ĐỨC

HERTA MULLER 02

Nữ văn sĩ Herta Müller của Đức nhận giải Nobel Văn Chương 2009

-Nhà văn Đức gốc Rumani, Herta Mueller, 56 tuổi đã được trao giải Nobel Văn Chương 2009 cho tập truyện ngắn “Niederungen” xuất bản vào năm 1982.

Viện Hàn Lâm Thụy Điển mô tả bà Muller là một cây bút có giọng văn rất thơ và bộc trực. Tập truyện ngắn mang tên “Niederungen” bị chính phủ Rumani kiểm duyệt gắt gao. Tuy nhiên, một phiên bản không bị kiểm duyệt đã xuất hiện tại Đức vào năm 1984.

Bà Mueller sinh trưởng tại Rumani. Bà học ngành văn chương Rumani và Đức tại ĐH Timisoara, Rumani. Năm 1976, bà trở thành phiên dịch cho một công ty về kỹ nghệ. Vào khoảng 1979, bà Mueller bất ngờ bỏ công việc hiện tại và kiếm sống nghề trông giữ trẻ. Lúc đó, bà Mueller có mở những lớp dạy tiếng Đức.

Bà di cư sang Đức năm 1987 cùng chồng.

Bà Herta Muller là nữ nhà văn thứ 12 nhận giải Nobel Văn Chương. Hai phụ nữ gần nhất nhận giải này là bà Elfriede Jelinek, người Áo, năm 2004 và bà Doris Lessing, người Anh, năm 2007.

 

BÀI ĐIẾU VĂN

Lời người dịch:

“Bài điếu văn” (bản tiếng Anh là “The Funeral Sermon”; nguyên tác tiếng Đức là “Die Grabrede”) là một truyện ngắn được viết bằng một bút pháp linh động: tuỳ theo các chi tiết diễn biến của câu chuyện, tác giả hoán đổi cái nhìn của người kể giữa hai trạng thái hiện thực và siêu thực, khiến cảm giác của người đọc đong đưa giữa những hình ảnh như thực và như chiêm bao.

Tạp chí Publishers Weekly nhận định:“Trong truyện ‘Bài điếu văn’, Müller tái hiện những ý nghĩ hỗn độn manh mún của một cô bé trong đám tang của cha. Cô nghe người ta kể về những tội ác chiến tranh tàn nhẫn và hành động dục tính dã man của cha mình, nhưng độc giả không rõ phải chăng cô bé là một người kể chuyện đáng tin cậy, hay thậm chí lúc ấy cô đang thức hay ngủ.”

Thế nhưng, sự mơ hồ này lại khiến câu chuyện chạm đến chiều sâu của lương tâm qua những chi tiết gây ám ảnh nơi người đọc: chẳng hạn, người phụ nữ Nga bị cha cô bé hiếp dâm và bạo hành tình dục trong thời chiến tranh giờ đây dường như đột nhiên biến thành chính người mẹ của cô bé; bài điếu văn dành cho cái chết của cha cô bé đột nhiên biến thành bản cáo trạng dành cho cô bé; và đám tang của cha cô bé đột nhiên biến thành một pháp trường nơi cô bé bị lên án và xử tử hình bởi chính những người đến dự đám tang…

&

 Tại nhà ga, những người họ hàng thân quyến chạy dọc theo con tàu đang nhả khói. Họ vừa chạy vừa giơ tay lên vẫy.

Một anh thanh niên đứng sau một khung cửa sổ của con tàu. Tấm kính cửa sổ cao ngang nách anh. Anh giữ chặt một bó hoa trắng tả tơi vào ngực. Khuôn mặt anh cứng đờ.

Một thiếu phụ đang bế một đứa bé ngoan ngoãn, bước ra khỏi nhà ga. Đó là một thiếu phụ bị gù lưng.

Đoàn tàu đang chở lính ra chiến trường.

Tôi tắt máy truyền hình.

Cha đang nằm trong một chiếc quan tài ở giữa phòng. Các bức tường bị phủ kín bởi quá nhiều bức ảnh đến mức bạn không thể trông thấy vách.

Trong một bức ảnh, Cha đứng cao bằng nửa chiếc ghế ông đang vịn vào. Ông mặc áo vạt dài và đôi chân vòng kiềng của ông thì đầy những cuộn mỡ. Đầu ông hình trái lê và không có tóc.

