ĐỐT ĐỜI 16 – Truyện dài Đào Hiếu

ĐỐT ĐỜI  Taras LobodaQuy định gởi quà khá nghiêm ngặt: quà phải được bóc ra khỏi bao bì. Trái cây phải được cắt thành từng miếng. Những thức ăn mặn như thịt, cá phải được nấu chín và bỏ trong hộp nhựa, không chấp nhận hộp bằng thuỷ tinh hay bằng kim loại.

Không được viết chữ, ký tên hay viết bất cứ dấu hiệu gì trên quần áo và những vật dụng khác…

Với những quy định như vậy, làm sao ông có thể cho Thuỳ Vân biết sự có mặt của ông phiá ngoài hàng rào kẽm gai?

*

Một con cua chợt hiện ra cùng với khúc nhạc chờ trong điện thoại: Em là một con cua yêu. Em là một con cua lì.

Con cua ấy dẫn ông đến một tiệm bánh và ông đã nhìn thấy trong tủ kiếng có rất nhiều bánh mì hình con cua.

Những cái bánh mì ấy đã từ tủ kiếng bay thẳng vào trại giam. Thuỳ Vân cầm nó lên, không hiểu tại sao gia đình lại gởi cho mình nhiều cua như vậy. Nó có vị ngọt và chẳng gợi nhớ điều gì.

Về sau này, khi hai người gặp nhau ở khám Chí Hoà, cô nói: “Em không thể nào ngờ rằng anh biết em bị bắt vì lúc ấy mọi liên lạc đã bị cắt đứt.”

Cô mặc đồ tù kẻ sọc, tóc nhuộm đã được thay bằng tóc đen, da rất trắng, người đầy đặn. Trong bộ đồ tù, cô rất đẹp. Cô đứng cách ông chừng hai mét, sau một tấm lưới sắt, nhưng hai người vẫn nhìn rõ mặt nhau, chỉ có tiếng nói là khó nghe vì quá đông người.

Ông né qua bên, nhìn ngắm cô mà không nói gì. Ông nhường cho ba mẹ cô nói. Thuỳ Vân thỉnh thoàng day mặt sang ông với một cái nhìn dài và đôi mắt ướt. Ông mừng vì thấy cô khoẻ mạnh và đẹp hơn lúc ở ngoài. Trong bộ đồ tù, nét đẹp ấy càng rất độc đáo.

Ông nói:

-Nếu được phép chụp ảnh, anh sẽ đưa tấm hình em mặc đồ tù lên mạng và chỉ cần 24 giờ sau cả cái đất Sài Gòn này các thiếu nữ sẽ đua nhau mặc đồ tù. Và bộ đồ kẻ sọc của tù nhân lập tức trở thành thời trang “HOT” nhất.

Ông nói câu khôi hài ấy chỉ muốn xoá tan cái không khí ảm đạm, nhưng mẹ cô có vẻ buồn. Bà nói:

-Sau này nó sẽ mặc áo tràng màu xám.

Bà từng nói với ông qua điện thoại rằng khi cô ra tù bà sẽ gởi cô vô chùa.

Những lần thăm nuôi sau, ông hỏi cô:

-Khi ra tù em sẽ làm gì?

-Em sẽ sống chung với anh.

-Anh già rồi, lại có gia đình, sao em sống chung với anh được?

-Em bất chấp.

-Nhưng gia đình em sẽ không chấp nhận. Và anh cũng không chấp nhận. Em đã hoang phí tuổi trẻ và nhan sắc của mình cho những thằng nghiện ma tuý thì khi ra tù em phải làm lại cuộc đời. Chẳng lẽ đi lấy một ông già hơn em bốn chục tuổi. Chính anh cũng thấy khó chấp nhận.

Thuỳ Vân im lặng. Mẹ cô hỏi:

-Con có còn đọc “chú Đại Bi” không?

-Con vẫn đọc hàng đêm. Con tìm một góc riêng và tụng kinh.

-Thuộc hết chưa?

-Con đã thuộc hết rồi.

Thuỳ Vân bảo ông:

-Anh cho em biết ngày sinh đi. Phải có đủ tên họ và ngày sinh em mới cầu nguyện cho anh được.

Ông nói:

-Em cứ xướng tên anh là được rồi. Anh là một nhà văn nổi tiếng mà. Thế nào Đức Phật cũng có đọc tác phẩm của anh. Có khi ngài là “fan” của anh cũng không chừng.

*

Ông gọi điện thoại cho một nhân viên trại giam:

-Hôm qua đi thăm nuôi, Thuỳ Vân nói cô có gởi tặng cho tôi một chiếc nhẫn.

