Bù Khú Tiên Sinh (kỳ cuối) – VỀ ĐẤT

BK 17Bù Khú không có đồng hồ nên không biết mấy giờ, nhưng trời có vẻ đã khuya lắm. Ka Anh đang ngủ say. Than hồng trong bếp tuy được phủ một lớp tro mỏng nhưng vẫn ửng lên những đóm sáng. Ông ngồi tựa lưng vô khung cửa, nhìn xuống bãi cỏ trước nhà. Ánh trăng non rải một vùng sáng bạc mơ hồ tận những lùm cây đen. Trong vùng sáng hư ảo ấy ông nhìn thấy đốm mắt của những con thú nhỏ đi ăn đêm.

Ông uống hết chai rượu và lấy chai khác. Trong cơn say, ông thấy mình nhẹ tênh, thân xác như hư vô, như gió bụi. Tâm hồn ông rỗng không, đang tan biến, đang hòa nhập vào bóng tối.

Trong cái im lặng của đêm, ông nghe như có tiếng gọi mơ hồ của một người con gái, tiếng gọi ấy phát ra từ hướng ngọn đồi cỏ, nơi Đào đang yên nghỉ. Trước đây thỉnh thoảng trong những mùa trăng ông vẫn nghe tiếng gọi ấy, nhưng chưa bao giờ nó được truyền dẫn một cách bí nhiệm như lúc này.

Bù Khú cầm chai rượu bước ra ngoài, xuống cầu thang, đi lẩn vào đám cỏ may như một kẻ mộng du.

Ông đi mải miết trong bóng đêm, qua những đồi chè, những nương rẫy…

Chợt ông nghe tiếng súng nổ và tiếng những bước chân. Bù Khú ngồi thụp xuống, chui vào một hốc đá. Bất ngờ một đàn dơi từ đó túa ra như cơn lốc xoáy, kèm theo một rừng tiếng động hỗn loạn. Bù Khú ngã chúi xuống đất, chạm phải cái lưng của một người đang nằm sấp.

Bên ngoài hốc đá là một đám người nhốn nháo, hỗn loạn, đang xô đẩy nhau vì bị đàn dơi tấn công bất ngờ. Bọn họ cũng nằm rạp xuống, cong người lại, hai tay ôm đầu.

Bên trong, Bù Khú lăn ra khỏi cái xác. Ông dùng ngón tay đè lên động mạch cổ, thấy nó còn đập yếu ớt. Ông lật ngửa người ấy ra, sờ lên khuôn mặt đầy râu của gã, thấy còn chút hơi ấm.

Chòm râu quai nón của gã làm ông nhớ đến một người ông đã từng gặp. Ông hỏi: Tiếp tục đọc

Bù Khú Tiên Sinh 16 – FULRO

BK 16Bù Khú chở Ka Anh trên xe máy đi về phía ngôi mộ của Đào. Họ đắp thêm đất lên đó và trồng rất nhiều hoa Mười Giờ phủ kín nấm mộ. Cỏ trên đồi xanh rờn như một thảm nhung phẳng. Ka Anh đi ra xa tìm mấy củ cỏ gấu cất trong cái túi thổ cẩm nhỏ đeo bên hông, còn Bù Khú thì nằm bên nấm mộ và hút thuốc rê. Ông nghe tiếng những con chim chào mào hót đâu đó trong tàn cây và thấy tâm hồn mình như muốn tan theo cơn gió. Những cơn gió rất mỏng, chảy qua tâm thức ông làm cho nó mụ mị, mơ hồ, bất định.

Ka Anh trở lại với rất nhiều cỏ gấu. Cô níu Bù Khú ngồi dậy. Họ lại vượt qua một con dốc cao mới tới được ngôi làng nhỏ của người Mạ.

Trên đỉnh dốc là một vùng đất bằng phẳng vàng cháy và trơ trụi. Bù Khú không thể tưởng tượng được rằng giữa vùng rừng núi bạt ngàn này lại có một ngôi làng cằn khô như thế. Như ốc đảo trong sa mạc. Như một thị trấn hoang sơ của miền viễn tây Hoa Kỳ cách đây 200 năm.