Trong một bức ảnh khác, Cha là chú rể. Bạn chỉ thấy được nửa ngực của ông. Nửa còn lại là một bó hoa trắng tả tơi trong tay Mẹ. Đầu hai người kề sát nhau đến mức trái tai của họ chạm vào nhau.

Trong một bức ảnh khác, Cha đứng thẳng tắp trước một hàng rào. Tuyết nằm dưới đôi giày ống của ông. Tuyết quá trắng đến nỗi Cha trông như đang đứng giữa khoảng không. Ông đưa một bàn tay lên cao hơn đầu trong tư thế chào. Trên cổ áo ông có những ký tự bí ẩn.[*]

Trong bức ảnh kế đó, Cha vác một cái cuốc trên vai. Phía sau ông là một cây bắp chĩa thẳng lên trời. Cha đang đội một cái mũ trên đầu. Cái mũ phả một khoảng tối lớn che cả khuôn mặt ông.

Trong bức ảnh tiếp theo, Cha đang ngồi sau tay lái của một chiếc xe tải. Trong xe tải, những con bò đứng chen chúc. Mỗi tuần Cha lái xe chở bò đến lò sát sinh trong thành phố. Khuôn mặt cha gầy guộc và có những nét khắc khổ.

Trong tất cả những bức ảnh ấy, Cha bị đông cứng ở nửa chừng của một cử chỉ. Trong tất cả những bức ảnh ấy, Cha có vẻ như không biết phải làm gì. Nhưng thật ra lúc nào Cha cũng biết phải làm gì. Vì vậy nên tất cả những bức ảnh ấy đều sai. Tất cả những bức ảnh giả tạo ấy, tất cả những khuôn mặt giả tạo ấy khiến căn phòng trở nên lạnh lẽo. Tôi muốn đứng dậy khỏi chiếc ghế của tôi, nhưng cái váy của tôi đã bị đóng băng dính cứng vào gỗ. Cái váy của tôi trong suốt và đen. Nó kêu răng rắc mỗi khi tôi cử động. Tôi nhổm dậy và sờ vào mặt Cha. Mặt Cha lạnh hơn các đồ vật trong phòng. Ngoài kia đang là mùa hè. Đàn ruồi thả những con giòi trong khi bay. Ngôi làng trải dài theo một con đường cát rộng. Con đường nóng bỏng và nâu giòn, và đốt cháy đôi mắt của bạn bằng những tia sáng chói chang của nó.

Nghĩa địa được xây bằng đá. Có những tảng đá trên các ngôi mộ.

Khi tôi nhìn xuống đất, tôi thấy hai đế giày của tôi nằm lật ngửa. Thì ra, suốt cả thời gian đó, tôi đã bước dẫm lên những dây giày của mình. Dài và nặng, chúng nằm lòng thòng sau gót chân tôi, những đầu dây cong lên.

Hai người đàn ông nhỏ thó bước loạng choạng đang nhấc chiếc quan tài ra khỏi xe tang và hạ nó xuống huyệt bằng hai sợi dây thừng tơi tả. Chiếc quan tài đong đưa. Bốn cánh tay và hai sợi dây thừng càng lúc càng giãn dài ra. Huyệt mộ ngập nước dù trời đang mùa hạn. Bố của cô đã giết nhiều người, một trong hai gã nhỏ thó lè nhè men rượu nói.

Tôi nói: ông ấy đi đánh trận. Mỗi lần giết đủ hai mươi lăm người thì lãnh một tấm huy chương. Ông đã mang về nhà mấy tấm huy chương.

Ông ấy đã hiếp dâm một phụ nữ trong một cánh đồng trồng củ cải, người đàn ông nhỏ thó nói. Cùng với bốn người lính khác. Bố của cô đã thọc một củ cải vào giữa hai chân cô ta. Khi bọn tôi bỏ đi thì cô ta đang chảy máu. Cô ta là người Nga. Suốt nhiều tuần lễ sau đó, bọn tôi gọi mọi thứ vũ khí là những củ cải.

Lúc ấy là cuối mùa thu, người đàn ông nhỏ thó nói. Những lá cải nám đen và quăn lại vì sương muối. Rồi người đàn ông nhỏ thó đặt một hòn đá to lên chiếc quan tài.

