ĐỐT ĐỜI 18 – Truyện dài Đào Hiếu

HANH PHUC TRONG CHIEC LASổ thăm nuôi có tên năm người: ba, mẹ, em gái, anh họ và cậu.

Gác cổng là một người công an trẻ mới ra trường, anh ta nhìn tấm thẻ chứng minh nhân dân rồi ngước nhìn ông.

-Chú là gì của phạm nhân?

-Là cậu.

-Cậu là em của mẹ hay anh của mẹ?

-Anh của mẹ.

-Vậy sao “cậu” và “mẹ” lại khác họ nhau?

-Vì là anh bà con. Không phải anh ruột.

Kết luận: Cậu đi thăm cháu. Nội quy của trại giam cho phép.

Hồi ở ngoài đời, có lần ông dẫn Thuỳ Vân đi ăn chiều, vô một nhà hàng, thấy thực khách toàn là người trẻ, nhiều anh chàng rất bảnh trai. Vân nói nhỏ với ông:

“Em gọi anh bằng “cậu” nha?”

“Có thể gọi bằng “ông ngoại” cũng được.”

“Ông ngoại giận con hả?”

Ông không trả lời câu hỏi ấy, ông kể một câu chuyện:

“Anh có một người bạn, năm mươi lăm tuổi, giám đốc một công ty dược phẩm. Ngày nọ anh ta đến thăm một người bạn dược sĩ và gặp một cô gái 22 tuổi. Đó là con của người bạn ấy. Hai người quen nhau. Cô sinh viên trường nhạc đã yêu bạn của ba mình, không ai ngăn cản được. Bữa kia bạn anh dẫn cô gái vô một restaurant. Họ ngồi đối diện nhau. Chung quanh họ cũng có nhiều thực khách, cũng có những người trẻ như ở đây. Bọn họ cứ nhìn chòng chọc cô gái, nhưng cô ta cười, đứng dậy đi vòng qua sau lưng người yêu, ôm cổ ông và hôn. Sau đó, không có cặp mắt tò mò nào nhìn họ nữa.”

Vân hỏi:

“Đó là chuyện thật sao?”

“Anh đã từng đi dự liên hoan với cặp đó. Cô gái đã lên hát giữa mọi người trong bữa tiệc. Cô ta là sinh viên khoa thanh nhạc. Hát hay lắm. Em có muốn gặp hai người đó không?”

“Cô ấy thật có cá tính. OK. Hôm nào mình mời họ đi ăn tối.”

Nhưng buổi ăn tối ấy chưa xảy ra thì Vân đã vô tù. Có lẽ cô không còn dịp nào để chứng tỏ mình cũng chịu chơi như cô sinh viên trường nhạc nọ.

*

Chín giờ, các phạm nhân được dẫn ra. Họ đi ngược nắng. Mặt trời ở sau lưng, lấp loá, nhìn không rõ mặt.

Cô ngồi đối diện ba mẹ, ông thì ngồi ngoài cùng. Ông không nói gì nhưng ông nắm tay cô. Hai bàn tay sạm đen đầy những vết cắt: có vết đã thành sẹo, có vết vừa khô đi, có chỗ hãy còn sưng đỏ. Vân nói:

-Em cạo mủ chưa quen nên bị dao cắt.

Ông rờ rẫm những vết thương, rồi ông áp môi vào lòng bàn tay cô, ngạc nhiên khi nghe thấy mùi tanh cá. Cô nói:

-Đó là mùi mủ cao su. Hôm nay đông người quá, tụi em không kịp tắm rửa.

Người cha cũng cầm bàn tay Vân lên, vuốt ve những thương tích. Rồi ông khóc. Vân cũng khóc. Cô hốc hác, da sạm đen, tóc khô, quần áo dính đầy mủ cao su. Ông nhìn xuống chân, thấy cô mang giày vải, vớ cũng bằng vải, kéo cao lên gần đầu gối. Giày và vớ đều dính đầy bùn đất giống như cô vừa cắt lúa ở dưới ruộng lên, giống như cô vừa đi bắt cua trong rừng ngập mặn trở về. Ông hỏi:

-Rừng cao su cũng sình lầy như vậy sao?

-Vì mưa nhiều. Lần sau anh gởi cho em một tấm bạt.

Ông lau nước mắt cho cô bằng mấy ngón tay của mình, nước mắt cứ nhoè ra, lau hoài không sạch. Mẹ cô nói:

-Đừng khóc nữa. Con hãy cố gắng vượt qua giai đoạn này. Rồi sẽ quen. Con phải mạnh mẽ lên mới được.

Bà nói vậy nhưng mắt bà cũng đỏ hoe. Xung quanh người ta cũng khóc. Căn phòng chật ních người, đủ mọi thành phần: ma tuý, đua xe, cờ bạc, trộm cắp…nhưng tất cả điều có chung một niềm đau.

Bốn mươi lăm phút. Hết giờ. Mọi người đứng dậy. Thuỳ Vân hôn lên má mẹ cô, ôm lấy ba cô và nói: “Con xin lỗi ba.” Rồi cô quay sang ông.

Ông bước tới một bước. Ôm cô thật chặt. Trọn vẹn. Vừa khít một vòng tay. Thân thể cô ấm áp. Hai bàn tay ông ghì lấy lưng cô. Ngực cô áp sát vào ngực ông, truyền vào trái tim ông một cảm giác êm ái, mềm mại.

 Ông hôn lên bờ vai áo tù, ông hôn lên cổ cô, hít lấy mùi mồ hôi trộn lẫn mùi mủ cao su tanh nồng. Đó là một thứ mùi khác thường, mùi của số phận nghiệt ngã, mùi của bể khổ, mùi của trầm luân, của nghiệp chướng.

Rồi bỗng nhiên, từ một tiền kiếp xa xăm nào đó, từ một cổ tích nào đó, ông thấy có đôi môi nóng hổi áp lên môi ông. Gắn chặt vào nhau. Cuống quýt ngậm lấy nhau. You make me immortal with a kiss. Cái hôn của em đã khiến anh thành bất tử.

Đó không phải là một cái hôn bình thường. Hai cái miệng đã xa cách nhiều ngàn năm, giờ bỗng bắt gặp tình cờ giữa hoang mạc, giữa rừng rú, giữa vực thẳm… nên phải nuốt trọn, không một giây chậm trễ, không một chút xao lãng, không bỏ phí một tích tắc. Cái hôn dài bằng cả một đời người. Cái hôn đủ say đắm để xoá nhoà cả thế giới này, làm biến mất mọi thứ chung quanh: những người đi thăm nuôi, những cán bộ quản giáo…và cả ba mẹ cô.

Tất cả đều quay lại nhìn. Tất cả đều chứng kiến cái hôn bất tận ấy. Nhưng chỉ có ông và cô là không nhìn thấy ai cả. Họ cũng không nhìn thấy chính mình.

Họ bất chấp cái xã hội kỷ cương, lễ giáo. Sáu mươi tuổi và hai mươi lăm tuổi. Cậu và cháu. Vô tư.

Nhưng đám đông thì sửng sốt.

Cán bộ quản giáo: Bó tay

Người mẹ: A Di Đà Phật!

ĐÀO HIẾU (còn tiếp)

Bình luận về bài viết này