ĐÀO HIẾU – Gặp gỡ và chia lìa (toàn văn)

TRƯỚC KHI VÀO TRUYỆN

Tác phẩm này không phải là tiểu thuyết, cũng không phải truyện dài, truyện ngắn hay hồi ký. Tôi chỉ ghi chép những khoảnh khắc hạnh phúc và đau buồn khi gặp gỡ và chia lìa những con vật nuôi mà tôi yêu dấu.

Những sinh vật trẻ thơ này không phải là thú cưng (pet) trong các nhà giàu nuôi làm kiểng, mà là những sinh linh bé nhỏ bị bỏ rơi, bị ném vào cõi lầm than, rét mướt, đầy bất trắc và tàn bạo.

Nhân vật chính trong tác phẩm này là những con vật nuôi ấy. Nhưng đây không chỉ là câu chuyện kể về những cái chết của chúng, nó còn là những suy niệm về kiếp người, về số phận bi thương của những đứa trẻ ấy.

Và cũng là số phận của chính tôi, kẻ đã mang nặng kiếp người trong suốt bảy mươi năm mệt mỏi.

Bảy mươi năm quá dài mà cũng quá ngắn. Đó là cuộc hành trình mù mịt, vô minh, lạc lối trong vinh nhục, trong khổ ải và hạnh phúc, trong yêu thương và thù hận.

Bảy mươi năm chiến tranh, bom đạn, đói nghèo. Bảy mươi năm làm một anh vi-xi hạng bét. Bảy mươi năm xuống đường, tù ngục, đoạ đày, tra khảo. Bảy mươi năm yêu đương, lãng mạn, phụ tình, tình phụ.

Bảy mươi năm tội lỗi…

Tôi đã bơi trong bể khổ trầm luân, không biết đâu là bờ bến. Sống như một sự vùng vẫy. Vùng vẫy đến kiệt sức và muốn nằm im, bồng bềnh trên dòng thời gian, mặc cho nó cuốn trôi về vực thẳm.

Tôi vừa muốn hoà nhập vừa muốn xa lánh cuộc đời này. Tôi vừa yêu thương vừa sợ hãi con người.

Tôi cũng tuyệt vọng như Nguyễn Du: “Chuyện đời đã tắt lửa lòng. Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi”

*

Nhưng ngày nọ, tôi đã gặp những đứa trẻ bị bỏ rơi trong đống rác, trong góc chợ, trên bờ sông lạnh lẽo… Chúng là những con vật bé bỏng, thơ dại, yếu ớt, đói và lạnh. Chúng là những sinh linh mỏng manh, bị con người vứt bỏ. Chúng không thể tự bảo vệ mình trước muôn vàn đe doạ đang rình rập chung quanh.

Chúng sắp chết.

Nhưng lạ thay, chúng đã đem lại cho tôi niềm hy vọng mới mẻ khác thường. Chúng làm bừng sáng trong tôi một đức tin về sự cứu rỗi và một tình yêu trong sạch, hồn nhiên, thánh thiện.

Và tôi đã nuôi nấng, đã thương yêu, đã đùm bọc chúng như ruột thịt.

Bảy mươi tuổi, tôi bắt đầu một cuộc chiến đấu mới, dù đang kiệt sức và muốn nằm im. Nhưng nằm im là chết. Tôi phải sống để bảo vệ chúng giữa cuộc đời hung ác. Tôi như lão ngư phủ Santiago (*), một mình chống lại đàn cá mập đang cố rỉa thịt con cá kiếm của lão, dù biết rằng cuối cùng sẽ chỉ đem được vào bờ một bộ xương trơ trụi.

Vì thế, cuốn sách này sẽ không có chuyện thời sự, sẽ gạt bỏ chuyện chính trị, nó chỉ là câu chuyện kể về những con vật nuôi bé nhỏ đã thương yêu tôi, đã được tôi thương yêu, đùm bọc và chiến đấu giành lại quyền sống cho chúng. Đó là cuộc chiến đấu đơn độc, thầm lặng và bi thảm của một lão già mệt mỏi, muốn yên nghỉ nhưng không đành lòng yên nghỉ.

Đó là cuộc chiến đấu trong sạch. Cuộc chiến đấu vì những đứa trẻ mong manh và vô tội.

Trong tác phẩm “Platero y yo”(**), Juan Jimenez chỉ có một con lừa để cùng rong chơi trong một miền quê yên tĩnh và thơ mộng, còn tôi, tôi có cả một đàn mèo và chó. Chúng tôi cũng không được sống trong một không gian xinh đẹp như thầy trò Jimenez – Platero đã sống. Chúng tôi sống trong sợ hãi, sống trong rình rập, rượt bắt, và lẩn trốn. Chúng tôi sống và chiến đấu để giành sự sống.

Sách được chia làm hai phần: Phần một: NHỮNG ĐỨA TRẺ BỊ BỎ RƠI. Phần hai: REQUIEM CHO NHỮNG OAN HỒN.

ĐÀO HIẾU

…………………………………………………

(*) Nhân vật chính trong tác phẩm “The old man and the sea” của Hemingway.

(**) Platero y yo (Chú lừa Platero và Tôi). Giải Nobel văn chương năm 1956

Anh Đào Hiếu thân,

Hôm nay, tôi đã đọc xong tác phẩm “Gặp Gỡ Và Chia Lìa” của anh. Rất khâm phục tính chất “thực địa” của tác phẩm. 

Như hầu hết các nhà văn Mỹ hiện đại, viết một đề tài gì đó (dù nội dung hư cấu) – họ vẫn sống nhiều tháng trong môi trường của tiểu thuyết mà họ xây dựng. Như tác giả cuốn “Airport”, đã bỏ ra gần một năm, xin làm công nhân phi trường…

Anh cũng vậy, sống với sinh vật nhỏ bé, những con mèo vô thừa nhận, bệnh hoạn, bị hất ra lề đường… (Cũng tựa như anh viết tác phẩm “Đốt Đời”). 

Có lẽ vì thế mà thế giới văn xuôi của anh luôn mới, không “đụng hàng” và, cũng không thể sâu, lắng hơn. Nó mới lạ, ngay từ những trang viết thứ nhất. Đó là  tôi chưa nói tới những trang, đoạn rất thơ của anh, trong tác phẩm mới này.

Xin lỗi anh, hôm nay mới có thư cho anh, vì tôi vẫn phải làm những việc thường ngày: trả nợ áo cơm…

Mỗi ngày tôi nhín ra chừng nửa hoặc một  tiếng, đọc anh. Tôi đọc chậm + nghiền ngẫm…

Cám ơn và chúc anh sức khỏe để sáng tác và…rong chơi với…mèo!!!  

DU TỬ LÊ.

Phần Một

NHỮNG ĐỨA TRẺ

BỊ BỎ RƠI

ĐỨA TRẺ BỤI ĐỜI

Tôi đã không gặp một Hoàng Tử Bé trên tinh cầu xa lạ của Saint Exupéry(*). Tôi gặp một đứa bé ốm nhom, đói và lạnh.

Nó không đến từ một vì sao mà đến từ một xó xỉnh nào đó. Có thể là một lùm cây ven bờ sông, từ một bãi rác hay một lỗ cống.

………………………………..

(*) Tác phẩm “Le Petit Prince” của nhà văn Pháp Antoine de Saint-Exupéry (1900-1944)

Kẻ cùng khổ chỉ to bằng nắm tay. Một đứa bé paria. Đức Phật bảo: “Hãy đến đây”. Và đứa bé đáp: “Thưa, con chỉ là một đứa bé paria, không dám lại gần ngài sợ mất tinh khiết”.

Sinh vật ấy nhỏ quá, da bọc xương, run lập cập. Tôi phài cúi người. Cũng không sờ được nó. Tôi ngồi xuống, đứa bé bỏ chạy, núp trong xó kẹt của cánh cổng sắt. Một đôi mắt thất thần, dò hỏi, sợ sệt và nghi hoặc. Một tiếng kêu nhỏ nhoi, mỏng manh trong cơn gió se lạnh lất phất chút mưa bụi lúc chập choạng tối.

 Tôi gọi: “meo meo” rồi đưa hai bàn tay ra. Và nó bò trườn đến, lết đến. Tôi lại gọi: “meo meo” rồi chạm những ngón tay vào trán nó. Lúc ấy nó nằm xuống, run lẩy bẩy. Tôi đặt nó vào hai lòng bàn tay, ủ nó bằng chút hơi ấm.

Một chú mèo con. Nghèo nàn, cùng đinh, rách nát gấp nhiều lần kẻ paria. Còn tôi thì không phải là đức Phật. Tôi là một lão già về hưu 70 tuổi, tầm thường và đơn độc.

Lúc đức Phật nhìn thấy đứa bé paria, ngài đã đói lả, sắp chết. Đứa bé mang một bình sữa dê đến nhưng không dám lại gần vì nó thuộc giai cấp cùng đinh còn đức Phật là một hoàng tử. Nhưng cuối cùng nó đã đến và cứu ngài bằng bình sữa dê của nó.

Chú mèo nhỏ cũng đã đến. Nó không cho tôi bình sữa nào cả, và tôi cũng không sắp chết đói, nhưng khi nó nằm gọn trong lòng bàn tay tôi, nó đã làm trái tim tôi rung chuyển, và đem lại cho tôi niềm hạnh phúc rực rỡ của tình yêu.

Cái sinh vật nhỏ bé mong manh ấy đã cứu rỗi tôi, đã khai mở trong tôi thứ tình cảm vô danh mà tràn ngập trời đất, đã kéo ý thức tôi từ trời cao xuống cõi hồng trần, hoà lẩn trong cát bụi, sỏi đá, hòa lẩn trong những thân phận nhỏ nhoi của từng kiếp phù du trùng trùng điệp điệp trên mặt đất mênh mông đầy dẫy những khốn khó, tàn bạo và chết chóc.

Đó là thứ tình cảm mà trong suốt bảy mươi năm làm người, tôi chưa từng một lần giác ngộ.

Cháu nội đến cùng với một chút thức ăn. Chú mèo con há cái miệng nhỏ, gặm con cá, miệng kêu gừ gừ, sợ có kẻ tranh cướp. Thêm một miếng cá nữa. Cái sinh linh bé bỏng ấy hồi sinh. Nó rúc vào bàn tay tôi, tìm một ấp ủ, che chở. Tôi sẽ phải giấu nó ở đâu khỏi móng vuốt của cô tiểu thư cưng đang cai quản lãnh địa này? Đó là Xíu, một cô mèo trắng đẹp đẽ, sang trọng và được cưng chiều.

Xíu vốn từ lâu không chấp nhận bất cứ sinh vật nào khác bước vào cổng nhà.

Cô nàng hiền lành, thường ngủ chung với cháu nội, lười biếng và nũng nịu. Cô nàng buổi trưa thường ra ngoài vườn nằm lẩn trong các chậu hoa, trắng đẹp, thanh thoát, quý phái. Nhưng rồi như một tia chớp, nó bay lên. Và một chú chim sẻ hay chim chào mào đã nằm gọn trong móng vuốt của nó.

Nó chỉ bắt chim để tiêu khiển. Đôi khi nó tha vào nhà, để trên bàn học của cháu nội như một quà tặng. Nhưng cháu nội thì khóc vì thương con chim nhỏ. Đã nhiều lần nó đem chôn những con chim dưới những khóm hoa. Đã nhiều lần cháu nội mắng nhiếc: “Sao Xíu lại ác vậy? Sao lại giết những con chim vô tội?” Những lúc như thế Xíu thường nằm ngửa ra, uốn mình, lim dim mắt. Rồi nó dụi mặt vào cánh tay của cháu nội, rên rỉ. Không ai có thể giận nó được.

Còn bây giờ là đứa trẻ bụi đời này. Tôi nói:

-Ăn no rồi. Thôi, con đi tìm chỗ ngủ đi nhé?

Tôi đặt nó xuống nền đất. Nhưng nó cứ nằm im. Nó kêu meo meo rồi bò tới, rúc vào giữa hai bàn chân tôi. Meo meo! Ông ngoại ơi, đừng đuổi con. Hãy cho con vào nhà vì đang có một cơn mưa bụi và gió lạnh.

Cháu nội lại ủ nó trong tay, vuốt ve nó.

-Con sẽ cho nó trốn trong cái hộp giấy.

Nhưng  một cái bóng trắng vụt lướt qua. Môt tiếng gào khiếp đảm. Đứa trẻ bụi đời chạy băng qua khoảng sân hẹp. Cái bóng trắng của Xíu phủ lên nó. Những tiếng gào. Hai ông cháu chạy đến cứu. Mèo con biến mất trong bụi rậm ven bờ nước.

Cháu nội bế Xíu vào nhà. Lại mắng nhiếc nó. Và nó lại nằm ngửa ra, uốn mình, lim dim mắt.

Đêm đó Xíu ngủ trên giường nệm, ngay dưới chân cháu nội. Nhưng đứa trẻ kia chắc là đã trở về đống rác của nó, rúc trong mớ cành cây, gỗ mục và rác rưởi.

Không biết lúc nửa đêm trời có mưa to không, vì lúc đó tôi và cháu nội đều ngủ say.

ĐIỂM HẸN

TRÊN BỜ TƯỜNG

Sáng hôm sau tôi đi quanh các bụi cây ven bờ sông tìm con mèo nhỏ. Tôi gọi nó nhiều lần nhưng không thấy động tĩnh.

Buổi trưa khi mọi người ngồi vào bàn ăn, không thấy Xíu luẩn quẩn dưới chân, tôi đi tìm nó, thấy nó đang nằm phục ngay cánh cổng sắt trong tư thế rình mồi. Qua khe cửa, tôi thấy con mèo nhỏ đang đứng bên ngoài. Tôi đuổi Xíu vô nhà rồi mở cổng, ngồi xuống bên nó.  Nó bước đến, dụi đầu vào bàn tay tôi. Meo, meo. Ừ, ông ngoại biết rồi. Con đói phải không?

Cháu nội đem đến một miếng cá.

Xíu lại xuất hiện bên cạnh tôi trong tư thế vồ mồi. Tôi phải bế mèo con đặt trên đầu tường và cho nó thêm một miếng cá nữa.

Bé XÍU

Xíu nhỏm dậy, nghểnh đầu lên nhìn, đuôi nó đập đập xuống đất. Nhưng mèo con không sợ hãi nữa vì nó đang ở trên cao và đang có tôi che chở cho nó.

Lúc nó ăn, tôi quan sát nó. Nó không còn là đứa trẻ đói rách thảm thương như tối qua. Nó đẹp. Lông nửa trắng nửa đen, giống hệt con mèo tên Bún đã chết cách đây hai năm.

Sau đó mấy tháng, cháu nội lại đem về một con mèo con màu trắng, tam thề vàng nâu nhạt. Đó là Xíu.

Tuy vậy tôi vẫn rất nhớ Bún vì nó hiền và rất tình cảm.

Giờ đây, nhìn đứa trẻ bụi đời đang đứng ăn cá trên bờ tường, tôi thấy nó giống hệt con Bún, không chỉ màu lông đen trắng mà giống cả đôi mắt hiền lành, giống cả cách ăn, cả cách nũng nịu, cả tiếng kêu meo meo nữa.

Đôi lúc tôi nghĩ có lẽ con Bún đã đầu thai về lại nhà tôi dưới hình hài của đứa trẻ bụi đời này. Tôi ôm nó, ấp nó trước ngực, Nó rúc đầu và nách tôi, rên rỉ vì hạnh phúc.

Từ đó, mỗi ngày ba lần, sáng, trưa, chiều nó đều đến ngồi trên đầu tường đợi tôi. Tôi cho nó ăn xong, vuốt ve nó rồi bảo nó về nhà ngủ.

Bé MÌ chờ ông ngoại trên bờ tường

“Nhà” của nó là một cái xó kẹt trên mái ngói của nhà hàng xóm. Tôi đã quan sát nơi ấy, thấy cũng sạch sẽ, che mưa che nắng tốt và rất an toàn mặc dù có đôi lần Xíu cũng leo lên đó tìm cách tấn công, nhưng không làm gì được.

Buổi tối, bà xã đi họp tổ dân phố về, nói: “Hàng xóm than phiền nhà mình nuôi mèo đánh nhau ồn ào trên hiên nhà người ta.”

Tôi im lặng. Một đứa trẻ mồ côi bị bỏ rơi bên bờ sông. Đang bị đồng loại đuổi đi. Rồi bây giờ lại sắp bị con người đuổi đi.

Con bé bỏng, ông ngoại sẽ bảo vệ con. Ông ngoại sẽ tìm cách.

NHỮNG MẮT NHÌN

KHỜ DẠI

Cháu nội đặt tên cho bé là Mì.

Tôi thường thức dậy vào lúc 4 giờ sáng, lướt qua tin tức trên mấy trang mạng xã hội, và uống trà.

Chỉ một tiếng đồng hồ nữa, khi tôi mở cổng, đi bộ, là sẽ thấy  Mì chờ sẵn nơi đầu tường.

Nó im lặng trong bình minh. Có khi nó nằm, gác mõm trên hai chân trước. Nó nhìn tôi rồi chỉ kêu một tiếng meo rất nhỏ. Tôi đến dưới chân tường, phải leo lên một cái bục mới có thể vuốt ve nó.

-Con chờ ông ngoại hả?

-Meo.

-Con đói hả?

-Meo

Ngôn ngữ của nó chỉ có một từ. Từ ấy chỉ có một âm tiết. Cả tôi lẫn nó đều không cần phải học, không cần diễn giải, không cần mô tả. Giữa hai bên không có rào cản ngôn ngữ. Chỉ cần “meo”. Mọi thứ lập tức khai mở, hoà nhập, thấu thị.  Và ngộ.

“Meo”. Đó là một từ (word) mà cũng có thể là một nốt nhạc, một mặc khải của tạo hoá.

-Con chờ ông ngoại chút nha. Ông ngoại đi chợ mua cá cho con.

-Meo.

Nó dụi mặt vào lòng bàn tay tôi rồi lại gác mõm lên hai chân trước.

Tôi mở công, đi ra chợ.

Những người bán hàng ngồi hai bên lối đi. Cả một cõi trần gian đọng lại nơi khu chợ chồm hổm ấy. Những bầu bí, rau giềnh, dưa chuột… Những con gà bị trói chân nằm trên vĩa hè mở đôi mắt tròn thơ dại nhìn người đi qua. Những người đàn bà xắn quần lên tới gối ngồi phía sau cái thau nhôm đầy ếch. Chúng cũng bị trói chân và giương mắt nhìn.