Hai bên con đường đất bụi mù là những ngôi nhà gỗ lụp xụp ủ rũ dưới nắng cháy. Những ngõ cụt màu nâu đỏ mất hút sau các vách ván so le, vỡ nát, thủng lỗ. Không một bóng người. Không tiếng chim. Không tiếng heo gà. Ngôi làng lạnh lẽo dưới nắng chói.

Rồi đột nhiên hàng chục đứa trẻ từ trong các ngõ ngách hiện ra. Đứng như trời trồng. Không nói. Không cười. Không cử động. Chỉ thấy những cái bụng ỏng và những cặp mắt đầy ghèn.

Mình đang lạc vào thế giới nào vậy?

Những đứa trẻ như vừa mọc ra từ đất. Chúng như những bụi xương rồng lùn tịt, khẳng khiu trên cát nóng. Chúng đang thủ thế với mình hay đang chào đón?

Dường như sắp xảy ra một cuộc đấu súng.

Những chàng cao bồi nhỏ thì áo quần rách rưới, ruồi đậu quanh mép, còn Bù Khú thì toát mồ hôi. Không ai có súng cả. Dường như đó là một sự căng thẳng giả tạo. Cũng có thể đó chỉ là một sự ngạc nhiên kéo dài.

Ka Anh nói một câu gì đó bằng tiếng dân tộc.

Ngay tức khắc đám trẻ con chạy ùa đến vây lấy Bù Khú. Tiên sinh ngồi thụp xuống, mở cái bao vải ra. Ông nghèo quá, nên quà không có gì ngoài những bao xì-nách.

Mấy con gà mái không biết từ đâu cũng chạy đến cùng với năm ba con chó vàng và heo mọi ốm nhách.

Dưới gầm ngôi nhà sàn thường là để nhốt trâu bò nhưng dường như đã lâu lắm người ta không dùng đến cái khoảng trống đó. Mặt đất trong chuồng nham nhở. Không có cỏ, cũng không có rơm khô. Cả phân bò cũng không có. Sự sống đang tàn lụi, đang co rúm lại, quắt queo như một trái cây chưa kịp chín đã khô héo.

Ngôi nhà sàn này khá dài và có một cầu thang đi lên. Tỏa ra hai bên là những khoảng trống u ám của những vách lá mục nát đen nhẻm bị hun khói hàng chục năm bởi những bếp lửa phân chia từng gia đình một.

Bếp lửa cũng đã tắt ngóm. Đặt bàn tay lên tro than thấy lạnh tanh. Những que củi cháy dở nằm ngổn ngang như xác chết nám đen trên chiến địa.

Nhìn lên mái thấy hàng trăm cái lỗ thủng. Thấy có đám mây dửng dưng bay ngang qua. Thấy gió phe phẩy những lá mục. Vách ngăn giữa các gia đình làm bằng bao bố kết lại. Cũng đã tả tơi.

Nhưng đây không phải là cái nhà sàn bỏ hoang. Vẫn có mấy bộ quần áo treo trên vách. Mấy cái bầu khô. Xà-gạt và gùi. Những cư dân này đang ở trong rừng. Họ không có chè để hái, không có cà phê để hái, không có bắp để hái. Họ hái củi. Bó từng bó lớn, mang trên vai, gùi trên lưng. Đi bộ mấy chục cây số. Hai bàn chân bè ra. Nứt nẻ. Chai cứng. Băng rừng ra đến chợ. Kiếm được hạt gạo sao mà khốn cùng vậy! Tiếp tục đọc

Bù Khú Tiên Sinh 15 – CON GÁI CỦA RỪNG

BK 15Mười bốn tuổi, nhà không có gì ăn, Ka Anh mang gùi, cầm cây xà-gạt đi vô rừng.

Cô sống năm năm đơn độc ở đó. Mười chín tuổi, đêm nọ, khi cô đang ngủ chợt cảm thấy có ai nằm cạnh mình, quay lại, bị hôn ngay miệng. Đó là một gã thợ rừng. Cô bỏ chạy ra suối rửa mặt, súc miệng.

