÙNG

    

Đẹp sao mà ủ ê, vàng vọt, tái tê là mặt trời chiều, khi tôi thức giấc dưới gốc sung. 

    Con gió mát khô khan, tấp hương thơm vào cây nha phiến nhạt nhòa, phe phẩy cơn thức giấc rịn mồ hôi của tôi. Những chiếc lá lớn của tàng cổ thụ êm đềm, lắc lay nhẹ nhàng, làm cho tôi hoặc là ảm đạm, hoặc là loáng mắt. Tưởng chừng chúng đang ru tôi, một cách dật lạc, trong chiếc nôi đong đưa từ ánh nắng vào bóng mát, và từ bóng mát ra ánh nắng. 

    Xa xa, sau làn sóng không khí thủy tinh, chuông ba giờ thông báo buổi chiều, trong ngôi làng hiu quạnh. Khi nghe ra, La Rô, đang ăn trộm của tôi, một quả dưa lớn có lớp tuyết mịn đỏ thắm, đứng nhìn tôi, bất động, bằng đôi mắt lớn, chập chờn, có con ruồi xanh dai dẳng bay quanh. 

    Nhìn thấy mắt nó lờ đờ thế kia, mắt tôi mệt mỏi trở lại….Gió mát thổi lần nữa, như con bướm muốn bay mà cánh nhũn, bỗng dưng….cánh bướm….mi mắt nặng….khép lại, bất ngờ….

 

 

PHÁO BÔNG

     

Tháng chín, ăn tối xong, chúng tôi leo lên đỉnh đồi, sau cái chòi trong vườn, để bắt gặp, giữa không khí yên tĩnh, ngát hương cam tùng trồng ở bể chứa nước, ngôi làng đang hội hè. Nằm say mèm trên nền sân đạp, Pioda, lão gác vườn nho, rúc tù và điểm giờ, ngó nhìn trăng. 

    Đã khuya rồi, pháo bông nổ lốp bốp. Thoạt tiên là những tiếng nổ trầm, không rõ. Kế đến là hoả châu bung ra ở trên trời cao như tiếng thở dài, như con mắt nở sao ngắm nhìn, trong giây lát, làng mạc nhiều màu: đỏ, tím hay xanh. Và những hỏa châu khác nữa, rủ xuống, rực rỡ, như bầy trinh nữ khỏa thân, chúc đầu xuống, hay như những cây huyết liễu nhiểu chùm hoa sáng, từng giọt một. 

    Đàn chim công rực lửa! Những đỉnh núi thinh không làm bằng hoa hồng sáng! Đàn trĩ lửa chạy tràn trong vườn sao! 

    La Rô, nghe mỗi tiếng nổ, bủn rủn cả châu thân, nó đỏ, nó tím, nó xanh theo loé sáng bất thần trong không gian. Và trong ánh sáng lung linh này, vốn phóng đại hoặc thu nhỏ bóng nó trên đồi, ta nhác thấy đôi mắt to đen của nó hãi hùng nhìn tôi. 

    Nhưng đến khi giờ tối cao đã điểm và trong tiếng huyên náo xa xa trong làng, ta thấy vọt lên trời cái vương miện, vàng cháy quay tròn của chiếc pháo bông cuối cùng, cái vương miện vốn bắt bọn đàn bà nhắm mắt bịt tai, thì La Rô bỏ chạy, băng vào các vườn nho, như bị ma đuổi, vừa hí lồng lên, sau bóng rặng dương bình thản.

 

 

 

TRĂNG

    

La Rô, vừa uống xong hai thùng nước lấp lánh sao, của cái giếng trong bãi nuôi, nó đi về chuồng, thong thả, lãng đãng, giữa đám hoa đại quỳ. Tôi đợi nó ở ngưỡng cửa, tựa lưng vào cột vôi chống cửa, thân tôi ủ trong mùi ấm của hoa. 

    Phía trên cái mái nhỏ có quyện một mùi ẩm dịu của tháng chín, làng mạc ở xa ngủ vùi, tiết ra hơi nồng của thông. Một đám mây đen lớn, giống con gà mái khổng lồ đẻ trứng vàng, đẻ ra một vầng trăng treo trên đồi. 

    Bấy giờ, tôi ngỏ với trăng: 

    ….Ma sola ha questa luna in ciel, che da nessuno cader fu vista mai se non in sogno* 

    La Rô nhìn trăng chằm chặp, tai phe phẩy phát ra một nốt kim êm tai. Rồi nó nhìn tôi, đăm chiêu, rồi phe phẩy tai kia…. 

    * Chỉ riêng giờ khắc này, là không tan biến ở trong bầu trời, có tan biến chăng là ở trong mộng 

 

 

 

KHOAN KHOÁI

    

La Rô đùa với Di An, con chó cái đẹp đẽ lông trắng, giống như mảnh trăng lưỡi liềm, với con dê xám đã già, với lũ trẻ…. 

    Di An nhảy nhót, nét thanh, nhanh nhẹn, trước mặt lừa, làm chiếc lạc rung lên nhè nhẹ, rồi dợm cắn vào mõm lừa. Và La Rô, chửng tai lên như hai ngọn lá dứa, nhẹ đẩy một cái, làm con chó lăn tròn trên cỏ hoa. 

    Con dê húc húc vào La Rô, cọ mình vào chân, đưa răng rút từng cọng lau trên lưng lừa. Kế, ngậm một đoá cẩm chướng nhỏ hoặc một đoá cúc, dê ngó ngay mặt lừa, nhảy nhót lần nữa, vui vẻ cất tiếng be be, ngọt ngào như đàn bà vậy… 

    Đối với bọn trẻ con, La Rô là một món đồ chơi thật sự. Nó chịu đựng những trò điên rồ của chúng, nó kiên nhẫn làm sao! Để chúng khỏi té, nó đi chậm, nó dừng chân, nó giả ngu, sao mà tài tình thế! Và nó cũng biết làm cho chúng ngán, bằng cách vờ bước nhanh bất thần! 

