NGƯỜI MỸ TRẦM LẶNG Graham Greene Chương 04

ANHChương 4

Lần đầu tiên Pyle gặp Phượng, cũng lại là ở khách sạn Continental, hai tháng sau khi hắn tới Việt Nam. Lúc chập tối, trong bầu không khí mát mẻ ngắn ngủi tiếp theo sau khi mặt trời lặn và những cây nến đã được thắp lên tại các quầy hàng của các phố ngang dọc. Những con xúc xắc đổ lách cách xuống những bàn có những người Âu chơi và dọc theo phố Catina, những người phụ nữ trẻ quần lụa trắng đạp xe đi về nhà. Phượng uống một cốc nước cam vắt, tôi uống bia, hai chúng tôi lặng im, rất hài lòng được sống chung với nhau. Lúc đó Pyle lại gần, tìm cách nhập bọn và tôi giới thiệu hai người với nhau. Hắn ta có một cách nhìn kỳ lạ, nhìn trân trân những người phụ nữ y như từ nhỏ chưa gặp người đàn bà nào, sau đó hắn đỏ ửng mặt.

– Không rõ, – hắn nói – tôi có được phép mời bà và ông sang bàn của tôi không? Một trong những vị tùy viên… đó chính là tùy viên thương mại. Viên này từ trên sân thượng nghiêng xuống phía chúng tôi bộ mặt tươi rói, và nụ cười hể hả rộng mở như một lời hoan nghênh, chứa chan niềm tin, cái miệng cười của con người giữ được cả bạn bè vì nó biết dùng những loại thuốc khử mùi hảo hạng. Tôi đã nhiều lần nghe nói tên anh chàng Jo này, nhưng chưa hề biết đầy đủ cả tên lẫn họ. Hắn ầm ĩ giở trò kéo thêm ghế, gọi người phục vụ, tuy rằng ở cái khách sạn Continental này những trò đó cũng không làm xuất hiện thêm thức gì ngoài bia, cognac, soda và vemus casi.

– Tôi không ngờ được gặp anh ở đây, anh Fowler, – Jo nói. – Tôi đang chờ cánh chúng tôi sắp từ Hà Nội về. Hình như ở ngoài đó đánh nhau lớn thì phải. Anh không đi với họ à?

– Tôi đã ngấy cái việc bay trong 4 giờ để dự một cuộc họp báo rồi.

Hắn nhìn tôi với vẻ không tán thành.

– Bọn chúng tôi – hắn nói – rất hăng máu. Tôi biết, nếu họ muốn thì có thể kiếm gấp đôi khi đi làm cho đài phát thanh hay các việc kinh doanh khác, mà lại không bị nguy hiểm.

– Có lẽ ở đó người ta bắt họ làm việc.

– Họ như ngựa chiến ngửi thấy mùi thuốc súng – Jo tiếp tục say sưa nói, không hề để ý đến những ý kiến làm hắn không hài lòng. – Xem Bill Grand chẳng hạn, làm sao mà kìm chân lão ta khi có choảng nhau ở một nơi nào đó?

– Anh nói đúng hoàn toàn đấy – tôi đáp – hôm nay, tôi thấy anh chàng đứng giữa vụ choảng nhau ở quán rượu tại tiệm Sporkting.

– Anh hiểu thừa ra rằng tôi không định nói về loại choảng nhau đó.

Hai chiếc xe xích lô từ phía phố Catina xuống, chạy thật nhanh và hãm lại một cách rất ngoạn mục trước khách sạn Continental. Grăngtơ ngồi trong chiếc xe đầu. Chiếc xe thứ hai chở một ụ thịt xám xịt và lặng lẽ, mà Grand ra sức lôi kéo cho rơi xuống vỉa hè. “Đi lên, Mich, đi lên nào” – Grand vừa kéo vừa nói. Rồi hắn cãi lộn với người đạp xích lô về tiền công. “Thì đây, không lấy thì thôi”, nói rồi hắn vứt xuống vỉa hè số tiền đáng giá 5 lần tiền công với mục đích buộc người đạp xích lô phải cúi xuống nhặt lên.

Viên tùy viên, trong tình trạng bị kích động, nói:

– Những anh bạn tội nghiệp cũng phải xả hơi một chút.

Grand vứt xác nặng của hắn lên một cái ghế bành. Đột nhiên nhìn thấy Phượng, hắn nói:

– Ê này, ông bạn già Jo, … hay quá nhỉ, cậu kiếm được của này ở đâu đấy? Tớ chẳng bao giờ ngờ cậu lại có mèo đấy. Xin lỗi tớ đi vào nhà tiêu đã. Chăm sóc Mich hộ với!

– Rõ đồ lính tẩy! – tôi nói.

Pyle lại đỏ mặt, trịnh trọng nói:

– Nếu biết trước, tôi đã không dám mời cả hai bạn…

Cái đầu màu xám ngọ nguậy trong chiếc ghế bành, rồi cái đầu rơi bịch xuống bàn y như nó không dính vào đây cả. Từ đống đó một tiếng thở dài phát ra, rồi đến tiếng rít chán chường không có gì đo được, rồi tất cả lại rơi vào sự im lìm.

– Anh có quen anh bạn này không? – tôi hỏi Pyle.

– Không. Chẳng rõ hắn có thuộc vào đoàn phóng viên?

– Tôi thấy Bill gọi anh ta là Mich – Anh chàng tùy viên đáp.

– Hình như có một phóng viên mới của hãng UP.

– Không phải anh này. Tôi quen với hắn. Hay người của phái đoàn kinh tế của anh? Làm sao mà anh biết tất cả người của anh được. Họ đông tới hàng trăm người.

Tôi không tin rằng hắn là người của phái đoàn. Tôi không nhớ đã gặp hắn lần nào.

– Ta hãy tìm xem giấy căn cước của hắn, – Pyle gợi ý.

– Tôi xin can, đừng đánh thức hắn. Một người say đã quá đủ rồi. Vả lại Grand quen với hắn.

Nhưng Grand cũng không biết nổi hắn là ai. Y mặt rầu rĩ từ nhà tiêu đi ra, hằn học hỏi

– Ả này là ai thế?

– Cô Phượng là người tình của ông Fowler – Pyle đáp lại một cách cứng rắn – Chúng tôi muốn biết ai…

– Ông ta kiếm được ả ở đâu thế? Trong thành phố này phải cẩn thận đó nhé. Ơn trời đã ban cho chúng ta thuốc penicilline

– Bill – viên tùy viên nói – Chúng tôi muốn biết Mich là ai.

– Không rõ.

– Nhưng anh mang hắn tới cơ mà?

– Bọn lính dù không xài được Whisky. Hắn chẳng còn biết trời đất là gì nữa.

– Thế hắn là người Pháp à? Tôi tin rằng đã nghe thấy anh gọi tên nó là Mich.

– Thì cũng phải gọi nó bằng một cái tên gì chứ! – Grand đáp (Hắn nghiêng sang phía Phượng) và hỏi: Hê, cô bé này, một cốc nước cam ép nữa nhé. Tối nay có ai chưa?

