Bù Khú Tiên Sinh 06 – NHỮNG ĐỨA TRẺ BỤI ĐỜI

BK 06Buổi sáng Nhung dậy sớm quét sân và nấu trà. Hai chú cháu ngồi ăn sáng dưới gốc cây bồ đề.

Bù Khú hỏi:

-Ba cháu đâu?

-Ổng ở Sài Gòn này nhưng con không dám gặp.

-Tại sao?

-Vì mỗi lần gặp là ổng la lối. Sai lính đuổi đi. Ổng nói: tao không có đứa con như mày.

-Bộ ổng làm quan lớn sao?

-Làm Giám Đốc Sở.

-Thế anh Bảo của cháu ở Mỹ về, ổng có tiếp không?

-Anh Bảo thì khác. Ảnh không thèm gặp mặt ổng. Ảnh nói: ổng không phải ba tao. Ổng đã bỏ mẹ, đi theo vợ bé. Có một bầy con khác. Gặp ổng làm gì. Gặp ổng thì phải giết ổng.

Bù Khú đưa ly cà phê cho Nhung nhưng cô gái lắc đầu, mặt tái xanh.

-Chú cho con một ly nước đường.

Bù Khú đi lấy đường cho nó, khi trở ra đã thấy nó run rẩy. Nó níu lấy cánh tay Bù Khú, nhoài người tới chụp ly nước đường uống ừng ực. Nó nằm xuống cái băng dài, co lại như con khỉ già. Bù Khú đến ngồi cạnh, giữ cánh tay nó, nhưng nó vẫn không hết run rẩy nên tiên sinh phải bế nó vào trong am, đặt lên giường và đắp mền lại. Ông ngồi với nó một lúc và vuốt tóc nó cho đến khi cơn co giật dịu xuống.

Nhung ngủ cho tới tối và Bù Khú không đánh thức nó. Ông lại võng nằm, lắng nghe nước triều bắt đầu lên. Khoảng nửa đêm tiên sinh tỉnh dậy vì tiếng chân rượt đuổi nhau ngoài bờ sông. Rồi súng nổ. Con chó nhỏ sủa mấy tiếng rồi im. Tiếng chân cũng xa dần. Im lặng trở lại. Con nước mon men đến, trườn lên những bụi dừa nước. Tiếp tục đọc

Bù Khú Tiên Sinh 05 – CẶP ĐÔI KHÔNG HOÀN HẢO

BK 05Họ giống như hai vợ chồng nhưng cũng giống như hai con khỉ. Khỉ già nằm trên chiếc võng gai lim dim mắt, khỉ trẻ ngồi kế bên vạch lông bắt chí. Nhưng Bù Khú không có chí, quần áo tuy cũ nhưng cũng không có rận, tiên sinh chỉ lốm đốm tóc bạc. Ngài lim dim, lắng nghe những ngón tay lướt trên da đầu mình tìm nhổ những sợi tóc sâu. Ngài đang tan chảy như một hạt muối thả xuống dòng sông. Ngài cảm nhận sự hòa nhập chậm rãi, dịu dàng và âu yếm. Ngài bồng bềnh như đám mây mỏng, như sương khói, lãng đãng quấn quít quanh những ngón tay mềm mại, những ngón tay vuốt ve từng sợi tóc, đùa nghịch với chúng bằng sự đằm thắm của người mẹ.

Bù Khú bay la đà xuống thung lũng, chạm lên những ngọn cỏ ướt và tan trong những giọt sương. Có một lúc bàn tay của Ngọc lướt nhẹ trên má. Rồi chợt ngài thấy có đôi môi chạm vào môi mình. Hơi thở ấm nóng của Ngọc thổi tắt ý thức mơ hồ của tiên sinh đang chực phiêu hốt vào cõi bất định, chạm đến biên giới của vô thức. Và ngài cảm nhận mình đang ôm một tấm thân mảnh mai ấm áp. Ngài hỏi: Em là ai vậy? Là kẻ trôi dạt. Em đến từ cõi nào? Từ vô định, vượt qua những gò đống tàn héo khô cháy của nhân gian. Đến được cái thế giới tĩnh lặng, vô thanh và đầy ảo giác này.

Người đàn bà trẻ cũng mất dần ý thức, áp má trên cái bụng phẳng lặng của tiên sinh và trôi đi trên dòng sông chảy ngược về trời.

