ĐỐT ĐỜI kỳ cuối – Truyện dài Đào Hiếu

ĐỐT ĐỜI  Taras LobodaÔng không nhớ mình đã đi ngang qua rừng cao su này bao nhiêu lần rồi. Nó không thay đổi. Không già. Đến mùa, nó rụng lá rồi lại đâm chồi non, tươi mới trở lại.

Nó hồn nhiên theo dõi ông trong nhiều năm nay, một mình một ngựa, thầm lặng và đơn độc.

Nó quan sát ông từ trên cao, chứng kiến từng sự đổi thay nơi con người vô danh ấy. Mái tóc đã ngã màu, mí mắt sụp xuống, da mặt xám xịt, những ngón tay đã khô cằn. Chiếc xe máy cũng già yếu, chậm chạp và rên rỉ.

Nhưng ông vẫn băng qua rừng trong đêm tối, trong những sáng sớm đầy sương mù. Ông xuất hiện như cái bóng mờ nhạt phía cuối đường, thận trọng tránh những ổ gà trên mặt đất nham nhở, hoặc dừng lại đốt một điếu thuốc và ngồi nghỉ trên bờ cỏ.

Đôi khi ông nhìn thấy một mặt trăng vàng úa lúc trời đã rạng sáng. Nó hiện ra trên đỉnh rừng, sau lớp sương mỏng. Nó cũ kỹ, nám khói và u ám. Dường như lúc nãy nó đang ở trong một bãi phế liệu đầy mạng nhện, chợt nhìn thấy ông từ xa đi đến và biết rằng hôm nay ông đi thăm tù.

Nó đã hiện ra như thế nhiều lần nhưng vẫn không hề biết cái lão già ấy đi thăm ai mà trải bao mưa nắng, bao mùa thay lá của rừng. Cứ lầm lũi, đơn độc theo đúng cái chu kỳ quen thuộc. Chu kỳ ấy cũng giống hệt chu kỳ của mặt trăng, cứ mỗi tháng một lần khi trăng mọc lúc gà gáy, thì ông cũng lấy xe ra đi và đến rừng cao su vào sáng sớm.

Mặt trăng đứng sẵn nơi đầu ngọn cây chờ ông.

Nó cũng già như ông. Nó không còn tròn trĩnh, rực rỡ như tuổi mười lăm mười sáu. Nó đã khuyết, đã rạn nứt, đã lem luốc bụi thời gian. Nó vàng bủng, mờ đục và cũng xám xịt như gương mặt ông.

Dường như trong vũ trụ bao la này chỉ có ông là bạn của nó, bởi vì, trong hành trình đơn độc của mình, đôi lúc ông đã dừng lại, ngửa mặt lên nhìn ngắm nó. Hai bên nhìn nhau, hai bên cùng đúng hẹn. Ông đi ngang qua khu rừng này để đến một nhà tù, còn nó thì đi ngang khu rừng này để hoàn tất một vòng quay vô nghĩa. Vô nghĩa vì nó đã quay như thế hàng tỉ vòng rồi, mệt mỏi, nhàm chán mà không biết quay để làm gì, không biết đến bao giờ mới chấm dứt.

Giữa lúc ông và mặt trăng đang nhìn nhau thì có một chiếc xe bò từ trong sương mù hiện ra. Chiếc xe bánh gỗ, chỉ có một con bò kéo. Lão nông ngồi trên xe không cầm roi mà cầm một điếu thuốc lá sâu kèn. Lão mặc quần áo vải thô, tóc búi củ tỏi sau gáy. Lão rít thuốc, nhả khói bay lẩn vào trong sương mỏng.

Lão mơ hồ nghe tiếng bánh xe sào sạo lăn trên mặt đường, hai mắt lim dim, tâm trí vô định, không hề biết có người đang ngẩn ngơ nhìn mặt trăng. Khi hai bên sắp đụng nhau thì con bò đã dừng lại. Lão nông mở mắt. Người khách dưới đường cũng giật mình.

Hai người nhận ra nhau. Một buổi sáng trời mưa của sáu bảy năm trước. Túp lều tranh trong rừng cao su. Ấm trà nóng và câu chuyện kể về một người đàn bà bỏ chồng bỏ con ra đi.

Lão nông hỏi:

-Anh vẫn còn đi thăm tù sao?

-Nó cũng sắp về.

-Anh có thể vô uống với tôi một tách trà được không?

Ông chạy xe vô con đường đất. Chiếc xe bò đi trước ông, lắc lư, đủng đỉnh. Ông cảm thấy mệt mỏi và ông cũng muốn nghỉ ngơi giây lát.

Túp lều tranh vẫn không có gì thay đổi.

Ông nằm trên chiếc võng gai đã sờn rách. Và trong khi chủ nhà ra phía sau đun trà thì ông thiếp đi.

Khi tỉnh dậy, ông hỏi:

-Người đàn bà ấy có trở lại không?

-Người đàn bà nào?

-Anh không biết tôi hỏi người đàn bà nào sao? Thôi, vậy thì không nhắc tới nữa.