– Tất cả mọi tối cô ta đều có bạn rồi – tôi nói.

Tùy viên thương mại vội vã can thiệp:

– Bill, anh hãy nói về chiến sự đi.

– Đại thắng ở Tây Bắc Hà Nội. Người Pháp chiếm lại được hai làng. Họ chưa hề thông báo đã mất hai làng đó. Phía Việt Minh thiệt hại nặng. Người Pháp chưa có thì giờ tính những tổn thất của mình, nhưng một vài tuần nữa, chúng ta sẽ thông báo số thiệt hại đó.

– Có tin đồn rằng – tùy viên nói – Việt Minh đã đột nhập vào Phát Diệm, đốt nhà thờ và đuổi giám mục đi.

– Họ không muốn nói đến việc đó ở Hà Nội. Đó không phải là một chiến thắng.

– Một trong các đội cấp cứu của chúng ta chưa bao giờ đi được quá Nam Định – Pyle nói.

– Anh đã đi tới đó lần nào chưa, anh Bill? – Viên tùy viên hỏi?

– Anh coi tôi là người như thế nào? Tôi là một phái viên đi đâu phải có lệnh đi lại, nếu đi quá vi phạm quy định thì lộ tẩy ngay. Tôi đáp máy bay ra Hà Nội. Người ta đem xe ra rước về Trại báo chí. Họ cho bay trên hai thành phố họ vừa chiếm lại được và chỉ cho xem những là cờ tam tài treo trên đó. Bay ở độ cao như vậy thì, trời ơi, cho là cờ gì chẳng được. Sau đó chúng tôi dự một cuộc họp báo, ở đó một viên đại tá cho chúng tôi hiểu đã nhìn thấy những cái gì. Thế rồi chúng tôi thảo những bức điện đưa cho phòng kiểm duyệt. Rồi uống một vài loại rượu. Người phục vụ quầy rượu giỏi nhất Đông Dương. Thế rồi lên máy bay trở về.

Pyle cau mày ngắm cốc bia của mình.

– Anh tự đánh giá mình thấp quá đấy, anh Grand ạ – viên tùy viên nói. – Xem nào, cái bài viết về con đường số 66, anh cho nó cái tên là gì nhỉ? À, đại lộ của địa ngục. Thật chẳng thua gì Puliz 1. Anh hiểu tôi nói đến câu chuyện gì chứ: Con người quỳ trong chiến hào đầu bị chặt đứt và còn một người nữa thì anh nhìn thấy trong giấc mơ…

– Ồ, anh tưởng tôi đã thật sự đi dạo trên con đường chết tiệt đó hay sao? Stephan Kren 2 đã mô tả một cuộc chiến tranh mà chưa hề tới chiến trường. Tại sao tôi không làm được như vậy? Vả lại đây chỉ là một cuộc chiến tranh cướp thuộc địa quèn. Cho tớ uống đi. Rồi đi kiếm gái. Các anh đã có những bộ mông rồi. Tôi cũng đang cần mông đây.

– Anh cho rằng có điều gì thật trong những tin đồn về sự việc xảy ra ở Phát Diệm không? – Tôi hỏi Pyle.

– Tôi cũng không hay biết gì. Việc này có quan trọng không? – Tôi hỏi Pyle.

– Tôi cũng không hay biết gì. Việc này có quan trọng không? Nếu quan trọng thì tôi cũng muốn tới ngó qua xem.

– Quan trọng cho phái đoàn thương mại ư?

– Ồ, anh hiểu đấy, người ta không thể phân chia rạch ròi được. Công việc y tế cũng là một binh chủng, xét cho đến cùng là thế. Những người theo đạo Thiên Chúa ở đây chắc cũng chống cộng dữ lắm, phải không?

– Họ cũng móc ngoặc với cộng sản. Giám mục ở đó mua của cộng sản trâu bò và tre pheo để làm nhà. Tôi chưa dám nói họ đã là lực lượng thứ ba như York Hardin viết đâu, – tôi thêm vào để chọc Pyle.

– Chấm dứt cuộc họp thôi! – Grand la lên – Tôi không muốn tiêu phí cuộc đời ở nơi đây. Dạo một vòng qua nhà năm trăm gái điếm đi!

– Các bạn – cô Phượng và anh – có thể nhận lời ăn bữa tối với tôi không? – Pyle hỏi tôi

Grand ngắt lời, nói:

– Các cậu tới chén ở khách sạn Sale, trong khi tớ làm trò hôn hít ở những nhà lợp tôn ngay bên cạnh. Đi đi, Jo… Ít nhất anh cũng là một người đàn ông.

Tôi cho rằng chính lúc đó, khi tôi tự nghĩ đàn ông phải làm thế nào, lần đầu tiên tôi có thiện cảm với Pyle. Hắn ngồi hơi né ra để tránh Grand và xoay xoay cốc bia bằng những ngón tay, với một vẻ cố ý xa xôi.

– Tôi đoán – hắn nói với Phượng – Cô phải chán ngấy những câu chuyện … có liên quan đến xứ sở của cô, tôi định nói thế.

– Gì cơ ạ?

– Phải làm thế nào với Mich bây giờ? – viên tùy viên hỏi.

– Để mặc hắn ở đây – Grand đáp.

– Sao lại thế được, tên họ của hắn, chúng ta cũng không biết.

– Có thể đưa hắn đi cùng và để bọn gái làng chơi săn sóc cho.

Viên tùy viên phát ra một tiếng cười như trong quảng cáo: Mặt hắn giống hệt một bộ mặt trên màn ảnh vô tuyến truyền hình.

– Các người còn trẻ – hắn nói – muốn đi đâu thì đi. Tớ, tớ quá tuổi để làm các trò như các cậu. Tôi đưa anh chàng này về nhà tôi. Cậu bảo hắn ta là người Pháp à?

– Hắn nói tiếng Pháp.

– Các cậu đưa hắn vào xe tớ hộ.

Sau khi hắn đi rồi, Pyle đi chung một xe xích lô với Grand, còn Phượng và tôi cũng đi theo trên đường đi vào Chợ Lớn, trên một chiếc xe khách. Grand định lên cùng xe với Phượng, nhưng Pyle đã gạt hắn ra. Trong khi những người đạp xe đưa chúng tôi trên con đường ngoại ô dài tới cái thành phố Hoa kiều, một đoàn xe cơ giới Pháp vượt lên; trên một chiếc xe có một khẩu đại bác vươn cổ lên và một sĩ quan bất động và im lặng hệt như một pho tượng gỗ sau những chiếc tàu, dưới vòm trời đen thẫm, khum khum, nhẵn nhụi, dát đầy sao. Chắc lại có xảy ra xung đột với một đạo vệ binh, quân Bình Xuyên đang ngự trên đầu đại thế giới và tất cả các dòng sông bạc ở Chợ Lớn. Nước này đang nằm trong tay các sứ quân, y như một nước châu Âu thời Trung cổ vậy. Thế còn người Mỹ, họ ở đây làm gì? Ông Colome chưa tìm ra lục địa của họ sao?