Những bàn chân người lướt qua. Những con gà, những con ếch, những con chim cuốc… đều giương mắt nhìn. Những mắt nhìn khờ dại, không hề biết gì về số phận của chúng… sẽ đến trong giây lát.

Những đôi mắt ấy cứ im lặng. Những sinh vật ấy cứ im lặng.  Chúng đều bị trói chân, trói ngoặt hai cánh, để nằm dưới đất, nhưng chúng cứ im lặng. Không kêu la, không giãy giụa. Chúng cứ nhìn loài người đi qua bằng đôi mắt thơ dại.

Và sáng nào tôi cũng nhìn thấy những đôi mắt ấy, hết lớp này đến lớp khác, lần lượt đi vào cõi chết một cách thơ dại như vậy.

*

Nhưng những con cá rô Phi thì không giương mắt nhìn. Sáng nào đi ngang qua khu chợ này tôi cũng thấy người đàn bà lam lũ ngồi trên một chiếc ghế đẩu thấp bằng nhựa màu đỏ, bốc từng con cá rô phi ra.

Và mài chúng trên mặt đường nhựa.

Bà ta không đánh vảy chúng bằng dao. Bà ta mài chúng trên mặt đất. Những ngón tay ghìm chặt con cá nhỏ. Những cú mài mạnh mẽ, dứt khoát, thô bạo.

Tôi không nhìn thấy đôi mắt của con cá vì chúng bị che lấp bởi những ngón tay của người đàn bà. Tôi cũng không nhìn thấy nó giãy giụa vì nó bị kìm chặt quá, tôi chỉ nghe những tiếng sàn sạt của vảy cá ma xát trên mặt đường. Và những cái vảy xám đen tróc ra từng mảng, từng mảng.

Những con cá rô Phi chết trong im lặng. Dường như tất cả những cái chết ấy đều im lặng. Những con gà, những chú  ếch, những con chim cuốc, những con cá… tất cả đều chờ đón cái chết trong im lặng.

Còn những con cá nục mà tôi sẽ mua cho mèo? Có lẽ chúng đã không kịp giương mắt nhìn. Chúng đang bơi tung tăng từng đàn trong lòng biển cả. Rồi bất chợt, một tấm lưới đen chụp xuống, siết lại. Chúng không biết chuyện gì. Hoảng loạn. Bị dồn nén. Bị bốc lên cao. Chói loà mặt trời. Ngộp thở. Một cái miệng lớn tối đen, sâu hun hút và buốt lạnh nuốt chững chúng. Cuộc thảm sát nhanh và tàn bạo. Chúng không kịp giương mắt nhìn. Và đó cũng là những cái chết trong im lặng.

Nhưng những con mèo thì chỉ biết ăn để sống. Tôi và gần như cả loài người cũng chỉ biết ăn để sống mà tâm trí không cần phải vướng bận điều gì… cho đến khi tôi trở thành một lão già 70 tuổi và… đi mua cá cho mèo.

Sao tôi lại có thể chậm hiểu đến như vậy? Sao mãi đến 70 năm sau khi sinh ra đời tôi mới hiểu điều ấy?

Rằng mỗi ngày chúng ta sống bằng xác chết của kẻ khác. Rằng mỗi ngày vẫn có hàng triệu sinh linh này phải chết đi để cho hàng triệu triệu sinh linh khác được sống. Đó là cuộc đời sao? Cõi nhân gian này, cái thế giới này tồn tại theo cách ấy sao? Và đã từ hàng triệu năm nay, sự sống vẫn cứ tồn tại, sinh sôi theo cái cách ấy.

Đó là điều xưa cũ nhất, đơn giản nhất, vậy mà 70 năm qua tôi không hề quan tâm tới. Tôi sống và ăn những sự sống khác một cách dửng dưng, bình thường và thú vị.

Các loài thú và chim muông cũng tồn tại và sinh sôi theo cách ấy. Đó là cuộc đời sao? Đó là cõi trần gian này sao? Là vườn Địa Đàng, là cõi ta-bà, là chốn hồng trần tươi tốt này sao?

Tôi vẫn đi qua chợ mỗi ngày. Chỉ là một khu chợ nhỏ nghèo nàn nhưng từ lúc nào chợt biến thành địa ngục?

Và tôi đã  bừng tỉnh từ cái địa ngục ấy.

 Tôi không giác ngộ từ ánh sáng của Chúa Kitô hay Phật Thích Ca hay Thánh Allah mà giác ngộ từ  ánh mắt thơ ngây của những sinh vật bé nhỏ khờ dại, giác ngộ từ những con cá rô bị mài dưới đất cho đến chết, giác ngộ từ những con ếch nhỏ bị chặt đầu, lột da mà hai cánh tay còn biết đưa lên đỡ lưỡi dao, giác ngộ từ những tảng thịt, những đùi bò treo lủng lẳng trên móc sắt.

*

Nhưng tôi vẫn mua cá cho mèo.

Những con cá nục đã chết từ ngoài biển, được hấp lên và xếp vào những cái rá tre nhỏ, ba con một.

Tôi chia cho Xíu một con, Mì một con. Xíu được cưng chiều nên chỉ liếm láp một chút rồi bỏ. Mì thì vui mừng, nhai ngấu nghiến, nhai cả xương, cả đầu cá đuôi cá. Ăn xong Xíu nhảy lên bàn học của cháu nội nằm cạnh bàn phím, lim dim mắt chờ được vuốt ve rồi ngủ. Còn Mì thì leo lên trụ cổng sắt. Chờ.

Nó chờ tôi. Nó thèm được vuốt ve. Có khi nó chờ tôi suốt nhiều giờ. Khi tôi ngủ trưa dậy, ra cổng, thấy nó nằm đó. Im lặng. Meo! Thế là tôi bế nó vào lòng. Nó rên hừ hừ, dụi mặt vào nách tôi.

Ngày nọ, tôi đi nhậu về muộn, quên mất bữa ăn của bé. Đến nửa đêm thức dậy, ra sân thượng nhìn xuống cổng, thấy Mì vẫn đang nằm chờ ở đó. Tôi liền chạy xuống, mở cửa và ôm nó vào lòng. Hôm đó cá đã hết, nó chỉ ăn một nắm cơm nguội.

Nó và tôi, hai sinh vật may mắn không bị người ta trói, vứt nằm nơi hè chợ, không bị người ta mài mặt trên đất cho đến chết.

Nó và tôi đều ăn những sinh vật khác để sống. Tuy không bị mài trên mặt đường, không bị ném vào hầm đá, không bị cắt tiết. Nhưng cũng phải chết. Chúng tôi đang ăn những sinh vật khác để sống nhưng rồi chúng tôi cũng sẽ… cũng sẽ, một ngày, bị những sinh vật khác, những côn trùng ăn để duy trì sự sống khác.

Tôi ôm Mì trong lòng mà quặn thắt bởi ý nghĩ đó, mà cảm thương nó xót xa.

Nó đã được tôi cứu thoát khỏi cái chết vì đói và lạnh. Nhưng còn những con mèo con bị bỏ rơi khác, những sinh vật khác thì sao?

Giá như tôi có thể ôm hết cả những kiếp sống nhỏ nhoi hèn mọn tội nghiệp ấy vào lòng!

Giá như tôi có thể đi khắp thế gian để gom hết những sinh linh mỏng manh ấy, để kéo chúng ra khỏi rét mướt, bệnh tật và những cơn đói.

CHIẾC TÔ NHỰA

 BỊ MẤT

VỪNG và MÈ

Ngày nọ cháu nội đi học về, ghé tai tôi:

-Ông nội ơi, có hai con mèo con trong đống rác.

Hai đứa trẻ mồ côi này lại đến cùng tôi từ trong cái nơi thấp hèn nhất. Chẳng phải Chúa Hài Đồng cũng đã từng giáng sinh trong chốn thấp hèn như vậy sao?

Những máng cỏ được bày biện trong đêm Giáng Sinh thì rực rỡ, tuy vẫn có cỏ, vẫn có máng lừa và những con cừu, nhưng đó là một hang đá bừng sáng, lộng lẫy như đoá hoa thần thánh nở giữa đêm tối, như bếp lửa nồng nàn hơi ấm của ơn phước Chúa Trời.

Sự thực, đấng cứu thế đã không được sinh ra trong một khung cảnh lộng lẫy như vậy, mà đó chỉ mà một cái máng lừa bụi bặm trong hang đá lạnh lẽo giữa đêm đầy tuyết trắng xoá mênh mông trời đất. Chúa Hài Đồng nằm trên cỏ khô được rải làm thức ăn cho lừa và những con cừu.

Chúa đã giáng sinh thấp hèn như vậy, trong rét mướt và tối tăm như vậy. Một sự ra đời rất tình cờ khi người thợ mộc Giuse và bà Maria, từ làng Nazareth trở về nguyên quán là thành phố Bêlem để chính quyền kiểm tra dân số.

Đêm đông lạnh lẽo. Cơn đau nổi lên bất chợt giữa hành trình. Những lần gõ cửa vô vọng. Không ai chịu chứa chấp một sản phụ sắp lâm bồn. Chỉ còn một nơi duy nhất không có lời từ chối, không phải gõ cửa, vì hang đá của cừu và lừa không có cửa.

Ông thợ mộc nghèo đã dìu vợ vào trong cái hang ấy. Và một hài nhi đã được sinh ra trên cỏ khô. Nào có khác gì hai con mèo mà tôi vừa nhặt đem về từ đống rác.

Nhưng chúng là những sinh linh. Chúng cũng là con của Đức Chúa Cha ở trên trời như Chúa Hài Đồng vậy. Và tôi cũng quý trọng chúng như tôi và bạn từng quỳ trước trẻ hài nhi nghèo nàn con của Maria làng Nazareth nọ.

Ôi những đứa trẻ, dù chỉ là những chú mèo con mồ côi bị bỏ rơi. Nhưng tôi biết chúng cũng là những thánh thể vô tội và vô nhiễm.

Cũng giống như  bé Mì ngày nọ, hai đứa trẻ này đang đói và lạnh, đang cần sự ấp ủ và sữa.

Và cũng giống như bé Mì, chúng cũng không thể bước vào lãnh địa của bé Xíu. Chúng trú trong đống củi khô ở đầu cây cầu nhỏ cách nhà tôi chừng mười mét. Nơi đó nghèo nàn và thấp hèn nhưng có thể bảo vệ được chúng trước lũ mèo hoang và chó.

Tôi kiếm một cái tô nhựa đựng thức ăn. Hai đứa trẻ xúm lại, rối rít. Những cái miệng nhỏ xíu. Những cái lưỡi mỏng như cánh hoa hồng.

Chúng ngày càng linh hoạt và thân thiện. Chúng ăn vài miếng rồi ngừng lại, chạy giỡn nhau, trốn vào giữa hai bàn chân tôi, mọp xuống, nương tựa, như đang nằm trong lòng mẹ. Đôi khi chúng chui vào ống quần tôi, ngọ ngoạy, chơi trò “đi trốn đi tìm”. Rồi lại chạy đến cái tô nhựa, ăn mấy miếng. Lại bỏ đi, trèo qua những thanh củi, chơi trò cút bắt.

Hôm sau, chiếc tô nhựa biến mất. Tôi tìm kiếm chung quanh đống củi, tìm dưới những tán lá. Cháu nội đem đến một chiếc tô khác.

Lại mất.

Từ đó ngày nào cũng mất một cái tô nhựa. Tôi phải đặt thức ăn vào trong tờ giấy báo.

Cháu nội hỏi:

-Tại sao người ta lại lấy những cái tô của mèo?

Tôi im lặng. Hôm sau cháu nội ra chợ mua một cái tô nhựa khác. Rồi cũng biến mất.

Tôi lấy xe chở nó đi mua cái tô khác.

-Mình sẽ không mua tô nhựa nữa. Mình mua một cái tô bằng đất nung.

MÈ và VỪNG ăn chiều

Hai ông cháu phải đi rất xa mới đến được một cửa hàng sành sứ. Cháu nội hỏi:

-Tại sao lại mua tô đất?

-Vì người ta sẽ không lấy cái tô đất.

-Nhưng tại sao người ta lại lấy những cái tô bằng nhựa? Tại sao họ khốn nạn đến vậy? Nỡ cướp đồ đựng thức ăn của mèo?

Nó tức giận, muốn khóc. Tôi hỏi:

-Nếu khi con ra đường, nhìn thấy một cái tô nhựa bỏ lăn lóc bên lề đường, con có lấy không?

-Không. Không bao giờ.

-Vậy nếu ông nội ra đường, nhìn thấy một cái tô nhựa như vậy, ông nội có lấy không?

-Cũng không bao giờ.

-Vậy thì kẻ đã lấy những chiếc tô nhựa ấy phải khốn cùng lắm. Đó chính là những người móc rác, những chị bán ve chai, suốt ngày lang thang ngoài đường nhặt nhạnh từng chút, từng chút… những gì có thể bán được.

Cháu nội im lặng một lúc rồi nó nói:

-Con hiểu rồi.

-Nhưng mình vẫn phải mua một cái tô bằng đất nung, sẽ đỡ mất thì giờ.

NÔ GIỠN

GIỮA BẦY SÓI

Những đứa trẻ của tôi chỉ to bằng nắm tay. Bản năng dạy chúng cảnh giác trước mọi biến động nhỏ nhặt chung quanh. Như tiếng bước chân, tiếng reo của trẻ nhỏ, tiếng động cơ xe máy, có khi chỉ là tiếng rơi của một chiếc lá. Thường thì chúng bỏ chạy.

Nhưng khi có tôi ngồi bên cạnh thì chúng không quan tâm đến những mối đe doạ ấy. Chúng vừa ăn vừa nô giỡn.

Đống gỗ nằm trên một bãi đất trống trước nhà, cạnh bờ sông. Đó là những thứ phế thải người ta cất nhà còn thừa lại, chất đống từ nhiều năm nay, không biết để làm gì. Những con mèo nhỏ của tôi đã rời đống rác ở đầu cầu về trú thân nơi đó để tránh mưa nắng và sự tấn công của con người và những loài vật khác.

Sao những sinh vật bé bỏng, ngây thơ ấy lại bị tấn công bởi nhiều chủng loại “kẻ thù” đến như vậy?

Chúng chết rải rác khắp nơi: đầu chợ, bờ sông, những lối mòn, bờ cỏ, trước cổng những ngôi biệt thự, bị xe cán giữa đường, bị vứt trong trong bãi rác…

Chúng mong manh, khép nép, run sợ, yếu đuối. Chúng không được ai bảo vệ, không được ai che chở, cưu mang… ngoài tôi.

Nhưng tôi cũng chỉ là một lão già tầm thường, chẳng giàu có gì để có thể sở hữu một ngôi biệt thự sân vườn rộng rãi cho chúng tha hồ chạy nhảy, tung tăng.

Cháu nội là đồng minh duy nhất của tôi trên mặt trận bảo về những con mèo con bị bỏ rơi đầu đường xó chợ, chống lại những mối đe doạ đến từ bóng tối, đến từ bốn phương tám hướng, sẵn sàng đột kích bất ngờ từ sáng tinh mơ đến nửa đêm.

Đó là những kẻ trộm chó, trộm mèo chuyên nghiệp, bắt bán cho các lò mổ, có khi là đám thợ hồ, là dân nhậu đi rảo quanh khu dân cư…

Nhưng mối đe doạ lớn nhất vẫn là những con chó hàng xóm. Chúng có thể là những con chó Nhật lùn, có thể là những con berger cao to nặng sáu bảy chục ký. Chúng ập đến bất ngờ như những cơn sóng.

Bọn chúng đông đảo, tàn nhẫn, man rợ và mai phục khắp nơi, sẵn sàng tấn công bất cứ lúc nào. Còn tôi, lão già đơn độc, thì đang đứng giang hai cánh tay khô héo của mình án ngữ trước lũ mèo con đang giương những cặp mặt thơ dại…

Đó là hình ảnh vừa tội nghiệp vừa khôi hài giống hệt chàng hiệp sĩ già Don Quichotte dở điên dở khùng, độc hành giữa dặm trường thiên lý.

Chàng Don Quichotte buổi chiều thường ngồi chơi với lũ mèo con trên vỉa hè. Lão mặc chiếc quần short lửng, ống rộng. Lũ mèo con thì chạy giỡn quanh chân lão. Chúng vồ nhau, cắn nhau rồi chui vào hai ống quần của lão chơi trò cút bắt. Lão lôi chúng ra, đặt chúng trong lòng, vuốt ve chúng. Chúng lim dim mắt, ngả đầu vào ngực lão, nhắm mắt lại, hoàn toàn tin cậy, bình an và yêu mến. Nhưng rồi những đứa khác lại nhảy lên vồ. Cuộc nô giỡn lại tiếp tục.

Rồi bỗng nhiên như chớp loé, chúng biến mất vào trong đống củi. Tốc độ nhanh như đạn xẹt, đôi khi để lại những vệt máu trên hai cánh tay tôi. Không phải máu của chúng mà là máu của tôi. Khi tháo chạy, bao giờ chúng cũng giương móng vuốt. Và tôi hứng chịu.

Tôi đến bệnh viện nhiệt đới. Bác sĩ nói:

-Vết thương ở cánh tay, gần não, phải tiêm huyết thanh. Và thêm bốn mũi ngừa dại khác, kéo dài suốt một tháng.

Nhưng đó không phải là lỗi của những đứa trẻ. Đó là lỗi của bầy sói, của luật rừng, của những nhà giàu, có biệt thự nuôi chó berger.

Nhưng nào có sá gì. Khi yêu thương, người ta đổ máu là chuyện thường, huống chi tôi là lão Don Quichotte già dở hơi, một mình một ngựa, xách cây giáo dài hành hiệp khắp cõi nhân gian, dù chỉ để đánh nhau với những chiếc cối xay gió.

Bảy mươi tuổi, nếu có chết vì bệnh dại thì cũng đã đủ “tiêu chuẩn” để được khắc trên bia mộ hai chữ  “hưởng thọ” nào có kém phần trang trọng.

*

Một buổi sáng nọ, khi tôi đang cặm cụi dọn phần ăn cho lũ trẻ trên vỉa hè cạnh đống gỗ thì có một người đàn bà đến bên, tay chầm cây chổi chà.

Có lẽ dưới mắt bà lúc ấy, tôi cũng chỉ là một đống rác. Bà đưa chổi quét sàn sạt ngay sau lưng tôi. Lũ mèo nghe tiếng động vội nép vào giữa hai chân tôi, trốn.

Bà ta “đi một đường chổi lả lướt” quanh chỗ tôi ngồi, điêu luyện như một chiêu kiếm cao thủ.