Người đàn ông nhỏ thó thứ nhì lại lè nhè men rượu nói tiếp:

Vào dịp Năm Mới, bọn tôi đi xem nhạc kịch trong một thị trấn nhỏ của dân Đức.[**] Giọng hát của cô ca sĩ nghe chói óc như những tiếng kêu thét của cô gái Nga ấy. Từng người một, bọn tôi rời khỏi nhà hát. Bố của cô ở lại xem cho đến hết. Suốt nhiều tuần sau đó, ông ấy gọi tất cả các bài hát là củ cải và tất cả đàn bà là củ cải.

Người đàn ông nhỏ thó uống rượu schnapps. Dạ dày của gã kêu óc ách. Cái bụng của tôi đầy rượu schnapps cũng như huyệt đầy nước ngầm vậy, người đàn ông nhỏ thó nói.

Rồi người đàn ông nhỏ thó đặt một hòn đá to lên chiếc quan tài.

Người đàn ông đọc điếu văn đang đứng cạnh cây thập giá bằng cẩm thạch trắng. Ông ta bước về phía tôi. Ông ta xỏ hai bàn tay vào trong hai túi áo khoác.

Người đàn ông đọc điếu văn có một bông hồng to bằng bàn tay gắn vào lỗ khuy áo. Nó mượt như nhung. Khi đến sát bên cạnh tôi, ông ta rút một bàn tay ra khỏi túi. Đó là một bàn tay nắm chặt lại. Ông ta cố duỗi thẳng các ngón tay ra nhưng không được. Sự đau đớn làm mắt ông ta lồi ra. Ông ta bắt đầu khóc thầm. Trong chiến tranh, anh không thể làm việc chung với đồng bào của anh, ông ta nói. Anh không thể sai bảo họ làm mọi việc.

Rồi người đàn ông đọc điếu văn đặt một hòn đá to lên chiếc quan tài.

Bây giờ một người đàn ông mập bước đến đứng bên cạnh tôi. Đầu hắn giống như một cái ống trơn lì không có mặt mũi.

Bố của cô đã ngủ với vợ của tôi suốt nhiều năm, hắn nói. Ông ấy đã tống tiền tôi khi tôi say rượu và ăn cắp tiền của tôi. Hắn ngồi xuống trên một tảng đá.

Rồi một mụ gầy gò nhăn nheo bước đến tôi, nhổ toẹt xuống đất, và nguyền rủa tôi.

Đám người dự tang lễ đang đứng ở đầu bên kia của huyệt mộ. Tôi nhìn xuống mình và hoảng hốt vì họ có thể nhìn thấy ngực của tôi. Tôi cảm thấy lạnh.

Mắt mọi người đều nhìn chòng chọc vào tôi. Những cặp mắt trống rỗng. Những đôi con ngươi mở trừng trừng từ dưới mí mắt của họ. Đám đàn ông vác súng trên vai, và đám đàn bà rung những chuỗi tràng hạt kêu lào xào.

Người đọc điếu văn đang ngắt vào cái hoa hồng của ông ta. Ông ta xé đứt một cánh hoa đỏ như máu và ăn nó.

Ông ta dùng bàn tay ra hiệu cho tôi. Tôi biết bây giờ là lúc tôi phải phát biểu. Mọi người đang nhìn tôi.

Tôi không nghĩ ra được một chữ nào. Cặp mắt tôi như bị kẹt ở cổ họng rồi chạy ngược lên đầu. Tôi đưa bàn tay mình vào miệng và gặm những ngón tay. Người ta có thể thấy những dấu răng trên mu bàn tay của tôi. Răng tôi nóng lên. Máu chảy từ hai khoé miệng rỏ xuống hai vai tôi.

Gió đã xé đứt một ống tay áo của tôi. Nó là một mảng đen chấp chới, bay tung lên trong không gian.

Một người đàn ông đặt chiếc gậy của hắn tựa vào một tảng đá to. Hắn giương súng lên nhắm và bắn rơi ống tay áo ấy. Khi nó rớt xuống mặt đất trước mặt tôi nó nhuốm đầy máu. Cả đám người dự tang lễ vỗ tay.

Cánh tay tôi bị phơi trần. Tôi cảm thấy nó cứng đờ trong không khí.

Người đọc điếu văn ra hiệu. Tiếng vỗ tay ngừng lại.

Chúng ta tự hào về cộng đồng của chúng ta. Những thành tích của chúng ta đã cứu chúng ta khỏi suy sụp. Chúng ta sẽ không để chính mình bị thoá mạ, ông ta nói. Chúng ta sẽ không để chính mình bị phỉ báng. Nhân danh cộng đồng người Đức của chúng ta, cô bị kết án tử hình.