Họ tỉnh dậy lúc trưa nắng và nhìn thấy một bà lão ăn mày đội cái nón cời rách tả tơi, quần áo đen nhẻm, u ám. Họ mở mắt nhìn ngắm bà lão nhưng không ai nói gì. Và bà lão cứ trôi dần tới như đang bị sóng biển xô dạt lúc xa lúc gần. Cho tới khi lão ăn mày chạm vào đầu võng thì Ngọc hỏi: Tiếp tục đọc

Bù Khú Tiên Sinh 04 – SẾP LỚN VÀ BẠN TRAI

BK 04Vũ trường! Nơi đó Ngọc đã đến, đã thấy và đã…thất bại. Đó là sự khác nhau giữa Ngọc và Julius Césare. Bởi vì cô đã gặp một gã Việt kiều.

Hắn ở Mỹ về Việt Nam nhiều lần, đi vũ trường, nhà hàng, du lịch nhiều nơi, muốn kiếm một cô gái đẹp đẹp, lấy làm vợ nhưng không gặp ai là hồng nhan tri kỷ.

Trong điện thoại di động của hắn có gần hai chục số của các em. Mỗi ngày nhận được tám chục cú điện thoại và tin nhắn nhưng nội dung giống nhau: “Anh cho em mượn năm triệu. Anh ơi hồi sáng em bị giựt điện thoại rồi. Trưa nay em phải đưa ba em vô bệnh viện. Má em nợ người ta mười lăm triệu, anh có thể cho em mượn đỡ vài ngày…” Hắn hoảng hồn, đổi SIM khác.

Lần này Bảo ra bưu điện gởi tiền về quê thì có cô gái đứng bên, hỏi mượn cây viết. Hai mắt vừa chạm nhau đã giựt mình.

-Chết rồi! Tôi đã gặp chị nhiều lần ở đâu đó.

Ngọc chựng lại mười giây.

-Coi chừng anh lộn người.

-Không lộn. Chị tên là Ngọc, hồi trước làm ở vũ trường Á Đông đường Trần Hưng Đạo. Đúng không?

-Tôi cũng nhớ anh rồi. Tên thì quên nhưng là Việt kiều Mỹ.

-Không sai. Tôi tên Bảo.

-Tại sao anh nhớ tôi?

-Vì hồi đó có anh chàng mê chị như điên. Bây giờ hai người sao rồi?

-Chỉ là khách qua đường. Cũng giống như anh vậy.

-Nhưng bây giờ tôi đã trở về.

-Về chơi hay làm ăn?

-Về kiếm vợ.

-Kiếm được mấy bà rồi?

-Chắc phải nhờ Ngọc giúp cho một tay.

-Có tiền cò không?

-Đương nhiên.

-Bao nhiêu?

-Ít thì vài ngàn đô, nhiều thì quỳ xuống, cõng về Mỹ làm thê tử.

-Được đấy. Vậy để tôi giúp. Tiếp tục đọc

Bù Khú Tiên Sinh 03 – NÁO LOẠN TRONG CHIẾN KHU

BK 03Trong phòng bày biện các dụng cụ tra tấn từ thời thực dân Pháp để lại: xiềng sắt dùng xích tay tù nhân, roi da bò, roi vặn thừng, dùi cui cao su dùng để đánh vào người, vào mặt, vào đầu tù nhân, một máy tra điện quay tay, một thùng đựng nước xà phòng để đổ vào miệng vào mũi tù nhân cho ngộp thở.

Roi vặn thừng là dụng cụ rất tàn độc, nó có gắn đinh ở phía cuối, mỗi lần đánh vào người tù nhân, khi nhấc roi lên da thịt người tù dính theo từng mảng, máu chảy ướt sàn nhà.

Trong phòng có ba người: tư Cum, ngoài bốn mươi, tóc húi cua, mặt đen, tướng ngũ đoản, tay cầm ngọn roi vặn thừng, một viên cảnh sát áo trắng ốm nhách, đeo súng ru-lô và Bù Khú.

Thời gian: một giờ sáng.

Tư Cum cầm ngọn roi vặn thừng lên, đến trước mặt Bù Khú.

-Suy nghĩ kỹ chưa? Có chịu dẫn tụi tao tới đó không?