-Có. Chiều nay năm giờ chú đến quán cà phê AB để nhận.

Bốn giờ ông ra khỏi nhà. Lúc đi thì trời tạnh ráo, nhưng đi chừng mười lăm phút thì mưa ập xuống. Ông phải tạt vào một quán bên đường. Tưởng đâu đó chỉ là một cơn mưa mây, nhưng càng lúc nó càng dữ dội.

Ông ra đi trong niềm hạnh phúc vì đó là lần đầu tiên Thuỳ Vân gởi quà cho ông từ trong tù. Vậy sao ông trời lại tìm cách ngăn cản ông?

Mưa xối xả. Lại còn trấn áp, hù doạ bằng những sấm chớp giận dữ. Chỗ ngồi của ông bắt đầu ngập nước. Ngoài đường xe chết máy hàng loạt. Dắt bộ. Đề máy rột rạc. Quần áo ướt nhẹp. Đường phố tả tơi. Cái quán nhỏ cũng không che nổi ông. Chỉ còn 15 phút nữa là tới giờ hẹn mà gió lại nổi lên, ném lá khô vào mặt ông, xỉ vả ông bằng những mảng nước mưa thô bạo, phũ phàng.

Ông quyết định rời khỏi quán. Ông chạy xe dưới cơn mưa thô bạo. Mặc kệ, miễn là đừng đánh chết tôi bằng sấm sét.

Ông trời ơi! Tôi yêu một con bé nghiện ma tuý có gì là sai? Có gì là trái với đạo lý? Hy vọng tôi sẽ không bị mang tiếng là một thằng cha già vì si tình mà bị trời đánh.

Ông đến quán cà phê AB sớm hơn giờ hẹn năm phút nhưng nhìn quanh quất không thấy cô nhân viên của trại giam.

-A lô! Tôi đang ngồi quán cà phê đợi cô.

-Trời ơi, mưa lớn như thế này làm sao mà tôi ra được. Hẹn chú trưa mai, mười một giờ.

Ông đang ướt sũng và lạnh. Nhưng mặc xác. Ông quay về.

Đêm đó ông sốt cao. Uống một lúc hai viên Tylenol. Mười lăm phút sau mửa thốc tháo. Coi lại cái hộp dựng thuốc thấy đã “hết hạn sử dụng” hơn một năm rồi.

Ông ăn một lát gừng sống cho ấm bụng và ngủ được một lát. Tuy vậy sáng hôm sau ông cũng không muốn ăn sáng. Ông nhịn đói đến mười giờ và lấy xe đến chỗ hẹn.

Mười một giờ. Cô nhận viên trại giam cũng chưa tới. Ông gọi một ly trà Lipton nóng nhưng chỉ uống được mấy ngụm đã thấy khó chịu. Ngay lúc ấy cô nhân viên đến. Ông vừa đứng lên đón cô thì phải gập người để ói.

-Chú sao vậy?

-Có lẽ túi trà Lipton bị mốc.

Lại ói. Bụng thì trống rỗng nhưng đau thắt từng cơn. Cô nhân viên đỡ ông ngồi xuống ghế. Ông cố trấn tĩnh. Cô trao món quà cho ông.

Chiếc nhẫn Thuỳ Vân tặng ông được đan bằng sợi chỉ nylon rất tỉ mỉ. Cô nhân viên nói: “Nó thức đêm làm cho chú đó. Nó làm suốt một tuần mới xong.”

Một chiếc nhẫn màu trắng, có dòng chữ: “CUA YÊU BÙ KHÚ”. Cua là nickname của cô, còn Bù Khú Tiên Sinh là nickname của ông.

Ông đeo nó vào ngón áp út.

Về đến nhà ông lại lên cơn sốt. Thuốc hạ sốt không có tác dụng. Ông bỏ ăn ba ngày liền. Người mệt lả. Đến ngày thứ tư ông phải đi bệnh viện. Bác sĩ hỏi:

-Ông có uống rượu không?

-Không.

-Ông có ăn món gì lạ không?

-Không. Mấy ngày nay tôi bỏ ăn. À nhưng mà… trước đó tôi có uống mấy viên Tylenol đã hết hạn sử dụng hơn một năm và sau đó là một cốc trà Lipton dường như đã bị lên mốc.