– Anh chàng Pyle này coi bộ dễ thương – tôi nói với Phượng.

– Anh ta trầm lặng – Phượng nói.

Cái định ngữ này, mà Phượng là người đầu tiên dám cho hắn, sẽ dính với hắn như một biệt danh của một học sinh cho đến khi tôi nghe chính Vigo cũng gọi hắn như thế, khi cái anh chàng Vigo cặp mắt ẩn sau một cái lưỡi trai màu xanh, nói về cái chết của Pyle.

Tôi cho đỗ xe trước quán cơm Sale và nói với Phượng:

– Cô vào kiếm chỗ ngồi ăn. Tôi phải chăm sóc Pyle một chút.

Đây là cử chỉ theo bản năng của tôi: bảo vệ hắn. Chưa hề khi tôi nghĩ bản thân tôi cần phải có một sự bảo vệ lớn như vậy. Sự thơ ngây bao giờ cũng gửi cho sức mạnh hộ mệnh một lời cầu nguyện thầm lặng, trong khi đáng lẽ khôn ngoan hơn chúng ta phải tự vệ chống lại sự ngây thơ. Sự ngây thơ giống như một người câm mắc bệnh phong lại để rơi mất cả chiếc chuông báo hiệu, cứ đi lang thang khắp mọi nơi, tuy không hề có ác ý. Khi tới nhà năm trăm gái điếm, Pyle và Grand đã vào rồi, tôi hỏi ở bót quân cảnh gác ngoài cổng:

– Hai người Mỹ?

Một viên cai lê dương trẻ tuổi đang trực gác. Hắn ngưng việc lau khẩu súng ngắn, lấy ngón tay cái chỉ cho tôi chiếc cửa sau lưng hắn, và nói đùa một câu gì bằng tiếng Đức mà tôi không hiểu.

Trong cái sân lộ thiên rộng thênh thang, người ta đang giải lao. Hàng trăm người đàn bà nằm trên cỏ hay ngồi xổm trên gót chân nói chuyện với nhau. Người ta không buông rèm trước những ngôi nhà bao quanh sân và một cô gái mệt mỏi nằm trên giường, chân nọ chồng lên chân kia. Ở Chợ Lớn đang lộn xộn, binh lính bị cấm trại, gái điếm không có khách, một ngày chủ nhật cho xác thịt nghỉ. Chỉ có một số cô gái la lối, vừa đùa nghịch cho biết trong cái góc này, vẫn còn có sự làm ăn . Tôi lại nhớ tới mẩu giai thoại về một vị khách quý bị lột mất cả quần, mới trốn thoát vào bót cảnh sát. Ở đây, người thường không được bảo hộ khi vào săn trộm trên mảnh đất của nhà binh, thì phải tự bảo về mình và tự tìm cách thoát thân.

Tôi đã học được một kỹ thuật là chia rẽ để chiến thắng. Tôi đã chọn lấy một cô trong số đông đặc các cô bao vây tôi và tôi từ từ dẫn cô ta lại với Pyle và Grand đang vật lộn.

– Tôi già rồi – tôi nói – hết cả gân cốt rồi. (Cô gái cười một cách ngốc nghếch và áp người vào tôi). Anh bạn kia mới lắm tiền và khoẻ lắm.

– Bẩn thế! – Cô gái nói.

Tôi trông thấy Grand mặt đỏ ửng và đắc chí; hắn có thể cho rằng bọn gái bu lại do sự cường tráng của hắn. Một cô khoác tay Pyle và tìm cách kéo anh ta thoát khỏi vòng vây. Tôi đẩy cô gái tôi đã kéo theo vào giữa vòng và gọi:

– Lại đây, Pyle ơi.

Pyle nhìn qua đầu các cô và nói:

– Thật là ghê gớm, ghê gớm.

Mặt hắn nhợt nhạt, có thể do nhiều ngọn đèn khác màu chiếu vào. Tôi chợt nghĩ anh chàng có lẽ còn là trai tân. Tôi lại gọi:

– Lại đây, để mặc cho Grand.

Tôi nom thấy hắn đưa tay vào túi áo. Tôi tin rằng hắn định lôi ra tất cả tiền đỏ, tiền xanh để trong đó. Tôi sẵng giọng kêu lên:

– Đừng có làm trò ngốc. Anh sẽ gây ra một cuộc đánh lộn lớn bây giờ.

Cô gái lại lộn lại với tôi: Tôi lại đẩy cô vào trong vòng các cô đang bao vây Grand.

– Không, không – tôi nói – tôi là một người Anh nghèo, rất nghèo.

Nói rồi tôi nắm tay áo Pyle kéo ra khỏi đám đông; cô gái kia vẫn bám lấy cánh tay kia của hắn như một con cá mắc phải lưỡi câu. Vài ba cô gái định cản đường ra cổng của chúng tôi, nơi anh cai vẫn theo dõi, nhưng các cô này cũng không hăng lắm.

– Tôi phải làm gì với cô này, – Pyle hỏi.

– Cô ta sẽ không làm phiền anh nữa đâu.

Ngay lúc đó, cô bỏ tay Pyle và lại lao vào cuộc tranh nhau quanh Grand.

– Anh ta liệu có nguy không? – Pyle lo lắng hỏi.

– Hắn muốn có mông thì phải mông đấy.

Ở ngoài đường, đêm có vẻ rất yên tĩnh, ngoài việc một đoàn xe thiết giáp nữa vẫn do những người có vẻ quyết tâm kia lái đi.

– Ghê quá… – Pyle nói. – Không bao giờ tôi có thể ngờ thế được… (Và anh ta nói thêm một nỗi vừa buồn vừa sợ). Mà họ đẹp như thế!

(Mời vào trang Văn Học Anh để đọc tiếp)

Nguồn: VN Thư Quán)

NGƯỜI MỸ TRẦM LẶNG Graham Greene Chương 03

ENGLANDChương 3

Chúng tôi không ai nói đến tên hắn khi ngủ dậy, sau hôm hắn chết Phượng đã dậy trước khi tôi tỉnh ngủ và đã pha trà xong. Người ta ai lại còn ghen với người đã chết và sáng hôm đó tôi thấy như dễ dàng sống lại với Phượng cuộc sống ngày xưa.

– Tối nay cô ở lại đây? – Tôi hỏi Phượng với một vẻ cố làm ra tự nhiên nhất, khi tôi ăn chiếc bánh sừng bò.

– Em phải đi mang hòm của em về.

– Có lẽ cảnh binh đang ở đó. Để tôi đi cùng cô thì hơn.

Trong những lời chúng tôi nói với nhau ngày hôm ấy đó là những câu bóng gió gần nhất về hắn.

Pyle có một căn hộ trong một biệt thự mới gần phố Duranton, một phố kề ngay những đại lộ mà người Pháp luôn chia lại để gán cho những tên tướng của họ, vì thế mà quãng phố De Gaul từ ngã tư thứ ba trở thành phố Le Clerc và phố này trước sau chắc sẽ đột nhiên thành phố De Late. Chắc có một nhân vật quan trọng nào từ Âu châu vừa đáp máy bay sang, vì cứ 20 m lại có một cảnh binh đứng gác, mặt quay ra phía hè đường, trên con lộ dẫn tới dinh Cao uỷ.

