BÊN THẮNG CUỘC tập Hai – Chương 15

15Tướng Giáp

Mưu lược và quyết liệt không chỉ trong những cuộc chiến quy ước như Điện Biên Phủ. Năm 1946, khi Hồ Chí Minh đi Pháp nhân Hội nghị Fontainebleau, ở Hà Nội, tướng Giáp đã cùng với Trường Chinh thanh trừng đối lập gần như triệt để. Nhưng trước những đối thủ chính trị nhân danh Đảng, tướng Giáp trở nên cam chịu và thụ động. Có lẽ lòng trung thành với tổ chức và ý thức tuân thủ kỷ luật đã rút đi thanh gươm trận của ông.

 Vụ án “Năm Châu – Sáu Sứ”

Trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Trung ương chỉ định về ứng cử đại biểu đi dự Đại hội tại Đảng bộ Nghệ Tĩnh. Cuối tháng 4-1991, ông vào Vinh dự họp với Đoàn đại biểu Tỉnh. Tới nơi thì đã quá trưa. Đợi vị tướng già cơm nước xong, Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ Tĩnh Nguyễn Bá mới trao tận tay bức điện “khẩn tuyệt mật” của Ban Bí thư do ông Nguyễn Thanh Bình ký. Không được phép họp với Đoàn, tướng Giáp bị yêu cầu phải trở ra Hà Nội ngay trong chiều hôm đó.

Năm ấy tướng Giáp đã 80 tuổi. Đoạn đường Vinh – Hà Nội tuy chỉ hơn 300km nhưng bụi bặm và dằn xóc. Tướng Giáp trở về phòng, viết mấy dòng cáo lỗi gửi Đoàn đại biểu Nghệ Tĩnh rồi lại lên xe về Hà Nội, nơi ông sẽ phải ra trước Hội nghị Trung ương 12, đối diện với những cáo buộc chính trị mà về sau được gọi là vụ “Năm Châu – Sáu Sứ”.

Tại Hội nghị Trung ương 12, Khoá VI, ông Nguyễn Đức Tâm, Trưởng Ban Tổ chức, thay mặt Bộ Chính trị báo cáo với Ban Chấp hành Trung ương một văn bản tuyệt mật nói rằng: Một vụ bè phái vi phạm nguyên tắc Đảng hòng chi phối vấn đề bố trí nhân sự cấp cao đang diễn ra. Những người tham gia bao gồm Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Trà, cùng một số cán bộ cao cấp khác.

VO NGUYEN GIAPThứ trưởng Bộ Nội vụ phụ trách an ninh, Trung tướng Võ Viết Thanh, nhớ lại: “Nghe ông Tâm nói, có cảm giác như đang có một âm mưu đảo chính để đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên làm chủ tịch nước sau đó thay ông Linh làm Tổng bí thư; đưa Trần Văn Trà lên làm bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Thời gian trước Hội nghị Trung ương 12, ông Trà bị triệu tập ra Hà Nội và bị giữ lại ở Nhà khách số 8 Chu Văn An. Văn bản tuyệt mật này được phổ biến tới thường vụ các tỉnh, thành, bằng cách cho đọc nguyên văn nhưng bị cấm sao chép”.

Tướng Đồng Sỹ Nguyên, uỷ viên Bộ Chính trị Khoá VI, nói: “Lật đổ là một câu chuyện bịa đặt. Ông Giáp không chỉ là một đại tướng mà xứng đáng là một đại nguyên soái. Một người không chỉ coi trọng sinh mạng binh sỹ mà còn đặt danh dự của tổ quốc lên trên. Ông là một người thận trọng. Nhân vụ Sáu Sứ, họ còn lật lại hồ sơ vụ ‘chống Đảng năm 1967’, đưa ra tài liệu cũ của Lê Đức Thọ, đây cũng là một vụ án được dựng lên”. Ông Võ Viết Thanh kể thêm: “Tại hai Hội nghị 12 và 13 của Ban Chấp hành Trung ương, nhiều vị tướng trong Quân đội hết sức bức xúc, đứng lên phát biểu bảo vệ tướng Giáp. Cụ Võ Nguyên Giáp cay đắng: Đến một vị tướng đã đánh thắng Điện Biên Phủ mà người ta vẫn vu cho là con nuôi của mật thám Pháp”.

Gần tới ngày Đại hội, một hôm vào khoảng 9 giờ đêm, Bộ trưởng Nội vụ Mai Chí Thọ triệu tập một cuộc họp kín gồm có các thứ trưởng: Cao Đăng Chiếm, Phạm Tâm Long, Bùi Thiện Ngộ, Võ Viết Thanh. Ông Mai Chí Thọ nói: “Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh giao nhiệm vụ cho Bộ Công an làm rõ sai phạm của anh Giáp và anh Trà để xử lý cả về mặt Đảng và Nhà nước. Bộ chỉ đạo anh Võ Viết Thanh đảm nhiệm việc này”. Cả bốn vị thứ trưởng nghe đều phân vân, lo lắng. Ông Võ Viết Thanh nói: “Đề nghị Bộ trưởng trình bày lại với Tổng bí thư đây là những người có công với nước, nếu có sai thì Uỷ ban Kiểm tra Trung ương xác minh làm rõ còn khi đã chuyển công an thì phải có dấu hiệu phạm tội”. Mai Chí Thọ dứt khoát: “Chúng ta phải thực hiện chỉ đạo của Tổng bí thư”. Tiếp tục đọc