ĐỐT ĐỜI 17 – Truyện dài Đào Hiếu

ĐỐT ĐỜI  smock 02Có những con đường mà ông không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ lui tới nhiều lần. Ví dụ như quốc lộ 13, quốc lộ 50. Những con đường trước đây không hề có trong ký ức ông.

Quốc lộ 50 nhỏ hẹp, đoạn thì trải nhựa lở lói, đoạn thì tung bụi mù, đoạn thì rải đá nham nhở. Ông đi đi lại lại trên cái quốc lộ tồi tệ ấy để làm gì? Để hình dung một cái bóng, một cô Catherine Deneuve ốm nhách, một con bé nghiện ma tuý chạy chiếc xe Elizabeth màu trắng.

Nhưng ông chỉ gặp một người bị bệnh tâm thần thường mặc quân phục nghiêm chỉnh, ngực đeo dày đặc huân chương đủ loại cũ mèm, vàng xỉn, lủng lẳng, leng keng theo bước đi mệt mỏi giữa trưa nắng. Ông dừng xe trước mặt gã. Gã đứng nghiêm chào. Áo sờn vai, quần rách gối, đôi giày da xù xì, mòn vẹt.

-Thiếu tá Trần Thạch Cao trình diện đại tướng. 

-Chào thiếu tá.

-Đại tướng có thuốc lá không?

Ông đưa cho gã nguyên gói Con Mèo. Gã rút một điếu nhưng lại châm lửa vào cái đầu lọc vì thế mà gã không tài nào đốt được điếu thuốc.

Ông châm điếu thuốc khác đưa cho gã. Gã bập điếu thuốc như một con cóc, rồi bỏ đi.

Những lần sau ông không tiếp xúc với gã nữa. Nhưng gã vẫn ám ảnh ông. Gã là một cựu chiến binh hay chỉ là một kẻ tâm thần? Tại sao gã cứ đi đi lại lại trên quốc lộ 50, ngày này qua ngày khác, giữa trưa nắng?

Nhưng còn ông? Ông cũng đi đi lại lại trên quốc lộ 50 này, giữa trưa nắng để làm gì vậy? Hay ông cũng chỉ là một kẻ tâm thần?

Quốc lộ 50 đi Gò Công, quê hương của Catherine Deneuve. Hẻm 53 Lâm Văn Bền. Tiệm tạp hoá Chuồn Chuồn Đỏ, sữa Friso, khách sạn Hà Tây…Đó là những ám ảnh ma quái.

Ông ngồi uống nước nơi vỉa hè đầu hẻm 53 chờ một hình bóng. Xấp vé số chìa ra trước mặt. Mua ủng hộ một tấm đi chú. Tôi muốn một vé có số 53. Số 53 là con voi. Còn số 50 là con gì? Con rồng, chú lấy cả hai con đi. Voi và rồng. Có Chuồn Chuồn Đỏ không? Không có chuồn chuồn, chỉ có con bướm là 19,59,99, chú lấy thêm đi.

Đó là lần đầu tiên trong đời ông mua vé số. Cầm mấy tờ vé số đi phất phơ qua chợ Tân Mỹ để nhìn vô shop Chuồn Chuồn Đỏ. Em từng là nhân viên bán hàng ở đây trước khi bán cà phê, trước khi bán ma tuý, trước khi quen với anh. Thằng nhỏ hiện ra trước mặt. Ông ngồi uống ly cà phê quán cóc. Đánh giày không chú? Ông chưa kịp trả lời thì thằng nhỏ đã lột giày ông. Ông cho nó hai chục ngàn, tặng thêm năm tờ vé số có cái đuôi là 53 và 50. Chiều xổ. Chúc con trúng số, khỏi phải đi đánh giày nữa.

Từ khi cô đi tù, ngày nào ông cũng qua hẻm 53, ngày nào ông cũng qua Chuồn Chuồn Đỏ, qua khách sạn Hà Tây nơi cô và băng nhóm của cô thường lui tới buôn bán ma tuý. Còn Friso? Cửa hàng bán sữa Friso nằm ở đâu?

Khi cô bị chuyển về trại giam Bố Lá ông lại làm quen với một con đường khác: quốc lộ 13. Google Map. Qua cầu Bình Triệu gặp quốc lộ 13 đi Bình Dương, đến Sở Sao chạy thẳng tới Cổng Xanh, đi Bố Lá.