Ít lâu sau gã người kinh ấy ngỏ lời cầu hôn, gia đình Ka Anh hỏi : “Cha mẹ đâu ?” Anh ta nói mình lớn lên trong trại mồ côi. Không biết quê quán. Không biết cha mẹ. Chị Ka Anh hứa: mày lấy Ka Anh tao cho mẫu chè. Nó chịu. Nhưng đêm tân hôn nó bỏ đi nhậu với tụi thợ rừng. Ka Anh nằm một mình buồn quá. Khóc. Nửa đêm ra ngoài tìm chồng. Đi ngang nhà thờ nghe tiếng thánh ca. Đó là lần đầu tiên Ka Anh không hát cho ca đoàn trong đêm Giáng Sinh mà lại lang thang trong đêm tối. Không một ai trên đường. Không một ai trong buôn làng còn thức.

Hai mươi tuổi Ka Anh có bầu. Người chồng bán mẫu chè và bỏ đi biệt tích. Ka Anh lại vô rừng ở lần thứ hai. Không tiền bạc. Không của cải. Nhưng rừng là nhà của cô. Vẫn còn những củ mài, măng tre, lá bép và suối.

Nhà của Ka Anh ở lưng chừng đồi. Nó mảnh khảnh và tơi tả. Sáng sớm cô gùi củ mài và măng ra buôn đổi thực phẩm. Hai mươi cây số đường rừng.

Ngày nọ trên đường về, cô gặp hai thằng con trai đứng chặn đường ngay cây cầu khỉ bắc qua suối.

“Đưa trái thơm thì cho qua.”

Trong gùi của Ka Anh có gạo. Và hai trái thơm. Cô lấy ra một trái, hỏi:

“Có phải trái này không?”

“Hai trái mới được.”

“Vậy tôi đếm đến hai nhé. “

Và đếm: Một… Tiếng « hai » chưa kịp thốt ra thì một gã con trai đã bị đá văng xuống suối. Gã còn lại ngoan ngoãn tìm cách kéo đồng bọn lên. Bỏ chạy.

*

Nhưng lại có một gã to con hơn. Râu quai nón, tóc dài. Gã không chặn đường. Không chọc ghẹo. Gã theo dõi. Lén lút. Giấu mặt. Ban đầu Ka Anh rất sợ. Lần thứ hai, lần thứ ba vẫn không ra mặt. Khi thì theo sau, khi đi song song lẩn trong cây rừng, khi ẩn hiện phía trước, có lúc từ trên ngọn cây cao nhìn xuống.

Nhiều tuần trôi qua như vậy. Ka Anh không còn cảm thấy bị đe dọa. Gã giống như người được thần rừng sai đi bảo vệ cho cô. Ngay cả trong đêm, cô không thấy hình dáng của gã nhưng những tiếng động gã gây ra cũng rất quen thuộc. Vì không sợ nữa nên cô lại hát. Có thể gã không phải là người. Vì làm sao lại có người bỏ công theo đuổi suốt ngày đêm như vậy?

Lại có khi Ka Anh rình gã. Thấy gã từ trên ngọn cây nhảy xuống, nhanh như một con vượn. Râu tóc rất dài. Nhưng mặt là mặt người. Một người đàn ông cao lớn và cũng có thể gọi là đẹp trai. Đến khi gã phát hiện mình bị theo dõi thì trốn biệt. Biến mất trong rừng dày. Suốt một tuần không hề thấy tăm hơi. Chỉ có một lần Ka Anh tắm suối. Cô để ngực trần. Chợt nghe tiếng động trong nhánh cây thấp. Cô ngừng hát. Nhưng vây quanh cô chỉ là những tầng tầng lớp lớp lá rừng dày đặc. Rừng cũng đang nín thở, nghe ngóng.

Cô nghĩ rằng gã đã bỏ đi nơi khác rồi. Và từ đó cô không bận tâm đến gã nữa. Tiếp tục đọc

Bù Khú Tiên Sinh 14 – SÁT THỦ TRONG TRẠI GIAM

BK 14Sân khấu là cái bục xi măng. Xúm xít quanh thằng Điểm có năm đứa, trong đó có một thằng rất to con, giống như con lai, tên nó là Bôn. Những đứa khác nằm vắt vẻo khắp nơi. Bù Khú thì ngồi hút thuốc rê một mình trong xó.

Đó là một buổi tối rất im lặng. Ngọn đèn vàng mờ đục giữa trần nhà, chỉ đủ ửng lên một chút sáng ẩm mốc giữa màn đen bất tận của rừng đêm, chỉ đủ khoét một cái lỗ sáng lù mù trong khoảng tối dày đặc không đáy.