Bù Khú im lặng. Tư Cum xoay nửa vòng, vung roi quất vào cái bao cát bằng vải bố treo phía bên trái. Những cái đinh ở đầu roi cắm ngập vô bao cát. Và khi hắn thu roi về thì cát chảy thành từng dòng xuống sàn.

-Máu của mày cũng sẽ chảy như vậy đó. Thế nào? Có chịu dẫn không?

Hắn lại vung roi lên. Bù Khú đưa tay ngăn lại.

-Tôi sẽ dẫn các ông đi.

Thế là đi. Nhưng Tư Cum chỉ đem theo có sáu cảnh sát dã chiến trong đó có một sĩ quan truyền tin. Trực thăng bỏ bọn họ xuống cách bờ sông chừng năm cây số. Bù Khú bị kèm giữa hai cảnh sát dã chiến đi trước dẫn đường. Tư Cum đi giữa và ba cảnh sát khác đoạn hậu. Tất cả bọn họ đều mặc thường phục, giả làm dân chài, lựu đạn và súng ngắn giấu trong người, máy truyền tin PRC 25 giấu trong một cái giỏ lát.

Một chiếc ghe máy đợi sẵn ở bến sông.

Khi đã yên vị trên thuyền, Tư Cum trợn mắt nhìn Bù Khú, nói:

-Mày mà lừa là tụi tao bắn liền.

Bù Khú nói:

-Đừng lo. Bây giờ đi ngược dòng. Qua mấy cái bè cá sẽ gặp một đám rừng thấp rồi tôi chỉ tiếp.

Chiếc ghe máy đi về hướng đó. Mấy chiếc ghe chở trái cây từ Long Khánh xuống đi ngược chiều, tạo những vòng sóng nối tiếp không dứt.

Ở tận trên cao, có một chiếc L19 bay yên lặng, bình thản như một con quạ đen nhàn nhã thả nổi trên những lớp gió.

Mười lăm phút sau bọn họ gặp một đám bè cá nhỏ nối kết nhau trên mặt sông rộng. Những ngư dân đã thức dậy bên bếp lửa, hút thuốc rê và uống trà. Họ có vẻ hơi ngạc nhiên về sự xuất hiện của một chiếc ghe lạ đi quá sâu vào trong hẻm núi. Tầm mắt của họ nhòa dần trong chút sương còn lãng đãng và chiếc ghe máy của Bù Khú thì mất hút trong sóng nước.

Lát sau đám rừng thấp hiện ra trùng điệp, xanh ngắt, la đà trên mặt nước trong vắt. Phía sau mảng rừng thấp ấy là những ngọn núi nhiều tầng nhạt màu hơn trong ánh nắng ửng vàng. Tiếp tục đọc

Bù Khú Tiên Sinh 02 – KHÁCH MÁ HỒNG

BK 02Người đẹp bước vào cái thế giới tím nhạt của đèn và những tiếng thét của giai điệu. Tiết tấu lập đi lập lại như điên. Những tiếng basse bùng bùng của thứ rap động kinh truyền dẫn cơn tâm thần quái gỡ, chạy vòng quanh đám con rối. Ngọc bước vào thế giới ấy, như hòn sỏi được thả xuống mặt ao và chìm lỉm, lẫn lộn giữa đám vảy cá lấp lánh của bầy thủy quái.

Cô cầm ly rượu đi một vòng đám người ngọ ngoạy như đang lướt giữa những đợt sóng động cỡn ngầu bọt.

Cô chọn một góc tối và hút thuốc lá.

Một người đàn ông ăn mặc lịch sự đến chào và mời cô ra sàn nhảy. Ngọc nói:

-Cám ơn anh, em không biết nhảy.

-Vậy em đến đây chắc có chuyện gì buồn?

-Em tính xin việc làm. Anh thấy em làm cashier được không?

-Nếu em làm cashier thì đêm nào anh cũng đến đây. Nhưng mà họ đã nhận em chưa?

-Chưa. Sáng mai em sẽ đến để phỏng vấn.

Sáng hôm sau, khi cầm lá đơn đến nơi, Ngọc mới biết rằng người ta chỉ tuyển nhân viên nữ từ 25 tuổi trở xuống nhưng Ngọc đã ba mươi, vừa tính rút lui thì trưởng phòng nhân viên bước ra.