Bố Lá, nơi ông có thể nói chuyện với cô qua một tấm kính dày có đục lỗ, có thể áp hai cái miệng trên kiếng mà hôn. Mười lăm giây. Em nhớ anh lắm. Nếu anh thực sự yêu em thì hãy đợi em.

Lúc chia tay ông đi thẳng ra chỗ đậu xe. Một cậu thanh niên đến và gõ lên cánh cửa xe. Ông hạ kính xuống. Hắn hỏi:

-Anh có muốn chọn cho Thuỳ Vân một trại cải tạo tốt không?

Ông không biết anh ta là ai nhưng vẫn cho anh ta số điện thoại. Anh ta hẹn gặp ông ở Sài Gòn.

Ông gọi điện thoại cho mẹ cô.

-Sao thằng nhỏ đó nó gọi tôi bằng “anh”? Tôi đáng tuổi bố nó mà.

-Chắc tại con Vân nói anh là “bồ” của nó.

-Thế nó gọi chị bằng gì?

-Bằng “bác”. Nhưng mà anh ơi, đừng có tin mấy thằng đó. Nó không phải là cán bộ quản giáo đâu. Chắc là “cò”.

Tuy vậy ông cũng hẹn gặp anh ta ở quán cà phê. Thấy ông già chát, mặt mày nghiêm chỉnh, nó nói:

-Chú ơi, Thuỳ Vân có gởi cho chú một bức thư. Cán bộ quản giáo đã duyệt rồi.

Bức thư viết trên giấy học trò, gấp làm tư. Ông cầm bức thư trên tay, lật qua lật lại. Ông nhìn nét chữ quen thuộc. Anh ta hỏi:

-Chú có viết thư trả lời không?

Ông không có ý định đó vì không biết người đem thư là ai. Ông “bồi dưỡng” cho anh ta mấy trăm ngàn rồi gọi tính tiền cà phê.

Anh ta lại hỏi:

-Chú có muốn chọn một trại tốt không?

-Trại tốt là sao?

-Là gần nhà, là công việc nhẹ, là dễ được giảm án.

-Nhưng điều kiện như thế nào?

-Chỉ hai chục triệu thôi.

Ông nói:

-Tôi phải bàn lại với ba mẹ Thuỳ Vân rồi sẽ trả lời sau.

-Không được. Phải trả lời ngay bây giờ. Chú gọi điện cho ba mẹ cổ đi. Ngày mai là khoá sổ rồi, lúc đó có năm chục triệu cũng không chạy được.

Anh ta thúc hối, đeo bám như một gã cò mồi ở các khu chợ trời. Mẹ Thuỳ Vân cũng bị đeo bám như thế, sợ quá. Bà hỏi:

-Anh nghĩ sao?

-Có lẽ mình nên hỏi cán bộ quản giáo trực tiếp của Vân.

Đó là một cán bộ nữ, đứng tuổi, ăn nói nhỏ nhẹ.

-Không có chuyện đó đâu. Bà nói. Đừng nghe lời mấy tay cò. Nhà trường chúng tôi chỉ lập danh sách phạm nhân, còn việc phân bố về trại giam nào thuộc thẩm quyền Tổng Cục 8 của Bộ Công An.

Mọi người đều hiểu. Từ đó tay cò không còn gọi điện quấy rối nữa.

*

Ngày nọ ông nhận được một cú đện thoại.

-Em Vân nè. Em đang lên xe để đi về trại An Lộc.

Hôm đó là ngày 26 tháng 9 năm 2013.

Từ đó quốc lộ 13 trở thành con đường thân quen với rất nhiều kỷ niệm, và chắc chắn sẽ còn nhiều buồn vui trên những lộ trình dài suốt tám năm vạn lý trường chinh trong nắng cháy, trong mưa dầm, sương gió, khói bụi, đêm tối mù mịt hay những sáng sơm đầy sương mù chạy xuyên qua những rừng cao su bạt ngàn, những hàng quán lụp xụp, những khu chợ nghèo bên đường, leo lét ánh đèn vàng mờ đục và ly cà phê cơm cháy đắng nghét giữa cái lạnh cắt da của những ngày mưa xối xả.

Thuỳ Vân ơi, anh sẽ đặt tên cho con đường tình sử ấy là đường Thuỳ Vân và hậu thế sẽ chiêm ngưỡng nó, sẽ khắc ghi hình bóng của một người đàn ông si tình và một cô bé nghiện ma tuý vĩ đại.

ĐÀO HIẾU (còn tiếp)

Bình luận về bài viết này