Thằng Điểm giơ ba lá bài ra trước mặt mọi người. Nó nói:

-Nhìn kỹ nha. Con Ách cơ ở mé bên trái. Bây giờ tao rút nó ra, đặt xuống. Có phải trên tay tao còn con Tám chuồn và con Năm bích không?

-OK. Thằng Bôn nói.

Điểm bào thằng Bôn:

-Con ách cơ đang nằm dưới đất. Mày lấy ngón tay đè lên nó đi.

Thằng Bôn đè ngón tay lên lá bài. Điểm vẫy tay một cái, lập tức con Năm bích trên tay nó biến thành con Ách cơ. Bôn ngạc nhiên, lật lá bài dưới đất lên thì là con Năm bích.

Điểm búng tay, chộp gói thuốc Jet đang nằm trước mặt thằng Bôn nhưng cổ tay nó đã bị Bôn nắm chặt. Thằng Điểm sừng sộ:

-Đù má. Mày không chung cho tao hả?

-Có bản lãnh thì lấy đi.

Bôn nói và siết chặt mấy ngón tay làm thằng Điểm la oai oái, buông rơi gói thuốc lá. Nó trừng mắt nhìn thằng Bôn.

-A, mày ngon hả? Coi chừng tao.

Nó chỉ nói vậy rồi cất ba lá bài vào túi, lẵng lặng đi ngủ. Thằng Bôn cũng đút gói thuốc lá vô túi, đứng lên. Nó nói:

-Tráo bài. Ăn gian!

Chín giờ. Điện tắt. Bọn tù làm việc mệt nhọc cả ngày cũng chẳng thằng nào muốn thức khuya. Chúng bắt đầu ngáy.

Sáng sớm, khi tiếng kẻng chưa kịp vang lên thì đã có người lục đục đi đánh răng ngoài chái nhà. Bên ngoài sương mù dày đặc, cây cỏ chìm khuất. Những ngọn cây rừng nổi trôi bồng bềnh, ẩn hiện nhiều tầng.

Tất cả đều lơ lửng. Sương tràn ngập như một đại dương, những đỉnh núi nổi lên như những hòn đảo.

Khi tiếng kẻng vang lên thì trời sáng hẳn, sương cũng tan dần, những thân cây rừng hiện ra rõ hơn phía xa tạo cho buổi sáng một chiều sâu quyến rũ. Rồi bỗng nhiên tiếng một con chim lạ đổ dài làm mọi thứ bừng tỉnh.

Thằng Bôn kéo cái túi xách của nó từ trong xó ra. Nó tìm cái khăn mặt nhưng những ngón tay của nó lại chạm phải một vật gì tròn tròn như quả quít được gói trong cái khăn lông của nó thành một cuộn chặt như đòn bánh tét. Nó rờ rẫm, bóp nắn cái vật lạ ấy. Không phải trái cây vì rất cứng. Cứng như sắt, rờ dần lên thấy có một cái cổ ngắn và một cái cần cũng bằng kim loại. Tại sao cái vật này lại nằm trong xách tay của mình? Tại sao nó lại được gói rất chặt trong chiếc khăn mặt? Ai đã gói cái vật ấy và bỏ vào túi xách của nó? Tiếp tục đọc

Bù Khú Tiên Sinh 13 – NGƯỜI QUÊN LÝ LỊCH

BK 13Bù Khú đang nằm trên cái bục xi măng lở lói trong một trại cải tạo sâu trong rừng. Lão cố ngủ nhưng không ngủ được vì mấy thằng tù trẻ đang đánh bài, la lối, tranh giành mấy cái tàn thuốc rê, mấy miếng kẹo đậu phộng.

Bù Khú nằm ngửa, lơ mơ nhìn mái lá trên cao, lão mơ hồ về thân xác của mình, thấy như nó đang mùn ra, lạnh tanh như miếng gỗ mục bị sóng đánh dạt lên bờ biển.

Lão câm lặng, chậm chạp như con rùa đen, như cục đất thó lẫn lộn dưới chân tường trại giam.

Lão bị ném vào nhà tù này như một bãi cứt thải ra từ con cò vừa bay qua đây. Con chim lớn màu trắng ấy không nhớ gì đến cái của nợ vừa thải ra ấy. Và chắc cũng chẳng có ai biết đến cái bãi phân vô định này.