Trên con đường đi trải sỏi đi đến nhà Pyle có nhiều xe máy đỗ: một viên cảnh sát người Việt xem tấm thẻ phóng viên của tôi. Hắn cấm không cho Phượng vào trong nhà và tôi đi tìm một sĩ quan người Pháp. Trong phòng tắm của Pyle, Vigo đang rửa tay bằng xà phòng của Pyle và cũng dùng khăn mặt của Pyle để lau tay. Cánh tay áo bằng vải trắng của y có vết dầu ăn; dầu của Pyle, tôi đoán như vậy.

– Có gì mới không? – Tôi hỏi.

– Chúng tôi thấy xe hơi của Pyle vẫn ở trong nhà chứa xe. Bình xăng rỗng. Đêm qua chắc hắn đi bằng xe tay, hay đi nhờ xe người khác. Có lẽ họ đã lấy hết xăng của xe hắn.

– Có lẽ hắn đi bộ, – tôi nói – Anh hiểu người Mỹ tính nết ra sao rồi đấy.

– Xe hơi của anh bị đốt cháy rồi phải không? – Vigo tư lự nói tiếp – Anh không thay xe mới à?

– Không.

– Điều này cũng chẳng quan trọng lắm.

– Đúng thế.

– Anh có ý kiến gì không?

– Lắm ý kiến đấy.

– Nói nghe xem nào.

– À, hắn có thẻ bị Việt Minh giết. Họ đã giết khối người ở Sài Gòn. Xác hắn được tìm thấy ở gần cầu Đa Kao, mảnh đất của Việt Minh kiểm soát sau khi đêm đến, cảnh binh của các anh rút về. Hoặc hắn bị bọn liêm phóng Việt Nam giết, điều này có lần xảy ra. Có lẽ họ không ưng những người mà Pyle hay lui tới. Hắn cũng có thể bị bọn Cao Đài giết vì hắn quen với tướng Thế.

– Hắn quen với tướng Thế thật à?

– Có tin đồn như vậy. Có khi lại chính tướng Thế giết hắn vì hắn quen với bọn Cao Đài. Hay có thể bọn Hoà Hảo giết, vì hắn chấp chới với những bà vợ bé của tướng Thế. Trừ khi đơn giản hơn là người ta thịt hắn đi để lấy tiền.

– Hay vì ghen tuông thôi, – Vigo nói

– Cũng không nên quên cánh liêm phóng Pháp, – tôi tiếp, – Bọn này có lẽ không tán thành các hoạt động của hắn. Anh định tìm ra thủ phạm thật đấy à?

– Không. Tôi chỉ làm một bản báo cáo thôi. Hãy coi đó là một việc xảy ra trong cuộc chiến… mỗi năm có hàng nghìn người bị giết.

– Xin anh hãy loại tên tôi ra, – tôi nói – ra khỏi tất cả những gì liên quan – tôi nhắc thêm.

Điều này như một tuyên ngôn về thái độ của tôi. Phận làm người là thế, người ta đánh nhau, yêu nhau, ám sát lẫn nhau, tôi không muốn dính dáng vào đó. Những đồng nghiệp của tôi tự xưng là phóng viên, tôi ưng cái tên phóng viên, người đi làm phóng sự. Tôi viết ra những điều tôi nhìn thấy, tôi không hành động, có một quan điểm cũng là một cách hành động.

– Anh tới đây làm gì?

– Tôi lấy đồ của Phượng. Người của anh không cho cô ta vào.

– Thì cùng đi xem có thấy gì không?

– Vigo tử tế quá đấy!

Căn hộ của Pyle gồm hai phòng, một ngăn bếp và một phòng tắm. Chúng tôi vào trong buồng ngủ. Tôi đã biết nơi Phượng để hòm của cô, dưới cái giường. Chúng tôi lôi hòm ra: Hòm chỉ đựng sách tranh của cô. Tôi lấy từ tủ đứng ra những bộ đồ lèo tèo mà cô dùng để thay đổi, hai áo dài mới và một chiếc quần. Người ta có cảm tưởng là những thứ đó mới mắc ở đây vài giờ, không nằm trong bối cảnh của nhà này; chúng chỉ như tạt qua, như một con bướm lạc vào phòng. Trong một ngăn tủ, tôi thấy những chiếc quần lót hình tam giác và bộ khăn quàng của cô. Không có gì nhiều lắm để chứa vào hòm, ít hơn cả những đồ mà một người khách mang theo khi được mời đến nghỉ cuối tuần.

Trong phòng khách hẹp có tấm ảnh Phượng chụp chung với Pyle tại Thảo cầm viên, cạnh một con rồng đá lớn. Cô ta cầm dây buộc con chó của Pyle, một con chó giống Tàu lông đen, lưỡi đen. Tôi đút ảnh vào trong hòm.

– Con chó ra sao? – Tôi hỏi.

– Không thấy ở đây. Chắc hắn dắt theo.

– Có khi nó sẽ trở về và anh có thể nghiên cứu chất đất dính vào chân nó.

– Tôi không là Le Coq, cũng không là Megré và đang thời chiến mà.

Tôi đi qua phía kia phòng, xem hai ngăn đựng sách: thư viện của Pyle. Những bước tiến của Trung Hoa đỏ, Thách thức nền dân chủ, Vai trò của phương Tây. Tôi đoán đó là toàn bộ tác phẩm của York Hadin. Có hàng tập biên bản những cuộc tranh luận ở Quốc hội Mỹ, một cuốn sách học tiếng Việt, một cuốn lịch sử chiến tranh ở Phi Luật Tân, một cuốn sách của Shakespeare do Nhà xuất bản Thư viện Cận đại ấn hành. Hắn giải trí như thế nào? Tôi tìm thấy tại một ngăn khác những cuốn sách khác nhẹ nhàng hơn là một tác phẩm của Thomas Walfer, loại sách bỏ túi và một hợp tuyển bí hiểm mang tên: Cuộc chiến thắng của sự sống. Ngoài ra, có một số tác phẩm của các nhà thơ Mỹ. Có cả một cuốn sưu tập các ván cờ. Sau một ngày làm việc, đọc những thứ này thì không có gì giải trí lắm, nhưng, tính đến cùng đã có Phượng. Giấu sau cuốn hợp tuyển, có một cuốn sách bìa mỏng mang tên Sinh lý học trong sự kết hôn. Có lẽ hắn đã nghiên cứu về quan hệ nam nữ, cũng như đã nghiên cứu về Phương đông toàn qua sách. Và cái từ chìa khoá ở đây chữ kết hôn. Pyle là người theo quan điểm bao giờ cũng phải có sự cam kết hẳn hoi.

Bàn giấy của hắn không còn vương tí gì.

– Anh đã thu quét sạch giấy tờ, – Tôi nói.