-Này tiểu thơ. Chưa dự phỏng vấn đã về sao?

-Tôi không đủ tiêu chuẩn. Già chát rồi.

-Không sao, cứ ngồi xuống đi.

Ngọc ngồi ở ghế sau cùng.

Bốn cô thiếu nữ lần lượt được mời lên, người thì có bằng đại học, người có bằng C Anh văn. Tay trưởng phòng hỏi xã giao vài câu, con mắt cứ lấm lét nhìn Ngọc. Gã chỉ dành cho mỗi thí sinh kia không tới một phút thì đuổi về.

Khi Ngọc bước đến thì gã làm mặt nghiêm.

-Cho tôi xem hồ sơ.

Nhưng con mắt gã chỉ dán vào cái tên Ngọc và tấm hình bốn sáu. Ngọc hỏi:

-Có phải hồ sơ của tôi bất hợp lệ không?

Gã ngước lên nhìn Ngọc, xếp tập hồ sơ lại, đút vô ngăn kéo:

-Đối với Ngọc thì không bao giờ bất hợp lệ. Luôn luôn được chào đón.

Còn giám đốc vũ trường khi nhìn thấy Ngọc đến trình diện đã thốt lên:

-Tôi sắp phát tài rồi!

Ngọc hỏi:

-Bác thấy cái mặt cháu giống mặt ông thần tài hả bác?

-Mặt của cô sáng rực như miếng vàng bốn số chín. Tiếp tục đọc

Bù Khú Tiên Sinh 01 – ẨN SỸ

BÙ KHÚ KHÔNG CHỜ GODOT

Chờ Godot, chờ God, Chúa Trời. Chờ để làm gì? Để nhận một sự cứu rỗi? Một ơn sủng hay một đóm sáng hy vọng?

Những nhân vật của Samuel Beckett đang chờ Godot, nhưng Bù Khú thì không.

Bù Khú sống như thể gã là nhà tiểu thuyết của cuộc đời mình, là kẻ sáng tạo ra bản thân mình. Ở phố, ở rừng, ở tù, ở chùa, ở với vũ nữ, gái điếm, tiếp viên hàng không… đâu cũng thế, vẫn cứ là gã. Sống thực, sống đầy, sống như triều dâng, sống hoang dã và sống tận tình, sống lặng lẽ và sống bất bình.

Gã có thể bù khú hay im lặng, cười hay khóc, phóng đãng hay thánh thiện. Sao cũng được. Nhưng không bao giờ sống giả.

Gã đem cuộc đời mình ra mà bù khú, mà chơi, mà sáng tạo và hủy diệt. Đó là dốc hết tinh anh của mình ra mà sống, không cần ai tán thưởng.

Như một dòng sông háo hức băng vào đại dương bao la, gã phóng mình đi, không chờ ai theo bước. Không chờ Godot.

NHẬT CHIÊU

(Nhà văn, nhà nghiên cứu văn học, dịch giả.
Sinh 1951 tại Sài Gòn. Hiện là giảng viên của nhiều chuyên đề văn học và văn hoá tại ĐH KHXH & NV TP. HCM, và nhiều đại học khác.)

BK 01ẨN SĨ

Có người nọ không rõ quê quán ở đâu, học vấn thế nào, về đất Phú Xuân cất một cái am bên nhánh sông vắng vẻ, ở chung với một con chó. Tiên sinh không giao du với ai, trong nhà cũng chẳng có ti-vi, điện thoại. Không nghe tiếng nhạc, cũng không tiếng người. Lâu lâu mới có tiếng chó kêu ăng ẳng vì mừng rỡ. Tuyệt nhiên không có tiếng sủa.

Tương truyền thời trai trẻ cũng có đi học nhưng thi mãi không đỗ nên suốt đời làm anh nhân viên quèn, bèn xoay nghề thi phú nhưng cũng không thành công, tác phẩm chẳng ai biết tới. Lại thử ra kinh doanh mở quán rượu thì bạn bè kéo tới nhậu nhẹt mà khất nợ nhiều quá, lỗ vốn phải dẹp tiệm.

Một ông già ngoài năm mươi như thế ít khi được các bà các cô để mắt tới, và tiên sinh thì cũng chẳng buồn trò chuyện với ai, tối ngày khép kín trong cái am như một nhà tu, một ẩn sĩ.

