ĐÀO HIẾU – Tịnh Thất Trên Núi (toàn văn)

“Vô minh duyên Hành. Hành duyên Thức. Thức duyên Danh Sắc…” (Thập nhị nhân duyên)

TÁC PHẨM NÀY ĐÃ RA ĐỜI NHƯ THẾ NÀO?

*

Nếu tôi không gặp người đàn bà ấy thì không thể có tác phẩm này, thậm chí tôi sẽ không hề có ý định, có chút ý tưởng hay dự cảm nào về một đề tài mà tôi không hề ấp ủ dù chỉ như ươm một hạt mầm nhỏ xíu trong trí tưởng.

Người đàn bà ấy là ma-đam X, một người Pháp gốc Việt, có chồng con sống ở Mantes La Jolie, phía nam Paris khoảng 20 cây số.

Thoạt tiên đó là một người xa lạ. Chúng tôi quen nhau trên facebook. Bà đọc những bài viết, những tác phẩm của tôi, và trở thành bạn thân.

Bà là giám đốc một công ty du lịch ở Paris nên có dịp đi khắp thế giới. Trong chuyến về thăm Việt Nam, chúng tôi gặp nhau trong quán cà phê và tôi được biết tuy đời sống của bà rất thoải mái nhưng bà là một cư sỹ. Bà ăn chay trường. Cả chồng và con bà đều ăn chay trường.

Trưa hôm đó bà mời tôi một bữa cơm chay và câu chuyện về chúng sinh, về khổ nạn, về giải thoát… lại được tiếp tục, không phải qua kinh kệ hay giáo lý mà qua những chuyện kể theo cách riêng của bà: thông minh, độc đáo, khác người.

Những tưởng gặp nhau chỉ một lần, nhưng câu chuyện của bà gần như bất tận, kinh nghiệm sống của bà mênh mông… nên chúng tôi phài gặp nhau nhiều lần nữa trước khi bà sang làm việc với chi nhánh ở Canada.

Tại phi trường, bà dặn tôi viết đến đâu gởi cho bà đến đấy. Tôi hứa. Nhưng thực tình tôi không chắc mình có thể viết được và viết thành công về một đề tài mới mẻ và quá khó đối với tôi như vậy.

Mặc kệ, tôi cứ bắt đầu. Tôi gởi thử cho bà đọc chương đầu tiên và bà thích đến độ bảo tôi đưa lên mạng gấp. Tôi nói viết chưa xong và chưa biết mình sẽ dẫn dắt câu chuyện đi đến đâu, kết thúc thế nào. Bà hỏi: “Anh có biết đời mình sẽ kết thúc như thế nào không? Chắc là không. Thế sao anh vẫn sống? Vậy thì tác phẩm này cũng vậy. Hãy cứ cho nó ra đời như nụ hoa vừa hé. Nó sẽ nở thành bông hoa rực rỡ ngát hương hay sẽ tàn lụi, nó sẽ kết trái ngọt hay đắng không quan trọng. Nó phải được sống như anh và em. Nó phải sống dù vô thường. Dù vô minh.”

Tôi nghe lời bà và hôm nay tôi đưa lên mạng.

Vì vậy có thể nó sẽ không xuất hiện đều đặn, có thể nó sẽ tàn lụi nửa chừng, nhưng cũng có thể nó sẽ kết trái ngọt ngào.

Bà đã viết cho tôi từ Vancouver: “Em vẫn tin rằng anh sẽ thành công. Vì sao? Vì chỉ bằng những chuyện kể vụn vặt, có khi chỉ một câu nói, mà anh đã viết được những trang thật kỳ lạ, thật đẹp, thật bất ngờ. Huống chi…”

Cho nên mặc dù tôi đang chịu rất nhiều khó khăn, rủi ro, buồn khổ trong đại dịch Covid 19, tôi vẫn cố gắng viết dù tác phẩm hãy còn hư ảo như khuôn mặt một ai đó trong ánh chạng vạng của hoàng hôn.

Ngày 10/11/2020

Tiếp tục đọc

ĐÀO HIẾU – Sống sót (toàn văn)

LỜI THƯA CỦA TÁC GIẢ

Mỗi câu chuyện thường bắt đầu bằng một nỗi đau, một tình yêu hay một niềm tuyệt vọng.

Nhưng câu chuyện này lại bắt đầu bằng cú nhảy của một con mèo nhỏ.

Nó đang ở ngay dưới võng, chồm lên, cào lưng tôi. Tôi cố chộp lấy, nó bỏ chạy, rồi quay lại rất nhanh, nằm phục xuống trong tư thế rình mồi.

Và như một nhát kiếm, nó phóng lên võng.

