ĐỐT ĐỜI 15 – Truyện dài Đào Hiếu

ai-dung-sau-con-dia-chan-ho-so-panamaVô tù, Thuỳ Vân để lại ngoài đời hai đứa con. Đứa thứ nhất là chiếc xe mang nhãn hiệu Attila Elizabeth đang nằm chờ hoá kiếp trong đồn công an. Đứa thứ hai là con chó Nhật lông xù nửa đen nửa trắng đang nằm ngay trước mặt ông.

Ông không hề biết lai lịch con chó. Cô đã mua nó ở đâu, hay ai đã tặng cho cô, nhưng ông biết cô rất thương nó, thậm chí khi cô buồn, cô trốn tất cả mọi người, rúc vào một căn phòng khách sạn để chơi ma tuý thì cô cũng đem nó theo.

Giờ đây xa cô, ông thấy nó buồn. Dường như nó còn buồn hơn ông nữa. Nó nằm trên giường, cạnh ông, duỗi bốn chân, gác mõm lên hai chân trước.

Mấy ngày nay nó không ăn, chỉ liếm láp chút sữa. Người và vật nhìn nhau. Người và vật đều đang nhớ.

Ông vuốt ve nó. Ban đầu nó còn liếm tay ông nhưng về sau trông nó rất mệt mỏi, nó không nhúc nhích.

Ông đến cửa hàng bán thực phẩm dành cho chó, mua một hộp thịt, nó chỉ ăn được một miếng nhỏ. Những ngày sau đó nó không ăn nữa.

Một buổi sáng khi ông đang uống cà phê sữa, nó lết tới nghểnh mỏ nhìn. Ông cho nó một muỗng, nó liếm hết, nhưng đến muỗng thứ ba thì chán. Nó lại nằm duỗi dài dưới nền nhà. Người nó mỏng như tờ giấy, dán sát xuống đất. Ông đến ngồi bên, vuốt ve nó.

-Mày sao vậy?

Nó ngáp. Rồi lại ngáp. Ông bế nó đi bác sĩ thú y. Bác sĩ hỏi:

-Con chó này ông mua ở đâu?

-Tôi xin của một người bạn.

-Người bạn ấy làm nghề gì?

Bác sĩ hỏi và nhìn ông, ánh mắt có vẻ tinh quái. Ông ngập ngừng, không biết có nên nói rằng chủ của nó đang ở trong tù không, thì bác sĩ lại hỏi:

-Xin lỗi ông nhé, có phải chủ cũ của nó nghiện ma tuý không?

Câu hỏi ấy như một nguồn sáng rọi vào cái đầu u mê của ông. Bác sĩ nói rằng hiện nay chưa có một trung tâm cai nghiện dành cho chó. Và giải pháp trị liệu bằng ma tuý thì không khả thi.

Ông bế con chó trên tay, ra về.

*

Ông biết rằng nó sẽ chết.

Và trong ký ức ông sẽ có thêm một kỷ niệm buồn về những con vật nuôi bé nhỏ.

Cái chết đầu tiên của con khỉ trong tuổi thơ ông là một vết thương không bao giờ lành.

Khi nó trúng tên, lăn từ mái nhà xuống đất ông đã đến ôm nó và khóc. Nó nhìn ông, biết rằng cuộc chia tay sẽ vĩnh viễn nhưng không níu kéo được. Máu loang trên ngực, máu nhoè trong tâm thức ông, máu nhuộm đỏ những giấc mơ giữa khuya…

Tiếp theo là con Mina. Người bạn nhỏ ông từng ôm ấp, hôn hít, đùa giỡn. Nó cũng đã chết khi theo ông băng qua đường. Một chiếc xe du lịch đã tông vào nó. Nó cố gắng chạy về đến trước cửa nhà thì chết.

Ông gọi đứa con trai của mình đến. Hai cha con bỏ xác con Mina trong bao bố và chở nhau đi tìm chỗ chôn cất.