Bác sĩ cho ông đo men gan, thấy tăng lên gấp mười lần bình thường. Thế là nhập viện. Khi đưa ông lên lầu, người ta chích cho ông một mũi thuốc. Không biết đó là thuốc gì nhưng thuốc vừa bơm vô chưa được một nửa thì ông đã gập người lại, ói thốc tháo. Ông nghĩ: phen này thế nào mày cũng chết, hôm trước không bị trời đánh thì hôm nay cũng bị phản ứng thuốc mà chết.

Mũi kim được rút ra. Ông nằm vật xuống giường. Trong cơn mê man, một ý nghĩ mơ hồ hiện ra. Nếu mình chết thì cái chết này gọi là gì đây? Chết vì tổ quốc? Tào lao! Chết vì công vụ? Xạo! Chết vì lao động nghệ thuật? Nhảm nhí! Có lẽ báo chí cả nước sẽ chạy một hàng tít lớn nơi trang nhất: Nhà thơ thiên tài của Việt Nam vừa từ trần vì…dại gái! Dẫu sao nghe cũng có chút dễ thương.

*

Nhưng ông không chết. Ngày hôm sau ông tỉnh dậy và cảm thấy dễ chịu dù vẫn còn sốt hâm hấp. Bác sĩ không dám cho ông hạ sốt bằng paracetamol vì sợ tổn thương gan vì thế ông phải tự đương đầu với cơn sốt.

Sang ngày thứ hai cơn sốt hạ xuống và ông đã được truyền bốn chai serum glucose.

Buổi tối mẹ của Thuỳ Vân gọi điện thoại cho ông:

-Ngày mai nó ra toà. Anh có đi dự được không?

-Tôi đang nằm bệnh viện. Nhưng mà toà xử lúc mấy giờ?

-Thường thì 8 giờ sáng.

Nhưng 8 giờ sáng là giờ bác sĩ khám bệnh, không ai được vào phòng bệnh ngoài bác sĩ và các y tá giúp việc. Tám giờ sáng cũng là giờ chuyền serum, mỗi chai kéo dài trong 4 tiếng đồng hồ.

Ông không còn hy vọng tham dự phiên toà. Chắc Thuỳ Vân sẽ rất buồn vì ông vắng mặt. Ông nằm trên giường bệnh nhìn những giọt “nước biển” màu vàng nhạt chậm chạp rớt xuống, rớt xuống như một cái đồng hồ thời gian chạy bằng nước. Ông tưởng tượng những người công an mặc sắc phục đang dẫn Vân vô phòng xử. Cô bị còng tay, ốm yếu, tiều tuỵ và mặt đầy nước mắt.

Hôm đó là ngày 17 tháng 7 năm 2013, một ngày đầy nắng.

Chín giờ. Ông nhận được điện thoại của bé Kiều.

-Anh ơi, giờ này mà quan toà vẫn chưa đến nên chưa xử.

Lạy Chúa! Có lẽ ngài đã sắp đặt mọi sự để cho con có thể tham dự phiên toà. Ông nhìn chai “nước biển”. Nó đã vơi được một phần ba. Ông quyết định rất nhanh, rất dứt khoát: Rút cây kim ra khỏi ống dẫn dịch truyền, nhưng nó vẫn còn dính trên cổ tay ông vì nó được dán băng keo rất chắc. Ông khoá van chai nước biển, thay quần áo, mang giày và lẻn ra khỏi phòng bệnh.

Ông gọi xe ôm đi thẳng tới toà án. Lúc ấy các quan toà cũng vừa ngồi vào vị trí. Ông đến ngồi cạnh bé Kiều và Thành.

Vành móng ngựa bỏ trống vì bị cáo có đến bốn người nên được cho ngồi trên một chiếc ghế dài kế bên.

Cả bốn bị cáo đều quay lưng lại phía ông nhưng ông nhận ra Thuỳ Vân vì đã quen thuộc với dáng dấp của cô.

Trong khi các quan toà sắp xếp hồ sơ để bắt đầu phiên xử thì Vân quay mặt lại và nhận ra ông. Ông đưa cái cổ tay đang quấn băng trắng với một cây kim tiêm lủng lẳng, lên cao với hy vọng Vân có thể hiểu được lý do ông đến trễ. Và ông thấy Vân chảy nước mắt. Không biết cô có hiểu là ông vừa trốn bệnh viện lại đây hay cô lại tưởng ông bị tai nạn giao thông.

Và cô cứ nhìn ông đăm đăm, không quay đầu lại cho đến khi một người công an đến bên và nhắc nhở.

Chủ toạ phiên toà hỏi Minh trước vì hắn là tên cầm đầu. Hắn được quan toà khen là “thành khẩn khai báo”. Đến lượt Vân, cô lí nhí, ấp úng…

Quan toà hỏi:

-Bị cáo thuê căn phòng trọ ấy được bao lâu?