    Những chiều thu trong sáng ở Moguer! Khi con gió trong veo của tháng mười, chuốt nhọn những âm thanh trong sáng. Chao ôi! Một nỗi khoan khoái tình tứ vọng lên từ thung lũng, làm bằng toàn những tiếng dê, lừa, những tiếng cười con trẻ, tiếng lạc và chó sủa…

 

 

 

ĐÀN VỊT

   

 Tôi đem nước uống cho La Rô. Trong đêm, vắng lặng, thanh quang, của bãi nuôi, đêm đầy sao với mây lang thang, ta nghe ra, ở trên cao kia, những tiếng rít rõ ràng bay bay không nghỉ. 

    Đó là đàn vịt. Chúng tìm đất mà tới, trốn biển và trốn bão. Chốc chốc, như thể chúng tôi đi lên cao gần chúng nó, hoặc như thể chúng sà xuống gần chúng tôi, ta bắt gặp tiếng xạc xào khe khẽ của cánh, của mỏ, giống như thỉnh thoảng, trong làng, có khi ta nghe rõ tiếng, một người bước đi tận đằng xa. 

    Và La Rô, từng lúc một, nghỉ uống, ngước nhìn sao, như tôi, hay như những mẫu đàn bà của họa sĩ Millet, canh cánh một nỗi sầu cố xứ diệu vợi, không cùng…. 

 

 

 

BÉ GÁI

     

Bé gái là nỗi vui mừng của La Rô. Vừa thấy bé tiến lại mình, giữa đám tử đinh hương với tấm áo trắng nhỏ và chiếc mũ rơm, âu yếm gọi: “ La Rô! Nhỏ La Rô ơi! ”, là con lừa yêu quý muốn bứt thừng và dậm chân như đứa trẻ, vừa hí lên inh ỏi. 

    Bé gái, ỷ y mù quáng, cứ chui qua chui lại dưới bụng lừa, đá nhẹ vào La Rô, và có khi đưa bàn tay nhỏ nhắn chuồi cành cam tùng thanh khiết vào chiếc mõm hồng to tướng, với những chiếc răng dài, vàng, như răng cưa. Hoặc nữa, túm lấy hai lỗ tai xỉa của lừa, bé tự đổi tên lừa đủ cách để gọi: 

    – La Rô! La Rô bự ơi! Ơi nhỏ La Rô! Nhỏ tí teo La Rô! Nhỏ tí, tí teo La Rô à! 

    Trong những ngày dài thuở ấy, bé bềnh bồng trên nôi trắng, nổi trôi trên dòng sông tử thần, không ai còn nghĩ tới La Rô. Thế mà bé trong cơn mê sảng, gọi nó một cách thê lương: “ Nhỏ La Rô ơi! ”… Đứng từ ngôi nhà tối ám và tràn tiếng thở than, đôi khi vọng lại lời than thở của con vật bạn. Hè sầu muộn! 

    Nhưng, Thượng Đế đã đãi ngộ em sao mà phủ phê, buổi chiều an táng! Tháng chín, với màu hồng hoen vàng, như hôm nay, tà xế. Và trong nghĩa trang, rộn rã thay là tiếng chuông, trong hoàng hôn thật sáng trong, chỉ dẫn cho em lối thiên đàng!… 

    Tôi quay về, bước dọc theo các bờ tường, buồn bã đơn chiếc. Tôi bước vào nhà, bằng cửa của bãi nuôi, rồi, lánh mặt mọi người, tôi xuống chuồng, nơi đây tôi tĩnh niệm, ngồi cạnh La Rô.

 

 

 

MỤC TỬ

    

Trên ngọn đồi tối tăm và run rẩy, trong giờ khắc sắc tím này, tên mục tử bé con, in bóng đen trên trời chiều màu thủy tinh lục, thổi chiếc sáo sậy, dưới ánh sáng bập bềnh của Kim tinh. Lẫn lút giữa rừng hoa giờ phút này, tàng hình, nhưng hoa thơm ngào ngạt tưởng chừng, ta hình dung được hình thù của chúng, trong bóng tối trùm lấp, vẳng lên những tiếng chuông nhẹ nhàng, bất động, của đàn cừu tản mác khoảng khắc, trong một xó xỉnh nào thân thuộc trước khi về làng. 

    – Ông ơi, ước gì con lừa kia là của tôi… 

    Tên thiếu niên, nước da trông nâu thêm, lại càng khả ái, nhờ cái giờ khắc mông lung này, với đôi mắt linh động, níu giữ từng tia sáng của khoảnh khắc, hắn trông giống như một đứa trong đám hành khất nhỏ tuổi, đề tài ưa chuộng của Bartolomé Esteban, nhà họa sỹ đôn hậu của Séville. 

    Tôi rất có thể cho hắn con lừa….Nhưng nếu không có ngươi, thì ta biết làm gì, hở La Rô? 