Trời đã góp thêm vào cảnh tượng bi thương ấy một cơn mưa. Hai cha con ướt nhẹp. Con chó trong bao bố cũng ướt nhẹp.

Nơi đến là nhà một người bạn, phía sau có vườn chuối, phía trước là cái sân rộng với một lò nấu nhôm đã bỏ hoang lâu ngày. Người bạn hỏi:

“Cái gì trong bao bố vậy?”

Ông kể lại cái chết của con chó. Người bạn nói:

“Không sao, anh cứ chôn nó trong vườn chuối cũng được.”

Và ông sai thằng con trai xách cái cuốc ra đào đất. Nhưng bà xã ông từ trong nhà đi ra. Bà lại gần cái bao bố ngắm nghía một lúc, dáng vẻ trầm ngâm. Ông biết bà đang hoài nghi.

Ông nói:

“Chào chị, tội nghiệp hết sức. Con chó rất khôn, và nó đẹp lắm, lông vàng mượt…” vừa nói ông vừa mở sợi dây cột bao bố, lôi con chó ra, được nửa chừng thì người đàn bà ngăn lại.

“Nó đã chết rồi, anh kéo ra làm gì, tội nghiệp.”

Trời vẫn còn mưa nên ngôi mộ của nó đầy nước. Tội nghiệp con vật bé bỏng, cách đây vài tiếng đồng hồ con còn nằm khoanh tròn dưới chân bố. Sao con ra đi vội vàng như thế? Sao bố lại phải để con nằm trong một huyệt mộ đầy nước như thế?

*

Con chó thứ hai mất tích, và ông đã đưa nó trở về từ cõi chết.  Một chuyến trở về đầy kịch tính. Một cuộc giải thoát ngàn cân treo sợi tóc.

Ban đầu một mình ông đi tìm. Khắp các nhà hàng xóm, sục sạo từng ngõ ngách, trại nhốt chó ở đường Lý Chính Thắng gần ga xe lửa, rồi đến từng lò chó nổi tiếng trong vùng:  Cầu Kiệu, chợ Cầu Móng, cầu Tân Thuận… Cuối cùng người ta chỉ ông lên tận ngã tư Bảy Hiền. Đứa con gái của ông lúc ấy mới mười lăm tuổi cũng đòi đi.

Hai cha con chạy vòng vòng trong cái bát trận đồ đầy những tiếng động của máy dệt, cuối cùng cũng tìm ra một lò chó.

Người chủ lò hòi:

“Màu gì?

Đáp:

“Màu vàng xám, giống như chó Berger.”

“Bao nhiêu tuổi?”

“Hai tuổi.”

”Bị bắt lúc nào?”

“Chiều hôm qua khoảng 4 giờ.”

“Bắt tại đâu?”

“Gần bệnh viện Bình Dân quận Mười.”.

Người chủ lò chó sai thằng nhỏ chạy đi. Lát sau nó xách về một cái bao bố, ném xuống đất. Trời ơi! Ông đứng tim. Sao cái bao bố không nhúc nhích chút nào vậy? Đứa con gái quên cả sợ hãi, nó mở sợi dây ra và ông nhìn thấy một cái đuôi. Ông kéo nó ra.

Đứa con gái khóc hu hu.

“Con Hai Cũ của mình đó ba.”

Ông bế nó lên. Lạy trời! Nó còn sống. Hai con mắt nó đầy ghèn và kiến. Nó nhìn hai cha con ông. Người và vật đã nhận ra nhau nhưng con chó quá khiếp hãi, không dám nhúc nhích, không dám kêu lên một tiếng. Mình mẩy, lông lá nó đầy phân, nước tiểu và nước dãi. Nó run rẩy. Nó co rúm. Nó nhìn ông dáo dác.

“Tôi phài trả ông bao nhiêu?”

“Năm trăm ngàn.”

Ông giao tiền, nói cám ơn và trao con chó cho đứa con gái. Con bé ôm ghì nó vào lòng. Cả ba sinh vật tội nghiệp chở nhau trên chiếc Mobylette, chạy một mạch về nhà. Lộ trình gần mười cây số.