-Nhưng anh đã nhắc rồi. Mà cũng chẳng quan trọng. Anh có muốn thử một điếu sâu kèn không? Thuốc lá tôi trồng, anh nhìn lên chái nhà đi.

Những lá thuốc được xâu bằng sợi dây lạt hong khô trên một cây sào tre dài.

Chủ nhà đưa cho ông điếu sâu kèn và bật quẹt. Khói toả mù mịt, lá thuốc vừa khô nên rất mềm mại và khói có chút mùi thơm của cỏ úa.

Một giọng nói giễu cợt từ trong khói thuốc bay ra:

-Anh nghĩ là người đàn bà ấy sẽ trở lại sao?

-Vì đứa con.

-Vậy thì anh không hiểu đàn bà. Có thể vì một đứa con sao? Thậm chí cả một trăm đứa con như bà Âu Cơ mà khi cần chia tay thì người đàn bà cũng làm. Bà đã dẫn năm mươi con về rừng. Và Lạc Long Quân đưa năm mươi đứa còn lại xuống biển. Đó là cuộc chia tay đầu tiên và lớn nhất của một gia đình.

-Anh không tin đàn bà sao?

-Thế anh có tin không?

-Tôi không tin.

-Vậy mà tôi thấy anh một mình một ngựa lầm lũi đi qua khu rừng này suốt bảy năm nay. Đi từ khi còn là một người đàn ông cường tráng cho đến khi biến thành một lão già tàn tạ, phong trần như thế này. Sao anh có thể nặng tình như vậy?

-Vì nó là con gái của tôi.

-Ngay từ buổi gặp đầu tiên tôi đã biết người tù đó không phải là con gái anh.

-Vì cái gì mà anh biết?

-Vì trực giác. Vì đêm tối. Mưa và gió lạnh. Cái cách của anh không phải là biểu lộ của một người cha. Đó là cách của một người tình.

-Thì đã sao?

-Không sao. Nhưng vì anh nói anh  không tin đàn bà.

-Tin hay không, chẳng quan trọng.

-Vậy anh nghĩ rằng khi ra tù cô gái ấy sẽ sống với anh sao?

-Tôi không ngây thơ đến như vậy đâu, nhưng tôi phải đi hết cuộc tình này.

-Chắc là cô ấy đẹp lắm?

-Vừa phải.

-Sao si mê quá vậy?

-Không si mê. Chỉ là vì tôi cần một mối tình vì xưa nay cứ gặp toàn giả dối và phản bội.

-Vậy anh tin lần này là chân thật sao?

-Tôi hy vọng như thế. Nhưng cho dù không được như thế thì tôi cũng cố tưởng tượng ra như thế. Tôi đang thêu dệt một mối tình, tôi tô vẽ khuôn mặt của một hồng nhan tri kỷ. Tôi xem những chuyện tình đau khổ trong phim, tôi nghe những giai điệu buồn trong những bài hát và xúc động như thể người ta đang nói về mình. Vì chính tôi và cô ấy còn đau khổ hơn thế. Tôi tin rằng sự đau khổ sẽ làm người ta thức tỉnh.

-Nhưng nếu cô ta không thức tỉnh thì sao?

-Đó là chuyện của cô ấy. Tôi có câu chuyện của tôi, tôi có mối tình của tôi. Tôi tự do. Còn bây giờ thì tôi phải đi.

Hai ông già nhìn ra ngoài trời. Sương mù càng lúc càng dày đặc, phủ lên lá rừng, xoá nhoà những lối mòn và che lấp mặt đất. Chỉ thấy những chòm lá cao su dật dờ, nổi bồng bềnh trên cái nền trắng mênh mông, khoả lấp ranh giới giữa trời và đất.

Chủ nhà nói:

-Nếu đi bây giờ, anh sẽ mất hút, sẽ lạc đường, sẽ cứ luẩn quẩn trong rừng.

-Nhưng đã đến giờ. Tôi không thể nán lại thêm nữa.

Rồi ông ngồi lên xe. Chạy chậm. Lẩn khuất giữa mù sương, giữa mênh mông trời đất vô định. Ngọn đèn của chiếc xe cũ kỹ không giúp được gì. Ông như cánh diều nhỏ bồng bềnh giữa những đám mây thấp trôi giạt trong cây lá rải rác đây đó.

Có một lúc ông ngỡ mình đã ra tới đường cái và quẹo về hướng trại giam, nhưng đi hoài vẫn cứ thấy mình bị bủa vây giữa trùng trùng sương khói, giữa hiu hắt gió lạnh.

Thân cao su thẳng đứng như những cột mốc đen sẫm, làm ranh giới giữa hư và thực. Con đường đất đỏ bị xoá nhoà dưới những cụm sương la đà sát ngọn cỏ.

Đột nhiên chiếc xe máy như rơi vào khoảng không. Ông lơ lửng trong một cõi im lặng tuyệt đối, trắng xoá, nhưng mù mịt. Không một bóng người, không chim chóc, không nhà cửa. Chỉ có những thân cây phiêu hốt, chập chờn trong một thế giới hư ảo.

Dường như ông không còn ý thức, ông đã đánh mất mình. Dường như bản ngã ông đã tan biến.