Tôi im lặng, sẵn sàng chờ đợi một cái cán chổi trên lưng. Nhưng lạy trời, có lẽ bà thấy tôi đáng tuổi bố dượng bà nên dừng tay. Rồi tôi nghe vẳng bên tai những lời vàng ngọc:

-Chưa thấy cái xóm nào ở dơ như xóm này. Sống thì phải biết nghĩ tới người khác chứ. Trong khi người ta quét dọn cho sạch sẽ thì mình bày ra. Nào là xương cá, nào là cơm đổ. Kiến bu, ruồi đậu.

Hiệp sĩ Don Quichotte chỉ hơi ngạc nhiên, ngước nhìn dung nhan của người hàng xóm, rồi rụt rè thưa rằng:

-Cô ạ, tôi nghĩ đây là miếng đất trống.

-Đất trống thì cũng phải sạch chứ. Phải biết giữ vệ sinh chung chứ.

Tôi gom mấy mảnh xương cá vụn thảy vào gốc cây dại ven bờ sông. Khi trở lại, lũ mèo đã chạy trốn vào đống củi. Tôi nói:

-Này cô, chúng chỉ là lũ mèo hoang bị người ta bỏ rơi trong đống rác, tôi đem thức ăn đến nuôi chúng. Cũng chỉ là làm từ thiện mà thôi.

-Thì ông đem chúng về nhà mà nuôi chứ.

-Tôi đã thử đem chúng về nhưng bị con mèo nhà tôi đánh đuổi quyết liệt, chúng không thể ở được.

Người đàn bà quay đi, kéo lê cây chổi chà dưới mặt đường.

TĂNG ĐIỂM

VÀ JUAN RAMÓN JIMÉNEZ

Tôi về hưu đã mười năm. Hoàn toàn không muốn làm thêm bất cứ chuyện gì khác, chỉ thích được như Tăng Điểm, học trò của Khổng Tử, ngày ngày “dẫn sáu bảy đứa trẻ con, rủ nhau đi tắm sông Nghi, hóng gió đền Vũ Vu, rồi hát mà về”.

Nhưng tôi đang sống trong một thời đại nhiễu nhương, một xã hội rách nát, trộm cướp, tham nhũng, tàn bạo và vô cảm. Tôi đang sống trong một thành phố xô bồ, chen chúc, giành giựt, sống chung với bọn bắt cóc trẻ con mổ lấy nội tạng, với lũ kiêu binh đàn áp, bắt bớ, giết chóc dân nghèo.

Tôi đang trôi giạt giữa những kẻ quyền thế và đám dân cùng khổ, hàng ngày lê gót chân trên mọi nẻo đường nhặt nhạnh những thứ rác thải của người giàu ném tràn lan ngoài xã hội.

Và tôi cũng đang sống với những con mèo bị người ta bỏ rơi, những con chó bị ném thòng lọng vào cổ, kéo lê trên mặt đường, những con heo bị trói chặt bốn chân, chờ chết. Chúng la khóc, chúng chảy nước mắt khi chứng kiến đồng loại bị thọc con dao nhọn vào cổ họng, máu phụt ra có vòi, máu ọc xối xả xuống cái thau nhựa bẩn thỉu.

Buổi tối, lên mạng internet thấy cảnh những con chó bị treo ngược trên sợi xích sắt, và người ta dùng cây đèn khò thui sống chúng. Chúng giãy giụa nhưng không la được vì bị cột mõm.

Người đàn ông túm chặt hai chân sau chú heo con, rồi đập đầu nó vào tường. Một cái vung tay. Một sinh mạng. Vẫn câm lặng mà chết. Xác những chú heo con bị vứt la liệt trên nền đất đẫm máu của lò sát sinh.

Bọn Polpot từng đập đầu người dân của chúng bằng cán cuốc. Cũng chỉ một nhát. Rồi hất xuống hố chôn tập thể. Sọ người xếp lớp như đồ gốm sứ trong nhà tù Toul Sleng. Còn xác những chú heo con thì được quay vàng, bày trên những chiếc dĩa men trắng trong các nhà hàng sang trọng.

Heo sữa quay. Món khoái khẩu ấy được làm theo một quy trình như vậy. Quy trình của Polpot, của Khơ-me Đỏ.

Tăng Điểm ơi! Ngươi hãy chỉ cho ta chỗ nào có sông Nghi. chỗ nào có đền Vũ Vu để ta ra tắm mát, để ta ngủ một giấc dài rồi hát mà về.

Ta đã đi tìm sông Nghi nhưng chỉ thấy những nhánh sông đầy rác thải công nghiệp và xác mèo chết, chuột chết, chó chết. Ta đi tìm đền Vũ Vu nhưng chỉ thấy những tượng đài ngàn tỷ hoang phế, nứt nẻ đầy những chuột cống, cứt chó, rắn rít và những kẻ ăn mày mượn chốn nương thân.

Ta đành trở về nằm trên chiếc ghế đá trước sân nhà, nhìn ra nhánh sông Sài Gòn rác rưởi.

Ta cũng muồn bắt chước Juan Jiménez(*) cưỡi con lừa Platero, leo lên ngọn đồi thấp, thả rong cho nó ăn những đoá hoa cúc dại. Nhưng ta chỉ có những con mèo con bơ vơ, ốm đói và thơ ngây. Chúng không ăn những đoá hoa cúc dại. Chúng tìm những con gián, con mối và chút xương cá, vụn bánh mì con sót lại trong đống rác. Ta đã gom chúng lại, cho chúng ăn những con cá nhỏ trong cái tô bằng đất nung. Chúng chạy lăng quăng, chúng chui ra từ đống gỗ mục. Chúng gọi ta: “Ngoại ơi, ngoại ơi!” bằng ngôn ngữ của chúng.

Ta rất muốn làm một nhà hiền triết như Tăng Điểm, như Juan Jiménez nhưng không được. Bởi vì dưới mắt những người hàng xóm, ta chỉ là một lão già dở hơi, làm chuyện ruồi bu, phiền luỵ đến người khác.

*

Nhà hiền triết hết thời, mặc quần xà-loõng, áo thun ba lỗ, đi dép kẹp. Và già khú đế. Hiền triết cái giống gì vậy!? Chỉ là một lão khùng. Chỉ là chàng Don Quichotte ốm đói. Không có ngựa mà cũng chẳng có chiếc giáo dài. Chỉ có một cái tô bằng đất nung hoặc đôi khi là một cái gáo dừa đen đủi.

Nhiều lúc tôi thấy tôi giống một lão ăn mày, một kẻ tâm thần đi lang thang tìm những đứa con thất lạc trong bờ bụi, trong xó xỉnh, trong những đống rác và gỗ mục.

-Meo meo!

Đó là ngôn ngữ thường ngày của tôi. Vang vọng, lẻ loi, thất lạc giữa những sáng sớm, giữa những trưa nắng, giữa những cơn mưa rào.

-Meo, meo!

Những đứa trẻ từ trong các xó xỉnh chạy ra, mừng rỡ, cuống quýt. Chúng cũng đáp lại:

-Meo, meo!

Đó là ngôn ngữ của giao cảm. Là ngôn ngữ của những sinh linh thất lạc tìm lại nhau giữa đời hỗn mang, vô vọng.

……………………………………………..

(*) Thi sĩ Tây Ban Nha (1881-1958), đoạt giải Nobel Văn Chương năm 1956. Tác phẩm “Platero y yo” (Chú lừa Platero và tôi) ông viết năm 1914, lúc ông 33 tuổi.

NGƯỜI BẪY CHIM

Một buổi trưa nọ, tôi đi tìm Xíu, thấy nó nằm phục bên những chậu hoa của nhà hàng xóm. Nó đang rình những con chim. Chim sẻ và chào mào. Chúng nhảy tí tách, chúng bay lượn, chúng rơi rụng, chao nghiêng trong gió.

Xíu ngước mặt, nghe ngóng. Nhưng bỗng dưng tiếng chim ở đâu rộn rã hơn, rải đều trong một vùng không gian râm mát, xao động những cơn gió mảnh khảnh.

Tôi quỳ xuống bên Xíu, không dám làm nó kinh động. Những con chim chỉ đậu xuống một vài giây rồi bốc lên. Dường như chúng cũng đang ngạc nhiên vì những âm thanh rộn rã.

Tôi nghe tiếng bước chân lại gần. Một gã đàn ông đang đến với một cây sào tre. Nó là thứ vật dụng kỳ lạ, tôi chưa từng thấy. Nó dài chừng 2 mét, chĩa ra làm hai nhánh cùng bên, cách nhau một gang tay.

Dụng cụ ấy có gắn một máy phát tiếng chim nhỏ như hộp diêm. Xíu bỏ chạy vô nhà. Người đàn ông nọ tắt máy phát tiếng chim. Tôi hỏi:

-Anh làm gì vậy?

Hắn chỉ cười, không đáp. Lại hỏi:

-Đây là cái gì?

-Cái bẫy chim.

-Sao không có lồng? Không có chim mồi?

Hắn làm thinh. Bật máy lên. Tiếng chim lại ríu rít. Hắn móc cái bẫy lên trụ điện rồi lại ngồi nơi ghế đá.

Lũ chim bị thu hút bởi những âm thanh ấy, Chúng chao lượn, thăm dò, do dự…

Rồi một con sà xuống giữa hai thanh tre, nơi có gắn chiếc máy phát. Nhưng hai chân nó chưa kịp chạm vào thanh tre thì một cánh của nó đã bị dính chặt vào đấy.

Gã ném mẩu thuốc lá xuống đất, đứng dậy, bước tới. Tôi cũng bước theo. Cánh của con chim chào mào bị dính vào thanh tre trét đầy keo dính chuột.

Tôi muốn cứu con chim nhưng chưa kịp mở lời thì gã bẫy thim đã chụp lấy nó, rứt nó ra khỏi cái bẫy. Lông cánh rụng tơi tả. Một nhúm lông thì dính chặt vào thanh tre. Con chim nhỏ giương cắp mắt ngơ ngác, sợ hãi.

Tôi nói:

-Hãy bán cho tôi con chim này.

Gã quay nhìn tôi, có vẻ ngạc nhiên. Gã nói:

-Nó không sống được đâu.

Rồi bỏ đi.

Thế đấy! Một con chim chỉ to hơn ngón chân cái, có được bao nhiêu thịt đâu. Để được một chầu nhậu gã phải giết vài chục con chim như thế.

Tôi thẫn thờ bước theo gã. Gã đi khuất vào hàng cây, chỗ khúc quanh có rừng dừa nước.

NGƯỜI BÁN RẮN

Sáng nay ở đầu chợ xuất hiện một người đàn ông với chiếc lồng sắt nhốt đầy rắn hổ đất. Đó là một lão nhà quê ốm đói, ăn mặc nhàu nát. Có lẽ đây là món hàng độc nên thiên hạ bu đến rất đông.

Sau yên xe đạp của lão có một nhánh trúc, phía trên gắn cái móc sắt. Lão bắt rắn bằng tay không, móc đầu con rắn trên cái móc ấy, rồi cầm con dao cau cắt chỏm đuôi.

Một cái ca nhựa hứng phía dưới. Vài giọt máu nhểu xuống. Lão cầm chặt con rắn, vuốt mạnh từ trên xuống. Vuốt rất chậm. Máu rắn chảy thành dòng theo vết cắt ở phía đuôi, sóng sánh trong cái ca nhựa.

Máu đã cạn kiệt. Những giọt cuối cùng nhều xuống, mang theo linh hồn của cái sinh vật bé nhỏ, tuyệt vọng và hoàn toàn bất lực ấy. Lão già dùng con dao cau rạch bụng nó, moi tất cả lục phủ ngũ tạng ra ngoài ném trong cái rổ  và cuộn tròn con rắn lại cho vào túi nylon.

-Cô lấy mấy con? Lão hỏi người đàn bà đang đứng chờ.

-Hai con. Ông xã tôi dặn: một cái một đực.

-Chờ chút. Bà nói ông nhà ngâm rượu 45 độ. Tráng dương bổ thận.

Lão ném quả tim rắn vào trong cái ly thuỷ tinh đựng rượu đế.

Lão chộp một con khác, treo trên cái móc. Dòng máu lại chảy xuống như sợi chỉ đỏ lấp lánh.

Tôi ngồi ăn tô hủ tíu trên vỉa hè cạnh đó. Chung quanh hàng quán tấp nập. Bún chả, phở, cơm tấm, bánh mì bò kho. Những con chó con chạy loanh quanh nhặt nhạnh các mẩu xương gà.

Lúc ấy có một gã đàn ông ốm yếu, quắt queo, mặc chiếc quần đùi bẩn thỉu, mình trần lấm lem đất cát. Gã đi chân đất. Những ngón chân to bè cong queo như rễ cây, dính đầy bùn. Xương sườn của gã nổi lên như một cái khung vòng cung mọc ra từ những đốt xương sống nhọn hoắc.

Một người khách móc túi cho gã năm ngàn. Gã nghiêng mặt ngó tờ bạc bằng một cái nhìn bạc màu và khô héo. Rồi gã quay đi. Không lấy tờ bạc. Một người khác nhón hai ngón tay cầm cái chân gà đưa cho gã, nhưng gã cũng không lấy. Người nọ có vẻ bực mình, thảy cái chân gà xuống đất, thế là gã dừng lại, cúi xuống nhặt rồi đưa lên miệng nhai ngấu nghiến. Một con chó vừa chạy tới định đớp cái móng heo nằm dưới chân ghế, nhưng gã nhanh tay hơn.

Con chó bỏ đi. Gã ngồi xuống vỉa hè, chăm chút gặm cái móng heo chỉ còn dính một chút thịt thừa.

Những thực khách nhìn gã với vẻ thích thú. Giống như xem một con vật làm xiếc, nhưng tôi thì bàng hoàng.

Gã là ai vậy? Không phải là kẻ ăn mày, vì gã không nhận tiền và phẩm vật từ người khác. Cũng không phải là một con vật, vì gã mang hình dáng một con người: một thân hình tuy gầy gò nhưng cao ráo. Một gương mặt tuy đờ đẫn, thất thần nhưng mũi cao, mắt sâu và có râu quai nón.

Vậy gã là ai mà trôi dạt giữa cuộc sống xô bồ này?

Gã tiến lại chỗ lão già bán rắn, đứng cạnh chiếc xe đạp. Gã đứng xuôi tay chăm chú quan sát những thao tác của lão già. Rồi đột nhiên, như một con vượn, gã vươn cánh tay khẳng khiu, dài ngoằn ra, đẩy lão gìà ngã xuống đất, chộp lấy con rắn, há miệng ra ngậm cái đuôi rắn, hút lấy dòng máu đỏ lòm.

Gã uống máu một cách vội vã, cuống quýt. Cục yết hầu trên cổ gã chạy lên chạy xuống. Hai mắt gã trợn trừng, miệng gã đầy máu. Máu dây cả lên hai gò má, các cơ trên mặt gã giựt lia lịa.

Bây giờ thì tôi biết gã không phải là súc vật, cũng không phải là người. Gã địch thị là một con ma cà rồng đang hiển hiện sống động giữa ban ngày, giữa đám đông hiếu kỳ đang trố mắt trước màn trình diễn kinh dị.

Lão già bán rắn lồm cồm ngồi dậy. Lão sấn tới tung một cú đấm vào giữa mặt con ma cà rồng. Chiếc xe đạp ngã xuống. Cái lồng rắn bung ra. Bầy rắn hổ đất vọt khỏi lồng, trườn tới đám đông và các thực khách trên vỉa hè. Mọi người chạy tán loạn.

Tôi cũng chạy.

Tôi thoát ra khỏi đám đông, tiến về phía đám cỏ cạnh bãi rác. Hai con rắn hổ to như bắp tay đuổi theo tôi. Tôi xoay người lại, tìm một cành cây trong đống rác.

Ngay lúc cúi xuống nhặt cành cây, tôi nhận ra ba con mèo con đang nép vào nhau, trước cặp rắn hung dữ.

Và thay vì nhặt cành cây, tôi bế ba con mèo con lên và bỏ chạy.

BA ĐỨA TRẺ SƠ SINH

TAM THỂ và hai bé chưa có tên

Lúc tôi đem ba đứa trẻ này về thì hai chú mèo con nhặt được trong đống rác lần trước đã được bốn tháng tuổi. Chúng tinh nghịch và có vẻ hài lòng khi được trú ngụ trong đống gỗ trên bãi đất trống.

Nhưng khi tôi đem ba con mèo nhỏ về, định cho ở chung, thì chúng bỏ đi chỗ khác.

Nhà mới của chúng là cái kho chứa đồ phế thải của một ông chủ thường vắng nhà. Ông không mấy khi mở cửa kho vì trong đó chẳng có gì quý giá. Tuy vậy hai con mèo con (một con màu vàng được cháu nội đặt tên là Vừng và một con mèo xám tên là Mè) vẫn có thể ra vô kho được qua cái lỗ hổng khá lớn trên cánh cửa.

Còn ba đứa trẻ sơ sinh kia thì nghiễm nhiên trở thành chủ nhân của đống gỗ.

Nó giống như một hang động chằng chịt những ngóc ngách tạo nên bởi nhiều loại gỗ, to nhỏ dài ngắn khác nhau, xếp lớp giữa những tấm ván sàn, ván cốt-pha, ván ép.

Đống gỗ được che phủ bởi một tấm bạt lủng nhiều lỗ và lũ trẻ con sử dụng nó như những cửa hang để ra vào.

Sáng sớm, tôi đem thức ăn đến cho chúng trước tiên và chúng đã đánh hơi thấy tôi từ khi còn cách năm sáu mét. Chúng chui ra từ trong những lỗ rách của tấm bạt và thường thì buông mình rớt tự do xuống nền đất. Chúng leo lên vỉa hè, bu quanh đĩa thức ăn, hấp tấp, mừng rỡ, cuống quýt.

Căn hộ của hai trẻ Vừng và Mè ở ngay đối diện. Tôi vừa quay mặt lại đã thấy Vừng ló đầu ra khỏi lỗ cửa, còn Mè thì đã ngồi điềm nhiên trên đầu tường và ngáp.

Không giống như lũ mèo con, Vừng và Mè ăn uống chững chạc, giữ ý như những đứa con lễ giáo, khuôn phép. Chúng gặm một miếng cá nhỏ, nhai, rồi ngửng lên nhìn tôi có vẻ như muốn nói: “Cũng khá đấy!” rồi cúi xuống ăn tiếp. Con vừng thì cảnh giác nhìn chung quanh, đề phòng hai con chó berger của nhà hàng xóm.

Quả nhiên đã đến giờ thả chó.