Tất cả họ đều chĩa súng vào tôi. Có một tiếng nổ dữ dội trong đầu của tôi.

Tôi ngã nhào xuống nhưng không chạm mặt đất. Tôi nằm lơ lửng trong không trung trên đầu họ. Lặng lẽ tôi đẩy những cánh cửa mở ra.

Mẹ tôi đã dọn sạch đồ đạc trong mọi căn phòng. Bây giờ có một chiếc bàn dài trong căn phòng nơi thi hài đã được bày ra. Đó là chiếc bàn của một người đồ tể. Có một chiếc đĩa màu trắng trống không và một cái bình đựng một bó hoa trắng tả tơi.

Mẹ mặc một bộ váy đen trong suốt. Bà đang cầm một con dao to. Mẹ đứng trước tấm gương và cắt đứt bím tóc xám dày của mình bằng con dao to ấy. Bà dùng cả hai bàn tay bưng bím tóc đến bàn. Bà đặt một đầu bím tóc lên chiếc đĩa .

Mẹ sẽ mặc đồ đen suốt quãng đời còn lại, bà nói.

Bà châm lửa vào một đầu bím tóc. Ngọn lửa lan từ đầu này cho đến đầu kia của cái bàn. Bím tóc cháy như một dây ngòi nổ. Ngọn lửa thè lưỡi liếm và nuốt chửng.

Ở nước Nga họ đã cạo đầu mẹ. Đó là hình phạt thấp nhất, bà nói. Mẹ đã đi lảo đảo vì đói. Ban đêm mẹ đã bò vào một cánh đồng trồng củ cải. Người canh gác có một khẩu súng. Nếu hắn trông thấy mẹ thì chắc là hắn đã giết mẹ rồi. Cánh đồng không có một tiếng xào xạc. Lúc ấy vào cuối thu, những lá cải nám đen và quăn lại vì sương muối.

Tôi không nhìn thấy Mẹ nữa. Bím tóc tiếp tục cháy. Căn phòng ngập khói.

Họ đã giết con rồi, mẹ tôi nói.

Chúng tôi không thể nhìn thấy nhau nữa, cả căn phòng ngập khói.

Thình lình bà lùa bàn tay xương xẩu của bà vào tóc tôi. Bà lay giật đầu tôi. Tôi gào thét.

Tôi đột nhiên mở mắt. Căn phòng đang quay tròn. Tôi đang nằm trong một khối cầu kết bằng những bông hoa trắng tả tơi và tôi bị nhốt trong đó.

Rồi tôi có cảm giác như toà cao ốc đồng cư này đang nghiêng xuống và trút hết mọi thứ trong bụng nó vào lòng đất.

Chuông đồng hồ báo thức reo lên. Lúc ấy là sáng thứ Bảy, năm giờ rưỡi.

…………………………………………………….. 

Chú thích của người dịch:

[*]Đây là một thị trấn nhỏ ở Rumania nơi người Đức di dân đến lập nghiệp, chủ yếu sống bằng nghề nông. Chính tác giả Herta Müller đã sinh ra và lớn lên trong một môi trường như thế.

[**]Runes là những nét ký tự khắc trên đá và gỗ được người gốc Germanic sử dụng từ thế kỷ thứ 3 đến 15. Đôi khi người ta xem những nét ký tự ấy có chứa đựng những quyền năng huyền thuật.

————-

Dịch từ bản tiếng Anh, “The Funeral Sermon”, trong Herta Müller, Nadirs [bản dịch tiếng Anh của Sieglinde Lug] (Lincoln, NE: University of Nebraska Press, 1999) 1-5.

 *

 CUỘC TẮM CỦA CẢ GIA ĐÌNH

 Lời người dịch:

Nhà văn Herta Müller vừa đoạt giải Nobel Văn chương năm 2009. Tiểu sử của bà được đăng trên báo chí khắp thế giới, vì thế có lẽ không cần phải nhắc lại ở đây. Thay vào đó, người dịch xin phát biểu vài lời về truyện ngắn dưới đây.

Truyện ngắn này được dịch từ bản tiếng Anh, “The Swabian Bath”, dịch sát nghĩa là “Cuộc tắm của người Swabia”. Tuy nhiên, một nhan đề như thế thì có thể khá tối nghĩa đối với nhiều người đọc, cho nên tôi đổi lại thành “Cuộc tắm của cả gia đình”, nghe gần gũi hơn với nội dung cụ thể của truyện.