    Con trăng đang lên, tròn vành vạnh, trên vùng Montemayor tiêu sắt, ánh trăng loang chầm chậm và êm ái trên cánh đồng còn vướng vất những đợt ánh sáng mơ hồ của ngày; và trên nền đất thêu hoa, giờ đây là nền đất mộng, một thứ vải rua thái cổ trân quý nào không hiểu; còn các tảng đá thì cao hơn, gần gũi hơn, âm u hơn; còn nước ở con suối ẩn tàng thì réo rắt hơn… 

    Trong khi đó, vang vọng lên giọng nói tham sân, xa xôi dần, của tên mục tử: 

    – Chà, ước gì con lừa kia là của mình…

 

 

 

CHIM THÚY YẾN CHẾT

    

Kìa, La Rô, thúy yến của bọn trẻ sáng hôm nay chết torng lồng bạc mất rồi. Phải mà, khổ thân nó già quá…Suốt mùa đông – ngươi nhớ không – nó êm ru rúc đầu vào lông. Nhưng hễ ánh xuân quang, biến ngôi nhà rộng mở thành khu vườn, và khi những đóa hồng mỹ miều nhất của sân gạch khai nở, nó cũng muốn mừng cho cảnh đời đổi mới, và cất tiếng hót. Ôi âm thanh liễu yếu như lên hen, kêu như tiếng tiêu rè! 

    Đứa lớn nhất trong đám trẻ đang săn sóc cho nó, thấy nó nằm liệt trong góc chuồng, đã chảy nước mắt rống lên: 

    – Nó thiếu thốn gì cho cam…Có hạt, có nước! 

    Phải, nó không thiếu thốn gì hết, La Rô. Nó chết, là vì…phải như thế! Có thể Campoamor, tên một con chim thúy yến già khác, sẽ nói như thế… 

    Này, La Rô có thiên đường cho chim không nhỉ? Có vườn cây xanh nào trên trời trong, vườn cây nở hoa hồng vàng, với những hồn chim trắng, chim hồng, chim xanh, chm hoàng….không nhỉ? 

    Ngươi hãy lắng tai. Đêm nay, bầy trẻ, ngươi và ta, chúng mình hãy đưa con chim ra vườn. Bây giờ là trăng tròn, và dưới ánh bạc nhạt nhờ, tên ca hát tôi tình của chúng ta, trong bàn tay ngây ngô của bé Bạch, sẽ giống như một đài huệ nhạt vàng héo úa. Rồi mình sẽ mai táng nó trong cội đất của cây hồng lớn. 

    Rồi khi nào xuân sang, mình hẳn phải thấy chim lìa trái tim của một đóa hồng bạch nào đó. Không khí ướp tẩm hương thơm, sẽ chỉ còn toàn là giai điệu, và trong mặt trời tháng tư, một loạt cánh vô hình sẽ lừng bay lang thang giữa những âm thanh réo rắt sáng láng vàng trong.

 

 

 

THU

    

La Rô, bây giờ mặt trời lười biếng, không chịu ló đầu ra khỏi chăn, và các nông dân thức dậy sớm hơn mặt trời. Thật sự là mặt trời trần trụi, mà tiết trời thì lạnh. 

    Ôi chao, gió bấc thổi ơi là thổi! Kìa, trên mặt đất, biết bao nhiêu là cành rụng: ngọn gió sao mà sắc cạnh thế, sao mà thẳng tắp thế, đến nỗi các cành rụng kia sắp hàng song song đồng chỉ về phương Nam. 

    Chiếc cày, giống như một chiến cụ nặng nề, lên đường vui vẻ công tác hòa bình; và trên các vỉa hè ẩm ướt, hàng cây lá úa, vững tin mình sẽ xanh trở lại, hăm hở sáng lên, như một dãy lò than, dịu lửa màu vàng nhạt, soi đường cho bước đi gấp gáp của chúng tôi.

 

 

 

CHIỀU THÁNG MƯỜI

    

Mùa hè chấm dứt, và bọn trẻ, theo đám lá vàng đầu tiên, đã trở lại trường. Tịch mịch. Ở nhà, mặt trời cũng ủ đầy lá khô, ra tuồng trống trải. Trong ảo giác, vang vang những tiếng reo hò xa xôi, cùng những tiếng cười vắng bặt…. 

    Trên khóm hồng còn đương hoa, chiều xuống chầm chậm. Ánh tà dương nhuộm đỏ, mấy đóa hồng cuối cùng, và khu vườn, dựng thẳng hương thơm, như dựng ngọn lửa, về phía trời tây hừng hực, bay ra mùi hoa hồng khen khét. Im lặng. 

    La Rô, ủ rũ giống như tôi, chẳng biết làm gì. Chầm chậm, nó nối gót theo tôi, tần ngần, và cuối cùng vững tin, dẫm lên ngưỡng cửa gạch bằng tiếng vó dòn khô, theo tôi vào nhà….

 

 

 

CHÙM NHO BỎ SÓT

     

Sau những cơn mưa dài tháng mười, nhân một ngày sáng sủa ràn rụa ánh vàng, tất cả chúng tôi đến vườn nho. La Rô, chở theo bữa ăn dặm và nón mũ của mấy bé gái trong chiếc thồ. Trong chiếc thồ kia, để cân bằng, đèo bé Bạch, hiền lành, tái tái hồng hồng, như hoa mận trắng. 

    Duyên dáng thay là làng mạc hồi sinh! Nước ăm ắp trong các ngọn suối, đất đai cưu mang, những luống trồng tỉa mềm mại, và ven sông, hàng cây dương, hãy còn điểm những dải lá úa vàng, đã bày ra bóng chim đen. 

    Thình lình, đàn bé gái, đứa trước đứa sau, vừa chạy vừa hét vang: 

    – Chùm nho – o! Chùm nho – o! 

    Trên một gốc già cỗi, có những cành thậm thượt rối ren, còn giữ lại dăm ba ngọn lá khô, đen nhạt và đỏ son, mặt trời chói lọi nhuộm màu hổ phách của một chùm nho trắng và đầy đặn, rạng rỡ như người đàn bà xế tuổi. Cả bọn đều đòi cho được chùm nho. 