Chúng như hai con gấu từ xa lao tới khiến lũ mèo khiếp đảm: Ba đứa trẻ thì chui vào đống gỗ. Vừng và Mè thì biến mất trong nhà kho.

Tôi thì đứng dậy. Ra giữa đường, dạng chân, giăng hai tay, chặn lũ chó. Nó gồm hai con, một màu đen là berger lai ngao, một có vẻ là thuần chủng berger Allemand nặng chừng 60 ký. Thấy tôi đứng chặn, chúng dừng lại một khoảng cách chừng năm mét.

Trước đây nhiều lần chúng quá thô bạo, tôi phải dùng roi để quất vào mông chúng. Lũ con tôi nói:

-Trời ơi! Sao ba đánh nó. Nó dữ lắm đấy. Có thể cắn chết người.

Con tôi không biết rằng trước khi những con mèo này đến cùng tôi, thì hai con chó khổng lồ ấy, với tôi, đã có mối giao tình. Không hiểu sao mọi người trong khu phố ai cũng sợ chúng vì chúng thường đe doạ họ. Nhưng tôi thì không.

Bất cứ ai, khi đi ngang qua trước nhà chúng, chúng đều chồm lên sủa bằng một thứ giọng của tử thần. Vậy mà gặp tôi thì chúng im lặng. Chúng tiến đến gần, ngửi ngửi rồi vẫy đuôi. Tôi vuốt đầu chúng, vuốt lưng chúng. Chúng sà đến, dụi đầu vào ngực tôi, rồi chỉ ít lâu sau, chúng đã chồm lên, gác hai chân trước lên vai tôi và… liếm mặt. Tôi ôm và vuốt lưng chúng.

Nhiều lần tôi tưới cây, chúng chạy đến ngay trước vòi nước há miệng ra uống, rồi đòi tắm. Chủ nhà la lên:

-Chú ơi! Đừng tắm. Cháu vừa mới tắm xong.

Chúng nghe chủ gọi, ngoan ngoãn bỏ về.

*

Lần này thì hai con berger khổng lồ cũng không dám vượt qua tôi, nên phải quay về nhà. Vừng và Mè lại xuất hiện quanh đĩa thức ăn. Ba đứa trẻ lại ló mặt ra khỏi những cái lỗ rách của tấm bạt và tuột xuống đất. Chúng như những em bé xác xơ, cố nhặt nhạnh bằng hết những mẩu thức ăn còn sót lại. Tôi đi lấy nước cho chúng và nhìn chúng đùa giỡn với nhau trên vĩa hè như lũ trẻ bụi đời vừa được một bữa ăn thoả thích.

Chúng không được nhanh nhẹn lắm vì hãy còn quá gầy gò xơ xác. Lông chúng xù lên từng mảng khô cứng, xương sườn lòi ra, bụng ỏng và đuôi thì đã rụng hết lông như đuôi chuột. Tuy vậy tạo hoá vẫn giữ lại cho chúng sự ngây thơ của con trẻ, sự hồn nhiên của những thiên thần nhỏ.

Chúng nô giỡn quanh chân tôi, đùa nghịch với hai ống quần, thi nhau cắn xé, nhâm nhi, vồ chụp, cào cấu. Rồi đột nhiên, chúng chui tọt vào ống quần short rộng thùng thình của tôi, có vẻ như chúng vừa khám phá ra hai cái vật gì tròn tròn trong bóng tối mà chúng có thể khều ra để làm đồ chơi.

Tôi phải lôi từng đứa ra, ôm trước ngực, vuốt ve chúng. Chúng lim dim mắt. Đứa thì ngả đầu vào ngực tôi, đứa thì rúc vào nách tôi, đứa thì ngậm đầu vú của tôi mà núc.

Đó là lần đầu tiên trong đời tôi cảm nhận được cảm giác của chiếc lưỡi mèo. Nó có gai, giống như tờ giấy nhám, lướt nhẹ qua da thịt tôi, vừa rát, vừa nhột, vừa tràn đầy một niềm thương cảm vô bờ bến.

TÌM MỘT MÁI ẤM

Đau mắt

Buổi sáng, khi ra đống gỗ cho ba nhóc ăn thì phát hiện một con bị đau mắt. Mắt bên phải đầy ghèn, ghèn che kín mắt như một vệt mủ vàng to bằng đốt ngón tay.

Nó cố gắng leo ra khỏi cái lỗ nhưng vì không thấy đường nên không dám nhảy xuống đất. Tôi đặt nó trong lòng bàn tay, nhìn vào mặt nó, nó không mở mắt ra được. Như kẻ mù loà.

Tôi bẻ khúc cá ra từng miếng nhỏ, cho chúng ăn thật nhanh rồi bỏ đứa bé vào túi vải, chạy xe tới trạm thú y.

Rất may là ở đó vắng người. Nhưng khi tôi bước vô thì nhìn thấy trên bàn một cảnh tượng chưa từng chứng kiến: một con mèo lớn màu xám, vằn đen đang nằm ngửa, hai tay và hai chân bị trói bằng bốn sợi dây, căng ra bốn bên.

Nó đã bị gây mê. Như một xác chết. Hai mắt nó mở lớn, bất động.

Bác sĩ đang mổ bụng nó.

-Bị gì vậy?

-Đang triệt sản.

Một ca phẫu thuật rất ít máu, chỉ vài giọt ở mép vết thương và những ngón tay của bác sĩ.

Người trợ lý, mà dường như cũng là vợ của bác sĩ hỏi tôi:

-Mèo bác bị sao vậy?

-Cô xem giùm con mắt phải.

Tôi đặt chú mèo con ở mép bàn. Cô ta cúi nhìn vào mặt nó.

-Không sao đâu. Bác chờ chút. Trong khi con khâu vết mổ thì ảnh sẽ chữa mắt cho nó.

Tôi ngồi xuống cái ghế dài. Cô gái nói:

-Đã nuôi mèo là phải đi triệt sản bác ạ. Không chúng sẽ sinh sôi nảy nở rất nhanh. Người ta đem vứt đầy đường rất tội nghiệp.

-Cỡ bao nhiêu tuổi thì triệt sản được?

-Chừng sáu tháng tuổi.

-Nhưng phải gây mê nó, nhìn thật tội. Nhìn nó như một xác chết. Có cách nào khác không?

-Cũng có thể chích thuốc, nhưng chỉ có tác dụng qua một mùa động đực. Sau đó chúng sẽ có khả năng thụ tinh trở lại.

-Nhưng nhìn nó nằm banh xác như thế, không đành.

-Phải vậy thôi, bác ạ. Bác có biết người ta ước tính một cặp mèo trưởng thành sẽ sinh sôi nảy nở trong vòng bảy năm là bao nhiêu mèo con không?

-Bảy năm? Trung bình cứ tám tháng chúng cho ra đời một lứa. Rồi đến thế hệ kế tiếp. Ô, bác không tính được đâu. Nhưng chắc cũng cả vài trăm con.

Cô gái cười.

-Theo ước tính, một cặp mèo trưởng thành chưa triệt sản có thể sản sinh đến 781.250 mèo con sau bảy năm. Chỉ một phần ít trong số đó được nhận nuôi và có một mái ấm thực sự. Số còn lại sẽ bị vứt ra đường, đối mặt với nguy cơ chết đói, tai nạn và bệnh tật.

Bảy trăm tám mươi mốt nghìn, hai trăm năm mươi con mèo!

Một con số làm tôi kinh hoàng.

Bác sĩ đã phẫu thuật xong, bảo tôi đặt mèo lên bàn. Ông dùng bông gòn lau sạch ghèn trên mắt mèo rồi lau mặt nó bằng một cục bông lớn thấm nước.

Tôi vạch mí mắt mèo cho ông nhỏ thuốc. Ông nói:

-Bệnh này thường gặp, không sao đâu. Bác đem thuốc về, ngày nhỏ 5 lần, trong vài ba ngày là bình phục.

Bây giờ thì mèo con trông đã dễ coi hơn nhiều. Sạch sẽ và khá linh hoạt. Có vẻ nó cảm nhận được sự cải thiện. Và nó ngoan ngoãn chui vào túi.

Từ khi đem chúng về để trong đống củi cho đến khi chữa lành mắt cho chúng, tôi thường dùng điện thoại quay phim và  đưa lên facebook. Vài ngày sau có hai người nhận nuôi.

Một ở Tân Định và một ở quận Một.

*

Người thứ nhất hẹn tôi ở chợ Tân Định. Hai bên nhận ra nhau. Người nọ bước nhanh tới chỗ tôi đứng.

Cháu nội mở nắp lồng, bế con mèo ra. Người nọ có đem theo cái hộp giấy, bên trong lót một miếng vải dày. Anh ta đón con mèo và bỏ vào đấy.

Tôi thấy người đàn ông này cũng hiền lành, chững chạc với đôi mắt chân tình. Tôi rất yên tâm.

-Tôi đã cho nó uống thuốc xổ lãi rồi. Bây giờ nó ăn tốt lắm.

Anh ta lấy một tấm nylon trùm cái hộp giấy, kẹp giữa hai đùi rồi chào tôi. Tôi nói:

-Tôi sẽ liên lạc với anh thường xuyên. Có trở ngại gì anh cho tôi biết.

Cơn mưa đã dứt. Ông cháu lại lên đường. Căn nhà thứ hai chỉ ở cách chợ Tân Định chừng một ngàn mét, trên đường Đặng Tất.

Đó là một ngôi biệt thự nhỏ nhưng khá yên tĩnh. Tôi bấm chuông. Tức thì một tràng tiếng chó sủa vang. Lũ mèo con trong lồng sợ hãi co rúm lại. Bà chủ nhà xuất hiện.

-Chào anh. Tôi cũng có một cái lồng như vậy.

Bà chỉ hé cánh cửa cổng và thò cái lồng ra.

-Chị nuôi nhiều chó vậy sao?

-Bốn con. Nhưng tôi còn nuôi năm con mèo nữa.

-Lũ chó không cắn mèo sao?

-Không đâu. Vì tôi nuôi mèo trong cái lồng sắt. Chúng không đụng tới được đâu.

Cháu nội mở lồng và bế hai con mèo ra. Một con trắng tinh và một con tam thể. Bây giờ đem cho, tôi rất tiếc vì nó quá đẹp và rất tình cảm.

Nhưng người đàn bà đã đặt chúng vào lồng và khép cánh cổng lại.

Tự nhiên tôi sợ. Tôi gọi:

-Chị ơi! Chị có thể cho tôi vô nhà coi chỗ ở của mấy con mèo được không?

Câu trả lời vọng ra từ phía sau cổng sắt:

-Nhà đang có khách.

Tôi nghe bước chân đi xa dần.

Trên đường về, tôi cứ ngơ ngẩn. Tôi lái xe rất chậm, sát lề. Lòng bâng khuâng, nghi hoặc.

-Ông nội không yên tâm. Thấy như mình vừa làm một điều gì đó sai lầm.

-Không sao đâu ông nội. Con thấy nhà đó giàu có,  chắc họ nuôi mèo làm thú cưng trong nhà.

Tôi tim lặng. Những hạt mưa bụi lại tạt vào mặt. Cứ tưởng tượng hai con mèo nhỏ của tôi đang ở trong một cái lồng sắt, giữa bầy mèo xa lạ. Tôi thấy bất nhẫn.

-Ông nội lo quá. Ông nội muốn đòi lại.

-Thì cứ để nó ở đó vài ngày.

-Nhưng liệu lũ chó có để cho chúng sống được vài ngày không?

-Chúng ở trong lồng sắt mà.

-Tại sao lại nuôi mèo trong lồng sắt? Ông nội không bao giờ chấp nhận nuôi một con vật gì trong lồng. Kể cả chim.

Và tôi quay xe lại.

Tôi bấm điện thoại. Chuông đổ liên tục. Nhưng không bắt máy. Tôi bấm chuông cửa và đợi. Chừng mười phút sau, một cậu thanh niên bước ra. Vẫn chỉ hé cánh cổng.

-Mẹ cháu đang tiếp khách.

-Này cháu. Bác xin lỗi. Cho bác xin lại hai con mèo. Bác không yên tâm với mấy con chó. Cháu vào nói giúp với mẹ cháu như vậy.

Lát sau bà chủ nhà ra mở cổng với cái lồng mèo. Tôi chỉ muốn bật khóc khi lại được ôm hai đứa trẻ vào lòng.

-Xin lỗi con. Ông ngoại xin lỗi con.

Rồi chúng tôi quay về.

Lần này tôi chạy xe rất nhanh, giữa cơn mưa xối xả.

ĐỨA TRẺ

ĐANG HẤP HỐI

Một nhánh sông Sài Gòn chia làm hai, ôm lấy bờ cây, thành vòng bán nguyệt. Cây ở ven sông thường là cây bần, rễ dày, lá nhỏ, lấp lánh sáng. Tiếp đến là một vùng cỏ dại mọc lẩn lộn với rau muống nước và cây kèo nèo.

Những lúc sáng sớm, thỉnh thoảng tôi vẫn thường băng qua vùng cỏ cao, ra sát bờ sông, nhìn nước triều lên, mang theo lục bình nở hoa tím ngan ngát. Có khi lục bình biến đâu mất, chỉ còn lại một mặt nước phẳng lặng, gợn chút tăm cá. Mặt trời chưa lên và đôi khi có chút sương mỏng như khói mong manh, lan toả trong tĩnh mịch.

Tôi đứng chờ một sự vô định, ngẫu hợp và hư ảo. Tôi đứng chờ một tiếng sóng xa hút, bí nhiệm nào đó dưới chân những đám rễ cây chằng chịt ven bờ. Tôi đứng chờ một tiếng chim cuốc kêu mỏi giữa bình minh đang lên.

Rồi tôi trở về con đường cũ. Băng qua đám cỏ cao. Băng qua những vệt cỏ ngã rạp của con rắn nước vừa đi qua. Nó từ bờ sông lên, tìm cách vô khu đất hoang cạnh ngôi nhà đang xây dang dở vì ở đó có nhiều tiếng ếch nhái và ễnh ương. Ở đó cũng có những con cá rô, cá sặc nằm lẩn dưới những gốc rau muống.

Khi tôi qua khỏi vùng cỏ cao để bước vào lòng đường thì nghe có tiếng mèo kêu. Những tiếng meo meo yếu ớt như từ trong lá cỏ bốc lên, run rẩy như lời hấp hối.

Tôi dừng lại, tìm kiếm trong bờ cỏ, trong những cành củi khô, lá mục. Meo meo. Một chú mèo con màu đen nhỏ như củ khoai nằm ngay giữa lòng đường. Nó ướt nhẹp lạnh cóng và bất động.

Ở nhà tôi đang có sáu con mèo hoang. Tôi sẽ làm gì với đứa trẻ đang hấp hối này. Tôi biết rằng tôi không có chọn lựa. Dường như Đức Chúa Trời không bao giờ cho tôi sự chọn lựa. Ngài đặt trước mặt tôi một sinh vật hấp hối rồi biến mất. Không phải ngài muốn trao gánh nặng cho tôi, nhưng ngài biết tôi là ai. Tôi cũng là một sinh vật mong manh như đứa trẻ này và ngài biết tôi sẽ làm gì.

Tôi đặt nó trong lòng bàn tay trái và dùng bàn tay phải ủ lên người nó. Nó không còn một chút hơi ấm. Nó ngọ ngoạy yếu ớt.

Tôi mất mười phút để về tới nhà, bước vào phòng của cháu nội.

-Giúp ông nội một tay.

Con bé hiểu ngay chuyện gì đang xảy ra. Hai ông cháu rón rén. Lén lút như những tên trộm. Cháu nội đem vào phòng tôi một cái hộp giấy có lót sẵn cái áo cũ.

Tôi đặt đứa trẻ nằm xuống. Nó chưa mở mắt. Tôi đưa đầu ngón tay vào giữa miệng nó nhưng nó yếu đến nỗi không biết núc, không bú được. Cháu nội nói:

-Để con ra thú y mua một cái bình sữa.

Nhưng nó không biết ngậm núm vú. Sữa cứ trào ra khỏi miệng, làm ướt lông cổ. Cháu nội lấy khăn lau cho nó, rồi kêu lên:

-Có con gì, ông nội ơi!

Đó là những con giòi. Chúng nhỏ như đầu tăm, trắng hếu, bò lúc nhúc lẩn trong lông mèo. Cháu nội ném cái khăn xuống đất. Tôi lấy mắt kính, lúng túng không biết phải làm gì với những con vật kinh tởm ấy.

Rồi lấy một tờ giấy vệ sinh, tôi chộp từng con. Nhưng chúng nhỏ quá, không chộp được, có khi làm đứt cả lông mèo. Cuối cùng tôi phải dùng những ngón tay trần để bắt, nhưng không biết bỏ đâu. Tôi day nát chúng rồi chùi tay trên miếng giẻ.

Chúng lúc nhúc đầy trong hai lỗ tai. Những nơi ấy sưng lên, đỏ loét, nhầy nhụa. Giòi từ trong tai cứ trào ra, cứ đùn lên, đùn lên, hết lớp này đến lớp khác. Tôi bắt liên tục nhưng chúng cũng trào ra liên tục. Có cảm tưởng như trong não của con mèo bé bỏng này đang chứa đầy giòi. Toàn giòi là giòi. Trùng trùng điệp điệp.

Chúng tôi rất hoảng sợ. Cháu nội lấy miếng giẻ quấn con mèo lại cho ấm.

Khi chúng tôi đem nó ra trạm thú y thì bác sĩ phát hiện ra hậu môn của nó cũng đầy giòi. Hậu môn cũng đỏ loét, sưng tấy lên.

-Bây giờ làm sao, bác sĩ?

-Nó yếu quá. Khó đấy.

-Nhưng không có cách gì trục hết lũ giòi ra khỏi cơ thể nó sao? Cũng như xổ lãi vậy?

-Không được. Chỉ có thể bắt từng con.

-Không có thuốc gì nhỏ vào tai cho giòi trào ra hết sao?

-Không.

Mọi người xúm nhau bắt giòi. Có lẽ cũng được chừng trăm con. Bác sĩ nói:

-Cố gắng cho nó bú sữa.

Nhưng khi đem về nhà nó vẫn không bú được. Tôi xịt sữa vô cổ họng nó. Nó sặc. Nó quằn quại. Và lạnh ngắt. Cháu nội lấy một chai nước nóng, bọc trong miếng vải lót rồi đặt mèo lên trên. Nó ngủ được một lát.