Người Swabia là một sắc dân của Đức, ngày xưa ở vùng Schwabenland, phía nam nước Đức, tức là vùng đất mà bây giờ người ta gọi là Baden-Württemberg. Từ thế kỷ 18, nhiều người Swabia đã di dân đến những nước khác, trong đó có nước Romania, để sinh sống bằng nghề nông. Nhà văn Herta Müller là con gái của một gia đình nhà nông người Swabia định cư ở Romania.

Truyện này được kể qua cái nhìn của một đứa trẻ đang quan sát và mô tả hình ảnh cả một gia đình tắm chung trong một chậu tắm. Lối kể chuyện rất ngây thơ, nhẹ nhàng. Nhưng, qua đó, độc giả sẽ nhận ra ngay hoàn cảnh đời sống cơ cực của người dân dưới chế độ cộng sản ở Romania trước đây. Và chính lối kể ngây thơ lại khiến cho câu chuyện trở nên hết sức chua chát.

Truyện rất ngắn này chính nó cũng là một ẩn dụ đầy ý nghĩa về một thứ xã hội mà trong đó người ta phải tắm chung mãi trong một thứ nước, và càng tắm thì càng trở nên dơ bẩn.

Đây là một trong 15 truyện trong tập truyện ngắn Niederungen [bản tiếng Anh là Nadirs], tác phẩm đầu tay của Herta Müller. Tập truyện này được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1982 tại Bucharest, nhưng bị cơ quan kiểm duyệt của nhà nước cộng sản Romania cắt bỏ rất nhiều. Sau đó, Herta Müller gửi bản thảo sang Tây Đức, và được xuất bản nguyên vẹn vào năm 1984. Bản tiếng Anh (do Sieglinde Lug dịch) được University of Nebraska Press xuất bản lần đầu tại Mỹ vào năm 1999.

Từ hôm nay, tôi sẽ lần lượt dịch và giới thiệu một số truyện trong cuốn này đến độc giả Tiền Vệ.

&

 Bây giờ là tối thứ Bảy. Than cháy hồng trong lò sưởi buồng tắm. Cửa sổ thông gió được khép chặt. Tuần trước bé Arni hai tuổi bị cảm vì không khí lạnh. Mẹ đang chà lưng cho bé Arni bằng những cái quần lót bạc màu. Bé Arni giãy đạp tứ tung. Mẹ bế bé Arni ra khỏi chậu tắm. Tội nghiệp thằng bé, Ông nội nói. Con nít còn nhỏ như vậy thì không nên tắm, Bà nội nói. Mẹ trèo vào chậu tắm. Nước vẫn còn nóng. Xà-phòng đang nổi bọt. Mẹ kì cọ chiếc cổ cho sạch những bợn cáu xám xịt. Những bợn cáu của Mẹ trôi lềnh bềnh trên mặt nước. Chậu tắm có một quầng màu vàng. Mẹ trèo ra khỏi chậu tắm. Nước vẫn còn nóng đây này, Mẹ gọi Bố. Bố trèo vào chậu tắm. Nước âm ấm. Xà-phòng đang nổi bọt. Bố kì cọ lồng ngực cho sạch những bợn cáu xám xịt. Những bợn cáu của Bố trôi lềnh bềnh cùng những bợn cáu của Mẹ trên mặt nước. Chậu tắm có một quầng màu nâu. Bố bước ra khỏi chậu tắm. Nước vẫn còn nóng đây này, Bố kêu Bà nội. Bà nội bước vào chậu tắm. Nước còn âm ấm. Xà-phòng đang nổi bọt. Bà nội kì cọ hai vai cho sạch những bợn cáu xám xịt. Những bợn cáu của Bà nội trôi lềnh bềnh cùng những bợn cáu của Mẹ và Bố trên mặt nước. Chậu tắm có một quầng màu đen. Bà nội bước ra khỏi chậu tắm. Nước vẫn còn nóng đây này, Bà nội kêu Ông nội. Ông nội bước vào chậu tắm. Nước lạnh ngắt. Xà-phòng đang nổi bọt. Ông nội kì cọ hai cùi chỏ cho sạch những bợn cáu xám xịt. Những bợn cáu của Ông nội trôi lềnh bềnh cùng những bợn cáu của Mẹ, Bố và Bà nội trên mặt nước. Bà nội mở cửa buồng tắm. Bà nội nhìn vào chậu tắm. Bà nội không nhìn ra Ông nội. Nước tắm đen ngòm đang vỗ óc ách vào cái thành chậu tắm đen ngòm. Ông nội chắc hẳn là đang ở trong chậu tắm, Bà nội nghĩ. Bà nội bước ra và khép cửa buồng tắm lại. Ông nội xả nước tắm ra khỏi chậu tắm. Những bợn cáu của Mẹ, của Bố, của Bà nội, của Ông nội xoay mòng mòng quanh lỗ rút nước.