Mọi người xúm lại tắm rửa bằng xà bông, bàn chải, lược và sưởi ấm nó bằng máy sấy tóc.

*

Cái chết của con chó thứ ba xảy ra mười năm sau đó. Nó lai berger. Lúc mới đem về nó có màu đen nhưng rồi lông nó đổi màu theo từng thời kỳ phát triển, cuối cùng trông giống hệt một con Berger Đức. Nó là một chàng trai khoẻ mạnh, oai phong nhưng lại có một chiếc răng khễnh. Tính nết nó thì khác hẳn với vóc dáng. Nó dịu dàng, bẽn lẽn như một cô gái. Khi ông đi làm về nó thường đón ông từ xa, im lặng, chậm chạp vẫy đuôi. Ông ngồi xuống đưa hai tay đón nó và nó sà vào lòng ông, dụi mặt vào ngực ông rên rỉ.

Khác với những con chó trước từng chia sẻ cảnh thiếu thốn với ông thời chiến tranh vừa chấm dứt, con Bi Bi được ông cưng, nuôi nấng chu đáo và nó cũng có một không gian rộng để chơi đùa. Nó chơi đá bóng với đứa cháu nội và đi săn chuột với ông ven bờ sông. Nó săn rất tệ, thường để chuột chạy thoát vì làm biếng. Nhưng nó đặc biệt ghét mèo. Chính vì thế dưới triều đại của nó, nhà ông không có con mèo nào.

Ngày nọ ông phát hiện một ổ mèo hoang bên hông nhà. Mèo mẹ đẻ một lứa được ba con, đem giấu trong một cái lỗ hổng dưới móng nhà. Bi Bi phát hiện và sủa inh ỏi. Ông sợ nó giết chết những đứa trẻ bé bỏng ấy nên thường bắt lũ mèo ra vuốt ve, nâng niu trước mắt nó để cho nó hiểu mối giao tình giữa ông và những chú mèo con và cũng để chứng tỏ với nó rằng lũ mèo kia với ông và nó là “người một nhà”.

Nhưng đó là sai lầm của ông. Nó ganh tị. Nó thù ghét.

Một hôm nó nhìn thấy con mèo mẹ đi đâu về liền rượt đuổi. Nó vồ hụt nhưng cũng làm con mèo không vào được hang với lũ con mà phải trốn vào bụi rậm. Nó đứng chờ. Ông chạy đến định kéo con chó vô nhà nhưng ngay lúc ấy con mèo mẹ từ bụi cây chạy ra.

Con chó phóng tới chụp con mèo. Ông cũng phóng tới chụp con chó để cứu con mèo, bất chấp gai góc và đống xà bần lởm chởm, hai cánh tay và trán ông toé máu. Nhưng đã quá muộn. Con chó đã ngoạm được mèo mẹ. Ông cố gỡ con mèo ra khỏi hai hàm răng lởm chởm và đầy máu. Lúc ấy trông nó giống một con quỷ. Ông giận quá đá mạnh vào bụng nó khiến nó bỏ chạy nhưng con mèo thì đã chết, bỏ lại ba đứa con thơ.

Lũ trẻ vẫn ở trong hang chờ mẹ chúng nhưng người mẹ ấy không bao giờ trở về nữa. Vừa tức giận vừa thương xót, ông lấy roi mây đánh đuổi con chó không cho vào nhà nữa. Ông đóng cổng lại, la mắng, nguyền rủa. Ông không thèm nhìn mặt nó nữa. Nó sợ hãi chạy đi, rồi lại mò về. Ngày hôm sau ông biết nó đói nhưng ông không cho ăn. Nó vẫn nằm trước cửa.

Buổi trưa có hai thằng trộm chó chở nhau trên chiếc xe máy đi ngang qua và thảy cho nó một cục thịt. Nó đớp lấy chưa kịp nhai nuốt thì đã ngã lăn ra đất. Có người hàng xóm la lên. Ông chạy ra thì hai thằng trộm đã ôm con chó phóng xe như bay, mất biệt.