Xế chiều chúng tôi lại đem mèo lên sân thượng để nhìn cho rõ mà bắt giòi. Tôi hy vọng giòi đã giảm bớt. Nhưng không. Chúng cứ trào ra từ hai lỗ tai và hậu môn như “chiến thuật biển người”.  Hai ông cháu cố gắng lần cuối. Bắt lia lịa, Hàng trăm con, trùng trùng điệp điệp. Trời ơi! Làm sao một sinh linh bé nhỏ như thế này lại có thể chịu đựng nổi lũ quái vật đang tràn ngập cơ thể như vậy?

Bấy giờ thì hai lỗ tai và hậu môn nó càng đỏ loét. Nó đau đớn, quằn quại nhưng không đủ sức để kêu khóc nữa. Giòi đã bớt, nhưng nhìn sâu vào trong vẫn thấy chúng ngọ ngoạy.

Hai ông cháu nhìn nhau, tuyệt vọng. Tôi lấy ngón tay thấm sữa bột bôi lên lưỡi mèo với hy vọng nó sẽ nuốt được chút ít sữa nhưng dường như nó đã mất hết cảm giác.

Tối ấy nó ngủ trong cái hộp giấy đặt dưới chân giường tôi. Tôi lắng nghe tiếng nó khua động trong hộp để biết rằng nó còn sống.

Bốn giờ sáng, như thường lệ, tôi thức dậy và nghe có tiếng khua động trong hộp giấy, sau đó là một tiếng meo nhỏ. Tôi mừng là nó còn sống và nghĩ bụng: đợi khi cháu nội thức dậy sẽ bắt giòi cho nó lần nữa.

Bảy giờ, cháu nội thức dây, Chúng tôi lại bê cái hộp giấy lên sân thượng và mở nắp ra. Bế nó lên. Nhưng nó đã cứng đờ, hai mắt mở hé. Tôi nghĩ là nó đã chết sau tiếng kêu “meo” cuối cùng lúc bốn giờ sáng.

Bạn có bao giờ ủ một sinh vật nhỏ bé đã chết lạnh ngắt giữa hai lòng bàn tay mình chưa?

Một sự thương cảm quặn thắt. Bất lực và tuyệt vọng trước lẽ tử sinh. Một sự cam chịu ngậm ngùi lan toả mờ mịt. Nước mắt cứ trào ra, lặng lẽ, khốn khổ. Bạn sẽ cảm thấy kiếp người phù du, nhỏ bé, hèn mọn và tủi hổ dường nào …

Chúng tôi bỏ con mèo trong cái hộp nhựa trong suốt. Như chiếc quan tài bằng kiếng. Những con giòi vẫn còn bò lúc nhúc trên lông nó. Vĩnh biệt con. Vĩnh biệt một kiếp phù du, hèn mọn và tội nghiệp giữa cuộc sống muôn trùng này. Ông ngoại xin lỗi đã không cứu được con.

Tôi chôn nó bên cạnh Bún và con chim nhỏ bị  Xíu vồ chết hôm trước.

Dưới gốc cây này sẽ là nghĩa trang của những sinh vật bé nhỏ tội nghiệp của tôi. Vĩnh biệt các con yêu dấu.

MÙA VU LAN  

BUỒN THẢM

Rằm tháng Bảy, ngày báo hiếu, sao tôi lại mất đi những đứa trẻ mà tôi đã nuôi nấng, cưu mang từ bé?

Tôi là đàn ông, nhưng tôi đã nuôi  lũ trẻ như một người mẹ. Một nách bảy đứa con mọn, từ vài tuần tuổi đến vài năm tuổi.

Vài năm tuổi, đối với đời một con mèo là đã trưởng thành.

Rằm tháng Bảy, ngày báo hiếu. Tôi không cần chúng báo hiếu. Tôi cần chúng sống bên cạnh tôi, no ấm, chơi đùa. Tôi cần chúng sống trọn tuổi thơ của chúng, tươi tốt, hồn nhiên và hạnh phúc.

Tôi không cần chúng báo hiếu, nhưng tôi cần bảo vệ, che chở, thương yêu chúng như thương yêu con ruột của mình. Đó là ước muốn của tôi. Đó là quyền của tôi. Sao tôi lại bị người ta tước đoạt cái quyền thiêng liêng ấy?

Tôi đang sống trong một xã hội, một môi trường đầy dẫy những hiểm họa, bủa vây, rình rập mọi lúc, mọi nơi.

Đầy bất trắc và vô phương cứu chữa.

Rằm tháng Bảy. Chưa bao giờ tôi thấy bất lực và tuyệt vọng đến thế.

*

Sáng sớm, tôi xuống nhà, vào bếp lo bữa ăn cho mấy con mèo rồi đem cho chúng.

Và tôi đã nhìn thấy một vật gì nằm bẹp dí ngay giữa lòng đường. Đó là con Tam Thể, một trong ba con mèo con mà hôm trước tôi đã cứu nó từ nanh vuốt của hai con rắn hổ đất.

Vị trí nó nằm chết ở ngay trước nhà người đàn bà từng cầm cây chổi chà mắng nhiếc tôi là kẻ làm dơ vỉa hè.

Tôi nhặt con mèo lên, đặt trong lòng bàn tay, thấy cơ thể nó hãy còn mềm mại, chứng tỏ nó chỉ vừa bị giết chết. Trận mưa tối qua làm mặt đường ẩm ướt vì thế lông mèo dính đầy đất cát.

Tôi hỏi một cậu thanh niên đang đứng bên kia đường.

-Cháu có nhìn thấy ai giết con mèo của chú không?

-Cháu mới thức dậy.

Tôi ngồi bệt xuống vỉa hè, sững sờ nhìn con vật nhỏ bé nằm co trong lòng bàn tay. Nó mở mắt – hình như tất cả những con mèo khi chết đều mở mắt – nó lặng thinh, bé bỏng và thơ dại. Tôi cũng lặng thinh, tôi đông cứng trong giây phút hoá thạch vĩnh cửu và tàn nhẫn ấy. Con ơi, tại sao con lại xuất hiện trong đời của ngoại? Tại sao khi cho con ăn xong con lại chạy theo ngoại về nhà?

TAM THỂ chạy theo ông ngoại về nhà

Chiều hôm qua, sau bữa ăn, nó cũng chạy theo tôi về nhà, nhưng tôi đã xua đuổi nó. Chỉ vì tôi biết con Xíu đang chờ ở cổng. Nó phải dừng lại, do dự giây lát rồi quay về đống gỗ.

Ngờ đâu đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy nó.

Con ơi! Đứa trẻ mong manh và thơ ngây của ngoại. Ông trời ơi! Sao cứ đẩy tôi vào những tình huống đau lòng?

Bây giờ con chỉ còn là một cái xác lạnh ngắt. Ông ngoại đã cứu con khỏi nanh vuốt của những con rắn nhưng lại đặt con vào một tử địa khác. Thà hôm trước ông ngoại cứ trao con cho người đàn bà sẽ nuôi con trong chiếc lồng sắt, còn hơn là đem con về đây để con được tự do.

Và chết vất vưởng giữa đường.

Tôi bất lực và tuyệt vọng. Không còn cách gì cứu đứa trẻ này. Nó chỉ chừng một tháng tuổi. Đứa trẻ từng chạy lăng quăng, nô giỡn trong lòng tôi, từng chui vào ống quần tôi chơi trò cút bắt, từng rúc vào ngực tôi tìm cái núm vú và núc.

Bây giờ chỉ là một cái xác lạnh ngắt.

“Un monde…. Où tout est fugitif, périssable, incertain, Où le jour du bonheur n’a pas de lendemain. Một thế giới mà mọi thứ đều phù du, tàn lụi, vô định. Và hạnh phúc thì không có ngày mai.”  (LAMARTINE)

Tôi lại đặt nó vào cái hộp nhựa trong suốt. Cái hộp ấy thường ngày tôi vẫn dùng để đựng thức ăn cho nó. 

Tôi chôn nó ngay dưới gốc cây bàng, cạnh Bún Hồng và con mèo nhỏ hôm trước đã chết vì bị giòi bọ đục khoét.

Vĩnh biệt các con. Ba đứa không cùng cha mẹ, không biết từ đâu trôi giạt về đây, nhưng cùng sống trong vòng tay của ngoại, từng được ngoại cưu mang, che chở và nuôi nấng, và giờ đây, cả ba đếu phải nằm dưới lòng đất, bên cạnh nhau. Hãy là anh em ruột thịt với nhau ở cái thế giới xa lạ mà các con vừa đến. Hãy thương yêu nhau và cùng nhau nô giỡn trên cõi thiên đường.

Chôn cất bé Tam Thể xong tôi mới nhớ đến bữa ăn của bé Vừng và Mè.

Đây cũng là hai trẻ bụi đời. Tôi đã nuôi chúng được hơn sáu tháng. Chúng đã lớn. Và từ ngày có ba đứa trẻ sơ sinh thì chúng rút vào ở trong cái nhà kho bỏ hoang. Nơi đó vừa là chỗ ở, vừa là pháo đài bảo vệ chúng khỏi chó, bọn trộm mèo  và… những kẻ độc ác mang hình dạng con người.

Tôi bưng tô thức ăn đến trước nhà kho, gọi Mè và Vừng ra nhưng chẳng thấy đứa nào xuất hiện.

Chừng vài phút sau mới thấy một cái mặt màu vàng ló ra, đó là con Vừng, mắt ngó dáo dác, nghi hoặc và phòng thủ. Tôi đặt tô thức ăn trước cánh cửa.

Vừng rụt rè bước ra. Tôi vuốt ve nó, đẩy đĩa thức ăn đến trước miệng nó. Nó chỉ liếm láp chút ít rồi lại ngửng lên, nhìn chung quanh, quan sát động tĩnh.

-Mè đâu? Tôi hỏi. Em gái con đâu rồi?

MÈ luẩn quẩn dưới chân ông ngoại

Tôi gọi “meo meo”. Gọi hoài vẫn không thấy Mè xuất hiện. Tôi nhìn lên đầu tường, nơi ấy mọi khi Mè vẫn thường ngồi chơi, hoặc đợi tôi đi ngang qua thì nhảy xuống mừng.

Meo meo… chờ đợi một khuôn mặt, một đôi mắt ngái ngủ. Chờ hoài, chờ hoài…

Con Vừng đã ăn hết phần cá của nó. Em con đâu? Chuyện gì đã xảy ra vậy? Không có ngôn ngữ. Không một chút biểu hiện. Mè đã biến mất, không để lại dấu vết. Chỉ trong một buổi sáng. Buổi sáng Vu Lan. Hai đứa trẻ đã ra đi, đã biến mất khỏi đời tôi, đột ngột và phũ phàng.

Cả hai đứa trẻ, tôi đã đem về từ cát bụi, từ lầm than, từ biên giới của sự chết. Cả hai đứa trẻ đều là hài nhi, là con đỏ, là giọt máu rơi trong cõi hồng trần mù mịt. Cả hai đứa đều là con tôi, là cháu tôi, đều lớn lên trong vòng tay tôi từng giờ, từng ngày. Sao bỗng dưng biến mất, tan vỡ như bọt xà phòng?

Tôi như kẻ tâm thần, lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm, khắp bờ sông, bãi cỏ, lùm cây. Meo meo. Tiếng gọi vô vọng như tiếng khóc dài giữa sáng sớm, giữa hoàng hôn, giữa đêm khuya khoắt… Meo meo. Mè ơi! Con ở đâu? Sao con không trở về với ngoại? Sao không trở về nằm trong lòng ngoại, đùa giỡn với nhau. Chẳng phải chúng ta đã từng ngồi hàng giờ trên vĩa hè trước đống gỗ để nô giỡn cùng nhau giữa bầy sói lượn lờ chung quanh?

Hai ông cháu đều khóc.

Cháu nội viết status trên facebook:

“Mẹ các em sinh một bầy con, nhưng rồi mỗi đứa một đường. Sáng nay đứa bé nhất đã ra đi trong hàm răng chó, nằm chết ngoài đường, giờ chị chỉ có thể cầu cho em đầu thai sớm. Xuân sau lại về với chị, em à. Còn một đứa lớn hơn được đặt tên là Mè, em đi đâu? Nếu còn sống thì hãy về sớm đi. Chị và anh trai của em đang chờ ở nhà.”

Đó vừa là lời than vừa là lời cầu nguyện.

Chúng tôi đứng lặng im bên nấm mồ của ba đứa trẻ, chết vào ba thời điểm khác nhau. Chúng vô tội, vô nhiễm và thánh thiện.

*

Mè đã mất tích, chỉ còn lại Vừng đơn độc, bơ vơ, không ai bầu bạn.

Bất chấp Xíu và mọi người, tôi quyết định đem Vừng lên phòng riêng ở chung với tôi, để nó có thể được chăm nom, được nằm ngủ trên giường, được leo lên bàn vi tính nằm cạnh bàn phím khi tôi làm việc. Để nó có thể sống tiện nghi như bé Xíu đang sống bên cạnh cháu nội.

Nhưng khi tôi thả nó vô phòng thì nó đã phản ứng dữ dội. Nó sợ. Nó chưa từng ở trong một căn phòng đóng kín cửa. Nó không biết chuyện gì đang xảy ra với nó. Nó cảm thấy bị đe doạ, bị hãm hại. Nó chạy lung tung tìm lối thoát giữa bốn bức tường kín mít. Cuối cùng nó chui vào gầm giường, nép người trong xó tối.

Tôi nằm sát xuống sản nhà, gọi nó, nhưng nó không ra, mặc dù trước nay nó rất quyến luyến tôi, thường sà vào lòng tôi nô giỡn, thường rúc vào nách tôi mỗi khi tôi bế nó ủ vào ngực.

Nó nằm phủ phục, nhìn tôi bằng đôi mắt nghi hoặc, phòng thủ và có chút gì thù hận.

Tôi lấy thức ăn khô mua ngoài tiệm thú y bỏ trong một cái chén, đẩy tới gần chỗ nằm của nó, nhưng nó không ngó ngàng tới.

-Ra đây con, ra đây ông ngoại cưng. Ra đây ông ngoại bế con.

Nhưng nó không nhúc nhích. Nó giữ thái độ xa cách ấy suốt đến chiều tối. Lúc ấy đã quá giờ ăn chiều, tôi biết nó rất đói nhưng nó vẫn không chịu bước ra. Tôi đưa thêm một con cá nục hấp.

Nó  vẫn không để ý.

So với cái nhà kho tối tăm bẩn thỉu thì căn phòng của tôi là một thiên đường, nhưng với nó là vô nghĩa, là tù ngục, là cạm bẫy. Tôi bật ti-vi để dụ nó nhưng vô ích.

Bỗng nhiên nó xù lông lên, hoảng hốt. Tôi không biết chuyện gì. Lát sau nghe tiếng con Xíu khua động phía ngoài cánh cửa phòng. Tôi hé nhìn, xua con Xíu đi. Lúc ấy Vừng mới bình tĩnh trở lại.

Tôi không biết cách gì để dụ nó ra khỏi gầm giường, không biết làm sao để nó hiểu rằng nếu nó ra chơi với tôi, nó sẽ được “đổi đời”, sẽ được vuốt ve, được nằm khoanh tròn, lim dim, lười biếng trên bàn làm việc của tôi…

Tôi xem ti-vi một lát thì đi ngủ.

Nửa đêm, tôi nghe một tiếng động lớn và thức dậy. Mấy chai nước và ly tách tôi để trên đầu tủ lạnh đã rơi xuống đất bể tan tành. Chiếc ti-vi bị xô lệch qua một bên, còn con mèo thì đang uống nước trong toa-lét.

Tôi gọi nó ra. Tôi gọi tên nó, dịu dàng, trìu mến, nhưng nó lại nép mình trong xó. Rồi đột nhiên nó vọt ra, chui tọt trở lại dưới gầm giường.

Hai giờ sáng tôi lặng lẽ thu dọn các mảnh thuỷ tinh vỡ, quét nhà và sửa lại cái ti-vi cho ngay ngắn.

Tôi pha một bình trà và thức luôn cho đến sáng.

Tôi không dám mở cửa phòng vì sợ Xíu chạy vào, hoặc Vừng sẽ chạy ra và hai đứa đụng độ nhau náo loạn. Tôi nghĩ cứ để nó ở dưới gầm giường như vậy vài bữa nó sẽ quen và sẽ mò ra chơi với tôi.

Tôi cúi xuống gầm giường, gọi nó.  Tôi nghĩ rằng nó đã ăn hết con cá vì ở đói suốt ngày hôm qua, nhưng con cá vẫn còn nguyên, cả phần thức ăn khô mua ở thú y, nó cũng không đụng tới.

Tôi nằm xuống nền nhà, gọi nó hồi lâu nhưng nó vẫn không nhúc nhích. Lát sau nó đứng lên, bước tới mấy bước rồi dừng lại. Tôi lại gọi. Nó bước thêm mấy bước nữa, ngửi bàn tay tôi. Tôi vuốt đầu nó.

-Ra đây con! Ra đây ngoại cưng.

Nó bước ra khỏi gầm giường. Tôi đẩy dĩa cá sát miệng nó, nhưng nó quay mặt đi.

-Ăn đi con! Đừng giận. Ông ngoại không làm hại con đâu, chỉ muốn bảo vệ con, chỉ muốn cứu con khỏi bị người ta giết chết. Con có hiểu không?

Nhưng nó vẫn nghi hoặc. Nó nhìn quanh căn phòng. Có vẻ do dự. Rồi lùi mấy bước. Cuối cùng nó quay trở lại trong xó tối, dưới gầm giường.

Tôi nghĩ là nó muốn tuyệt thực để phản đối tôi đã giam cầm nó.

Lát sau, khi tôi ngồi vào bàn vi tính thì có tiếng gõ cửa. Cháu nội mở cửa phòng bước vào, tức thì Vừng vọt ra như một tia chớp. Nhưng nó không biết phải chạy đi đâu. Nó không hề có ý niệm gì về cái cầu thang, nó phóng bừa lên khung cửa sổ phòng bên cạnh định thoát ra ngoài nhưng đó là cái cửa sổ ở lầu hai, cách mặt đất gần mười mét. Nó hoảng hốt ôm cứng lấy những thanh sắt, run sợ và hung tợn.

Tôi bước thật chậm đến.

-Vừng ơi! Đừng sợ. Ông ngoại đây, Ông ngoại bế con xuống nha?

Rồi đưa tay định vuốt ve nó, nhưng nó gào lên, nhe răng, giương móng vuốt. Tôi bối rối, không biết phải làm gì.

-Vừng ơi! Đừng sợ. Đừng sợ.

Tôi lấy một cái khăn tắm dày, bọc bàn tay và chộp lấy nó. Nó gào lên vùng mạnh.