    Con Thắng hái được, giấu chùm nho sau lưng, tôi bèn xin nó. Và nó, đứa con gái cảm thấy mình gần tới tuổi làm đàn bà với một gã đàn ông, tự động chìu ý tôi một cách dịu dàng, vui lòng nhường chùm nho lại cho tôi. 

    Năm trái nho đẹp dậy dàng. Tôi cho bầy trẻ bốn trái: một cho Thắng, một cho Bạch, một cho Lôlô, một cho Bêba. Còn trái sau cùng, tôi đưa, giữa tiếng cười reo và vỗ tay nhất loạt, cho La Rô, lừa ta đớp gọn giữa hai hàm răng to tướng.

 

 

QUẢ LỰU

    

La Rô, đẹp làm sao, quả lựu đây này! Aguedilla gửi biếu tôi, đã chọn giữa đám lựu đẹp nhất trong vườn của chị ở vùng suối Tu viện. Không có quả nào như quả này, khiến tôi liên tưởng sự mát ngọt của con suối sinh dưỡng nó. Quả nức vẻ tốt tươi, một vẻ tốt tươi mát mẻ khoẻ mạnh. Chúng mình ăn chứ? 

    La Rô à, cái hương vị sao mà ngon, vừa ngây ngấy khô, của lớp vỏ vừa dai vừa cứng, bám vào quả như rễ bám vào đất! Chưa chi đã tới vị ngọt đầu tiên – hoàng ngọc thoắt biến thành hồng ngọc – của những hạt hiện ra dính liền với vỏ. Rồi thì, La Rô, đến lượt phần cơm lựu, dày dặn và tốt lành, với lớp màn the mỏng, với cái kho tàng ngon ngọt, làm bằng những hạt ngọc tía ăn được, đầy nước và hăng, như trái tim của một nữ hoàng thanh xuân nào không hiểu. Sao mà quả căng đầy thế này, La Rô? 

    La Rô! Đây, ăn đi. Ngon quá! Khoái làm sao, hàm răng cứ ngập vào thịt đầy đặn, chín, tươi tắn, thắm màu! Khoan, ta không nói được nữa. Đối với vòm miệng, là cảm giác y như cảm giác của con mắt lạc vào mê lộ màu sắc hoang mang của chiếc kính bách hoa. Hết, lựu hết nhẵn rồi…. 

    La Rô ạ, nay ta không còn cây lựu nào. Ngươi thì không được biết những cây lựu trước đây, làm cây cảnh ở bãi nuôi thú rộng lớn của kho rượu Đường Hoa. Chiều nào bọn ta cũng đến đó….Qua các lỗ hổng, giữa mấy bức tường đổ vỡ, người ta khám phá thấy những sân nhà ở đường San Hô, mỗi chiếc sân có cái đẹp riêng, thấy làng, thấy sông. Người ta nghe tiếng còi của khinh kỵ binh, nghe tiếng lò rèn ở Sierra…Đây là sự khám phá một phần đất khác của ngôi làng, khác với phần đất của ta, đầy cả chất thơ của đời sống hằng ngày. Mặt trời xế bóng, và mấy cây lựu rừng rực như những kho tàng quý giá, cạnh cái giếng râm mát, cái giếng có cây sung nhiều tắc kè, và làm nứt nẻ thành giếng đấy…. 

    Lựu; thổ sản quý báu của thành phố Moguer! Lựu bung ra giữa thành phố mặt trời hoàng hôn đỏ thắm! Lựu vườn Tu Viện, lựu hẻm đá Peral, lựu Sabariego, lựu ở những thung lũng sâu và yên tĩnh, có những ngọn suối, giống như tâm tưởng của ta trong khuya, níu giữ hình bóng trời hồng!

 

 

 

KHIẾP VÍA

    

Bữa ăn của trẻ con. Ngọn đèn mơ màng tỏa ánh hồng mềm mại lên nệm tuyết, và hoa phong lữ đỏ, cùng với những trái pom màu mè làm thắm đượm, bằng một niềm vui bộc bạo và khoái hoạt, khung cảnh tình tứ ngây thơ, của bao nhiêu khuôn mặt vô tội này. Các bé gái ăn giống như đàn bà; các bé trai thảo luận như đàn ông. 

    Ở sau, vạch chiếc vú trắng nõn ra, cho đứa nhỏ nhất, người mẹ trẻ tuổi, tóc hoe, đẹp, nhìn bầy trẻ mà mỉm cười. Qua chiếc cửa sổ nhìn ra vườn, đêm trong sáng, đầy sao, rung động, cứng ngắc và lạnh lẽo. 

    Thình lình con bé Bạch vụt chạy trốn, như làn chớp xẹt, vào vòng tay của mẹ. Im lặng bất thần, kế đó, tiếng ghế đổ ào, tất cả bọn, nhanh chân và huyên náo, đồng thời chạy bay tới tìm chỗ núp sau lưng mẹ, nhìn ra cửa sổ, khiếp vía. 

    La Rô, khờ khạo thế! Chiếc đầu to trắng, của nó dán vào ô kính, chiếc đầu còn to bội phần vì bóng tối, vì ô cửa và nỗi sợ hãi, La Rô đang ngắm nghía, lặng lẽ và buồn thiu, gian phòng êm ả sáng ánh đèn. 