Bù Khú đã bị thất lạc, bị đánh mất, xấu xí, vô giá trị, thừa thãi và có mùi thum thủm.

Mấy thằng tù trẻ lại chửi thề và rượt đánh nhau. Thằng Điểm mặc cái quần xà-loõng màu nâu già, dài quá gối, mông đít sờn rách. Hồi mới vô trại, tóc nó dài, khô cứng, rối như cái nùi giẻ nhưng cán bộ quản giáo đem húi trọc, bây giờ nó giống thầy chùa nếu như hai cánh tay không có xâm hình hai con gà đá.

Cán bộ quản giáo ló mặt vô cửa, thổi còi rét rét. Tụi tù nhảy thót lên bục xi măng như những con cóc ngồi chồm hổm ngó ra cửa. Tiếp tục đọc

Bù Khú Tiên Sinh 12 – HÔN LỄ MAN RỢ

BK 12Anh chàng Việt kiều Mỹ trở về. Ngọc hỏi:

-Về làm gì?

-Làm đám cưới.

-Bộ ở bên Mỹ không có đàn bà sao?

-Có, nhưng rất hiếm.

-Ở Việt Nam thì đầy dẫy, việc gì phải vô trong xó kẹt này mà tìm vợ?

-Vì anh thích em. Có cá tính mạnh và thông minh.

-Em mà thông minh á? Chẳng phải bị đàn ông nó lừa hoài sao?

-Ai lừa được em?

-Bộ anh quên cái chàng sinh viên tên Toàn sao? Em bỏ tiền ra nuôi anh ta ăn học mấy năm trời. Đến khi tốt nghiệp thì quất ngựa truy phong. Có nhớ không?

-Nhớ. Nhưng liên quan gì tới anh?

-Một người chịu ơn mình, một người mà mình đã cưu mang trong nhiều năm vậy mà khi thành tài họ còn bỏ mình, huống chi anh với em chỉ mới quen biết một thời gian. Sao có thể bền vững được?

-Nhưng anh với em ở cách xa nhau nửa vòng trái đất, và chúng ta đều đã ngoài ba mươi.

-Vậy thì cưới đi, Ngọc vừa nói vừa cười. Ở Việt Nam anh còn một người cha phải không?

-Phải. Nhưng anh rất ghét. Lúc mới ở trên rừng về gặp ngay một cô ca sĩ, ổng trở mặt bỏ vợ con liền. Cho nên anh sẽ không mời ông ta đâu.

-Nhưng hãy cho em một chút thể diện. Thây kệ, cứ mời ổng đi anh à. Đám cưới của em không thể không có ba anh được.

Bảo im lặng. Rồi hỏi:

-Còn phía em thì sao?

-Em có Bù Khú Tiên Sinh.

-Đó là tay nào vậy?

-Một ông già sáu mươi tuổi, rất chịu chơi. Hiện ổng đang nuôi bé Nhung.

-Quan hệ giữa ông ta và em như thế nào?

-Bạn bè. Cả hai người đều là dân homeless. Đã có lúc em muốn lấy ổng.

-Sao không lấy?

-Ổng có tới hai mươi bảy bà vợ. Sao có thể lấy được.

-Tay đó thật đáng ngờ.

-Nhưng trước sau gì anh cũng phải gặp. Tiếp tục đọc

Bù Khú Tiên Sinh 11 – NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ BẤT HẠNH

BK 11Một nhà sư trẻ, cao lớn, đầu cạo trọc lởm chởm, chạy xe từ ngoài cổng thẳng tới chỗ Bù Khú đang ngồi.

-Mẹ mất rồi.

Bù Khú chỉ kịp xỏ chân vô đôi xăng-đan rồi hai cha con chạy xe ra cổng.

Đó là một đám tang im lặng, không kèn không trống, không tụng kinh gõ mõ, chỉ lan tỏa một dòng nhạc êm dịu của dân ca Nga, giai điệu buồn, trầm ấm mà lúc sinh thời người chết rất ưa thích.

Ảnh trên bàn thờ chụp khi Bắc sinh con được 8 tháng, mặc đồng phục tiếp viên hàng không. Khi Bù Khú thắp nhang trước linh cữu, ông thấy đôi mắt Bắc ngước lên nhìn ông, mày rậm, mắt một mí.