Cả gia đình, vừa tắm rửa sạch sẽ, đang ngồi trước tivi. Cả gia đình, vừa tắm rửa sạch sẽ, đang chờ xem phim tối thứ Bảy.

 ————-

Dịch từ bản tiếng Anh, “The Swabian Bath”, trong Herta Müller, Nadirs [bản dịch tiếng Anh của Sieglinde Lug] (Lincoln, NE: University of Nebraska Press, 1999) 6-7.

 

 GIA ĐÌNH TÔI

 Lời người dịch:

Hôm qua, 13/10/2009, tôi đã giới thiệu đến độc giả một truyện ngắn của Herta Müller dưới nhan đề “Cuộc tắm của cả gia đình”, trong đó, qua cái nhìn của một đứa trẻ, tác giả cho thấy hoàn cảnh đời sống cơ cực của người dân dưới chế độ cộng sản ở Romania, và đưa ra một ẩn dụ đầy ý nghĩa về một thứ xã hội mà trong đó người ta phải tắm chung mãi trong một thứ nước, và càng tắm thì càng trở nên dơ bẩn.

Hôm nay tôi xin giới thiệu đến độc giả một truyện ngắn khác của Herta Müller dưới nhan đề “Gia đình tôi”. Cũng được kể qua cái nhìn của một đứa trẻ và cũng là một câu chuyện về một gia đình, nhưng truyện ngắn này gợi đến một phương diện khác của xã hội Romania dưới chế độ cộng sản của Ceaucescu. Trong xã hội đó, như chúng ta đều biết, người dân được dạy rằng phải luôn luôn tuyệt đối tôn kính lãnh tụ, tin tưởng vào nhà cầm quyền, và hết lòng phục vụ cho sự trường tồn của chế độ. Tuy nhiên, trong các mối quan hệ giữa người và người với nhau thì người dân của cái xã hội khốn cùng đó lại bị chi phối bởi những lời đồn đãi, xuyên tạc, nghi kỵ, nói xấu, khinh bỉ nhau, tố cáo nhau, ngay cả trong gia đình. Đó là một xã hội cực kỳ suy đồi về đạo đức và nhân cách, nhưng đó là một xã hội mà các nhà độc tài đều muốn tạo ra, vì trong một xã hội như thế thì người dân không còn tin tưởng nhau để có thể hợp quần thành một khối sức mạnh phản kháng.

Về bút pháp, truyện này được xây dựng và khai triển một cách độc đáo như một trò chơi ngôn ngữ quanh một chữ: “khác”. Thốt ra liên tục từ miệng của một đứa trẻ, chữ “khác” này chạm đến bản chất của một cuộc sống mà trong đó mỗi con người đều trở thành một kẻ xa lạ và đáng ngờ trước con mắt của xã hội, thậm chí trước con mắt của chính mình. Thật vậy, đứa trẻ kể câu chuyện này cuối cùng vẫn không thể biết nó là ai trong cái ma trận phức tạp của các mối quan hệ chung quanh nó. Đối với chính nó, có lẽ nó vẫn mãi mãi là một kẻ “khác”.

 &

Mẹ tôi là một người đàn bà bị câm.

Bà ngoại tôi bị mù vì mắt kéo mây. Một con mắt của bà kéo mây xám, con mắt kia kéo mây xanh.[1]

Ông ngoại tôi bị bệnh sa ruột vào bìu dái.

Cha tôi có một đứa con khác với một người đàn bà khác. Tôi không biết mặt người đàn bà khác và đứa trẻ khác ấy. Đứa trẻ khác ấy lớn tuổi hơn tôi, và đó là lý do tại sao người ta nói tôi là con của một người đàn ông khác.

Cha tôi gửi quà Nô-en cho đứa trẻ khác ấy và nói với mẹ tôi rằng đứa trẻ khác ấy là con của một người đàn ông khác.