 

 

 

TÌNH THÁNG MƯỜI MỘT

    

Đêm…La Rô ở ngoài đồng về, nhẹ chở trên lưng, một đống cành thông thổi lửa, thân mình gần như ngập lút dưới đống màu xanh lục to tướng, vô tri. Bước chân của nó dìu dặt, đều đều như bước chân, của người thiếu nữ làm xiếc lấy thế quân bình trên sợi dây mảnh mai, tinh quái… 

    Tưởng chừng lừa không cất bước. Đôi tai dựng đứng, nó giống như con ốc sên, đèo ngôi nhà nó trên lưng. 

    Những cành xanh động đậy, hứng ánh nắng, hứng chim xi ni, gió, trăng, quạ – ghê quá! Quạ nữa đấy, La Rô ơi, cành rủ lê, khổ sở, xuống lớp bụi trắng trên những lối đường mòn hoàng hôn. 

    Không khí dịu lạnh màu tím nhạt loang vào vạn vật. Và trong làng mạc này đây, sắp bước sang tháng muời hai, vẻ khúm núm đằm thắm của lừa, dưới gánh nặng, giống như năm ngoái, bắt đầu mang vẻ thoát tục. 

 

 

 

CON NGỰA CÁI LÔNG TRẮNG

     

Ta buồn…La Rô ạ, ngươi biết không, khi đi ngang qua đường Hoa, sắp tới Vòm Cửa, cũng tại chỗ hai đứa bé song sinh, chết vì sét đánh trước đây, ta bắt gặp con bạch mã nằm chết, ngựa của gã Điếc đấy. Dăm ba đứa con gái nhỏ, gần như thể trần truồng, đứng lặng lẽ bao quanh. 

    Con bé Pura thợ may đi ngang qua nói với ta rằng gã Điếc, hết nuôi nổi con ngựa, đã tìm cách thả rong nó, sáng hôm nay. Ngươi biết, con vật khốn khổ cũng già như gã Đông Liên, và cũng tàn tật như gã. Nó không thấy, không nghe gì nữa hết, và khó lòng cất bước…. 

    Khoảng nửa trưa, nó trở về cổng nhà chủ. Chủ nổi cáu, muốn lấy cái dùi đánh đuổi nó đi. Nó không đi. Thế là chủ lấy chiếc liềm ra chọc nó. Thiên hạ đổ xô lại, bị nguyền rủa xúc xiểm tới tấp, ngựa bỏ đi về phía đầu đường, thân hình khập khiễng loạng choạng. Bọn trẻ ném đá la hét…. 

    Cuối cùng nó quỵ xuống và bọn kia kết liễu đời nó. Cũng có một thoáng động lòng trắc ẩn quanh con ngựa: – Thôi để nó chết cho yên – làm như thể ngươi hay ta có mặt tại đó, nhưng sự thương hại kia, cũng bấp bênh như con bướm bay chờn vờn giữa tim bão. 

    Lúc ta bắt gặp nó, những hòn đá còn la liệt cạnh nó, và con vật đáng thương đã lạnh như đám đá rồi. Một mắt của nó mở lớn, đó là con mắt mù lúc nó còn sống, mà bây giờ nó chết đi, con mắt như thể ngó chúng ta. Lông trắng của nó, là vệt sáng duy nhất của con đường u ám, trên đó bầu trời chiều, cao ngất giữa tiết lạnh này, nhấp nhô thành những đợt mây hồng lớt phớt chạy dài đến vô biên…

 

 

BỌN HÁT DẠO

    

La Rô, hãy nhìn nàng bước xuôi theo con đường, dưới ánh mặt trời màu đồng, nàng đi thẳng người, kiêu hãnh, vai để trần, không nhìn ngó ai…Sắc đẹp đã phai tàn, nhưng vẫn còn rõ nét, và uy nghi như một cây sồi, sắc đẹp giữa mùa đông sao khoẻ thế, khăn quàng buộc vào thân và váy xanh có viền lất phất, lốm đốm trắng! Nàng đi đến tòa thị chính, xin phép cắm lều, như lệ thường, sau lưng nghĩa trang. Ngươi biết quá mà, La Rô, những chiếc xe lăn tồi tàn của bọn hát dạo đấy, xe với củi lửa đốt giữa trời, với bọn đàn bà diêm dúa, với bầy lừa sống dở chết dở, ngậm nhấm cái chết chung quanh mình. 

    Bọn lừa, nghĩ coi La Rô! Hẳn chúng nó, trong các bãi nuôi thấp lè tè, giờ đây run sợ, lừa của Friseta, nếu đánh hơi ra bọn hát dạo. Phần tôi thì yên tâm về La Rô, bởi vì bọn hát dạo, muốn tới chuồng của nó, cũng phải băng qua một nửa ngôi làng, và cũng bởi vì Rengel, tên gác, thương mến cả hai chúng tôi. Nhưng mà, để chọc nó, để dọa nó, tôi om giọng, thành ra giọng tôi uốn éo một cách hắc ám: 

    – Đi vào nhanh La Rô! Vào nhanh lên, ta đóng cổng…Họ lùa mày đi bây giờ… 

    La Rô, vốn thừa biết bọn hát dạo đâu có bắt nó đi, lửng thửng bước qua cổng, cổng đóng lại sau lưng nó, kèm theo tiếng ầm rắn rỏi của kính với sắt. Kế đó, nó nhảy và lồng lên, từ sân cẩm thạch ra sân hoa, và từ sân ra bãi nuôi, trong đoạn đường ngắn ngủi đó, nó làm gãy – con vũ phu – cây bìm bịp xanh.

 

 

 

DƯỠNG BỆNH

    

Từ phòng dưỡng bệnh, có ánh đèn vàng yếu ớt và có thảm màn trải êm, tôi nghe ra, trong đường đêm, như trong cơn mộng mị đầy sao, mấy con lừa nhẹ bước từ các cánh đồng đi về, có thêm bầy trẻ nhỏ nô đùa la hét. 