Ngày nọ, nhân lúc cao hứng, tiên sinh diện một bộ đồ thể thao, tà tà thả bộ dọc bờ sông, ra cái vẻ ta đây vẫn còn phong độ.

Không biết từ lúc nào hiện ra một bãi bồi nhỏ, trên đó mọc lên một quán cà phê xinh xắn.

Quán vắng khách, tiên sinh bước vô mà không thấy ai ra tiếp, bèn đằng hắng rồi kéo ghế ngồi dưới gốc cây bàng. Lát sau có một cô nương chừng ngoài ba mươi, yểu điệu bước ra từ lùm cây xơ-ri thấp và đầy trái chín.

Tiên sinh hỏi:

-Quán này mở lúc nào vậy?

-Được hơn một tháng nay. Anh cũng ở gần đây sao?

-Gần đây. Qua mấy cái rẫy bắp, đi một đoạn nữa thấy có cái am nhỏ.

Cô nương có vẻ ngơ ngác, hỏi:

-Am là cái gì vậy?

-Cũng giống như một cái chùa nho nhỏ.

-Vậy anh đi tu sao? Anh không giống một người đi tu.

-Anh đi ở ẩn.

-Ở ẩn là gì?

-Là chán đời, muốn tìm chỗ thanh vắng, sống một mình.

-Anh cũng không giống một người chán đời.

Tiên sinh khuấy cà-phê, ngắm cái mặt tươi tắn của cô chủ quán.

-Em có phải dân Bến Tre không?

-Sao anh nghĩ em là dân Bến Tre?

-Con gái Bến Tre da trắng, tóc dài, hai cánh tay rất tròn.

-Nhưng em là người Đồng Nai.

-Em lên đây ở một mình sao?

-Một mình.

-Đáng lẽ em phải có chồng rồi.

-Tại sao?

-Cũng giống như trái cây vậy. Khi nó chín đỏ, hương sắc phát tiết ra ngoài, khó mà ở yên trên cành, thiên hạ sẽ tranh nhau đến hái.

Tiên sinh chỉ xuất được mấy chiêu đó thì khách vô, toàn tụi thanh niên ồn ào, ăn tục nói phét. Tiên sinh bèn cáo từ. Lòng vui vì cảm thấy mình vẫn còn phong độ. Tiếp tục đọc

Bù Khú Tiên Sinh – BÙ KHÚ TIÊN SINH ĐI HỌC TRIẾT MÁC – LÊNIN

VIETLTS: Tác phẩm này đã được đăng nhiều kỳ trên website Tiền Vệ vào khoảng năm 2012. Sau một thời gian trau chuốc lại, nay tác giả xin được ra mắt độc giả trong và ngoài nước. Nhưng trước khi giới thiệu toàn văn – gồm 19 kỳ – tác giả muốn bắt chước ngành điện ảnh, giới thiệu một “TRAILER” như một hình thức quảng cáo.

*

Khóa học sẽ kéo dài trong hai tháng. Bù Khú khóa cửa phòng, ra đi.

Hai ngày cà rịch cà tang trên xe lửa, ngủ gà ngủ gật suốt đêm trên chiếc ghế dựa làm bằng những thanh gỗ sần sùi, đi đái trong một cái cầu tiêu đầy phân người nổi lềnh bềnh, rập rềnh theo nhịp xe đi lắc lư, rửa mặt và súc miệng tại một cái vòi nước rỉ sét, chảy rỉ rả như sợi chỉ… cuối cùng cũng đến được trường Tuyên huấn.

Đó là một cái vườn hoang, đầy bóng mát và đầy tiếng chim. Những cây me tây cao vút, tàn rộng, phủ bóng mát và rải đầy lá me lấm chấm vàng trên một cái sân xi măng có nhiều kẻ nứt và ổ gà.