– Ồ, tôi đã phải làm tất cả những việc đó nhân danh đoàn đại diện Mỹ, – Vigo nói, – Anh hiểu đó, những tin đồn lan đi rất nhanh. Căn nhà có thể bị vào lục soát cướp bóc sạch. Tôi đã cho niêm phong tất cả những giấy tờ của hắn.

Vigo nói rất nghiêm túc, không hề có cười cợt chút nào.

– Có những giấy tờ gì có thể gây phiền hà?

– Chúng tôi không thể tự cho phép mình thấy giấy tờ làm phiền hà liên lụy đến ai tại nơi ở của một người đồng minh, – Vigo đáp.

– Anh có cho phép tôi cuỗm đi một cuốn sách để làm kỷ niệm không?

– Tôi sẽ quay mặt đi, làm như không thấy.

Tôi chọn cuốn Vai trò phương Tây của York Hadin và nhét vào hòm cùng với quần áo của Phượng.

– Trên tình bạn thân, – Vigo hỏi, – Anh có điều gì có thể nói riêng với tôi không? Báo cáo của tôi đã làm xong và chấm hết. Pyle bị cộng sản ám sát. Có lẽ việc giết người này bắt đầu cho một chiến dịch chống lại viện trợ cho Mỹ. Nhưng riêng giữa tôi với anh… Này, nói với nhau ở đây thì khát đến bỏng họng mất, ra góc phố làm một cốc Vemus Catse đi, anh nghĩ sao?

– Chưa đến giờ.

– Hắn ta có tiết lộ điều gì với anh trong lần chót hai người gặp nhau không?

– Không.

– Bữa đó là ngày mấy nhỉ?

– Sớm qua, sau vụ nổ lớn…

Anh ta lặng yên, như để những điều tôi nói có thì giờ thấm vào trong óc của… tôi, chứ không phải vào trong óc của anh ta. Anh ta hỏi tôi một cách rất thật thà:

– Chiều qua, khi hắn tới thăm thì anh không có nhà hay sao?

– Chiều qua à? Chắc tôi đi vắng. Tôi nhớ không rõ…

– Một ngày nào đó, chắc anh sẽ cần có một thị thực để xuất cảnh. Anh biết rằng chúng tôi có thể để om cái thị thực đó vô thời hạn?

– Anh tưởng thật rằng tôi muốn trở về nước hay sao?

Vigo nhìn qua cửa sổ ra phía ánh nắng chói chang, trời không có lấy một bóng mây.

– Nhiều người lại muốn được trở về quê hương đấy, – Anh ta nói một cách buồn rầu.

– Tôi ở đây thấy dễ chịu hơn. Về nhà, tôi sẽ gặp phải… khối vấn đề.

– Mẹc! – Vigo thốt ra, – Tuỳ viên thương mại Mỹ đã đến kia (anh ta nhắc lại với một giọng chua chát): Tùy viên thương mại!

– Tôi chuồn thì hơn. Nếu không, hắn sẽ niêm phong cả tôi lại.

– Chúc anh gặp nhiều may mắn, – Vigo nói một cách mệt mỏi. Chắc hắn sẽ có lắm điều để nói chuyện với tôi đây.

Khi tôi ra cửa, viên tùy viên thương mại đứng cạnh chiếc xe Pắcca và cố giảng giải điều gì cho người lái xe. Đấy là một con người giữa hai trạc tuổi, to béo, bộ mông quá ư đồ sộ và bộ mặt như chưa hề biết đến tác dụng của con dao cạo. Hắn gọi tôi:

– Fowler! Anh có thể giảng cho tên lái xe đáng nguyền rủa này…

Tôi giăng họ hắn ta.

– Đây chính là những điều tôi vừa nói cho nó hiểu! – hắn kêu lên như vậy! – Nó cứ làm như không hiểu tiếng Pháp vậy.

– Đó có lẽ do cách phát âm.

– Tôi đã qua ba năm ở Paris. Cách phát âm của tôi đâu đến nỗi tồi quá đối với thằng cha người Việt này!

– Tiếng nói của nền dân chủ, – tôi nói.

– Anh nói cái gì vậy?

– Đó chắc là một tác phẩm của Yord Hadin.

– Tôi không hiểu anh (Hắn nghi ngờ ngó chiếc hòm tôi mang theo). Anh mang cái gì đấy?

– Hai đôi quần lụa trắng, hai áo dài lụa, những chiếc quần lót của phụ nữ, ba đôi thì phải. Toàn những sản phẩm của địa phương. Không có chút gì là của viện trợ Mỹ.

– Anh đã lên gác rồi à?

– Phải.

– Và đã hay tin?

– Phải.

– Đó thật là một điều ghê gớm, – hắn nói, – ghê gớm!

– Tôi đoán chừng rằng ngài bộ trưởng hẳn đã bị xúc động.

– Tôi tin rằng anh đã nói đúng. Hiện nay ngài đang làm việc với Cao uỷ và xin tiếp kiến với tổng thống. (Hắn đặt bàn tay lên cánh tay tôi và kéo tôi ra xa những chiếc xe hơi). Anh quen biết thân với anh chàng Pyle trẻ tuổi đấy chứ? Tôi không thể nào tưởng tượng được rằng một việc như vậy đã đến với anh ta. Tôi đã từng gặp cụ thân sinh ra anh ta, Giáo sư Haron C. Pyle. Anh đã nghe ai nói về ông ta chưa?

– Chưa hề.

– Ông ta là một nhân vật cỡ toàn cầu về khoa xói mòn dưới biển. Anh đã nom thấy ảnh ông ta trên bìa tờ tạp chí Taimơ tháng trước không?

– Ờ, bây giờ hình như tôi nhớ ra rồi. Ở phía trước là cặp kính gọng vàng và một bờ biển đang sụp đổ làm nền cho ảnh.

– Đúng ảnh ông ta đấy. Tôi đã phải thảo bức điện cho người ta gửi đi. Một nghĩa vụ đau xót. Tôi đã yêu quý người bạn trẻ đó như yêu chính con tôi.

– Điều đó làm anh là một người thân thiết với ông cụ thân sinh?

Hắn quay lại tôi, cặp mắt màu nâu ứa lệ:

– Sao anh lại nói thế nhỉ? Đó không phải là cách nói khi một người trẻ tuổi đáng mến…

– Xin lỗi nhé, – tôi nói, – cái chết không gây ra cảm xúc như nhau đối với tất cả mọi người (có lẽ hắn thực sự mến Pyle). Trong điện anh đã viết những gì?

Hắn tưởng tôi hỏi thật thà và trả lời một cách rất nghiêm chỉnh:

– Rất đau lòng báo tin để cụ biết con trai cụ đã hy sinh như một chiến sĩ đấu tranh vì lợi ích của nền dân chủ. Ngài bộ trưởng đã ký điện.

– Hy sinh như một chiến sĩ, – Tôi nói, – Điều đó có gây nên một sự mơ hồ không? Tôi muốn nói là mơ hồ đối với người trong gia đình Pyle. Phái đoàn viện trợ Mỹ không nên để nhập cục với quân đội. Người ta có phát cho anh ta huân chương Trái tim đỏ thắm không?