    Tôi đoán ra mấy cái đầu to đen của lừa, và mặt mày thanh tú của trẻ nhỏ đang ca hát, xen lẫn vào tiếng hí, những ca khúc giáng sinh, bằng một giọng thủy tinh và kim ngân. Và tôi cảm thấy, quanh làng, một đợt khói dày của lật trang, một làn hơi tứ các chuồng bò, một hơi thở từ những gia đình diễm phúc… 

    Lòng tôi tuôn trào, trong lọc, như một ngọn thác trời vọt ra từ bóng tối, từ đỉnh con tim. Ôi hoàng hôn cứu thế! Giờ khắc của lòng, vừa mát mẻ mà vừa ấm cúng, ngập tràn ánh sáng vô biên. 

    Bên ngoài, chuông reo vui giữa ngàn sao. La Rô vui lây, hí lên trong chuồng, trong giờ khắc này vì trời thì thật là gần, nên chuồng của nó tựa hồ như xa lắm…Chạnh lòng, yếu sức và đơn chiếc, tôi cảm thấy, giống như Faust, nước mắt tuôn trào….

 

 

 

BÌNH MINH

    

Trong những buổi bình minh, trôi chầm chậm của mùa đông, khi đàn gà nhanh nhẩu thoáng thấy những ánh hồng đầu tiên của ngày chớm mọc, mà lên tiếng đón chào lịch lãm, thì La Rô, ngủ chán chê, hí lên không ngừng. Êm ả thay, buổi thức dậy xa xa của La Rô, trong ánh sáng từ trời cao lọc qua khe phòng! Cũng ham hố nhìn thấy ngày lên, tôi nhớ tới mặt trời, từ chỗ giường êm. 

    Và tôi nghĩ tới số phận của La Rô đáng thương, giá nó không lọt vào bàn tay thi nhân của tôi thì, có lẽ đã giạt vào tay một kẻ bán than nào đó; bọn này, giữa đêm còn dày, hay giữa khi giá cứng còn phủ trên đường vàng, đi trộm thông trên đồi, hoặc nữa, mắc vào tay bọn đi hát dạo hôi hám kia, bọn này hóa trang cho lừa, bắt lừa uống a-xen và xâu kim vào tai lừa để cho tai cứng. 

    La Rô hí lên lần nữa. Nó biết tôi nghĩ tới nó không? Cần gì? Trong không khí êm dịu của ngày mới hiện, tưởng tới nó đối với tôi cũng thú vị như bình minh. Và, nhờ trời, chuồng của nó cũng ấm cúng, cũng tình tứ như chiếc nôi, cũng dễ yêu như ý tưởng của tôi. 

    

  

GIÁNG SINH

    

Đốt lửa trong cánh đồng….Nay là chiều Giáng Sinh, và mặt trời nhợt nhạt chiếu dọi ơ hờ, bầu trời sống sượng, không mây, xám xịt một màu, thay vì xanh ngắt một màu, với một ánh vàng loáng thoáng, không phân định được, phía trời tây… 

    Bỗng đâu, đây là tiếng nổ chát chúa của cành xanh bắt đầu cháy; một đợt khói dày bốc lên, trắng như da chồn trắng, và cuối cùng là ngọn lửa, lửa đuổi khói đi và lấp đầy không gian bằng những lưỡi lửa thuần khiết, bất chợt, như liếm không khí. 

    Lửa trong gió! Những vong linh hồng, vàng, tím, xanh, đang len lỏi vào bầu trời thấp, bí ẩn, đang tán lạc vào nơi đâu không hiểu, để lại một mùi than hồng, vất vưởng trong khí lạnh! Cánh đồng tháng mười hai, giờ đây ấm áp! Mùa đông đượm tình! Buổi chiều Giáng sinh, của bọn người sung sướng! 

    Những cây nha phiến gần đó như thể chảy tràn. Phong cảnh, qua bầu khí nóng, lẩy bẩy và lọc sạch, như thể làm bằng thủy tinh động đậy. Lũ con của người giúp việc, không có được máng cỏ, xơ xác và buồn rầu, tiến lại gần ngọn lửa lớn, để sưởi đôi tay cứng cóng, và ném vào lò lửa những trái dẻ rừng, trái lật, nổ lốp bốp như tiếng súng. 

    Chúng nó đùa vui thế! Và chúng vọt một cái, băng qua đống lửa lớn, đang dần dần nhuộm đỏ màn đêm! Chúng lại hát: 

    ….Này mẹ Maria xuất hiện… 

    …. Này Joseph xuất hiện…. 

    Tôi dẫn La Rô lại, giao La Rô cho chúng nó, để cùng nhau vui đùa…. 

 

 

 

MÙA ĐÔNG

    

Thượng đế đang ngự trong điện đài thủy tinh. Ấy là ta muốn diễn tả trời đang mưa đó, La Rô ạ. Trời mưa. Và những chiếc hoa cuối cùng, mà mùa thu khăng khăng giữ lại trên những cành cây mất khí huyết, trĩu nặng những hạt kim cương. Trong mỗi hạt, một bầu trời, một điện đài thủy tinh, một Thượng đế. 

    Ngươi hãy ngắm đóa hồng kia: nó mang trên mình một đóa hồng nước, và nếu ta lắc lay hoa, ngươi thấy không, thì một đóa hoa sáng khác lại rời ra, như lòng nó, để hoa hồng ở lại, ủ dột và tàn úa như lòng ta. 