Bi Bi ơi! Bố xin lỗi con. Xin con tha thứ cho bố. Ông vừa khóc vừa lấy xe đi tìm. Ông đến những lò chó gần đó, trong các ngóc ngách, trong xóm lao động.

Địa hình ở đây phức tạp, cây cối um tùm lối mòn quanh co, nhà cửa thưa thớt.

Người chủ lò chó hỏi:

“Bị bắt hồi nào?”

“Cách đây chừng một tiếng đồng hồ.”

“Bị bắt như thế nào?”

“Bị đánh bả.”

Người đàn ông đang ngồi cạo lông một con chó, ngước mắt nhìn ông.

“Bó tay rồi.”

“Sao vậy?”

“Vì nếu bị đánh bả thì chúng phải mổ bụng ngay lập tức để lấy bộ lòng ra bỏ đi, không thì chất độc sẽ nhiễm vào thịt không ăn được.”

Ông lủi thủi ra về.

*

Con chó nhỏ của Thuỳ Vân có lẽ là con chó cuối cùng của đời ông. Nó đang hấp hối nhưng ông không biết làm sao cứu nó. Ông đã thử cho nó hít khói thuốc lá (loại thuốc Jet mà Vân thường hút) nhưng không có tác dụng gì. Ông rót nước sting vào trong một cái chén, đưa tận miệng, nó cũng chỉ liếm láp đôi chút. Ông lót một chiếc khăn tắm xuống nền nhà, sát bên giường cho nó nằm. Nó uể oải vẫy đuôi rồi nhắm mắt lại.

Ông cũng nằm nhắm mắt nhưng không ngủ được. Đã có lúc ông nghĩ nên tìm mua ma tuý về cho nó, ông sẽ bắt chước Thuỳ Vân rắc thuốc trên tờ giấy nhôm trong bao thuốc lá rồi đốt lên cho nó hít khói. Nhưng hành động đó sẽ dẫn ông tới đâu? Hệ luỵ của nó sẽ như thế nào?

Những đêm mất ngủ ông thường lấy chiếc áo sát nách bằng voan màu tím than của Vân ra nhìn ngắm, quan sát từng đường kim mũi chỉ, từng hoạ tiết nhỏ xíu vẽ trên nền vải. Đôi khi một chút hơi hướng còn sót lại trong chiếc áo cũng giúp ông đi vào giấc ngủ một cách tình cờ.

Sáng hôm sau ông có việc phải ra phố nhưng lại ngủ quên đến hơn tám giờ. Con chó nghe động cũng mở mắt nhìn ông trong vài giây rồi nhắm lại. Ông lấy sữa, nước sting để sẵn cho nó rồi ra khỏi phòng.

Mười một giờ trưa ông trở về, vừa mở cửa phòng đã thấy con chó nằm cong queo, cứng ngắt trên nền nhà, chiếc áo của Thuỳ Vân vắt ngang qua người nó. Nó đã chết mà miệng còn cắn một chéo áo.

Ông lật nó lại, quấn chiếc áo quanh người nó, chỉ chừa cái đầu và chiếc đuôi xù đã rụng lông xơ xác.

Ông ngồi thu mình trong chiếc ghế bành, lặng im nhìn con chó. Có lẽ lúc ông vắng nhà nó đã đánh hơi được mùi của cô chủ cũ từ chiếc áo. Nó đã cố hết sức tàn, chồm lên giường để kéo chiếc áo và đã ngã ngửa ra.

Thuỳ Vân ơi! Em ra đi, đâu phải chỉ ba mẹ em, đâu phải chỉ có anh, mà còn một sinh vật bé nhỏ tội nghiệp này vẫn thương nhớ em không lúc nào nguôi.

ĐÀO HIẾU (còn tiếp)

Bình luận về bài viết này