Bằng một giọng trầm, như nghẹn ngào về sự nhập nhằng, hắn tiết lộ với tôi:

– Anh ta được giao một nhiệm vụ đặc biệt.

– Rõ, rõ, mọi người đều đã đoán ra được.

– Nhưng chính anh ta không tiết lộ gì chứ?

– Ồ không, – tôi nói. Và câu nói của Vigo lại vẳng bên tai tôi: “Đó là một người Mỹ rất trầm lặng”.

– Anh có điều phỏng đoán gì về nguyên nhân của vụ sát hại này không? Hay về hung thủ?

Tôi thấy như giận sôi lên. Tôi đã chán ngấy tất cả bọn này rồi. Họ với trữ riêng về coca cola, với những trạm cứu thương nhỏ lưu động, với những chiếc xe hơi to kềnh và những khẩu đại bác không phải là kiểu cổ.

– Có, – tôi đáp – Người ta đã giết hắn vì hắn ngây thơ quá không sống nổi. Hắn còn trẻ, dốt nát, dại dột và hắn đã dính vào những việc không có liên quan gì đến mình. Hắn không hiểu gì hơn anh về những điều đang diễn ra ở đây, và các anh đã đưa cho hắn tiền nong, sách của York Hadin viết về Phương đông; rồi các anh đã bảo hắn: “Lên đường đi. Hãy tới giác ngộ Phương Đông về nền dân chủ”. Hắn nào thấy gì về những điều hắn đã nghe tả tại một phòng diễn thuyết; và những người viết, những người lên diễn thuyết và đã lừa bịp hắn. Đứng trước một thi hài, hắn không phân biệt nổi những thương tích. Sự đe doạ của cộng sản, chiến sĩ của nền dân chủ đấy!

– Tôi tưởng anh là bạn thân của Pyle – Viên tuỳ viên nói với tôi một cách đầy trách móc.

– Tôi thật sự là người bạn thân của hắn. Tôi ao ước được thấy hắn bận rộn với việc đọc những phụ trương báo ngày chủ nhật ở ngay nhà hắn và chăm chỉ đi xem những trận đánh bóng chầy. Tôi ao ước được thấy hắn sống xa sự hiểm nghèo cạnh một cô bé người Mỹ đúng với khuôn mẫu, có đăng ký làm hội viên của một câu lạc bộ đọc sách.

Hắn ho ho như để đỡ tắc họng, rồi rất ngượng ngập, hắn trả lời:

– Lẽ tất nhiên. Tôi đã quên mất câu chuyện đáng tiếc kia. Tôi đã đứng hẳn về phía anh không dè dặt gì, anh Fowler ạ. Hắn quả không biết cách cư xử. Tôi chẳng ngại nói rằng tôi đã có một cuộc nói chuyện dài với hắn về vấn đề người phụ nữ đó. Anh biết đấy, tôi đã có cái may là quen biết Giáo sư Pyle và phu nhân.

– Vigo đang chờ anh, – Tôi nói và bỏ đi.

Lúc này, hắn vừa nhận ra Phượng; khi quay đầu lại, tôi thấy hắn nhìn theo tôi với vẻ buồn bã và băn khoăn: đúng là ông anh to đầu muôn thủa này đã không hiểu gì hết.

 (mời vô Mục Văn học Anh để đọc tiếp)

Nguồn: Việt Nam Thư Quán

NGƯỜI MỸ TRẦM LẶNG Graham Greene Chương 02

ENGLANDChương 2

Những mụ già vẫn ngồi lê mách lẻo trên bậc thang, trong bầu không khí lúc này đã đỡ bức. Khi mở cửa vào, tôi nhận ra ngay rằng đã có người vào phòng lục soát; mọi thứ đều được xếp lại một cách quá ngăn nắp hơn là tôi tự sắp xếp.

– Hút một điếu nữa chăng? – Phượng hỏi.

– Ừ.

Tôi tháo ca-vát, bỏ giầy; màn phụ diễn xen giữa vở kịch đã chấm dứt. Đêm lại trở lại gần giống như lúc bắt đầu. Phượng ngồi xổm ở chân giường và thắp đèn lên. Con ta ơi, em gái ta, làn da màu hổ phách. Tiếng mẹ đẻ của nàng rất dịu dàng.

– Phượng này, – tôi nói – Phượng lăn viên thuốc trên nõ tẩu. Pyle chết rồi, Phượng ạ.

Cô giơ mũi tiêm lên, mắt ngước cao nhìn tôi, mày nhíu lại, y như một đứa bé đang chú ý suy nghĩ về một vấn đề gì.

– Anh nói sao?

– Pyle bị ám sát chết rồi.

Cô hạ mũi tiêm, thẳng lưng lên, ngồi xệp xuống, mắt dán vào tôi. Không có sự lu loa, không có nước mắt, chỉ có một ý nghĩ… ý nghĩ kín đáo và sâu thẳm của một con người đang sắp phải đảo lộn cả dòng đời mình.

– Ở lại đây đêm nay thì hơn.

Cô gật đầu và lại lấy mũi tiêm nướng thuốc. Đêm hôm đó tôi thức dậy sau một giấc ngủ ngắn và sâu mà thuốc phiện đem lại: mười phút sánh với cả một đêm ngủ và bàn tay tôi đã tìm thấy lại chỗ đặt quen thuộc trên cặp đùi Phượng. Cô ta ngủ và tôi chỉ thoáng nghe được hơi thở của cô. Sau bao nhiêu tháng, tôi lại không cô độc nữa, mặc dù thế, tôi lại sôi lên cơn tức giận, khi nhớ lại Vigo, cái lưỡi trai, Sở Cẩm và những hành lang vắng vẻ và im lặng của Toà lãnh sự và cảm thấy dưới tay mình làn da quen thuộc, tôi suy nghĩ: “Hay chỉ có tôi là người duy nhất thực sự thương yêu Pyle”.

Cái buổi sáng tôi tới quảng trường trước khách sạn Continental, tôi đã chán ngấy các ông bạn đồng nghiệp trong làng báo chí Mỹ, người lớn mà vẫn con nít, kềnh càng và ồn ào, lúc nào cũng tuôn ra những lời châm biếm chua chát đối với người Pháp, dù sao họ cũng là những người phải đánh nhau trong cuộc chiến tranh này. Từng thời kỳ, khi một cuộc giao chiến chấm dứt, khi mọi việc đã được xếp đặt đâu vào đó, những người chết và bị thương đã được mang khỏi chiến trường, họ được mời ra Hà Nội, phải bay non bốn giờ, nghe một bài diễn thuyết của vị tổng tư lệnh và ngủ một đêm tại một trại báo chí, nơi mà họ cho rằng có người phục vụ rượu cừ nhất toàn Đông Dương; người ta cho họ bay trên nơi vừa diễn ra trận đánh, ở độ cao nghìn mét, ngoài tầm bắn của đại liên; họ lại được đưa trở về một cách an toàn, đỗ xuống khách sạn Continental, ồn ào như một đám học sinh sau một buổi đi ăn bữa cơm ngoài trời.