VỪNG khi mới về nhà được ba ngày

Nó cắn bàn tay tôi lủng một lỗ, phụt máu đầm đìa. Cổ tay tôi cũng bị cào mấy vệt, ứa máu.

Nhưng tôi cũng đem được nó xuống nhà và thả nó về chỗ nhà kho cũ.

Nhưng nó không chui vô nhà kho. Nó chạy thẳng ra bờ sông và biến mất trong những lùm cây thấp mọc giữa bùn lầy và rác rưởi.

Suốt ngày hôm đó tôi đến bờ sông, gọi nó đến khan cổ họng mà cũng không thấy bóng dáng nó. Tôi lấy một cái gáo dừa đặt vào đó một con cá, để ngay chỗ mà khi sáng nó chui vào, với hy vọng đến tối nó sẽ mò ra ăn, nhưng sáng hôm sau, khi tôi ra bờ sông tìm nó, thì thấy con cá vẫn còn nguyên.

Tôi nghĩ là tôi đã mất nó.

*

Sáu tháng trước, tôi và cháu nội đã cứu hai anh em nó từ đống rác đầu cầu. Cách đây mấy ngày thì Mè đã bị bọn săn mèo bắt đi. Vừng còn lại một mình. Tôi muốn cho nó cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng lại đẩy nó vào một tình huống quá khốn nạn.

Tối qua tôi không ngủ được vì cứ nằm tưởng tượng nó đang co ro trong bụi cây trên vùng đất bùn lầy ẩm ướt và bẩn thỉu. Tôi muốn nó được nằm cạnh tôi, tựa đầu trên ngực tôi mà ngủ. Vậy mà không được.

Tại sao?

Vì không giao tiếp được bằng ngôn ngữ?  Hay vì tôi quá vụng về?

Tôi ân hận và thương nó xót xa.

Còn bây giờ thì nó đã biến mất.

Tôi lại đi tìm.

Đời tôi đã đi tìm những con vật nuôi như thế biết bao nhiêu lần rồi.

Đi tìm. Đi tìm. Cứ đi tìm mãi.

Vừng ơi! Vừng ơi!

Lại những bờ sông. Lại những lùm cây. Lại những đám cỏ cao, những góc phố, vỉa hè, đầu chợ.

Lòng tôi tràn đầy ân hận.

Sự vụng về của tôi đã đẩy một đứa trẻ mà tôi đã nuôi từ tấm bé, một đứa trẻ vừa trải qua cuộc rượt bắt kinh hoàng của bọn săn mèo… vào một hoàn cảnh đơn độc, lạnh lẽo và đói khát, không chốn nương thân…

Tôi cảm thấy mình có lỗi, nhưng không biết cách nào để chuộc lại lỗi lầm ấy.

Xế chiều thôi trở về trong tuyệt vọng.

Khi đi ngang qua một bãi đất trống, nơi người ta dùng làm công trường đúc những ống cống thoát nước bằng bê tông, tôi chợt nghĩ:  sao không thử vào tìm nơi này?

Và tôi leo rào bước vô. Lúc ấy đã ngoài giờ làm việc, những người thợ đã về hết. Tôi vừa đi vừa gọi: meo meo, Vừng ơi! Vừng!..

Tôi nhìn vào trong từng cái ống cống dựng đứng. Tôi chui vào những ống cống lớn nằm ngổn ngang khắp nơi.

-Vừng ơi! Vừng!

Như một phép lạ: một con mèo vàng có vằn nâu từ một góc khuất nào đó chạy lại.

Tôi ngồi bệt xuống đất và đưa hai tay ra. Nó sà vào lòng tôi, cọ má vào cánh tay tôi. Meo meo. Như một lời thủ thỉ. Tôi không dám cử động mạnh, tôi vuốt ve nó mà nước mắt trào ra đầm đìa trên mặt. Rồi như một cơn sóng trào dâng, tôi oà khóc.

MÌ ƠI! SAO CON KHÔNG VỀ?

MÌ trong sân nhà

Mì là con mèo nhỏ đã xuất hiện ở đầu cuốn sách này. Nó là đứa bé paria nghèo khó, lấp ló ngoài cổng xin ăn, trong một buổi chiều mưa phùn lất phất. Tôi đã nuôi Mì gần hai năm nay và nó đã trở thành một chàng trai cường tráng, đẹp đẽ, hiền lành.

Và rất yêu tôi.

Lâu nay tôi không nhắc đến nó vì có quá nhiều những đứa trẻ mồ côi, bụi đời khác đã đến với tôi từ nhiều ngả, nhiều tình huống, nhiều cảnh ngộ… như tôi đã hầu chuyện cùng bạn trong hơn một trăm trang sách.

Còn hôm nay thì tôi không thể không nhắc đến nó vì là ngày Vu Lan buồn thảm.

*

Năm giờ sáng tôi dậy mở cửa thì không thấy Mì đứng trên bờ tường như thường lệ. Mọi ngày, khi tôi vừa chạm tay vào cánh cửa thì đã nghe tiếng meo meo của nó phía ngoài. Nhưng sáng nay thì im lặng. Tôi nhìn lên đầu tường, nhìn khắp chung quanh, vẫn không thấy bóng dáng của nó. Tôi gọi:

-Meo, meo! Mì ơi, Mì!

Chỉ nghe giọng mình tan vỡ giữa những vòm lá, chỉ thấy những cọc sắt nhọn của bờ tường và cái hộp nhựa đựng thức ăn chứa đầy nước mưa.

-Mì ơi, Mì!

Đứa trẻ hiền lành, nũng nịu và đằm thắm, cái bóng đen trắng loang lổ, cái mặt tròn cọ vào tường vôi, đôi mắt lim dim thơ dại. Mì ơi! Con đi đâu vậy? Sao con không về với ngoại.

Hôm đó là ngày thứ Bảy, 27/8/2016.

Tôi lại đứng ngóng lên bờ tường trong giờ ăn chiều. Vẫn chỉ là những cọc sắt. Vẫn chỉ là cái hộp nhựa đựng thức ăn. Vẫn chỉ là những tán lá phượng xanh thẫm trên cao. Mì ơi! Sao con không về? Sao con không về?

Buổi tối tôi đứng trên sân thượng nhìn xuống những mái nhà hàng xóm. Thường ngày con vẫn đi lang thang trên đó, con vẫn nằm trong cái hốc tối của mái hiên che cánh cổng, con vẫn nằm im lặng, trầm ngâm chờ đợi. Con chờ ông ngoại bước ra, đứng trên cái bục, vuốt ve con, để con dụi mặt mình trong lòng bàn tay ngoại.

Con yêu ơi, ngoại thương con lắm. Vì con chính là Bún đầu thai trở lại căn nhà này để sống bên cạnh ngoại và bên cạnh “cháu nội”, mẹ nuôi của con. Và Mì ơi! Ngoại vẫn nghĩ con là hiện thân của người mẹ đau khổ của ngoại đã chết trong cô độc, tối tăm, một mình trong căn phòng nhỏ nơi làng quê mà ngoại từng sống suốt quãng đời thơ  ấu.

Mì ơi! Sao con bỏ đi? Sao con không về với ngoại?

Tôi không biết vì sao nó lại đột ngột mất tích. Nó bị bọn săn trộm bắt, hay đã ra đi trong mùa động dục? Hay đã có người hàng xóm nào giết chết khi nó lẻn vào bếp lục lọi đồ ăn?

Kẻ nào?

Kẻ nào đã phủ xuống đời tôi sự đau khổ mênh mông này?

Tôi đi giữa trưa nắng, dọc theo những con kênh đầy rác. Mì ơi! Mì ơi! Tôi gọi trong tuyệt vọng. Tôi tìm kiếm trong rác rưởi trong lá mục, trong bờ cỏ… một cái xác mèo lông đen trắng. Có thể nó đã bị chó cắn chết. Có thể nó đã bị nhà hàng xóm đập chết và quẳng xuống kênh.

Mì ơi! Tôi đi tìm và gọi một xác chết.

Tôi đi tìm và chờ mong được nhìn thấy một cái bóng nhỏ bé từ trong bụi rậm chui ra, từ trong đống rác chui ra, từ trong trí tưởng tượng xuất hiện và chạy đến bên tôi. Mì ơi! Con đang ở đâu vậy? Hãy hiện ra đi. Hãy chạy đến bên ngoại. Hãy hiện ra đi, dù chỉ là ảo giác.

Tôi đi quanh khu cư xá, thất thểu như kẻ mất hồn, như người cha mất con trong chiến tranh. Mặt đầm đìa nước mắt. Người ta nhìn tôi. Những người hàng xóm, lũ trẻ con, những người quét rác, những kẻ bán hàng rong… nhìn tôi.

Tôi khốn khổ, tan nát và hấp hối.

Thà tôi làm kẻ ăn xin suốt ngày ôm con mèo nhỏ của mình đi khắp mặt đất đầy gió bụi lầm than này, để được vuốt ve đứa trẻ hiền hậu, thơ dại và tội nghiệp mà Trời đã ban cho tôi từ trong máng cỏ rách nát, để tôi chăm chút từng bữa ăn, để tôi nâng niu trừng đám lông khô héo, để tôi ẵm bế, ôm ấp trước ngực….

Và cứ đi. Đi khắp cõi hồng trần, trong hành trình cuối cùng của đời mình, cùng đứa trẻ thánh thiện này, hướng về cõi chết, hướng về vực thẳm…

Nhưng bờ kênh chỉ trơ ra những rác rưởi. Tôi đã không tìm thấy xác nó. Tôi đã không nhìn thấy hình bóng nó. Tôi đã không tìm thấy gì dù chỉ là một ảo ảnh.

Tôi ngồi bên bàn ăn, giữa mọi người trong gia đình, nhìn chén cơm, đôi đũa và khóc. Trong đời tôi đã từng nhiều lần khóc vì những con vật nuôi, nhưng chưa lần nào tôi nức nở như khóc cho Mì.

Tôi biết rằng nỗi đau này sẽ khó mà phai mờ trong tâm hồn tôi.

Hàng ngày ra vô căn nhà, nhìn thấy cái bờ tường quen thuộc. Đó là điểm hẹn đầu tiên từ khi Mì xuất hiện trong đời tôi. Đó là nơi tôi đặt hộp thức ăn đầu tiên cho đứa trẻ mồ côi ấy.

Mì ơi! Sao con không trở về với ngoại? Biết bao giờ con mới lại hiện ra trên bờ tường thân yêu, nơi hò hẹn đầu tiên của ông cháu mình?

Phần Hai

REQUIEM

CHO NHỮNG OAN HỒN

DÀN HỢP XƯỚNG

CỦA MOZART

Mozart cũng là một con mèo nhỏ của nhân loại, ông soạn nhạc năm 4 tuổi và nổi tiếng khắp châu Âu như một thiên tài năm 12 tuổi.

Tinh hoa phát tiết quá sớm đã làm cạn kiệt tinh lực ông. Ông mất vào năm 35 tuổi. Đó cũng là năm ông viết tác phẩm cuối cùng. Tác phẩm Requiem dang dở nhưng đầy huyền thoại.

 Người đời sau xem đó là bản kinh cầu hồn ông viết cho chính mình. Ngày 4/12/1791 Mozart mất trong cảnh nghèo khó. Đám tang của ông được cử hành trong bão tuyết và không một ai đưa tiễn. Ông được chôn trong một nghĩa trang vô danh và phần mộ của ông đến nay vẫn không ai biết đến (*)

Mozart đến và đi giữa trần thế này như một cánh phù du của trời đất, chớp sáng trong khoảnh khắc rồi tàn lụi.

Nhưng trong cái khoảnh khắc ngắn ngủi của cuộc tử sinh, ông đã để lại cho đời hàng trăm tác phẩm rực rỡ mà, với tôi, Requiem là tác phẩm huyền diệu nhất ông viết tặng cho các linh hồn, trong đó có linh hồn các thiên thần bé nhỏ của tôi, đang nô giỡn quanh tôi, trên nền giọng soprano cao vút với giàn đại hoà tấu violon, kèn hautbois và đại phong cầm.

Tôi đóng cửa căn phòng nhỏ của mình. Giọng soprano tiếp nối không dứt. Tôi lặng im bên bàn viết với chai rượu mạnh.

Trong phút chốc, tiếng hát đã dẫn dụ tất cả những linh hồn của lũ trẻ mà tôi đã nuôi từ nhiều năm trước đây, lại hiện về với những đôi cánh trắng. Không chỉ là Xíu, Mì, Bún Hồng, Vừng, Mè hay Tam Thể … mà tất cả đã được gọi dậy. Chúng bay quanh tôi, cùng hát Requiem:

Grant them eternal rest, O Lord,
and may perpetual light shine on them.

Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời.

Và được hưởng ánh sáng ngàn thu.

Các con ơi! Hãy đến đây, chạy quanh chỗ nằm của ta để nghe bản hợp xướng opera từ quá khứ vọng về.

*

Tôi ngồi bệt dưới nền nhà, lưng tựa vào vách. Chai rượu chỉ còn một nửa. Trong  ánh sáng lờ mờ, mọi vật trở nên hư ảo. Tâm trí tôi cũng hư ảo. Đàn mèo nô giỡn quanh tôi cũng mong manh như sương khói. Chúng đùa nghịch trong kẹt tủ, trong góc nhà, dưới gầm giường… đôi khi chúng bay lên trước mặt tôi như những cái bóng, đôi khi chúng tan loãng, mờ dần và lẩn mất trong những bức tường. Rồi cũng từ đó, chúng hiện ra, nằm ngửa trên nền nhà, lăn mấy vòng, và bốc lên cao như những cụm khói trắng.

Tôi đưa tay ra, cố níu chúng lại, nhưng chỉ còn vướng vất vài sợi khói mỏng.

Rượu chỉ còn một chút cặn dưới đáy chai. Tôi uống giọt cuối cùng và lăn cái vỏ chai vào góc nhà. Đám linh hồn trẻ thơ bám lên tường như những bức tranh tĩnh vật.

Đột nhiên, từ đâu đó vang lên tiếng chó sủa, xa hút, rồi rõ dần, cùng với bóng dáng những con vật mà tôi đã nuôi cách đây năm năm, mười năm, hai mươi năm, ba bốn mươi năm…

Tiếng hát của Cecilia Bartoli cũng rõ dần. Khói trắng từ đâu hiện ra thành những khuôn nhạc của Mozart bay la đà trước mặt tôi. Requiem, cung Rê thứ, hiển hiện cùng giọng soprano  vút cao trên nền hợp xướng.

Những đứa trẻ thân yêu đã chết cách đây hơn ba mươi năm, theo dòng nhạc chạy về. Chúng chạy từng bước nhỏ. Bàn chân chúng lướt đi trên những khuôn âm, những nốt nhạc.

Ban đầu là Mina vàng sậm, chết khi chạy theo tôi băng qua đường. Rồi Hai Cũ lông ánh vàng như nắng, kẻ trở về từ lò sát sinh. Rồi Bi Bi răng khễnh lai berger, chết vì bị đánh bã. Cuối cùng là hai chú mèo nhị thể trắng đen, một đứa tên là Jean Valjean chết cách đây hơn ba mươi năm và đứa kia là Bún Hồng, con nuôi của cháu nội, cũng đang lon ton chạy về.

Chúng quây quần bên tôi, toả sáng những vầng hào quang. Chúng bước thật chậm vào ký ức tôi, vừa đi vừa vẫy đuôi mừng rỡ.

Tâm thức tôi và đàn chó, mèo… hoà lẫn vào một vùng kỷ niệm mênh mông, huyền ảo của cổ tích.

……………………………………………….

(*) Tham khảo Wikipedia.

PHẦN MỘ NGẬP NƯỚC

Thật bất hạnh cho những ai phải chứng kiến cái chết thảm thương của những vật nuôi, nhất là khi chúng bị người ta giết chết ngay trước mắt mình.

Và tôi chính là người đã nhiều lần chứng kiến những cái chết đau lòng ấy.

Ngày nọ, khi tôi qua đường để mua thuốc thì con Mina chạy theo. Một chiếc xe du lịch đã đụng vào nó. Nó cố gắng chạy về đến trước cửa nhà và chết, lưỡi thè ra một bên mép.

Tôi gọi đứa con trai của mình đến. Hai cha con bỏ xác con Mina trong bao bố và chở nhau đi tìm chỗ chôn cất.

Biết tìm đâu ra một nơi chôn cất giữa cái đất Sài Gòn nhà cửa san sát này? Hai cha con chạy xuống Bình Thạnh. Ông trời đã góp thêm vào cảnh tượng bi thương ấy một cơn mưa. Hai cha con ướt nhẹp. Con chó trong bao bố cũng ướt nhẹp.

Nơi đến là nhà một người bạn, phía sau có vườn chuối, phía trước là cái sân rộng với một lò nấu nhôm đã bỏ hoang lâu ngày.

Người bạn hỏi:

“Cái gì trong bao bố vậy?”

Tôi kể lại cái chết của con chó. Người bạn nói:

“Không sao, anh cứ chôn nó trong vườn chuối cũng được.”

Và ông sai thằng con trai xách cuốc ra đào đất. Nhưng bà xã ông từ trong nhà đi ra. Bà lại gần cái bao bố, ngắm nghía nó một lúc, dáng vẻ trầm ngâm. Tôi biết bà đang hoài nghi…

Tôi nói:

“Chào chị, tội nghiệp hết sức. Con chó rất khôn, và nó đẹp lắm, lông vàng mượt…” vừa nói tôi vừa mở sợi dây cột bao bố, lôi con chó ra, được nửa chừng thì người đàn bà ngăn lại:

“Nó đã chết rồi, anh kéo ra làm gì, tội nghiệp.”

Trời vẫn còn mưa nên cái huyệt của nó đầy nước. Tội nghiệp con vật bé bỏng, cách đây vài tiếng đồng hồ, con còn nằm khoanh tròn dưới chân bố. Sao con ra đi vội vàng như thế? Sao bố lại phải để con nằm trong huyệt mộ đầy nước như thế?

TRỞ VỀ TỪ LÒ SÁT SINH

Mina và con trai: Hai Cũ

Con chó thứ hai của tôi tên là Hai Cũ. Nó mất tích, và hai cha con tôi đã đưa nó trở về từ cõi chết.  Một chuyến trở về đầy kịch tính. Một cuộc giải thoát ngàn cân treo sợi tóc.

Ban đầu một mình tôi đi tìm. Khắp các nhà hàng xóm, sục sạo từng ngõ ngách: Trại nhốt chó ở đường Lý Chính Thắng gần ga xe lửa, rồi đến từng lò chó nổi tiếng trong vùng: Cầu Kiệu, chợ Cầu Móng, cầu Tân Thuận… Cuối cùng người ta chỉ tôi lên tận ngã tư Bảy Hiền.