    Nước ắt cũng tươi vui như mặt trời. Ngươi cứ nhìn đi, lũ trẻ đi chân không, bầm tím, khoẻ khoắn, chúng nó nhẩy nhót vui vẻ biết ngần nào. Và ngươi cứ nhìn họ hàng nhà chim sẻ, theo cách nói của Đạt Bông, vị y sĩ của ngươi, huyên náo, bất ngờ làm sao, chúng chui nhủi vào cây leo, vào trường học. 

    Trời mưa. Hôm nay mình không ra đồng. Một ngài chiêm ngưỡng. Ngươi nhìn coi, nước đổ từ ống xối mái nhà xuống; và hàng cây keo sạch sẽ hơn, đã khởi sự phủ đầy bóng tối, nhưng vẫn còn le lói ánh vàng, và chiếc thuyền mảnh của bọn trẻ, hôm qua bị lọt vào đám cỏ, nay bềnh bồng trở lại trong hồ. Và giờ đây ngươi hãy ngắm xem, dưới bóng mặt trời nhợt nhạt đang tái hiện, tất cả vẻ đẹp của móng trời xuất xuất phát từ nhà thờ, và đến chết ngủm gần chúng mình.

 

 

 

ĐÊM TRONG

    

Những sân thượng tổ ong màu trắng cắt rõ nét, lạnh ngắt trên nền trời xanh tươi vui, buốt lạnh lấm tấm sao. Ngọn gió bấc, cay nghiệt và âm thầm, ve vuốt những mặt mày, như lưỡi dao sắc. 

    Ai nấy nghĩ rằng, mình gặp lạnh và núp sâu trong nhà, kín cổng. Nhưng chúng mình, La Rô nhỉ, chúng mình cứ khoan thai mà bước, ngươi có lông ấm và tấm chăn của ta, còn ta thì có lòng ta, mình đi ngang ngôi làng sáng trong mà quạnh quẽ. 

    Sức mạnh bên trong nào nâng đỡ ta đây, ngỡ như ta là một tháp đá kiên cố, đội một nóc bằng nguyệt ngân. Ngươi nhìn bao nhiêu vì sao kia! Sao hằng hà sa số khiến ta chóng mặt. Dễ thường da trời là một thế giới của bầy trẻ, mà bầy trẻ đang đọc cho trần gian nghe một tràng kinh cầu, làm bằng tình thương lý tưởng. 

    La Rô ơi, La Rô! Ta dám đánh đổi cả đời ta, và ta những mong ngươi, bằng lòng dâng tặng đời ngươi, cho vẻ trong sáng của đêm tháng giêng vòi vọi, đêm thật sáng, thật trong, thật cô tịch này!

 

 

 

HỘI RƯỚC

    

Sáng nay, La Rô đẹp tệ! Hôm nay là thứ hai Hội Rước, và đám trẻ khoác áo lộng lẫy làm những tên đấu bò, tên hề, tên ma-rô, chúng đã trang hoàng cho đám rước, theo kiểu người Maure, bằng những chiếc áo mão với những thứ hoa hoè nặng nề màu đỏ, lục, trắng, vàng… 

    Mưa, mặt trời và lạnh. Dưới ngọn gió bấc buổi xế chiều, hoa giấy đủ màu lăn lăn trên hè, và bọn đeo mặt nạ, lạnh cóng, đút bàn nổi gân xanh, vào đủ loại túi. 

    Khi chúng tôi đến nơi, vài phụ nữ cải trang làm mụ điên, áo sơ mi trắng lụng thụng, tóc đen bay bay có cài những dây hoa lục, xúm quanh La Rô hợp ca ầm ĩ, và nắm tay nhau bắt đầu vui vẻ nhảy quanh lừa. 

    La Rô, ngơ ngác, dựng tai, nghếch đầu, giống như con bò cạp bị lửa vây, giậm giật tìm lối tẩu thoát. Nhưng La Rô bé quá, mấy mụ điên không sợ và họ cứ quay quanh, giữa tiếng cười và tiếng hát. Đám trẻ, thấy lừa bị cầm tù, bèn cất tiếng hí, cho lừa bắt chước theo. Thấm thoát, công trường chỉ còn là một hợp tấu ngạo nghễ làm bằng tiếng đồng, tiếng hí, tiếng cười, lời hát, tiếng cối, tiếng trống đeo lạc… 

    Cuối cùng, La Rô, quyết định như một gã đàn ông, bẻ gãy vòng vây và chạy đến bên tôi, sánh nước kiệu, mắt nó đẫm lệ, yên cương lộng lẫy thì trụi lụi. Giống như tôi, nó không muốn hoà mình vào các đám rước….Chúng tôi không sinh ra để làm việc đó….

 

 

CÁI CHẾT

    

Tôi bắt gặp La Rô nằm trên nệm rơm, ánh mắt buồn và hiền. Tôi đến bên, ve vuốt nó, vừa ngỏ lời với nó, vừa muốn cho nó đứng lên. 

    Con vật khổ sở, dựng hết thân mình dậy, một chân vẫn còn quỵ…Nó không đủ sức….Bấy giờ, tôi duỗi chân nó ra trên mặt đất, âu yếm vuốt ve lần nữa, và cho mời vị thú y đến. 

    Lão Đạt Bông, thoạt thấy nó, đã chúi cái mặt bự sóm sém của ông, dồn ún cả xuống tới cằm, vào khoảng trống giữa bụng con lừa đáng thương, đưa qua đưa lại, trên ngực nó cái đầu đỏ phừng của ông giống như quả lắc. 

    – Không xong rồi, phải không ông? 