Pyle lặng lẽ, hắn có vẻ khiêm tốn, đôi lúc trong ngày đầu tiên đó, tôi phải cúi xuống mới nghe rõ hắn nói gì. Và hắn nghiêm trang, rất nghiêm trang. Nhiều lần, hắn như tự co lại khi nghe thấy những tiếng ồn ào mà các nhà báo Mỹ gây ra từ tầng gác cao nhất, tầng mà những người dân thường cho rằng không thể đáp lựu đạn tới được. Nhưng hắn không chỉ trích ai.

– Anh đã đọc York Hardin chưa? – Hắn hỏi tôi.

– Chưa. Chưa, tôi tin rằng tôi chưa đọc. Anh ta viết những gì?

Pyle chăm chăm nhìn một cửa hàng bán những đồ uống làm từ sữa bên kia đường phố và nói một cách mơ màng:

– Bên kia như có một dòng suối sô-đa ngon lành.

Tôi tự nghĩ có một chiều nhớ tổ quốc sâu thẳm nào đó đã khiến hắn chọn một điểm để ngắm nghía một cách kỳ lạ như vậy giữa bao nhiêu thứ trong cái quang cảnh nước ngoài lạ lùng này. Nhưng nghĩ lại bản thân khi lần đầu tôi đi dọc phố Catina, tôi chẳng trước hết chú ý tới tủ hàng trưng bày những lọ nước hoa mang nhãn hiệu Guelin là gì và tôi thấy ấm lòng nghĩ rằng từ đây về châu Âu cũng chỉ mất 30 giờ đồng hồ. Hắn ta như luyến tiếc mãi khi thôi không nhìn cửa hàng bán sữa. Hắn nói:

– York đã viết một cuốn sách nhan đề Những bước tiến của Trung Hoa đỏ. Đó là một cuốn sách rất sâu sắc.

– Tôi chưa đọc. Anh quen với tác giả à?

Hắn gật đầu một cách trịnh trọng và lại chìm đắm trong một sự im lặng, lát sau, hắn nói để làm thay đổi cái cảm giác hắn có thể gây cho tôi:

– Tôi cũng không quen tác giả nhiều lắm. Thật ra tôi chỉ gặp anh ta có hai lần.

Điều hắn làm tôi ưng ở hắn là hắn chỉ dám cho mình quen biết anh chàng … anh chàng gì nhỉ? … À York Hardin, là một sự khoác lác. Sau này tôi mới hiểu, hắn ta vô cùng kính nể những người mà hắn gọi là những nhà văn nghiêm chỉnh. Cái từ này loại trừ những người viết tiểu thuyết, những nhà thơ và những nhà viết kịch, trừ khi họ đi vào đề tài mà hắn gọi là đương đại và ngay cả trong trường hợp này, tốt hơn hết là đi thẳng vào sự kiện, vào những tư liệu nguyên thô như người ta thấy trong tác phẩm của York.

– Anh phải biết rằng khi người ta sống lâu năm tại một nước, tôi nói, – thì người ta hết muốn đọc những cuốn sách viết về nước đó.

– Lẽ tất nhiên, tôi quan tâm đến việc những người sống tại chỗ có những điều gì muốn nói, – hắn thận trọng trả lời tôi.

-Sau đó anh thẩm tra lại qua các tác phẩm của York.

– Đúng vậy – Có lẽ hắn ta nhận được ý mỉa mai trong câu hỏi của tôi, vì hắn nói thêm với vẻ lễ độ thường có. Tôi tự coi như được rất ưu đãi nếu anh dành được một chút thời giờ cho tôi biết những điểm chính của tình hình. Anh hiểu đấy: York đã xa nơi đây hơn hai năm rồi.

Thái độ sòng phẳng của hắn đối với Hardin làm tôi vui lòng dù Hardin là ai đi nữa. Hắn không giống như những tên bạn của hắn chỉ biết chê bai và trâng tráo một cách ấu trĩ.

– Chúng ta hãy làm thêm một chai bia thứ hai, tôi nói, tôi sẽ thử cho anh hiểu về tình hình hiện nay.

Tôi bắt đầu nói và hắn nhìn tôi chăm chú như một học trò ngoan. Tôi giải thích về tình hình phía Bắc – xứ Bắc Kỳ – nơi mà hiện nay người Pháp đang cố bám lấy châu thổ sông Hồng, nó gồm cả Hà Nội và cái cảng độc nhất của miền Bắc là Hải Phòng. Đó là nơi có những cánh đồng lúa và khi gió mùa về là lúc diễn ra cuộc chiến đấu hàng năm để giành giật thóc gạo.

– Đấy là tình hình miền Bắc, tôi nói, những ngưòi Pháp tội nghiệp có thể cầm cự được, nếu những người Trung Hoa không tới giúp đỡ cho Việt Minh. Đây là một cuộc chiến tranh giữa nơi rừng núi và ruộng lầy, những nơi người ta lội nước đến tận vai và quân thù bỗng biến mất, chôn vũ khí và khoác bộ áo nông dân vào người… Nhưng họ có thể chết mục giữa những tiện nghi đầy đủ trong sự ẩm ướt của Hà Nội. Họ không thả bom xuống đó, trời cũng không hiểu tại sao. Người ta có thể nói đó là một cuộc chiến tranh kiểu chính quy.

– Còn ở miền Nam này?

– Người Pháp kiểm soát được những đường giao thông chính cho tới bảy giờ chiều; sau đó họ kiểm soát được các chòi canh và một phần của các thành phố. Điều này không có nghĩa rằng ở đây được an toàn, vì nếu thế thì chẳng cần có lưới thép trước các tiệm ăn nữa.

Không biết bao nhiêu lần tôi đã phải giải thích về những điều này. Tôi thấy tôi như một cái đĩa hát mà người ta quay cho bất kỳ kẻ nào mới tới nghe: những nghị viên của Quốc hội, ngài bộ trưởng mới của Anh quốc… Có khi tôi thức giấc ngay giữa đêm, miệng nói lảm nhảm: “Hãy xem trường hợp những người theo đạo Cao Đài hay những ngưòi theo đạo Hoà Hảo, bọn Bình Xuyên hay tất cả những đội vệ binh đánh nhau thuê vì tiền hay vì thù hằn lẫn nhau”. Những người nước ngoài coi đó thật ngoạn mục, nhưng có điều gì là đẹp đẽ trong sự ngờ vực hay phản trắc?

– Và bây giờ, – tôi nói tiếp, – là tướng Trịnh Minh Thế. Lão ta đã là tham mưu trưởng của quân đội Cao Đà, nhưng đã đi vào rừng để đánh lại cả hai bên, quân Pháp và quân Cộng sản …

– York đã viết, – Pyle nói, – rằng cái cần phải có ở phương Đông là một lực lượng thứ ba.