Nơi ấy hoang sơ như một khu vườn cổ tích. Bù Khú không thấy nhà cửa, không thấy cả bóng người hay mèo chó. Chàng chỉ nghe tiếng chim từ trên những tán lá cao rải xuống theo những cơn gió. Chàng bước đi trong tĩnh lặng, hạnh phúc vì thấy mình được lạc vào chốn thần tiên này, hoàn toàn cách biệt với thế giới bề bộn bên ngoài, hoàn toàn quên đi những cãi vã tranh giành nhà ở, quên đi những tiếng động rầm rập nhức óc của con tàu xuyên Việt, quên đi cái cầu tiêu rập rềnh cứt đái…

Chàng như vừa nhảy qua vực thẳm để đến được chốn thiên đường xã hội chủ nghĩa, một vùng tiểu thiên địa huyền thoại với cây lá, tiếng chim và những ngọn gió mát.

Chàng đi lang thang như thế trong khu vườn rộng mà quên mất là mình cần phải tìm ngôi trường Tuyên huấn của mình, cho đến khi chàng gặp một gã đản ông mặt tròn quay, tay cầm một xấp bìa cứng. Ông ta hiện ra trước mũi chàng lúc nào chàng không hay, giống như lão thổ địa.

Ông Địa hỏi:

-Cậu tìm ai?

-Tôi tìm trường Tuyên huấn Trung ương.

-Đúng đây rồi.

-Nhưng sao không thấy một cái nhà nào cả?

Người đàn ông dẫn Bù Khú qua khỏi một rặng cây và chi cho chàng ngôi biệt thự hai tầng lầu rất rộng và cũ đến độ màu sơn vàng của nó đã ngả sang màu nâu của đất mùn, còn tường thì loang lổ những kẻ nứt, ở đó mọc ra những nhánh cây bồ đề con tua tủa, như cái vườn ươm treo lơ lửng giữa không trung. Tiếp tục đọc

Lạc Đường 31 (kỳ cuối) – MỘT ĐỜI KHÔNG BẾN BỜ

31Chợt tôi thấy thiên thu là

Một đời không bến bờ

(Trịnh Công Sơn)

Năm sáu mươi tuổi tôi khởi sự viết tự truyện này. Sáu mươi là tuổi “nhĩ thuận” nhưng lỗ tai tôi nghe cái gì cũng trái, con mắt nhìn cái gì cũng thấy có gai. Tôi đi chùa trong gần một năm, học theo Nam Tông, đọc Trung Bộ Kinh, Bát Chánh Đạo, luyện Tứ Niệm Xứ…nhưng mỗi sáng giở tờ báo ra, đọc vài cái tít lớn là vứt đi vì ngày nào cũng tràn ngập chuyện vớ vẩn, chuyện tham ô, chuyện lừa đảo. Viết lách thì như bồi bút.

Buổi tối bật tivi lên. Lại nói dối. Nói dối trên nền nhạc Richard Clayderman. Quanh năm suốt tháng cứ Clayderman. Lại trái cái lỗ tai. Không thể nhĩ thuận được, bèn đi học thiền. Học không được, bỏ lên núi với Dã Nhân và chú mọi nhỏ.

Dã Nhân gầy đét như một cây khô, mặt sạm như đá núi, lòng lạnh như tro tàn. Chú mọi nhỏ thì như con nai con, chạy nhảy, cười nói lí lắc.

Ba người ngồi trong cái am nhỏ, mây núi chập chùng, cũng thấy lòng rũ bỏ được vài phân trần thế.

Buổi trưa tôi thường đi bắt bọ rùa với thằng nhỏ. Nó hỏi tôi tại sao con bọ rùa người ta lại gọi là ladybird? Tôi nói ban đầu là chữ ladybug. Bug là con bọ, nhưng rồi có người đọc trại thành bird cho nên mới có từ ladybird. Giải thích cho vui, không chắc đã đúng như vậy. Nhưng chú mọi nhỏ rất tin vào lời giải thích đó. Tiếp tục đọc

Lạc Đường 30 – CON CHIM SẺ CUỐI CÙNG Ở HÀNG CHÂU

30Hàng Châu được mệnh danh là Thiên đường của hạ giới nhưng tôi chỉ chú ý đến một sinh vật bé nhỏ. Một con chim sẻ. Con chim sẻ cuối cùng.

Cô gái trên đồi trà Long Tĩnh hỏi tôi:

-Sao chú biết đó là con chim sẻ cuối cùng?

-Chú đi từ Quảng Châu sang Tô Châu rồi đến đây, rừng cây chập chùng mà không hề thấy một con chim sẻ. Đây là con chim duy nhất mà chú nhìn thấy.