Tòa cao ốc đứng sừng sững trong một khu đất khuất tịch, cảnh trí chung quanh như một tiểu thiên địa, có cây có đá, có dòng suối nhân tạo róc rách. Một đám tang thanh bình, một khoảng sân rộng và mát. Không ai khóc.

Hôm cuối cùng, Bù Khú đến viếng Bắc ở bệnh viện Chợ Rẫy. Một cơn hấp hối kéo dài trong đau đớn, nhọc nhằn. Mê và tỉnh xen kẽ nhau. Cứ mỗi lần tỉnh lại, Bắc hỏi:

“Anh còn nhớ hôm đó trời mưa không?” Rồi không nói được nữa. Lại rơi vào mê sảng. Khi tỉnh dậy lại hỏi: “Anh còn nhớ hôm đó trời mưa không?”

*

Chỉ là một cơn mưa nhỏ, nhưng vì Bắc không mang áo mưa nên ướt tóc. Cô giấu cái túi xách trong áo gió.

-Em chạy thẳng từ phi trường về đây.

Bù Khú ngồi vào máy tính, cô nhân viên bán hàng nhận số mỹ phẩm Bắc đem về, bóc tờ hướng dẫn ra đưa cho Bù Khú. Anh dịch. Trời tối hẳn, mưa càng lúc càng dữ dội, từ trong cửa kính nhìn ra thấy mặt đường trắng xóa. Lá phượng rụng, trôi theo những dòng nước nhỏ.

Bù Khú hoàn tất công việc dịch thuật rất nhanh và Bắc cũng đã sấy khô tóc. Bù Khú nói:

-Mưa không trói buộc, nhưng cũng giữ được khách ở lại rồi.

Bắc hỏi:

-Hình như đó là ý của một câu thơ, đúng không?

-Đúng. Cổ thi hay nhắc đến mưa. Nổi tiếng nhất là bài “Dạ Vũ Ký Bắc” của Lý Thương Ẩn.

-Tên bài thơ đó có nghĩa là gì?

-Tạm dịch là: Mưa đêm nhớ đến cô Bắc.

Bắc cười khúc khích.

-Em và Lý Thương Ẩn sống cách nhau cả ngàn năm sao ông ta nhớ em được? Tiếp tục đọc

Bù Khú Tiên Sinh 10 – ĐI HỌC TRIẾT MÁC-LÊNIN

BK 10Ngọc hỏi:

-Có phải đó là lần đầu tiên sau ngày thống nhất anh gặp lại tay Thủ Trưởng đó không?

-Không. Vì những ngày đầu giải phóng anh làm việc chung với hắn. Đó là thời gian rất bận rộn của nhiều người nhưng lại rất trì trệ với anh. Tối ngày ngủ. Chiếc võng anh cột trong góc phòng. Hai đầu cột vào hai thanh sắt cửa sổ. Nhắm mắt chập chờn rồi bị đánh thức dậy bởi những tiếng cãi vả.

“Căn nhà ấy phải ở bốn người.”

“Ô, thiếu chi nhà mà phải chung chạ. Tôi còn đem vợ con tôi về nữa.”

Anh lại ngủ chập chờn rồi bị đánh thức dậy.

“Đồng chí nào độc thân thì ở khách sạn. Mỗi người một phòng.”

“Tôi không ở khách sạn đâu. Tôi phải có nhà cửa đàng hoàng như mọi người.”

“Tại sao gia đình tôi lại phải ở trong một căn nhà nhỏ xíu vậy? Tại sao gia đình Thủ Trưởng lại chiếm nguyên cái biệt thự đường Phùng Khắc Khoan?”

“Vì ổng là Thủ Trưởng.”

“Thật mắc cười! Chúng ta đi làm cách mạng đâu phải để hôm nay về hôi của!”

Anh day trở sột soạt trên chiếc võng ny-lông. Tiếng cãi cọ làm anh ngủ không được. Anh cằn nhằn:

“Ồn quá. Các đồng chí làm ồn quá.”

Mọi người tản đi khi Thủ Trưởng bước vào.

“Này Mười Bù, không lo đi kiếm nhà. Chỗ này là cơ quan nhà nước, đâu phải nhà ở.”

