Hồi Ký Đi Làm

02Trong công ty, mỗi nhân viên đều được sếp quyết định cho phụ trách một số khách hàng riêng biệt, và trường hợp có khách ngoài (được yêu cầu bởi Phòng thương mại) thì tùy theo mức độ khó, và tùy theo ngân sách của đối tác mà sếp quyết định cử nhân viên nào đi. Khi đó, mới hiểu mỗi người đều có cái giá riêng của mình (theo đúng nghĩa đen), và ý nghĩa của hai từ “có giá“. Sau này, nghe nhiều câu đại loại như “giá của tớ là như vậy, trả thấp hơn tớ không làm đâu nhé!“, hay “giá của tớ cao lắm, trả không nổi đâu!“. Cứ nghe “giá“ của một người, dễ tự ái, làm như con người ta là món đồ, vậy mà nghe giá của mình lại cảm thấy tự hào. Khách hàng mỗi khi có kế hoạch sang Việt Nam thì chỉ điểm đúng tên, giữ chổ trước để không đi đoàn khác. Có khách làm việc chung một thời gian, lúc sau bận đoàn VIP, sếp cử nhân viên khác thay thì khách giận, đòi cắt hợp đồng nếu không bố trí lại như cũ.

Một lần được sếp cử đi làm “floating staff“ sáu mươi ngày cho một công ty của Nhật Bản mới thành lập trong Khu chế xuất Tân Thuận, hỗ trợ chuyên gia kỹ thuật trong việc chuyển giao công nghệ và hướng dẫn dây chuyên sản xuất.

Thời gian “sống và làm việc” tại đây, bao gồm thông-phiên dịch, hướng dẫn, cùng làm công nhân ở mọi khâu trong chuyền từ vắt sổ, may, đóng nút, ủi…, cùng ăn, cùng ngủ với công nhân (mà từ chối khu vực giành riêng cho chuyên gia và nhân viên văn phòng), cùng dọn vệ sinh nhà xưởng, đi ăn hàng khi tan tầm, đến nhà công nhân thăm bệnh, sanh em bé v.v… cùng tham quan khu du lịch Suối Tiên bằng xe buýt, ăn cơm hộp… là thời gian “để đời“, “khổ“ mà sướng vô cùng, vì không có bàn giấy, không máy tính, không có cảm giác đi làm để ăn lương, mà như vừa được ăn vừa được gói mang về, học được nhiều thứ, nhận được nhiều tấm lòng, đọng lại bao nhiêu kỷ niệm khó phai… Tiếp tục đọc