Đứa con gái của tôi lúc ấy mới mười bảy tuổi cũng đòi đi. Tôi cho nó theo vì nó rất thương con Hai Cũ.

Hai cha con chạy vòng vòng trong cái bát trận đồ đầy những tiếng động của máy dệt, cuối cùng cũng tìm ra một lò chó.

Người chủ lò hỏi:

“Màu gì?

Đáp:

“Màu vàng xám, giống như chó berger.”

“Bao nhiêu tuổi?”

“Hai tuổi.”

”Bị bắt lúc nào?”

“Chiều hôm qua, khoảng 4 giờ.”

“Bắt tại đâu?”

“Gần bệnh viện Bình Dân quận Mười.”.

Người chủ lò chó sai thằng nhỏ chạy đi. Lát sau nó xách về một cái bao bố, ném xuống đất. Trời ơi! Tôi đứng tim. Sao cái bao bố không nhúc nhích chút nào vậy? Đứa con gái quên cả sợ hãi, nó mở sợi dây ra và tôi nhìn thấy một cái đuôi. Đúng là cái đuôi của con Hai Cũ. Tôi kéo nó ra. Đứa con gái khóc hu hu:

“Con Hai Cũ của mình đó ba.”

Tôi bế nó lên. Lạy trời! Nó còn sống. Hai con mắt nó đầy ghèn và kiến. Nó nhìn hai cha con tôi. Người và vật đã nhận ra nhau nhưng con chó quá khiếp hãi, không dám nhúc nhích, không dám kêu lên một tiếng. Mình mẩy, lông lá nó đầy phân, nước tiểu và đờm dãi. Nó run rẩy. Nó co rúm. Nó nhìn tôi dáo dác.

“Tôi phài trả ông bao nhiêu?”

“Năm trăm ngàn.”

Tôi giao tiền, nói cám ơn và trao con chó cho đứa con gái. Con bé ôm ghì nó vào lòng. Cả ba sinh vật tội nghiệp chở nhau trên chiếc Mobylette chạy một mạch về nhà. Lộ trình gần mười cây số.

Mọi người xúm lại tắm rửa bằng xà bông, bàn chải, lược và sưởi ấm nó bằng máy sấy tóc.

BI BI, BỐ XIN LỖI CON

Cái chết của con chó thứ ba xảy ra mười năm sau đó. Nó lai berger. Lúc mới đem về nó có màu đen nhưng rồi lông nó đổi màu theo từng thời kỳ phát triển, cuối cùng trông giống hệt một con berger Đức.

Nó là một chàng trai khoẻ mạnh, oai phong nhưng lại có một chiếc răng khễnh. Tính nết nó cũng khác hẳn với vóc dáng. Nó dịu dàng, bẽn lẽn như một cô gái.

Khi tôi đi làm về nó thường đón tôi từ xa, im lặng, chậm chạp vẫy đuôi. Tôi ngồi xuống đưa hai tay đón, và nó sà vào lòng tôi, dụi mặt vào ngực tôi rên rỉ như một người tình.

Khác với những con chó trước từng chia sẻ cảnh thiếu thốn với tôi thời chiến tranh vừa chấm dứt, con Bi Bi được tôi cưng, nuôi nấng chu đáo, và nó cũng có một không gian rộng để chơi đùa. Nó chơi đá bóng với đứa cháu nội và đi săn chuột với tôi ven bờ sông. Nó săn rất tệ, thường để chuột chạy thoát vì làm biếng. Nhưng nó đặc biệt ghét mèo. Chính vì thế dưới triều đại của nó, nhà tôi không có con mèo nào.

Ngày nọ tôi phát hiện một ổ mèo hoang bên hông nhà. Mèo mẹ đẻ một lứa được ba con, đem giấu trong một cái lỗ hổng dưới móng nhà. Bi Bi phát hiện và sủa inh ỏi. Tôi sợ nó giết chết những đứa trẻ bé bỏng ấy nên thường bắt lũ mèo ra vuốt ve, nâng niu trước mắt nó, để cho nó hiểu mối giao tình giữa tôi và những chú mèo con, và cũng để chứng tỏ với nó rằng lũ mèo kia với tôi và nó là “người một nhà”.

Nhưng đó là sai lầm của tôi. Nó ganh tị. Nó thù ghét.

Ngày nọ nó nhìn thấy con mèo mẹ đi đâu về, liền rượt đuổi. Nó vồ hụt nhưng cũng khiến con mèo không thể vào hang với lũ con mà phải trốn trong bụi rậm.

Bi Bi đứng chờ. Tôi chạy đến định kéo con chó vô nhà nhưng ngay lúc ấy mèo mẹ từ bụi cây chạy ra. Con chó phóng tới. Tôi cũng phóng tới chụp nó, bất chấp gai góc và đống xà bần lởm chởm. Hai cánh tay và trán tôi toé máu, nhưng đã quá muộn. Con chó đã ngoạm được mèo mẹ. Tôi hoảng hốt, cố gỡ con mèo ra khỏi hai hàm răng lởm chởm. Miệng nó đầy máu. Lúc ấy trông nó giống một con quỷ. Tôi giận quá đá mạnh vào bụng nó, khiến nó bỏ chạy, nhưng con mèo thì đã chết, bỏ lại ba đứa con thơ.

Lũ trẻ vẫn ở trong hang chờ mẹ chúng, nhưng người mẹ ấy đã không bao giờ trở về nữa.

Vừa tức giận vừa thương xót, tôi lấy roi đánh đuổi con chó không cho vào nhà nữa. Tôi đóng cổng lại, la mắng, nguyền rủa. Tôi không thèm nhìn mặt nó nữa. Nó sợ hãi chạy đi, rồi lại mò về. Ngày hôm sau tôi biết nó đói nhưng tôi không cho ăn. Nó vẫn nằm trước cửa.

Buổi trưa có hai thằng trộm chó chở nhau trên chiếc xe máy đi ngang qua và thảy cho nó một cục thịt. Nó đớp lấy, chưa kịp nhai nuốt thì đã ngã lăn ra đất. Có người hàng xóm la lên. Tôi chạy ra, thì hai thằng trộm đã ôm con chó phóng xe như bay, mất biệt.

Hôm đó là ngày 14/1/2010.

Bi Bi ơi! Bố xin lỗi con. Xin con tha thứ cho bố. Tôi vừa khóc vừa lấy xe đi tìm. Tôi đến những lò chó gần đó, lùng sục các ngóc ngách trong xóm lao động.

Địa hình ở đây phức tạp, cây cối um tùm, lối mòn quanh co, nhà cửa thưa thớt.

Người chủ lò chó hỏi:

“Bị bắt hồi nào?”

“Cách đây chừng một tiếng đồng hồ.”

“Bị bắt như thế nào?”

“Bị đánh bả.”

Người đàn ông đang ngồi cạo lông một con chó, ngước mắt nhìn tôi.

“Bó tay rồi.”

“Sao vậy?”

“Vì nếu bị đánh bả thì chúng phải mổ bụng ngay lập tức để lấy bộ lòng ra bỏ đi, không thì chất độc sẽ ngấm vào thịt, không ăn được.”

Tôi lủi thủi ra về.

Bi Bi ơi! Bố xin lỗi con!

Ngàn lần xin lỗi!

NĂM NGÀY

TÌM ĐƯỜNG VỀ NHÀ

Như một người phu bị mắc kẹt trong hầm mỏ sụp đổ, tối mịt, kín bưng, đầy nước thải lạnh buốt, chú mèo Jean Valjean của tôi đã trải qua cuộc hành trình đơn độc và tàn khốc suốt năm ngày năm đêm để tìm đường về nhà.

Tôi không nhớ đã xin nó từ một người bạn nào. Nó là một chú mèo tam thể. Một chú mèo con vừa rời vú mẹ. Tôi nuôi nó bằng sữa lãnh ở cơ quan về theo tiêu chuẩn hàng tháng, một loại sữa hộp tồn kho từ thời chế độ cũ. Người và vật chia nhau chút nhu yếu phẩm hiếm hoi ấy, cộng với bột mì, bo bo và thỉnh thoảng có cơm trắng.

Nhưng chú mèo vẫn khôn lớn, bắt chuột rất giỏi. Nó và lũ con của tôi cứ quấn quýt nhau mỗi khi chúng đi học về.

Jean Valjean

Chính vì vậy mà khi con mèo vắng nhà chừng vài tiếng đồng hồ là lũ trẻ phát hiện ra, rồi đổ xô đi tìm.

Suốt buổi sáng vẫn không tìm thấy. Đến giữa trưa các nhà hàng xóm đều im lặng. Tôi nằm nghỉ một lát thì linh cảm có tiếng mèo kêu đâu đó rất mơ hồ, tưởng như tiếng kêu đến từ một cõi vô hình nào.

Tôi trở dậy, đi lang thang trong hẻm.

Bỗng nhiên tôi nghe có chút xao động trên một cành mít phía sau tường nhà của bà Hai. Rồi tôi thấy có một cây sào vừa ló lên khỏi bức tường, đầu cây sào có cột sợi dây thừng. Khi cây sào được đưa cao lên chút nữa thì hiện rõ một cái thòng lọng. Lấp ló sau những lá mít dày là một con mèo tam thể. Nó đang bị treo cổ, đang giãy giụa tuyệt vọng. Tôi hoảng hốt chạy lại cánh cổng sắt. Tôi đập cánh cổng bằng hết sức lực, bằng cả cơn phẫn nộ.

“Mèo của tôi! Mèo của tôi!”

Con mèo vẫn giãy giụa. Tôi gọi lớn:

“Bà Hai ơi! Sao bà giết con mèo của tôi? Thả nó ra đi! Thả ra đi!”

Tôi đạp cánh cửa rầm rầm như một thằng điên. Và tôi thấy cây sào hạ xuống. Bà Hai mở cửa ra.

“Cậu làm gì vậy?”

“Tôi phải làm như vậy vì nếu chậm chút nữa nó sẽ chết. Bà thả nó ra đi. Nó có phá của bà cái gì thì tôi đền.”

Trận đó Jean Valjean thoát chết, nhưng đến trận thứ hai thì đã hết cách.

Dường như hai tai hoạ đó chỉ cách nhau vài năm. Con mèo lại biến mất. Không biết ai đã bắt nó, đã nhốt nó hay đã giết chết. Không có bằng chứng nào để đổ tội cho bà Hai, nhưng tôi vẫn tin rằng chỉ có người đàn bà ác độc đó mới nghĩ ra được cái hình phạt ghê gớm mà suốt đời tôi không thể nào quên được.

Jean Valjean đã biến mất trong năm ngày. Mọi người trong nhà đều nghĩ rằng nó đã bị giết. Những cuộc tìm kiếm vô vọng. Những giọt nước mắt tội nghiệp của lũ trẻ.

Mọi việc tưởng đã xong rồi.

Nhưng con mèo lại trở về.

Nhưng đó không còn là một con mèo nữa. Nó là một con ma. Một cái xác chết từ ngoài cửa lết vào nhà. Chỉ còn da bọc xương. Lông rụng xơ xác và bê bết bùn sình hôi thúi. Nó bò trườn, nó nhích từng chút, từng chút. Khi lũ nhỏ bế nó lên, nó giống hệt một miếng giẻ rách. Bùn nhão nhoẹt chảy xuống nền nhà. Thân thể nó lạnh cóng, hai mắt trắng dã.

Trong suốt năm ngày qua nó đã ở đâu? Ai đã làm gì nó? Tôi tìm được câu trả lời khi lần theo vết bùn nhão.

Trời ơi! Nó đã từ lỗ cống ngoài đường chui lên. Nhưng trước đó, có kẻ đã ném nó xuống lỗ cống bên trong nhà họ và đậy nắp lại.

Suốt năm ngày, nó đã trải qua một cuộc hành trình thảm thương và tàn khốc dưới lòng đất, trong bóng tối, trong sình lầy hôi thúi và lạnh lẽo, trong đói khát và đau đớn để tìm lối về. Đó có lẽ là một trong những cuộc hành trình tàn nhẫn nhất mà một sinh vật có thể chịu đựng được. Một mình âm thầm, trong một địa đạo hoàn toàn không có ánh mặt trời.

Gia đình tôi đã tắm gội, đã sưởi ấm, đã chữa trị cho nó trong nhiều ngày, nhưng cái sinh vật bé nhỏ mong manh như đứa trẻ thơ ấy đã không thể gượng dậy được.

Nó chết. Trời ơi! Lại cũng một ngày mưa dầm. Giống như trong một kịch bản phim Hàn Quốc. Tại sao lại phải có cơn mưa trong ngày hôm đó để người và vật phải ướt đẫm khi đi tìm một nơi an nghỉ?

CÁI CHẾT BÍ ẨN

CỦA BÚN HỒNG

Cháu nội xin ở đâu về một con mèo cái nửa trắng nửa đen. Nó ủ mèo trong ngực. Nó gọi mèo bằng con và xưng . Con mèo chỉ chừng một tháng tuổi nhưng ăn khoẻ và được chăm sóc tốt nên lớn nhanh lắm.

Cháu nội đi thú y mua thuốc diệt bọ chét, diệt rận về tắm cho mèo. Nó xin cái rổ mây đựng trái cây của bà nội, lót vải cho mèo nằm. Nhưng buổi tối con mèo thường lên giường ngủ chung với nó. Hai chị em cứ rù rì rủ rỉ với nhau.

BÚN HỒNG ngủ trên bàn học của cháu nội

Nó hỏi:

“Ông nội ơi, trong cổ họng của con mèo phát ra tiếng gì rò rò vậy?”

Tôi đáp:

“Lúc mèo thư giãn, nó thường phát ra tiếng kêu ấy, giống như lời ru vậy.”

Khi bé ngồi học, con mèo thường nằm trước mặt nó, ngay dưới cái đèn, để sưởi ấm. Nó nằm nghiêng, phơi bụng ra và ngủ. Cháu nội lấy điện thoại ra quay phim, chụp ảnh rồi đưa lên facebook, khoe với bạn bè. Nó đặt tên cho mèo là Bún Hồng. Nó viết status mỗi ngày về con mèo, nó chụp rất nhiều ảnh, nhiều góc độ tự nhiên và bất chợt, trông rất ngộ nghĩnh.

Mỗi khi đi học về, lời đầu tiên nó nói là: “Bún ơi! Con ở đâu?” Và Bún Hồng xuất hiện như trong cổ tích. Hình như nó đã núp sẵn đâu đó để đón bé đi học về.

Ngày nọ bé khoe:

“Ông nội ơi! Con Bún đã có bạn trai rồi đó.”

Bạn trai của Bún là một con mèo lông vàng không biết từ đâu đến. Mỗi lần chàng ta đứng ngoài cổng kêu “meo” là Bún nhảy lên cái lỗ nhỏ của cánh cổng để ra ngoài. Chúng đi chơi với nhau quanh bờ sông một lát rồi về.

Chừng một tháng sau cháu nội lại khoe:

“Ông nội ơi Bún có bầu rồi đó.”

“Sao con biết?”

“Con thấy em bé cựa quậy trong bụng nó.”

Tôi nói:

“Khi nào mình đi mua cho nó mấy hộp thức ăn để nó bồi dưỡng.”

Tôi bảo bé ẵm mèo đi chích ngừa, bé nói:

“Không biết chích ngừa như vậy có làm hư thai không?”

Nhưng nhiều tháng trôi qua mà không thấy bụng con Bún lớn thêm. Chuyện “em bé cựa quậy trong bụng” chỉ là tưởng tượng.

Bạn nghĩ gì về tình yêu giữa cô gái nhỏ và con mèo thơ ngây của nó?

Bạn nghĩ gì nếu có một người hàng xóm đã thẳng tay ném con mèo thân yêu của nó vào cảnh cửa sắt chỉ vì nó ăn vụng hay phá một cái gì đó trong nhà họ?

Ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch là ngày giỗ tổ Hùng Vương, bé được nghỉ học, cả nhà đều nghỉ. Một bữa tiệc nhỏ được tổ chức trong gia đình. Mọi người ăn uống xong đều lên lầu nghỉ ngơi.

Lúc ấy khoảng năm giờ chiều, tôi có việc phải đi ra phố một lát. Khi trở về tôi thấy không khi trong nhà quá im lặng. Tôi lên phòng mình, ngang qua bàn học của cháu nội. Nó cũng đang ngồi im lặng. Rồi nó quay mặt lại, gọi:

“Ông nội! Con Bún chết rồi!”

Mặt nó đẫm nước mắt. Tôi kêu lên thảng thốt:

“Trời ơi, sao vậy con?”

Cả nhà đều nghĩ rằng con mèo đã từ cành cây trước nhà nhảy xuống cánh cửa cổng và trượt chân té chết. Nhưng tôi không nghĩ như thế. Tôi nói:

“Không phải vậy. Vì mèo là loài leo trèo rất giỏi. Nó có thể rơi từ độ cao ba bốn mét một cách nhẹ nhàng. Làm gì trên đời này có chuyện mèo té chết vì leo trèo.”

Ba của bé thuật lại:

“Vào khoảng năm giờ rưỡi chiều khi mọi người đang ở trên lầu thì nghe có vật gì va vào cánh cửa sắt một cái “rầm” rất lớn. Khi mọi người chạy xuống nhà thì thấy con mèo nằm chết ngay cánh cửa, hai mắt trợn trắng. Khám nghiệm tử thi thấy nguyên vẹn, không có dấu chó cắn, không có vết máu, chỉ một vết bầm dưới cằm.”

Tiếng “rầm” lớn mà mọi người nghe thấy phải do một sự va đập trực diện, tức là con mèo phải bi ném từ một hướng thẳng góc với cánh cửa phòng khách, có nghĩa là bị ném từ nhà hàng xóm sang.

Kẻ giết mèo chắc chắn không phải là bọn ăn thịt, vì nếu là chúng, thì con mèo đã bị đem đi rồi.

Vậy thì chỉ còn một cách giải thích:

“Con mèo đã sang nhà hàng xóm ăn vụng một thứ gì đó và đã bị người ta vồ lấy, ném mạnh qua tường rào, đầu con mèo đã đập vào cánh cửa sắt. Con mèo đã bay theo chiều ngang với tốc độ rất nhanh của một cơn giận và sự độc ác, vì thế mà nó không thể lấy thăng bằng được. Và nó đã chết tức khắc.”