“Ối giời! Tớ chỉ cần một chỗ để treo võng.”

 “Có ba bốn cái khách sạn bỏ trống. Đồng chí về đó mà ở đi.”

“Người ta đang bát nháo. Tớ không thích giành giựt. Tớ ở chỗ nào cũng được.” Tiếp tục đọc

Bù Khú Tiên Sinh 09 – GẶP LẠI THỦ TRƯỞNG

BK 09Cơ quan của Giám Đốc Sở kín cổng cao tường, có lính gác bốn mặt. Lính gác hỏi:

-Có giấy mời không?

-Không. Bù Khú nói và chỉ vào Nhung, đây là con gái của Giám Đốc, tên là Nhung, nhờ anh báo lại.

Lính gác quay số điện thoại, nói mấy câu rồi ra hiệu cho hai người vào ngồi đợi nơi phòng khách. Mười lăm phút sau, một người đàn ông cao lớn xuất hiện. Chủ khách nhìn nhau, một cơn chấn động làm đôi bên chựng lại. Một phút im lặng để trấn tĩnh. Giám Đốc mở lời:

-Mời mọi người vô phòng riêng của tôi.

Chủ rót nước mời khách.

-Trái đất thật là nhỏ bé, ông nói, nếu không sao chúng ta lại gặp nhau ở đây?

-Đó là sự bất ngờ của chiến tranh kể cả khi nó đã chấm dứt.

-Thực ra tất cả những bất ngờ đều có quy luật của nó.

Bù Khú nói:

-Tôi không tin ở quy luật. Tôi nghĩ số phận của ông hoặc tôi hoặc bất cứ ai, không phụ thuộc vào quy luật mà phụ thuôc vào sự áp đặt của quyền lực lên nó. Quyền lực ném nó vào một hoàn cảnh nào đấy, một môi trường nào đấy và nó bị chi phối, dẫn dắt, đun đẩy đến hạnh phúc hay đau khổ, giàu hay nghèo, sống hay chết. Cũng giống như trứng cá sấu, nếu chúng được ấp trong một môi trường có nhiệt độ cao thì sẽ nở ra con đực, ngược lại sẽ là con cái. Như vậy giới tính của chúng – hay nói khác đi: số phận của chúng – được hình thành do sự áp đặt ngẫu nhiên. Tiếp tục đọc

Bù Khú Tiên Sinh 08 – THIÊN THẦN CỦA MỘT CÕI TRỜI RIÊNG

BK 08Nhà có bốn người. Người thứ nhất là Bù Khú Tiên Sinh, ba người kia đều là dân lưu lạc, không chốn quay về. Bù Khú nói: ai muốn đi thì đi, ai không biết về đâu thì cứ ở lại. Thế là cả ba cùng ở lại.

Nhung và Tùng được giao nhiệm vụ chăm sóc vườn rau. Đào đi chợ nấu ăn. Công việc hàng ngày của Bù Khú cũng nhẹ nhàng: ông thiết kế các trang quảng cáo cho tạp chí “Người Mẫu” và quen với một cửa hàng mỹ phẩm, họ đã mướn ông dịch những tờ hướng dẫn sử dụng từ tiếng Anh, tiếng Pháp ra tiếng Việt. Ông dịch trực tiếp trên máy vi tính và lưu lại theo những thư mục được xếp loại chi tiết. Đó là nguồn tài chánh để duy trì cái gia đình mới được thành lập bên bờ sông.

Những thành viên trong gia đình đều ít nói. Hình như họ sợ ông. Ông rất tiết kiệm lời, thậm chí nhiều khi thay vì nói thì ông lại ra dấu.

Những đêm trăng tiên sinh thường mắc võng ngoài chái nhà nằm hút thuốc và lắng nghe con nước triều bò lên những gốc dừa nước. Nửa đêm, mọi tiếng động cũng đi ngủ với loài người. Tiên Sinh nằm nghe tiếng của thiên nhiên, của côn trùng. Chúng thầm thì, khép nép ở một góc tối nào đó. Chúng ru ông ngủ.

Gần sáng thường có cơn gió lạnh thổi đến, nhưng lần này ông nghe một chút hơi ấm trên ngực. Ông tỉnh dậy và biết ngay người nào đang áp mặt lên ngực ông. Tiếp tục đọc