Vào dịp đón Năm Mới, ông bưu tá luôn luôn mang đến cho tôi tờ bạc một trăm đồng leu [2] trong một phong bì và nói đó là món quà từ ông già Nô-en. Nhưng mẹ tôi nói rằng tôi không phải là con của một người đàn ông khác.

Người ta nói rằng bà ngoại tôi cưới ông ngoại tôi vì ông ngoại tôi là điền chủ và bà ngoại tôi yêu một người đàn ông khác và nếu bà ngoại tôi cưới người đàn ông khác ấy thì tốt hơn vì bà ngoại tôi có mối liên hệ họ hàng quá gần với ông ngoại tôi đến nỗi họ lấy nhau như vậy thì rõ ràng là loạn luân.

Những người khác nói rằng mẹ tôi là con của một người đàn ông khác và cậu tôi là con của một người đàn ông khác, không phải cũng chính là người đàn ông khác ấy, mà là một người đàn ông khác nữa.

Đó là lý do tại sao ông ngoại của đứa trẻ khác ấy là ông ngoại của tôi, và người ta nói rằng ông ngoại của tôi là ông ngoại của một đứa trẻ khác, mặc dù không phải cũng chính là đứa trẻ khác ấy, mà là một đứa trẻ khác nữa.

Và họ nói rằng bà cố ngoại của tôi đã chết rất trẻ vì một bệnh cảm gì đó, và cái chết ấy là một cái gì hoàn toàn khác với cái chết đúng lẽ tự nhiên, nói trắng ra là chết vì tự tử.

Và những người khác nói rằng cái chết ấy là một cái gì khác với cái chết vì bệnh tật và là một cái gì khác với tự tử, nói trắng ra là chết vì bị cố sát.

Sau khi bà chết, ông cố ngoại của tôi lập tức cưới một người đàn bà khác. Bà ấy đã có sẵn một đứa con với một người đàn ông khác không phải là chồng của bà ấy, tuy lúc đó bà đang có chồng. Và sau đời chồng ấy, bà có một đứa con khác với ông cố ngoại của tôi. Người ta nói rằng đứa con khác ấy cũng là con của một người đàn ông khác, chứ không phải là con của ông cố ngoại của tôi.

Mỗi thứ Bảy, đều đặn suốt nhiều năm, ông cố ngoại của tôi đi đến một thị trấn nhỏ nơi có phòng tắm hơi dưỡng sinh.

Người ta nói rằng ở cái thị trấn nhỏ ấy ông đã có quan hệ với một người đàn bà khác.

Người ta thấy thậm chí ông dắt tay đứa trẻ khác ấy ở nơi công cộng, thậm chí ông nói một thứ tiếng khác với đứa trẻ ấy.

Người ta chưa bao giờ thấy ông đi cùng với người đàn bà khác ấy, nhưng người ta nói rằng bà ấy chẳng thể là gì khác hơn là một con đĩ ở khu nghỉ mát vì ông cố ngoại của tôi chưa bao giờ đi cùng với bà ấy nơi công cộng.

Người ta nói rằng một người đàn ông có một người đàn bà khác và một đứa con khác ở bên ngoài ngôi làng của mình thì phải bị khinh bỉ và rằng điều đó không tốt hơn sự loạn luân, rằng điều đó thậm chí còn tệ hơn sự loạn luân ngay trong nhà, rằng điều đó là một sự nhục nhã hết cỡ.

 _________________________

[1]Bệnh mắt kéo mây (mắt cườm) trong tiếng Đức là “star”, nghĩa đen là con chim sáo đá; vì thế nên Herta Müller đã dùng màu lông của con chim sáo đá (xám, xanh) để mô tả màu đôi mắt có thủy tinh thể bị đục. Tiếng Việt gọi bệnh này là bệnh mắt kéo mây, nên người dịch đã tuỳ theo đó mà biến thành “mắt kéo mây xám” và “mắt kéo mây xanh” cho thuận tai nhưng vẫn không sai ý. (HN-T)

[2]“Leu” (số nhiều là “Lei”) là đơn vị tiền ở Romania.

 ————-

Dịch từ bản tiếng Anh, “My Family”, trong Herta Müller, Nadirs [bản dịch tiếng Anh của Sieglinde Lug] (Lincoln, NE: University of Nebraska Press, 1999) 8-9.

Bình luận về bài viết này