-Dạ, sáu tháng.

-Có phải bị cáo đã sống chung với Minh như vợ chồng tại đó không?

Vân im lặng. Rồi bật khóc. Ông nhìn thấy hai vai cô rung động. Búi tóc đuôi gà của cô cũng rung động. Quan toà nói:

-Cho phép bị cáo ngồi xuống để trả lời.

Cô ngồi xuống, lau nước mắt bằng ống tay áo. Quan toà lặp lại câu hỏi lúc nãy và cô đáp: “Dạ”. Tiếng đáp ấy nhỏ đến nỗi ông phải chồm người tới trước mới nghe được mặc dù trong phòng xử mọi người đều im phăng phắc.

Từ lúc ấy ông không còn nhớ phiên toà đã tiếp diễn như thế nào. Nó tiếp diễn như thế nào mặc kệ nó. Ông chỉ biết trước mặt ông là một cô gái mà ông rất thương yêu, rất tôn trọng nhưng lại đang ngồi giữa hai thằng nghiện ma tuý đầu cạo trọc lóc, mặt mày ngơ ngáo. Và cả hai đứa đều thuộc “băng” của cô, đều ở chung với cô một nhà.

Tại sao lại như vậy? Ông hỏi mà không muốn nghe câu trả lời, bởi vì câu trả lời ấy sẽ rất tàn nhẫn.

Có lẽ đó mới chính là sự độc ác nhất của ma tuý chứ không phải là sự huỷ hoại thể xác hay tinh thần.

Ông thấy choáng váng và cơn sốt đang mon men đến. Ông ra khỏi phòng xử, đón xe trở về bệnh viện.

*

Ông lẻn vô phòng bệnh lúc gần mười một giờ, vừa định nối sợi dây truyền serum vào cây kim tiêm thì bác sĩ xuất hiện.

-Không được. Đã rút kim ra rồi thì phải bỏ.

Và bác sĩ bước lại, lấy bình serum ra khỏi cái móc, ném vào thùng rác.

-Ông đi đâu vậy?

-Tôi xin lỗi. Có chút việc nhà rất cần sự có mặt của tôi.

-Nhưng tôi là người chịu trách nhiệm về sức khoẻ của ông. Ông đi ra ngoài, rủi như bị ngất thì sao?

-Tôi xin lỗi đã không xin phép. Vì tôi nghĩ bác sĩ sẽ không đồng ý. Vì lúc ấy tôi đang truyền dịch.

Bác sĩ bỏ ra khỏi phòng. Một cô y tá bước vô với một bình serum khác. Ông ngoan ngoãn nằm xuống giường.

*

Lúc ấy toà cũng vừa tuyên án:

“Trần Thuỳ Vân 8 năm tù vì tội buôn bán ma tuý, áp dụng theo khoản 2 Điều 194 Bộ Luật Hình Sự.”

Cô quay nhìn xuống khán phòng, chỉ thấy bé Kiều và Thành mà không thấy ông. Cô khóc nức nở. Người ta còng tay cô lại và dẫn ra chiếc xe bít bùng đang đợi ngoài sân, cùng với các phạm nhân khác. Một thân nhân nào đó đã chạy đến gần phạm nhân để ôm hôn và đã bị cảnh sát ngăn lại.

Các phạm nhân bị đẩy lên xe.

Cánh cửa sắt đóng lại.

Cô trở về cái phòng giam chật hẹp đông đúc và nồng nặc hơi người. Cô ngồi trong xó. Cô bỏ cơm và khóc cho đến tối. Cô không hiểu tại sao ông lại bỏ đi lúc người ta sắp tuyên án. Có phải vì bản cáo trạng đọc trước toà đã khui ra hết mọi thứ, đã phơi bày mọi chuyện riêng tư ngoài sức tưởng tượng của ông?

Buổi tối, dưới ánh đèn lờ mờ của phòng giam, các phạm nhân ngồi lô nhô như những tượng gỗ mục, đen nhẻm, lơ láo và thầm lặng. Những đôi mắt lấp loá đóm lửa sắp tàn trong một hang đá ẩm mốc thời tiền sử. Ẩn hiện vệt sáng đục cũ kỹ trên những gò má, những vầng trán lấm chấm mồ hôi. Những cánh tay và những bàn chân duỗi ra như đống phế liệu ngổn ngang trên nền xi măng xám ngoét.