Có lẽ lúc đó tôi đã phải nhận thấy trong mắt hắn ánh lên sự cuồng tín, thấy sự phản ứng mau lẹ của hắn trước những công thức đã được thừa nhận, hay trước ma lực của những số thứ tự như Đội quân thứ năm, Lực lượng thứ ba, Ngày thứ bảy. Tôi đã tránh được cho tất cả mọi người cho cả Pyle nữa, biết bao nhiêu sự phiền toái, nếu như tôi hiểu được bộ óc non trẻ và không mệt mỏi của hắn đang hoạt động theo phương hướng nào. Nhưng tôi đã để hắn trước cái hậu cảnh lởm chởm những thây ma đó và tôi đi bách bộ hàng ngày dọc phố Catina. Hắn phải tự tìm hiểu được cái hậu cảnh thật, cái hậu cảnh nó giữ người ta ở lại đây mãnh liệt như một thứ hương thơm: những cánh đồng rực vàng khi mặt trời sắp lặn nom dẹt đi; những chiếc vó mắc vào bộ gọng mảnh khảnh bay lên bay xuống như những con muỗi khổng lồ trên những cánh đồng; những chén nước trà uống với vị thầy tu già trên gác thượng của tu viện, bên chiếc giường, cuốn lịch quảng cáo, những chiếc xô, chiếc chén mẻ, như những vật trôi giạt của cả một cuộc đời mà thời gian đã vứt bỏ lại quanh chiếc ghế tựa của thầy; những chiếc nón lá của các cô con gái sửa đường nơi một quả mìn vừa nổ; màu kim tuyến, màu xanh non và chiếc áo dài sặc sỡ ở miền Nam; màu nâu thẫm, những bộ quần áo thâm, vòng núi do phía bên kia chiếm giữ, tiếng máy bay ù ù ở miền Bắc. Khi mới tới, tôi đếm từng ngày trên cuốn lịch. Tôi tưởng tôi gắn bó với cái gì còn sót lại của một quảng trường thành phố Blombre, với chuyến xe hơi công cộng số 73 chạy qua cổng Oston và với cái quán ăn tại quảng trường Torington khi mùa xuân tới. Lúc này dù hoa huệ hay tulip có thể đang nở trong công viên, tôi cũng chẳng hề quan tâm. Tôi chỉ ham sống những ngày có những tiếng nổ đanh gọn, có thể là tiếng nổ của xe máy hay của lựu đạn, tôi chỉ muốn nhìn theo bóng dáng những người mặc quần lụa thâm duyên dáng đi lại trong bầu không khí nóng ẩm của phương Nam, tôi chỉ ao ước Phượng và tổ ấm của tôi đã xê dịch đi tới mười lăm nghìn ki-lô-mét.

Tôi đi vòng qua dinh Cao uỷ, nơi những tên lính lê dương đội mũ kê-pi trắng và đeo ngù vai sặc sỡ đứng gác, qua đường sát Nhà thờ Lớn và lộn lại dọc theo tường của Sở Liêm phóng Việt Nam, nơi mùi nước tiểu và cả sự bất công toả ra sặc sụa. Và những cái đó cũng trở thành của quê tôi y như những hành lang tối om trên tầng gác cao của nhà tôi xưa, những nơi mà lúc nhỏ người ta cố tránh. Những số mới xuất bản của những tờ tạp chí khiêu dâm như cấm kỵ và ảo ảnh, đã được trưng bày ở các giá hàng, gần với bến cảng; những lính thuỷ nốc rượu bia trên vỉa hè; những cái đích rất ngon cho một quả bom tự tạo. Tôi nghĩ tới Phượng lúc này có lẽ đang mặc cả mua cá tại đường phố thứ ba về phía tay trái, trước khi cô đi ăn nhẹ ở hiệu bán sữa vào hồi mười một giờ, vào thời đó, tôi có thể tìm thấy Phượng bất cứ ở đâu và vào giờ nào và tất nhiên đầu óc tôi không cần bận tâm nghĩ đến Pyle nữa. Tôi cũng chẳng nói về hắn ta với Phượng khi chúng tôi ăn bữa sáng ở phòng tôi, trên gác khách sạn phố Catina. Hôm đó, Phượng mặc chiếc áo dài lụa hoa đẹp nhất của cô, vì hôm đó là ngày kỷ niệm hai năm trước đây chúng tôi gặp nhau ở Chợ Lớn, tại nhà Đại thế giới.

 (Mời vô mục Văn Học Anh để đọc tiếp)

Nguồn: Việt Nam Thư Quán

CÂY HUÊ XÀ

VIETSơn Nam

Cây huê xà là thứ cây gì? Hình dáng ra sao? Có thiệt hay là bịa đặt? Nó có lợi hay là có hại cho loài người? Bao nhiêu câu hỏi ấy dồn dập, lẩn quẩn trong trí thằng Lợi hằng năm nay mà nó không tài nào trả lời nổi.

Cây huê xà vốn là vị thuốc chánh trong toa thuốc ngừa rắn của ba nó. Nhờ đó mà đi đến đâu người ta dều khâm phục; ba nó nổi danh là thầy Hai Rắn. Ðược nổi danh là một chuyện khó vì lẽ ở vùng Rạch Giá, Cà Mau, thầy rắn xưa nay cũng nhiều người tài. Họ có thể cứu sống nạn nhơn, bảo đảm trăm phần trăm, nếu người bị cắn không để lâu quá hai giờ đồng hồ. Họ dùng toàn thuốc Nam dễ kiếm như gừng, cỏ ống, vôi, trầu, nhựa ống điếu, trứng rệp… Họ lại còn dám nuôi trong nhà vài con rắn để bắt chuột. Lúc họ uống nước trà, rắn nằm vắt vẻo trên đòn dông nhà, nhìn xuống gục gặc đầu. Ðêm nào có trăng thì rắn đi ngao du, lên tận trên đọt lá dừa để bắt chim trong ổ hoặc rình mổ mấy con dơi rượt muỗi bay qua chớp nhoáng.

Tiếp tục đọc

BÊN THẮNG CUỘC tập một – Chương 07

07GIẢI PHÓNG

Cuộc chiến tranh được gọi là giải phóng có thực sự giải phóng sau những gì mà những người cộng sản áp dụng tại miền Nam (Sài Gòn thay đổi/ Kinh tế mới/ Đốt sách/ Cạo râu/ “Cách mạng là đảo lộn”/ Lòng người/ Những người sinh ra không đúng cửa/ “Cánh cửa” Thanh niên xung phong/ Cửa không đủ rộng/ “Nổi loạn”/ “Sài Gòn lại bắt đầu ghẻ lở”).

Nhiều người Việt đã cầm súng với niềm tin họ chiến đấu là để giải phóng miền Nam. Trong suốt nhiều thập niên, truyền thông nhà nước đã lặp đi lặp lại điều này như là chân lý. “Giải phóng” là cách nói để mô tả sự kiện kết thúc vào ngày 30-4-1975. “Giải phóng” là từ không chỉ được dùng bởi những người đi từ trong các chiến khu mà còn được nói như một phản xạ tự nhiên của không ít người dân. Có hàng triệu người đã bỏ nước ra đi, nhưng hàng chục triệu người miền Nam vẫn chọn con đường ở lại, rồi chính họ sẽ có những trải nghiệm đáng nhớ về “giải phóng”.

 

Tiếp tục đọc