-Nhưng đã chắc gì nó là con chim cuối cùng. Bộ những con chim sẻ khác đã chết hết rồi sao?

-Cách đây mấy chục năm, khi cháu chưa sinh ra đời, ở quê hương của cháu người ta mở chiến dịch diệt chim sẻ. Già, trẻ, lớn, bé, đàn ông, đàn bà…xách cung tên, ná thun, súng hơi, gậy gộc, phèn la, mõ, trống…đổ xô đi bắt chim sẻ. Người ta dồn xác chim thành từng đống lớn, vứt xác chim lên xe cam-nhông đầy nhóc, chở đi từng đoàn. Những con chim sẻ còn sót lại bị mõ, trống, phèng la, gậy gộc truy đuổi ráo riết. Chúng bay rã cánh, rớt xuống đất. Chúng bị tiêu diệt không còn một mống.

-Nhưng vì sao người ta diệt chim sẻ?

-Vì sợ chim sẻ phá hoại mùa màng. Nhưng khi không còn chim sẻ thì sâu bọ phát triển khủng khiếp. Mùa màng bị thiệt hại nặng nề. Chiến dịch diệt chim sẻ của Mao chủ tịch đã làm chết mười triệu người vì thiếu lương thực.

Cô bé hái chè trố mắt nhìn tôi, nghi hoặc:

-Chú ở tận Việt Nam, sao chú biết chuyện bên nước cháu?

-Chú đọc báo và xem phim tài liệu của hai nhà làm phim nổi tiếng người Đức là Heynowski và Scheumann. Chú đã nhìn thấy những đoàn người điên cuồng, những xe cam-nhông chất đầy xác chim sẻ.

Bỗng nhiên cô bé cười rất tươi:

-Nhưng đó là chuyện đã xưa rồi. Nếu quả thật có một con chim sẻ còn sống sót sau chiến dịch đó thì nó cũng đã già và chết từ lâu rồi. Nào phải con chim sẻ lúc nãy chú cháu mình nhìn thấy?

-Cháu giỏi lắm. Tất nhiên đó không phải là con chim sống sót. Nhưng chiến dịch diệt chim sẻ là một sự kiện có thật. Một chiến dịch dốt nát, man rợ và điên rồ. Tiếp tục đọc

Lạc Đường 29 – BỈ QUÂN TỬ HỀ!

29Quân tử là người mẫu thời trang của Trọng Ni, là thần tượng của nho sĩ, là người tình lý tưởng của các nàng thục nữ…

Nhưng với nhân dân lao động Trung Quốc ngày xưa thì quân tử mang một diện mạo khác. Điều này có ghi lại trong Kinh Thi:

Khảm khảm phạt đàn hề

Trí chi hà chi ngạn hề

Hà thỉ thanh thả liên ỷ

*

Bất giá bất sắt

Hồ thủ hòa tam bách triền hề?

Bất thủ bất lạp

Hồ chiêm nhĩ đình hữu huyền huyên hề?

Bỉ quân tử hề

Bất tố san hề.

DỊCH :

Chát chát chặt gỗ đàn

Chặt xong để trên bờ sông

Nước sông trong và hơi gợn sóng

Những kẻ không cày cấy

Sao mỗi mùa thu được ba trăm triền?

Những kẻ không săn bắn

Sao trong nhà vẫn treo da thú?

Người quân tử kia ơi!

Các người chẳng phải là những kẻ ăn     không ngồi rồi đó sao? 

(Phạt đàn – Kinh Thi- Bản dịch của Trần Trọng San)

Nhân dân là đám đông thầm lặng, nhưng họ biết tất cả. Nhân dân biết tất cả, nhưng họ chẳng làm gì được.

Họ bị xua đi lao dịch ở lăng mộ Tần Thủy Hoàng, làm khổ sai ở Vạn Lý Trường Thành hay phơi xác nơi chiến địa, bị Bạch Khởi rồi Hạng Vũ chôn sống cả triệu sinh mạng trong một đêm, bị biến thành đống xương vô định trong cuộc tranh giành người đẹp giữa Lý Tự Thành và Ngô Tam Quế, bị Mao Trạch Đông tàn sát hàng chục triệu người trong cách mạng văn hóa… Tiếp tục đọc