    Tôi không biết ông trả lời gì…Rằng con vật khốn nạn toi mạng…Không có gì….Rằng là bị đau….Rằng một loại rễ cây độc nào không hiểu….Rằng đất bị trộn với cỏ…. 

    Nửa trưa, La Rô chết. Chiếc bụng nhỏ bằng bông gòn phình trương như quả địa cầu, bốn vó, cứng khựng, mất huyết, chổng lên trời. Bộ lông quăn trông giống như mái tóc bằng chỉ gai, bị mối mọt thường sảy ra với mấy con búp bê cũ, khi có bàn tay lướt chạm vào thì mủn ra như một nỗi buồn tan thành bụi bặm. 

    Trong cái chuồng im lắng, một con bướm vờn bay, nó ửng màu lên mỗi khi bay qua tia nắng ở cửa tò vò….

 

 

 

SẦU NHỚ

    

La Rô ơi, ngươi trông thấy chúng ta phải không? 

    Ngươi thấy rõ, phải không, dòng nước sáng lạnh ở máy đạp nước reo cười thanh thản trong vườn như thế nào, và đàn ong, trong ánh sáng sắp lịm tắt, rộn ràng chung quanh cây hoa điệt lục với tím, hồng với vàng, dưới ánh sáng mặt trời còn chiếu trên đồi? 

    La Rô ơi, ngươi trông thấy rõ chúng ta phải không? 

    Ngươi thấy rõ, phải không, bầy lừa nhỏ của đám đàn bà thợ giặt, leo lên con dốc đỏ của Máy Nước Cũ, bầy lừa nhỏ uể oải, khập khiễng, ủ ê đối diện với vẻ trong sáng mênh mông, đang nối đất với trời, làm thành khối thủy tinh rực hào quang? 

    La Rô ơi, ngươi trông thấy chúng ta phải không? 

    Ngươi thấy rõ, phải không, bầy trẻ da tím ngắt, chạy luồn giữa đám cây nha phiến, mang trên cành những nụ hoa thung dung, như một đám phơn phớt, những bướm trắng mơ hồ lốm đốm màu son? 

    La Rô ơi, ngươi trông thấy chúng ta phải không? 

    Ngươi trông thấy chúng ta, La Rô hỡi, phải không? Phải, ngươi thấy ta. Và hình như ta còn nghe nữa đấy, nghe trong tà dương trong suốt – phải mà, phải, ta nghe… – lời van vỉ, trong tiếng hí đượm tình của ngươi đang thêm nét êm đềm cho Lũng Nho.

 

 

 

NGỰA GỖ

     

Tôi đã mắc lên chiếc ngựa gỗ, nào yên cương, hàm thiếc và dây tròng của con La Rô tội nghiệp, tôi đã đem tất cả lên vựa thóc lớn, trong cái xó xỉnh lãng quên có mấy chiếc nôi trẻ con nằm la liệt. Vựa thóc này rộng, im vắng, có ánh mặt trời, từ đây ta thấy toàn diện làng mạc Moguer: nhà máy xay, màu đỏ bên trái,; trước mặt, lấp trong rặng thông, là Montemayor, với cảnh trắng tiêu sắt; sau lưng nhà thờ, khu vườn Trái Thông e ấp; phía tây là biển, biển đầy nước sáng lên bằng những đợt thủy triều mùa hạ. 

    Trong vụ nghỉ hè, trẻ con lên chơi ở vựa thóc. Và thế là mấy chiếc xe, được kéo đi bằng những chiếc ghế lật ngược, nối vào nhau dài dằng dặc; và những rạp hát, thì làm bằng giấy báo bôi bết màu thổ hoàng; thêm những nhà thờ, trường học… 

    Đôi khi, leo lên chiếc ngựa gỗ không hồn, rồi dậm chân vỗ tay, vừa phập phồng, vừa lẹ làng, chúng nó phóng ngựa băng qua cánh đồng tưởng tượng: 

    – Hi, La Rô! Hi!

 

 

 

SẦU VƠ

    

Chiều nay, tôi đi theo lũ trẻ ra tận mồ của La Rô, trong khu vườn Trái Thông, dưới cội cây thông tròn trịa,nhân từ. Chung quanh, tiết tháng tư đã điểm trang đất ẩm, bằng những hoa lan nhật quang to lớn. 

    Trên đầu, trong vòm thúy lục, được phết trọn bằng màu thiên thanh, chim hót, và âm thanh réo rắt mảnh mai, bay bướm và cười cợt, lan xa dần trong ngọn gió vàng của buổi chiều ấm áp, như một giấc mộng, trong sáng về một cuộc tình đổi mới. 

    Đến nơi, bầy trẻ ngưng tiếng reo hò ngay. Lặng thinh và trang trọng, nhìn chăm vào mắt tôi bằng những ánh mắt rực sáng, chúng dồn dập hỏi tôi bằng những câu khắc khoải. 

    Bấy giờ tôi nhìn xuống đất: 

    – La Rô, lừa bé bỏng của ta ơi! Nếu quả như ta nghĩ, ngươi hiện đang ở trong một đồng cỏ trên trời, và chở trên lưng len của ngươi chư Thánh Hài Đồng: thì thử hỏi ngươi có quên ta chăng? Ôi, La Rô, nói đi, nói đi: ngươi có nhớ ta không? 

    Và như thể nó đáp lời tôi, một chiếc bướm trắng nhẹ mình, nãy giờ không xuất hiện – linh hồn nó đấy chăng? – vờn bay mê mải, giữa đám hoa lan nhật quang, từ đoá này sang đoá khác…

Dịch giả: Bửu Ý

Theo bản dịch tiếng Pháp của Claude Couffon: PLATERO ET MOI

Bình luận về bài viết này