Và trống rỗng.

Ông đã đi đâu trong cái khoảnh khắc trống rỗng đó? Nó đã kéo dài bao lâu? Ông vẫn còn sống hay đã chết? Và khi mở mắt ra, ông hoàn toàn không biết mình đang ở đâu, chỉ thấy chung quanh toàn là cỏ và lá khô phủ đầy.

Một cụm sương mù lướt qua những cành lá phía trên cao. Ông nhìn thấy những chiếc lá đen lay động. Rồi từ đó, tự nhiên mặt trăng hiện ra, nhợt nhạt như da mặt của một người đã chết. Mặt trăng nhìn ông. Bất động và im lặng. Dường như nó đang theo dõi, đang canh gác ông, hay đang chờ đợi đưa ông đi.

Ông thảng thốt, muốn ngồi dậy nhưng không còn sức lực. Ông sợ. Ông cố la lên mặc dù giọng đã khàn đặc.

-Sao còn đứng đó? Hãy đi đi!

Nhưng mặt trăng vẫn dửng dưng, trơ bộ mặt vô cảm và tàn héo của nó như một kẻ xa lạ vừa thoát ra khỏi huyệt mộ.

Ông sờ soạng quanh mình tìm một hòn đá hay một khúc gỗ nhưng chỉ có những lá cỏ ướt đẫm sương. Rồi ngón tay ông chạm vào những vật tròn, láng. Ông nắm chặt những hột cao su già, cứng như hòn cuội.

Trăng vẫn đăm đăm nhìn ông như con quái thú. Ông cố hết sức hét lên:

-Đi đi! Hãy đi đi!

Nhưng nó cứ bất động. Ông cầm hột cao su lên, cố sức ném về phía mặt trăng nhưng nó đã tuột khói những ngón tay lạnh cóng và rớt xuống bãi cỏ.

Đột nhiên mặt trăng sà xuống thấp, như một cái mâm, sần sùi và xám xịt. Một khuôn mặt khô, nhăn và tái nhợt của con cú mèo già. Nó cúi sát xuống mặt ông, hai mắt mở to nhưng vô hồn và lạnh ngắt. Ông né sang bên. Nỗi khiếp sợ làm ông bật dậy như một phép lạ. Ông bước khập khiễng qua đám cỏ gai, ngoái đầu lại vẫn thấy mặt trăng ở sát sau lưng mình. Ông chạy vô rừng. Nó đuổi theo, chờn vờn quanh các gốc cây.

Rồi bỗng nhiên rừng biến mất, mặt đất cũng biến mất, chỉ còn sương mù đặc sệt. Mặt trăng chao lượn trên đầu ông như con kền kền đang chực bổ xuống.

Ông trốn vào một cụm mây nhỏ nhưng lại thấy mặt trăng ngay phía trước. Nó đón đầu ông nhưng vẫn giữ một khoảng cách. Ông dừng lại và nó cũng dừng lại. Nó nhìn ông. Nó chờ ông. Không biết nó chờ ông để làm gì. Nó không giống một con thú săn mồi chờ ông để rỉa xác. Dường như nó muốn dẫn ông đi đâu để giao nộp cho ai đó. Có thể là cho một con quỷ vô thường.

Ông bỏ chạy. Chân ông vấp vào một mớ lằng nhằng, cứng và sắc nhọn. Ông ngã xuống bên một hàng rào kẽm gai và hoàn toàn kiệt sức.

Mặt trăng bốc lên cao, bất động trên đầu ngọn cây. Nó trắng bệt dần, nhoà dần đi, và lẩn mất trong sương mù.

Rồi ông nhìn thấy một cái bóng vượt qua hai lớp rào kẽm gai của trại giam, trôi đến gần ông. Một thiếu nữ trong bộ đồ tù kẻ sọc. Mớ tóc dày cột túm lại như cái đuôi sóc. Đó là Thuỳ Vân. Nhưng từ trong sương mù lại thấp thoáng những cô gái khác. Tất cả đều mặc đồ tù và đều là Thuỳ Vân. Tất cả đều im lặng, lướt đi.

Những mái tóc dài bung ra như chùm đuôi sóc nối tiếp nhau, bay quanh chỗ ông nằm như một vòng hoa lớn kết bằng những bông lau trắng.

Ông muốn gọi Thuỳ Vân nhưng dường như ông đang nằm trong một thế giới xa lạ nào đó, một thế giới không có tiếng động, không có mặt đất và bầu trời. Rừng cây cũng biến mất. Những hàng rào kẽm gai, những lều bạt, những mái tôn rỉ sét của nhà tù cũng biến mất, chỉ còn lại một thế giới trắng toát của mù sương. Và những đuôi sóc. Và những bộ đồ tù kẻ sọc như màu lông của đám sinh vật nhỏ bé ấy.

Bầy sóc nhỏ bay quanh ông như những thiên thần, rồi bất chợt những chiếc đuôi ửng sáng như những ngọn nến, kết thành một dải hoa đăng lấp lánh, rực rỡ.

Ngày 4 tháng 9 năm 2014

ĐÀO HIẾU

Bình luận về bài viết này