Đàn muỗi vây lấy cô. Vân mắc mùng và chui vào, bắt đầu tụng bài Chú Đại Bi:

Nam mô a rị da
Bà lô yết đế thước bát ra da
Bồ Đề tát đỏa bà da

Nhưng đầu óc cô lộn xộn, câu nọ lẫn với câu kia. Tụng riết một hồi thấy như đi lạc vào rừng rậm. Cô nằm xuống chiếu, cong người lại, nước mắt trào ra, nấc nghẹn.

Mẹ ơi! Lúc này con chỉ mong được nằm trong vòng tay của mẹ nhưng đã quá muộn rồi. Giờ đây con nằm trong cái xó này để chờ đi cải tạo. Tám năm trời dài quá! Một chuyến đi âm thầm, lạnh lẽo, đơn độc và buồn thảm. Một cuộc chia ly ngàn trùng xa cách và ngày về thì thăm thẳm.

Cha mẹ ơi! Con xin lỗi. Ngàn lần xin lỗi.

*

Đêm đó, nằm trên giường bệnh ông cũng không ngủ được. Tại sao mình không ở lại để nghe tuyên án? Tại sao nỡ để Vân một mình với bản án quá nặng đè lên cả cuộc đời. Tại sao trong một tình huống đáng thương như thế mà mi lại quá hẹp hòi?

Tại sao mi không hiểu rằng cô chỉ là nạn nhân của ma tuý? Bản chất của cô không phải như vậy. Đó không phải là cô. Đó là con quái vật có tên là Methamphétamine.

Mi không nhớ Vân đã từng gởi 15 cái tin nhắn trong một ngày chỉ vì sợ mi buồn sao? Mi không nhớ Vân đã không nỡ giết con ếch khi nó đưa tay lên đỡ lưỡi dao sao? Vân là cô chủ hiền lành của đàn chó nhỏ, Vân là Con Cua, là Đám Mây Rũ Ngang Trời, là cô Catherine Deneuve thích ăn bánh tráng trộn.

Sao mi nỡ bỏ cô bé ấy ở lại một mình?

*

Sáng sớm ông chạy đến đồn công an. Lạy trời, chỉ chậm một chút xíu nữa là chiếc xe chở tù đi mất. Một số tù nhân đã được dẫn ra xếp hàng trong sân.

Vân xuất hiện nơi cánh cửa hẹp, bước ra đứng gần tấm lưới sắt ngăn cách với ông. Mới có mấy ngày mà cô tiều tuỵ như một con mèo ướt. Cô hốc hác, xuống sắc, suy sụp. Vừa thấy mặt nhau cô đã ràn rụa nước mắt.

-Anh ơi! Anh giận em hả?

-Anh không giận đâu. Anh xin lỗi. Hôm đó anh chóng mặt quá, anh phải trở lại bệnh viện.

-Em cứ tưởng là anh đã bỏ em rồi. Anh đã chán cái con nhỏ hư hỏng này rồi.

-Anh không bỏ em đâu. Không bao giờ bỏ em. Em đi đâu anh sẽ theo đó. Anh yêu em lắm, con cua ạ.

Giọng Vân đầy nước mắt, toàn thân run rẩy.

-Em cũng yêu anh. Yêu vô cùng!

-Đừng khóc nữa, ông gào lên giữa đám đông chen chúc hỗn loạn phía ngoài hàng rào kẽm gai, đừng khóc nữa. Hãy mạnh mẽ lên, những ngày tháng sắp tới sẽ vô vùng khó khăn. Hãy tin tưởng mà sống. Anh sẽ luôn ở bên cạnh em. Anh không bao giờ bỏ em đâu.

Vân lau nước mắt, muốn nói một câu gì đó nhưng những người công an đã đến giục các phạm nhân lên chiếc xe bít bùng đang nổ máy.

Vân vừa đi vừa ngoái đầu lại, mặt đầm đìa nước mắt. Đó là khuôn mặt sẽ lưu giữ ngàn đời trong trí nhớ ông, sẽ hiển hiện trong từng giây phút của đời ông: trong giấc ngủ, trong cơn say, trong khi làm việc và trong cả những chỗ đông người.

Cánh cổng sắt mở ra và chiếc xe bít bùng lăn bánh. Vân mất tăm sau những tấm sắt dày lạnh lùng của chiếc thùng xe kín mít. Ông nhìn theo cái thùng sắt ấy, cái container màu rêu cũ ấy với cõi lòng tả tơi giữa cuộc chia ly tàn nhẫn, giữa xa cách nghìn trùng.

ĐÀO HIẾU (còn tiếp)

Bình luận về bài viết này