Cháu nội khóc suốt đêm. Tôi cũng khóc. Rồi tôi ngủ quên đi. Hai giờ sáng tôi thức dậy, cứ ân hận là mình đã không có mặt ở nhà khi nó chết. Tôi tưởng tượng nó đang nằm dưới lớp đất ẩm ướt cạnh bờ sông, một vùng đất thấp, vài hôm nữa triều cường sẽ lên, sẽ tràn ngập và con mèo sẽ phải ngâm mình trong nước.

*

Hôm sau, tôi đọc được những dòng này trên facebook của cháu nội:

“We moved BunHong’s resting place today. Keep her safe from time’s cruel grasp.

How do I breathe when I keep remembering how she wasn’t?

What do you call a parent who lost their child. I don’t know how I can go on being one when I don’t get to have my BunHong anymore.

All the tears I’ve kept for myself, this morning doesn’t mean anything now. I’ll never stop loving her until my life goes out.”

Ông nội tạm dịch:

“Hôm nay chúng tôi đưa Bún Hồng về nơi yên nghỉ, giải thoát bé khỏi thời điểm đáng sợ nhất của nó.

Làm sao tôi có thể sống nổi khi hình dung những điều khủng khiếp mà bé đã phải trải qua.

Bạn nghĩ gì khi cha mẹ mất đi đứa con của mình. Tôi không thể tưởng tượng mình sẽ ra sao nếu không có Bún Hồng nữa.

Sáng nay, những giọt nước mắt mà  tôi đã cố kìm giữ cho riêng mình, sẽ không còn ý nghĩa gì nữa. Tôi sẽ mãi yêu bé suốt đời.”

Những dòng chữ ấy làm tôi nức nở. Tôi tan vỡ như khói thuốc tản mạn trong căn phòng đóng kín. Tôi chìm khuất trong những đợt sóng rung chuyển, ngầu bọt, xô dạt tâm trí vào những ghềnh đá sắc nhọn của nỗi đau.

Tôi bị cuốn trôi vào những giấc mơ hư ảo, tan loãng như sương khói.

Nửa đêm tôi thức dậy, thấy cháu nội vẫn còn ngồi bên máy tính.

Những dòng status tiếp theo của nó còn làm tôi bàng hoàng hơn nữa. Tôi thật không ngờ một đứa bé mười lăm tuổi lại có niềm đau xót xa đến như vậy.

April 9, 2014

When I first held you, BunHong, I promised I would give you a new life. That I would be your mother now. That when you die, you would die loved, cared for and cherished. But that time wasn’t supposed to be today, BunHong. You weren’t supposed to leave me. But you did and now whenever I want to see you, you won’t come running to me when I call your name. I would have to look at the dirt where you are buried, where you won’t be loved and cared for and cherished, and cry out your name. 
So even though I want to see you there beside me when I wake up tomorrow, BunHong. Even though I want to forget even for a second, that you are still by my side when I wake up tomorrow, BunHong. I will remember. I will always remember that whenever you came running to me, BunHong, you made me feel like the center of the world. Now that you are gone, now that my sun and stars are gone, my world will be dark and cold again. I don’t want to be warm when you are cold too, BunHong. So until the next spring comes, I will be waiting for you, BunHong, my sun and stars.

Ông nội tạm dịch:

“Bún Hồng ơi, lần đầu tiên bế con trong tay, má đã tự nhủ lòng mình sẽ đem lại cho con một cuộc sống mới. Rằng từ nay má sẽ là mẹ của con. Rằng khi con qua đời, con sẽ được chết trong tình thương yêu, sự chăm sóc và ấp ủ. Nhưng tại sao khoảnh khắc đó lại là hôm nay? Con đã không thể ngờ rằng sẽ xa lìa má. Nhưng chuyện đó đã xảy ra. Và giờ đây mỗi khi má muốn được nhìn thấy con, con đã không thể chạy đến bên má khi má gọi tên. Má chỉ còn biết đứng nhìn nấm đất nơi đã chôn con, nơi mà con không thể nào được chăm sóc, được yêu thương và ấp ủ. Vậy mà Bún Hồng ơi, má vẫn cứ hy vọng được nhìn thấy con mỗi sớm mai thức dậy, vậy mà má vẫn cứ tin, dù chỉ trong một giây, rằng con vẫn còn đang ở bên cạnh.

Má vẫn nhớ, má sẽ luôn nhớ rằng bất cứ khi nào con chạy đến bên má, má cũng sẽ coi con như là trung tâm của thế giới.

Giờ đây, con đã ra đi. Giờ đây, mặt trời và những vì sao của má đã ra đi, thế giới của má sẽ tối đen và lạnh lẽo. Nhưng má cũng không muốn được ấm áp khi mà con đang nằm lạnh lẽo dưới lòng đất, Bún Hồng ơi!

Tuy vậy cho đến khi mùa Xuân mới sẽ về, má vẫn sẽ chờ con: mặt trời và những vì sao của má.”

*

Tôi nhờ một anh thợ hồ xây cái huyệt nhỏ sát gốc cây bàng, cạnh chiếc ghế đá. Chỗ đó cao, nước triều không lên tới được. Tôi moi xác con mèo lên, phủi sạch đất trên người nó, vỗ về nó: “Con ơi, hãy ngủ yên! Hãy ngủ yên!” rồi tôi lại khóc khi cảm nhận cái lạnh se thắt từ thi thể của một sinh vật mà tôi đã từng ôm ấp vuốt ve trìu mến. Tôi đặt nó trong chiếc hộp đựng chai rượu wishky, phủ lên người nó một chiếc khăn trắng, đậy nắp hộp lại và đặt xuống huyệt.

Đó không phải là cái kiểu “học làm sang” của những người giàu. Tôi không giàu. Tôi chỉ là một cán bộ hưu trí. Đó cũng không phải là kiểu lãng mạn thương vay khóc mướn của những năm đầu thế kỷ hai mươi. Đơn giản chỉ vì thương cảm. Đơn giản chỉ vì đời tôi đã chứng kiến quá nhiều cái chết của những con vật nuôi mà tôi yêu mến.

Đơn giản chỉ là chút tình còn lại của một kiếp phù du.

MỘT MÌNH

VỚI DÒNG SÔNG

Sau cơn bão là sự im lặng. Giống như cõi chết. Cái chết tràn ngập mặt đất. Hiện tại biến mất. Dường như chỉ còn lại quá khứ.

Tôi im lặng. Và dòng sông cũng im lặng.

Những cành cây gãy chưa kịp dọn đi. Lòng tôi đầy lá chết, đầy tro bụi và ngổn ngang gạch đá. Lòng tôi là bãi hoang, tàn lụi những cỏ cháy, đùn lên những mảnh vỡ, những phế tích của kỷ niệm, vung vãi trong một buổi sáng đìu hiu, xám xịt và câm nín.

Tôi tan loãng như dải sương mù mỏng manh, phất phơ trên ngọn cỏ, trên đất mùn mọc đầy những cánh bướm khô héo, đã chết từ kiếp trước.

Những cơn gió đến từ tiền sử và dòng sông nguyên thuỷ đã dừng lại bên bờ cỏ, lau lách và lục bình. Dòng sông dừng lại dưới chân, in chiếc bóng mờ đục của tôi trên mặt nước cũ kỹ, mốc meo.

Tôi đang hiện hữu hay đã biến thành hư vô rồi? Tôi là tôi hay tôi  là cơn gió vô ảnh đang phân vân trên bến sông, không biết bay về đâu?

Những đứa trẻ của tôi đã chết. Mì yêu dấu của tôi đã chết. Không biết tôi có còn sống hay không? Không biết tôi đang ngồi trên bờ vực của thời gian hay đang mơ hồ bay đến cuối trời, đang chìm dần xuống đáy sông lạnh lẽo?

Những con mèo đã dạy tôi hiểu về trần gian, hiểu về lẽ tử, sinh, và khổ nạn.

Trong suốt bảy mươi năm cuộc đời, tôi đã yêu đương, đã hạnh phúc, vinh quang và tủi nhục. Những thứ đó, giờ cũng phù du,  bị cuốn sạch trong trận bão vừa đi qua.

Chỉ còn lại mối tình của những con vật nuôi. Chúng đã dạy tôi tình yêu khờ dại, thiêng liêng, thánh thiện, trong sạch nhất.

Tình yêu đó tôi chưa từng trải quá, tôi chưa từng tìm gặp ở con người. Tôi đã hạnh phúc và đã đau khổ vì những mối tình thơ dại ấy. Rồi có lẽ tôi cũng sẽ chết trong đám sương khói đìu hiu của những mối tình ấy. Của Mina, Hai Cũ, Bi Bi, Jean Valjean. Của Mì. Của Xíu. Của Bún Hồng. Của Mè. Của Vừng. Của Tam Thể. Và của những hài nhi chưa kịp đặt tên.

Các con ơi! Hãy đến đây với bố, hãy đến đây với ông ngoại. Hãy đến đây để nô giỡn quanh ta, trên mặt đất đầy tro than này, trên mặt sông đầy lá chết và trên những đám cỏ đầy xác bướm khô héo này.

Hãy đến và leo trèo trên vai ta, tay ta, ngực ta… như leo trèo trên một gốc cây già cỗi, sắp chết, sắp mục nát và gãy đổ.

Hãy đến để ông cháu mình vui cuộc trùng phùng cuối cùng của cõi nhân gian tàn nhẫn và lạnh lẽo này. Hãy đến để ta ôm các con vào lòng, nâng niu các con, ấp ủ các con bằng chút hơi ấm nhỏ nhoi còn sót lại trong trái tim mệt mỏi.

Tôi nằm trên cỏ ướt, dưới bóng mát của một cây bần vẫn còn sót lại chút hoa tím nhạt và những trái xanh lay lắt trên cao.

30/8/2016

ĐÀO HIẾU

THƯ CỦA MỘT ĐỘC GIẢ

TỪ BRUXELLES (BỈ)

Anh thân mến,

Mấy ngày nay đọc “Gặp Gỡ Và Chia Lìa” mà em cũng khóc theo hoài, vì em y như cảnh của anh đang sống, thương tụi nhỏ sống lang thang, chỗ nào thấy coi bộ yên thì tới chỉ cho ăn thôi, còn chỗ nào nguy hiểm thì em  mang mèo về nhà. Đầu tiên là mổ triệt sản đã, sau đó khám tổng quát để xem có bệnh gì truyền nhiễm có thể lây cho mấy đứa khác. Một đứa sinh ra ở ngoài đường không cho tới gần, em phải bẫy nó.

Khi bác sĩ hỏi “nó dễ chịu không? thay vì “nói nó nhát lắm” thì em nói “dễ”, thế là ông thò tay vào đem nó ra. Quá hoảng sợ, Lili cắn tay ông ta chảy máu và cắn đứt lưỡi, tim ngừng đập rồi chết. Anh coi có đau đớn không?

Lili đang khoẻ mạnh bình thường, chỉ tại em sai lầm, nhận định không đúng mà nó chết oan. Nếu em nói “mèo hoang rất nhát” thì bác sĩ sẽ có cách chích cho nó ngủ rồi mới bồng ra khám, thì không có việc gì.

Hôm đó em xách bẫy không đi về, nhà cách vài trăm thước, em vừa đi vừa khóc, không biết trời đất gì. Tai nạn xảy ra, hai người đều bị sốc ghê gớm.

Trái tim phải chai đá, thấy con vật khổ ngoài đường, cứ quay mặt đi thì sẽ không bị rơi vào hoàn cảnh đau lòng như vậy. Còn đi biệt không thấy về thì cũng hơn chục đứa rồi.

Nhưng phải can đảm lên anh ơi, con người còn độc ác thì anh em mình còn cần có sức để tiếp tục cứu vớt những đứa khác.

Năm 2014, em không cứu được Fifille (cũng đem từ ngoài đường về), nó già lắm và bị nhiễm trùng đường tiểu. Đi chích thuốc về, mùa hè nóng, ruồi bu đẻ trứng vào vết thương của nó. Giòi chui ra rất rùng rợn, em bồng đi bác sĩ liền, nhưng không cứu được, phải chích cho Fifille ngủ luôn. Nếu không, giòi sẽ hút hết máu, đau đớn kêu khóc hoài.

Em cũng như anh, chăm sóc tụi nhỏ vui ít mà vất vả, nước mắt thì nhiều.

Năm 2001 em đi Maroc, thấy mèo lang thang tràn ngập đầy đường (thành phố Agadir). Em tìm được một văn phòng thú y rồi về để dành tiền. Sau 2 năm, trở qua với con gái, đem theo hai cái bẫy. Trong năm ngày, hai mẹ con bắt đem đi mổ triệt sản được 21 con. Bác sĩ mổ theo cách của Anh, mổ bên hông chứ không phải dưới bụng, vì vết mổ dưới bụng đối với mèo hoang rất dễ nhiễm trùng.

Hai lần qua Maroc, ăn chiều ở khách sạn, hai mẹ con chọn một bàn ở góc tối. Nhờ ăn buffet nên cứ múc đầy dĩa, ăn liếm láp ba miếng còn bao nhiêu trút vào bao, năm sáu lần như vậy, đầy túi, là vội vàng ra đường cho tụi nó ăn. Chắc mấy ông phục vụ trong khách sạn ngạc nhiên lắm vì thấy hai tên da vàng nhỏ xíu mà ăn như hạm. Ăn quá lẹ!

Nhưng được mấy ngày thì phải về. Khi máy bay cất cánh, nhìn xuống thành phố, nghĩ tới bao nhiêu đứa tối nay xúm lại chờ ăn mà không thấy gì, lại phải quay về cuộc sống đói khát.

Lần đó em làm quen với một chủ tiệm ăn. Cứ ba tháng em lại gởi tiền cho ông để ông cho mèo ăn. Hai năm sau em qua, nghe người chung quanh kể lại: ông ta bỏ túi hết, có lo gì đâu.

Bây giờ thì em tìm được một người Pháp về hưu sống bên đó. Bà tiếp tục việc em đã làm, nhưng đơn thân độc mã, lại có quá nhiều sinh vật phải cứu vớt. Nhờ người dân bản xứ tiếp tay giúp bắt mèo đi triệt sản nên lượng mèo hoang mới giảm bớt, chứ không thì góc đường nào cũng toàn cảnh đau lòng.

Sáng nay em đem một đứa đi chích ngừa, sẵn dịp em hỏi, thì bác sĩ nói: Vì an toàn cho mèo và cho người nên khi mổ phải cột chân. Trước đó thì phải cân coi trọng lượng bao nhiêu để chích thuốc mê đúng liều. Mình nhìn thấy thì rất tội, nhưng mèo ngủ say không biết gì nữa.

Ông nói: Cột hai chân trước chéo lại thì mèo thở tốt hơn, và sau khi mổ xong thì cuộc đời nó yên ổn mãi mãi, chứ không thì mèo con cứ tiếp tục bị quăng ra đường, rời mẹ quá sớm, không thể sống sót.

Còn bé Vừng của anh, em nghĩ nếu anh muốn cho nó sống thì phải đem về nhà như anh làm vừa rồi, nhưng anh chỉ cho nó ăn khô thôi vì ăn cá để lâu có mùi. Phải có chỗ cho nó đi vệ sinh, và nhất là để nó yên, cứ nói chuyện cho nó nhận ra tiếng anh, chứ đừng tìm cách kéo nó lại gần, để từ từ theo thời gian bớt sợ hãi, quen cảnh vật trong phòng nó sẽ từ từ chui ra.

Em có đem về một con cũng rất nhát và trốn miết. Phải bảy tháng sau (chiều nào em cũng đem sách vào phòng đọc chừng 10 phút, ngồi dưới đất.). Chiều đó, Jack lại gần một chút, mấy ngày sau tới gần hơn và từ từ dụi vào tay em. Il ne sera jamais un minou câlin car il était né dans la rue, il a raison de se méfier de l´homme, mais au moins il n´a plus peur de moi et il peut vivre tranquille . (Nó là mèo hoang, sinh ở ngoài đường, nên không thích được vuốt ve. Nó luôn cảnh giác với con người, nhưng ít ra bây giờ nó cũng không còn sợ em nữa và có thể sống bình yên).

Cher papychat, thương yêu loài vật là phải bọc sắt trái tim và phải quen những điều đau buồn đã xảy ra cho các bạn nhỏ đã mất, để còn tiếp tục công việc mình đang làm, dù muốn dù không. Tấm lòng anh nhân hậu, anh không thể nhắm mắt trước nỗi khổ của tụi nó, nên anh cần giữ sức khoẻ vì ngoài anh ra, còn ai có thể bỏ thì giờ, công sức, tình thương cho tụi nó nữa? Vì vậy em mong anh nên đem chúng đi triệt sản để không còn cảnh mèo con ra đời không biết cho ai có lòng, vì người nhân hậu quá hiếm hoi, chưa kể số mèo con người ta vứt ra đường, và những con may mắn gặp bạn trên đường đi… thì bạn lại luôn bận việc không thể đem hết chúng về nhà vì “sức người có hạn” (et qui croise ton chemin ….On a toujours du “travail” mais on  n´en a que dans la limite de nos forces).

*

Anh có biết tin tức gì về chú mèo anh cho hai vợ chồng trẻ không? Lâu rồi, trong một bài báo, em nghe kể có một bác rất già rồi, đi buôn bán lặt vặt ở chợ Dakao xin thức ăn thừa về nuôi rất nhiều mèo trong nhà (60 con), cứ tiếp tục sinh sản ra. Em nhờ người chị ở Phú Nhuận mua thức ăn khô đến phụ nuôi, viết thư thuyết phục bà cho phép chị em tìm một bác sĩ thú y giúp triệt sản, chi phí em lo, bà trả lời đồng ý nhưng chỉ mổ mèo đực thôi (bà thích có mèo con mặc dù số lượng đã quá đông trong căn nhà nhỏ và hàng xóm rất than phiền).

Liên lạc qua lại một thời gian nhưng kết quả không tới đâu vì cả bà, lẫn chị của em đều không sốt sắn gì khi tiến hành một việc mà chắc cả hai đều nghĩ chỉ có những người khùng như em mới khăng khăng làm và làm tới nơi tới chốn.

Anh có biết chuyện này không? Nếu có, anh có biết giờ bà và những con mèo ra sao? Anh có cách gì giúp em giúp tụi nhỏ ở đó không? Với những suy nghĩ như vậy, dù em có tội nghiệp cho tụi nhỏ cách mấy cũng phải bó tay.

Cám ơn anh đã dành thời gian đọc thư của em.

Thân,

THI YEN NGA Au bout de la route, la petite maison des chats errants, SDF (sans domicile fixe ) est toujours grande ouverte pour les amis des animaux.

Bình luận về bài viết này