Những lần trước, khi xuất chiêu này, nó nằm gọn trên ngực tôi, êm ái như một cái ôm ấm áp. Nhưng lần này, có lẽ do chiếc võng đang đong đưa nên chân trước của nó đã quẹt vào mặt tôi.

Đường kiếm vô tình đã gây một vết xướt rỉ máu. Tôi không biết tròng mắt mình có bị thương không, nên phải ra tiệm thuốc tây gần nhà.

Dược sỹ quen thân với tôi.

-Lại bị mèo cào phải không?

Tiếp tục đọc

ĐÀO HIẾU – Gặp gỡ và chia lìa (toàn văn)

TRƯỚC KHI VÀO TRUYỆN

Tác phẩm này không phải là tiểu thuyết, cũng không phải truyện dài, truyện ngắn hay hồi ký. Tôi chỉ ghi chép những khoảnh khắc hạnh phúc và đau buồn khi gặp gỡ và chia lìa những con vật nuôi mà tôi yêu dấu.

Những sinh vật trẻ thơ này không phải là thú cưng (pet) trong các nhà giàu nuôi làm kiểng, mà là những sinh linh bé nhỏ bị bỏ rơi, bị ném vào cõi lầm than, rét mướt, đầy bất trắc và tàn bạo.

Nhân vật chính trong tác phẩm này là những con vật nuôi ấy. Nhưng đây không chỉ là câu chuyện kể về những cái chết của chúng, nó còn là những suy niệm về kiếp người, về số phận bi thương của những đứa trẻ ấy.

Và cũng là số phận của chính tôi, kẻ đã mang nặng kiếp người trong suốt bảy mươi năm mệt mỏi.

Bảy mươi năm quá dài mà cũng quá ngắn. Đó là cuộc hành trình mù mịt, vô minh, lạc lối trong vinh nhục, trong khổ ải và hạnh phúc, trong yêu thương và thù hận.

Bảy mươi năm chiến tranh, bom đạn, đói nghèo. Bảy mươi năm làm một anh vi-xi hạng bét. Bảy mươi năm xuống đường, tù ngục, đoạ đày, tra khảo. Bảy mươi năm yêu đương, lãng mạn, phụ tình, tình phụ.

Bảy mươi năm tội lỗi…

Tôi đã bơi trong bể khổ trầm luân, không biết đâu là bờ bến. Sống như một sự vùng vẫy. Vùng vẫy đến kiệt sức và muốn nằm im, bồng bềnh trên dòng thời gian, mặc cho nó cuốn trôi về vực thẳm.

Tôi vừa muốn hoà nhập vừa muốn xa lánh cuộc đời này. Tôi vừa yêu thương vừa sợ hãi con người.

Tôi cũng tuyệt vọng như Nguyễn Du: “Chuyện đời đã tắt lửa lòng. Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi”

Tiếp tục đọc

ĐÀO HIẾU – Nhật ký mèo (toàn văn)

GIẢI BÀY

Tôi sinh ra trong chiến tranh, nên không biết thực sự mình sinh vào ngày nào. Cái ngày ghi trong giấy khai sinh chỉ là giả.

Tôi lớn lên trong bom đạn, nên chẳng ai nghĩ tới chuyện tổ chức lễ sinh nhật, cho dù đó là sinh nhật giả.

Tuy nhiên, tất cả đều đã qua đi. Tôi đứng trên bờ nhìn xuống dòng sông, nhìn xuống những chiếc lá, những tăm cá, bóng chim, những cành củi mục… trôi đi… trôi đi… và không bao giờ quay lại.

Tôi cũng đã từng trôi đi như dòng sông này, qua bao thác ghềnh, rừng rậm, nhàn du  giữa những bình nguyên bao la, những những đô thị lộng lẫy, những đền đài uy nghi… từ Paris tới Moscow, Saint Petersburg, từ New York, South Dakota tới Kuala Lumpur, từ Berlin, Bruxelles tới Seoul, Seam Reap, từ Vạn lý Trường thành tới Ta Prohm…

Và giờ đây tôi đã về. Đã dừng lại. Tưởng được yên nghỉ, nhưng tôi lại gặp những đứa trẻ mồ côi bị xã hội loài người vứt bỏ. Những con mèo hoang mấy tháng tuổi, ngơ ngác, bơ vơ bên góc chợ, vỉa hè, bờ sông, bãi rác…

Những con vật lạc loài ấy đã dẫn tôi đến cái thế giới nghèo nàn, tối tăm, hèn mọn của chúng. Lúc đó tôi mới biết rằng: dù có đi khắp năm châu bốn bể, nhưng nếu không biết gì về những thế giới nhỏ nhoi, thầm lặng và cùng khổ quanh mình, thì cũng coi như chưa từng đi đâu cả.

Tiếp tục đọc